Tuesday, April 1, 2008

ĐUÔN CHÀ LÀ.

Hai Quẹo

Đuôn chà-là sinh trưởng trong đọt cây chà-là thuộc rừng nước mặn. Cùng loại đuôn này, giống nhau như một, mà sống trong đọt dừa thì được kêu là đuôn dừa.

Sau đây là vài kinh nghiệm thực tế xin kể lại quí vị nghe để khuây cũng được một vài phút giây. Nếu ai chưa hình dung được con đuôn ra làm sao thì xin nhìn thử mấy bà ở quê nựng con hay cháu trai thì biết. Bã bợ nách đứa bé lên khỏi đầu, úp mặt vô chỗ dễ nhột nhứt, vừa hôn vừa ngoạm vừa nói giọng ngọng nghịu: “Ồ chó ẽ! Dét quá i nè! Chắn nó. Bà chắn cho ứt con uôn cho dồi”. Thằng nhỏ cười ngắc ngoẽo. Cắn cho đứt “con đuôn” cho rồi? Có phải nó thiệt y vậy không thì hạ hồi phân giải.

Trước hết xin nói qua vìa cây chà là cái đã.

1- Cây chà-là. Mọc nhiều trong rừng nước mặn duyên hải miền Nam nước Việt. Nó sống chung chạ với các loại cây khác như: mắm, đước, tràm, bần, dà dẹt, dừa nước, rán chổi, v.v. Đặc biệt đất Vĩnh Bình (Trà Vinh bây giờ) có nhiều rừng chà-là nên một thời đã nổi tiếng về đuôn này.

Cây chà-là thuộc loại palm trồng làm kiểng và bà con rất xa với chà-là ăn trái Phi Châu. Thân cây bự cỡ cây tre gai và suông đon như cây cau, cao từ 3-5 thước, da màu nâu nâu tươi láng lỉnh. Khác với cây cau trong ruột mềm, chỉ dùng vỏ làm máng xối, cây chà-là cứng và chắc vì đặc ruột nên người ta dùng nó để cất nhà, làm cột kèo, đòn tay hoặc làm nhiều thứ khác như hàng rào, chuồng heo, sàn nò, sàn đáy, đóng cừ đủ thứ chuyện.Trái kết từng chùm từng buồng như cau kiểng hay quày đủng đỉnh, tròn dài nhỏ như lóng ngón tay út, vỏ mỏng te, thịt là khối hột cứng. Hái thử bỏ vô miệng nhăn chơi thấy nó chát chát lạc xèo. Trái già chín đỏ, nom cũng nên văn nên thơ lắm. Tàu lá nho nhỏ, mành hơn tàu cau, cong xuống thướt tha bóng mượt. Lại càng nên thơ hơn. Đứng xa mà nhìn, thấy cái tàn tròn vo xanh xanh vàng vàng loang loáng nắng hè hoặc óng ánh trăng đêm, hồn thơ dễ tuôn trào ra ướt.. lắm. Nói vậy để khi sáp lại gần cọ sát với thưc tế thì quí vị sẽ thấy, ới ông trời ơi, gai ơi là gai, thấy bắt lạnh mình. Gai dài cở 1, 2 tấc là thường. Nó tua tủa, nghênh ngang như thể có nhiệm vụ bảo vệ cái đọt trong đó chứa cái món quí: Con đuôn.

Những cây gai thẳng băng, bén ngót đó, dù còn trên cây hay rụng xuống đất, nếu ai sơ ý đạp lên có thể bị đâm xuyên bàn chơn như chơi. Đốn nó mới khó trần thân. Bắt tay vô đốn thử một cây mới biết đá vàng, hồn thơ sẽ bay mất, chỉ còn lại mồ hôi lai láng, có khi pha máu. Cái cây gì mà quái ác như vậy nên ít có ai muốn đem vìa nhà trồng làm kiểng, bị bỏ lại xa trong rừng. Nhưng ở mặt khác, nó lại rất gần với mơ ước, nằm trong óc tưỡng tượng của nhiều người thích của lạ: cái chút nị mà dễ thương hết chỗ nói: con đuôn!

2.- Con Đuôn. Cùng một cha một mẹ là con kiến dương mà có khi chúng bị người ta kỳ thị và đối xử bất công lắm. Kiến dương nơi nào mà hông có. Do đó đuôn cũng sồng nhiều nơi. Có con thì sống ở đọt cây dừa, đủng đỉnh, cây mía hoặc trong đọt cây mây, cây le, v.v. Dù sanh ở đâu, sống trên cây nào, tất cả họ đuôn này đều là một giống một nòi: Kiến dương.

Cũng là con đuôn y chang như nhau, từ con ấu trùng, nó tiến lên thành con đuôn, rồi ăn bạo ăn tạp để hoá kiếp thành con kiến dương trở lại. Khoảng vào cuối thu, kiến dương bay đi tìm đọt chà-là hay đọt dừa đẻ trứng lên đó. Trứng nở ra sâu. Con sâu ăn từ trên xuống rồi chui vô kho tàng thực phẩm là khối đọt ngọt mềm mà người ta kêu là củ hũ. Các loại củ hũ dừa, chà-là hay đủng đỉnh, tất cả đều trắng, ngọt, giòn như nhau, xào ăn ngon hơn măng tre. Vậy mà người ta chỉ thích con đuôn trong củ hũ chà là, cái cây ác ôn côn đồ gai không! Lạ vậy chớ. Và cũng là loại bọ còn có con bù-rầy (bọ rầy).

Trong khi kiến dương chuyên địt tửa trên ngọn cây để con cháu nó ăn đọt ngon thì con bù rầy đẻ trứng dưới đất, thành con đuôn đất, chỉ ăn rễ cỏ rễ cây. Kiến dương màu đen giống con bù hung (bọ hung). Con đực có cặp sừng trên dưới như sừng tê giác, con nít bắt chơi, cho nó chém lộn, như đá dế vậy. Nhưng mà đừng thấy con kiến dương đen thui mà nghĩ con đuôn cũng có nước da màu than đước. Không đâu.

Con đuôn chà-là trắng ngà trắng ngọc như da đùi non thiếu nắng. Hoặc dễ hiểu hơn, dù cha mẹ là Mỹ đen nhưng lại sanh ra baby da trắng. Ngộ vậy đó. Miêu tả cho ra hình dáng của nó thì thật khó. Vì nó co giản quẹo ngay bất thường lắm. Khi thì nó dài giống con sâu gòn, khi thì ngắn in như đỉa trâu bú no, ngo ngoe lăn tròn. Nói cho đẹp thì nó giống cục bột se, cái tổ kén, đầu đít khó phân, lưng bụng tròn lỉnh. Quan sát thật kỹ mới thấy: phần đầu có cái mày nhỏ hình nửa hột đậu xanh cà, vàng sậm, rất cứng, đó chính là cái đầu, cũng là bàn nạo, máy đào; phía đầu đối diện là cái đít, chỉ có cái vảy nhỏ xíú. Trên lưng có lông măng thật nhuyễn mịn mắt nhìn khó thấy. Toàn thân láng mướt như có thoa kem bà Hạnh Phước. Mình có ngấn ngang, lúc nào cũng cữ động theo dợn sóng, mấp mô mấp mô. Khi thun mình teo lại, da nó nhăn nhíu coi rất thảm hại, y chang cái mà bà mẹ nựng con so sánh.

Cắn cho đứt con đuôn. Nhưng con đuôn này thuộc loại king size, cỡ size ngón chân cái là thường. Bắt một con bỏ vô lòng bàn tay và nắm lại thì mới thật là “ấn tượng”. Nếu ai chưa quen với độ cương xìu mềm cứng của nó thi sẽ nổi da gà. Nếu quen rồi, nghe cái âm ba gờn gợn, nhột nhạt khó tả thì sẽ mê mẩn nắm hoài không buông. Và cũng chính nhờ tính đàn hồi mà lỗ lớn lỗ nhỏ gì nó cũng chui lọt hết. Lấy một lóng mía, chừa mắt một đầu, dùng chiếc đủa soi đầu kia một lổ sâu chừng 2, 3 phân, mớm mớm cái đầu con đuôn vô miệng lỗ, hồi sau nó chui vô một khúc, để yên suốt đêm, nó chun mất tiêu và đùn ra phía trên miệng lỗ xác mía khô nén cứng như nút chai. Tối tối còn ôm theo khúc mía vô mùng ngủ để nghe con đuôn xục xạo trong hang. Đó là trò chơi của tui thời con nít. Con đuôn non thì màu trắng, càng già càng đổ ra vàng. Khi nó biến ra màu nâu thì quá già, khó ăn. Bắt đuôn ra để lâu ngoài gió nó cũng sẽ bị vàng, hết trắng, như kiểu mấy tiểu thư lần đầu lột quần áo tắm biễn, da bị ăn nắng.

Sau đây, xin kể sơ qua chút kinh nghiệm vìa cách bắt đuôn.

3.- Cách đốn đuôn: Mùa đuôn bắt đầu lúc ra giêng, khi thời tiết khô ráo. Kể từ lúc mới sanh cho tới tuổi ăn được phải mất 3, 4 tháng. Muốn đốn đuôn phải biết cách tìm dấu và cần một số dụng cụ. -

Tìm dấu đuôn. Như đã nói con ấu trùng, tiền thân của đuôn, chui từ đọt ăn xuống củ hũ. Vậy thì một hay hai cái đọt đó coi như tiêu, sẽ thành cái lá khô, và cây bị cụt ngọn. Đó là dấu hiệu đầu tiên. Quan sát thêm coi chung quanh ngọn có bị thẹo gì không. Khi thấy cái thẹo hay cái lỗ bên hông thì không còn nó trong đó. Nó đã hóa kiếp kiến dương và chui ra theo cái lỗ đó đi mất tiêu rồi. Đặc biệt hơn, mỗi cây chà là chỉ có một con. Quá hiếm. So với đuôn dừa thì ngược lại, một củ hũ dừa có thể chứa cả ký cả rổ đuôn, cả nhà ăn hổng hết. Vì vậy mà ít quí chăng?

Cây dừa bị đuôn khoét cũng bị rụi đọt. Người ta có thể cứu cây dừa bằng cách kiểm soát thường ngày và khi chút đọt vừa héo thì bắt đuôn non bỏ. Nếu bỏ phế lâu ngày thì sẽ có cả bầy đuôn lập giang sơn sâu trong củ hũ, hết phương cứu tử, và cây dừa sẽ được đốn làm gổ. Trong khi đó đuôn chà-là mỗi con hùng cứ một cây. Và hổng phải mỗi cây đều có đuôn. Cho nên chuyện đốn đuôn mới trần thân. Nhiều khi quần cả mấy buội mà chưa tìm được một con.- Tìm rừng và đốn đuôn. Cái trần ai khổ nhọng trước hết là lội vào rừng, cây cối chằng chịt, mương lạch tứ tung. Tới được rừng chà-là thi gặp gai. Cây chà là mọc thành khúm có khi rộng bằng mấy chiếc giường, cây nào cũng tua tủa gai từ các bẹ lá, hoặc rơi rụng xuống gốc, khó mà đến gần được. Vậy phải đốn đuôn từ xa.

Dụng cụ đốn đuôn thường là cây dao mác lưởi thẳng với cái cán thật dài, cỡ ba bốn thước. Có người mang thêm cây câu liêm nhỏ nhưng dễ vướng và cồng kềnh quá. Dân nhà nghề chỉ cần con dao xắn cán dài nói trên. Không cần đến sát gốc. Đứng từ xa dùng dao dài phát quang, tỉa bớt gai cho gọn rồi xắn nguyên đọt đem ra, như xắn mục măng vậy. Đem xuống soát lại coi nếu trên đọt có bã phân khô như nùi thuốc rê, bên hông không có lỗ, thì là lấy ăn. Xong phải lột bớt bẹ, thẽo bỏ khúc già cho ghọn, còn lại cỡ bắp chuối, rồi dùng cật bẹ dừa nước ngoai ngoai làm dây, sỏ sâu cột chùm từng chục một. Đi tìm như vậy phải lội sình, băng buội, tránh gai, vác nặng, vượt xẽo, ô rô cóc kèn dày kín, từ khóm này qua khóm kia vòng vo mất cả chục cây số mới hy vọng có huê lợi trong ngày. Nắng, gai, sình, muỗi mòng…..mồ hôi, máu. Oâi con đuôn! Trên đời này, lắm của quí nằm trong tay người quí phái đều đi theo quá trình như vậy.

4.- Cách ăn: Có phải vì tánh hiếu kỳ thích của lạ của mấy đấng mày râu nhà giàu nên cho con đuôn thêm quí và có “chất lượng” bổ dưỡng cao, chất đạm tràn trề? Có nhiều người đáng được hưởng mà không được.

Thứ nhứt là mấy bà, vì ông chồng ham vui hoặc xã giao thường rũ rê mời mọc nhau đi nhà hàng sang như Đồng Khánh Sóai Kinh Lâm ngày trước chẳng hạng, để nhậu gan ngổng, móng vịt và đuôn chà là. It ai dẫn bà theo vì ông muốn độc quyền tăng lực, cố giữ thế thương phong cho bà khen mãi.

Thứ hai là chính những người đốn đuôn, thấy có giá, phải bán đi để xoay việc khác cho gia đình.

Bàn vìa cách thưởng thức đuôn thì nhân dân ta thường bị mấy chú Ba xỏ mũi. Giới thiệu ngon bổ thì mình tin vậy, cúc cung làm giàu cho nhà hàng Tàu. Đám cưới 10 món thì mới sang, đạt ít món sợ bị chê nhà quê.

Riêng vìa cách ăn đuôn chà-là chắc cũng được thổi phồng. Họ biến chế xào nấu nó ra sao không rõ, tui chưa bao giờ tìm tới chỗ đó để thưởng thức cho hợp thời trang. Tui chỉ biết có vài lối ăn đơn giản gản đơn như sau.

Trước hết là ăn sống tại trận. Vừa đốn ngọn chà-là xuống, chẻ bắt con đuôn ra ngay. Nắm cái đầu nó bằng 2 ngón tay, đưa lên miệng, cắn cái đít cho có lỗ rồi đưa vô giữa 2 vành môi mút mút, như mút trái mừng quân. Vừa ngon vừa có cảm giá lạ. An tươi nuốt sống kiểu made in Japan vậy đó. Thịt nó đặc sệt hơn nhũ trấp, ngọt ngọt, beo béo, lợn cợn, dòn dòn. Dứt 2 con là dư sức lội tiếp dưới nắng trưa oi bức.

Cách thưởng thức thứ hai là đem chiên. Bỏ con đuôn vô tô nước muối hoặc nước mắn nhĩ cho sang, ngâm một hồi cho nó nhả bớt chất chát, lát sau đem chiên. Không cần ướp xác gia vị hay tẩm lịm bột giòn gì cả. Chiên kiểu thiên nhiên tốt hơn. Cho lửa áp quá nó sẽ phồng nhanh như cháo quẩy hay bánh phồng tôm, mất hay. Chỉ nên cho lửa nhỏ nhỏ. Vớt ra là ăn liền mới tuyệt.

Cách thứ ba là đem nướng. Nó không phồng bự lắm nhưng hương vị nguyên chất, đậm đà hơn. Nói chung chung, dù làm cách gì, ăn cách nào, hương vị chính của đuôn là béo ngọt như nhọng, nhưng nó ngon gấp mấy con nhọng (con tầm sau khi chui vô kén). Đuôn dừa cũng có hương vị tương tợ.

Vài lời kết.- Kiến dương vẫn còn đầy nhưng con đuôn chà là đã sớm đi vào huyền thoại vì hiện nay cây chà-là gần bi tuyệt chủng. Người ta đồn rằng “sau giãi phóng có mấy ông nguỵ quân nguỵ quyền Sàigòn xuống học tập cải tạo” ở miệt rừng này, có tới hàng chục ngàn người. Mấy ổng đã phát quang, phá rừng, đốn cây, đốn hết cây cối trong đó có cây chà là, để lập nông trường tập thể, hầu tiến nhanh tiến mạnh lên CNXH.

Giờ thì vùng duyên hải đã trỡ đồng ruộng bát ngát do cán bộ và gia đình cách mạng làm chủ. Mấy ông cải tạo có công với gia đình cách mạng lắm, giúp họ có đất, hửu sản hoá cho họ, thay vì vô sản chính chiên, nhưng ngược lại đã tiếp tay phá hoại môi sinh, tiêu diệt cây rừng và nhứt là làm cho đuôn chà là vượt biên mất hết.

Ai có tới Long Toàn (Vĩnh Bình) đi qua những cánh đồng mênh mông, lắng tay nghe, chắc còn cảm thấy oan hồn của đám tù cải tạo vẫn còn vi vu trong gió. Những người sống sót tản lạc đâu mất tiêu, như đám chà-là đã giã từ đất sống tự ngàn xưa.

Ôi thời oanh liệt.
Ôi đuôn chà là.

No comments:

Blog Archive