Sunday, January 7, 2024

Edmonton không mùa đông


Trước đây, trong một bài viết, tôi có nói về mùa đông Canada nói chung và tại thành phố Edmonton của tôi nói riêng, bắt đầu từ tháng mười một cho đến tháng hai năm sau. Nhưng tháng mười một chỉ là cái lạnh đầu đông nên không thấm thía gì với dân Cà Na Điên, tháng mười hai cuối năm bận rộn cho những ngày lễ nên cũng chóng qua, tháng hai thì chỉ có …28 ngày ngắn ngủi, lại vào dịp Tết âm lịch và Valentine ấm áp trái tim, thành ra đối với tôi, mùa đông thực sự chỉ có …tháng một mà thôi.

Vậy mà năm nay, coi bộ mùa đông cũng… hổng có.

Hồi tháng mười một khi cư dân mạng còn vẩn vơ hỏi nhau trên facebook “trời lập đông chưa em?” thì trời tặng ngay một trận tuyết bao la, rơi ào ào từng cục cỡ trái nho khô nặng nề, rơi cả một ngày mịt mùng trắng xoá, người chạy xe không thể nhìn xa hơn vài mét trước mắt, tai nạn trên xa lộ rần rần. (Chả hiểu sao bà con không bao giờ rút kinh nghiệm, năm nào cũng có car accidents khi tuyết vừa mở hàng). Thế là người ta bảo nhau, mùa đông năm nay tái tê cõi lòng, và chắc chắn sẽ có một “White Christmas”.

Nói vậy mà hổng phải vậy, sau trận tuyết đó thì trời nín thinh, thậm chí thời tiết còn ấm dần lên, đám tuyết đầu mùa gần như tan biến, không chỉ trên những con đường lớn thành phố cho xe ủi tuyết, mà cả những con hẻm trong các xóm nhỏ, tuyết cũng chỉ còn “nhè nhẹ vấn vương” trên vỉa hè. Bởi vậy mà năm nay, lần đầu tiên tôi đi lễ nhà thờ đêm Giáng Sinh được mặc áo dài và mang giày cao gót từ nhà. Tôi nói “từ nhà”, vì những năm trước, chúng tôi là ca viên ca đoàn, có phần trình diễn Thánh Ca, nên phải mặc áo dài. Hầu như năm nào vào ngày đó tuyết rải ngập đường, có khi gió rít bão bùng và nhiệt độ thì khỏi nói đi, cỡ hai chục độ âm (độ C) thôi hà, nên mọi người thường mang theo áo dài và giầy cao gót trên xe, đến nhà thờ mới đem vào thay, sau khi lễ xong, lại phải thay đồ một lần nữa, để xông pha ra ngoài trời tuyết trở về nhà. 

Tôi thuộc dạng… làm biếng, mặc áo dài tại nhà, nhưng phải dùng dây thun cột hai ống quần và hai tà áo dài, rồi khoác áo dầy hai ba lớp, chân mang boots, đến nơi chỉ cần tháo các dây thun trên áo quần, thay đôi giày cao gót, khỏi phải mất thời gian chờ đợi xếp hàng vào phòng thay đồ. Bởi vậy năm nay được diện đồ từ nhà, hỏi sao không vui? Mà đời thiệt oái ăm, những mùa trước chỉ mong tuyết ít đi chút đỉnh, trời bớt lạnh chút xíu để đi lễ đêm Noel bớt cực thì chẳng được như ý, còn năm nay thì lời nguyện ước được thành sự thật, nhưng hơi... lố, vượt yêu cầu, nghĩa là hổng có hột tuyết nào để... chụp hình có tuyết phất phơ, thời tiết bỗng đẹp như mơ!

Bà chị Hai bên Arlington, Texas gọi phone qua như thường lệ:
– Bữa nay bên đó lạnh không?

– Ôi, năm nay Edmonton hổng biết mùa đông là gì, trời tháng một mà ấm quá chừng!

– Ấm là sao, bao nhiêu độ?

– Đây là lần đầu tiên sau hơn hai mươi năm em sống ở xứ Canada, giữa cao điểm mùa đông mà nhiệt độ là độ cộng, như giờ này có 3 độ C, sướng lắm luôn!

– Khoan khoan, để tao đổi ra độ F xem sao! Trời, 37 độ F mà …ấm sao, bên này là lạnh run rẩy như cầy sấy á!

– Ai biểu chị so sánh giữa xứ nóng và xứ lạnh làm chi! Bên đây, hễ giữa mùa đông mà nhiệt độ không có dấu trừ, chỉ cần 0 độ C, là bà con hớn hở xếp hàng vào quán café và chào nhau bằng câu cửa miệng hân hoan mãn nguyện: “ nice weather today!”

Bà chị bỗng triết lý:
– Cuộc đời ngẫm cũng lạ, cũng nhiệt độ đó mà kẻ bảo ấm người kêu lạnh, niềm vui của kẻ này là nỗi buồn của kẻ khác, thành công của người này là …nỗi sầu của người kia, mọi thứ chỉ là tương đối.

Tôi hù bà chị:
– Với cái đà “global warming” này, nhiệt độ trái đất nóng dần lên, Canada sẽ bớt lạnh, trở thành “mát giời”, chỉ tội cho mấy xứ nóng như Châu Phi và …Texas của bà, mùa hè chắc sẽ như cái lò BBQ khổng lồ.

Bà chị không hề lo lắng mà còn bao dung:
– Dân xứ nóng cũng quen rồi, nóng thêm một chút cũng chả sao, vậy thì mừng cho dân Canada đỡ vất vả xúc tuyết!!

Nghe vậy bao nhiêu “kỷ niệm xúc tuyết” bỗng ùa về. Căn nhà của gia đình tôi ngay góc đường nên xúc tuyết rất mệt, ngoài phần trước sân garage, còn phải xúc cả sidewalk phía trước nhà và sidewalk bên hông theo chiều dài của căn nhà. Nếu xúc không sạch, tuyết sót lại sẽ trơn trợt, người đi đường qua lại bị té là mình bị City phạt tiền đã đành, có khi còn phải ra toà nếu người bị té bị thương tật.

Việc xúc tuyết của gia đình tôi phân công theo kiểu “nam nữ lớn bé bình đẳng”, hễ tuyết rơi khi ai ở nhà thì người đó ra xúc tuyết. Chồng con tôi bận túi bụi với việc làm và học hành, tôi đi làm part-time, nên tôi luôn là người …bị xúc tuyết hơi nhiều. Nói nào ngay, tôi không ngại gì chuyện này, mà còn coi đó là một cách tập thể dục hữu hiệu, nếu mặc đồ ấm, mang găng tay, quấn khăn quàng cổ, đội mũ len đầy đủ thì cũng thú vị lắm. Có điều, khi tuyết rơi liên tục, trời lạnh nhiều độ âm, thêm độ gió thổi, thì chỉ cần hơn mười lăm phút hì hục ngoài trời, sẽ bị tê cứng đôi tay dù có mang găng tay thiệt dầy, nước mắt nước mũi bắt đầu tuôn rơi lã chã, tôi phải dừng lại, vào nhà uống nước cho cơ thể ấm lên, rồi sáng sớm hôm sau, chồng hoặc con tôi sẽ tiếp phần còn lại. Có lần, tôi cố xúc thêm cho xong, hậu quả là bị đau lưng cả tuần lễ. Còn chồng tôi, một buổi sớm mai tranh thủ ra xúc tuyết trước khi đi làm, mắt nhắm mắt mở liền bị trượt chân té trên đống tuyết, may là chỉ bị…ê ẩm cái mông.

Do vậy từ mấy năm nay, chúng tôi quyết định đã đến lúc kiếm người xúc tuyết. Anh chàng người Việt sau khi xem xét quanh nhà, hai bên thoả thuận giá cả nhanh chóng, tưởng rằng tôi sẽ được thảnh thơi suốt bốn tháng đông nhâm nhi cà phê và ngắm tuyết bay bay ngoài khung cửa tìm vần thơ. Thế mà tuyết chẳng thèm rơi, cho đến hôm nay, chỉ có vài trận mịt mờ đầu mùa, rồi sau đó lai rai lất phất như mưa bụi, và thời tiết thì nhiều ngày độ cộng, mà nếu có độ âm cũng không dữ dội như mọi năm.

Chồng tôi bảo:
– Trời thương Edmonton, để xoa dịu nỗi buồn mùa đông đó em.

Tôi hờn mát:
– Thà lạnh ra lạnh, nóng ra nóng, chớ giữa mùa đông mà thời tiết dở dở ương ương như thế này chả giống con giáp nào, khó chịu lắm á!Thương nhau như thế bằng mười ghét nhau!

Cậu xúc tuyết cũng phone cho tôi:
– Chị ơi, kỳ này tuyết ít quá, em lấy tiền của chị cũng ngại, để em xúc qua hết tháng ba cho chị luôn nha, coi như …bù lỗ.

(Xin mở ngoặc là, Canada có tuyết rơi cả tháng ba tháng tư, tuỳ theo cảm hứng của ông trời, nói chung là …hên xui. Tuy nhiên, tuyết sẽ mau chóng tan đi sau vài ngày vì nhiệt độ lúc ấy đã hết lạnh giá).

Tôi nói:
– Có ai như chị không nà, giao việc cho em rồi…quên, chị vẫn theo thói quen mỗi sáng mở mắt ra là cầu mong cho tuyết đừng rơi. Em phải cám ơn… lòng tốt của chị đó!

– Dạ, chị vui tính quá! Quyết định vậy nghen chị!

Con gái tôi thì rên rỉ:
– Nếu con biết năm nay thời tiết như vậy, con đã xung phong xúc tuyết cả mùa và lấy tiền của mẹ đi shopping!

Chả lẽ bây giờ mỗi khi thức dậy, tôi lại cầu xin cho tuyết rơi thật nhiều, càng nhiều càng tốt, nếu cần thì cứ đổ thêm vài trận… bão tuyết tưng bừng, để con gái tôi khỏi tiếc của, và cậu em xúc tuyết được …hành nghề, không áy náy lương tâm?!

Khó nghĩ lắm đa!

– Kim Loan

No comments:

Blog Archive