Đằng sau niềm vui có nỗi buồn, tận cùng nỗi buồn có niềm vui
Cô ấy tên là Kiều, tôi biết cô ấy từ mùa hè năm ngoái. Hôm đó giao ca xong, tôi từ một gian phòng bệnh đi ra, nhìn thấy khu chờ khám có một cô gái mặt hoa da phấn, cử chỉ tao nhã đúng mực, cô ấy đang trả lời câu hỏi của bác sĩ. Khi tôi đi ngang qua, lần nữa bị vẻ đẹp của cô ấy thu hút, thế là tôi nhìn thêm cái nữa, vừa lúc cô ấy cũng quay đầu lại nhìn tôi, đôi mắt của cô ấy thật đẹp, thuần tịnh trong veo giống như hồ nước mùa thu vậy.
Sau khi làm các kiểm tra liên quan, Kiều đã nhập viện và ở phòng VIP. Cô nói cô thường xuyên mất ngủ, có lúc nhức đầu, cảm giác như trời đất quay cuồng. Bác sĩ dặn dò thêm đôi ba câu, tới lúc truyền dịch, cô đã nằm trên giường bệnh, vừa làm nũng, vừa cười đùa với mẹ.
Giữa trưa, khi còn chưa truyền dịch xong thì có người nhà mang cơm đến, đó là bố cô, cả gia đình ở trong phòng bệnh cùng ăn trưa. Từ cách chi tiêu, ăn mặc có thể nhìn ra đây là một gia đình rất có điều kiện.
Rất nhiều bệnh nhân trong bệnh viện đều là sắc mặt trắng bệch, dáng người tiều tụy, riêng cô ấy lại khác, ngoài lúc truyền dịch sẽ ngủ mê man ra, thì khi tỉnh dậy trông cô rất rạng rỡ, sắc mặt hồng hào, dung mạo xinh tươi.
Mấy người đồng nghiệp thích buôn chuyện nói cô thật tốt số, người thì xinh đẹp, gia cảnh lại tốt. Từ trong những lời nói ấy không khó nhìn ra sự hâm mộ pha lẫn chút đố kỵ, mà cũng đúng thôi, Kiều xác thực là một nàng công chúa bước ra từ trong chuyện cổ tích.
Về sau, tôi lại biết được cuộc sống của Kiều, cô đích thực là một quý cô độc thân có cuộc sống rất vương giả. Cô làm giáo viên dạy piano ở một trường nghệ thuật, thu nhập rất khá, hơn nữa gia đình còn vô cùng giàu có và được cha mẹ hết mực yêu thương, chiều chuộng.
Các chị em y tá trong khoa, trong đó có tôi đều cảm thấy ngưỡng mộ và ghen tị với Kiều. Cô ấy có tất cả những thứ mà mọi cô gái đều mơ ước. Còn tôi thì lớn lên trong một gia đình đơn thân, có một người cha nát rượu, ngoại trừ tự lực cánh sinh, miễn cưỡng có công việc đủ nuôi sống bản thân ra thì chẳng còn gì khác. Càng so sánh thì càng tự ti.
Mãi cho đến một ngày nọ, tôi trực ca đêm và đi kiểm tra các phòng bệnh. Lúc đó khoảng 12 giờ đêm, thấy trong phòng bệnh của cô ấy vẫn còn sáng đèn, tôi đẩy cửa đi vào, cảnh tượng khi ấy thật sự khiến tôi chấn động.
Kiều vẫn chưa ngủ, cô ấy đang ngồi ở mép giường, trên tay cầm một chiếc chân giả và đặt nó vào chân tường, tôi thấy dưới đầu gối bên phải của cô trống rỗng. Nhìn thấy vẻ hoảng hốt trên mặt tôi, một cách vô thức cô ấy vội lấy chăn trùm lên người, lí nhí nói lời xin lỗi, còn tôi thì khó xử quá, không biết phải nói gì, đứng ngây ra một lúc.
Vẫn là Kiều mở miệng trước, phá tan bầu không khí im lặng:“Thật ngại quá! Làm cô sợ rồi! Mọi khi tôi đều xin nghỉ về nhà, ngoại trừ bác sĩ phụ trách không ai biết bí mật của tôi. Ngày mai có một cuộc kiểm tra phải làm, tôi sợ không kịp, nên đã ở lại bệnh viện, không ngờ lại bị cô nhìn thấy rồi!”. Cô ấy nói xong, vẫn nở nụ cười còn tôi thì xấu hổ giống như đứa trẻ làm sai chuyện.
Tôi nói bâng quơ vài câu rồi vội vã đi ra, trong tâm cuộn trào mãnh liệt. Tại sao có thể như vậy chứ, cô ấy rõ ràng là một công chúa hoàn mỹ không tỳ vết kia mà?
Qua nửa giờ, tôi bất tri bất giác đi tới phòng bệnh của cô ấy. Kiều vẫn chưa ngủ, cô nói, trước khi ngủ cô có đọc sách một chút, nhưng giờ lại ngủ không được, Kiều hỏi tôi, có thể cùng cô trò chuyện một lúc hay không. Thế là, tôi ngồi xuống phía trước giường. Nói là trò chuyện, nhưng nói đúng hơn là cô giải thích cho cú sốc vừa rồi. Kiều nói rằng rất ít người biết bí mật về chiếc chân giả, và tôi là một trong số rất ít người đó.
Cô ấy từ nhỏ đã học khiêu vũ, ước mơ lớn lên sẽ trở thành một vũ công. Thế nhưng, khi lên trung học, sau một lần bị điện giật ngoài ý muốn, một chân đã bị cắt cụt, năm đó cô mới 13 tuổi. Gặp đả kích lớn như vậy, đừng nói đến ước mơ, đã có mấy lần cô đều muốn tự tử.
Một lần cô đã uống hết lọ thuốc ngủ, may mắn là được cha mẹ phát hiện đưa đến bệnh viện rửa ruột. Sau khi xuất viện, cô bị chứng run tay. Mẹ cô hỏi thăm nhiều nơi, biết được có một bác sĩ trung y có tuổi y thuật cao minh, bèn dẫn cô đến đó khám. Sau khi nói rõ lịch sử căn bệnh, bác sĩ trung y đó không nói gì cả, chỉ kéo chiếc áo trắng của mình lên, cô nhìn thấy ông ấy chỉ có một chân.
Ông nói, con người ta sống, không phải chỉ dựa vào hai chân, mà là dựa vào một trái tim mạnh mẽ, ông chỉ có một chân vẫn sống rất tốt, cô so với ông còn nhiều hơn nửa cái chân, sợ gì chứ? Từ đó, cô thường xuyên đến chỗ bác sĩ trung y đó, không phải để khám bệnh, mà là để trị liệu tâm lý.
Về sau, gia đình cô chuyển nhà, cô được lắp chân giả rồi học chơi đàn dương cầm và trở thành giáo viên dạy đàn như bây giờ. Nói xong, cô nhoẻn miệng cười, còn tôi, dường như đã nhìn thấy một con người khác trong cô.
Nếu như không phải tình cờ nhìn thấy chiếc chân giả đó thì trong lòng tôi cô vẫn mãi là một nàng công chúa mỏng manh xinh đẹp, lúc nào cũng chỉ biết làm nũng. Giờ phút này đây, tôi như nhìn thấy tất cả những tổn thương và đau khổ mà cô đã từng chịu đựng, nó ngưng tụ thành sức mạnh, khiến cô trở nên kiên cường.
Một lúc sau, cô ngủ thiếp đi.
Tôi đi về cuối hành lang, tâm trạng khó mà tĩnh xuống được. Tôi nhìn thấy phía chân trời có một ngôi sao sáng lấp lánh, nó giống như con mắt của bầu trời đang nhìn chăm chú xuống mặt đất, mang đến ánh sáng cho màn đêm nặng nề và bất lực này. Một tia sáng đôi khi cũng có thể mang đến hy vọng cho những người lạc đường bước đi trong đêm tối.
Tôi dần thấy chân trời chuyển qua màu trắng bạc. Bình minh đã đến. Khoảnh khắc ấy, những mê mờ trong lòng tôi bị xua tan, được những tia sáng chiếu rọi từng chút một. Tất cả đau khổ khó nói nên lời và tuyệt vọng mà tôi từng nghĩ đến đang dần biến thành hy vọng. Đúng vậy! Đằng sau niềm vui có nỗi buồn, tận cùng nỗi buồn có niềm vui.
No comments:
Post a Comment