Má Của Tí
(Thân tặng những Single Moms kiên cường, nhân mùa Mothers Day)
Hình tác giả cung cấp
*
Khi Tí vừa đủ “lớn”, xong lớp Mẫu Giáo, chuẩn bị vào lớp Một, Tí đã không biết ba của mình là ai. Tí hỏi má:
- Má! Ba của con đâu má?
Má đang nấu cơm ngoài bếp, quay lại nhìn Tí, rồi đáp tỉnh queo:
- Mày hổng có ba!
- Sao mấy đứa trong lớp con có ba?
- Kệ tía tụi nó! Ba mày bỏ mày nên mày hổng có ba, hiểu chưa!
Hễ má gọi Tí là “mày” là Tí biết má đang hổng dzui nên Tí không dám hé miệng thắc mắc nữa. Mà thực ra, trong lớp học, trong xóm khu apartments này đâu phải đứa nào cũng có ba, như chị em con Cẩm thằng Tú con của cô Xuyến bạn của má, họ cũng chỉ có ba mẹ con sống với nhau đấy thôi. Một buổi tối, Tí đang chơi các đồ chơi một mình, rồi như nhớ ra điều gì, liền réo:
- Má!
- Gì nữa đây?
- Má đẻ cho con một đứa em để con chơi chung cho vui đi má!
- Má có một mình làm sao đẻ được hở con?
- Vậy chớ cô Xuyến cũng có một mình, mà cổ đẻ được con Cẩm thằng Tú luôn kìa?!
Lần này thì má bật cười, bưng ra miếng bánh bò cho Tí, rồi nói:
- Ông bớt nhiều chuyện cho tui nhờ được hôn? Ăn bánh bò rồi chuẩn bị đánh răng đi ngủ!
Má làm ở hãng Gà, cuối tuần má làm thêm các loại bánh bán cho mấy người quen, bánh bò nướng, bánh bò hấp, bánh khoai mì, bánh tằm, bánh da lợn, bánh chuối, món nào má làm cũng khéo và ngon. Má sống chan hòa tình nghĩa nên có nhiều bạn bè, tuần nào má cũng có mối đặt bánh, kiếm thêm thu nhập cho hai má con. Tí cũng quen dần cái chuyện “hổng có ba” và vui vẻ cuộc sống bình an bên má.
Năm Tí học lớp bốn, có lần Tí được đến nhà thằng Tâm chơi, hai đứa học chung lớp nên qua nhà nhau thường xuyên, ba má nó là chú Hùng cô Lan là bạn thân của má. Đến chiều chú Hùng lái xe đưa Tí về, giữa đường ghé trạm xăng. Trong lúc chú Hùng đứng đổ xăng, Tí cũng chui ra xe đứng xớ rớ gần đó. Bỗng có một người đàn ông từ chiếc xe phía trước, tiến lại bắt tay nói chuyện với chú Hùng một hồi, rồi ổng bước đến xoa đầu Tí:
- Con khỏe không, học lớp mấy rồi?
Thấy người lạ, Tí lí nhí chào, người đàn ông nói:
- Ba là ba của con nè!
Tí nghe lùng bùng lỗ tai, ngơ ngác, người đàn ông nhìn chú Hùng cầu cứu, chú Hùng gật đầu:
- Đúng rồi Tí, ba của con đó!
Về đến nhà, thấy má đang loay hoay đổ bánh dưới bếp, Tí rón rén mở lời:
- Má! Hồi nãy con vừa mới gặp ba!
Má lật đật ngồi xuống ghế, xuýt nữa làm rớt cái khuôn bánh bò:
- Mày nói gì nói lại cho tao nghe rõ coi!
Tí kể lại đầu đuôi câu chuyện ngoài trạm xăng, nghe tới đâu mặt má đỏ bừng bừng tới đó vì giận dữ. Má đứng lên, quăng mấy ổ bánh vào lò, đóng cửa oven cái rầm, rồi cầm cái cây cán bột dí dí vào mặt Tí:
- Nghe má nói nè Tí, ổng là ba con nhưng ổng bỏ con từ trong bụng má, nên má cấm mày gọi ổng là ba. Má cấm! Nghe chưa!?
Tí run run gật đầu:
- Dạ má, con nghe! Vậy lần sau con gặp ba, í lộn, gặp “chú đó” thì con kêu bằng gì?
- Mày còn tính gặp ổng nữa hả thằng kia!
- Dạ không, con hỏi để phòng hờ thôi!
- Mày muốn gọi ổng là gì mặc xác mày, miễn mày đừng gọi là “ba”! Tí thương má thì nghe lời má nghen Tí!
Tí lại ngập ngừng:
- Vậy là “chú đó” sống chung thành phố này với mình hả má?
- Ừa, nhưng mà ổng có vợ có con khác rồi. Từ lúc má mang bầu cho đến lúc sanh ra mày đến nay, ổng chưa bao giờ nhận mày là con, sao bữa nay ổng dám lột lưỡi xưng là ba mày, tao cũng lạ.
Bữa đó má giận lắm, Tí vào phòng còn nghe má lục đục rớt nồi niêu xoong chảo loảng xoảng, cuối cùng là hai mẻ bánh bò bị cháy đen thui. Sau đó, má gọi phone cho cô Lan vợ chú Hùng, không phải để trách cứ chuyện ngoài cây xăng, vì đó là chuyện bất ngờ ngoài ý muốn, nhưng má tâm sự dài lắm. Từ bữa đó, và nhiều lần sau nữa, qua các cuộc nói chuyện của má với bạn bè của má, Tí cũng hiểu rõ ngọn ngành nỗi đau của má, nên càng thương má hơn.
Hồi ấy, cái “chú đó” bị người yêu phản bội, “chú đó” bèn về Việt Nam chơi cho khuây khỏa, rồi ba má “chú đó” tác hợp “chú đó” cho má, là người cùng xóm, hai gia đình cũng biết nhau nên khỏi cần tìm hiểu. Vài tháng sau, đám cưới được tổ chức và hai năm sau má qua tới Mỹ. Mới chân ướt chân ráo đến thành phố Houston được hơn một tháng, cô người yêu cũ của “chú đó” bỗng xuất hiện, đến gặp má (lúc “chú đó” đi làm) ... ghen ngược, đòi lại “chồng”. Điều đau đớn hơn là “chú ấy” quyết định quay về với người xưa, dù biết má vừa mang thai. Một mình má cô đơn chơi vơi nơi đất lạ, có lúc gần như tuyệt vọng, nhưng đứa con trong bụng là động lực để má cố gắng và nhờ những người xung quanh cảm thương giúp đỡ, hướng dẫn má xin được tiền trợ cấp cho tới lúc sanh ra Tí, rồi má được chính phủ phụ tiền gửi Tí vào DayCare để má đi làm hãng Gà. Má nhiều lần nói với cô Lan:
- Nói thiệt, hồi đó vì hổng có tiền nên tui đành chịu đương đầu với cái tên bội bạc đó, nhờ luật sư của chính phủ vào cuộc, hắn mới đồng ý trả tiền Child Support mỗi tháng $500 cho đến khi thằng Tí 18 tuổi.
Cô Lan góp ý:
- Tiền của con mình thì mình nhận, dại gì mà tự ái!
- Không! Tui mà có sẵn tiền bạc thì không bao giờ tôi muốn dính líu đến anh ta, dù chỉ là một xu!
Lên cấp hai, Tí đã là một thiếu niên biết giúp má chuyện vặt trong nhà, theo má đi chợ khiêng vác những đồ nặng, phụ hợ má khi má làm bánh cuối tuần. Tối hôm đó, thấy má vui, Tí buột miệng:
- Má! Má có hình đám cưới của má với “chú đó” không, cho con coi nha.
Má nhìn Tí cười cười:
- Bộ ông tướng hổng tin tui có cươi hỏi đàng hoàng, tui theo không kẻ bội bạc đó hở, mà đòi xem hình làm bằng chứng?
- Đâu có! Con muốn biết thôi mà.
Má đứng lên đi vào phòng ngủ, một hồi đem ra cuốn album nhỏ xíu:
- Thực ra, hồi má giận ổng, má đốt hết hình rồi, nhưng má cũng giữ lại một ít, vì đó là kỷ niệm với ông bà ngoại, bà con họ hàng, chòm xóm. Mà nè, trong đây không có hình “chú đó” đâu nghen, má cắt ổng ra rồi!
Tí mở album ra xem, đúng như má nói, các tấm hình chỉ có cô dâu là má, còn phần chú rể bên cạnh, má đã khoét trống rỗng, không còn mặt mũi hay tay chưn gì ráo. Nhìn cuốn album khác thường, đầy “khiếm khuyết” Tí càng thương má hơn bao giờ hết, và tự hứa, sẽ không bao giờ nhắc đến “chú đó” một lần nào nữa.
Nỗi đau đó làm má khép lòng với một vài người đàn ông muốn kết thân với má. Cô Lan từng khuyên má:
- Bà đã dành cả tuổi thanh xuân để nuôi thằng Tí, bây giờ bà tính chôn vùi luôn tuổi “trung niên sồn sồn”, không cần một người bạn đời chia sẻ buồn vui sao? Ông bạn học cũ bên Việt Nam vợ đã chết, nay muốn nối lại tình cảm xưa, sao bà không cho người ta một cơ hội? Còn ông Sự làm chung hãng Gà chưa bao giờ có vợ cũng đang theo đuổi bà, sao bà còn ngần ngại tìm hiểu??
Má đáp:
- Tui sợ cảnh “con anh con tui tiền anh tiền tui”, còn với người chưa lập gia đình bao giờ, liệu họ có đủ bao dung để thương con mình không, hay là chỉ được bảy ba hai mốt ngày, sau tuần trăng mật là dập mật ngay? Tui sợ đờn ông lắm rồi.
- Thì cũng có người nay người kia, đâu phải ai cũng xấu cả đâu.
Má ôm vai cô Lan cười cười:
- Tui mang ơn bà không hết, vì hồi đó có lúc tui chán nản tính ôm bụng bầu bỏ về Việt Nam nhưng nhờ có vợ chồng bà khuyên can, tôi đã thấy quyết định ở lại Mỹ thật đúng đắn. Tui được hưởng cuộc sống nơi xứ sở tự do giàu có, được đi làm kiếm tiền, thằng Tí có tương lai học hành sáng sủa. Nhưng bà khuyên tui đi thêm bước nữa tui không dám nhận, thôi cho qua nghen. Chắc số của tui là vậy. Cũng may trời còn thương, là tui còn thằng Tí để thương yêu, để chăm sóc cho nó.
Cô Lan nói với Tí:
- Má của con là người phụ nữ kiên cường!
Mà má kiên cường thiệt. Mấy năm trước, sau một thời gian dành dụm, cùng với ít tiền bà ngoại bên Việt Nam gửi qua, má đã mua được căn nhà townhouse cho hai má con. Tí lo phần cắt cỏ phía sau vườn vào mùa hè, và quét dọn lá vàng lá khô cuối mùa thu. Vậy mà có nhiều lần, Tí đi học hoặc đi chơi với bạn về trễ, má đã làm xong xuôi, nhứt là trời đầu đông gió lạnh má đeo găng tay, mặc áo khoác, mang giày boots xúc lá bỏ vào bao ào ào. Tí phàn nàn thì má nói má còn khỏe, để má tập thể dục luôn.
Năm nay vào lớp 11, Tí xin đi làm cuối tuần tại tiệm McDonalds, Tí nói má nghỉ bớt chuyện làm bánh, chỉ đi làm hãng Gà, cuối tuần dành thời gian nghỉ ngơi xem phim, má liếc Tí một cái thiệt dài:
- Thôi đi ông tướng, ông cứ để tiền đó tiêu xài, má vẫn say mê vừa làm bánh vừa mở youtube nghe Thầy Pháp Hòa giảng kinh, rồi quay qua xem phim Hàn Quốc, bánh vẫn chín thơm ngon nức mũi, có sao đâu nà! Khi nào má già má bệnh hẵng hay.
Tí làm ca chiều đến 11 giờ đêm mới xong, má không cho Tí đi metro bus, mà má lái xe đón đưa. Về tới nhà là khuya, má kêu Tí cởi bộ đồ uniform ra cho má ngâm để mai giặt, giục Tí đi ngủ, còn má ra bếp xem xét lại các thứ bánh để ngày mai khách đến lấy. Má thiệt là kiên cường!
Hôm bữa Tí được nghỉ Spring Break, má rủ Tí đi chợ dưới khu chợ Việt. Trên đường về, hai má con ghé vào tiệm Bubble Tea mua nước uống. Vừa trả tiền xong, quay người ra thì ngay cửa tiệm, một người đàn ông cũng vừa bước vào. Tí thấy người này quen quen, hình như là... “chú đó”, má liền khựng lại, “chú đó” cũng bất ngờ, bối rối giây phút chạm mặt rất gần. “Chú đó” nhanh chóng lên tiếng, dù rất nhỏ:
- Em khỏe không?
Má nhìn hướng khác, mỉa mai, lạnh lùng:
- Cám ơn! Tui bình thường!
Rồi má kéo Tí bước nhanh ra khỏi tiệm. Lên xe, má run rẩy, đề máy xe mấy lần mới nổ. Chạy được hơn một block đường, Tí thấy những giọt nước mắt của má lăn dài, má lấy tay chặn nhưng nước mắt càng rơi nhiều hơn, má phải tấp xe vào lề đường, dừng lại, rồi không cần biết có Tí ngồi ghế kế bên, má ôm mặt khóc thành tiếng, nức nở, nghẹn ngào.
Đâu rồi bà má kiên cường của Tí? Trước mặt Tí là đôi vai má rung lên từng hồi theo cơn khóc thỏa thuê, vỡ òa, như chưa bao giờ được khóc. Trước mặt Tí, là một bà má yếu đuối như bao người phụ nữ khác khi bị tổn thương, lần đầu tiên trong đời Tí mới thấy.
Tí biết, má khóc không phải vì còn yêu thương tiếc nuối gì “chú đó”, mà vì những uất hận, những tủi hờn dồn nén bấy lâu này, bây giờ mới có dịp tuôn trào...
Tự dưng Tí cũng khóc theo má!
Edmonton, Tháng 5/2023
KIM LOAN
No comments:
Post a Comment