Friday, January 12, 2024

PULAU BIDONG MIỀN ĐẤT LẠ

Buổi sáng Chúa Nhựt, đầu năm dương lịch 1979, tôi ngồi tiếp chuyện với bà Hai ở phòng khách. Từ Búng lên Bình Dương, bà nôn nả báo cho tôi hay một tin vui. Đó là cô Hà, con gái út của bà, vượt biên thành công qua bức điện tín đánh về từ một phương trời xa. Bà vui mừng nét mặt rạng rỡ. Cầm miếng giấy nhỏ màu xanh lợt trong bàn tay run run, bà nói thì thầm bên tai tôi như sợ người khác nghe được:

-Mầy coi nè, cái con nhỏ thiệt không ý tứ. Chiều hôm qua nhận được dây thép, xé ra đọc rồi tao muốn nghẹt thở, xỉu luôn. Ổng nghe ồn ào, chạy ra coi lại, thì thấy nói nó tới Mã Lai bình yên. Thiệt hú vía ! Mầy biết tại sao không? Nó hà tiện, viết hai chữ "bình an" dính lại làm một. Tao ba chớp ba sáng, đọc lộn là "bị nạn"... Mấy tuần nay, tao với ổng trông đứng trông ngồi. Có tin, run quá, quáng mắt đọc không ra chữ.

Nói liền một hơi, rồi ngồi thở một hồi, bà chắc lưỡi tiếc cho tôi
-Phải chi hồi đó mầy tính được, đi chung một chuyến với nó là xong rồi !

Tôi mừng cho cô Hà thành công tới nơi an toàn, trong bụng cũng thấy tiêng tiếc, phải chi liều gan một chút, đi đại thì bây giờ khoẻ rồi. Cô Hà dạy chung trường với vợ chồng tôi và cùng bị cho nghỉ việc một lượt, vì cái tội lúc trước làm hiệu trưởng một trường quận. Cô hiệu trưởng còn trẻ măng chưa chồng.

Có anh bạn đồng nghiệp thầm thương trộm nhớ mà không dám nói ra. Trước khi đi, cô tâm sự từ giã -trách cứ cái anh chàng Thạnh cù lần, đàn ông con trai gì mà nhát như thỏ đế !

-Ờ ờ, anh Thạnh e ngại bị cô từ chối, ở tỉnh nhỏ, người ta nói ra nói vô khó lòng.

"Xưa kia anh ở cùng làng. Bởi anh chậm bước nên nàng đi xa". Bây giờ nhớ tới vụ vượt biên, thấy câu hát đó quá đúng đối với tôi. Cô Hà đã thoát được, còn tôi, tới chừng nào? Đàn bà con gái, người ta chưn yếu tay mềm còn dám liều mạng như vậy, trong khi đó mình thân dài vai rộng mà cứ do dự, lừng khừng thì bao giờ mới tính chuyện lớn được. Dầu sao thì cô ấy, một thân một mình, cũng dễ tính. Còn tôi thì vợ con đùm đùm đề đề, thằng Tâm Bi mới có mười tám tháng, còn quá nhỏ để dãi nắng dầm sương, vượt qua bao sóng gió, rủi có bề gì thì sao? Nhiều đêm trằn trọc, nghĩ tới nghĩ lui, tôi bàn với Duyên:

-Vợ chồng mình khó mà sống yên thân. Cái thế bắt buộc phải ra đi, nhưng hoàn cảnh bề bộn của mình, anh tính không ra.

Duyên khuyến khích tôi nhưng vẻ mặt buồn buồn:
-Hay là anh đi trước, mẹ con em ở lại tính sau!

Làm sao mà tôi chịu như vậy. Tôi và nàng mới cưới nhau, vừa có được thằng con trai nhỏ. Cuộc đời đầy bất trắc, quê hương đất nước kể như tiêu tan, cái tình yêu gia đình chỉ còn lại có chút xíu đó, làm sao dám liều lĩnh phiêu lưu, thành ra cứ hẹn lần hẹn lữa, mãi cho đến hôm nay, tôi vẫn còn ngồi thừ trên ghế. Bà Hai trước khi ra về, còn dặn dò:

-Mầy tính gì thì tính lẹ lẹ đi, người ta lấy ghe lấy tàu đi từ từ hết, đến lúc muốn đi thì không còn chiếc nào, khi đó làm sao xoay trở ?

Tôi gật đầu nói nhỏ:
-Ngày nào con xuống Búng thăm hai Bác, là ngày đó con từ giã... Con cũng muốn quyết định dứt khoát nhưng có cái gì níu kéo lại. Phải rời bỏ cái tỉnh Bình Dương nầy, buồn lắm bác Hai ơi !

Tôi dẫn cái xe đạp ra ngoài, cái xe có gắn thêm cái yên nhỏ để thằng Bi ngồi đằng trước. Nó còn quá nhỏ nên phải ràng buộc cẩn thận. Trên đầu tôi đội cái nón kết đỏ bầm, thứ nón của lính nhảy dù, còn Bi thì đội nón vải trắng có hình mỏ neo của lính thuỷ, có quai để khỏi rớt. Tôi muốn chở con đi một vòng thành phố, để nhìn cho hết, cho kỹ, cái nơi mà tôi đã sống gần nửa đời người. Nơi đó, có buồn có vui, có những hình ảnh thân yêu, có những kỷ niệm thời thơ ấu. Như có một sợi dây vô hình ràng buộc, trái tim tôi như thắt lại khi phải quyết định xa quê.

Trưa đó, trời nắng gắt, hai dãy phố chợ như bị bỏ vô lò mà hấp. Hơi nóng bốc lên hừng hực từ các mái ngói, mái tôn, mặt nhựa đen mốc, những lề đường xi măng khô cứng.

Trước nhà bây giờ là giang sơn của mấy bà bán gạo lậu. Họ ngồi đông nghẹt, chen lấn nhau, trước mặt là những thúng gạo trắng đầy vun, các đống khoai đỏ, vàng đổ ngổn ngang như đất đá vụn. Rải rác đây đó, gióng gánh vương vãi. Giờ nầy khách mua đã thưa. Có vài cán bộ áo trắng, bộ đội áo kaki màu cứt ngựa xanh đùng đục, mang dép râu. Có người dắt xe đạp treo tòn ten bó rau xanh dờn, đi chen lấn các bà nội trợ, áo bà ba đen, nón lá. Tự dưng nơi đây trở thành cái chợ trời ngang xương. Ban đầu có vài ba người đàn bà lạ mặt ngồi bán các thứ khoai, gạo, đậu, nếp. Họ bày bán trên cái lối đi trước nhà. Chợ thì ở tuốt đàng kia, sát cạnh bờ sông. Từ ngày mấy ổng bỏ rừng về thành phố, toàn dân miền Nam đâm thất nghiệp. Vợ con công chức quân nhân chế độ cũ, chồng cha bị đày đi một nơi khỉ ho cò gáy nào đó, ở nhà túng quẫn, phải bươn chải tảo tần, kiếm kế sinh nhai, hầu sống còn qua ngày. Họ trở thành bạn hàng buôn thúng bán bưng bất đắc dĩ. Tìm chỗ ngồi không được ở đàng kia, thôi thì giành dân lấn đất đằng nầy. Đằng kia là chợ mà đằng nầy là cái hành lang lát gạch bông bằng phẳng của dãy phố nhà tôi.

Phía bên kia là công viên nắng cháy xác xơ, hồ nước cạn khô, đáy đầy đất đá, bãi cỏ loang lổ úa vàng vì không người chăm sóc, chỉ còn trơ lại một cây khuynh diệp cằn cỗi lưa thưa, đứng lẻ loi ở góc sân. Tôi dẫn cái xe băng ngang qua đường, đứng dưới bóng cây, nhìn trở lại bên nhà, nói cho Bi nghe, mặc dầu biết nó không hiểu:

-Con nhớ nghe, cái nhà nầy là nhà của Nội. Cả đời ông nội làm việc cực nhọc vất vả mới tạo dựng được. Ba được nuôi nấng lớn lên ở đây, con cũng vậy. Hồi nhỏ ba ưa đi chơi, bị ông nội lấy dây nhợ cột chưn vô cái cửa sắt. Mỗi khi gần Tết, ba với chú Sáu, chú Bảy con phải lau chùi hết mấy cái cửa đó. Cực lắm mà vui. Mấy chậu sứ Thái Lan đầy bông đỏ để trên lầu, mua ở vườn ương cây bên Thủ Đức, đem về ba chiết ra từng chậu nhỏ, phải chăm sóc liên tục trong mấy năm mới được xum xuê như con thấy...

Nghe tôi thì thầm, thằng nhỏ có biết gì đâu, u ơ mấy tiếng trong miệng nhỏ xíu. Tôi nhìn cái bảng hiệu tiệm của ba tôi. Những chữ bằng cây to, dầy, sơn trắng, được cưa đục khéo léo, đặt trên nền nâu đậm, vẫn còn sáng sủa nổi bật như cái ngày đầu tiên thợ hồ đến gắn vào tường. Lúc đó tôi vừa mới lớn, ba tôi muốn có một cái bảng hiệu coi cho được. Cái bảng cũ trông thô sơ, quê mùa. Tôi phải bỏ ra một thời gian dài, đi trên các đường phố ở Sài Gòn để ăn cắp kiểu vở. Rốt cuộc chọn kiểu nầy. Tôi đã đặt ông thợ mộc già, người Bắc, điếc tai ở cầu Bình Lợi làm. Nói hoài, ông không hiểu, ra dấu đến mỏi tay, cuối cùng phải dẫn ông đến cái tiệm có bảng hiệu đẹp đẽ kia, rồi xin phép chủ nhà, đo lấy kiểu mẫu. Mỗi năm gần Tết, tôi phải bắt thang leo lên, lấy vải thấm nước lau sạch từng chữ cái. Hiệu tiệm và tên ba tôi rất dài, phải lau cả buổi mới xong. Bây giờ, muốn lau cũng không được. Làm sao còn được cái công tác cực nhọc mà sung sướng đó nữa rồi!

Cha con tôi lần ra tới bờ sông, theo con đường Bạch Đằng nhỏ hẹp, có cái cầu tàu mục nát cạnh chợ cá, những hàng cây dương già gốc nổi u sần sùi, thân ngả nghiêng. Gió từ sông thổi lên nhè nhẹ, mang theo mùi tanh tanh của sông nước. Ánh nắng chói chang lấp lánh trên làn sóng bạc, phản chiếu như hàng trăm hàng ngàn chiếc gương nhỏ lăn tăn. Từng dề lục bình xanh xanh trôi rập rềnh không biết về đâu. Cuộc đời cha con tôi bây giờ sắp sửa trôi dạt như đám lục bình nầy. Trưa nay đứng bên dòng sông chảy ngang qua chợ, trời nóng hừng hực, cảnh vật lờ đờ, lặng thinh không thơ mộng chút nào, vậy mà tôi đâm nhớ cái câu ca dao thời thơ ấu, nghe má đưa em trên võng:

Ra đi là sự đánh liều
Mưa mai nào biết, nắng chiều nào hay.

Cái câu nầy hơi kỳ lạ. Tôi nghĩ quẩn nghĩ quanh. Những hình ảnh vụn vặt, chắp nối. Không hiểu tại sao tôi cứ nghĩ đây là câu hát kể lể tâm sự của một cô thôn nữ nào đó vì tiếng gọi của yêu đương mà dứt khoát ra đi lấy chồng. Theo chồng hay theo trai ? Điều đó đâu có gì quan trọng, cái quan trọng là họ yêu nhau. Đã yêu nhau rồi thì tương lai ra sao cũng mặc kệ! Buổi sớm, buổi chiều, nắng cháy hay mưa dầm, làm sao biết trước ? Giữa tình yêu nồng nhiệt, cuống quít và cuộc sống lạnh lẽo, buồn tênh, phải chọn một. Cô đã chọn trong cái tâm trạng lo lắng, sợ sệt, bồn chồn. Tôi cũng y như cô ta, nhưng cái tình của tôi có khác đôi chút. Phải rồi, khác một chút xíu, ở chỗ cô tự nguyện ra đi. Còn tôi thì ở cái thế bắt buộc phải xa lìa. Tôi cúi đầu nhìn xuống thằng Bi, rồi chỉ cho nó cái cầu tàu bằng cây cũ kỹ đã hư mục, một phần còn gác trên bờ hàng cột xiêu vẹo, một phần chìm sâu dưới nước.

-Con ơi, hồi nhỏ tám, chín tuổi, ba bì bà bì bỏm lặn hụp, tập lội ở cầu tàu, chỗ gần cây dương cụt đầu nầy sâu lắm, có lần hụt chưn tưởng bị chết đuối. Năm mười hai, mười ba tuổi, ba đi chặt trúc làm cần, uốn căm xe đạp làm lưỡi câu để đi câu lươn, không mang dép guốc nên da chưn bị nứt nẻ, đất sình bùn dơ dáy, ăn lở loét, phải nhờ bà nội lấy bã trầu đắp cho mới hết...

Để trả lời, thằng nhỏ chép miệng ư ư... bàn tay mủm mỉm như củ khoai mì, quơ quơ như muốn chụp lấy vật gì trước mặt. Tôi nhìn lên phía bên kia đường. Ty Bưu Điện cũ kỷ già nua được xây cất từ hồi Pháp thuộc, mái ngói đen mốc đầy rong rêu, tường vôi loang lổ, chỗ vàng chỗ xám, cạnh tường dây leo mọc chằng chịt, đứng trơ trọi bên bờ sông như một ông ký về già lẻ loi, buồn thảm kéo lê cuộc đời quạnh hiu. Tôi còn nhớ rất rõ, lần đầu tiên được sai đi bỏ thơ, ở nhà dặn dò kỹ lưỡng, mua con cò mười lăm cắc để dán lên bao. Tôi đến nơi đây, rụt rè hỏi mua được tới mươi lăm con. Mừng rơn, nghĩ rằng bữa nay nhà nước bán rẻ, sướng quá, le cái lưỡi thiệt dài, thấm nước miếng dán một con vô bao, cẩn thận đem bỏ vô thùng, xong rồi, đem mười bốn con còn lại, về nhà khoe rùm beng. Cũng cái thùng thơ rỉ sét nầy đã chứng kiến cảnh tôi bỏ từng bức thơ màu hồng yêu đương ấm áp, từng bức thơ màu xanh hy vọng tương lai, gởi đến một cô bạn gái đẹp đẽ dễ thương nào đó mà chưa quen, tay run run, trống ngực đập thình thịch, mắt lấm lét ngó trước ngó sau, sợ lũ bạn quen bắt gặp. Cái thơ đã bỏ vô thùng mà còn ngó hoài, cứ lo sợ mất -xa sông cách núi lở vời. gởi thơ sợ lạc gởi lời sợ quên.

Tôi đạp xe vòng qua bên kia chợ. Người buôn kẻ bán lưa thưa. Đúng là cảnh chợ chiều. Mũi tôi ngửi được cái mùi chợ cá quen thuộc. Mùi khô cá mặn, mùi mắm, mùi củ cải muối, muì tro diêm, mùi đường thẻ, mùi thuốc bắc...và hàng trăm thứ mùi khác trộn lẫn nhau, quện lấy nhau, tạo cho không khí nơi đây có một cái gì gần gũi thân yêu. Tôi đã hít thở mấy chục năm qua, từ thưở bé thơ cho tới khi khôn lớn. Cái hơi hướng đó nó đã ăn tận vào buồng tim thớ phổi. Tôi tin chắc rằng nếu phải xa nơi đây, tạm ngụ ở một phương trời vô định nào đó, tôi vĩnh viễn không bao giờ tìm thấy được cái dư vị của những ngày thơ ấu.

Đêm đêm cánh rụng lầu ngà
Một trời ly biệt để già nhớ thương(Vũ Hoàng Chương )

Chiếc xe lăn bánh chầm chậm trên đường phố. Bên nầy là đường Nguyễn Thái Học, bên kia là Đoàn Trần Nghiệp. Cũng thời là nhà cửa phố xá ngày xưa, nhưng có vẻ gì tiêu điều xa vắng. Mới bốn năm, mưa nắng đã làm cho gạch vôi ẩm mốc xám đen, tang tóc buồn thảm. Nhìn những bước chưn người đi lại trên hè phố, tôi như thấy được nỗi chịu đựng đầy cay đắng trong cái dáng hấp tấp, vội vàng hay ngập ngừng, đắn đo. Ôi ! Những người dân vô tội đáng thương của một đất nước "anh hùng".

Trên đường Trưng Vương, tiệm vàng Tín Thành cao ba từng bị tịch thâu, được đổi thành Phòng Y tế Thị Xã. Đã gần xế chiều vậy mà bịnh nhơn vẫn còn kiên nhẫn sắp hàng, đứng dài ra tới ngoài sân. Nhiều em bé trơ xương nằm lả người thiêm thiếp trên tay mẹ. Nhiều cụ già khăn áo bạc màu hom hem, còm cõi, nhẫn nhục sắp hàng chờ đợi tới phiên mình.

Qua đường Hùng Vương có trường trung học Nguyễn Trãi thương yêu ngày xưa, tôi hàng ngày hai buổi đi về, với bao thầy bạn thân thương, bao mộng mơ một thời mới lớn, bây giờ trở thành Phòng Giáo Dục. Hàng dừa xanh mát rủ bóng trong sân, đã được đốn đi thay vào đó là sân đánh bóng chuyền, treo cái lưới rách giăng ngang, giành cho công nhân viên chức nhà nước chơi đùa. Rải rác có các cán bộ dép râu nón cối, gương mặt lầm lầm lì lì. Tôi nghe đau nhói trong tim. Có cái gì mất mát tổn thương quá lớn...Như một thứ tình yêu rạn nứt.

Đất đổi hoa màu, nhà đổi chủ
Trâu quên mục tử, ngựa quên chuồng.(Nguyễn Bính)

Không, cảnh tuy đổi thay, người đổi thay nhưng lòng tôi không thay đổi. Dầu người ta có bắn phá, đập nát, đốt cháy hết cả cái tỉnh Bình Dương nầy nhưng trong tôi vẫn còn hoài, còn huỹ hình ảnh chợ Phú Cường bằng bê tông cốt sắt đồ sộ với cái tháp đồng hồ cao sừng sững, dòng sông Sài Gòn uốn khúc lặng lờ trôi từ thành Săng Đá xuống, mang theo trong dòng vẩn đục từng dề lục bình xanh xanh, trổ bông tim tím, dốc Ông Cò thoai thoải, im mát hai hành cây sao cao vút, dốc nhà thương có trường Nam Tỉnh Lỵ Châu Thành, có nhà thờ bằng đá hoa cương, mỗi khi hè đến, hàng phượng vĩ trổ hoa đỏ rực, rền rền tiếng ve.

Trong đầu óc tôi những ngày tháng ngây thơ đó thần tiên quá. Những hình ảnh như vậy ngàn đời trong tôi không phai nhạt chút nào. Nó đã thấm vào tim óc, vào từng tế bào từ lâu lắm. Chắc từ hồi còn ở truồng tắm mưa. chạy lượm xoài, lượm ổi rụng trong những cơn mưa giông, giành giựt nhau la hét vang rân từ đầu làng cho tới cuối xóm.

Ôi, Bình Dương thân yêu của tôi, chỉ vài ngày nữa thôi, tôi phải bắt buộc đứt ruột mà xa lìa. Ở đó tôi có biết bao nhiêu bạn bè mà gương mặt xanh xao, màu rau nhiều hơn màu thịt cá. Ở đó tôi có biết bao nhiêu kỷ niệm thời thơ ấu, bao gắn bó của một thời mộng mơ, bao tin tưởng của một thời thành đạt. Làm sao tôi có thể ra đi mà không bịn rịn, xót xa!

Tôi cũng muốn đi một vòng thiệt xa, để nhìn cho hết những con đường dốc khúc khuỷu quanh co, bùn sình trơn trợt của các hầm đất sét ở Lò Chén, các con đường làng kẻo kẹt tiếng đọt tre đong đưa miệt Xuân Hiệp, những con đường đất đỏ ngoằn ngoèo im mát bóng cây ăn trái miệt Giếng Máy, Cầu Ông Đành, những liếp rau ngát xanh, những bờ nước đầy rong đuôi chồn trong vắt miệt Phú Văn rồi vòng lên các ngọn đồi cao miệt Bà Lụa để nhìn trở lại dòng sông Sài Gòn chảy uốn khúc lặng lờ qua tỉnh lỵ. Tôi muốn gặp hết tất cả những người quen biết, tất cả bạn bè thân yêu, để nói câu giả biệt. Nhưng làm sao, làm sao được!

Tôi không thể nói gì hết. Gần trên bốn năm nay rồi tôi sống im lặng, vật vờ thu mình như một cái bóng mờ, lặng thinh câm nín. Một chút động tĩnh cũng không dám. Người ta hoài nghi, xoi mói, rình mò. Tôi không thể nói bất cứ điều gì, dầu chỉ là lời từ giã. Nếu nói được thoải mái thì đâu cần phải ra đi làm gì ! Đúng rồi, nếu nói được thoải mái thì đâu cần phải ra đi !!!

Giờ nầy dưới ánh nắng thoi thóp của buổi chiều sắp tắt, tôi nhìn trở lại Bình Dương của tôi, một lần. Một lần cho thật rõ, thật kỹ những cảnh vật, màu sắc, âm thanh, mùi vị... Tôi muốn ôm hết, thu hết, ghi nhận hết trong tim, trong óc, bởi vì tất cả sẽ vĩnh viễn mất đi khi tôi cất bước lên đường. Mai kia khi tôi đi rồi thì tương lai kể như mù mịt, quá khứ trở thành chiêm bao !

Bình Dương bây giờ, Bình Dương của ai ?

Chuyến xe đò quốc doanh Đồng Hiệp sơn đỏ, chuyến cuối cùng trong ngày đưa vợ chồng tôi rời khỏi tỉnh. Cái bến xe chật hẹp nằm cạnh trường trung học Bồ Đề của tỉnh lỵ buồn hiu, ảm đạm, dưới ánh nắng thoi thóp của buổi chiều sắp tắt. Màu nắng vàng vọt, lẩn trong làn gió thoảng cái hơi hướm của biệt ly.

Lòng tôi chùn xuống, nhấp nhô theo từng căn nhà, từng miếng vườn, từng khúc quanh của con phố nhỏ. Tất cả đối với tôi quen thuộc quá. Ngang qua nhiều xóm làng hai bên đường, nhà nhà còn treo đầy cờ đỏ sao vàng của ngày lễ vừa qua chưa kịp gỡ. Cũng có thể vì chưa có lịnh nên chưa ai dám lấy xuống.

Chiều nay đâu có giông bão mà sao lòng tôi đầy mây giăng, trời không mưa mà mắt tôi ươn ướt. Tôi cố nhoài người qua khung cửa xe để nhìn cho rõ, cho kỹ, nghe từ trong cõi lòng câu hát ngày xưa: "Ra đi là sự đánh liều, mưa mai nào biết nắng chiều nào hay. " Bây giờ là nắng buổi chiều, tôi sắp phải đương đầu với những cơn mưa giông buổi sáng. Liệu tôi có đủ nghị lực để chống chỏi với gió táp mưa sa chăng ?

Lò dò tôi mở cái xách tay dưới chỗ ngồi, để tìm cái khăn nhỏ. Tôi thấy một hủ dầu cù là lớn, chai Nhị Thiên Đường, mấy gói thuốc cảm, thuốc đau bụng, cùng một vĩ thuốc ói mửa... Như một dòng suối tràn không chặn lại được, nước mắt tôi tự nhiên trào ra, ràn rụa. Những giọt nước mắt chảy dài trên gò má, rơi xuống miệng, mặn đắng. Cũng may tôi có mang cái kiếng đen, nên không ai thấy. Mấy món tôi vừa thấy được đó là của má tôi, hồi sáng nầy, chính tay bà đã để vô.

Chuyến đi quá hấp tấp nên tôi không kịp chuẩn bị gì hết. Lúc gần trưa hai đứa em, Tuyết và chồng nó từ Sài Gòn về. Hai đứa chun vô nhà bằng cổng sau nhanh như một luồng gió, hấp tấp báo cho hay là chuyến vượt biên sắp khởi hành, vợ chồng tôi và các em còn lại ở Bình Dương, phải xuống Sàigòn ngay trong chiều nay để sáng mai đi Bạc Liêu, chuyến xe sớm nhứt trong ngày. Làm sao kịp, tuy đã biết là sẽ đi nhưng cứ tưởng là ít nhứt phải năm, ba tuần nữa. Tự nhiên tay chưn quýnh quáng, tôi chạy ra nhà trước, đứng nhìn cái bàn viết, cái tủ rồi ra sau, vô phòng ngủ, nhìn cái giường, cái tủ áo, rồi chạy lên lầu, tần ngần đứng lặng nhìn cái tủ sách. Dọc theo tường, cạnh bàn thờ tổ tiên giữa nhà, là cái tủ sách bằng cẩm lai thiệt lớn. Đời tôi đó ! Cái tủ sách hằng nâng niu, ôm ấp, giữ gìn, bây giờ nó đã trống trơn. Sách vở bị tịch thu từ những năm trước. Từng đoàn người lạ mặt, thô lỗ, túa vô nhà, lục lọi, bươi móc tứ tung, cuối cùng bưng ra xe từng chồng sách vở, tạp chí, tranh ảnh đủ loại. Họ đã rứt đi từng cõi lòng tôi. Trên mấy ngăn đầy bụi, bây giờ chỉ còn lỏng chỏng năm ba bộ sách chữ nho xưa, vì không đọc được nên họ quăng bỏ lại. Đây đó phất phơ vài màng nhện mỏng, bụi bám giăng giăng. Đời tôi không thể thiếu sách vở. Đi đâu thì đi, làm gì thì làm, cũng phải có một cuốn kế bên. Tại sao không lựa một cuốn đem theo làm kỷ niệm? Sách gì cũng được. Người ta vượt biên đem theo vàng bạc, ngọc ngà, châu báu, tại sao tôi không đem theo sách?

Quyết định xong, tôi lướt nhìn một lần chót những tựa sách thân yêu. Bộ Khang Hi tự điển dầy mo để cạnh bộ Tứ Thơ bìa đỏ, in hình cỗ chiến xa ngựa kéo, bên trên có che cây lọng tròn, quyển Dịch Kinh Bạch Thoại Tân Giải, Thi Kinh Bạch Thoại Chú Giải bìa đen, giấy mỏng in thạch bản. Mấy quyển tiểu thuyết Đường Cung Nhị Thập Triều, Thanh Cung Thập Tam Triều, Tam Quốc Chí, Hồng Lâu Mộng, Lục Dã Tiên Tung, Liêu Trai Chí Dị, Đường Thi Tam Bách Thủ nằm đứng ngã nghiêng bên cạnh mấy cuốn Trung Quốc Văn Học Sử Giản Yếu, Cổ Văn Quan Chỉ, Cổ Văn Bình Chú, chữ đồng nhỏ như con kiến. Tôi rờ rẫm từng cuốn, từng cuốn, rồi cầm lên bộ Từ Nguyên. Đó là bộ tự điển được in ở Thượng Hải Tiêu Cục, tôi đã mua ở Chợ Lớn, lúc mới bắt đầu học chữ nho với giá rất mắc, bìa đóng bằng vải dầy, giấy trắng mịn, mỏng tanh. Nhưng lại để xuống. Hai quyển thượng và hạ, mỗi quyển trên cả ngàn trang, nặng quá. Tuy rằng nó quí thiệt, nhưng làm sao ôm xách đem theo.

Nhìn những quyển nầy, tôi như thấy được những ngày tháng ở Văn Khoa Nguyễn Trung Trực, ở Sư Phạm Cộng Hoà. Những ngày tháng sống đời sinh viên hạnh phúc biết bao nhiêu! Ở đó tôi có được những bạn thân, những vị thầy quí mến.

Thầy Lê Ngọc Trụ đơn giản trong nếp sống của người học giả, lúc nào cũng thoải mái, cặp kiếng già thường xề xệ trên sóng mũi, cái mũi lớn sần sùi, đo đỏ như trái cà chua. Ngày nhập học, tôi đã lầm thầy với ông tùy phái, đến khi vào lớp mới biết mình đoán người qua cách ăn mặc là ngu ngốc hết sức. Từ đó tới sau, lúc nào tôi cũng nhớ hoài câu " ngọc trụ bình thiên ".

Thầy Nghiêm Toản mập người, lùn thấp, dáng đi bệ vệ, miệng hơi hô, tánh chững chạc, nghiêm nghị mà ôn hoà. Tôi chưa bao giờ thấy thầy lộ vẻ nóng giận. Ngồi dưới bàn học nhìn lên, dáng vẻ thầy từ tốn, thong dong.

Thầy Nguyễn Đăng Thục, ốm cao dong dỏng, lòng bàn tay đỏ như son, càng giảng càng hùng hồn lưu loát. Có điều môn Triết Đông Phương sao mà hơi khó hiểu rồi cuối cùng thành ra không hiểu! Tôi vốn suốt đời nghe tới môn nầy là sợ.

Cụ nghè Nguyễn Sĩ Giác thiệt ốm, thiệt nhỏ và thiệt già. Có thể cụ đã trên chín mươi rồi không chừng, người cụ mỏng manh, nhẹ hửng. Mắt cụ hầu như gần loà, mỗi lần đọc chữ phải dùng kiếng lúp.

Cụ cử Thẩm Quỳnh tuy tuổi cũng đã cao nhưng còn tráng kiện, lúc nào quần áo cũng phẳng phiu. Suốt mấy năm học, tôi chưa bao giờ thấy cụ ngồi. Có anh bạn phụ đề Việt Ngữ -cụ Quỳnh không ngồi vì sợ quần nhăn! Mỗi lần nói chuyện với cụ là phải dùng chữ "bẩm" chớ không nên dùng chữ "thưa" vì như vậy, mới đúng là con nhà gia giáo. Hỏi ra mới biết, có một thuở cụ ngồi Tổng Đốc Hà Đông !

Cụ Vũ Huy Chiểu, đậu Tú Tài kép nhưng tài hoa rất mực, tuy đôi mắt đã lèm nhèm nhưng mỗi lần cụ viết xong một bài văn chữ Hán trên bảng đen, tôi nhìn say mê ngây ngất. Những nét chấm, phết, sổ tung hoành, bay bướm, đẹp như những lá tre đan vào nhau...

Ôi ! tuổi hoa niên thoáng nhanh như cơn gió. Mới đây ngày nào mà đã gần hai mươi năm.

Tôi cầm lấy hết cuốn nầy tới cuốn kia, cuối cùng rồi chọn lấy bộ sách bói của gia đình. Đó là một bộ sách xưa lắm rồi, củ kỷ, tả tơi. Không biết từ đời nào, trong nhà đã có bộ sách nầy, khi lớn lên đã có nó trên bàn viết của ba tôi. Sách gồm có sáu cuốn mỏng nhỏ, in bằng bản cây khắc tay, nét chữ rất thô sơ, giấy bạch mỏng tanh, xếp đôi lại làm một tờ, màu giấy đã ố vàng ngà ngà, mối mọt ăn lủng nhiều chỗ thành những đường ngoằn ngoèo, đen đủi. Đó là quyển " Tăng San Bốc Dịch" của Dã Hạc Lão Nhơn. Tôi bèn cầm xuống nhà dưới, kiếm giấy ni lông bao lại thành nhiều lớp, dùng bàn ủi đốt cho dính khắn các mối ráp, nếu có bị nước biển thấm vào, nó cũng không mục được. Bộ sách đã lâu năm lắm rồi, không thể để cho nó hư rách thêm. Các quyển khác, có tiền có thể mua lại được, ở Hồng Kông, Đài Loan thiếu gì ! Quyển nầy thì không. Cái giá trị không phải là ở nội dung của nó mà là kỷ niệm của gia đình. Đã bao lần ông tôi, bác tôi, ba tôi, đã cầm lên, lật ra coi tới coi lui, ngâm nga từng câu phú câu thơ, ... rồi bây giờ tiếp tục tới tôi nữa. Nếu để lại, mấy trăm trang giấy bạch chỉ đủ cho mấy ông ghiền dùng quấn thuốc hút trong vài tuần!

Lúc đó thì Duyên vừa ở trường về. Tôi bèn cho hay chuyến đi. Nàng nghe tin như từ cung trăng rớt xuống, cũng như tôi ban nãy, nàng không biết lấy gì bỏ gì. Cuối cùng rồi hai vợ chồng gom góp chút đỉnh quần áo, tiền bạc, đồ vật dụng tùy thân cần thiết hàng ngày. Nhiều nhứt là thuốc men cho đứa con trai nhỏ, thằng Tâm Bi mới vừa tập đi lẩm đẩm. Món nào cũng tiếc, muốn mang theo hết. Mà làm sao được, đi trốn chớ bộ đi du lịch sao ! Khi hai cái giỏ xách tay của tôi và Duyên đã đầy, sắp được đóng kín thì má tôi từ trong phòng đi ra, cầm một mớ thuốc nhét vô thêm, miệng dặn dò:

-Hai con rán giữ mấy món thuốc nầy. Đi đường xa, bịnh hoạn lôi thôi, có nó cũng đỡ, hổng có ba mầy với tao theo, rủi tụi bây đau yếu, không biết rồi làm sao xoay trở ?

Má tôi như vậy đó, lúc nào bà cũng coi tôi như còn nhỏ xíu, thấy có bổn phận phải chăm sóc, nuôi nấng, dạy dỗ, ngay cả khi tôi đã có vợ có con. Nói xong, bà giằng lấy thằng Bi, ôm chặt nó vào lòng. Tôi nhìn lên trần nhà, mấy ngọn đèn ống trắng hình như không còn song song mà chúng chập choạng đâm xiêng vào nhau. Ba tôi đứng cạnh bên hút thuốc liên miên. Ông bất động như pho tượng, im lìm không nói năng. Có lẽ hình ảnh tôi bồng con đi vượt biên trưa nay, giống y như hình ảnh bốn mươi năm về trước, từ bờ sông Dương Đông của hải đảo Phú Quốc xa xôi, ông đã ẳm tôi theo ghe bầu mà về đất liền để chạy giặc Nhựt Bổn. Tôi nghe đau nhói trong lòng. Căn nhà rộng rinh, từ lâu rồi nó đã trống trơn. Cũng may là còn có anh em tụi tôi, quây quần ấm áp. Bây giờ xúm rủ nhau đi như đàn chim tứ tán, xao xác bay lìa tổ. Cái tổ rộng thênh thang chỉ còn có hai con chim già ngơ ngác, bơ vơ. Rồi đây ai lo cơm nước, ai đỡ đần việc nhà việc cửa, bịnh hoạn ai lo chăm sóc thuốc thang?

Ba má tôi đó, hai ông bà già da dẻ nhăn nheo như vỏ cây sao, cây dầu, lưng còng gối mỏi, sống đã trên bảy mươi năm trong cái cuộc đời đau khổ đầy nước mắt nầy. Bây giờ một lần nữa, chứng kiến bầy con cháu đứt ruột ra đi để đến một phương trời xa xôi nào đó, mà tương lai chưa biết thế nào ?

Tôi bất chợt ôm lầy hai người mà khóc ngất như một đứa con nít lên ba. Những dòng nước mắt trào ra như suối, không kìm lại được. Ba tôi nói trong nỗi nghẹn ngào:

-Để tụi bây đi, tao đứt từng khúc ruột, nhưng biết làm sao bây giờ " -người ta không để cho gia đình mình sống yên.

Ôi! Tình cha mẹ thương con để đâu cho hết. Bây giờ ngồi trên xe, tôi lục lọi trong xách tay để kiếm cái khăn, bất ngờ đụng phải mấy món thuốc mà má tôi đã nhét theo. Bỗng dưng tôi thấy choáng váng quay cuồng, đầu óc lộn xộn, lung tung, rối beng như nùi chỉ. Những hình ảnh chập choạng ráp nối. Thấp thoáng đâu đây, tôi thấy cái nhà cẩn gạch sứ trắng số 16 đường Nguyễn Thái Học, thị xã Phú Cường có ba tôi đeo kiếng già, áo sơ mi trắng ngồi bán thuốc, má tôi áo bà ba trắng, quần lãnh đen, xách giỏ mây đi chợ. Lối xóm có chú tư Vũ Văn Lư, ốm ốm cao cao ngồi trên chiếc ghế tréo bằng da để đóng giày, cô hai Hiệp Thành mập phục phịch mở tiệm cầm đồ, cô hai Hiệu trắng trẻo, dịu nhiễu bên tiệm thuốc tây, ông Mỹ Kiều có tật chưn đứng ẹo mình một bên, uốn tóc cho khách, bác Hai Đức Hoà mập mạp, bán sắt bán đinh. Trên dốc nhà thương, miệt Bưng Cải, có các bạn tôi, anh Hưng, anh Thạnh, anh Phúc, anh On, tất cả quây quần thân ái, kể chuyện buồn vui đời dạy học và những đứa học trò thân yêu nữa, chúng đang học tập nô đùa ở sân trường.

Tôi thấy hết, rất rõ những kỷ niệm của trên ba mươi mấy năm sống yên vui ở cái vùng đất trái ngọt cây lành nầy. Tôi cũng nhìn thấy những chiếc xe thổ mộ già nua chất đầy gióng gánh, lọc cọc, lọc cọc chạy trên những đường đất đỏ ngoằn ngoèo Tương Bình, Bến Thế, Mỹ Hảo, hai bên là ruộng rẫy xanh mát. Những người đàn bà lam lũ tần tảo xuôi ngược, những người dân quê nghèo khổ, dang nắng dầm sương, vun xới những luống rau xanh...

Cuộc đời tôi đó. Nó gắn chặt vào những hình ảnh thiệt đơn sơ, thiệt tầm thường nhưng đầy đủ quá, thân thương quá. Tôi còn ước muốn gì hơn ? Vậy mà đến gần nửa cuộc đời, bắt buộc phải đành đoạn ra đi, để đến hay không đến, một góc biển chân trời xa lạ nào đó, không cha mẹ, không người thân, không bạn bè, rồi sẽ sống chung với những người không cùng màu da, không cùng tiếng nói... Tôi không thể tưởng tượng rồi sẽ ra sao nữa !

Duyên chắc cũng mang tâm trạng rối bời, nàng cũng ủ rủ không kém, từ khi cất bước ra khỏi nhà tới giờ không nghe nói năng. Xe đã qua khỏi quận Lái Thiêu, ngang qua lò đường Vĩnh Phú, những thửa ruộng mía ngút ngàn, xanh ngăn ngắt, mùi nước chè ngào ngạt thoảng vào lòng xe, một tấm bảng to đựng bên đường để làm ranh giới Bình Dương với Gia Định. Bốn chữ sơn xanh đậm nét " Hẹn ngày tái ngộ " đập mạnh vào mắt, khiến tôi bàng hoàng. Duyên nghiêng qua tai, nói thiệt nhỏ:

-Vĩnh biệt Bình Dương phải không anh ?

Bình Dương bây giờ như một cố nhơn, sắp rời xa trong mắt nhưng không phải trong lòng, làm sao có thể dễ dàng phai lạt được, dầu ở chốn nghìn trùng vời vợi.

Chờ trông quê cũ nao nao
Mặc cho tim lụn, dầu hao cũng chờ

Tôi gượng gạo trả lời, giọng yếu hẵn đi:
-Không phải đâu em, anh hy vọng chỉ là tạm biệt.

Võ Kỳ Điền
(Trích Pulau Bidong Miền Đất Lạ )

No comments:

Blog Archive