Saturday, May 27, 2023

EM BÉ SƠ SINH TRÊN LÒNG BIỂN CẢ

Chuyện xảy ra bốn mươi lăm năm trước, với những hình ảnh và cảm xúc vẫn còn nguyên vẹn trong tôi. Cứ mỗi lần ngày ba mươi tháng tư về, thì khúc phim ấy lại trình chiếu thật linh động, mà nay tôi muốn ghi lại trên giấy để chia sẻ cùng bạn bè bốn phương, cái ngày của năm bảy lăm, ngày lịch sử đau buồn của người Việt-Nam.

Năm đó tôi là một dược sĩ vừa tốt nghiệp Cao học Quản-trị Kinh- doanh Đà-Lạt, tôi có mang hơn chín tháng trong khi con trai lớn của tôi vừa được hai tuổi, để giúp đỡ tôi, mẹ tôi từ cư xá Thanh-Đa, lên ở với vợ chồng tôi, giúp trông coi cháu ngoại, nên cuộc sống của gia đình tôi tạm ổn, nhưng tình hình Miền nam Việt-Nam càng lúc càng khốc liệt, đã rơi vào tình trạng hỗn loạn để dẫn đến việc Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng lúc trưa ngày 30-04-75. 

Trước đó vài ngày, tôi được đưa vào nhà thương Từ Dũ chờ sinh nở. Vài ba ngày trước khi mất nước, chồng tôi hốt hoảng báo tin là gia đình tôi bằng bất cứ giá nào phải rời Saigon nếu không thành công, anh sẽ cầu cứu đến tòa đại sứ Pháp để xin tị nạn, nếu không xong thì sẽ tìm đến cái chết để số phận không vào tay cộng sản. Sở dĩ chồng tôi quá sợ cộng sản vì trong khoảng thời gian năm năm bốn, ông bố chồng tôi bị chôn sống ở miền Trung vì tội địa chủ. Gia đình có đến mười ba người con, các anh chị em đã gửi hai anh em, mà chồng tôi là một, đi du học bên Pháp để lánh nạn. 

Khi còn là sinh viên bên Pháp, hai anh em nằm trong tổ chức sinh viên chống Cộng. Cảnh sát Pháp bắt bỏ tù các sinh viên trong một vụ tranh đấu với phe thân cộng, nổi loạn, người anh bị chích thuốc an thần, sau đó phải bỏ học. Chồng tôi may mắn tốt nghiệp nhưng đầu óc khủng hoảng đến độ hoang tưởng.

Nằm trong nhà thương được một ngày, cảnh nhà thương thật vắng lặng, chỉ lèo tèo vài nhân viên làm việc lúc đó. Anh chồng tôi, anh Tư lúc đó xin ý kiến của Cô Mười bói quẻ dịch trong miếu ở Chợ Lớn. Cô Mười phán rằng chúng tôi sẽ đi thoát nếu dẫn theo thằng Thiên tám tuổi, con anh Tư vì cháu có số xuất ngoại. Anh Tư bảo tôi giữ em bé trong bụng dễ di chuyển, không chích thuốc dục để sinh sớm trước thời hạn.

Chồng tôi và cháu Thiên đến đón tôi xuất viện, có cả Mẹ tôi và cháu ngoại hai tuổi. Mẹ tôi không biết phải mang theo gì để ra đi, tay bà xách chiếc bàn ủi và túi quần áo của con tôi và của tôi. Chúng tôi lên ngủ đêm hăm tám, ở nhà anh thứ Tám bên chồng, vợ anh Tám là dược sĩ nhưng anh chị đang nuôi cút rất phát đạt vì trúng lúc giá cút lên vòn vọt.

Sáng hôm sau, ngày hăm chín tháng tư, một xe Jeep quân đội đến đón gia đình tôi đến Tòa đại sứ Mỹ để đợi máy bay trực thăng Mỹ vớt, chồng tôi được người bạn làm cho CIA cho cái vé pass vì người ấy không đi. Lúc ấy Mẹ tôi ra về, cháu Thiên không kịp đi cùng với chúng tôi.

Vào trong tòa Đại Sứ Mỹ, đi ngang qua các phòng để đến tới nóc nhà, tôi thấy quang cảnh bừa bãi trong các phòng, trên sàn nhà đầy các đồng xu cents noirs rải đầy, không ai buồn lượm, cửa tủ lạnh mở toang, tôi nhìn thấy thực phẩm chất đầy, thịt gà, bò đông lạnh chất cùng các ngăn đá. Gia đình chúng tôi đợi trên nóc nhà nơi có vẽ chữ H để trực thăng đáp xuống, cũng có khoảng chục người lúc ấy, không ai nói với ai lời nào. Lúc xế chiều đến tám chín giờ tối, trực thăng bay mấy vòng trên đầu chúng tôi nhưng không đáp xuống, lính VC đã bao quanh tòa nhà và xả súng bắn vào trực thăng. Chúng tôi thất vọng tìm cầu thang xuống tầng dưới lầu núp vào tủ quần áo. Không lâu sau đó, VC đã tràn vào bên trong tòa Đại Sứ và đi thanh tra các phòng, tôi nghe tiếng giày nện trên sàn nhà chát chúa. Con trai tôi bỗng dưng nổi cơn ho, tôi phải bịt miệng cháu, cũng may lúc ấy mặc dù chỉ có 2 tuổi, nhưng cháu cũng dường như cảm thấy mối nguy hiểm nên đã không khóc và nín ho. 

Khi tia sáng mặt trời chiếu vào phòng và nghe ngóng yên tĩnh chúng tôi ra khỏi tủ quần áo và mau chóng ra khỏi tòa nhà, theo dòng người đi về phía bến Bạch Đằng, đường phố lúc ấy xe bỏ lại ngổn ngang chận các nẻo đường, dù muốn kêu xe chắc cũng không thể có. Đến Kho 5, đã có rào vây kín nơi ra các tàu, có một lỗ hổng ai đã khoét, chúng tôi bèn chui qua đó, chồng tôi thương lượng với một ghe tàu chở chúng tôi ra đến nơi tàu Trường Xuân, là con tàu chở sắt vụn, bị trục trặc máy còn đậu nán lại, trên tàu đã có gần bốn ngàn người lúc nhúc trên boong tàu. 

Chiếc ghe xáp lại tàu Trường Xuân, người trên boong tàu thả xuống cho chúng tôi dây cáp dài trên ba chục mét để kéo chúng tôi lên, chồng tôi cõng đứa con trai nhỏ trên lưng, cháu bíu chặt cổ của bố cháu, một tay anh ôm lấy dây cáp, một tay bíu vào con trai, vai đeo cái túi có hộp sữa bột và quần áo của cháu và túi giấy tờ bằng cấp. Còn tôi với cái bụng hơn chín tháng đã mệt mỏi vì đi bộ nhiều từ tòa Đại Sứ Mỹ đến bến tàu thêm vào nổi xúc động khi vừa trải qua cơn nguy cấp, nhưng có lẽ với tuổi trẻ và lúc mà mối nguy hiểm cận kề, hình như có một năng lực siêu hình giúp tôi níu chặt dây cáp để lên được tới boong tàu, hành lý tôi rớt xuống biển, lúc đó cũng đã xế chiều. Đám người đầy nghẹt trên tàu, chúng tôi ráng kiếm một góc trống để ngồi cũng không dễ kiếm nhưng trong hoàn cảnh tranh sống sợ chết đó, sự tương thân tình người vẫn tồn tại, mọi người nhường chỗ khi thấy một bà bầu và con nhỏ, lại dành cho gia đình tôi chỗ ngồi xuống.

Tôi nghe thấy tiếng ra lệnh tiếp nối vì không có loa, nên lệnh truyền từ đầu tàu muốn truyền tin đến cuối tàu phải có đông người lập lại: quay phải, quay trái…. con tàu hầu như dậm chân tại chỗ, tàu bị mắc cạn vào bãi đá, cần mướn ghe kéo tàu ra khỏi bãi đá, cuối cùng không biết bao lâu, sau cùng tàu cũng ra được trên đường đến được hải phận quốc tế, mọi người thở ra nhẹ nhõm. Trong lúc đó, các gia đình bên cạnh tôi, mới lôi ra mì gói để ăn cho đỡ đói. Chúng tôi không mang lương thực theo nên nhịn đói luôn ba ngày. Chồng tôi đi xin nước để pha sữa cho con trai, nhưng không dễ vì trên tàu không có nước ngọt, một người đã nhường cho cháu ít nước pha sữa. Tiếng loa kêu vang cho biết Saigon đã thất thủ, Tướng Dương Văn Minh đã đầu hàng, tiếng đạn chát chúa bắn vào hông tàu, nước tràn vào hầm tàu, thuyền trưởng yêu cầu đàn ông tìm mọi cách, mọi phương tiện xúc nước ra khỏi tàu, nếu không tàu có thể bị chìm.

Tiếng người thất thanh hoang mang có ai đó nhảy xuống biển tự tử, một bà cụ như mất trí, tay xách cái ví nghe nói trong đó có tiền và vàng, cụ mệt quá đưa đại cái ví cho người nào gần đó xách dùm, con gái bà hốt hoảng đi tìm cái ví, vì đó là gia tài của cả gia đình. Ban ngày, trên boong tàu, mặt trời giữa buổi trưa chiếu thẳng trên đầu, cái nóng gay gắt như thiêu đốt có đến bốn chục độ C, vừa khát, vừa đói, có nhiều người thả gáo xuống vớt nước biển để uống, nước mặn làm khát thêm, có người, nghe nói quanh người quấn vàng, hay dấu kim cương trong các búi tóc, cứ la hét điên loạn vì sợ bị cướp giật. Trông thấy cảnh hỗn loạn vô cùng này, tôi đau xót liên tưởng đến cảnh đau thương không kém của con tàu Titanic trước khi chìm.

Rạng sáng ngày 02 tháng 5 năm 1975 khoảng hai giờ sáng, tôi chuyển bụng đẻ, không thể ngồi được, tôi quằn quại trên sàn tàu, mọi người chung quanh đã kêu gọi xem có ai là bác sĩ trên tàu đến giúp, không lâu có một bác sĩ chạy đến, sau này có nghe nói là bác sĩ Kim. Một bà ngồi cạnh cho mượn kéo để cắt rốn cho bé sơ sinh và người khác đem nước biển đến để làm nước sát trùng, người thì cho áo để bọc em bé. Tôi còn nhớ thấy mắt cháu đầy bụi bặm, tôi cũng không biết từ đâu ra, có một tube pommade trụ sinh đã được dùng để xức vào mắt bé, tôi không có sữa, một bà bên cạnh cho tôi một miếng cam thảo bảo nhai để ra nước miếng và mớm nước miếng cho em bé.

Trong lúc tàu đang tìm đến hải phận quốc tế, cụ thuyền trưởng đã cho quay tàu lại vớt một người rớt xuống biển, có nhiều người phàn nàn là giây phút cấp bách cần phải thoát ra khỏi hải phận Việt Nam, nếu không tàu sẽ bị kéo về với Cộng Sản. Cụ có lý do là cứu một người, sẽ cứu được bốn ngàn người và Trời Phật đã chứng giám cho lòng người nhân đạo.

Thuyền trưởng tàu Trường Xuân, cụ Phạm Ngọc Lũy, nay đã ngoài chín mươi, hiện ở Virginia. Cụ là người đức độ cao dầy, nên đã cứu gần bốn ngàn người đến nơi an toàn, mà mỗi người trên con tàu Trường Xuân sẽ mãi mãi nhớ ơn cụ Phạm Ngọc Lũy và nguyện cầu cho cụ và gia đình luôn được phước lành. 

Tám giờ sáng ngày 02- tháng 5, nghe tin tàu Trường Xuân được tàu Clara MERCKS line đến cứu. Mọi người trên tàu mừng rỡ như chết được sống lại.

Tám giờ sáng hôm đó, mọi người trên tàu được lệnh di chuyển qua tàu Clara MERCKS, một em khoảng hai mươi, đã nhanh nhẹn đến giúp tôi ẳm bé sơ sinh, vì sợ làm rớt bé nên em đã dùng các ngón tay ráng bíu chặt trên vai em bé giữa hàng ngàn người đang chen lấn nhau xô đẩy nhau để ra khỏi con tàu sắp bị chìm. Em bé sau này khi rọi kiếng, cho thấy hai xương bả vai quằn lại như hình chữ U, may mắn thay, khi lớn lên xương vai em trở lại bình thường. Trong khi đó tôi ráng lê đôi chân yếu ớt theo dòng người đến bên tàu kia, tôi cảm thấy xấu hổ vì bộ quần áo duy nhất trên người tôi dính đầy máu khi sanh nở ngày hôm trước, mùi máu tanh hôi nhưng chẳng ai để ý. Trên tàu Clara, mọi người được một chén cháo trắng nóng, húp từng ngụm thật trân quý như thưởng thức một món ăn thịnh soạn vậy.

Tôi không thể quên được bát cháo đầy tình người, chia sẻ trên tàu chở hàng hóa của vị thuyền trưởng Olsen cho tất cả chúng tôi. Trên tàu chắc phải có một cái nồi lớn lắm để có thể nấu được nồi cháo, cho cả bốn ngàn người. Khi được phỏng vấn, ông Olsen phát biểu “tàu Trường Xuân cần được cứu vớt vì người đông xếp lớp như cá mòi trong hộp lại có thêm một hay hai em bé chào đời trên đó trông thật tội nghiệp, tôi phải cứu họ, mọi người trên tàu là những người tử tế hiền lành”. 

Tàu Clara Mercks đã được phép của chính phủ Hong Kong cho cập bến và do lệnh của Nữ Hoàng Anh khi bà nhận được SOS của tàu Trường Xuân, xe nhà binh bít bùng đã đưa mọi người đến trại Dodgewell ở Hong Kong để tạm trú. Trong khi đó tôi, con trai hai tuổi và em bé sơ sinh được trải nằm trên chiếc brancard từ bến tàu để được chuyển lên trực thăng bay và đáp thẳng xuống nóc nhà của nhà thương quân đội Anh. Trong lúc chờ lên phi cơ, các ký giả Hồng Kông đến phỏng vấn tôi, họ hỏi tên tuổi và nghề nghiệp, tôi đã nói dối tôi là một bà nội trợ, lúc đó trong tôi, không có một hy vọng gì để làm lại sự nghiệp, tôi lo sợ không biết cách nào sinh sống trên đất lạ không cùng ngôn ngữ, con đường trước mắt là kẻ ăn xin ngoài đường phố.

Trong nhà thương, tôi được các y tá người Anh săn sóc tận tình, kêu thức dậy cho ăn, ngày tắm bữa. Con trai quấn quít bên mẹ để được cho ăn bánh kẹo, em bé sơ sinh được săn sóc nuôi nấng kỹ lưỡng. Ba mẹ con chúng tôi rời nhà thương sau hai tuần lễ để về trại sống chung với mọi người. 

Tại trại, tôi may mắn và bất ngờ gặp ông anh, con ông bác tôi, anh Minh theo làm việc cho ông chủ người Mỹ Keybeech là chủ nhiệm tờ báo Chicago Daily News tại Hong Kong, anh Minh xem TV theo dõi tình hình Việt-Nam vì vợ con anh còn ở lại, anh đã nhìn thấy hình mẹ con tôi nằm trên chiếc brancard, nhận ra có lẽ là tôi, anh đã xin ông chủ kiếm cho anh giấy phép để vào trại thăm chúng tôi. Các người đến thăm đều phải đứng ngoài hàng rào để trao quà tặng và các vật dụng. Anh Minh và ông Keybeech đến cho tôi một trăm đôla và hai bộ quần áo. Ông chủ anh có ý muốn bảo lãnh chúng tôi ở lại Hồng Kông và sẽ kiếm việc cho tôi.

Trong trại, mỗi gia đình chiếm một góc, không có vách ngăn. Hằng ngày mỗi người đều xếp hàng đi lấy cơm, ngày nào cũng cùng menu, cơm trắng với thịt bằm. Chồng tôi nói được tiếng Pháp thì đi giúp làm hồ sơ giấy tờ cho các đồng hương. Một tuần sau, tôi được gọi lên gặp phái đoàn Canada phỏng vấn. Họ phỏng vấn riêng rẽ từng người và đặt những câu hỏi có tính cách cá nhân. Chồng tôi khai một số người đi chung là anh em họ hàng, để được đi cùng chuyến qua Canada nhưng họ đều bị gạt ra khỏi hồ sơ vì các nhân viên di trú biết là khai không thật.

Tôi tưởng tượng Canada là xứ chỉ có các tảng băng đá giá lạnh quanh năm, tôi đã không có ý định xin định cư tại xứ này. Nhưng lúc đó chỉ có vài nước đến gặp dân tị nạn như Pháp, Tân Tây Lan, Canada… tôi cũng không muốn xin tỵ nạn tại Mỹ vì sợ không liên lạc được với ba mẹ bên nhà. Pháp thì rất tốt vì chồng tôi đã tốt nghiệp ở đó, tuy nhiên lúc đó kinh tế Pháp đã xuống dốc, nạn thất nghiệp đã cao, nên chúng tôi không kỳ vọng xin vào Pháp. 

Vị quan chức di trú của Canada đã đến tận lều trại của chúng tôi để thuyết phục chúng tôi phải rời trại càng sớm càng tốt vì điều kiện vệ sinh của trại không thích hợp cho em bé sơ sinh. Thế là chúng tôi bùi ngùi rời trại, rời xa các đồng hương đã chia sẻ với chúng tôi trong những giây phút hiểm nguy, không một giọt nước, không có thức ăn, trong cảnh màn trời chiếu đất, trong giờ phút hấp hối của Miền Nam yêu thương. Chúng tôi phải rời xa những thanh niên, những cô bác đang lo lắng không biết tương lai sẽ đi về đâu và bao giờ được ra khỏi trại tị nạn để được đi định cư.

Chúng tôi đến Vancouver vào ngày 23 tháng 5, trời lạnh lẽo tôi co ro trong chiếc áo len mỏng không biết ai đã cho tôi. Sau khi làm xong thủ tục di trú, chúng tôi được bay Montréal, tại đây chúng tôi được cư trú tạm thời trong khách sạn để đợi giấy tờ đến thành phố Québec. Vị quan chức di trú của Québec ông Linteau đã đến đón chúng tôi về Québec.

Tại Québec, chúng tôi trú ngụ tạm thời vài tuần tại Motel Helen trong khi cho đợi chính phủ cấp nhà. Chúng tôi được dọn đến một appartement khá rộng rãi, tủ lạnh đầy ắp các thức ăn. Bà hàng xóm đã giúp tôi kiếm việc làm, là nhân viên trả lời điện thoại tại một hotel gần nhà.

Bé gái sinh trên tàu Trường Xuân, trên biển cả, được tàu Đan Mạch vớt đã được cấp khai sanh công dân Đan Mạch. Vị sứ quán Đan Mạch đến thăm chúng tôi và đã giúp tôi được làm stage trong nhà thương Hotel Dieu Québec và được có lương, lúc đó khoảng hai đồng rưỡi một giờ. Thường thì sinh viên nội trú không có lương.

Sau khi xong stage, tôi được sở di trú giúp kiếm việc làm trợ dược-sĩ tại tỉnh St Georges de Beauce trong lúc chờ đợi giấy hành nghề dược sĩ. Nhà thuốc nơi tôi làm ở tầng dưới, còn gia đình tôi trú ngụ trên lầu nên rất tiện cho tôi. Người dân của thành phố nơi đây rất tử tế với tôi, vào mùa hè họ cho tôi cá thật ngon mà họ câu được, còn mùa đông thì tôi được ăn thịt nai, hưu, mà họ săn được. Một cửa tiệm sang trong bán các áo cưới và giày dép cô dâu, đóng cửa vì bà chủ qua đời, ông chủ đã kêu tôi để cho hơn hai trăm đôi giày cao gót đủ kiểu, đủ kích thước những đôi nào cũng quá to cho tôi. Tôi đã đem tặng hơn hai trăm đôi giày phụ nữ cho người cháu chồng sống ở Mỹ. Khi tôi có bằng, một ngày tôi nhận được cú điện thoại của bạn đồng nghiệp, chị Đào thị Từ rủ tôi về Montréal mua tiệm thuốc .

Cuộc đời may mắn kéo tôi ra khỏi cái job trong trí tôi, khi tôi còn ở trại tạm cư tại Hồng Kông “người ăn xin ngoài đường phố”, ăn xin để sống. Gia đình chúng tôi đã bỏ lại tất cả, bỏ của để chạy lấy người, bỏ quê hương yêu dấu, bỏ bố mẹ ra đi vào nơi vô định, không biết tương lai sẽ đi về đâu, chỉ biết cứ chạy thoát thân ra khỏi gọng kềm của Cộng Sản vậy thôi. Vài bộ áo quần cuối cùng của tôi cũng rớt trong lòng biển khi níu dây cáp để được kéo lên boong tàu.

Chồng tôi đã gieo sâu vào đầu óc các con tôi, con trai tôi chưa đầy hai tuổi đã rời Việt-Nam lúc yếu đau, mụt nhọt đầy máu mủ trên khắp lưng, cả trên da đầu bé, bé thật đau đớn nhưng cháu cũng cam chịu, thiếu sữa cũng không khóc la, cháu đã có sức chịu đựng ngay từ tuổi thơ đó. Khi lớn lên, mẹ rủ con trai về thăm lại Việt-Nam, cháu đã từ chối không về. Cháu nói mình đã bỏ chạy vì chính quyền độc ác, tại sao lại phải quay về. Đến bây giờ cháu vẫn chưa nguôi lòng căm thù cộng sản, mặc dù chưa bao giờ biết chế độ CS ra sao, đất nước Việt-Nam phồn thịnh hay nghèo khổ như thế nào.

Còn em bé sinh trên biển cả, đúng vào ngày miền Nam đầu hàng, từ thâm tâm cháu, không một ngày sống trên quê hương, chưa bao giờ nhìn thấy những người CS tàn ác đối với những người đồng chủng của mình, cháu đã không nhận mình là người Việt-Nam, nhưng may sau đó mấy năm, cháu chơi với các anh chị cháu theo cha của họ đi vượt biển và định cư tại Canada, cháu thốt lên “người Việt-Nam cũng có người tốt sao?”. Từ đó cháu không còn chối bỏ con người Việt-Nam trong cháu, lòng của cháu vốn lớn lao như đại dương. Mong rằng người CS tìm ra con người thật của mình, bỏ đi chủ nghĩa ngoại lai để những người bị tổn thương, như chúng tôi ở cả ba miền đất nước, nhất là thế hệ đi sau hãnh diện mình là người Việt-Nam.

Xin cám ơn các quốc gia đã cưu mang hơn một triệu người sống sót đang sống và phát triển trên toàn cầu. Xin cầu nguyện cho những người xấu số đã bỏ thây trong lòng biển cả để ráng đi tìm nơi đất hứa hoàn toàn tự do.

Xin cám ơn đất nước Canada đã có lòng nhân đạo cứu vớt hơn hai trăm ngàn người Việt-Nam từ mấy chục năm sau ngày Miền Nam thất thủ. Mặc dù thời tiết nơi đây có những ngày khắc nghiệt nhưng tôi thật mãn nguyện và biết ơn Canada quê hương thứ hai của chúng tôi. Tôi cứ khắc khoải để trả lại đời những gì tôi nhận được lúc gian nan. Quê hương Việt-Nam vẫn nằm trong tiềm thức tôi với tình cảm yêu thương và kính mến nhưng bây giờ thì quá muộn màng cho tôi để làm được gì cho Việt-nam. Mẹ Việt-Nam ơi, con sẽ được vùi chôn thật xa không phải trên đất Mẹ.

Ds Mùi Bùi. Montréal




No comments:

Blog Archive