Sunday, January 7, 2024

Người cày có ruộng


Bên bàn phím -- Tranh minh họa Đỗ Tuấn Huy.

Đầu tháng 12, nhân dịp vợ chồng người bạn sang Pháp du lịch, chúng tôi hẹn hò nhau, rong chơi Paris vài ngày. Khi cả nhóm đang đi dạo, cười nói xôn xao, điện thoại của tôi reo. Nhìn vào màn hình nhỏ, thấy tên Manager của tôi. Tôi nhíu mày, mình đang nghỉ phép, bà ấy gọi làm gì. Nghĩ lại, bà gọi, có lẽ vì bà cần mình thật sự. Ra dấu cho bạn bè đứng lại tán dóc, tôi tìm góc phố tương đối bớt ồn ào, gọi về cho xếp. “Tôi biết chị đang đi chơi. Nhưng đây là chuyện quan trọng. Tôi có bổn phận phải báo cho mọi nhân viên biết. Ngày hôm nay, hãng thông báo quyết định đóng cửa văn phòng München. Đây chỉ là thông tin ban đầu. Chi tiết về diễn tiến chưa rõ ràng. Chị cứ vui chơi tiếp tục nhé. Khi nào chị về Đức hẵng tính.” Nhiều tháng trước, từ khi có thông báo hãng đổi chủ, đã có những xáo trộn trong tổ chức. Hầu như mọi người chuẩn bị tinh thần để đối đầu những thay đổi. Cắt giảm nhân sự sẽ là biện pháp đầu tiên. Nhưng tôi không ngờ hãng đóng cửa văn phòng. Ngẩn người một lúc, tôi máy móc nói câu cám ơn xếp. Tôi quay lại nhập bọn, vờ như không có gì đặc biệt, tiếp tục chuyện trò với mọi người, nhưng trong lòng bồn chồn, bất an.

Về Đức, đi làm lại, có nhiều cuộc họp. Cuối cùng, ngày giờ rõ ràng. Chỉ còn non năm tháng nữa, cánh cửa của hãng ở München sẽ khép lại vĩnh viễn. Gần 200 nhân viên của hãng sẽ đồng loạt trình diện Sở Lao Động địa phương, xin trợ cấp thất nghiệp, nếu không kịp thời kiếm ra công việc khác. Đám “thợ cày” chúng tôi táo tác chạy quanh, tìm ruộng gần, ruộng xa. Tôi cảm thấy hụt hẫng, buồn rầu. Những năm tháng ở hãng này là thời gian đẹp nhất trong cuộc sống công sở của tôi. Môi trường làm việc thoải mái. Công việc thú vị. Tôi gặp rất nhiều đồng nghiệp dễ thương. Bạn bè đùa, tôi trúng số độc đắc dài hạn. Tưởng tượng đến lúc phải xếp lại những trang sách tươi đẹp, tiếc lắm. Nhưng ngẫm nghĩ, tôi đã gắn bó gần một thập niên với hãng. Thôi, xem đây là cơ hội đón nhận những thách thức mới. 

Đổi hãng lần trước cách đây chín năm, tôi lo sốt vó. Lúc ấy, tôi ký giấy nợ mua nhà mới vừa ba năm. Quen miệng, nói, mình có nhà cửa. Nhưng có lẽ, chỉ mấy cánh cửa thuộc về chúng tôi. Còn nhà, từ mái ngói đến sàn gạch, vẫn là của chủ nợ. Lần này áp lực tài chánh không nặng nề. Nhà cửa đã dứt nợ ngân hàng. Ngoài ra, hãng tặng món quà chia tay khá hậu hỉ. Thêm vào đó, hãng cho nghỉ “về vườn” garden leave 3 tháng, như để bù đắp cho niềm đau mất việc và nhân viên có đủ thời gian xin việc mới. 

Được thời gian lãnh lương, khỏi đi cày, tôi xin chồng con cấp cho giấy phép xuất ngoại. Tôi quyết định về Việt Nam vài tuần. Không phải du lịch ngắm cảnh núi non, biển cả. Tôi muốn dùng thời gian thăm viếng, gần gũi bà con họ hàng bạn bè và thực hiện “dự án” nho nhỏ của mình. Đi thăm gia đình bà O ở “thâm sơn cùng cốc” Lộc Ninh để “hiện đại hóa” nhà vệ sinh của gia đình bà O. Nhiều ngày, tôi đi “ngủ lang” ở nhà bạn bè, từ Rạch Giá đến Quảng Ngãi, Đà Nẵng. Ra Huế, cùng bạn bè chúng tôi tìm thăm vài thầy cô giáo xưa. Ở Sài Gòn, tôi thủ sẵn cái “nón nồi”. Hễ ai hú, tôi ôm nón, thót lên yên sau xe gắn máy, đi lung tung. Từ Bình Thạnh lên Tân Định. Từ Phú Nhuận xuống Tân Bình. Có ngày, thức dậy 4 giờ sáng, đi tập thể dục ở sân vận động. Ngày khác, ra ngồi bán hàng ở chợ với nhỏ bạn. Đấy là chuyến đi “thực tế” nhiều kỷ niệm.

Nghĩ, ngày xưa, khi mình tốt nghiệp đại học, ngơ ngơ, ngáo ngáo, già hơn bạn đồng học 10 tuổi. Ấy vậy, viết năm lá đơn, đến dự phỏng vấn chỗ đầu tiên, “ôm” gọn một ghế trong tổng hành dinh của ngân hàng thuộc tay anh chị ở nước Đức. Khi nghỉ việc ngân hàng, nghe ngóng thông tin, thị trường công ăn việc làm của München đã bão hòa. Tôi nhiều đêm âu lo. Thế mà, chỉ qua một cuộc nói chuyện, tôi “gặt” được công việc đẹp như mơ. Giờ đây, tôi đã có 18 năm kinh nghiệm nghề nghiệp lận lưng. Đã đến làm việc trên 30 quốc gia. Đã ngồi vào những bàn họp đóng góp ý kiến cho những thương vụ bạc triệu. Ui, khéo lo con bò trắng răng. Đinh ninh như vậy, tôi bình chân như vại. Có điều, tôi chủ quan, quên so sánh. Hồi xưa, lần xin việc đầu tiên, tôi mới 35 tuổi. Còn bây giờ, tôi đã 53 tuổi.

Đang nhất nghệ tinh, nhất thân vinh, tôi nhảy bước thật cao, lên tận... bảy nghề. Thìa la thìa lảy, con gái bảy nghề, ngồi lê là một, dựa cột là hai...Tôi nhẩn nha ngồi lê... nơi bàn phím viết lách lăng nhăng. Rồi lại dựa cột mà nghe... nhạc tình. Cứ vậy, nhất, nhị, tam, tứ, ngũ, lục, thất... nghiệp. Thoải mái, thong dong nhiều tuần lễ. Thỉnh thoảng, tôi vào liên mạng liếc liếc tìm việc, theo đúng yêu cầu của Sở Lao Động. Nhưng chỉ nheo nheo, nhìn những việc trong München. Nộp đơn xin việc, đưa ra mức lương như hãng cũ. Nói chung, tôi hãy còn... kiêu sa, đài đệ lắm. Đơn gởi đi, có hãng tắt tiếng. Có hãng gọi điện thoại, hỏi tôi muốn lương bổng thế nào. Tôi xuống nước một tị. Họ dè dặt trả lời rằng, quỹ dự định cho việc làm này ít lắm. Họ nhã nhặn từ chối. Tôi lịch sự trả lời, không hề chi. Thỉnh thoảng tôi đi uống cà phê, cà pháo với các bạn đồng cảnh ngộ. Có người bảo, hàng hóa xuống giá hà rầm. Thời buổi việc ít, người đông. Mình nên “khuyến mãi” sức lao động mình. Người khác bàn ra, đừng bán rẻ chất xám, chớ phá giá thị trường.

“Nhàn cư” đâu được mấy tháng, Sở Lao Động lo ngại tôi “bất thiện”, viết thư, mời đến dự một buổi họp dành cho “trí thức cao cấp”. Cao cấp hay không, tôi không biết. Nhưng rõ một điều, đa số là cao niên. Tôi được giới thiệu dự khóa học Kỹ Năng Quản Lý Tiếp Thị. Tôi ừ ngay, không chần chừ. Ngày trước, đi làm, đám nhân viên tài chánh chúng tôi hay bị ghẹo là Erbsenzähler, bean counter, dân đếm hột đậu, chi li, tính toán, mặt mày trầm ngâm, tư lự. Còn bầy ong bướm tiếp thị marketing, tươi thắm trẻ trung, vờn bay vườn này qua vườn nọ. Xuất hiện đến đâu, nhạc réo rắt, đèn chớp xanh đỏ vui nhộn, rộn ràng. Một tên đồng nghiệp hậm hực, kiếp sau nếu có làm người, nhất định chỉ làm người marketing chứ không thèm làm finance. 

Sau màn giới thiệu làm quen, tôi biết ra, toàn là tai to, mặt lớn. Tôi gia nhập nhóm đảm trách dự án tiếp thị cho một hãng thảo chương trong kỹ nghệ xe hơi. Nhóm tôi có ba ông già, mà hai ông là tiến sĩ. Một “đốc to” về ngôn ngữ học, một “đốc to” triết. Ông thứ ba chẳng phải “đốc to”, nhưng ngày xưa chắc làm gì to lắm. Bởi vậy, bây giờ rặt một nỗi chán đời, sinh bất phùng thời. Học xong, thi cuối khóa, tôi ẵm cái bằng điểm giỏi, kèm những lời khen bốc lên mây. Tưởng (bở) thêm cái bằng tiếp thị, lý lịch mình nặng thêm được mấy ký. Tôi bắt đầu dốc sức nhiều hơn trong nỗ lực tìm kiếm việc làm.

Hãng đầu tiên hẹn hò với tôi là G. A. Vào internet tìm thông tin, biết, hãng là một trong những chủ nhân được yêu chuộng nhất Âu châu. Sau cuộc phỏng vấn ngắn qua điện thoại, tôi nhận được thư mời đến hãng. Tôi cười tủm tỉm, chắc như hai lần trước, chỉ một đợt phỏng vấn, rồi sẽ yên thân ấm chỗ nơi công ty khả ái này. Cuộc gặp gỡ ở hãng có trục trặc nho nhỏ. Một trong ba người của hãng bận bất ngờ, không đến dự buổi phỏng vấn. Cho nên, tôi sẽ có cuộc hẹn khác, để gặp người thứ ba. Hãng sẽ gọi tôi trong hai tuần tới. Chờ đến 4 tuần, tôi gọi cô nhân viên phòng nhân sự. Cô ấp à, ấp úng rồi nói, rất tiếc, họ đã tìm ra người thấp tay nghề, mà thích hợp với công việc hơn tôi.

Tháng sau, giữa mùa đông, tôi có thư mời phỏng vấn của hãng B. ở Frankfurt. Ngày hôm ấy, trời có bão tuyết, rét căm căm. Ông giám đốc, tuổi trạc tứ tuần, có phong cách tiêu biểu của người Đức trẻ, thành công sớm, không giấu vẻ kiêu căng. Ban đầu phỏng vấn tiếng Đức, sau ông đổi qua tiếng Anh. Buổi nói chuyện không căng thẳng. Chẳng có ấn tượng đặc biệt. Sau vài tuần, nhận thư từ chối, tôi không ngạc nhiên, mà chẳng buồn.

Sang xuân, hãng hóa chất S. Frankfurt gọi điện thoại phỏng vấn. Nói chuyện tiếng Anh một lúc, ông giám đốc đề nghị nói tiếng Đức. Tôi đổi “đài” ngay, huyên thuyên, rằng tôi vào trung học sau một năm học tiếng Đức, phải vật lộn với văn chương Bertholt Brecht, Franz Kafka, Goethe... Mới mấy câu, ông xếp vui vẻ:
– Thôi, chúng ta tiếp tục bằng tiếng Anh nhé.

Tuần lễ sau, bà J. nhân viên phòng nhân sự gọi cho tôi, hỏi:
– Cô có hài lòng về buổi điện đàm không?

Tôi reo lên:
– Tất nhiên, tôi rất mong có dịp gặp cô và ông giám đốc.

– Vâng, đó là lý do tôi gọi cho cô. Chúng tôi mời cô đến Frankfurt để tiếp tục câu chuyện.

Tôi mừng rỡ:
– You make my day!

Tôi nhận được thư mời thật lịch sự. Chương trình bao gồm buổi phỏng vấn của phòng nhân sự, phòng chuyên môn, gặp gỡ các đồng nghiệp và đi ăn trưa với xếp tương lai. Ông giám đốc gật gù, ông rất hài lòng với cuộc nói chuyện. Nhưng chưa thể có quyết định, vì ông còn gặp hai người khác. Ông hẹn hai tuần sẽ trả lời. Tôi nghĩ thầm, ồ, làm gì có người nào thích hợp hơn. Tôi ra về, lòng mừng phơi phới, tưởng như hợp đồng đang sột soạt trong túi xách. Hai tuần sau, bà J. viết thư, yêu cầu chờ đợi, hãng cần thêm thời gian suy nghĩ. Thêm hai tuần nữa, bà J. báo tin, rất tiếc, hãng đã chọn người khác. Tôi ngạc nhiên, xen chút thất vọng. Nhưng nhủ thầm, đành vậy, mình chưa có duyên với hãng. Biết đâu, hãng này từ chối, để mình có cơ hội với hãng khác tốt hơn.

Cùng lúc đó, tôi có cuộc phỏng vấn của văn phòng công ty điện tử R. gốc ở Delaware. Công việc này do hãng trung gian giới thiệu. Sau cuộc điện đàm với một ông, một bà từ Mỹ, tôi hiểu rõ hơn về công việc họ đòi hỏi. Tôi sẽ là nhịp cầu, đúng hơn là cánh tay nối dài của Mỹ, quan sát tình hình thị trường tại Đức. Cả hai người rất “chịu” tôi. Ngay hôm sau, họ yêu cầu hãng trung gian hẹn cho tôi đến gặp nhân viên của văn phòng ở München. Ông trưởng phòng giao dịch, phục vụ khách hàng như muốn trấn áp tinh thần tôi. Ông hỏi tới tấp:

– Cô đã ký hợp đồng với họ chưa? Cô biết việc ở đây là gì không? Họ bên Mỹ. Họ đâu hiểu cách làm ăn của Đức. Cứ lằng nhằng đòi này, đòi nọ. Tụi tôi ở đây không cần Credit Manager, không cần thẩm định tín dụng. Khách hàng của chúng tôi là những hãng xưởng tiếng tăm, không có vấn đề với tín dụng. Những gì chúng tôi cần ở đây, là người phụ chúng tôi làm kế toán, sổ sách chi tiêu của các nhân viên giao dịch khách hàng, mua đặt văn phòng phẩm, lo thủ tục thanh toán hóa đơn điện nước văn phòng.

Tôi nghĩ thầm, nôm na theo tiếng Đức là “ein Mädchen für alles”, con bé làm việc vặt đó thôi. Bao nhiêu việc hằm bà lằng, không tên, không tuổi cứ đưa tuốt cho “con bé”. Gọi cho sang trọng, thanh cảnh là trợ lý, phụ tá. Ông chỉ các cặp bìa to tướng, rồi dẫn tôi đến trước mấy cái máy in công nghiệp:

– Những máy này sẽ in từ 200 đến 250 hóa đơn mỗi ngày. Quan trọng là cô sẽ gởi hóa đơn đến tay khách hàng càng sớm càng tốt.

Ông chỉ cái bàn nho nhỏ trong góc phòng, gục gặc:
– Đây là chỗ ngồi của cô.

Tôi ngập ngừng:
– Các bàn kia còn trống mà. Cho tôi ngồi gần cửa sổ nhé.

Ông lắc đầu nguầy nguậy:
– Không! Mấy bàn đó của nhóm tiếp thị.

– Ủa, ban nãy ông nói là các anh tiếp thị có hề vào văn phòng đâu. Họ ở miết ngoài đường, lo quan hệ khách hàng.

Tưởng tượng tôi đi làm, ngồi thu lu ở đây, giống bài hát Con cóc... Con gì kia, nó ngồi là ngồi trong góc, có điều tôi sẽ không đưa cái lưng ra ngoài. Ông tảng lờ, không thèm giải đáp thắc mắc của tôi, ông rảo bước ra bếp cà phê, quơ tay:
– Cô toàn quyền sử dụng bếp cà phê. Nguyên tầng lầu này, chỉ có tôi và cô làm việc. Tôi có máy cà phê trong phòng, chẳng mấy khi ra đây.

Bếp cà phê sáng sủa, thoáng mát. Đem máy móc ra đây làm việc, coi bộ hữu hiệu hơn ngồi trong xó tối kia. Ổng nghĩ bụng, hù như vậy, chắc tôi hết hồn, bỏ chạy mất dép. Nhưng tôi tỉnh bơ:
– Chẳng sao ông ạ. Tôi luôn luôn sẵn sàng học cái mới. Hồi giờ, tôi chưa biết in hóa đơn hàng loạt, chưa biết làm tạp dịch dọn dẹp giấy tờ. Nhưng tôi muốn thử.

Ông khựng một chút, không dè, cái cô này, chịu đấm ăn xôi:
– Vậy, cô về nhà chờ nhé. Sẽ có người liên lạc với cô.

Ngày hôm sau, một bà người Đức, nhân viên phòng nhân sự của hãng anh em trong tập đoàn, gọi đến phỏng vấn tôi. Hỏi đáp lòng vòng xong, bà nói:
– Chúng tôi chỉ dự định chi ra số lương XX cho công việc này cô ạ.

Con số vừa nhỉnh hơn phân nửa lương cũ của tôi. Tôi thản nhiên:
– Không quan trọng bà ạ. Tiền bạc không phải là điều kiện tiên quyết.

Họ hẹn lần, hẹn lữa thêm ba tuần nữa. Cuối cùng, ông nhân viên phòng môi giới gọi điện thoại cho tôi, xuýt xoa:

– Tất cả đều thích hợp. Khả năng chuyên môn của cô dư dả cho công việc. Tiếng Anh, tiếng Đức của cô rất tốt. Khổ nỗi, tiếng địa phương Bavarian rất quan trọng. Cô nói được tiếng Bavarian không?

– Ơ, ơ, tôi hiểu sơ sơ. Nếu người ta không nói nhanh quá, nặng quá.

– Thì vậy! Họ rất tiếc, không nhận cô. Hiện họ đang tìm người bản xứ chính hiệu dân Bavarian cô ạ. Cô có thể liên lạc với họ để nhận tiền xe cô đến trình diện.

Thôi khỏi. Tôi lẩm nhẩm trong trí. Mất công họ đưa cho tôi mẫu đơn bằng tiếng Boarisch, đọc không hiểu. Nghe tôi kể nỗi niềm, người bạn Đức cười phì. Nhưng anh ta nghiêm giọng:
– Này, nếu họ nói lý do như vậy, bạn có thể kiện họ vì tội kỳ thị đấy.

Ôi thôi, hơi đâu, con kiến mà kiện củ khoai.

Thời đại internet, lý lịch, đơn xin việc đều là “bản mềm”, soft copy. Không như ngày xưa, phải in ra, mỗi bộ đơn phải tốn tấm hình. Phải mua kẹp bìa cao cấp. Phải cẩn trọng xếp bộ đơn ngay ngắn, bỏ vào bao thư khổ A4, rồi rong ruổi ra bưu điện gởi đi. Bây giờ, khỏe re, viết sẵn vài mẫu, dựa theo thông báo tìm việc, sửa đôi chữ trong đơn, đổi ngày ký tên. Bằng cấp đính kèm vào email. Chỉ vài cú nhấn, bộ đơn chạy qua hộp thư của nhân viên phòng nhân sự của hãng. Cứ như vậy, tôi tà tà nhấn. Xem ra, tôi không đến nỗi ế nhệ. Vẫn lai rai nhận thư mời đi phỏng vấn.

Chưa kịp âu sầu vì hãng mê thổ ngữ Bavarian, tôi nhận thư của hãng WD. Từ bên Anh, có ông Ăng-Lê gọi điện thoại phỏng vấn. Ông nói giọng mũi nghe sang trọng, nhưng khó hiểu. Ông cho biết thời gian tới có ông Mỹ, là xếp lớn của phòng tài chánh, qua Đức. Ông xếp này sẽ phỏng vấn tôi tại văn phòng Đức. Hẹn hò lui tới, tôi đến khu Aschheim, nơi văn phòng hãng cũ của tôi đã một thời trú ngụ. Đến đây, như về quê xưa vậy. Ông Mỹ nói năng thiệt vui, thiệt dễ thương. Ông Tây từ Paris, đệ tử của ông Mỹ, góp chuyện rất thoải mái. Ra về, tôi thấy hài lòng. Đi làm ở khu này tiện quá. Đường đi nước bước đã rành. Gần đó, có Outlet Escada, trưa lunch break vào tiệm đi dạo, vừa tập thể dục chân cẳng, vừa rửa mắt luôn. Vậy mà, ông Anh, ông Mỹ, ông Tây gì im thin thít, biệt tăm luôn. Chẳng hề có câu báo tin… rằng thì là chúng tôi rất tiếc...

Đọc thông tin tìm việc của hãng SB, tôi có cảm tưởng như người ta nghiên cứu lý lịch của tôi, rồi “vẽ” ra công việc này. Gởi email vài ngày, có người gọi điện thoại mời dự phỏng vấn tại hãng. Chương trình “tra khảo” kéo dài năm tiếng đồng hồ, với ba cửa ải. Gặp phòng nhân sự, cô phỏng vấn xinh tươi, cởi mở, buổi nói chuyện như trao đổi thông tin. Cô hỏi những thú vui, sở thích. Tôi kể, chơi đàn guitar ngày xưa, nhưng bỏ đàn thời gian dài. Cô reo lên:
– Tôi chơi dương cầm hồi nhỏ. Lâu rồi không chơi nữa. Như chị, tôi vẫn mong có ngày vui bên phím ngà.

Cuối buổi, cô cười cười, hỏi:
– Ví dụ tôi là cô tiên, chị có được ba điều ước, chị sẽ ước gì?

Tôi thành thật:
– Điều đầu tiên là vạn sự an lành và sức khỏe cho tôi và gia đình tôi. Điều thứ hai có được việc làm như ý. Điều thứ ba, chơi đàn thiệt hay.

Thấy cô dễ thương, tôi đùa đùa:
– Cô tiên ơi, cây đũa thần của cô sẽ cho tôi toại nguyện chứ?

Cuộc nói chuyện với hai người phòng hữu trách diễn tiến thuận lợi. Những đề tài bàn thảo nằm trong sở trường của tôi. Cửa ải cuối giống như thi vấn đáp. Ông giám khảo (mặt mày hắc ám) trao cho tôi tập đề thi, khoảng 20 trang giấy DIN A4. Thẩm định tín dụng của hãng muốn vay nợ: phân tích tài chánh, định mức rủi ro của con nợ. Tôi có một tiếng đồng hồ để chuẩn bị. Đúng giờ, giám khảo trở lại, một người Đức lạnh lùng, khô khan. Ổng quay tôi mòng mòng. Trong phòng một diễn giả, một khán giả. Tôi cứ phải thao thao. Mỗi khi tôi dừng lâu lấy hơi, ông hỏi tiếng Đức, sonst noch etwas, còn gì nữa không. Lúc thì ông đều đều như máy, xin tiếp tục, please continue... Cuối buổi, ông đưa tay bắt, lỏng le, lạnh tanh. Hai cửa đầu, tôi thơ thới, hân hoan. Cửa cuối, tôi nghĩ thầm, ngó bộ lắt lẻo, gập ghềnh khó đi. Tuần sau, tôi nhận thư từ chối. Tiếc một ngày dài, “động não” hơi nhiều.

Đức, bạn đồng nghiệp cũ, trẻ hơn tôi nhiều tuổi, đổi qua làm cho hãng Z, chuyên bán thực phẩm cho thú nuôi trong nhà. Trong vòng hai năm ở hãng mới, Đức thăng quan, tiến chức khá nhanh. Nghe hãng Z tìm người, Đức hăm hở giới thiệu tôi với xếp của Đức. Tôi gởi lý lịch, nhưng không ghi năm sinh. Trước khi đến dự phỏng vấn, Đức đã “gà” bài vở cho tôi kỹ lưỡng, dặn dò tôi đưa “giá cả phải chăng”. Tôi rất tự tin trong “kỳ thi sát hạch”. Cuộc phỏng vấn, như dự đoán, suôn sẻ, dễ chịu. Bên hỏi, bên đáp, đều tỏ ý hài lòng. Tôi vui trong bụng, ngon cơm rồi. Trước khi kết thúc, ông trưởng Phòng Kế Hoạch bỗng hỏi:
– Xin lỗi cô, tôi có được phép hỏi tuổi của cô chăng?

Tôi vờ vui vẻ, cố giữ tự nhiên:
– Vâng, được chứ. Tôi 53 tuổi.

Hình như cả bốn người đều khựng. Ông giả lả:
– Tuổi tác không quan trọng cô ạ. Tôi đã 52 tuổi rồi. Vẫn rất hợp ý với các đồng nghiệp trẻ khác.

Khi hãng gởi thư lịch sự từ chối, tôi đã đoán trước lý do, chẳng buồn. Nhưng Đức “bức xúc” lắm:
– Hãng “nó” ngu, ráng chịu! Em đã tìm người giỏi cho “nó”. Mà “nó” không biết, thì thôi.

Sau đó, tôi đi trình diện vài hãng nữa. Mùa thu, tôi chạy lên trên bắc Đức, cách nhà hơn 700 cây số, trình diện hãng E. P. Việc này, sẽ ngồi ở Đức, điều binh, khiển tướng ở năm quốc gia khác nhau. Tôi hơi rét, bởi biết mình chưa nhiều kinh nghiệm điều hành nhân sự. Trước đây, tôi đã trông coi, dạy việc nhiều tên lính mới. Nhưng bây giờ, chỉ huy mấy sĩ quan, khó khăn hơn chứ. Cứ thử trèo cao một chuyến xem sao. Tôi có khoảng 10 phút để trình bày đề tài Remote Management. Cô nhân viên phòng nhân sự thật dễ thương, giọng nói ngọt xớt. Những lần liên lạc với cô, luôn để lại trong tôi những ấn tượng tốt đẹp. Cô cho biết, hai người Anh của phòng Tài Chính, một người Đức của phòng Pháp Lý, một người Hòa Lan của phòng Quan Hệ Khách Hàng sẽ tham dự cuộc phỏng vấn. Tôi chuẩn bị bài thuyết trình kỹ càng. Đó là cuộc đấu trí không cân sức. Một mình tôi, chống chỏi với năm ông tây, bà đầm, hỏi đáp vặn vẹo. Tôi trả lời suôn sẻ, ngay ngắn các câu hỏi ngang dọc của các ông bà. Khi bàn chuyện lương bổng, cô nhân sự gật gù. Ngoài ra, cho công việc này, vì nhu cầu thường xuyên đi công tác, tôi sẽ có xe riêng. Mấy tuần sau, cô “giọng ngọt” báo tin chẳng lành cho tôi. Cô khéo nói, làm tôi nguôi ngoai, không u sầu, ủ dột. Chỉ tiếc, hụt mất việc làm vừa có tiếng, vừa có miếng, có cả “xế hộp” đi kèm. Tôi tự an ủi. Eo ui, nhận việc ấy, quanh năm, bốn mùa căng thẳng, tất bật, còn gì tuổi xuân.

Có những hãng nhận đơn, mà chẳng hề mở lý lịch tôi gởi kèm theo. Họ đâu biết, đàng sau cái tên mà họ không thể nhận ra nam nữ, là một quý bà. Có lẽ họ phỏng đoán, công việc khô khan này chắc chỉ hợp với quý ông. Bởi vậy, họ viết thư từ chối thật trịnh trọng: “Sehr geehrter Herr Hoang, Kính thưa ông Hoàng, sau khi đọc kỹ càng lý lịch của ông, mặc dù ông có nhiều khả năng chuyên môn... Rất tiếc, chúng tôi…”

Có những hãng “vờ” đăng tìm người, cho được vẻ ăn nên, làm ra. Ai nộp đơn, sau một tuần có thư từ chối đúng một mẫu gởi trả lại. Rồi vài tháng sau, lại đăng, vẫn tìm người cho công việc như vậy. Tôi lập hồ sơ excel, làm danh sách các nơi đã nộp đơn. Có hãng chậm tiêu, sau cả năm trời mới viết thư từ chối. Tôi nhận thư, chẳng nhớ mình liên lạc với hãng lúc nào. Mở danh sách dò lại, té đã là chuyện cũ cách đây hơn một năm.

Người bạn, có thời đồng bệnh tương lân, (bệnh... thất nghiệp) thương cảm nỗi niềm của người cày... chưa có ruộng, gởi tặng bài thơ Khổ Qua:

Khổ là đắng, qua là quá nhiều vị đắng
Nhưng vị đời phải chua chát không ngon?
Đời thừa rồi những bùi ngọt thơm dòn
Cắn một miếng tân toan trong cõi tạm

Có đi qua trong đêm buồn hôn ám
Sớm mùa đông trên dốc lạnh đường dài
Che áo tơi đầy tuyết trắng sương mai
Mới biết ấm tấm chăn bông cũ nát
(Nguyễn Đức Tuấn Đạt)

Cám ơn bạn hiền. Hồi giờ, tôi tưởng “trái khổ qua” là “trai khổ quá”, là món rau quả riêng dành cho quý ông. Ai dè, trai gái chi đều có cơ hội nếm khổ qua như nhau.

Thêm vài tuần im ắng, hết ngồi lê, lại tới dựa cột, tôi bắt đầu sốt ruột. Tôi mon men ra Sở Lao Động, mè nheo xin đi học. Ông nhân viên hữu trách đọc tờ lý lịch dài như sớ táo quân của tôi, nhướng nhướng mày:
– Tay nghề của cô đầy đủ rồi. Có thiếu gì đâu!

– Có chứ ông. Biển học bao la, học bao giờ cho hết. Mà ông biết đó – Tôi “địa”:

– Bây giờ tranh đua dữ lắm. Khối Liên Minh Âu Châu bỏ biên giới. Tôi đâu chỉ cạnh tranh với người bản xứ, người Đức. Các xứ khác ào ào tới đây giành việc. Cho nên, tôi cần phải võ trang thêm chứ ông. Đây, tôi thấy khóa học Kiểm Toán Quốc Tế. Thời đại toàn cầu hóa, món này rất cần.

Ông sắp sửa chấp thuận đơn, nhưng làm bộ khó khăn:
– Khóa học này đắt lắm nghe cô. Cô học, phải theo cho tới cùng. Bỏ ngang, phải đền tiền. Trừ trường hợp cô xin được việc làm.

Có cơ hội, lại tiếp tục vui đời học trò. Đến lớp, chỉ có năm ông Đức già già (cỡ tôi). Mặt nhăn, mày nhíu. Ba tuần đầu học Business English. Tôi chẳng phải tập dợt gì. Mấy ông Đức già nói tiếng Anh nghe nặng mùi... bia Đức, hỏng êm tai. Bởi vậy, ông thầy Anh văn mê tít tiếng Anh giọng Huế của tôi. Sau ba tuần hưởng nhàn, khi bắt đầu học các môn luật thương mại, các quy định thuế má, tôi thấm đòn của gánh nặng lều chõng. Mỗi ngày tới lớp, thấy chồng sách vở trên bàn mà chóng mặt. Chân cẳng mỏi nhừ, bài vở rượt, phải chạy vắt giò lên cổ. Ngủ gà, ngủ gật trên xe lửa tới trường, tôi tội nghiệp cho mái đầu “hai lai” tiêu muối của mình. Bạn bè ở Việt Nam đến tuổi về hưu, mình vẫn dùi mài kinh sử miết. 

Vừa theo khóa kiểm toán quốc tế, tôi vừa tăng tốc độ tìm việc. Thời hạn lãnh trợ cấp thất nghiệp sắp hết. Quỹ cho các chương trình đào tạo tôi đã xài láng o rồi. Tình trạng của tôi không chỉ nước tới chân, mà nước lên tới cổ rồi, phải lo nhảy cho nhanh. Tôi nộp đơn tá lả, từ hãng kỹ nghệ đến công ty thương mại, từ bắc xuống nam, từ đông qua tây. Hễ có mua, có bán, tất phải cần đến nhân viên kế toán tài chánh. Vào internet, tôi chọn tất cả loại việc, hợp đồng dài hạn, ngắn hạn, làm thuê qua trung gian... Về lương bổng, với tâm niệm, không phải bây giờ lương thấp, mà hồi xưa lương cao. Tôi phải đại hạ giá, đưa mức lương như kỹ sư mới ra trường. Xét theo thu nhập, tự nhiên tôi trở thành… tôi của 19 năm trước, lúc vừa xong đại học. Vậy, “lời” quá đi chứ. Trẻ gần hai chục tuổi, mà chẳng cần đến dao kéo của thẩm mỹ viện. 

Còn vài tuần nữa khóa học kết thúc, mọi trợ cấp chấm dứt. Tôi như đứng trên lửa, như ngồi trên than. Bởi vậy, khi có hãng trung gian tìm người cho một công ty buôn bán các dụng cụ y khoa, làm theo hợp đồng hai tháng, tôi ừ ngay. Đang khi ế ẩm, cho dù, ruộng vừa xấu, vừa sâu, vừa bé hạt thóc, vừa lâu đồng tiền, có chỗ đi cày, tôi vui mừng tí tởn. Thì vậy, buổi chợ đông con cá hồng anh chê lạt, buổi chợ tan rồi con tép bạc anh cũng mua. Nghĩ cho cùng, số tôi hãy còn hên lắm. 

Vào công ty B. & L., tôi gặp lại một bạn đồng nghiệp hãng cũ. Cô bạn chỉ dẫn tận tình. Trong thời gian ngắn, tôi rành rẽ công việc. Cô bạn và tôi ngồi chung phòng, hợp tính nhau, hai chúng tôi cùng nhau hưởng nhàn. Lương thấp chả sao, liệu cơm gắp mắm. Hiềm một nỗi, tôi chỉ là “lính đánh thuê”, hợp đồng gia hạn mỗi lần hai tháng. Tôi phải chân trong, chân ngoài, tiếp tục tìm việc. Khi làm đến tháng thứ ba, tôi tìm được việc làm theo hợp đồng dài hạn. Tôi chưa kịp “bật mí” cho xếp. Tình cờ, xếp mời tôi vào văn phòng, hân hoan báo tin vui, hãng B. & L. sẽ “mua đứt” tôi. Tôi sẽ làm trực tiếp không qua trung gian. Uổng quá, phải chi biết ý định của hãng sớm, tôi đã không chộn rộn lo tìm việc khác. Tôi đành từ giã cô bạn đồng nghiệp dễ thương.

Tôi chọn cuộc hẹn phỏng vấn ở một công ty thuộc tập đoàn ngân hàng Pháp vào lúc 8 giờ sáng. Phỏng vấn xong, tôi lật đật ra về, kẻo không, quá trễ giờ đi làm. Vừa xuống cầu thang mới phát giác mình quên cặp hồ sơ trong phòng họp ở tầng hai. Lúc đó, có tiếng chân chạy vội vã nơi cầu thang. Bà A., HR Manager đã phỏng vấn tôi, đang chạy bộ xuống, tay ôm cặp hồ sơ của tôi. Bà vừa nói, vừa thở:
– Tôi không chờ thang máy. Mà chạy bộ cho nhanh, để kịp đem cặp xuống cho cô đây.

Tôi tươi cười cám ơn, bà ta thật dễ mến. Sau đó mấy ngày, ông C., giám đốc tài chính gọi điện thoại, hẹn tôi đến để dự cuộc phỏng vấn qua video với ông L., xếp lớn bên Hoà Lan. Nói chuyện xong đã hơn 6 giờ chiều. Ông C. đưa tôi đi coi chỗ làm việc của tôi. Văn phòng lúc đó đã trống trơn. Ông C. đưa tôi ra cửa. Vừa đi, ông vừa kể chuyện, sau khi xong đại học, ông đi du lịch một chuyến khá dài qua Á châu, theo kiểu “tây ba – lô”. Có lẽ nhờ đi đó đây nhiều, nên ông không đậm nét Đức. Đáp lễ, tôi tâm sự đôi điều về “con đường gian khổ” tôi đã đi qua. Có lẽ sau buổi nói chuyện này, ông có cảm tình đặc biệt với tôi và quyết định thuận lợi cho tôi.

Còn mấy ngày nữa là tết Nguyên Đán, bắt đầu năm mới âm lịch, ông giám đốc gọi điện thoại báo tin vui. Hãng đã đồng ý ký hợp đồng làm việc dài hạn với tôi. Congratulations! Welcome to the Family. Tôi nghe tim mình rộn ràng... trời sắp tết hay lòng mình đang tết. Gia đình, bạn bè đang chung ly rượu mừng với tôi:

Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi/ Mừng chị (anh) nông phu vui lúa thơm hơi…

Chim én ơi, khi báo tin xuân đang về với trần gian, nhờ chim én báo luôn rằng, người cày bây giờ đã có ruộng.

– Hoàng Quân

No comments:

Blog Archive