NHỮNG NGƯỜI MUÔN NĂM CŨ...
Sau biến cố 30/4/1975, thủ đô Sài Gòn của Việt Nam Cộng Hòa trở nên tan tác, như bất kỳ đô thị lớn khác ở miền Nam.
Người ta đổi tên Sài Gòn cũng là hợp lý, vì đi trên phố xá tphcm ngày hôm nay, hiếm khi quí vị được trông thấy dáng dấp của những người Sài Gòn năm xưa, và họa hoằn lắm bạn mới nghe được những câu nói lễ độ, nhỏ nhẹ, lịch sự của dân Sài Gòn chánh hiệu, như những tháng ngày xưa cũ, khiến chính tôi cũng phải tự hỏi, những người Sài Gòn xưa, họ đã đi về đâu?!
1. Quanh ngày 30/4/1975, nhóm người đầu tiên rời miền Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng, là Những Người Di Tản/Tị Nạn. Họ là quân dân cán chính, thành phần ưu tú, trí thức nhất của Việt Nam Cộng Hòa; và những người làm việc cho những cơ quan, tổ chức của Hoa Kỳ, may mắn thoát khỏi đất nước khi VC đang tiến gần, bằng những phương tiện quân sự công cộng cao cấp như chiến hạm, phi cơ.
2. Kế tới phải kể đến những người đi vượt biên, cả bán chính thức lẫn đi chui, goi chung là Thuyền Nhân. Cũng phải tính luôn cả những ai không tới được bến bờ tự do, đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng đại dương, mất tích mất xác, làm mồi cho cá. Trong số tất cả những ai ra đi tìm tự do bên kia bờ đại dương, nhóm người tị nạn CS này khốn khổ nhất.
3. Sau bao nhiêu khổ ải đọa đày trong địa ngục trần gian, có thêm một nhóm cựu tù CS cũng may mắn không kém được qua các xứ giãy chết bằng phi cơ theo diện HO. Định cư Mỹ theo diện HO (Humanitarian Operation) là chính sách định cư được chính phủ Mỹ ưu tiên dành các cựu quân nhân thuộc chế độ cũ Việt Nam Cộng Hòa, nếu họ đã có thời gian "học tập cải tạo" trong các trại tù CS từ 3 năm trở lên thì sẽ được cấp visa đến Hoa Kỳ sinh sống và làm việc
4. Kế đến là diện đoàn tụ gia đình, ra đi trong trật tự ODP (Orderly Departure Program) do những người Việt kiều bảo lãnh thân nhân còn kẹt lại trong nước. Chương trình nhân đạo này ra đời năm 1979, dưới sự bảo trợ của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc Về Người Tị Nạn, vì số người chết do đi vượt biên trên Biển Đông đã gia tăng thành những con số khủng khiếp, đánh động đến lòng trắc ẩn của toàn nhân loại.
5. Và gần đây nhất, dân Sài Gòn bán nhà lầu /biệt thự, mỗi căn được vài triệu đô la, ra đi theo diện đầu tư EB5, tiếp tục hiện thực hóa giấc mơ định cư Mỹ cho cả gia đình với Visa EB-5. Với mức đầu tư 800.000 USD, thời gian chờ rút ngắn chỉ còn 3 năm.
Hiện nay, vào tất cả những ngày làm việc trong tuần, nếu dạo quanh những tòa lãnh sự/đại sứ ở tphcm của bất cứ quốc gia tư bản giãy dụa nào, quí vị đều có thể thấy những đám đông/hàng dài người tay cầm xấp hồ sơ đứng chờ chực, rất vui lòng nếu tới lượt được phép biến mất vĩnh viễn khỏi thiên đường XHCN.
Trái lại, trong khi đó, dân miền bắc bên kia vĩ tuyến lại tìm đủ mọi cớ, mọi lý do để Nam tiến, cứ như ở miền bắc người ta không ăn phở gà, không xài bếp ga, không hát nhạc bolero...nên họ phải vô "giải phóng" miền Nam để làm ca sĩ/nhạc công nhạc "vàng", để mở tiệm cung cấp ga/bếp ga; để mở quán cơm gà, phở gà...Từ những vùng hẻo lánh, khỉ ho cò gáy trước đây như Cà Mau, Kontum, tới những đô thị lớn như Đà Nẵng, Nha Trang, và nhất là tphcm, đâu đâu người ta cũng thấy nhà hàng, quán xá, cùng đủ các ngành nghề thượng vàng hạ cám mà chủ nhân là BK75, hoặc làm công nhân trong các xí nghiệp hay công ty... Họ còn làm cả những nghề hết mực "văn minh" không cần vốn liếng mà trước kia chúng ta chưa từng biết tới, như tạt mắm tôm/sơn đỏ vô nhà con nợ để đòi nợ thuê; dùng súng điện đêm đêm đi ăn cắp chó mèo...
Tóm lại, dân Sài Gòn thì cứ ra đi tìm ....tự do, còn dân BK75 thì cứ ào ào tiến vào Sài Gòn chiếm nhà mặt tiền, thì làm sao còn có thể gọi tphcm là Sài Gòn, và gọi dân tphcm là dân Sài Gòn cho được ?
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
(Ông Đồ Già, Vũ Đình Liên)
TTPL
SÀI GÒN THUỞ ẤY
Khi đề cập tới Sài Gòn, tôi luôn chia ra làm hai giai đoạn: Trước và sau 1975. Điều luôn làm tôi bất mãn với bản thân, mặc dù bất khả kháng, trong giai đoạn trước 75 (Sài Gòn thuở ấy), là tôi luôn ước ao phải chi lúc đó hoặc mình lớn hẳn hay nhỏ hẳn, chớ không nửa con nít nửa người lớn như tôi lúc bấy giờ.
Trước 75, Sài Gòn rất thịnh hành phong trào hippie, hầu như song hành với phong trào nhạc trẻ. Ngoài đường, các anh chị thanh niên bận quần patte (quần ống voi), áo bông to sặc sỡ, đầm mini ngắn trên đầu gối hoặc maxi dài tới gót chân, kính mắt op art, và đeo thêm những giây băng quấn quanh đầu, cả nam lẫn nữ đều để tóc dài...Tất cả nhìn rất lòe loẹt và vui mắt. Lúc đó còn con nít, tôi chỉ được phép nhìn ngắm, mà không được tham gia, bằng không sẽ bị gọi là con nít quỉ!
Vào những đại hội nhạc trẻ, người ta thường thấy những thanh niên theo phong trào hippie này tụ họp để lắng nghe hoặc hòa nhịp theo những ca khúc Âu Mỹ đôi khi đã được chuyển lời Việt. Trong số những ca khúc "nhạc trẻ " ấy, riêng cá nhân tôi ưa thích Knock Three Times (Hãy gõ ba tiếng ), No Milk Today (Hôm nay không sữa), Bay, Bay 26/38 (C. Jerome), To Sir, With Love (Vòng tay nữ sinh), Rồi Mai Đây (Lo Mucho Que Te Quiero), Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu (Tell Laura I Love Her), và Nắng Chiều (do Cathy Huệ trình bày, với phần nhạc đệm nghe như có tiếng gõ mõ rất là dễ thương và độc đáo). Có lẽ đây cũng là phiên bản Nắng Chiều hay nhất, và dễ thương nhất, theo ý kiến cá nhân.
Tôi còn nhớ khi hai anh kế tôi tới tuổi mới lớn thường hay bỏ xấp nhỏ tụi tôi lại nhà, rồi ra đi tìm những cuộc phiêu lưu mới mẻ hấp dẫn hơn là những rạp xi nê nhàm chán, chật chội trong con phố cũ. Lúc đó tôi thường buồn và trách thầm anh Hải đi đâu không chịu dắt tôi theo cùng.
Có lần, anh Hải đi dự một trong những đại hội nhạc trẻ đó, và khi về nhà đã bị ba xích chân lại đánh đòn. Tôi nhớ lúc đó nhà tôi trước khi đi ngủ sẽ khóa cửa bằng hai sợi dây xích một to một nhỏ. Khi ba sai tôi mang xích lên, sợ anh Hải bị đòn đau, tôi đã chọn sợi nhỏ. Không biết anh Hải có nhận ra được "ẩn ý, thâm tình" của tôi không, chớ ba tôi thì rành lắm. Ổng quát, mang sợi xích bự lên đây. Tôi líu ríu tuân theo, bụng nghĩ thầm thôi thì đành phó mặc cho số mạng đưa đẩy. Té ra sợi xích đó chỉ để xích chân anh Hải lại thôi. Nếu lần đó tôi đã đủ lớn để được anh Hải dắt đi tham dự đại hội nhạc trẻ kỳ đó, thì chắc sợi dây xích nhỏ còn lại sẽ được dành cho tôi!
Tới lúc tôi nuôi mèo đực và chú mèo này tới tuổi lớn đòi bỏ nhà để đi theo tiếng gọi của con tim, tôi phải xích chú lại chờ tới lúc đem chàng ta đi triệt sản, tôi mới vỡ lẽ, và hiểu được nỗi lòng của ba tôi: Té ra ba tôi xích chân anh Hải lại chỉ là vì ông sợ anh tôi bỏ nhà đi mất, bỏ ông lại một mình cô đơn, chớ không phải vì ghét bỏ gì anh!
Không được ăn mặc hippie như mấy anh chị lớn hơn, học sinh trung học đệ nhất cấp (cấp 2 bây giờ) nữ sinh thì bận áo dài trắng, còn nam sinh thì bận sơ mi trắng và quần tây xanh. Nhưng nam hay nữ gì thì đồng phục áo trắng cũng phải được giữ cho trắng trẻo, và chúng tôi đã làm điều đó bằng cách sử dụng những tấm hồ lơ hay còn gọi là giấy dương, ngâm vào nước giặt sau cùng. Tấm giấy đơn sơ ấy nghĩ lại khiến tôi mắc cười vì nét ngờ nghệch của nó, và con nít thời nay chắc cũng phải phì cười nếu biết được, mặc dù ngày nay bắt chước Tây, chúng ưa chuộng màu trái ngược lại, là màu đen, nên chẳng cần biết cách tẩy trắng y phục thời xưa làm gì.
Tôi nhớ tôi thường phải mang đồ dơ của ba tôi tới bỏ ở tiệm giặt ủi đầu đường, và mang mấy bộ đã giặt ủi về. Công nhận mấy ông già xưa điệu hết biết, vì tuy nhà có máy giặt (máy giặt trước 75 vẫn không hoàn toàn tự động như thời này, mà công đoạn vắt phải dùng tay, và quần áo máy giặt xong sẽ được quay tay để ép nước ra cho khô, y như xe quay nước mía) nhưng mấy ổng đều đưa quần áo đi tiệm giặt ủi, vì chúng được ủi điệu nghệ hơn ở nhà, và cũng đỡ phiền vợ con, hoặc mất công người giúp việc.
Sài Gòn thuở ấy của tôi luôn luôn được gắn liền với bóng hình anh Hải. Khi anh ra đi, cả Sài Gòn trước 1975 cũng đã mất theo, chỉ để lại trong tôi một nỗi buồn thương vô hạn không bao giờ nguôi...
Trần Thị Phương Lan
(Bút nhóm Hoa Nắng)
No comments:
Post a Comment