Tuesday, January 9, 2024

NHỚ SÀI GÒN NĂM 1979...!

Sài Gòn năm 1979 là đã 4 năm sống trong cảnh "sau tiếng súng đời lại thêm một lần nát tan", nhưng thành phố vẫn sạch không có rác rến gì, đơn giản đó là ý thức của những cách sống còn sót lại từ trước 1975.

Lịch sử ngày tháng, chữ nghĩa, tâm trạng con người lắm khi như một cơn mơ đời, mới đó rồi đổi đó. Cái mốc 1975 rất gần ở năm 1979 khi cách đó có 4 năm thôi.

Nhạc sĩ Hoài An có bài "Dựng một mùa hoa" có những câu thương ray rứt cái đất Phương Nam của chúng ta xiết là bao nhiêu tình:

"Đây Phương Nam, bao la dịu dàng
Say sưa câu hoan ca nhịp nhàng
Duyên xưa còn thắm chung xây cuộc sống, chan chứa mênh mông
Tình Miền Nam như hoa lan đầy hương
Tìm tự do gió chim tung bay ngàn hướng
Đây đó vui ca, trong nắng chan hòa
Dựng một mùa hoa
Chào mừng Miền Nam Tự Do"

Năm 1979 đã không còn tự do nữa, bằng chứng là học sinh, sinh viên làm gì còn "xuống đường" như trước 1975.

Trước đó ai cũng biết câu "Làm kẻ thù với người Mỹ dễ, làm bạn với người Mỹ rất khó". TT Ngô Đình Diệm và ông em Ngô Đình Nhu bị Mỹ giựt dây đảo chánh và giết chết ngày 1/11/1963 khi bà Trần Lệ Xuân và con gái đang ở khách sạn Wilshire Hotel tại khu Beverly Hill (California). Ngày 15/11/1963, hai mẹ con bà Trần Lệ Xuân và Lệ Thủy rời khỏi Los Angeles sau khi tuyên bố: “Tôi không thể cư ngụ ở Mỹ, vì lý do đơn giản chánh phủ của họ đã đâm sau lưng tôi”

TT Nguyễn Văn Thiệu đã chèo lái VNCH qua những giai đoạn rất khốc liệt, thí dụ Mậu Thân 1968 và mùa hè đỏ lửa 1972. Ông lâm thế khó khi thời của ông, người Mỹ ép VNCH phải làm mọi thứ trong khuôn khổ dân chủ mà đặc trưng của xã hội VN thời chiến là không thể lấy dân được. Thành ra vừa đối phó Bắc Việt vừa đấu đá nội bộ đã làm TT Nguyễn Văn Thiệu đôi lúc hộc xì dầu. TT Nguyễn Văn Thiệu phạm sai lầm chiến lược khi tháng 3/1975 ra lịnh rút bỏ Cao Nguyên. Bản thân ông cũng bỏ ra khỏi Miền Nam từ ngày 25 tháng 4 năm 1975.

Mỹ bán Hoàng Sa cho Tàu, tháng 1/1974 Mỹ ngăn chặn hải quân Việt Nam Cộng Hòa đem những chiến hạm lớn ra đánh TQ, Mỹ ngồi ngó Tàu chiếm Hoàng Sa. Trước đó hiệp định Paris 1973 coi như xóa sổ VNCH.

Sau khi quân đội Việt Nam Cộng Hòa thất thủ ở Xuân lộc ngày 21.4.1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu rốt cuộc phải từ chức, phó tổng thống Trần Văn Hương lên thay. Khi TT Trần Văn Hương nhậm chức đã tuyên bố "cương quyết tử thủ dù phải hy sinh đến nắm xương tàn". Sài Gòn rệu rả tinh thần, phe "thân cộng" có dịp bùng phát "ép" Trần Văn Hương giao quyền cho Dương Văn Minh vì ông Minh được "bên kia" chọn. Đến tối ngày 26/4/1975, lưỡng viện QH Sài Gòn đã bầu Dương Văn Minh làm Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa.

Và 11 giờ 30 ngày 30/4/1975 xe tăng quân Bắc Việt mang cờ chánh phủ MTGPMN húc sập cổng Dinh Độc Lập. Họ đưa ông Dương Văn Minh và ông Vũ Văn Mẫu đến đài phát thanh để đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Lịch sử Miền Nam, lịch sử Sài Gòn sang trang, một trang bi hùng mà hờn tủi.

Cả gia đình vợ con nhạc sĩ Lam Phương rời sài Gòn lúc 1 giờ chiều 30 tháng 4 năm 1975 bằng tàu Trường Xuân.

"Tôi yêu con tầu Trường Xuân
Con tầu nhiều sóng gió
mà tình thương thật đầy
Tôi xin đa tạ bàn tay
dắt đàn con tới đây
ngàn đời xin khắc ghi"

Sau 30/4 nhạc sĩ Minh Kỳ, tác giả những bài nổi tiếng như "Đà Lạt hoàng hôn", "Thương về miền đất lạnh", "Thương về xứ Huế", "Mưa trên phố Huế" đi vào tù "học cải tạo". Minh Kỳ có tham gia Cảnh Sát VNCH, là Đại Úy Cảnh Sát, sau ngày 30/4, ông đi học tập cải tạo ở trại An Dưỡng, mé sân bay Biên Hòa. Ngày 31 tháng 8 năm 1975 ông chết vì một vụ quăng lựu đạn khi vừa bước sang tuổi 45.

Năm 1979 thì TT Trần Văn Hương vẫn còn sống. Ông mất ngày 27/ 1/1982. Ông Trần Văn Hương (1903-1982) xuất thân là một giáo sư Việt văn của trường Trung học Le Myre de Vilers ở Mỹ Tho.

Ông Trần Văn Hương từng làm đô trưởng Sài Gòn hai lần. Ngày 4 tháng 11 năm 1964, ông được Quốc trưởng Phan Khắc Sửu mời giữ ghế Thủ tướng và lập nội các. Năm 1971, ông Trần Văn Hương cùng Nguyễn Văn Thiệu liên danh ứng cử và đắc cử chức vụ Phó tổng thống nhiệm kỳ 1971-1975.

Ông Trần Văn Hương tái xuất hiện trong những ngày gần 30/4/1975. Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phải tuyên bố từ chức và trao quyền lại cho Phó tổng thống Trần Văn Hương. Và chỉ sau 7 ngày, Tổng Thống Trần Văn Hương bị "học trò" Dương Văn Minh đòi lấy "ghế" Tổng Thống. Những đoạn đối đáp giữa hai ông là tư liệu lịch sử thú vị mang mùi vị đậm đà hơi hám Nam Kỳ.

Ông Dương Văn Minh nói với TT Trần Văn Hương (Theo TT Trần Văn Hương kể lại trước QH): "Thưa thầy, suốt cuộc đời thầy đã hy sanh cho dân cho nước, thì bây giờ thầy hy sanh một lần nữa cũng chẳng sao. Thầy giao cái chức Tổng Thống lại cho tôi”.

TT Trần Văn Hương trả lời trước QH: “Xin lỗi Đại tướng, cái chức Tổng Thống là do dân bầu ra chớ không phải chiếc khăn mu-xoa mà tôi muốn trao ai thì trao". 

Cuối cùng thì Tổng Thống Trần Văn Hương cũng phải trao quyền Tổng Thống VNCH cho đại tướng Dương Văn Minh vào lúc 5 giờ chiều ngày 28 tháng 4 năm 1975 tại Dinh Độc Lập.

Năm 1979 là năm mà nghệ sĩ Thanh Nga đã có một cái giỗ rồi. Cô bị bắn chết 11 giờ đêm ngày 26/11/1978. Sau 1975 Thanh Nga được "ưu ái" diễn vài tuồng nữa trong đó có "Tiếng trống Mê Linh" và "Thái hậu Dương Vân Nga". Năm 1976 Thanh Nga ra Hà Nội diễn "Phụng nghi đình" chào mừng đại hội đảng. Năm 1978 Thanh Nga bị bắn chết, gánh hát Thanh Minh Thanh Nga bị nhà nước trưng thu quản lý, nhà cửa bị trưng dụng, gánh Thanh Minh Thanh Nga không còn trong tay quản lý của bà bầu Thơ. Bà bầu Thơ mất năm 1988.

Năm 1979 là đã 2 năm Sài Gòn bị mất tên. Sài Gòn mất tên ngày 2/7/1976. Một cái tên có từ mấy trăm năm bổng dưng một phút một giờ bị đổi tên, nó thể hiện điều gì?

Sau 1975 dân MN sống những giờ phút không quên, súng AK lên đạn rôm rốp, lính tráng bao vây đầy. Cuộc sống triền miên trong thiếu thốn, nuôi gà nuôi heo trên sân thượng, chợ đen, đánh tư sản, đi kinh tế mới và vượt biên.

Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng có một câu nhạc cực kỳ triết lý và hiu đời, nghe xong phải nổi da gà là:

"Ta thấm thía tử sinh, cuối bước nhọc nhằn
Ta níu ánh bình minh, giữa cơn tử sinh"

Miền Nam trôi tụt vào một đêm mất ngủ dài đăng đẳng, hàng triệu người Miền Nam xáo trộn cuộc sống vì bị đánh giá là "Ngụy", mất nhà, mất đất, mất chồng, mất con, bị đi học "cải tạo" ở đất Bắc, đất Trung xa xôi, bị đi kinh tế mới, bị đánh tư sản.

Người Miền Nam lần đầu tiên trong lịch sử lập xứ đã biết cái đói, ăn độn khoai mì, bo bo, rau rừng, thân chuối xắt và rau muống luộc.

"Sài Gòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên
như giòng sông nước quẩn quanh buồn
như người đi cách mặt xa lòng
ta hỏi thầm em có nhớ không"(Nguyễn Đình Toàn)

Năm 1979 ông Nguyễn Đình Toàn còn ngồi mút chỉ cà tha trong tù. Hình như 1985 mới thả, năm 1998 ông cùng vợ sang Mỹ định cư.

"Thù nhà chưa trả chừ nợ nước vai mang
Thẹn mặt làm ngơ chừ tủi thân hồ hải
Gục đầu lên gươm chừ, máu đổ chứa chan
Ta là sao tinh đẩu
Cao vút trời cô đơn
Sáng không đủ soi đường cho người chừ, đêm chưa đành tắt
Một mình ta với lòng ta chừ, bão táp khôn nguôi
Biển động bốn phương chừ, sóng đau gào thét
Giấc mơ thù hận chừ, máu đỏ tay người
Cơn say dở khóc dở cười
Thành nghiêng núi lở, đất trời là đâu
Chuông rung đã lọt tiếng cầu
Em ơi tỉnh dậy nghe sầu vào thơ"(Nguyễn Đình Toàn)

Sài Gòn đã bị xóa tên, rất nghiêm trọng và cũng là duy nhứt trong lịch sử Nam Kỳ Lục Tỉnh

"Sài Gòn ơi, tôi đã mất người trong cuộc đời
Sài Gòn ơi, thôi đã hết thời gian tuyệt vời
Giờ còn đây, những kỷ niệm sống trong tôi
Những nụ cười nát trên môi
Những giọt lệ ôi sầu đắng"(Nam Lộc)

Và một dòng người Nam như thác đổ bỏ nước ra đi, họ đi bằng tàu cá bằng cây, tàu biển, ta gọi đó là vượt biển ra đi, dòng thuyền nhân người Việt nổi tiếng trên thế giới. Có hàng triệu người như vậy, ba triệu, chưa ai thống kê hết chính xác con số.

Ai có lớn lên trong thời gian đó sẽ cảm nhận được khung cảnh tù mù, nín lặng, ngủ dậy sau một đêm bà con, họ hàng, láng giềng biến mất tiêu, nhà cửa trống không vắng ngắt. Ước chừng có 3 triệu người VN đã vượt biên và 500.000 người bỏ mình trên biển cả làm mồi cho hải tặc và cá mập.

Phong trào vượt biên nhiều nhứt là ở Hà Tiên, Rạch Giá, Cà Mau, Bạc Liêu, Bình Đại, Gò Công... Người vượt biên hãi hùng

Đêm nay trên bản đồ có một thuyền ra đi
Hiên ngang trên sóng gào tự do đón chào
Xin chào tự do với nỗi niềm cay đắng
Nhìn lại bên bờ nước non mình muối mặn
Khóc nghẹn ngào!!!
Hò ơi! Hò ới! tạm biệt nước non”

Người bảo kê thì giàu sụ và có người đã lên cao chót vót. Có dịp hỏi chuyện những người vượt biên năm xưa đó cảm giác ra làm sao, họ đỏ hoe mắt, nỗi hãi hùng còn hằn trên khóe mắt, họ không hiểu vì sao tới giờ họ còn sống mà làm "Việt Kiều". Vì khổ quá, bí quá, bít đường, không thể nào ở lại quê hương mình mà đành đoạn bỏ nhà cửa, mồ mả ông bà, người thân nữa đêm lết thân ra biển tối đen.

Cứ đâm đầu ra khỏi VN, thực ra cũng không biết sẽ đi về đâu. Ra khỏi hải phận VN tàu hết xăng hết dầu linh đinh, hên thì được tàu hàng quốc tế nó vớt hoặc nó kéo vào cái đảo gần nhứt, xui thì sóng lớn tàu bể, người trôi, đói khát cũng chết.

Tối ngày 14 tháng 11 năm 1985, tàu hàng Kwang Myung quốc tịch Hàn Quốc rời bến Singapore để hướng về Hàn, thuyền trưởng Jeon Je Young từ buồng lái phát hiện một tàu cá nhỏ của thuyền nhân Việt Nam lúc nhúc người đang bị chết máy, lúc đó có một cơn bão sắp tới. Mặc dù chủ tàu và chánh quyền HQ không cho nhưng ông Jeon Je Young vẫn cứu 96 người Việt Nam lên tàu hàng của mình. 

Ngày 29/11/1985, tàu cập bến Pusan Hàn Quốc và ngay sau đó ông thuyền trưởng bị tịch thu giấy phép, cấm hành nghề lái tàu suốt đời, và đuổi khỏi công ty. Nhưng không phải tàu vượt biên nào cũng may mắn gặp tàu hàng tốt như vậy. Có tàu hàng gặp làm ngơ, có nước đuổi ra khỏi hải phận nó, thí dụ như Singapore. Người vượt biên Việt Nam ra khỏi nước là bị tịch thu nhà cửa, ra giữa biển thì họ gặp hải tặc kinh hoàng. Hải tặc Thái Lan là dã man, ác và kinh hoàng nhứt, cướp bóc hãm hiếp và giết chết.

Trong giai đoạn từ 1977-1982 hải tặc Thái Lan bắt nhiều người Việt vượt biên đưa vào đảo Koh Kra. Có hơn 3000 người Việt đã bị giết tại đảo Koh Kra. Trong năm 1981 thống kê cho thấy có 452 chiếc thuyền VN bị tấn công, và con số thuyền nhân bị hải tặc Thái thảm sát gần 900 người trong cùng năm 1981. Số thuyền nhân đến được đất Thái mỗi năm khoảng hơn 150.000 người và tổng số thuyền nhân chết ngoài biển do sóng gió, đói khát, hải tặc, với thống kê cao nhất là 400.000 người bỏ xác ngoài biển khơi.

Một nhà báo viết rằng:
"Sự phi lý của thảm kịch thuyền nhân Việt Nam còn nổi bật vì những người tị nạn Việt Nam đã phải rời quê hương ra đi để tìm quyền sống, trong khi tiếng súng đã không còn trên lãnh thổ của đất nước họ.

Vào thời đó, khi niềm ước vọng hòa bình mà mỗi người dân Việt đều ấp ủ trong lòng từ bao nhiêu năm trời mới vừa ló dạng, đáng lẽ toàn dân tộc đã có thể nối tay nhau để cùng kiến tạo một đất nước đã phải chịu quá nhiều khổ đau và mất mát trong gần nửa thế kỷ khói lửa triền miên.

Trái lại, lòng thù hận quá đà và niềm cuống tín chủ nghĩa mù quáng của những người nắm quyền lực bằng súng đạn đã tiếp tục bao phủ đất nước và dân tộc trong một không gian đàn áp và khủng bố tàn bạo, khiến cho người dân Miền Nam thời đó chỉ còn một lối thoát là lao mình ra biển cả để tìm con đường sống.

Với một niềm hy vọng và một lời cầu nguyện, hàng chục ngàn gia đình gồm cả trẻ thơ và bô lão đã ra khơi hướng về những bến bờ hy vọng, bất kể những hiểm nguy mà có lẽ tất cả mọi người đã dự đoán được trước khi quyết định ra đi"

Lam Phương có một bài cũng rất hay là "Vĩnh biệt người tình", ông kể:

"Cành hoa năm đó, sắc hương tả tơi
gởi theo con nước về đến bên người
em đã đi tìm, giữa lòng biển rộng
tình đẹp trăm năm
trong giấc ngủ nghìn thu"

Và:

"Con tàu nhỏ bé như một chiếc kiệu cưới không kết hoa
gói trọn thân xác em vào lòng biển cả
nơi đó, em đã tìm được sự an lành của tình yêu vĩnh cửu
nơi đó, em sẽ mãi mãi bên anh"

Không biết có bao nhiêu nước mắt và xương trắng của người Miền Nam đã đổ vào biển khơi, trùng khơi rộng lớn cho giai đoạn đó? Ra đi mà vẫn ngoái nhìn quê nhà, lên trại tị nạn, sau đó định cư mà vẫn nhớ quê nhà, hy vọng quê nhà sẽ tốt hơn:

"Đất nào sinh ra tôi
Mẹ hiền nào cưu mang tôi
Miền nào nuôi thân tôi
Mà giờ này tôi xa rồi"

Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng năm 1980 vượt biên ở Cà Mau và bị bắt, ở tù U Minh mấy tháng. Khi ra tù vào năm 1981, ông tiếp tục vượt biên, nhưng cũng không thành công. Trong thời gian này "Bà má Hậu Giang" ra đời. Bài hát kể về bà má Hậu Giang xưa chèo đò cho VC, sau 1975 chèo đò giúp người vượt biên:

"Mẹ thương con thương tất cả, đứa này thương như đứa kia
Nhớ... nhớ năm xưa mẹ tắm nắng gội mưa
mẹ chèo đò đưa quân giải phóng, đêm đêm ngất cao hận thù
mẹ hiền tình quân giải phóng, nâng niu Cách mạng Mùa Thu
ru hỡi... ru hời... hỡi ru
Rồi suốt năm mấy năm nay
mẹ nuốt đắng ngậm cay
Nhìn dòng Hậu Giang chìm đắm, không cam khúc nhôi đoạn trường
Mẹ chèo ghe đêm vượt tuyến, đưa đi lũ lượt người thương
Thương hỡi... thương hời... hỡi thương"

Năm 1982 Trầm Tử Thiêng vượt biên lần nữa, bài "Người ở lại đưa đò" ra đời:

"Ta quý mến dòng sông quen đưa tiễn
thương người đi đến trọn nghiệp đưa đò
Con sông nào biết đường ra biển
đều biết đường đến bến Tự Do"

Trong bài này có một đoạn rất hy vọng, nhạc vàng đã là niềm hứng khởi cho tác giả sống những ngày đày đọa tăm tối đó và ông không bỏ cuộc, ông vẫn mong một ngày tươi sáng cho ông và cả quê hương:

"Nhạc vàng sót trong mơ, còn gợi thương và nhớ
nhắc ta ôm hy vọng mà chờ
Một ngày bao người đi sẽ về đây dựng cờ
Nhạc vàng hát ru mờ, hát mong chờ mãi mãi
Lửa ngục tù bốc cháy cõi u tối hát về rạng đông
bên tình người giấc mặn nồng
Lửa rực muôn tấm lòng
Quanh năm đưa đò... đưa người tìm Tự Do"

Rồi có ngày Trầm Tử Thiêng cũng lọt được qua đất Mỹ, nhưng ông chưa kịp nhìn quê hương, đặt chân về lại VN thì đã qua đời:

"Khi đi thấy đường đã xa
bây giờ đường về xứ
còn xa hơn nghìn lần"

Năm 2000 bà Sadako Ogata, Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đã tuyên dương những người VN vượt biên dũng cảm này là: “Những người sống sót vĩ đại của Thế Kỷ 20”.

Năm 1979 văn hóa Miền Nam đã bị biến đổi từ từ rồi.

Chiếc xe chạy bằng đường ray, kéo dài thòn và cà xịch cà tàng mà tiếng Hán là hỏa xa, dân Nam Kỳ gọi là xe lửa, Bắc gọi là tàu hỏa. Tàu hỏa năm 1979 đã "hiện diện" ở Sài Gòn.

Đoạn đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho khánh thành năm 1881 là tuyến đường sắt đầu tiên của xứ An Nam và toàn cõi Đông Dương. Cái đầu máy chạy bằng hơi nước khạc ra nào là khói, lửa, mùi than nồng nặc, xì hơi nước nóng hổi, dân Nam Kỳ kêu là “xe lửa”. Người Nam Kỳ phân biệt rất rõ, rất rành mạch giữa “xe” và “tàu”. Đứa con nít mới biết nói cũng biết rằng xe là phương tiện chạy trên đường lộ, trên mặt đất, còn tàu là phương tiện chạy trên mặt nước, dưới sông. Lẽ dĩ nhiên là “xe lửa” có trước “tàu hỏa”, là vì tới thời ông Paul Doumer năm 1902 thì Hà Nội mới có xe lửa. Người Sài Gòn được dạy kêu xe lửa bằng tàu hỏa.

Chiếc máy bay, dân Nam Kỳ kêu là “phi cơ” thì Bắc phong hàm là “tàu bay”, phi thuyền bay vào vũ trụ thì kêu là “tàu vũ trụ”, nó mê Tàu thế không biết? Sau 1975 có đi máy bay ở Tân Sơn Nhứt thấy nực gà khi nghe giọng thánh thót: ”Tàu bay sắp cất cánh…” Năm 1979 ở Miền Nam, dầu hôi đã bị dạy kêu là "dầu hỏa", đá banh thành "đá bóng", cái nón thành "cái mũ".

Năm 1979 nhiều em bé đã ra đời trong cảnh thiếu thốn. Miên đánh phía Nam, Tàu đánh biên giới phía Bắc.

Sài Gòn còn mãi trong lòng người Miền Nam. Sài Gòn chẳng đi đâu xa, nó còn quanh quẩn đâu đó trong từng ngôi nhà, từng xóm làng, trong lòng, trong máu của của từng người dân thương yêu nó. Hồn vía của đất Sài Gòn vẫn còn ngời ngời ra đó, Cầu Muối, Chợ Quán, Xóm Vôi, Xóm Cải, Bà Chiểu (Gia Định), Bà Hom (Phú Lâm), Bà Quẹo (Quán Tre) và Bà Điểm, Thuận Kiều, Thị Nghè vẫn còn sờ sờ đó, lăng Ông Bà Chiểu vẫn nườm nượp dân thăm viếng đó.

"Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ..."

Trong lịch sử hình thành xưa rày, Sài Gòn là Sài Gòn, nó vẫn là Sài Gòn, Sài Gòn niềm thương nỗi nhớ, Sài Gòn da diết, miên man những êm đềm. Cái tên thôi mà, có thể thay tên nhưng không thể thay hồn, thay lòng. Cái tên thôi mà. Nhớ nhà sử học Trần Trọng Kim từng viết rằng:

"Bây giờ ta chưa có áo lụa, ta hãy mặc tạm áo vải, tuy nó xấu xí nhưng nó có thể làm cho ta đỡ rét. Nghĩa là ta hãy làm thế nào cho những thiếu niên nước ta ngày nay ai cũng có thể biết một đôi chút sự tích nước nhà, cho khỏi tủi quốc hồn".

Hình: Sài Gòn 1979

Nguyễn Gia Việt

No comments:

Blog Archive