Cát Biển Ngậm Ngùi
“Dã tràng ngoài biển... cát
Hồn mộng vẫn se... hoài”
(Cát Biển - Lê Trọng Nguyễn & Y Vân)
*
Tôi ngỡ ngàng và hụt hẫng khi đối diện với ngôi trường nhỏ nằm chơ vơ ven chân đồi, cỏ mọc xác xơ, không một bóng cây vào lúc chiều tà. Gọi là ngôi trường nhưng chỉ là ngôi nhà ngói ba gian quá cũ, vách tường loang lổ, lỗ chỗ như tổ ong, trông thật thê thảm!
Sau hai năm ở Trường Sư Phạm Quy Nhơn, tôi được chọn nhiệm ở tỉnh Khánh Hòa, nơi chốn từ ngày di cư từ Hà Nội vào Nga Trang. Ty Tiểu Học Khánh Hòa cho biết, giáo viên mới ra trường phải về các vùng quê thời gian và Sự Vụ Lệnh bổ nhiệm tôi làm Hiệu Trưởng liên trường (năm trường) ở Đông Hải (mũi Hòn Khói nằm tại nơi này), quận Ninh Hòa.
Bán đảo Hòn Khói nằm ở phía Đông của quận Ninh Hoà, cách quận lỵ khoảng 15 km đường bộ, nơi đây ngày xưa là cửa biển quan trọng, triều đình Huế đặt quan trấn phòng ngự, thời Pháp thuộc, người Pháp gọi là Hone-Coché với Sở Thương Chánh Hòn Khói (Douanes et Régies de Hone-Coché) nhưng bấy giờ chỉ có đơn vị của Hải Quân trấn giữ cửa biển nằm ở phía bắc bán đảo… Hòn Khói tọa lạc ở phía bắc dãy núi Phước Hà trên một doi đất có ngọn núi nhỏ không cao lắm nhưng cũng gọi núi Hòn Khói, phía đông có vịnh Yên Cang, thế kỷ 19 đổi thành Vân Phong. Trước khi đến nơi nầy, bố tôi phục vụ trong Ty Cảnh Sát Khánh Hòa nói sơ qua về địa thế và tình trạng an ninh để tôi biết đôi chút nơi lạ lẫm…
Trong năm trường tiểu học, chỉ có trường Phú Thọ, nằm phía nam Hòn Khói, khang trang, có nhiều lớp, nơi đây đông đúc dân cư, còn các trường khác chỉ có vài lớp, đến lớp Năm phải ra học ở Phú Thọ. Đúng ra với cương vị Hiệu Trưởng phải đảm nhận ngôi trường ở Phú Thọ vì mỗi lần họp giáo viên đều quy tụ ở trường nầy nhưng… có lẽ bè phái, ma cũ lão làng hiếp ma mới nên đành cam phận.
Tôi được may mắn ở trọ trong nhà ông bà tốt bụng, có cô Tuyết trạc tuổi em gái tôi, rất tử tế và dễ thương, hai chị em gần gũi bên nhau nên đỡ cô đơn. Ngôi nhà đối diện với trường học, đi bộ khoảng mười phút, tương đối an ninh, nhưng mỗi tối vẫn phập phồng lo sợ, còn các trường khác ở phái trong không được an ninh, nghe cô Tuyết cho biết, ban ngày Quốc Gia, ban đêm “mấy ổng” (VC) ở trên núi mò về. Hai ngày cuối tuần tôi về Nha Trang nên chưa có cơ hội nào đi sâu trong bán đảo.
Ba mặt của bán đảo Hòn Khói là biển, bãi biển cát trắng, đa số người dân làm ruộng muối nghề chài lưới, khi thủy triều xuống, nhiều người cào nghêu, ốc, sò… thời gian ở Nha Trang, mấy đứa em trai “chế biến” món ăn hợp khẩu vị, tôi cũng thích nên ở Hòn Khói có dịp làm thực khách với giá cả rất rẻ so với Nha Trang. Tuy mảnh đất nghèo nàn như vậy nhưng người dân nơi đây cũng tự hào có vài học sinh xuất thân trên mảnh đất nghèo nàn đã chịu khó học thành tài, trở thành bác sĩ, giáo sư, sĩ quan cao cấp trong Quân Đội VNCH… và đã hãnh diện về nơi chốn từ thuở xa xưa.
Sau một năm dạy ở Hòn Khói, tôi được thuyên chuyển về dạy ở Nha Trang, gần Bưu Điện, đầu đường Duy Tân (chạy dọc theo bờ biển) có quán số 1 Gió Khơi. (Nơi đây, trước năm 1975 với bao hình ảnh êm đềm, đẹp đẽ; sau năm 1975 chết lặng trong hồn tôi!).
Với bán đảo Hòn Khói lạ hoắc, khi bước chân đến với nỗi buồn vô vọng, xa lạ, chán chường nhưng không ngờ nơi đó gắn bó với cuộc tình kéo dài theo năm tháng dù trải qua bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử.
*
Sắp tan buổi dạy, chàng sĩ quan Chiến Tranh Chính Trị dẫn đơn vị từ Nha Trang ra Hòn Khói gặp tôi để mượn ngôi trường cho buổi sinh hoạt Tâm Lý Chiến Dân Sự Vụ với người dân ở địa phương. Thật không ngờ, chốn đèo heo hút gió nầy lại tình cờ, ngẫu nhiên đến nỗi có sự gặp gỡ mà “duyên số” đưa đẫy… Giây phút gặp gỡ ngắn ngủi đó, anh xin địa chỉ và nói “Xin phép cô giáo, tôi có thể ghé thăm được không?”. Tôi chỉ mỉm cười. Có lẽ “im lặng là vàng”?
Hai ngày cuối tuần ở Nha Trang, anh và tôi cùng nhau bát phố, với những “con đường tình sử” Yersin, Bá Đa Lộc, Hoàng Hoa Thám, Trần Hưng Đạo, rợp bóng cây me cổ thụ, phượng vỹ che hai mái đầu. Con đường Duy Tân nằm dọc theo bờ biển và cũng là nơi với nhiều kỷ niệm. Tôi học Trường Nữ Trung Học Nha Trang đến năm Đệ Nhất chuyển sang ngôi trường cũng gần nhau, Trường Trung Học Võ Tánh trên đường Bá Đa Lộc, khuôn viên rộng rãi tiếp giáp với các đường Hoàng Hoa Thám, Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Tri Phương, gần bờ biển.
Cho đến nay, cả hai chúng tôi cũng không hiểu “ông tơ bà nguyệt” lại se duyên giữa anh và tôi hoàn toàn xa lạ từ nơi chốn đến công việc. Anh thích giọng Hà Nội, tôi thích mẩu người dong dỏng cao, điểm nét phong trần của người lính, lịch sự, ít câu nệ trong cuộc sống. Trong những lần trò chuyện, có lẽ giữa anh và tôi có sự đồng điệu với nhau qua những điều chia sẻ.
Sau ngày cưới, anh đưa tồi về Đà Nẵng, gặp lại bạn học ở Quy Nhơn, khi tâm tình với nhau, các bạn ngạc nhiên giữa hai mẩu người, anh lãng tử, đào hoa còn tôi nhút nhát, khép kín, sống trầm lặng… lại tình cờ gặp nhau ở nơi chốn không thể nào ngờ, trở thành vợ chồng. Bạn bè hỏi lý do. Tôi không biết trả lời thế nào nhưng trong lần xem cuốn phim Gone With the Wind theo tác phẩm của bà Margaret Mitchell, ở rạp Tân Tân, Nha Trang, vừa lãng mạn lẫn bi kịch trong thời chiến nhưng cuối cùng tình yêu đã vượt qua khổ đau, có lẽ tôi bị “cuốn theo chiều gió” để rồi hình bóng đó lững thững bước vào đời.
Anh dừng bước giang hồ, hoán chuyển về phục vụ ở quân trường ngày xưa, tôi cũng hoán chuyển về dạy ở Đà Lạt, chỉ trong vài năm, có hai đứa con trai và đang mang thai đứa thứ ba, xét nghiệm là gái.
Ngày vui, hạnh phúc qua mau rồi tháng ngày nghiệt ngã, bi thảm, chia ly sau tháng Tư năm 1975… Cơn đại hồng thủy ập tới, vùi dập không biết bao nhiêu gia đình đã một thời chắt chiu để tạo dựng, đã một thời cùng che chở với nhau!
Anh ở trong lao tù, tôi sống trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, khổ cực với 3 đứa con thơ dại nơi xứ lạnh. Từ cô nữ sinh, cô giáo trói gà không chặt, yếu đuối phải bươn chải, vất vả trăm bề để nuôi con thơ sống qua ngày. Sống nơi xứ lạnh, trong cảnh bơ vơ, không bà con thân thuộc với bao nghịch cảnh trước mắt phải đối diện với thực tế quá phũ phàng! Đôi lúc tôi nghĩ vẩn vơ, nghĩ dại… nếu quỵ xuống, xác thân nầy không còn đã đành nhưng các con thơ sẽ ra sao, đi về đâu? Nằm ngủ bên các con, nước mắt lưng tròng, than vắn thở dài cho cuộc sống quá bất hạnh!
Chuyện chẳng đặng đừng phải “lưu dung” ở trường Nguyễn Du (Trung Học Bồ Đề cũ của chùa Linh Sơn) với cái nghề mạt rệp vào thời điểm đó để may ra con cái nương tựa học hành nhưng thành phần “ngụy quân ngụy quyền” đã nhiều lần bị đe dọa đi kinh tế mới. Tuy sức khỏe yếu kém, buổi tối bị bắt buộc phải dạy bổ túc, nếu không có những lần bị xỉu, phụ huynh phải khiêng về nhà thì có lẽ đưa vào vùng kinh tế mới.
Muốn về Nha Trang nhưng bố tôi bị tù nên mẹ khuyên cố gắng ở lại, gia đình cũng lâm vào hoàn cảnh khó khăn, bị đưa đi vùng kinh tế mới không biết lúc nào. Và, trong bước đường cùng đó, không có lối thoát nên đành phó mặc cho số phận hẩm hiu! Gia đình các anh chị của chồng ở Pleiku và Hội An cũng lâm vào hoàn cảnh khó khăn như nhau sau ngày mất nước, mẹ già, đường sá xa xôi cách trở nên đành cùng chung số phận.
Ban ngày vừa đi dạy, họp hành rồi ban đêm phải đi dạy bổ túc văn hóa ở ấp Hà Đông, không thể nào chăm sóc 3 đứa con thơ nên đứa em gái mới 14 tuổi đành bỏ học giúp chị lên Đà Lạt trông cháu. Thêm một miệng ăn trong lúc khốn cùng “gạo châu củi quế” chỉ có bobo nấu cháo! Viết thư cho chồng không đươc than khổ nhưng anh cảm nhận và hiểu được hoàn cảnh khó khăn nên viết thư khuyên tôi đừng đi thăm nuôi, chỉ nhờ mấy người bạn gởi vài món cũng tốt rồi!... Nhưng thỉnh thoảng, tôi cố thu vén, cóp nhặt ít quà đi thăm nuôi để vợ chồng gặp nhau trong thời gian quá ngắn ngủi.
Căn nhà trong khu cư xá của quân trường vừa mới sang lại đã bị dân ở ấp lân cận chiếm dụng nên đành tá túc tạm thời căn nhà ở đầu cư xá đã bị mất cửa, mất nhiều mái tôn, cửa sổ, cửa ra vào bị đập phá để vào hôi của, căn phòng trống rỗng, không điện… thật thê thảm! Mùa Hè ở Đà Lạt tuy không nắng lắm nhưng cảm thấy hừng hực vì không còn plafond! Đêm đêm, giấc ngũ chập chờn, tay ôm con thơ, tay vỗ về con khóc vì thiếu sữa mẹ!
Từ đó, mỗi dịp Tết hay nghỉ hè, tôi đem các con về Nha Trang. Từ ngày di cư vào đây, quê hương thứ hai ở miền thùy dương cát trắng, nên thơ như những lời ca trong nhạc phẩm Nha Trang, Nhớ Nha Trang của Minh Kỳ “Đây là đóa hoa muôn đời còn hương”. Tôi yêu Nha Trang từ bản chất người dân hiền hòa, cởi mở đến khí hậu, vẻ đẹp của thiên nhiên, Và, anh cũng vậy, từ cao nguyên đổi về duyên hải vì từ khi còn đi học, những lần ghé lại nơi nầy đã quyến rũ bước chân phiêu bạt của đời trai.
Ngày đó ca khúc Nha Trang Ngày Về của Phạm Duy được yêu thích với hình ảnh, nỗi niềm
“Mình tôi trên bãi khuya… Đêm nay còn trăng soi, nhưng rồi chỉ còn tôi. Trên bãi đêm khóc người tình… Nha Trang ngày về, ngồi đây tôi lắng nghe. Ðê mê lòng tôi khóc, như oan hồn trách móc… Dạ tràng ơi! Sao lấp cho vơi sầu này?”.
Ngày đó, có lần ngồi với nhau trong quán cà phê 108 trên đường Độc Lập, đây là quán của gia đình người bạn học cùng lớp, vừa lập gia đình với người bạn cùng khóa với anh. Khi nghe ca khúc nầy, tôi nghĩ đến người vợ lính thời chinh chiến, tôi hỏi anh có khi nào người ra đi, kẻ còn lại với hình ảnh nầy không anh? Anh khoác tay và bảo “Đừng bao giờ nghe nữa để bị ám ảnh”.
Nhưng tháng ngày qua, Nha Trang đã chết trong tâm hồn tôi như lời ca khúc đó. Nó quyện vào người, quặn thắt!
Tết Kỷ Mùi (1979), đứa em trai đã 19 tuổi cùng các bạn trong đội bóng chuyền tổ chức vượt biên trên chiếc ghe nhỏ ở quán Gió Khơi trên đường Duy Tân. Trước khi đi, Thành chỉ nói riêng với tôi “Em thấy chị và các cháu khổ cực, tội nghiệp quá, nếu được đến bến bờ tự do, người đầu tiên sẽ lo cho chị và các cháu”. Khi Thành đi rồi, không thấy bị bắt nên tôi mới báo tin cho gia đình. Thật đau lòng và ân hận khi nói xấu đứa em ngoan hiền, thật thà trở thành ngổ ngáo, bất trị đã gây gổ với anh em trong gia đình rồi bỏ nhà ra đi để tránh sự truy xét của công an phường, khóm!
Trở lại Đà Lạt, tôi chỉ cầu mong đứa em được Trời, Phật phù hộ cho tai qua nạn khỏi. Sau 6 tháng bặt tin, mùa Hè trở về Nha Trang, nhận hung tin, chiếc ghe ra ngoài khơi, chân vịt bị vướng vào lưới đánh cá, tất cả đã chết, chỉ còn một người sống sót được dân chài cứu được nhưng khủng hoảng tinh thần! Gia đình chọn ngày Thành vượt biên làm ngày giỗ.
Từ đó, mỗi lần về Nha Trang, hai đứa con trai được các cậu dẫn đi tắm biển, tôi không dám ra nơi nầy, kỷ niệm êm đềm ngày xưa tan biến và hình ảnh đứa em vĩnh biệt làm cõi lòng tan nát, quặn đau! Tất cả những kỷ niệm ngày xưa trở thành mồ chôn trong tăm tối.
Sau mười năm, mãi đến năm 1990, trước khi được đi Mỹ theo diện H.O, trở lại Nha Trang thăm gia đình, tôi theo anh ra biển lần cuối cùng. Nỗi đau vẫn còn đó nhưng có anh nên phôi phai vết hằn năm tháng. Sau mười lăm năm, tôi mới cảm nhận chút hương xưa qua thời gian đánh mất, và anh cũng vậy. Chúng tôi lặng lẽ bước đi trên bãi cát. Anh nhắc lại ca khúc Cát Biển của Lê Trọng Nguyễn và Y Vân đã một thời anh yêu thích.
Những lần ngồi trên bãi cát, tôi lẳng lặng ngắm biển xanh và lắng nghe lời hát của anh như ước nguyện:
“Bàn chân trên cát... thủy triều dập vùi
Xin trời một lối... riêng có em và tôi”.
Kể từ ngày đầu ở Hòn Khói rồi trải qua tháng năm nghiệt ngã, bất hạnh, tưởng chừng “Dã tràng ngoài biển... cát. Hồn mộng vẫn se... hoài” với cát biển ngậm ngùi. Kể từ khi chúng tôi gặp nhau, hai thập niên qua, nơi nầy, giây phút hạnh phúc bên nhau, năm tháng chia ly, nhọc nhằn trong tăm tối, trước khi từ giã, anh nói với tôi “Anh đã làm khổ cho em nhiều quá sau khi miền Nam sụp đổ, dù là thời thế không thể cưỡng lại nhưng anh vẫn ân hận. Đời lính thì đành cam phận nghiệt ngã nhưng vợ lính lại cùng chung phận”.
Chúng tôi vẫy chào Nha Trang, vẫy chào thời gian hạnh phúc và đau khổ, vẫy chào kỷ niệm êm đềm, vẫy chào quá khứ đau thương… Anh và tôi thả bộ đến nơi đứa em trai vượt biển mất tích năm xưa. Lời đứa em như văng vẳng bên tai, nếu không tựa vào anh, tôi gục ngã trên cát. “Thành ơi! Chị đi rồi, từ biệt nơi nầy. Mãi mãi xa em nghìn trùng! Em bất hãnh vô cùng, mất trên Biển Đông, không một nấm mồ, không có người thân gần gũi bên hài cốt em để an ủi bên nhau!”.
Nơi góc quán Gió Khơi ngày trước, thời gian tôi dạy học, thường ra Bưu Điện để gửi thư, nhắn tin với bao kỷ niệm đẹp, mộng mơ với cát biển thế rồi “vật đổi sao dời”, gần mười năm sau (1970-1979), trở thành nơi tưởng niệm đứa em!
Nha Trang ơi! Nếu tôi còn kẹt lại trên mảnh đất thùy dương, cát trắng biển xanh thì không bao giờ là “đóa hoa muôn đời còn hương” mà cô nữ sinh ngày xưa hóa thành cát để rồi cát biển ngậm ngùi.
California, May 2023
Hoàng Bích Yên
No comments:
Post a Comment