Cây khuynh diệp
1.
Hôm thứ sáu 8/12 vừa qua, dự báo thời tiết cho biết vùng Liverpool – nơi gia đình tôi cư ngụ – phải chịu đựng thêm một ngày nóng khủng khiếp, cỡ trên 40 độ C nữa. Con tôi bàn: “Để trốn nóng thì nhà mình đã đi ra biển, bãi Manly hôm kia. Giờ lên rừng, lên núi đi bố!” Tôi OK ngay vì thoáng nghĩ hồi còn ở Việt Nam, tránh cái nóng ở thành phố thì dân Sài Gòn hễ có điều kiện thì cũng có thể chọn, hoặc đi ra biển hoặc đi lên rừng núi. Đó là ra Vũng Tàu. Long Hải tắm biển, ăn hải săn – hoặc đi lên cao nguyên, rừng núi Đà Lạt, Lâm Đồng ngắm hoa, ăn trái cây…
Gần trưa thì chúng tôi đến khu du lịch thác nước Fitzroy, thuộc vùng cao nguyên phía Nam bang New South Wales. Lao từ độ cao 81 m xuống thung lũng Yarrunga, Fitzroy Falls là thắng cảnh nổi bật nhất trong Công viên quốc gia Morton… ‘Lý lịch’ cái thác xin vắn tắt thế thôi, để nói ngay điều tôi hết sức muốn nói là trên con đường mòn đi bên cạnh thác, tình cờ có một cây cổ thụ không cao lắm nhưng gốc thật to. Theo bảng hướng dẫn cùng ảnh chụp treo bên cạnh cây, đây là cây tên ‘Gum Tree’, thuộc họ Khuynh diệp (Eucalypts, có thể cao đến 90m và sống đến 400 năm).
Điều đáng nể phục và cũng đáng yêu quý là, sau trận cháy rừng năm 2019/2020, vùng thác Fitzroy tiêu điều tàn tạ – nhưng chỉ trong vòng 1 tuần sau đám cháy, trên cây khuynh diệp cổ thụ này đã có những chồi lá thật tươi non, đầy sức sống lại ngông nghênh nhô ra từ lớp vỏ cây xù xì đã cháy xém…
2.
Ngắm cái ảnh ‘đại lão’ cổ thụ khuynh diệp bên thác Fitzroy, tôi ngẩm nghĩ, té ra không rõ bởi cơ duyên huyền diệu nào mà cây khuynh diệp đã từng đến với đời tôi rất sớm…
Lãng đãng trong trí nhớ, thời tôi mới 13-14 tuổi (1962-63), có lẽ lúc nào đó bị cảm mạo gì đó nên mẹ bắt xông cho mau khỏe. Chẳng hay ho, dễ chịu khi phải trùm mền ngột ngạt và chịu trận cái nồi lá xông nóng ngùn ngụt, nhưng công nhận rất dễ chịu khi mũi cảm nhận cái mùi lá khuynh diệp bốc lên rất rõ trong hơi nóng nồi xông. Đúng ra, ngay từ nhỏ tôi đã thấy trong nhà có mặt chai dầu khuynh diệp (1), vài khi cũng lấy xức vào chỗ da thịt bị trầy xướt hay bị kiến cắn…, nhưng cái mùi thơm từ lá khuynh diệp ngâm nước sôi nồi xông thì dịu êm hơn mùi dầu khuynh diệp qua chưng cất, đựng trong chai.
Cũng tuổi 13-14, khi vào hướng đạo (SCOUT) , đã vài lần tôi đến cắm trại ở một ngọn đồi tạm gọi là ‘đồi bác sĩ TÍN’ (1) vùng Thủ Đức, nằm phía bên phải xa lộ Biên Hòa.Thú thật, hồi đó do tôi chưa biết gì về chuyện ông BS Tín tìm giống cây khuynh diệp ở tận Úc Đại Lợi đem về trồng trong nước để bào chế loại dầu gió nổi tiếng made in Vietnam, nên tôi đã không tìm tòi, quan sát gì về những cây khuynh diệp trồng cả dãy ở khu đồi này.
Có điều là thời đó, một kỳ trại ngủ lại đêm ở đồi BS Tín đã ghi khắc sâu xa trong tâm tưởng tôi. Đêm tôi, dưới những tán cây khuynh diệp, tôi được các trưởng đặt ‘tên rừng’. Đó là nghi thức đánh dấu một bước trưởng thành của mỗi hướng đạo sinh, các trưởng trong ‘Hội đồng Rừng’ sẽ đưa ra những thử thách, chất vấn để tìm hiểu về tánh khí, năng khiếu, khả năng tháo vát, ứng phó tình hình cùng suy nghĩ, lý luận của em hướng đạo sinh, cuối cùng ‘Hội đồng Rừng ’sẽ chọn/đặt ‘tên rừng’ cho em – đó là tên một con vật kèm theo một đức tính, ví dụ: NAI Chăm Chỉ, VOI Thận Trọng, BỒ NÔNG Hoạt Bác, MÈO Lém Lỉnh.v.v…
Còn tôi? Tôi còn nhớ khá rõ là đêm đó mình đã bị Hội đồng Rừng thử thách, tra vấn gay go lắm chớ nào phải dễ dãi, đại khái. Chẳng hạn khi các trưởng đưa tôi đến bên miệng một cái hố phân dã chiến (đào khá rộng, dùng cho cả trại), đã hỏi tôi có dám nhảy xuống hố không. Tôi thầm nghĩ: “Lại thử thách lòng can đảm đây mà. Giống như vừa rồi hỏi mình có dám cỡi giày đi cẳng không vào đống lửa trại chơi hồi sớm nên đã nguội ngắt…. Giờ đến hố phân thì cũng có gì là ghê gớm đâu, chỉ dơ chân cẳng thôi chớ có đe dọa mạng sống đâu?” nên đáp tỉnh bơ:
“Thưa Hội đồng Rừng, em sẽ nhảy xuống hố nhưng vì giờ này trong trại, xe xi-tẹc đã cạn nước xài nên không có gì bảo đảm là em đủ sạch sẽ, tề chỉnh khi sáng mai dự lễ chào cờ và nghe Câu Chuyện Dưới Cờ của trại trưởng…”
Một trưởng ngắt lời tôi: “Hội đồng Rừng hỏi em có dám nhảy xuống hố phân hay không thì em lo trả lời cho nhanh, gọn đi, còn‘nhưng nhị’ gì nữa? Nói nhiều quá đấy!”.
Tôi đáp ngay: “Dạ, thì em nhảy đây!” Tôi vừa nhún chân nhảy vào miệng hố thì lập tức một trưởng đứng cạnh đã ôm tôi lại…
Thế đấy, không rõ đêm đó rốt cuộc Hội đồng Rừng đã ‘bắt mạch’ được tánh nết, năng lực của thằng tôi ra sao mà đã đặt cho tôi cái tên nghe y như ‘học sinh cá biệt’ (loại hay quậy trong lớp) trong bảng xếp loại HS bên ngành giáo dục – đó là NGỖNG Bướng, thưa quý vị.
3.
Dù sao thì tôi cũng rất có duyên với ngọn đồi trồng cây khuynh diệp của bác sĩ TÍN. Bước vào đời, do tình hình đất nước sôi bõng năm 1972 ‘Mùa hè đỏ lửa’, tôi đã nhập ngũ, đầu 1973 vào Trường BB Thủ Đức thì khi học môn chiến thuật, nhiều lần đại đội SVSQ chúng tôi từ trại di chuyền/đi bộ khoảng 4-5km ra đến mí xa lộ Biên Hòa, lên ‘Bãi chiến thuật số …’ mà tôi nhận ra ngay là ‘đồi bác sĩ TÍN’, một nơi chốn dường như đã là CỦA MÌNH từ thuở mình mới 14 tuổi!
Vào một lần ‘học bãi’ chiến thuật như thế, đến phiên tôi ‘đội nón vàng’, tức ngày thường thì đứng trong hàng quân của trung đội 431 (tức trung đội 1, đại đội 43, tiểu đoàn 4 SVSQ, thuộc Liên đoàn SVSQ trường BB), nay tôi phải bước lên trước trung đội, nhận chức trung đội trưởng lâm thời qua thủ tục đội cái nón “luân chuyển” sơn màu vàng và có ngay một tên SVSQ mang máy truyền tin PRC 25 luôn đi bên cạnh để sẵn sàng gọi máy theo lịnh tôi.
Hôm đó, khi cả đại đội học xong phần lý thuyết về một đội hình tác chiến gì đó cấp trung đội, đại đội giải tán để các trung đội lui về một góc riêng để chuẩn bị cho phần thực tập, gồm: lập sa bàn, phổ biến cách hành quân và phản ứng theo tình huống, di chuyển theo đội hình, núp phục kích, tấn công bằng súng bắn đạn mã tử vào mấy tên SVSQ khoác áo bà ba đen giả làm vi-xi… Có điều là khi cần ra lịnh, liên lạc bằng PRC25 bên cạnh mình với ba cái PRC25 của ba tiểu đội, theo lệ trên truyền tin quân sự thì phải mã hóa/đổi tên chính mình cùng ba nơi nhận ấy, là ‘trung (đội) trưởng 43MỘT’, rồi ‘tiểu đội MỘT’, ‘tiểu đội HAI’ và ‘tiểu đội BA’ thành những cái tên khác theo quy ước. Tôi lại không hề thuộc bảng quy ước mã hóa 24 chữ cái trên truyền tin, chỉ nhớ đại khái chữ ‘A’ là Alpha, ‘B’ là Bắc Bình’, ‘C’ là Cải Cách, ‘D’ là Đống Đa…, đến chữ ‘N’ là Non Nước nhưng kế đó, chữ ‘M’ mã hóa cho chữ ‘MỘT’ thành chữ gì thì tôi bí, hỏi thằng mang máy PRC25 nó cũng bí luôn!
Căng quá! Tôi rất lúng túng nhưng sực nhớ đây là liên lạc nội bộ giữa tôi (cấp trung đội) với ba tiểu đội thống thuộc thì gọi sao cho dễ nhớ trong nội bộ trung đội là được, chớ chắc ít có lỗ-tai-kiểm-duyệt từ ngữ mã hóa nào nghe ké nên tôi thả lỏng mình về cái thời chơi hướng đạo với tên rừng ‘Ngỗng Bướng’, cũng là thời tôi bày đặt chơi thi văn đoàn học trò, với vô vàn mơ mộng, hoang tưởng lãng đãng…
OK, căn bản là đang liên lạc trong nội bộ trung đội MỘT, thì MỘT mã hóa thành MỘNG. Nhất định đâu có ‘đụng hàng’ ai?
Cứ thế, tôi đang là ‘trung (đội) trưởng bốn ba MỘT’ nay mã hóa thành MỘNG BÌNH THƯỜNG, rồi ‘tiểu đội MỘT’ thành MỘNG MỊ MỘT, ‘tiểu đội HAI’ thành MỘNG MỊ HAI và ‘tiểu đội BA’ thành MỘNG MỊ BA.
Đem một lô chữ MỘNG nói trên hỏi ý kiến thằng mang máy PRC25, liệu anh em ở ba tiểu đội có dễ nhớ không cho anh em ở ba tiểu đội, thì thiệt vui là cậu mình tán thành nhiệt liệt, “Chu choa, ông là MỘNG BÌNH THƯỜNG, trong nhạc Phạm Duy chớ gì, nghe quá quen, đưa vô tần số thì đứa nào chẳng nhớ? Còn MỘNG MỊ MỘT, MỘNG MỊ HAI, MỘNG MỊ BA nghe vui lắm vì có cái ‘e’ (2) ‘phăng te zi’(2), chớ bắt tui kêu máy cứ chan chát cái kiểu Bắc Bình, Cải Cách, Đống Đa, Non Nước… nghe khô khốc, chán thấy mồ thấy tổ! Vậy ông cầm combinaison báo cho ba tiểu đội thi hành liền đi!”
Vậy là ngày ấy, cũng ở ngọn ‘đổi bác sĩ Tín’ trồng toàn cây khuynh diệp, nơi năm 14 tuổi tôi đã đến cắm trại hướng đạo và được các huynh trưởng đặt cho tên rừng hơi ‘cá biệt’ (quậy!) là ‘NGỖNG Bướng’, đến năm 24 tuổi tôi lại quay lại với tư cách SVSQ và đã lãng đãng một chút… Đó là khi nắm quyền trung đội trưởng lâm thời trung đội MỘT, tôi ra lịnh 3 tiểu đội cấp dưới khi gọi liên lạc nội bộ thì cứ mã hóa chữ MỘT thành… MỘNG – một chữ không có trong bảng mã hóa truyền tin nhưng tôi thích thế! Và nhờ Trời thương, trung đội tôi vẫn hoạt động tốt đẹp, tham dự thành công buổi học chiến thuật hôm đó…
– Phạm Nga
(Sydney, đầu tháng 12/2023)
(1) DẦU KHUYNH DIỆP BS TÍN ra đời khoảng cuối thập niên 40 của thế kỷ trước, sau khi BS Bùi Kiến Tín chuyển nhà thuốc Đông Dược từ Quảng Nam vào Sài Gòn thành lập nhà thuốc BS Tín, bào chế ra loại dầu gió made in Vietnam có thương hiệu cùng tên.
Đặc biệt, ‘ĐỒI BS TÍN’ trong bài chính là ngọn đồi tên là ĐỒI VIỄN, rộng 30 mẫu ở Thủ Đức thời xưa (nay là Đài tưởng niệm các vua Hùng, thuộc Quận 9, TP.HCM), Vì có lẽ do nhận thấy nhập nguyên liệu từ nước ngoài về sẽ đẩy giá thành chai dầu gió lên cao, nên vào năm 1954, BS Tín đã cho trồng cây khuynh diệp phủ khắp khu trại ĐỒI VIỄN.
(2) ‘e’: đọc từ âm tiếng Pháp ‘air’, trong bài có nghĩa là giọng điệu,‘phăng te zi’: đọc từ âm tiếng Pháp ‘fantaisie’, có nghĩa là biến cách, biến điệu.
No comments:
Post a Comment