Monday, April 21, 2008

Ngày tết, Kể chuyện 40 năm trước… tết Mậu Thân ở Huế…

Tuệ Chương Hoàng Long Hải

Chiều Đi Qua Bãi Dâu…

Sông Hương, núi Ngự là hai biểu tượng của Huế.
Năm 1992, ở trại tỵ nạn Sungei Beshi ở Mã Lai, cựu thiếu tá W. Johnston, trưởng phái đoàn Mỹ - gọi là phái đoàn nhưng tôi chỉ thấy một mình ông ta - phỏng vấn tôi để xét cho đi định cư ở Mỹ, nói với tôi:
- “Việc phỏng vấn coi như xong. Bây giờ tôi muốn nói chuyện ngoài lề chơi. Tết Mậu Thân, ông ở đâu?”

Thấy ông ta muốn nói chuyện chơi, tôi hăng hái:
- “Tôi ở Huế, chưa nhập ngũ. Huế là cựu kinh đô…”

Ông ta ngắt lời tôi:
- “Tôi đã ở Huế. Tôi rời Huế trước tết một tháng. May cho tôi. Huế đẹp lắm. Ông biết tôi thích cái gì ở Huế nhứt không?”

- “Ông không thể thích cơm hến hay bún bò… còn về cảnh sắc thì Huế có sông Hương, núi Ngự, cầu Trường Tiền…”

Ông ta lại cắt ngang:
- “Ông có bao giờ đứng trên cầu Trường Tiền nhìn con gái đi học về ngang qua cầu không? Những tà áo trắng bay trên cầu, trên mặt sông êm đềm, trong cơn gió nhẹ. Sao mà nó đẹp thế! Tôi đã đi nhiều nước trên thế giới, chưa nơi nào tôi thấy cảnh học trò đi học về đông và đẹp như thế.”

Tôi mới sực nhớ cái cảnh ấy, tôi đã thấy nhiều lần khi còn ở Huế. Vậy mà hồi đó, ít khi tôi để ý tới.

Johnston lại hỏi:
- “Ông có thấy sông Hương êm đềm không? Trên địa cầu có rất nhiều con sông êm đềm, nhưng không có con sông nào như thế. Nó là hồ, không phải là sông.” Ngưng một lát, Johnston nói tiếp: “Vậy mà bây giờ báo chí thế giới gọi Huế của ông là thanh phố của tử thần đấy! Ông nghe có buồn không! Tôi thì buồn lắm. Tôi không muốn nơi tôi từng sống qua, dù lâu hoặc mau, không bao giờ là địa ngục, là nơi của tử thần.”

Tôi ngồi lặng thinh, không nói được một lời.
Tới đó, Johnston đứng dậy, cầm hồ sơ, bắt tay tôi. Tôi lặng lẽ ra khỏi văn phòng, ngay sau lưng ông ta.

Tại sao người ta gọi sông Hương là hồ, không phải là sông?
Tại vì mặt nước êm quá, êm như hồ, nên người ta nghĩ là hồ. Nếu như nước có chảy thì chảy chậm lắm, người ta cũng gọi là “sông Hương lững lờ trôi” như trong một bản nhạc của Nguyễn Văn Thương.
Có lẽ mấy câu thơ sau đây, nói về sông Hương khá hay:
Con sông dùng dằng, con sông chảy,
Sông chảy vào lòng, nên Huế rất sâu.

Tôi hiểu mấy câu thơ nầy theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng của nó. Con sông dùng dằng hay con người dùng dằng, muốn bỏ Huế mà đi nhưng không dứt ra được? Sông chảy vào lòng sông hay chảy vào lòng người. Mà lòng người Huế thì rất sâu, rất đậm trong cả vui buồn, nhung nhớ, yêu thương và cả màu sắc vô thường của Phật. (1) Nói theo hiện thực thì có xác người nào chết hồi Mậu Thân mà chưa được vớt lên nên làm cho sông dùng dằng? Vã còn bao nhiêu linh hồn người chết oan hồi tết năm đó làm cho giòng nước khi chảy qua đó bỗng ngại ngùng không muốn trôi?!

Chỗ hai nhánh sông gọi là Tả Trạch, Hữu Trạch gặp nhau phía trước lăng Minh Mạng, chỗ thường được gọi là bến đò Tuần. Bến đò bên nầy sông, phía từ Huế lên, qua ngã lăng Tự Đức, Khải Định. Bên kia là lăng Minh Mạng, có con đường nhỏ cặp theo bờ sông lên tới lăng Gia Long.

Vì là chỗ hai nhánh sông gặp nhau, lưu lượng hợp lại, nên nước sông chảy mạnh, theo hướng tây-nam lên đông-bắc. Chưa được bao xa thì sông Hương gặp đồi Hà Khê, chỗ có chùa Linh Mụ. Gặp đồi Hà Khê, con sông không chảy theo hướng cũ, quay ngoắt thành hướng tây đông. Chính đồi Hà Khê ấy chặn giòng nước lại, làm cho sông không chảy mạnh như trước. Nhưng qua khỏi Hà Khê thì sông lại rộng ra gần gấp đôi, đủ chứa hết lượng nước qua khỏi khúc quanh Hà Khê mà tràn vào. Sức chứa của khúc sông rộng làm cho nước chảy chậm lại. Giòng sông lại gặp cồn Giả Viên, cản thêm một lần nữa, nước chảy êm hơn. Khi chảy ngang trước thành Huế, hay nói rộng ra là thành phố Huế, sông chảy từ từ. Thế mà giòng nước lại còn phải đụng nhằm cồn Hến, dồn lại, thành ra ở khúc sông ở cầu Trường Tiền, nước chảy chậm lắm, tưởng như đứng yên một chỗ, là cái hồ rộng.

Mặc dù các sông ở miền Trung đều phát xuất từ Trường Sơn như sông Hương, nhưng về mặt địa lý, không có con sông nào có những vật cản, khoảng rộng như sông Hương để sông biến thành hồ. Cảnh sắc đặc biệt ấy do chính các chúa Nguyễn có nhãn quan tinh tế mà thấy được nên chọn nơi ấy làm kinh đô. Chuyện bà mụ trêm trời hiện xuống để ngày sau gọi là Thiên Mụ thì cũng chỉ là những huyền thoại được bày đặt ra cho thêm phần tín ngưỡng vào cái mệnh trời được trời ban cho dòng dõi nhà Nguyễn mà thôi, để ngai vàng thêm vững chắc, “vạn đại dung thân”.

Qua khỏi cồn Hến, sông Hương lại quặt về hướng tây bắc, tạo thành một mũi nhọn hình tam giác. Chỗ nầy là đất bồi rất tốt, gọi là bãi dâu. (Bãi Dâu).

Theo cách gọi của người miền trung (Không thấy người Nam gọi như thế), những chỗ đất do sông bồi cao gọi là hà. Đất hà tốt, thường người ta dùng để trồng bắp, cà, đậu, ớt, thuốc lá; không trồng lúa vì đến mùa lũ, đất hà có thể bị ngập lụt. Bắp, cà, đậu, ớt… chỉ trồng ở vùng đất khô, trong mùa hè mà thôi. Sau tháng tám mới có ngập lụt. Nếu đất hà hơi cao, có thể làm nhà ở được, lập thành xóm thì người ta gọi xóm ấy là xóm Hà. Trong bài tôi viết về bác sĩ Lê Trọng Lộc, - “Người từ Đại Lộ Kinh Hoàng ra đi” – thì cái xóm thời thơ ấu của ông là xóm Hà, chỗ gặp nhau của hai con sông Vĩnh Định và sông Thạch Hãn.

Tôi không hiểu vì sao vùng bãi dâu nguời ta không gọi là đất hà hay xóm hà. Có lẽ có một thời kỳ nào đó, khi triều Nguyễn đóng đô ở đây, kinh tế Huế tự túc. Gạo thì do dân chúng quanh vùng trồng trọt bán lại cho Huế. Vua và hoàng tộc thì có những sở ruộng riêng của họ, gọi là ruộng Ngự. Cây trái, rau quả, cau trầu, mũ nón, quần áo thì do các vùng chung quanh cung cấp, v.v… Kể từ vua Khải Định trở về trước, các ông vua đều nhai trầu bỏm bẽm. Không biết khi bị đày qua đảo Reunion bên châu Phi, vua Thành Thái, vua Duy Tân, có thèm trầu hay không. Bên đó làm gì có trầu cho vưa “ngự”.

Do tình hình kinh tế tự túc. Huế mới có nhũng câu ca dao như: “Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh”, hoặc Triều Sơn bán nón, Mậu Tài bán kim.” hoặc “Con gái Nam phổ, ở lỗ trèo cau.” Tiếng Huế, ở lỗ có nghĩa là ở truồng. Các danh tự riêng nói trên là tên các làng quanh Huế, có đặc sản của làng.

Vì kinh tế tự túc, nên có phải thời nhà Nguyễn, vùng nầy có “trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải” như câu thơ trong “Lời mẹ dặn” của Phùng Quán. Phùng Quán gốc là người Huế. Vì cần dệt vải cung cấp cho vua quan, nên người ta phải nuôi tằm, và bãi dâu trồng dâu để nuôi tằm như trong câu thơ của Phùng Quán.

Vùng đất êm đềm đó, trong chiến tranh, từ 1945, trở thành trận địa. Hai bên đánh nhau mấy trận, người chết kẻ bị tương, nhà cháy! Cũng chưa đến nỗi gì đâu! Ba mươi năm chiến tranh, đất nước Việt Nam nơi nào mà chẳng thành trận địa. Đều đáng buồn hơn thế. Trong tết Mậu Thân, Bãi Dâu biến thành bãi tha ma, hàng trăm người bị giết, bị chôn sống ở đó, để một buổi chiều nào đó, qua thăm vùng này, Trịnh Công Sơn viết:

Chiều đi qua Bãi Dâu, hát trên những xác người
Tôi đã thấy, tôi đã thấy,
Trên con đường, người cha già ôm con lạnh giá

Chiều đi qua Bãi Dâu, hát trên những xác người
Tôi đã thấy, tôi đã thấy,
Những hố hầm đã chôn vùi thân xác anh em.(2)

Hát chưa hẵn là vì vui. Thiếu gì lúc, người ta hát mà khóc. Trịnh Công Sơn, một nhạc sĩ thường nói cần có “một tấm lòng” thì làm sao ông có thể vui được khi thấy những xác người bị chôn sống, bị thác oan. Có ông già ôm xác con. Già thì còn đó mà trẻ đã ra người thiên cổ. Điều đó đâu có đúng theo luật tạo hóa. Trịnh Công Sơn hát là khóc than cho họ đấy, cho những người bị chôn sống mà ông coi họ như anh em.

Kể bằng lời thì dễ, viết lại cũng dễ, chưa nói là viết dỡ, không thể nào mô tả hết vẻ kinh hoàng của Bãi Dâu. Nhưng tận mắt mà thấy mới thật kinh hoàng. Buổi chiều đến thăm người bạn ở đường Chùa Bà, cách Bãi Dâu không xa, chúng tôi bèn rủ nhau xuống đó, để xem tận mắt điều thiên hạ đang bàn tán xôn xao. Bà con đã đào hầm hố lên, đem xác đi hết rồi, nhưng từ cái hầm đầu tiên, đất đai moi bới lên lổn chổn, thấy còn sót lại những vật riêng tư, mảnh áo, mảnh quần, những chiếc dép, sợi giây buộc tay người bị chôn sống, ai không khỏi quặn lòng vì thương cảm. Rồi từ hầm ấy tới những hầm khác, hầm khác nữa, lại hầm khác nữa, hầm khác nữa… trãi dài trước mắt bao nhiêu là hầm chôn sống người, cũng những cảnh tương tự như vậy, mới thấy kinh hoàng, thấy lạnh người.

Khó ai có thể tưởng tượng được sự tàn ác của còn người ta đến như vậy. “Sao ác dữ vậy?! Sao ác dữ rứa?! Ác chi mà ác rứa trời ơi! Trời ơi ngó xuống đây mà coi.” Đó là tiếng người dân Huế than thở, oán trách. Một tiếng than là một mũi tên đâm thấu lòng nhân ái của con người. Người còn nhân tính thấy lòng mình đau lắm khi nghe tiếng than của người dân vô tội. Nếu so với các ác của Đức quốc Xã, của Liên Xô thời Staline, của Trung Hoa thời Mao Trạch Đông, cái ác nầy ở Huế không thua kém chút nào!

(1) Về mặt tôn giáo, khi triều đình nhà Nguyễn đang còn, người ta thấy xã hội miền Bắc thiên về đạo Nho, nhất là Tống Nho, miền Nam thiên về đạo Phật, khuynh hướng dân giả, pha hợp tà ma bùa chú. Huế ở giữa, là điểm tiếp nối của hai miền, vừa “thâm” Nho trong triều chính, và “đậm” Phật trong đời sống xã hội. Xin trở lại đề tài nầy trong một dịp khác.

(2) Sau 1975, ở trong nước, người ta không thể tìm thấy bài hát nầy cũng như bài hát “Gia tài của mẹ”. Trịnh Công Sơn cũng không hề nhắc đến các bài hát ấy. Trịnh Công Sơn “khôn” nhỉ?

No comments:

Blog Archive