Mỹ: Thượng nghị sĩ kêu gọi dừng bán tỏi Trung Quốc
Thượng nghị sĩ Rick Scott (Cộng Hòa-Florida)
Thượng nghị sĩ Rick Scott kêu gọi các cửa hàng tạp hóa Mỹ rút tỏi do Trung Quốc sản xuất ra khỏi kệ, vì chúng được cho là được trồng trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh, sử dụng phân người và các chất thải thô của người làm phân bón.
Thượng nghị sĩ Rick Scott (Cộng hòa - Florida) đã nêu lên quan ngại về những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến tỏi và các thực phẩm khác nhập khẩu từ Trung Quốc, khẳng định những sản phẩm này có thể không an toàn cho người tiêu dùng Mỹ.
Theo ông Scott, Trung Quốc được lãnh đạo bởi một chế độ tàn ác từ chối tuân theo luật lệ của Mỹ, từ chối thực thi các tiêu chuẩn an toàn và sức khỏe của Mỹ hoặc quan tâm đến lợi ích tốt nhất của người Mỹ. Thực tế không may này có nghĩa là thực phẩm và sản phẩm từ Trung Quốc có chứa nguy cơ ngày càng tăng khi được trồng hoặc được sản xuất trong điều kiện nguy hiểm, chất lượng thấp. Đây là những gì ông Scott viết trong bức thư ngày 19/12 gửi ông Greg Ferrara, chủ tịch Hiệp hội Cửa hàng tạp hóa Quốc gia (Mỹ), đại diện cho hơn 21.000 cửa hàng tạp hóa trên khắp đất nước.
Đặc biệt, ông Scott mạnh mẽ kêu gọi các cửa hàng tạp hóa Mỹ rút tỏi do Trung Quốc sản xuất ra khỏi kệ, vì chúng được cho là được trồng trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh.
Tỏi nhập khẩu vào thị trường Mỹ được trồng bằng "phân người và các dạng chất thải thô của con người", được dùng như một dạng phân bón ở Trung Quốc, trước khi được "tẩy trắng để trông trắng hơn và sạch hơn trong mắt người mua cũng như để che giấu điều kiện bẩn thỉu mà tỏi được trồng", ông Scott đã viết, trích dẫn các báo cáo từ "blog nấu ăn, tạp chí gia đình, video YouTube và phim tài liệu”.
Lời kêu gọi từ ông Scott được đưa ra trong bối cảnh thực phẩm đang được rà soát chặt chẽ sau các trường hợp ngộ độc chì ảnh hưởng đến hàng chục trẻ em trên toàn nước Mỹ. Các cơ quan quản lý y tế Mỹ cho biết loại quế được sử dụng trong một số nhãn hiệu túi đựng nước sốt táo phổ biến vừa bị thu hồi gần đây có thể là “nguồn gốc” của chì nhưng lưu ý rằng cuộc điều tra đang diễn ra. Ông Scott đã yêu cầu các cơ quan quản lý liên bang điều tra nguồn gốc của loại quế được thêm vào các túi thực phẩm bị thu hồi và liệu loại quế đó có được mua từ Trung Quốc hay không.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa cho biết ông sẽ đưa ra dự luật nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu bất kỳ sản phẩm nào được sản xuất tại Trung Quốc trừ khi chính phủ liên bang có thể chứng nhận các điều kiện và quy trình mà những sản phẩm này được trồng hoặc sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn, luật pháp và thông lệ thương mại của Mỹ.
Một vấn đề an ninh quốc gia
Đây không phải là lần đầu tiên ông Scott gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc nhập khẩu thực phẩm từ Trung Quốc, đặc biệt là tỏi. Nghị sĩ này đã viết một lá thư cho Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo vào đầu tháng này, tìm cách viện dẫn một đạo luật được gọi là Đạo luật mở rộng thương mại, cho phép Bộ Thương mại mở một cuộc điều tra để "làm rõ tác động của các mặt hàng nhập khẩu cụ thể đối với an ninh quốc gia của Mỹ".
Ông Scott viết: “An toàn và an ninh thực phẩm là tình trạng khẩn cấp sống còn, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia, sức khỏe cộng đồng và sự thịnh vượng kinh tế của chúng ta”.
Thượng nghị sĩ kêu gọi Bộ Thương mại điều tra vấn đề an toàn thực phẩm của tỏi trồng ở Trung Quốc, đồng thời cho biết thêm rằng ông đang đưa ra các dự luật nhắm tới “các thông lệ trồng trọt và tính an toàn của tỏi được sản xuất tại Trung Quốc phục vụ tiêu dùng của con người”.
Bức thư của ông Scott đã khiến Bắc Kinh phẫn nộ. Truyền thông nhà nước diều hâu (hiếu chiến) Global Times của Trung Quốc, trong một bài bình luận đăng ngày 11/12, đã gọi lời kêu gọi điều tra của ông Scott là “vô lý một cách rõ ràng”.
‘Mối quan tâm đặc biệt’
Sự an toàn của thực phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc đã gây tranh cãi trong nhiều năm. Vấn đề này lần đầu tiên được chú ý rộng rãi vào năm 2007, khi các thành phần thức ăn cho thú cưng từ Trung Quốc được cho là đã giết chết hàng trăm con chó và mèo ở Mỹ, dẫn đến một trong những vụ thu hồi thức ăn cho thú cưng lớn nhất trong lịch sử Mỹ.
Khi nhập khẩu từ Trung Quốc tăng vọt trong thập niên qua, bà Sally Greenberg, Giám đốc điều hành của Liên đoàn Người tiêu dùng Quốc gia (Mỹ), đã kêu gọi gia tăng sự minh bạch về nguồn gốc thực phẩm được bán ở thị trường Mỹ, đồng thời cho biết thực phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc là “mối quan tâm đặc biệt”.
Bà Greenberg viết trong một bài bình luận đăng trên The Hill vào tháng 10: “Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) thường xuyên đưa ra cảnh báo nhập khẩu đối với hàng chục sản phẩm Trung Quốc có khả năng gây hại - bao gồm cả thực phẩm đóng hộp và đóng gói”. Bà tiếp tục: “Nhưng ngay cả khi hệ thống đang hoạt động, hàng nhập khẩu bị nghi ngờ từ Trung Quốc cuối cùng vẫn có thể được bày bán trên các kệ hàng”.
Bà Greenberg dẫn chứng hàng loạt vụ thu hồi hàng nhập khẩu của Trung Quốc trong nhiều thập niên qua. Vào tháng 7/2022, nghêu hun khói đóng hộp ở Trung Quốc đã bị thu hồi sau khi FDA lấy mẫu và phát hiện “các hóa chất vĩnh viễn” ở mức không an toàn.
Đầu năm nay, một số loại nấm đặc sản nhập khẩu từ Trung Quốc đã bị thu hồi do có khả năng nhiễm vi khuẩn listeria. Theo FDA, 5 người Mỹ được xác nhận bị nhiễm vi khuẩn listeria liên quan đến nấm bị thu hồi. Các quan chức y tế cho biết số người bị nhiễm listeria thực sự trong đợt bùng phát có thể cao hơn, vì một số người đã khỏi bệnh mà không trải qua chăm sóc y tế có thể chưa thực hiện xét nghiệm tìm listeria.
Dòng bia nổi tiếng của Trung Quốc dính bê bối về vệ sinh.
Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ở Trung Quốc vốn là một vấn đề nhức nhối, với một loạt vụ bê bối nghiêm trọng đã xuất hiện.
Cuối tháng 10, một đoạn video lan truyền trên các mạng xã hội Trung Quốc về bia Thanh Đảo (Tsingtao) đã leo thang thành chủ đề tranh luận sôi nổi không chỉ của cư dân mạng Trung Quốc mà còn ở Hàn Quốc, gây ra phản ứng dữ dội trong dư luận.
Cụ thể, vào ngày 19/10, một video xuất hiện trên nhiều nền tảng mạng xã hội Trung Quốc, bao gồm Douyin (phiên bản tiếng Trung của TikTok) và Weibo, cho thấy một nhân viên vượt hàng rào để đột nhập trái phép vào cơ sở lưu trữ mạch nha tại nhà máy thứ ba của Nhà máy bia Thanh Đảo. Khi vào bên trong, cá nhân tiến hành đi tiểu vào một trong các bể chứa của nó. Video này nhanh chóng thu hút được sự chú ý, trở thành một trong những chủ đề phổ biến hàng đầu trên Weibo và được mệnh danh là "Vụ bê bối đi tiểu bia Thanh Đảo" trên nhiều phương tiện truyền thông Trung Quốc.
Đáp lại, Công ty Nhà máy bia Thanh Đảo đã đưa ra một tuyên bố chính thức vào ngày 20/10, thừa nhận vụ việc được ghi lại trên video tại cơ sở sản xuất thứ ba của họ vào ngày hôm trước. Công ty thông báo rằng vấn đề đã được báo cáo cho cơ quan công an và họ đã bắt đầu điều tra. Trong khi đó, lô mạch nha bị ảnh hưởng trong video đã bị cách ly.
Vụ việc đã gây ra sự hoài nghi lan rộng trong người tiêu dùng Trung Quốc, với nhiều người đặt dấu hỏi về Bia Thanh Đảo - một thương hiệu có lịch sử 120 năm và giữ vị trí dẫn đầu trên thị trường bia Trung Quốc. Nhà máy thứ ba, liên quan đến vụ việc này, tự hào có công suất sản xuất hàng năm là 1,2 triệu nghìn lít (khoảng 317 triệu gallon) và được ca ngợi là "nhà máy thông minh đẳng cấp thế giới lớn nhất và hiệu quả nhất châu Á".
Hiệu ứng lan tỏa của vụ việc đã lan đến Hàn Quốc, một thị trường quan trọng của Bia Thanh Đảo. Bất chấp sự đảm bảo từ đại lý nhập khẩu Hàn Quốc cho dòng bia này rằng bia dành cho thị trường trong nước và xuất khẩu được sản xuất tại các cơ sở riêng biệt, sự hoài nghi của người tiêu dùng vẫn không biến mất. Nhiều người tiêu dùng Hàn Quốc đã thề sẽ không bao giờ mua dòng bia này nữa.
Ông Seo Kyoung-duk, nhà hoạt động xã hội Hàn Quốc và là giáo sư tại Đại học Phụ nữ Sungshin, cho biết đây không phải là sự việc cá biệt mà là vấn đề rộng lớn hơn liên quan đến an toàn thực phẩm ở Trung Quốc. Ông đề cập đến những vụ việc trong quá khứ, chẳng hạn như trường hợp một cá nhân Trung Quốc ngâm bắp cải trong điều kiện mất vệ sinh, sự việc từng gây ra sự phẫn nộ tương tự ở Hàn Quốc. Giáo sư kêu gọi chính phủ Hàn Quốc tăng cường giám sát thực phẩm nhập khẩu của Trung Quốc, với lý do lo ngại về sức khỏe cộng đồng.
Những sự việc đáng báo động trước đó
Tháng 6 vừa qua, Trung Quốc lại phải đối mặt với một sự cố an toàn thực phẩm khác, đầy tai tiếng với cái tên là vụ bê bối "Gọi chuột là vịt". Một sinh viên tại trường Cao đẳng Công nghệ Dạy nghề Giang Tây ở Nam Xương đã tìm thấy thứ được cho là đầu của một con chuột trong bữa ăn tại căng tin của họ. Bất chấp những tuyên bố khăng khăng của căng tin rằng vật thể đó chỉ là một chiếc cổ vịt, một cuộc điều tra cấp tỉnh sau đó đã xác nhận rằng trên thực tế, đó là đầu của một loài gặm nhấm. Vụ việc khiến cụm từ "gọi chuột là vịt" lan truyền khắp các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc.
Đầu tháng 3, camera ghi lại cảnh các nhân viên tại một cơ sở sản xuất thực phẩm của Trung Quốc dùng chân giẫm lên rau muối chua và thậm chí vứt tàn thuốc vào thức ăn. Điều đáng kinh ngạc là những sản phẩm này không phải chịu bất kỳ hình thức kiểm tra vệ sinh nào khi được các công ty liên quan của Trung Quốc mua lại.
Niềm tin của công chúng đối với thực phẩm nội địa của Trung Quốc liên tục bị xói mòn bởi hàng loạt sự cố đáng báo động kéo dài nhiều năm qua. Năm 2008, sữa bột dành cho trẻ sơ sinh bị nhiễm hóa chất độc hại melamine đã khiến nhiều trẻ sơ sinh tử vong và khiến 300.000 trẻ khác gặp phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như đầu to và sỏi thận. Vụ bê bối đã làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng vào sữa công thức sản xuất trong nước của Trung Quốc.
Năm 2007, trứng giả được làm bằng phương pháp hóa học từ các chất như natri alginate, phèn và gelatin đã được đưa ra thị trường. Tiêu thụ lâu dài những chất này có thể dẫn đến mất trí nhớ và sa sút trí tuệ. Các mặt hàng thực phẩm giả và độc hại, bao gồm gạo, nước tương, giăm bông, đậu phụ, tôm và trà xanh, thường xuyên thâm nhập vào thị trường tiêu dùng Trung Quốc.
Ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc và là cựu phó giáo sư về Giáo dục Lịch sử tại Đại học Sư phạm Thủ đô của Trung Quốc, nói với The Epoch Times vào ngày 23/10 rằng “sự việc đi tiểu” đối với bia Thanh Đảo có vẻ ngẫu nhiên nhưng nó nhấn mạnh những lỗ hổng nghiêm trọng trong các biện pháp an toàn thực phẩm trong dây chuyền sản xuất. "Lập luận rằng vụ bê bối chỉ liên quan đến các sản phẩm tiêu dùng trong nước là lố bịch. Chúng ta có nên suy luận rằng những hành vi như vậy được coi là có thể chấp nhận được đối với thị trường nội địa không?" ông Lý đặt câu hỏi.
Ông Lý cho rằng phản ứng mạnh mẽ của công chúng Hàn Quốc trước vụ bê bối thực phẩm rất có thể coi là điểm bùng phát, làm lung lay niềm tin của họ không chỉ đối với các sản phẩm của Trung Quốc mà còn có thể cả đối với uy tín của chính quyền Bắc Kinh.
No comments:
Post a Comment