SỬA LỜI NHỮNG BÀI NHẠC XƯA LÀ CÓ TỘI VỚI LỊCH SỬ...!
Miền Nam là vùng đất an vui, sung túc và tự do. Miền Nam là cái nền của Việt Nam Cộng Hòa dựng xây lên sự tự do, nhân bản và tôn trọng lẽ phải.
Nhạc xuân là một sản phẩm của sự an vui, phơi phới của "Phương Nam ta sống trong thanh bình" dù có những năm chiến tranh tàn khốc, súng đạn đì đùng, gào rú vào tận bàn thờ của người dân, thí dụ như Tết Mậu Thân 1968
"Câu chuyện đầu năm" là một bài nhạc vàng được nhạc sĩ Hoài An viết vào năm 1964 tả lại cái cảnh Tết của Miền Nam
"Trên đường đi lễ Xuân đầu năm
Qua một năm ruột rối tơ tằm
Năm mới nhiều ước vọng chờ mong
May nhiều rủi ít ngóng trông
Vui cùng pháo nổ rượu hồng"
Tết nhứt, người Sài Gòn hay đi chùa và đi lăng Ông. Ngày Tết Nguyên Đán, đầu năm trong tiết tháng Giêng se lạnh, khi Trời Đất giao hòa cùng lòng người thì con người ta siêng ghé chốn đình chùa đặng cầu nguyện cho một năm an bình, tài lộc.
Tại Sài Gòn Gia Định nơi đông nhứt nhì người người thăm viếng, lúc nào khói nhang cũng nghi ngút đông vui, đông hơn chùa miếu của người Tàu là Lăng Ông Bà Chiểu của Tả Quân Lê Văn Duyệt (1764-1832).
Vong hồn tiền nhơn Sài Gòn linh thiêng nhứt là Lê Văn Duyệt. Nếu ông không linh thiêng thì tại sao người dân Sài Gòn xây lăng mộ ông lớn nhứt, tôn thờ ông như một vị thần và hằng năm cúng lễ ông đông nhứt để khấn nguyện xin ông phò hộ?
Nếu bạn dám vỗ ngực tự hào xưng là dân Sài Gòn thứ thiệt thì ít nhứt một lần bạn phải đến viếng thăm lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt vào một ngày đầu năm để hái lộc, để bị khói nhang xông cay chảy nước mắt trong lúc chờ người yêu làm một quẻ xin xăm.
Ngày Tết, ngày Xuân, Lăng Ông Tả Quân ở Bà Chiểu rất đông người viếng. Lăng Ông Bà Chiểu là biểu tượng tâm linh của Sài Gòn, Gia Định.
Lăng Ông Bà Chiểu luôn linh thiêng trong lòng dân Nam Kỳ, đó là lòng dân, dân thương nên dân cúng. Vì ngày xưa Tổng Trấn làm cho Sài Gòn, Nam Kỳ giàu mạnh nên nhiều người Việt lẫn Hoa coi ông là Phước Thần, thành ra cúng tế ông là cầu xin, đó là lẽ thường xuất phát từ tâm tưởng của người dân. Hàng năm ngày giỗ ông và Tết Nguyên Đán rất đông người dân tới cúng bái, viếng vái, ngày thường cũng nhang khói.
Chưa vua nào phong Thần cho ông, nhưng dân coi ông là Thần, coi ông như Phước Thần của Sài Gòn, kêu nơi gửi nắm xương tàn của ông là “Lăng Ông”. Sống làm tướng bách chiến bách thắng, sống làm quan lo cho dân, chết làm Thần của dân.
Cúng Lăng Ông hay có xây chầu hát bội, đó là nét văn hóa đặc trưng xưa cần giữ gìn. Cầu khấn Tả Quân cũng không phải mê tín dị đoan, cũng chẳng phải trả giá, trả treo gì với tiền nhân, thực chất nó là niềm tin, là tình thương, là sự gửi gắm lòng thành, niềm tin của dân Nam Kỳ vào Tả Quân. Cái sự linh thiêng và linh ứng là một đặc trưng ở đây mà các nơi khác không có được.
Đốt giấy tiền vàng bạc ở Lăng Tả Quân thường là người Tàu, đó là tục của họ, họ cúng chùa Tàu cũng vậy mà thôi. Lăng Ông Bà Chiểu đã trở thành trung tâm tín ngưỡng thờ Thần điển hình của người Nam Kỳ vùng Sài Gòn Gia Định, đồng thời cũng là biểu tượng giáo dục tinh thần chánh trị cho thế hệ trẻ Nam Kỳ.
Xâm ở Lăng Tả Quân có tên là Tướng Quân Linh Sám (xâm thường). Tướng Quân Linh Sám gồm có 100 lá xâm, đánh số từ 1 tới 100 hỏi về bổn mạng, gia đạo, mưu sự, cưới gả, bịnh tật, cầu tài, cầu quan, xuất hành, kiện cáo và mất trộm. Có 3 loại:
-Xâm thượng, màu đỏ là tốt
-Xâm trung, màu cam
-Xâm hạ, màu vàng tươi, là loại ...xấu
Xin xâm là dạng vui Xuân mà thôi. Xin xâm là một dạng trấn an tâm lý thôi. Nó cũng là cách tạo niềm vui cho bá tánh, tìm nguồn kinh phí duy trì hoạt động tu bổ, nhang đèn, thờ phụng cho Lăng Ông.
"Xuân mang niềm vui tới
Bao la nguồn yêu mới
Như hoa mai nở phơi phới
Thế gian thay nụ cười
Đón cho nhau cuộc đời
Trên đất mẹ vui khắp nơi"
Đất Miền Nam là đất mẹ, là nơi an hòa, là nơi tự do. Mùa xuân là khởi đầu cho vạn vật sanh sôi, thành ra mai được sắp đầu tiên. Bông mai là quốc hoa của VNCH. Loài bông hễ nắng càng vàng, càng nóng,gió càng lớn thì mai càng bung nụ khoe sắc vàng ươm, màu vàng quý phái và sang trọng. Bông mai bung thẳng ra, không chúm chím như đào, đó là tư thế "uy võ bất năng khuất" của đại trượng phu.
"Thấy hoa mai nở biết xuân về đây
Mười hai tháng qua mơ một mùa này
Bạn bè bôn ba khắp hướng
Thấy xuân về trên miền quê hương
Ta được phút tương phùng yêu thương"
Sau 1975, giữa đất trời California mà nhạc sĩ Lê Đức Long vẫn cảm xúc dạt dào khi thấy áo dài, nhớ bông mai kia kìa
"Cali xuân đang về
Đâu thấy hoa mai nở bên đường
Đâu ngờ em khoác áo dài xinh
Em thiết tha đi với mẹ già
Em, đẹp đẹp làm... sao!"
"Câu chuyện đầu năm" của Hoài An tưới tẩm tình yêu thương khắp muôn nhà, muôn loài, muôn vạn vật
"Xuân gieo lộc khắp chốn
Xuân đi rồi xuân đến
Cho nhân gian đầy lưu luyến
Đón thư trên trận tiền
Viết thư thăm bạn hiền
Một lời nguyện xin chớ quên"
Câu "Đón thư nơi trận tiền. Viết thư thăm bạn hiền" là tôn vinh người lính chiến, cầu chúc người lính chiến VNCH. Xuân an vui và người lính chiến Việt Nam Cộng Hòa cũng cầu mong mình có nhiều sức khỏe, hanh thông trong năm mới. Người lính chiến VNCH, đơn giản cũng là một người bằng xương bằng thịt có vui có buồn, cũng mềm lòng khi nhìn Tết đung đưa trong gió chướng.
Những ngày Lễ Tết thì gia đình rất thương nhớ một thành viên của mình đang ngoài biên địa, và từ ngoài chiến trường chàng trai cũng nuốt buồn vào lòng khi nhìn hoa mai vàng bung sắc và nhớ về nhà. Xuân lính chiến, xuân nhà binh, xuân dân tộc, những lời chúc tốt đẹp từ chiến trường về hậu phương và từ hậu phương về chiến địa xa xôi mù mịt. Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh rất xuất thần khi tả người lính chiến bằng câu:
"Ngày đầu một năm, có mẹ già trông ngóng tin con
Khấn nguyện đất trời, giúp bình yên thằng con biên giới
Lòng già thầm mong.. ước người con sẽ giống anh hùng
Chúc cho năm này, lập đầu công con về thăm nhà
........
Ngày đầu một năm, chúc cho ngày non nước bình an
Cho vợ đón chồng mừng hoen đôi má
Cho nhớ thương là giấc mộng dài đêm qua"
Tất cả, hết thảy người lính VNCH đều có một ước mơ rất bình thường là chiến tranh mau kết thúc, và thanh bình sẽ sớm quay trở lại
“Một mai trả súng lại đời
Ta về ngủ thiếp bên người tình chung
Bên ta con ngủ an lành
Bên ta vợ bỗng trở mình, gọi:
Anh!...”
Nhạc lính VNCH là một trang sử đầy tình cảm và lòng trắc ẩn, nó đọng lại trong tâm trí người Miền Nam chúng ta mãi mãi không bao giờ phai. Song Ngọc có một bài nhạc xuân rất phê, mang tên "Thư cho vợ hiền" làm người ta phải thút thít
"Hoa nở trên cành mai
Biết xuân nay lại về
Bên chiến hào đồn xa
Mua quà xuân chẳng có
Anh đã vội biên thư"
Biên thơ, nhưng thơ không về nhà được vì quê nhà xa lắc xa lơ
"Thư muốn gởi về em
Chắc em không nhận được
Vì quê nghèo xa quá đâu có người mang thư
Anh biết mình lo âu"
Và hình ảnh người chinh phu, người chinh phụ trong những trường ca bất tử, hình ảnh này chỉ có nhạc vàng thể hiện mới hùng hồn mà rưng rưng tình cảm.
Trở lại với "Câu chuyện đầu năm" của Hoài An. Mắc mớ gì mà ca sĩ hát tự sửa nhạc, sửa lời của người ta? Sửa thành:
"Đón xuân trên mọi miền
Viết thư thăm bạn hiền
Một lời nguyện xin chớ quên"
Nó thay đổi cả một ý chánh quan trọng của bài nhạc. Là vì cô gái đi chùa, đi Lăng Ông đã cầu đã chúc hết rồi, đủ người hết rồi, và chỉ còn anh lính chiến là điểm nhấn. Ba câu nguyên bổn đi chung với nhau thành một ý hoàn chỉnh:
"Đón thư trên trận tiền
Viết thư thăm bạn hiền
Một lời nguyện xin chớ quên"
Là lính chiến mới từng phút từng giây trông ngóng nhận thơ của hậu phương, rồi biên thơ trả lời, rồi mới "nguyện lòng" với núi sông, quốc gia,với người hậu phương trong nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ quê hương xứ sở.
Cái hình ảnh "trống giục quân reo bao lớp trai anh hùng, đã tìm ra chiến trường", nó đẹp không bút mực nào tả xiết của người lính chiến đã bị "cắt bỏ" một cách tùy tiện và thành ra một bài hát cực kỳ vô duyên về câu chữ và ý nghĩa.
Nhiều khi thấy ca sĩ hát "Đón xuân trên mọi miền" mà muốn thò tay xán vô mặt họ một bạt tai cho bỏ cái tật vô văn hóa.
Người Việt kêu những đứa đó là "giặc". Không ai ngăn nổi tình thương Việt tộc. Người lính chiến đã ngã rạp mình trong chốn ma thiêng nước độc nầy để lót đường cho con cháu họ đi tới. Những bước chưn rầm rập hành quân, ngựa hí quân reo, tay giáo tay gươm tay súng đánh giặc.
Để sống an bình trên mảnh đất này thời có lúc phải đổ máu bảo vệ nó. Người lính chiến cũng là lớp đi trước cùng ông bà tổ tiên mình tốn máu xương tạo ra Sài Gòn, Gia Định, đất Miền Nam này. Những người đi trước tốn bao công sức tạo ra những miếng ruộng vuông vức, những khoảnh vườn trái ngọt cây lành.
Con cháu cám ơn người đi trước đã cho con cháu miếng đất cắm dùi, cho một lòng kiêu hãnh trên xứ Nam. Chúng ta phải giữ mọi thứ của Lục Tỉnh, không đoái hoài nó là có tội với tổ tiên chúng ta...!
Nguyễn Gia Việt
No comments:
Post a Comment