Đường khuya qua Bình Giả
(Viết thay hiền nội của tôi để nhớ những ngày sống ở vùng kinh tế mới.)
Sau ngày chính quyền VNCH sụp đổ, chồng tôi phải đi tù bảy năm. Mãn tù, theo yêu cầu của chính quyền địa phương, chồng tôi đưa gia đình đến sống ở một xã kinh tế mới thuộc tỉnh Phước Tuy cũ, đó là xã Xuân Sơn. Hồi ấy, xã này mới được khai phá, đất đai còn hầu hết là núi đồi hoang dã, ngay cả cái tên xã cũng còn xa lạ không mấy ai biết đến. Nhưng xã Xuân Sơn lại nằm giáp cạnh một cái xã khác danh đã nổi như cồn, gần như cả miền Nam đều có nghe tới: xã Bình Giả.
Bình Giả là một xã được thành lập đầu thời Đệ Nhất Cộng Hòa, dân chúng hầu hết là người bên kia vĩ tuyến 17 di cư vào, theo đạo Chúa. Vùng này đất đai mầu mỡ, người dân lại siêng năng chăm chỉ, nên Bình Giả trở thành một xã tương đối giàu có. Dân Bình Giả lại có tinh thần đấu tranh mạnh, rất đoàn kết, nên chính quyền mới vẫn từ tốn dè dặt trong việc áp dụng chính sách cai trị mới để tránh sự khích động không hay. Sinh hoạt dân chúng địa phương này trước sau vẫn không thay đổi mấy.
Trong khi ở những xã khác, chính quyền áp dụng chính sách thu mua sản phẩm nông nghiệp khá triệt để thì riêng ở Bình Giả lại được nới nẫm rất nhiều. Người dân chỉ bán cho chính quyền một phần sản phẩm vừa phải, còn bao nhiêu họ giữ lại để sử dụng khi cần. Việc buôn đi bán lại của người dân Bình Giả có phần được buông thả hơn những nơi khác.
Bình Giả đã thật sự nổi danh sau một trận đánh lớn giữa quân đội Cộng Hòa và bộ đội Cộng Sản vào cuối năm 1964 đầu năm 1965 mà cả hai bên đều thiệt hại rất nặng. Chiến trường đã xảy ra không phải chỉ trong phạm vi xã Bình Giả mà lan tận các vùng núi rừng chung quanh. Chính xã Xuân Sơn trước đấy còn đầy rừng núi là nơi còn chứa nhiều dấu tích của trận chiến đó. Mà thói thường, mỗi dấu tích càng lâu lại càng dễ đẻ ra nhiều huyền thoại, do đó nơi đây huyền thoại không thiếu gì.
Một hố bom, một vài cây cổ thụ, một con dốc đều có thể có huyền thoại riêng của nó. Người ta thấy không ít các trường hợp "lên đồng" dã chiến. Như một người đàn bà đang ngồi nói chuyện với vài người hàng xóm bỗng nhiên mặt đỏ lên, mắt đờ đẫn khác thường, tuyên bố mình là lính Thủy Quân Lục Chiến đã chiến đấu nơi đây. Rồi chị ta chỉ chỗ kia nói có mấy người bộ đội ở, chỗ nọ có mấy lính Cộng Hòa ở... Một đứa trẻ đang ngồi xắt rau để nấu cháo cho heo bỗng vươn mình đứng dậy ú ớ nghe não nuột "Nhớ mẹ quá đi trời ơi! Ôi cái kiếp sinh Bắc tử Nam! Tôi là bộ đội bác Hồ đây, ai thương xin cho điếu thuốc!". Một thanh niên nghe nói vậy, thử lấy bao thuốc và hộp quẹt đưa cho. Ngờ đâu đứa trẻ ngậm luôn một lần bốn điếu châm lửa lên mà hút một cách sung sướng... Thế nào sau đó, những người dân sống gần đó cũng lén đốt giấy, cúng vái để cầu an...
Từ Xuân Sơn đến Bình Giả, phải đi qua một cánh đồng, trên con đường giao thông chính dài độ bảy cây số. Đoạn đường khá thẳng, được bắc cao, tráng nhựa, rộng vừa đủ cho hai xe đò tránh nhau, đã chia cánh đồng làm hai. Chính đoạn đường này được người ta kể như là một nơi ma quỷ hay hiện hình nhất. Có người nói vào ban khuya, họ hay thấy những đoàn người lố nhố đuổi đánh nhau giữa đồng, nghe luôn cả tiếng hò hét hoặc rên la nữa. Giữa đường thì thỉnh thoảng họ gặp khi một toán lính Cộng Hòa, khi thì năm bảy anh bộ đội Cộng Sản, áo quần tả tơi, vẻ người xanh xao hốc hác. Một vài hồn ma vẫn hay ngửa tay xin thuốc hút hoặc xin nước uống...
Những lời đồn ấy đã khiến cho những người yếu bóng vía, nhất là đàn bà con gái rất hoang mang lo sợ khi đi qua cánh đồng này ban đêm. Dù cần thiết gấp gáp tới mức nào, họ cũng phải tụ tập năm bảy người rồi mới dám đi. Chỉ một đoạn đường ấy thôi mà đã ớn như thế...
Xã Xuân Sơn ngoại trừ một thôn người Thượng chuyên đi săn thú và kiếm của rừng, ít sản xuất, còn lại ba thôn phần đông dân chúng đều làm rẫy. Thôn ba chúng tôi, dù chỉ là vùng đồi núi nhưng là đất mới khai khẩn nên còn khá mầu mỡ, hoa mầu trồng ra vẫn thường khá đạt. Nhưng làm ra của mà rất khó việc tiêu thụ của cho xứng với công lao của mình. Chính quyền địa phương đặt trạm thu mua khắp xã và thu mua với một giá mà không một người dân nào bằng lòng. Nhân viên công an, du kích kiểm soát các trạm giao thông hết sức chặt chẽ. Những người mang bắp, đậu ra khỏi xã từ hai ký trở lên đều bị tịch thu không bao giờ châm chước.
Người dân đã phải tìm cách này cách khác đưa hoa mầu ra khỏi xã để bán với một giá khá hơn. Ngoại trừ hạng con buôn chuyên nghiệp rành rẽ đã tìm cách đút lót cho nhân viên các trạm, những người bình thường chuyển hoa mầu đi rất khó khăn. Một người mang lên xe đò chừng năm bảy ký đậu xanh hay đậu phộng, thường phải phân ra từng gói nhỏ, gởi quanh các hành khách khác mỗi người một ít cho đến tận nơi cảm thấy an toàn mới thâu gom lại.
Xã Xuân Sơn bấy giờ mới chỉ có hai cái chợ. Một cái chợ nhỏ ở thôn một, thôn giáp ranh với cánh đồng Bình Giả, buôn bán rất sơ sài, chưa có gì đáng kể. Muốn mua bán nhiều hơn, người dân thôn một vẫn phải đi chợ Bình Giả hoặc chợ xã.
Chợ xã, mở gần trụ sở xã tại thôn hai, là trung tâm của xã, buôn bán có phần phồn thịnh hơn nhiều. Chợ có đủ cả vải vóc, thịt, cá khô, mắm muối, các loại trái cây, rau cỏ, nông cụ, thuốc trừ sâu, phân tro... Chúng tôi là dân thôn ba, thôn trong cùng, vẫn kéo nhau ra chợ này mua bán.
Chợ xã có điểm đặc biệt là lấy thuế rất ngặt, bất cứ ai đến bán thứ gì dù ít dù nhiều đều phải đóng thuế theo định mức tùy tiện của người thu. Để làm cho người dân không dám trễ nải, thiếu sốt sắng khi bị đòi thuế, chính quyền địa phương đã khôn ngoan giao cho một gã mắc bệnh cùi làm nhiệm vụ đó. Hắn tên Hoàng, bị bệnh cùi lở cả hai tay, cụt nhiều đầu ngón, trông vẻ người rất gớm ghiếc. Trước 1975 hắn vẫn đi ăn xin, người ta vẫn quen gọi là Hoàng Cùi. Từ khi gặp cơ hội đổi đời, cặp mắt lúc nào cũng nhuốm vẻ bi thương của Hoàng Cùi bỗng biến đổi thành cặp mắt cú vọ, sắc lạnh của một viên chức chính quyền cách mạng. Nhiều người lạ mới gặp bị hắn chiếu mắt một cái là phải rùng mình. Ai cũng sợ hắn đến gần, họ sợ cả vi trùng bệnh lẫn mùi tanh tưởi. Vì thế, khi Hoàng Cùi cầm cái biên lai thuế đưa cho ai người đó thường vội vàng xì tiền ra mà không dám kêu ca một tiếng. Một vài người buổi sáng bán hàng chưa được, trong lưng không có xu nào cũng phải mượn những người chung quanh sẵn để khi Hoàng Cùi tới là nộp liền để hắn nhanh chóng đi cho khuất mắt. Hoàng Cùi hoạt động rất năng nỗ, không bao giờ bỏ sót thuế một người bán hàng. Ban đầu còn có một vài người dám giấu giếm che đậy hàng để giảm được tiền thuế. Nhưng gặp Hoàng Cùi mắt sắc như dao và rất tàn nhẫn, nếu hắn phát hiện được sự gian dối là mớ hàng đó bị tịch thu ngay. Không bao giờ hắn châm chước cho lại ai một cái gì. Vì thế, người dân ai cũng chạy mặt Hoàng Cùi.
Cứ gặp mặt Hoàng Cùi là tôi mất hết bình tĩnh. Lần đầu gặp hắn tôi đang bán một gánh rau, thấy hắn tới, tôi luống cuống như gà gặp rắn. Hắn chìa tờ phiếu biên lai thuế mà tôi vẫn đứng ngớ người. Mặt hắn nhăn lại với vẻ nghiêm khắc bực bội và nói gì tôi không nghe được. Một người đứng gần đó bảo tôi:
– Đóng tiền thuế mười đồng kìa!
Tôi không có mười đồng mà chỉ có tờ hai chục, tôi lấy ra đưa cho hắn. Hắn đếm mớ tiền lẻ toan thối lại, nhưng nhìn thấy mấy ngón tay của hắn, tôi hoảng sợ khoát tay:
– Khỏi! Khỏi thối! Lần sau khỏi đóng!
Hắn đi rồi tôi mới thấy mình hớ. Một người bán gần đó hỏi tôi:
– Cất biên lai thuế chưa? Không chừng hắn trở lại đòi một lần nữa đấy!
Một người khác bĩu môi:
– Nó có đòi lại thì đòi chứ cho ba vạn tôi cũng không dám giữ cái biên lai ấy trong người.
Tôi ngẩn ngơ ra, không biết khi nẫy mình có nhận biên lai không, nếu có nhận cũng đã vứt đâu mất rồi...
Từ đó, ngoại trừ những khi chẳng đặng đừng tôi mới đi chợ xã.
Dần dần tôi bắt quen và tháp tùng với những người chuyên gánh hàng đi đêm ra xã Bình Giả để bán. Bán đậu hay bắp ở Bình Giả đều được giá hơn bán ở Xuân Sơn rất nhiều. Tuy phải thức ngủ sớm, nhưng đi đêm mát mẻ ít mệt, lại khỏi hồi hộp lo sợ vì các trạm kiểm soát đều nghỉ hoạt động. Tuy thế, thỉnh thoảng người ta cũng gặp phải những anh cán bộ túng thiếu phải rình mò để "xơ múi". Khi gánh đậu hay bắp đi bán, muốn cho chắc ăn, người ta phải ngụy trang phủ lên trên một lớp rau lang.
Cứ bắt đầu từ buổi tối, tôi chuẩn bị gióng gánh với hàng bán cẩn thận sẵn sàng. Tôi đã ước hẹn với ba cô bạn trẻ, trên đường đi phải ngang qua nhà tôi, hằng đêm ghé lại kêu tôi cùng đi. Tôi thường khởi hành khoảng ba giờ sáng. Dần thành thói quen, cứ trước ba giờ là tôi đã thức dậy ngồi chờ.
Đêm đó, không hiểu vì sao đó, tôi đang ngủ bỗng nghe tiếng kêu:
– Dậy mà đi thím Lý ơi!
Tôi giật mình thức giấc. Nhà không có đồng hồ nên tôi không rõ lúc đó mấy giờ. Tôi đứng dậy vớ cái áo lạnh khoác lên người. Nhưng chồng tôi níu kéo tôi trở lại giường:
– Dậy làm chi sớm thế? Đã ai đi đâu giờ này!
– Tụi nó mới kêu đó. Không theo kịp tụi nó rồi làm sao dám chạy một mình?
Tôi cũng hơi lạ sao hôm nay chúng nó không ngừng trước cửa nhà tôi đợi tôi như mọi khi. Có lẽ vì dậy hơi muộn nên chúng phải chạy gấp chăng? Thế là tôi bỏ vội mấy bó rau đã chuẩn bị sẵn lên mặt hai thúng hàng rồi cất gánh lên vai. Nhưng ra đến đường cái tôi không thấy bóng dáng một ai. Nghĩ rằng bọn bạn đã đi xa rồi, tôi cứ cắm đầu mà chạy cho kịp. Tới khi đến dốc Bình Linh mà không thấy ai trước mặt, tôi bắt đầu lạnh người.
Cũng xin nói thêm một chút: Thôn ba chúng tôi là thôn ở trong cùng của xã Xuân Sơn, phải qua thôn hai, thôn một rồi mới tới Bình Giả được. Trên đoạn đường thôn ba tới thôn hai lại phải qua một cái dốc gọi là dốc Bình Linh. Khu vực này lúc đó chưa có nhà cửa gì cả. Đất thì đã được phát quang để trồng trọt nhưng còn có hai cây bình linh rất lớn, cao nghều nghệu đứng gần nhau chưa ai hạ nổi. Phần thân gần mặt đất dễ chừng đường kính đo trên bốn mét. Tàng cây lớn, ngọn cây quá cao nên lúc nào trông lên cũng thấy nó rung rinh rung rinh và phát tiếng kêu vi vu vi vu nghe thật ghê rợn. Người ta lấy tên hai cây cổ thụ này mà đặt tên dốc. Người ta cũng đồn đại rằng dưới hai cây này đêm hôm vẫn thường có ma hiện ra với bao nhiêu hiện tượng kỳ quái. Bình thường đi với nhiều người tôi không để ý tới chuyện đó, nhưng bây giờ chung quanh chẳng có ai, tôi thấy ớn xương sống vô cùng. Tôi định quay trở lại nhưng không hiểu sao chân tôi cứ bước tới. Dốc này hơi cao, thường tôi vẫn phải bước rất chậm nhưng lúc ấy vì quá sợ, tôi đã qua lúc nào không hay...
Phải nói rằng tôi đã chạy quá nhanh, đến độ giữa đêm mà thân thể vẫn toát mồ hôi. Trước mặt vẫn không một bóng người. Khi đã tới khu vực dân cư, tuy bớt sợ nhưng người tôi mệt lắm. Bình tĩnh trở lại, tôi biết rằng mình đã mơ lầm tiếng ai gọi mà đi sớm mất rồi. Ngồi nghỉ đây để chờ bọn bạn ư? Không thể được. Rủi gặp anh du kích nào đi tuần thì tiêu ngay mấy chục ký đậu xanh và còn bị phiền phức nữa! Tôi lẩm bẩm lập lại một câu mà nhiều người đi Bình Giả ban đêm thường nói "Mồ hôi nước mắt, mất nó là con đói. Ma âm phủ không tác hại thực tế bằng ma trần gian!". Thế là tôi lại bước thật nhanh như sợ ai đuổi theo sau mình. Không phải sợ ma nữa mà sợ đồng bọn của Hoàng Cùi. Tôi cố bước thật nhanh cho chắc ăn...
Khi thấy cánh đồng Bình Giả hiện ra trước mắt tôi mới biết ngay mình đang ở trạm kiểm soát cuối cùng của xã Xuân Sơn. Đã ra khỏi Xuân Sơn nhưng tôi vẫn thấy khó tính. Cánh đồng Bình Giả đầy ma như người ta vẫn đồn, bây giờ một mình tôi đàn bà yếu đuối làm sao mà đi đây? Nghỉ tạm đây hoặc trở lui cũng không được, ma trần gian vớ được thì khốn. Thôi, cứ mặc ma âm phủ muốn làm chi thì làm! Người tôi đã quá mệt vì gánh nặng lại chạy nhanh không nghỉ trên một quãng đường quá dài. Chỉ cần qua được cánh đồng Bình Giả thì thật sự an toàn. Nghĩ thế rồi tôi lại tiếp tục chạy. Tôi cố tập trung sức chạy để đầu óc khỏi rảnh rỗi mà sợ hãi. Nhưng đến khoảng giữa cánh đồng thì chân tôi muốn khuỵu xuống. Tôi biết sức mình không thể gắng thêm, đành đặt gánh xuống và ngồi bệt bên vệ đường. Ngồi thở chốc lát tôi mới thấy đỡ mệt một chút. Tôi đưa mắt nhìn quanh, định nghỉ thêm vài phút nữa. Bỗng tôi thấy từ ngoài xa đường lộ, một toán người lố nhố đang chạy về phía tôi. Hoảng hốt, tôi lại đặt gánh lên vai và tiếp tục cắm đầu chạy. Hình như có tiếng người thình thịch đuổi theo sau lưng. Tôi sợ quýnh lên và vẫn cố chạy. Bỗng tôi lại thấy trước mặt một toán người khác cũng đang lố nhố chạy về phía tôi. Sau có người đuổi, trước có người chận, tim tôi đập mạnh, người tôi run lên bần bật. Thế rồi tôi ngã xuống và không biết gì nữa...
Bỗng tiếng bánh xe lăn lộc cộc và tiếng chân bò nện trên đường đã khiến tôi tỉnh dậy. Tôi nghe tiếng một người đàn ông hỏi lớn:
– Cái chị bán rau sao lại nằm giữa đường thế này?
Không biết tôi đã ngất đi bao lâu. Tôi mở mắt ra thì thấy chiếc xe bò đang ngừng. Con bò có vẻ thèm thuồng mớ rau lang của tôi. Nó đang hướng mắt tới những bó rau non mà liếm mép. Tôi vùng đứng dậy rồi đặt gánh lên vai. Trời đã hơi hưng hửng. Nhìn lại phía sau tôi thấy một đoàn người cũng đang gánh hàng nói cười oang oang. Lần này tôi nghe rõ cả tiếng những người quen. Đó đúng là những người vẫn thường đi với tôi, tôi đứng lại chờ họ.
– Chà, thím Lý bữa ni không thèm đợi tụi tôi, bỏ mà đi trước!
– Đi sớm một mình như vậy cô không sợ ma à?
– Ma trần gian mới đáng sợ chứ ma âm phủ ngán chi cô Lý hỉ!
Người này một câu, kẻ khác một câu đã thâu ngắn đoạn đường còn lại...
Trên đường trở về Xuân Sơn, tôi quan sát kỹ hai bên cánh đồng Bình Giả nơi hồi khuya những đám người lạ đã xuất hiện chỉ thấy rất nhiều bụi cây nhỏ mọc lố nhố từng hàng trên các bờ ruộng. Chợt một ý nghĩ chớm lên trong đầu: Có lẽ chính những bụi cây ấy đã khiến tôi nhìn thành những bóng người trong lúc tâm thần hoảng hốt chăng?
– Ngô Viết Trọng
No comments:
Post a Comment