Tuổi già lẩm cẩm và tình người bản xứ
Nguyễn Kiến Thiết -7 tháng 5, 2023-
Một buổi xế chiều giữa mùa đông trên đảo Mộng. Trời se lạnh. Mặt trời nhọc nhằn chọc thủng màn mây xám chiếu những tia nắng vàng vọt yếu ớt. Đường sá trơn trợt do ảnh hưởng cơn bão tuyết hôm qua. Sau khi phát hành quyển sách đầu tay tại hải ngoại, tôi ký tên và đóng dấu triện son cẩn thận để gởi tặng bè bạn gần xa và độc giả đặt mua sách. Một trong các văn thi hữu mà tôi hằng trân quý là cựu đồng nghiệp T. V., tác giả quyển Gánh Nặng Di Sản, một người đồng điệu, cố vấn Hội Giáo chức Québec.
Chiều hôm ấy, tôi lái xe đến một nhà Dưỡng lão thành phố để tặng sách cho anh. Trước khi đi, tôi gọi anh để nhắc lại giờ hẹn và ghi địa chỉ cẩn thận. Qua điện thoại, anh đọc cho tôi ghi từng số một, theo thứ tự là 5, 4, 2 và 0, đường Côte-Saint-Luc, Résidence Providence. Thời gian hẹn là 3 giờ chiều. Tôi khởi hành từ nhà lúc 2 giờ để tới điểm hẹn trước 10 phút.
Tới trước cao ốc số 5400, đường Côte-Saint-Luc, tôi đậu xe tại nơi quy định và bấm điện thoại gọi:
-A-lô, xin lỗi phải anh Ninh ở đầu dây không? Tuấn đây. Khoảng 5 phút nữa tôi sẽ đến thăm anh, luôn tiện biếu anh quyển sách mới trình làng.
-Tôi đây, anh Ninh trả lời. Tôi sẽ xuống phòng khách chờ anh. Tôi nóng lòng muốn được đọc sách của anh. Anh rất đúng hẹn.
-Dạ anh. Vài phút nữa chúng ta sẽ gặp nhau.
Tôi tắt điện thoại và lững thững bước tới địa chỉ anh cho cách đó chừng 100 thước. Tới trước cao ốc số 5420, tôi dáo dác tìm vẫn không thấy nhà dưỡng lão. Loay hoay kiếm số các cao ốc kế bên từ trái sang phải, và ngược lại như: 5410, 5430, rồi 5440… vẫn không được như ý. Tôi bối rối hỏi thăm vài ba người, Âu có, Á có, rồi mò tìm theo sự chỉ dẫn của họ. Nhưng vẫn không lần ra manh mối.
Nửa giờ sau, tôi gọi anh Ninh để xin lỗi:
-Anh Ninh ơi! Tôi kiếm hoài không thấy nhà dưỡng lão nơi anh ở. Xin lỗi đã trễ hẹn. Tôi chưa muốn bỏ cuộc. Anh chịu khó chờ. Tôi sẽ cố gắng tìm.
-Tôi sẽ đợi anh tới 5 giờ, anh Ninh đáp. Sau giờ nầy tôi phải đi ăn.
Bất chợt một bà đầm chậm rãi đi qua trước mặt, dáng vẻ khoan thai, tôi chạy tới lễ phép hỏi:
-Thưa bà, xin làm ơn chỉ giùm nhà dưỡng lão Providence ở số 5420 trên đường nầy. Tôi muốn tặng sách cho một người bạn, nhưng kiếm hoài không được.
Đoạn tôi chìa bao thư gói sách màu vàng trước mặt bà. Tôi đoán bà là người mê sách hoặc có cảm tình với sách – nhứt là thấy tôi có vẻ thành khẩn, ăn nói lễ phép nên dừng lại ngắm nghía bao sách có ghi rõ tên họ, địa chỉ người gởi và người nhận, rồi vui vẻ nói:
-Ông đi theo tôi. Tôi ở cao ốc cách đây mấy bước nên biết rành khu nầy.
Lòng mừng khấp khởi, tôi lẽo đẽo theo bà. Qua trò chuyện, tôi biết bà tên Rose, người québecoise, xấp xỉ tuổi cổ lai hy, tóc bạc phơ, ăn mặc tương đối chỉnh tề. Bà cho biết đã về hưu mấy năm nay. Trước kia bà là công chức làm việc tại Sở Di trú, từng tiếp xúc với nhiều lớp di dân gồm đủ mọi sắc tộc. Nghe bà nói có nhiều thiện cảm với di dân người Việt khiến tôi càng thêm ấm lòng. Tôi tự giới thiệu tên họ, kể sơ qua về “lý lịch” của mình, như dạy học, viết văn ở Việt Nam; sau biến cố 1975, cùng vợ và bốn con vượt biển tìm tự do, định cư tại Montréal năm 1989, học chuyên viên điện tử và làm việc ở một số hãng điện tử cho tới khi về hưu, v.v… Tôi có vài cuốn sách xuất bản ở Việt Nam. Còn cuốn tôi sắp tặng cho người bạn là đứa con tinh thần đầu tiên của tôi tại hải ngoại.
Với cái nhìn thân thiện và nụ cười rất tươi nở trên môi, bà Rose nói:
-Rất hân hạnh được biết một người viết văn như ông. Tôi cũng thích đọc sách. Sẵn dịp hôm nay rảnh rỗi, tôi sẽ hướng dẫn ông tới nơi tới chốn. Ông đừng ngại.
Từ đó tôi ngoan ngoãn rảo bước theo bà. Điệp khúc lần trước được lặp lại. Chúng tôi tới cao ốc số 5410, 5420 rồi lần sang các số 5430, 5440… Tới đâu, bà cũng kiên nhẫn bấm chuông hỏi.
Cuộc tìm kiếm kéo dài hơn nửa tiếng đồng hồ. Nhưng vẫn vô vọng.
Tuyết bỗng rơi. Ban đầu lất phất. Càng lúc càng nhiều, trắng xóa. Có lần bước lên cầu thang một cao ốc, bà loạng choạng suýt té. Tôi đỡ bà. Từ đó bà đưa tay cho tôi nắm và dìu đi trong mưa tuyết. Quá ái ngại về sự tốt bụng của một người có tuổi xa lạ, tôi nói:
-Thưa bà, trời sắp tối rồi. Tuyết lại rơi dày đặc. Tôi không muốn làm phiền bà nhiều nên xin từ giã bà. Sự tốt bụng của bà khiến tôi vô cùng cảm kích. Xin cám ơn bà thật nhiều. Tôi cầu chúc sức khỏe và bình an cho bà.
-Rất vui lòng được giúp ông, bà Rose đáp. Tiếc rằng không được như ý. Xin chào ông.
Bấy giờ quá thất vọng, tôi đành phải bỏ cuộc. Tôi gọi anh Ninh một lần nữa:
-Anh Ninh ơi! Bão tuyết sắp tới. Tôi phải chạy về nhà. Sẽ gởi sách cho anh qua bưu điện. Tôi sẽ đến thăm anh vào một ngày thật đẹp trời. Thành thật xin lỗi anh.
Muốn cho chắc ăn, tôi hỏi lại:
-Xin anh đọc lại địa chỉ nhà dưỡng lão.
-Đó là số 5240, đường Côte-Saint-Luc, anh Ninh đáp. Anh nhớ trước cổng có tấm bảng ghi: RÉSIDENCE PROVIDENCE.
-Số 5240 phải không? Tôi ngạc nhiên hỏi lại. Sao lúc nãy anh đọc cho tôi ghi là 5420?
-Chắc anh chép lộn.
-Tôi chép đúng thứ tự các số do anh đọc. Tờ giấy nháp còn đây, trước mặt tôi nè!
-Anh Tuấn ơi! Chưa biết ai đúng ai sai. Chúng ta lẩm cẩm cả rồi. Bây giờ tôi phải đi ăn. Anh cứ gởi sách tại văn phòng theo địa chỉ đúng, chắc chắn tôi sẽ nhận được. Cám ơn anh nhiều.
Mặc dầu tôi chép đúng địa chỉ do bạn hiền T. V. đọc (sai), nhưng tôi vẫn nhận phần lỗi về mình để khỏi mích lòng bạn:
-Vậy thì chắc tôi chép sai. Xin lỗi anh.
Vài phút sau tôi đến đúng địa chỉ (rất dễ tìm) và gởi sách tại phòng tiếp tân Résidence nhờ chuyển cho anh. Đoạn rồ máy xe chạy trở về nhà trong mưa tuyết, đầu óc suy nghĩ mông lung…
Người già thường lẩm cẩm. Đó là căn bịnh trầm kha của người cao tuổi. Nhưng phần đông đều không nhận biết. Giống như người uống rượu say xỉn vẫn không nhận mình say, và còn đổ thừa cho người khác. Dầu sao cái lẩm cẩm của tuổi già vẫn còn ở mức độ nhẹ hơn là mất trí nhớ(Alzheimer). Mất trí nhớ đôi khi nguy hiểm tới tánh mạng. Về phía văn hữu T. V., tôi nghĩ anh vẫn còn minh mẫn, chỉ lẫn lộn các con số do ảo ảnh thị giác (optical illusion) cũng nên. Tôi nào dám phiền hà. Tôi vẫn còn nợ nơi anh một chút ân tình.
Lúc tôi nằm viện, dầu tuổi cao sức yếu, anh đã lặn lội đến thăm tôi. Biết tôi cũng yêu quý sách, nặng tình với sách nên cách đây vài năm, anh đã dùng phương tiện công cộng ôm cả chục cuốn sách quý tìm đến nhà tôi để trao tặng tận tay. Hình ảnh một cụ già 85 tuổi khệ nệ ôm sách tới tặng bạn thật vô cùng cảm động.
Chưa hết, anh còn có nhã ý muốn tặng một số sách cũ và mới trong khoảng 1000 cuốn sách cho những ai yêu quý chúng, dầu rằng phải “trào nước mắt”. Lý do đơn giản là anh phải thu xếp để vô nhà dưỡng lão, không thể mang theo cái gia tài sách mà mình đã để công đi mua sắm, nâng niu, gìn giữ và yêu quý chúng.
Tôi đã chọn khoảng 100 cuốn sách đủ mọi thể loại mang về nhà với tâm trạng vui buồn lẫn lộn.
Vui vì có thêm một số sách quý; buồn vì không biết số phận những cuốn sách ấy sẽ ra sao, liệu mình có đủ thời gian để đọc và nghiền ngẫm những tài liệu quý hiếm ấy hay không. Rồi đây đến một ngày nào, tôi sẽ tiếp bước đồng nghiệp Nguyễn V. Ninh vô… nhà dưỡng lão, và cũng “trào nước mắt” để lại cái gia tài sách cũng cả ngàn cuốn cho những ai yêu quý chúng.
Mấy dòng tâm tư nầy nhằm nói lên lòng biết ơn sâu xa nồng thắm cũng như đáp trả phần nào món nợ tinh thần đối với bạn hiền Nguyễn V. Ninh. Cho nên sự lẩm cẩm của anh – nếu có, khiến tôi mất mấy tiếng đồng hồ để tìm tới nơi anh ở cũng không đáng là bao so với “cái cho” và “cách cho” mà anh đã thể hiện.
Bà Rose quá tử tế. Bà là hình mẫu người bản xứ tốt bụng, giúp người vô vụ lợi trong tinh thần “thi ơn bất cầu báo”. Bà không kỳ thị một người di dân da màu – như tôi. Bà đã dành thời gian và kiên nhẫn hướng dẫn tôi đến gõ cửa từng nhà, tận tình giúp tôi đạt được mục đích, giống như cách hành xử đối với một người thân.
Bất giác tôi liên tưởng tới một thứ tình-nghĩa-giáo-khoa-thư trên đất Bắc Mỹ. Tôi muốn tự trả lời rằng việc chọn định cư ở Canada của gia đình tôi là một lựa chọn đúng nhứt. Lại càng đúng hơn khi ở “đất lạnh” nầy, “tình nồng” vẫn thắm đượm giữa những người xa xứ lạc loài tới đây, giữa người bản xứ và người nhập cư gồm đủ mọi sắc tộc. Xin cám ơn đất nước Canada. Xin cám ơn hiền huynh Nguyễn V. Ninh. Xin cám ơn bà Rose thật nhiều!.
Montréal, Tháng Năm 2023
No comments:
Post a Comment