HAI THẢM HỌA LIÊN TIẾP 2 NGÀY ĐẦU NĂM 2024
Ngay trong ngày đầu năm mới, Nhật Bản đã hứng chịu thảm họa động đất- sóng thần, với 155 trận động đất khiến ít nhất 8 người thiệt mạng, gây ra sóng thần cao hơn 1 mét, gây ra hỏa hoạn lớn ở một số khu dân cư, nhà cửa sụp đổ, hư hại và thiệt hại nặng nề chỉ sau một đêm.
Và ngay ngày hôm sau, 2/1/2024, một chiếc máy bay chở 379 hành khách va chạm một máy bay khác, bốc cháy to khi hạ cánh tại phi trường Haneda, Tokyo Nhật Bản…
Đọc 2 bản tin liên tiếp này, bủn rủn thương cho nước Nhật, tôi sốc nặng. Hai tai nạn khủng khiếp vậy, người dân Nhât vượt qua như thế nào…
Vậy mà, chỉ sau vài phút định thần xem tiếp, tôi kinh ngạc trước thông tin và con số lạ lùng: máy bay bị cháy vì va chạm một máy bay tuần duyên đang đi cứu hộ động đất, 6 nhân viên trên chiếc máy bay tuần duyên chết, tòan bộ 379 người trên chiếc máy bay chở khách bị cháy lớn được cứu sống.
Và tôi lật đât đi tìm trang FB của một phi công từng được huấn luyện tại trường đào tạo chuyên nghiệp Hoa Kỳ, sau đó là đồng nghiệp của tôi, anh Mai Bá Kiếm, PV báo Phụ Nữ.
Đọc thấy ngay phân tích sắc sảo và cặn kẻ của anh, tôi rùng mình, nổi da gà về độ thảm khốc và về cả độ can đảm, văn minh để vượt qua của những người lâm nạn trên máy bay chở khách. Anh Mai Bá Kiếm viết.
PHI HÀNH ĐOÀN JAPAN AIRLINES VÀ ĐỘI CỨU HỘ CỦA PHI TRƯỜNG HANEDA (TOKYO) RẤT CHUYÊN NGHIỆP.
Trong lúc hạ cánh xuống phi trường Haneda, chiếc Airbus A350 của hãng Japan Airlines (JAL) đã va chạm với máy bay tuần duyên Dash-8 của Cảnh sát biển Nhật ngay trên phi đạo và bị bốc cháy.
Phi công đã dừng A350 trên phi đạo, các tiếp viên mở 6 cửa thoát hiểm, cầu phao trượt bung ra. Tiếp viên hướng dẫn 379 hành khách lần lượt tuột xuống phi đạo. Nhân viên cứu hộ mặt đất vừa di tản hành khách, vừa cứu thương, trong tình trạng ngọn lửa ở máy bay cháy càng lúc càng to, đến 6 giờ sau mới dập tắt được.
Vậy mà cả 379 hành khách đều thoát khỏi máy bay kịp thời, và chỉ có 14 hành khách bị thương, nhưng không nguy hiểm đến tính mạng. Tôi phải mô tả kỹ như vậy để thấy được tính chuyên nghiệp cao (professional) của 2 phi công và 10 tiếp viên của JAL cùng lực lượng cứu nạn mặt đất.
Reuters tường thuật lớt phớt, rồi ca ngợi cuộc sơ tán là ĐIỀU THẦN KỲ (a miracle). Không có gì thần kỳ, chẳng qua họ được đào tạo kỹ, thường xuyên tập luyện hướng dẫn khách thoát hiểm trên mặt đất và mặt nước. Video cho thấy hành khách la hét bên trong cabin đầy khói của máy bay, giọng đứa trẻ thét "Chúng ta hãy ra ngoài nhanh lên! Chúng ta hãy ra ngoài nhanh lên!". Các tiếp viên bảo hành khách cứ bình tĩnh và đưa từng ngưòi xuống cầu tuột."
Bài học từ sự văn minh, dân trí cao của người Nhật hiển nhiên vừa diễn ra trong thực tế: Không có thần kỳ! Đó là tính chuyên nghiệp cùng với tinh thần hy sinh vì chức nghiệp, và đó cũng là sự văn minh, kỷ luật (nói chung, lúc hoảng sợ cũng có lao xao nhưng vẫn tuân kỷ luật chung) và sự hiểu biết đã giữ trật tự, một bản lĩnh điềm tĩnh rất Nhật.
Không có những người “khôn” hơn, nhanh hơn, bất chấp kỷ luật trong cứu hộ, đạp lên đầu người khác để thoát trước rồi tất cả xông vào giành giật đạp lên nhau, nháo nhào, náo loạn và cùng…chết?).
Đường phố nứt vỡ , sụt lún biến dạng sau động đát ngày 2/1/2024 tại TP Wakima tỉnh Ishikawa.
Cảnh cứu nan chiếc máy bay dân dụng bị bốc cháy sau va chạm.
No comments:
Post a Comment