Sao lại không ước mơ?
Thỉnh thoảng, tôi vẫn hồi tưởng lại thời gian hai năm dịch Covid hoành hành, chuyện khẩu trang, cách ly, hand sanitizers, vaccine Pfizer, Astrazeneca... đặng mai mốt còn kể lại cho đám cháu chắt nghe. Chúng sẽ không thể tưởng tượng nổi những cảm xúc mà chúng ta đã trải qua, lo lắng, buồn phiền, âu sầu với những hệ lụy còn kéo dài sau đó. Nhưng hôm nay tôi xin nhớ lại chuyện vui, dẫu sao cũng là chút “điểm sáng vui vẻ” trong những tháng ngày u ám đó.
Hôm ấy, sáng thứ sáu, như thường ngày tôi xuống dưới nhà pha café, nướng miếng bánh mì rồi vào check mails và xem tin tức qua mạng. Lát sau ông xã tôi cũng xuống pha cafe, mặc áo chemise, thắt cravate chỉnh tề nhưng vẫn là cái quần pyjamas, tôi hỏi:
– Ủa, anh chuẩn bị đi làm hả, mà quần đâu?
Ổng chỉ xuống cái quần:
– Đây chớ đâu!
– Không, ý em là mặc quần tây chớ, anh quên chưa thay quần à, chưa tới 60 mà lẫn rồi!
– Em không nhớ thiệt sao, lẽ ra giờ này anh đang ở San Diego bên Mỹ dự Annual Conference, nhưng năm nay vì dịch nên chỉ có virtual conference thôi, chút anh lên lầu “dự” qua Zoom.
– Ừ hen, mà liên quan gì đến chuyện …không thay quần?
– Thì qua Zoom chỉ thấy khúc trên thôi mà, nên chỉ cần tập trung ủi cái áo thẳng thớm, chiếc cà vạt rực rỡ đẹp đẽ, còn khúc dưới không cần, có ai thấy đâu mà lo.
Vậy đó, vì lũ cúm Tàu mà thế giới đình trệ, ở đâu không biết, riêng Mỹ và Canada thì mọi thứ xìu xìu ển ển như bánh bao chiều. Học sinh sinh viên khắp nơi về nhà học online, người đi làm văn phòng thì work from home, ngoại trừ các front–line workers thì các buổi họp hành, thông báo, conference đều là videoconference (skype, Zoom, Meet, Teams, Viber, Facetime). Ông xã tôi cũng thế, hàng năm đều được vi vu qua các thành phố lớn của Mỹ, Canada, có khi qua cả Mexico, Puerto Rico vừa dự conference vừa kết hợp du lịch do Head Office đãi đằng. Còn bữa nay chỉ cần ngồi nhà, vào zoom, gặp gỡ các nhơn vật chủ chốt, nghe lecture, hội thảo, update công việc cũng như information của Pharmacy.
Các hội đoàn, các nhóm bè bạn người Việt Nam ở hải ngoại cũng mau chóng hoà nhập phong trào “everything is online” , nào là họp ban quản trị online, thi ca hát online, hát cho nhau nghe online, nào là bầu bán, buôn bán online, nói chung là không thiếu món gì.
Khoảng hai tiếng sau là đến giờ giải lao (virtual conference mà cũng y chang như thiệt, có giải lao, có tặng quà như bình thường, có điều thùng quà đã được gửi đến nhà bằng đường bưu điện mấy ngày trước), ông xã lại xuống lầu tìm café và snacks, tôi nói:
– Ý kiến của anh hay á!
– Cái gì hay?
– Thì cuối tuần này em cũng có hai buổi zoom meeting, một cái với nhóm bạn High School, một cái với mấy chị trong nhóm thân hữu Văn Thơ, em cũng sẽ chỉ chăm chút phần trên, mặt mũi tóc tai và cái áo, và khỏi lo “khúc dưới”.
– Vậy là có thêm mục “tám online” cho phụ nữ đỡ nhớ “nghề” rồi đây.
Các anh chị em trong gia đình tôi, kẻ ở California, người Oklahoma, mấy người ở Texas và tôi ở Edmonton Canada cũng rủ nhau họp gia đình kiểu virtual. Thực ra, chẳng cần đợi dịch đến, gia đình chúng tôi vẫn bay qua bay lại gặp nhau mỗi năm, rồi sau đó là gọi phone, email kể chuyện gia đình rất thường xuyên. Nhưng thôi, cứ theo trend cho đúng …kiểu mùa dịch, để nhìn thấy “dung nhan mùa dịch” của nhau, cũng vui vui. Vì là gia đình thân thuộc, nên tôi chẳng quan trong “khúc trên khúc dưới”, mà còn thoải mái để phone ngay bếp, cho mọi người nhìn thấy tôi đang nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa và tôi còn mang phone “lia” khắp nhà, theo yêu cầu, để cho các thành viên khác trong gia đình tham gia vào “meeting” dù chỉ là câu “hello”.
Bà chị Cả ở Texas trong cảm khái, xuýt xoa:
– Thời đại điện tử có khác, ở xa cũng thành gần, nhìn thấy nhau dễ dàng, bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu.
Ông anh Oklahoma lên tiếng đáp lời bà chị:
– Chị ơi, em còn nhớ khoảng năm 1974 khi em còn học English ở Hội Việt Mỹ, Sài Gòn, chính xác là trong cuốn English For Today 4, có bài đọc nói về điện thoại. Ông Bell là người đầu tiên phát minh ra điện thoại, làm cho mọi người được nghe tiếng nói của nhau, và đó trở thành một phát minh có tính lịch sử của nhân loại. Cũng trong bài đọc đó, người ta còn kết luận bằng một dự đoán, rằng trong tương lai, loài người chúng ta không chỉ gọi nhau nghe tiếng nói mà còn thấy cả hình nhau, sống động như đang xem phim. Lúc ấy, em cứ mỉm cười vì nghĩ đó là câu chuyện … khoa học giả tưởng, mà nếu có xảy ra thì chắc gì em còn sống để mà chứng kiến. Thế mà giờ đây đã thành sự thật rồi đấy, chỉ khoảng hơn 40 năm thôi mà, có ai ngờ…
Nghe vậy, tôi liền có ngay một ước mơ, sao lại không nhỉ, sẽ có ngày có một loại máy có thể đọc được những ý tưởng thơ văn trong đầu người ta rồi tự động “viết” xuống computer giùm tác giả thì tuyệt vời biết bao. Bởi vì, có nhiều lúc lái xe đi chợ, đi làm, hoặc ngay cả trong khi làm việc nhà như rửa chén, tập thể dục, tưới cây… tôi chợt bắt gặp một ý hay, dự định sẽ đem vào một bài viết nào đó của mình, có khi là một vần thơ ưng ý, nhưng lu bu bận rộn chuyện này chuyện kia, thời gian gấp gáp, rồi quên, cũng tại làm biếng ngồi xuống gõ máy, thế là ý tưởng tiêu tan, không còn nhớ đến nữa.
Cứ tưởng rằng đó là ước mơ viển vông trong một phút mộng mơ, hoặc ít ra nếu thành sự thật thì chắc cũng cỡ… 40 năm như “nói chuyện phone thấy mặt nhau” kể từ khi Bell cho người ta nghe tiếng nói của nhau, thế nhưng, chưa đầy hai năm sau, tính đến thời điểm khi tôi đang viết những dòng này năm 2023, thì có vẻ như ước mơ của tôi sắp trở thành hiện thực với sự xuất hiện đầy thú vị không ngờ của Chat GPT (Generative Pre Trained Transformer) khi “nó” được sử dụng trong dịch thuật, phân loại các văn bản, sáng tạo câu chuyện, trả lời câu hỏi, tìm kiếm thông tin rất mau chóng, tiện lợi.
Thú thật, tôi thuộc loại “low-tech”, lâu lâu vẫn nhờ con gái, ông xã, hoặc mấy người bạn trong ca đoàn nhà thờ trợ giúp khi gặp trục trặc trong việc sử dụng computer, laptop, iphone nên chẳng dám liều mạng bén mảng tìm hiểu để xài Chat GPT cho thêm rắc rối nhức đầu, nhưng cũng có chút hứng thú tò mò khi đọc những tin tức về “nó”!
Với khả năng học hỏi và suy nghĩ giống như con người, Chat GPT dùng trí thông minh nhân tạo để tạo ra các ứng dụng thực tế trong y tế, giáo dục, tài chính, buôn bán, quảng cáo và rất nhiều lĩnh vực khác. Nghe nói, “nó” trò chuyện thân thiện gần gũi, ngắn gọn cụ thể, khiến nhiều người thích thú hơn so với Google. Nghe đâu, “nó” còn rành rọt chiếm lĩnh luôn việc giúp con người rất nhiều trong hội họa, âm nhạc, nhiếp ảnh... nữa kìa. Không những thế, “nó” còn có thể sáng tác thơ, văn, viết kịch bản, văn bản đủ các kiểu. Người ta còn đang tính tới chuyện cung cấp cho “nó” một số đặc điểm nhân vật với cá tính, tuổi tác, bối cảnh, rồi “nó” sẽ viết ra một truyện ngắn hoặc cuốn tiểu thuyết hấp dẫn, và như thế ước mơ của tôi sắp thành hiện thực cũng chẳng ngoa.
Ủa, dưng mà tôi tự hỏi, liệu “nó” có viết ra như ý tôi mong muốn, với những câu văn “dzui dzẻ”, “tưng tửng” đúng như “phong cách” của tôi không nà!? Nếu “nó” không kham nổi, hoặc cho ra đời bài văn “hổng giống tui” thì thôi vậy, tôi lại vẫn cố làm siêng, ngồi vào bàn, bên ô cửa sổ sau vườn, vừa ngắm tuyết mùa đông, hoa cỏ mùa hè, lá vàng heo may mùa thu mà gõ máy say sưa đến dòng cuối bài, hài lòng ký tên mình, xác nhận một bài viết, bài thơ “chính chủ” một trăm phần trăm, vẫn hơn là nhờ vả “nó” chứ!?
– Kim Loan
(Edmonton 18/5/2023)
No comments:
Post a Comment