Wednesday, May 24, 2023

RỜI YÊU THƯƠNG

Lý Phước Hồng

Quê nhà…năm 1981

Mấy hôm nay trời mưa suốt, tháng bẩy mưa ngâu. Sáng sớm tôi hăng hái dầm mưa chống xuồng ra ruộng thăm lưới. Gỡ mấy con cá trê vàng mắc lưới đem vô nhà, các con tôi vui cười thích thú.

Thường ngày sau khi thăm lưới là tôi chuẩn bị quẩy giỏ đồ nghề đi hớt tóc dạo, nghề này tôi học được khi còn ở trại cải tạo. Mấy hôm nay trời mưa, đành phải ở nhà. Bồng đứa con gái nhỏ của tôi chưa đầy thôi nôi trên tay, ra cửa sau nhìn mưa rơi. Vợ tôi với bộ áo quần bạc màu đang kho cá dưới bếp, nàng đang vất vả thổi lửa, mưa hoài củi chưa khô. Các con tôi đi chân không trên nền nhà đất, nhìn vợ con, lòng đau nhói. Đêm về với ngọn đèn dầu leo lét, chúng tôi phải vô mùng ngủ sớm để tránh hàng trăm con muỗi kêu vo ve như muốn làm thịt các con tôi. Chẳng lẽ các con tôi mãi mãi ở đây, trên mảnh đất này, tương lai con cái tôi sẽ đi về đâu?

Bây giờ tôi mới biết quyết định về quê theo chính sách của Nhà Nước đối với những người đi học tập cải tạo về là một sai lầm lớn của tôi. Sau ít năm đi “cải tạo”, tôi được cho về nhà ở thành phố Cần Thơ. Tuần nào cũng được tập trung ở Phường và được chính quyền địa phương vừa khuyến khích vừa hăm dọa là phải đi vùng kinh tế mới hay phải về quê tăng gia sản xuất thì mới được trả quyền công dân sớm. Hơn nữa ở Cần Thơ không biết làm gì để sống, nên tôi đã dọn về quê, nơi tôi đã sinh ra. Để ở tạm, tôi đã cất căn nhà lá gần nhà Bà Nội tôi.

Cách đây không lâu, lần đầu tiên tôi đưa Minh, đứa con trai lớn ba tuổi đi thăm ba má tôi. Ra đến chợ Phụng Hiệp chờ xe đò đi Cần Thơ, cha con tôi ngồi uống nước mía, con tôi thích thú chưa từng thấy, lòng tôi buồn vô hạn. Lên xe đò ôm chặt con tôi vào lòng, thương con tôi quá, lần đầu tiên mới biết ly nước mía. Chiều tối đến nhà Ba Má tôi ở Cần Thơ, ngọn đèn nê ông bật sáng, nhìn lên trần nhà rồi nhìn tôi, con tôi hỏi “gì vậy, Ba?”. Tội nghiệp con, lần đầu tiên nó mới thấy ngọn đèn điện.

Hôm nay trời nắng đẹp, tôi đeo túi đồ nghề đi hớt tóc dạo, chiều tối mịt mới về đến nhà, sao không thấy Minh và Uyên con gái lớn sáu tuổi ra đón ba như thường ngày. Bước vô nhà mừng vui ra nước mắt, Sinh đang đùa giỡn với hai đứa con tôi: “Sinh, mày đó hả Sinh, sao mày biết nhà tao mà vô vậy ?”. Sinh nói: “Tao ghé nhà hai Bác hỏi thăm, hai Bác cho biết là nhà mày ở gần nhà thờ Bôna. Tao đi đò từ Phụng Hiệp ghé nhà thờ Bôna, đi dài dài và hỏi thăm, người ta chỉ, đi cũng lâu à nghen”. 

Sinh là người bạn cùng khóa Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt, là người bạn thân nhất của tôi. Đã ba năm rồi chúng tôi mới lại gặp nhau từ khi chia tay nhau ở trại cải tạo Chi Lăng. Trông nó trắng trẻo, đẹp trai, đeo kính trắng, như dân trí thức thành thị. Còn tôi đen đủi, với bộ áo quần bạc màu, đi chân đất như anh nông dân chính hiệu. Đêm hôm ấy chúng tôi rù rì cho tới sáng, không dám nói chuyện lớn vì xóm tôi ở toàn là những gia đình “cách mạng”. Còn Sinh mang giấy tờ giả, nó vừa trốn khỏi trại cải tạo.

Sinh cho tôi biết là đang chuẩn bị một chuyến vượt biên, nếu tôi có tiền thì hùn một ít để ra đi. Nó cũng báo tin là định làm đám cưới mà không có đồ veste, hỏi tôi bộ đồ veste đám cưới của tôi còn không, cho nó mượn. Nhà tôi đang ở là căn nhà lá, được cậu Ba cho cây tràm làm khung nhà. Dì Tư cắt đưng ở ruộng, chầm thành từng miếng để dừng chung quanh làm vách. Cô Bẩy cho lá dừa nước để lợp nhà. Còn tiền công thợ được cô Năm biếu. Căn nhà nhỏ đươc cất trên mảnh đất của ông bà nội. Tôi không có gì cả. Còn bộ đồ veste thì vợ tôi đã đem ra chợ trời bán để mua thuốc cho con gái lớn, khi con tôi bịnh nặng trong lúc tôi ở trại cải tạo.

Sáng sớm đưa Sinh xuống đò ra về, lòng tôi quặn thắt. Mày đừng buồn tao nghe Sinh, hai điều mày muốn đều ngoài tầm tay của tao lúc này, kể cả một bữa cơm tươm tất cho mày cũng không. Nhìn con đò chở nó đi mất hút tôi mới trở vô nhà, buồn man mác, kỷ niệm vui buồn đời lính, đời cải tạo của tôi và nó lại về trong tôi. Nghĩ ngợi miên man, làm sao có tiền để đi theo nó.

Năm nào cũng vậy những ngày cận Tết, nhà nào cũng lo gói bánh tét, bánh ít…năm nay vợ tôi gói bánh ít. Tối hai mươi chín Tết, tôi đem ba ông táo và chiếc nồi lớn ngồi trước nhà dưới tàng cây vú sữa, Uyên, Minh ngồi cạnh ba, cha con chúng tôi ngồi hấp bánh. Vợ tôi vừa trông đứa con gái nhỏ vừa gói những chiếc bánh cuối cùng, gói xong nàng bắt ghế ngồi cạnh cha con chúng tôi. Gia đình chúng tôi bên bếp lửa hồng, tiếng chày “quết” bánh phồng đều đều dòn dã, vui tai từ xa vọng lại, lòng tôi ngập tràn hạnh phúc.

Những ngày cận Tết người ta đến nhà hớt tóc rất đông, hớt không nghỉ tay. Hôm nay ba mươi Tết tôi hớt tóc cho tới khi trời tối thui mà chưa ăn được hột cơm nào. Nhà cô Chín cạnh nhà đã cúng ông bà, cô gọi tôi qua dùng cơm tối. Dượng Chín, Tùng con cô dượng và tôi ngồi lai rai trên bộ ván gõ ở nhà trên. Tùng cho hay anh Ba Ngọc nói là sau Tết này sẽ bắt nhốt tôi vì tôi đang làm việc cho CIA, tôi đi hớt tóc là để thu lượm tin tức, nằm trong kế hoạch của “tàn dư Mỹ Nguỵ”.

Từ ngày về quê đến nay, sau vài lần nói chuyện với nhau tôi biết anh Ba vẫn còn mang mặc cảm. Trước kia không biết gia đình anh ở đâu về đây, được ông dượng Bẩy tôi cho cất nhà trên mảnh đất của ông dượng để đi làm mướn. Trong thời gian chiến tranh “chống Mỹ cứu nuớc” anh đi du kích xã. Trong những người cùng lứa tuổi của anh, anh là người duy nhất may mắn còn sống sót. Anh không có dịp đến trường vì ở quê này đâu có trường để anh đi học. Anh Ba Ngọc vừa mới được đề bạt làm Trưởng Công An Xã. Tôi biết anh không ưa tôi vì tôi là sĩ quan chế độ cũ duy nhất ở xã này. Anh muốn chứng tỏ uy quyền của mình, chắc chắn tôi sẽ không thoát khỏi tay anh. Anh Ba dọa bắt nhốt tôi, tôi biết đây không phải là một lời đe dọa suông.

Cả đêm vợ chồng tôi không sao chợp mắt, nếu tôi bị bắt lại thì sẽ không có ngày về, một mình vợ tôi thì làm sao nuôi nổi các con, nên nàng đồng ý cho tôi ra đi một mình rồi sẽ tìm cách đưa vợ con đi sau. Nhất định phải rời khỏi nơi đây. Nhìn nét mặt thiên thần của các con đang chìm trong giấc ngủ say, lòng tôi thổn thức, các con tôi ngây thơ không hề biết sắp phải xa cha.

Sáng mùng Một Tết, một mình tôi qua nhà thờ. Nhà thờ nằm bên kia sông, sau Thánh Lễ Tân Niên tôi theo đoàn múa lân trong họ đạo đi hướng chợ Bún Tàu. Tôi bỏ lại vợ tôi đang mang thai đứa con Út, con gái lớn sáu tuổi, đứa con trai chưa đầy bốn tuổi và đứa con gái nhỏ còn bồng trên tay. Bước đi nhưng lòng trĩu nặng, mang theo hình ảnh vợ con tôi trong lòng. Không biết đến bao giờ tôi mới trở lại căn nhà nhỏ chất chứa bao kỷ niệm khốn khó nhưng ngập tràn hạnh phúc của gia đình tôi. Đành phải ra đi, không còn chọn lựa nào khác. Lúc này tôi mới thấm thía hai câu thơ của Quang Dũng trong bài thơ Nhà Tôi nổi tiếng của ông:

“Rờì yêu thương chắc đã mấy ai vui,
tôi mạnh bước mà nghe hồn nhỏ lệ…”

Sau khi rời vợ con, tôi lên nhà Ba Má tôi ở Cần Thơ. Ngày hôm sau tôi đi Sài Gòn, đến Cư Xá Kiến Thiết gặp Sinh. Vợ Sinh, Chị Nguyệt vừa sinh cháu Diễm Hạ được vài ngày, cháu khỏe mạnh và trông dễ thương lắm. Gia đình Sinh đang ở chung với hai bác, Ba Má của chị Nguyệt.

Một tuần sau tôi và Sinh trở về Cần Thơ đến gặp Sơn, cô Tuyết vợ Sơn là em bạn dì ruột với Sinh nhưng thương yêu Sinh như anh ruột của mình. Sơn đang chuẩn bị một chuyến vượt biên. Nghe tình cảnh của tôi Sơn đồng ý cho tôi đi theo mà không đòi hỏi một điều kiện nào.

Thái Bình Dương tháng 3 năm ......

Chiếc ghe đi sông được sửa lại thành ghe vượt biển, rời quê hương nhằm vào ngày lễ kính Thánh Cả Giuse, Thứ Bẩy ngày 19 tháng 3. Ra khơi ngày đầu tiên gặp những ngọn sóng to mười lần hơn chiếc ghe nhỏ bé, tưởng như sẽ nhận chìm chúng tôi bất cứ lúc nào. Sau một ngày lướt sóng ghe đã bị vô nước, mọi người trên ghe bị say sóng, nằm la liệt. Sinh là người lái ghe kêu gọi mọi người khẩn thiết cầu nguyện theo tôn giáo của mình, xin cho sóng yên, biển lặng và mọi người đã cầu nguyện hết lòng. Tôi vừa tát nước vừa cầu nguyện xin Thánh Cả Giuse đưa ghe chúng tôi đến nơi bình an. Sáng ngày thứ hai biển lặng như đi trong sông. Chúa đã nhận lời cầu của mọi người.

Sau 4 đêm 3 ngày lênh đênh, chỉ thấy trời biển mênh mông, chiếc ghe như chiếc lá chở 32 thuyền nhân chúng tôi gặp được giàn khoan dầu của Mỹ ngoài khơi thuộc lãnh hải Indonesia. Vì trên ghe có cháu bé Diễm Hạ chỉ một tháng tuổi và cô Tuyết đến ngày sắp sinh con, nên giàn khoan dầu đồng ý cho chúng tôi lên tàu của họ.

Ngày hôm sau chiếc tàu nhỏ của giàn khoan dầu đưa chúng tôi qua trại tỵ nạn nhỏ trên đảo Kuku. May mắn cô Tuyết chuyển bụng sinh con gái đầu lòng ngay khi vừa tới đảo, cháu tên Thảo Nguyên. Vừa tới đảo, tôi và Sinh đi tìm nhà thờ. Nhà thờ nhỏ được cất bằng cây lá rừng đơn sơ trên triền đồi, giống như cái chòi ở quê mình, trống trước trống sau, tôi nhìn thấy những chữ “tạ ơn” nguệch ngoạc trên vách lá. Chúng tôi vô nhà thờ, quì ngay xuống nền đất, nước mắt tôi tuôn trào.Tạ ơn Chúa, tạ ơn Thánh Cả Giuse đã cho chiếc ghe mong manh của chúng tôi đến nơi bình an. Nhưng Trời ơi, tôi đã nghìn trùng xa cách với vợ con tôi rồi, không biết đến bao giờ mới gặp lại.

Ở đảo Kuku được một tuần, sau đó chiếc tàu lớn World Relief của Hội Thánh Tin Lành Baptist đưa hơn một ngàn người tị nạn từ đảo Kuku sang đảo Pulau Galang. Đêm qua ở trên tàu, vị Mục Sư người Mỹ giảng đạo, chị Tư đi chung ghe chúng tôi làm thông dịch. Họ nhờ những người biết đàn biết hát ra giúp vui. Đi chung ghe chúng tôi có một anh thanh niên đàn guitar rất hay, tôi và Sinh tình nguyện ra hát những bài ca mà chúng tôi thường hát trên Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị khi xưa ở Đà Lạt. Tôi rưng rưng hát solo bài Kinh Việt Nam, là bài hát mở đầu của trường ca Mẹ Việt Nam của Phạm Duy: “Mẹ Việt Nam ơi, Mẹ Việt Nam ơi.., chúng con xin thề giữ thơm quê Mẹ, chúng con xin nguyện giữ yên quê Mẹ, cuộc đời đổi thay tàn sau thế giới, chỉ còn tình yêu của Mẹ mà thôi, ơi Mẹ Việt Nam”. Và chúng tôi đã mời mọi người cùng đứng lên hát to bài “Việt Nam, Việt Nam”.

Mọi người trên tàu cùng hát: “Việt Nam, Việt Nam nghe từ vào đời…Việt Nam hai tiếng nói sau cùng khi lìa đời…Việt Nam muôn đời”. Tiếng hát vang vang trong đêm đen trên Thái Bình Dương, lòng mọi người chùng xuống, mình đã xa quê hương thật rồi.

Sau một ngày một đêm tàu đã đưa chúng tôi đến trại tỵ nạn Pulau Galang.

Trại Tỵ Nạn Paulau Galang, Indonesia tháng 3 năm .....

Em và các con vô cùng thương nhớ,

Anh đã đến nơi bình an sáng nay.

Em ơi, hình ảnh của em và các con mình lúc nào cũng ở trong đầu óc anh, hình như đã tan biến thành những tế bào li ti đang chảy mạnh trong huyết quản mình. Nhớ sao là nhớ.Không có nỗi nhớ nào bằng “cha xa con, vợ xa chồng”.

Xa thật rồi những chiều xong việc đồng áng, chống xuồng thật nhanh về nhà gặp những khuôn măt rạng rỡ của em và các con. Xa thật rồi những bữa cơm chiều đạm bạc với những con cá đồng mà anh vừa câu được mang từ ruộng về. Xa thật rồi những ngày mưa dầm, anh chống xuồng thật nhanh từ ruộng về, tắm vội vã để nằm chung với các con mình. Minh nằm bên cách tay trái, Uyên bên cánh tay phải, còn Thảo nằm gọn trên ngực ba. Trời ơi, những tháng ngày hạnh phúc của anh đã xa thật rồi sao? Rồi đây trên hải đảo xa xôi này anh hướng về quê hương có căn nhà nhỏ có em và các con mình, xin gởi trọn quả tim anh cho vợ con anh.

Anh lo cho em và các con mình nhiều thứ quá mà không biết phải làm sao. Mỗi lần sinh con, anh đưa em đi và đưa mẹ con về. Anh hy vọng bà nội và bà ngoại của các con mình sẽ xuống giúp em lần này. Nguyện cầu việc chào đón thằng Khôi ra đời được “mẹ tròn con vuông”.

Hiện tại chỉ còn cách lo được cho em và các con mình là tham gia làm những việc thiện nguyện, giúp những người cần giúp. Mong sao bà con mình giúp em trong lúc khó khăn. Những ngày tháng sắp tới anh sẽ cố gắng hết mình để học tiếng Anh mong sớm được đi định cư, tìm việc làm để lo cho em và các con mình.

Anh và gia đình Sinh Nguyệt ở cùng barrack, vui buồn cùng chia sẻ, anh là thành viên của gia đình này rồi. Gia đình Sơn Tuyết ở khác barrack. Ngẫm nghĩ cũng lạ thật, từ ngày vào lính đến giờ, anh và Sinh lúc nào cũng có nhau.

Nhà thờ Thánh Giuse được cất trên ngọn đồi cao, bằng gỗ, mái tôn, rất khang trang. Sáng nay khi vừa tới đây anh lên nhà thờ để tạ ơn và cầu xin Chúa ban cho em thêm sức mạnh để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Xin phó dâng gia đình mình trong vòng tay yêu thương của Mẹ Maria. Nguyện cầu cho mình luôn trung thành với lời thề giao ước hôn phối: “chung thuỷ, yêu thương nhau đến trọn đời”.

Nhớ em và các con không sao tả nổi.

Quê nhà …tháng 6 năm ....

Anh yêu,

Được cầm thư anh trên tay, lòng vui rộn rã. Đọc xong, buông thư xuống, em để cho nước mắt tự do rơi, em khóc như chưa bao giờ được khóc, em và các con xa anh thật rồi. Trời ơi, biết bao giờ mới găp lại nhau.

Con Út của mình đã chào đời, ai cũng bảo thằng Khôi giống anh lắm. Tội nghiệp Bà Nội không thấy rõ cũng lần mò qua nhà mình, ngồi trên giường đưa bàn tay nhỏ xíu của đứa cháu cố lên môi hôn. Bà Nội khóc, chắc Bà Nội nhớ anh nhiều nhưng Nội không dám nói sợ em buồn hơn.

Từ ngày anh đi, con mình, thằng Minh, mỗi chiều nghe tiếng máy đò từ Phụng hiệp về, ra cửa ngóng, xem con đò có cặp bến. Ngày nào cũng vậy, con đò vẫn đi luôn, thằng bé tiu nghỉu: “Ba không về rồi Mẹ ơi!” Nghe con nói tim em thổn thức, đừng bao giờ quên em và các con nghe anh.

Má, Bà nội các con mình bị công an xã hăm dọa bắt nhốt vì đi bán thuốc tây. Má không xuống giúp em được, nhưng Má cũng lén gởi cho em ít thuốc để bán sống qua ngày. Một mình với bốn đứa con thơ dại không biết làm sao mà sống đây, em cầu nguyện liên lỉ, xin cho “hằng ngày dùng đủ”.

Sáng sớm thức dậy em bắt đầu lo, không biết lấy gì cho các con mình ăn hôm nay, rồi có người đến mua thuốc, sau đó có xuồng bán thịt hay cá chèo ngang. Ngày nào cũng vậy, người mua thuốc đến trước, vừa đủ tiền mua nửa ký thịt hoặc cá, rồi đến xuồng bán thịt hay cá chèo ngang, Chúa đã làm phép lạ nuôi mẹ con em. Mẹ con em sống nhờ vào tình thương của bà con hàng xóm. Cô Hồng Nga thấy nhà mình hết gạo, nhà còn ít lúa trong bồ, cô chở lúa đi chà gạo dùm. Thím Tư Đáng cũng đem cho mẹ con em vài con cá, con trai thím vừa câu đươc.

Từ ngày về quê việc trong việc ngoài đều có anh lo, em không biết ruộng rẫy của mình ở đâu nữa, mà có biết em cũng không làm gì được, từ nhỏ đến giờ em có biết ruộng rẫy là gì đâu.

Đường còn dài phía trước, em không biết tính sao nữa. Xin phó dâng vào tay Đức Mẹ, xin Chúa Mẹ gìn giữ gia đình mình.

Nhớ anh nhiều lắm,mẹ con em hôn anh.

Vợ anh.

Ở trại tị nạn, đọc xong thư vợ gởi qua, tôi gục đầu, nước mắt tuôn rơi, vợ con giờ xa cả một đại dương mênh mông…chỉ còn biết phó thác vào bàn tay Mẹ Maria. Tin tưởng gia đình tôi sẽ có ngày được đoàn tụ trong yêu thương hạnh phúc. Tôi nguyện trong lòng nhất định chờ vợ con tôi cho dù thời gian có dài bao lâu… cũng vẫn chờ…

Dallas tháng 3 năm 1991.

Sau 9 năm dài phấn đấu với bản thân, vừa đi làm vừa lo học để có tiền gởi cho vợ con ở quê nhà và lo cho cuộc sống tương lai. Hôm nay tôi cùng gia đình Sinh Nguyệt, anh chị NT2 Nguyễn Bá Thuận và một số bạn bè ra phi trường DFW đón vợ con tôi. Khi biết chuyến bay vừa đáp xuống, tim tôi đập liên hồi, quả tim như thoát khỏi lồng ngực. Gia đình tôi được đoàn tụ, không hạnh phúc nào hơn.

Các con tôi được đến trường, mơ ước của vợ chồng tôi đã trở thành hiện thực. Tôi thường đi làm ca đêm, vừa về nhà tôi khe khẽ mở cửa phòng các con tôi. Nhìn các con đang say ngủ, lòng tôi ngập tràn hạnh phúc.

Nhà văn NT2 Thảo Nguyên Nguyễn Bá Thuận đã đề tặng gia đình tôi hai câu thơ lục bát:

Chín năm bèo hợp mây tan
Trăng thề nay đã vẹn toàn như xưa”

Tri ân: Tôi xin hết lòng biết ơn gia đình Sinh-Nguyệt-Diễm Hạ-Diễm Hân đã cưu mang và nâng đỡ từ tinh thần đến vật chất lúc tôi phải xa vợ con tôi. Gia đình tôi được đoàn tụ trong hạnh phúc trọn vẹn là nhờ công sức của gia đình này.

Xin tri ân gia đình Sơn Tuyết ở tận nước Úc xa xôi, là chủ chiếc ghe đã đưa chúng tôi đến bến bờ tự do. Chiếc ghe giờ đã ngủ yên trong lòng Đại Dương.

Văn chương chữ nghĩa không thể diễn tả được lòng tôi.

Mùa lễ Tạ Ơn năm 2020.
Anh Tư Bôna

No comments:

Blog Archive