Viết cho ngày 30/4: nỗi đau nào lớn hơn?
Nguyễn Vũ Bình, viết từ Hà Nội
AFP photo
Hàng năm, cứ đến ngày 30/4 là nhà cầm quyền Việt Nam lại tổ chức kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước bằng các lễ mít tinh, diễu hành, diễu binh, duyệt binh. Đối với đồng bào người Việt hải ngoại, và rất nhiều đồng bào miền Nam ở trong nước, đây là ngày quốc hận, là nỗi đau chưa hề nguôi ngoai.
Người ta đã nói nhiều tới nỗi đau của người dân miền Nam sau biến cố 30/4/1975 này, và đó là những sự thật hiển nhiên. Một quốc gia (Việt Nam Cộng Hòa), với chính nghĩa sáng ngời, tinh thần nhân bản đã bị cưỡng chiếm một cách đau đớn, tức tưởi. Từ sự kiện này, hàng triệu quân, dân, cán, chính của Việt Nam Cộng Hòa đã phải vào các trại cải tạo, lao tù. Hàng chục vạn người đã phải bỏ nước ra đi, vượt biên vì không thể sống nổi trên quê hương. Hàng chục ngàn người đã nằm trong bụng cá và dưới đáy biển sâu…đó là số phận, là nỗi đau của bên thua cuộc.
Tuy nhiên, ngoại trừ sự thất bại của cuộc chiến tranh (có nguyên nhân quan trọng từ việc đồng minh Mỹ bỏ rơi) mà người dân miền Nam ít nhiều có trách nhiệm, thì những nỗi đau khác, sự thống khổ, bi ai của người dân miền Nam là kết quả của những chính sách thâm độc, hiểm ác và tàn bạo của chế độ cộng sản
Nhưng ngày 30/4 cũng chính là bước ngoặt và đưa tới một nỗi đau tột cùng cho bên thắng cuộc, cho những người được mệnh danh giải phóng người khác. Rất ít người nhận ra nỗi đau âm ỉ, dồn nén và không nói lên được của hầu hết những người thắng trận năm xưa, của những thế hệ dấn thân cho đất nước, cho dân tộc luôn nghĩ mình có chính nghĩa và lý tưởng nhưng cuối cùng lại không phải như vậy.
Nỗi đau của bên thắng cuộc là nỗi đau từ từ, âm ỉ. Nó lớn lên cùng với nhận thức của chính những người trong cuộc, từ sự so sánh giữa lý tưởng và hiện thực, giữa lời nói và việc làm. Sau 30/4/75, đất nước sạch bóng quân thù, cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội….một sự vỡ mộng, bẽ bàng khủng khiếp từ từ xâm lấn tâm hồn bên thắng cuộc. Với độ lùi 40 năm sau ngày 30/4 đó, tất cả đã hiển hiện, bức tranh toàn cảnh của Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài tình của đảng cộng sản: Sự toàn vẹn lãnh thổ không còn, đất đai, hải đảo, lãnh hải bị mất và xâm phạm nghiêm trọng; nợ gấp đôi GDP và không có khả năng thanh toán; đạo đức, nền tảng xã hội bị băng hoại và phá hủy hoàn toàn; sự dồn nén cùng cực của tất cả mọi tầng lớp nhân dân…đây phải chăng là kết quả của niềm vui chiến thắng?
Chưa hết, nỗi đau còn nhân lên gấp bội khi sự rộng mở của hệ thống Internet toàn cầu đưa tới những sự thật kinh khủng: Hồ Chí Minh bán Phan Bội Châu cho Pháp để lấy 10 vạn quan tiền; kế hoạch sửa sai có trước khi Cải cách ruộng đất diễn ra (sách Từ Thực dân tới Cộng sản – tác giả Hoàng Văn Chí)…tất cả những sự thật khủng khiếp đó được hé lộ đã khẳng định một điều.
Hóa ra, có một sự thật có hệ thống từ khi đảng cộng sản xuất hiện đã chi phối và không chế hoàn toàn dòng chảy của lịch sử Việt Nam. Sự thật này khởi nguồn từ việc cướp chính quyền, tiêu diệt toàn bộ các đảng phái không phải cộng sản; tạo ra cuộc Cải cách ruộng đất long trời lở đất; cải tạo công thương nghiệp miền Bắc; Nhân văn Giai phẩm; cưỡng chiếm miền Nam; đày đọa hàng triệu quân, dân, cán, chính Việt Nam Cộng Hòa; cải tạo công thương nghiệp miền Nam; hai lần đổi tiền để cướp của người dân; cướp đất đai của người dân tạo ra hàng triệu dân oan trên cả nước (thời kỳ đổi mới); đàn áp mọi tôn giáo, sắc tộc….một sự liệt kê chưa đầy đủ này đã làm câm họng tất cả những kẻ nói rằng chủ trương đường lối là đúng, thực hiện sai; bản chất là đúng, là tốt nhưng quá trình thực hiện có sai lầm; thế hệ trước là đúng, là tốt, sau này mới tha hóa, xấu xa…
Những sự thật này đã đẩy bên thắng cuộc tới tận cùng của nỗi đau: cả cuộc đời, cả sự nghiệp của họ là vứt đi, thậm chí có tội với dân tộc, với đất nước. Còn nỗi đau nào lớn hơn khi ngay từ những năm 14-15 tuổi làm liên lạc viên cho Việt Minh, cả cuộc đời cống hiến, lên tới chức vụ trưởng, thứ trưởng, bộ trưởng…khi đã về hưu, khi sự thật được phơi bày mới biết rằng mình đã bị lừa, những điều mình làm không hề đem lại điều tốt đẹp cho nhân dân, đất nước mà còn góp phần gây ra thảm họa cho dân tộc, cho nhân dân, cho đất nước.
Vậy thì, nỗi đau nào lớn hơn?
Hà Nội, N.V.B
No comments:
Post a Comment