NHẠC PHẠM DUY QUA CẢM THỨC CỦA TÔI
Nguyễn Thị Kim Thoa
Những đêm trăng, nơi bậc cấp, cha ôm cây đàn man đô lin, bắt nhịp, ca hát một mình:
“Một đàn chim tóc trắng/ Bay về qua trần gian/ Báo tin rằng: Có Nàng Giáng Hương/ Nàng ngồi trên cung vắng/ Trong một đêm tàn trăng/ Phá then vàng bước vào vườn hoang/ Bao nhiêu nàng tiên nỉ non/ Làm huyên náo thiên đường lạnh lẽo... Người về trong đêm tối/ Ôm cành hoa tả tơi/ Bóng in dài gác đời lẻ loi” (CÀNH HOA TRẮNG – 1950).
Tôi hỏi cha:
- Sao hoa đã tả tơi mà còn ôm làm gì nữa cha?
- Vì hoa tả tơi nên cha phải ôm nó – Cha tôi trả lời rồi nói tiếp:
- Ông Phạm Duy thật tài tình! Cha tôi lại lẩm bẩm một mình: Ôi kháng chiến! Ôi kháng chiến ... chỉ còn là cành hoa tả tơi!
Lúc bấy giờ tôi không hiểu những gì cha nói, những gì cha mang nặng trong lòng, có lúc nghe mẹ nói với cha: Ông ôm làm gì cho nặng lòng, quắn ruột thế ông?
Thuở nhỏ cùng cha làm vườn, thỉnh thoảng cha đặt tôi lên vai để hái trái ổi, trái đào hay trái mãng cầu, để nhìn cho rõ mấy con chim sâu con mới nở đang há những chiếc mỏ đỏ chót và kêu chíp chíp trong cái ổ mà cha mẹ nó đã đan kết trên cành sung. Rất nhiều lần cha cõng tôi đi quanh vườn vừa đi vừa hát nho nhỏ, chỉ đủ cho hai cha con cùng nghe:
“Mờ trong bóng chiều, một đoàn quân thấp thoáng, núi cây rừng lắng tiếng nghe hình dáng của người anh hùng, lạnh lùng theo trống dồn trên khu đồi hoang yên trong chiều buông…” (CHIẾN SĨ VÔ DANH – 1945 – 1946).
“Chiều ơi ! Lúc chiều về rợp bóng nương khoai/ Trâu bò về rục mõ xa xôi, ơi chiều/ Chiều ơi ! Áo chàm về quảy lúa trên vai/ In hình vào sườn núi chơi vơi, ới chiều... Chiều ơi ! Lúc chiều về mọc ánh trăng tơ/ Cho ngày mùa bài hát nên thơ, ơi chiều...” (NƯƠNG CHIỀU – 1947)
Mẹ tôi kể rằng: Bà đã gom góp tiền, bán một số nữ trang, mua cho cha một con ngựa để cha làm phương tiện đi lại khi tham gia kháng chiến. Mẹ bảo trông cha giống “Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt/ Xếp bút nghiên theo việc đao cung” - “Ngựa chàng đỏ tựa ráng pha, áo chàng sắc trắng như là tuyết in” như trong Chinh Phụ Ngâm của bà Đoàn Thị Điểm. Hình ảnh cha đi vào kháng chiến đẹp và thật hào hùng. Nhưng rồi chừng ba năm sau, một buổi tối mùa đông cha trở về nhà trong dáng vóc tả tơi với chiếc nón cời và tấm bố rách khoát mình kèm theo căn bệnh sốt rét. Thế đó nhưng kháng chiến đối với cha vẫn là cái gì thật cao quí và thiêng liêng. Cha vẫn đọc Thượng Chi Văn Tập của Phạm Quỳnh, Đông Dương Chính Trị Luận của Phan Châu Trinh và vẫn mơ về kháng chiến.
Thỉnh thoảng cha hát nho nhỏ một bài ca ngắn với giọng buồn buồn:
“Chiều biên khu, vào mùa sang Thu/ Không còn nghe tiếng oán thù (u ú)/ Rừng vi vu là lời thiên thu/ Ru người chốn phiêu du... Hề Thu ơi ới! Hề Thu ơi ới!/ Hương thắm xưa đã về với những người chiến chinh/ Bao khúc ca thanh bình vang tới ngàn dâu xanh/ Thu đã về với ta. Nhớ tiếc không oán thù (u ù)... Thu ơi Thu! Ta vỗ súng ca/ Ca cho đời, cho Thu với ta/ Nơi biên khu, ai cất tiếng ca /Câu thanh bình cho muôn kiếp Thu... (THU CHIẾN TRƯỜNG – 1950?).
Nghe cha hát bài Thu Chiến Trường thuở lên tám lên chín, tôi chỉ nghe tiếng được, tiếng mất với giọng u ú, u ù của cha. Đến lúc mười tám, đôi mươi, trong không khí chiến tranh sôi sục nghe lại bản nhạc này, nỗi buồn đau cắt xén từng đường trên da thịt tôi rồi cái lạnh len lén dọc bờ vai, lan dần lan dần...
Lúc hứng khởi cha hát một bài ca mà đến bây giờ mỗi lần nghe lại tôi lai thấy háu hức muốn xách ba lô lên đường:
“Đường Lạng Sơn âm u/ Gà bình minh kêu lơ thơ/ Rừng êm ái thức giấc trong sương mờ/ Đồi núi bâng khuâng vươn vai/ Vừa mới tan cơn mê say/ Chợt nghe thấy tiếng chim hát vang trời/ Biên khu ù u/ Biên khu ù u/ Tia vàng son xuyên qua lau mờ/ Về trên suối khói lên làn mơ/ Nắng trôi về xui biết bao thương nhớ... Đồi nương xanh xanh núi xanh lơ/ Rừng cây xanh xanh lá bên hoa/ Màu áo chàm phất phơ trong mây mờ/ Nhà sàn cao tuy mái thô sơ/ Người dừng chân bên suối nên thơ/ Mùa đông tới lửa vui bếp lò... Nhà sàn cao tuy mái thô sơ/ Người dừng chân bên suối nên thơ/ Mùa đông tới lửa vui bếp lò”.( RỪNG LẠNG SƠN – 1954?)
Nhạc Phạm Duy đã đi vào tâm thức tôi bước đầu bằng giọng ca của cha, và đôi câu hát nhẹ nhàng của mẹ:
“Sao tua năm cánh ơi à nằm nghiêng/ Thương em từ lúc mẹ về là về với cha” (BÀI CA SAO 1961)...
Hoặc: “Khăn thương nhớ ai, khăn rơi rơi xuống đất?/ Khăn thương nhớ ai, khăn nhặt nhặt để vai?/ Khăn thương nhớ ai, khăn chùi chùi nước mắt?/ Khăn thương nhớ ai, khăn giặt giặt chẳng phai?/ Đèn thương nhớ ai, mà đèn đèn không tắt?/ Mắt thương nhớ ai, mắt ngủ ngủ chẳng sâu?/ Ôi! thương nhớ nhau, như cánh diều diều mong gió!/ Ôi! thương nhớ nhau, tựa ngọn gió gió chờ mây...” (THƯƠNG AI NHỚ AI - ?)
Những năm lên bảy, lên tám, chị Hai chị Ba tập hát cùng nhau vào những dịp phát thưởng cuối năm hay vào dịp Trung Thu:
“Trăng soi sáng ngời/ Treo trên biển trời/ Tình ơi/ Một đàn con trai/ Rủ đàn con gái/ Ra ngồi nhìn trăng/ Ra nghe chú cuội/ Ngồi gốc cây đa/ Cuội ơi/ Để trâu ăn lúa/ Nhìn mây theo gió/ Miệng ca bồi hồi... Trăng soi tóc thề/ Đưa trai gái về/ Tình ơi/ Nửa đường thôn quê/ Gặp đàn em bé/ Hát vè một câu/ Câu thơ chú cuội/ Mà lấy tiên nga/ Cuội ơi/ Để Trâu ăn lúa/ Ngồi trên lưng gió/ Tình yêu mặn mà” (CHÚ CUỘI – 1949).
Tôi ngẩn ngơ theo chú Cuội, cô Hằng. Bài hát đưa tôi về những đêm trăng vời vợi nơi khu vườn xanh nghít. Chỉ vài dòng mà Phạm Duy đã cho tôi thấy nào là con trai, nào là con gái, nào là trẻ em vui vầy dưới trăng. Cả Cuội, cả trâu rồi lại cả tóc thề, lưng gió...Một bức tranh đồng quê sinh động, ấm áp yêu thương dưới ánh trăng rạng ngời.
Năm 13 tuổi, trên đường đi học về, ghé quán chè Hẻm mua hai ly chè đậu xanh đá bào, khi trả tiền, chủ quán bảo rằng có người trả rồi và đưa tay chỉ về phía anh PĐMT, người ở cách nhà tôi một con đường xóm, đang ngồi gần chỗ ra vào. Tôi bối rối nhìn anh, nhưng rồi anh bảo: “Không sao, lần sau ra đường gặp anh em chỉ mỉm cười là được rồi”. Nói xong anh cất tiếng hát nho nhỏ:
“Ai về, về có nhớ, nhớ cô mình chăng?/ Tôi về, về tôi nhớ hàm răng, răng cô mình cười, ớ/ Ai về, về mua lấy, lấy miệng cười/ Để riêng tôi mua lại mảnh đời thơ ngây thơ...”.
Tôi rời quán chè nhưng tiếng hát còn vương theo “Tình hoài hương/ Khói lam vương tâm hồn chìm xuống/ Chiều xoay hương/ Sống vui trong mối tình muôn đường/ Tình ngàn phương/ Biết yêu nhau như lòng đại dương...” (TÌNH HOÀI HƯƠNG – 1952).
Cuối năm đệ tam (1967) chúng tôi cùng nhau tập hợp ca bài hát Việt Nam: “Việt Nam Việt Nam nghe từ vào đời/ Việt Nam hai câu nói bên vành nôi/ Việt Nam nước tôi... Việt Nam không đòi xương máu/ Việt Nam kêu gọi thương nhau/ Việt Nam đi xây đắp yên vui dài lâu/ Việt Nam trên đường tương lai/ Lửa thiêng soi toàn thế giới/ Việt Nam ta nguyện tranh đấu cho đời”... (VIỆT NAM - 1966).
Hát khúc ca này, chúng tôi thấy tinh thần phấn khởi, tình yêu quê hương đất nước bừng bừng dậy sóng, có lúc tôi tự hỏi: Sao không chọn bài này làm quốc ca?
Vào lứa tuổi 16, 17 hồn nhiên thơ mộng, lời ca: “Việt Nam không đòi xương máu, Việt Nam kêu gọi thương nhau... Việt Nam đi xây đắp yên vui dài lâu”, những ca từ tha thiết cùng giai diệu hùng hồn, thú thật đã làm tôi quên đi hay nói đúng hơn là để qua một bên những nỗi niềm yêu thương mộng mơ khác và nghĩ nhiều đến chiến tranh, đến cuộc sống cơ cực của nhiều ngươi trong bom đạn.
Tôi yêu nhạc Phạm Duy từ những duyên lành yêu thương như vậy.
Yêu thích nhạc Phạm Duy tôi tìm kiếm, sưu tầm nhiều bài hát khác. Tôi tìm mua các bản nhạc in trên giấy khổ lớn của nhà xuất bản Tinh Hoa.
Thế hệ chúng tôi có lẽ hầu hết đều biết những câu hát:
“Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi/ Mẹ hiền ru những câu xa vời/ À à ơi ! Tiếng ru muôn đời/ Tiếng nước tôi ! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui/ Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi... Tôi yêu những sông trường/ Biết ái tình ở dòng sông Hương/ Sống no đầy là nhờ Cửu Long/ Máu sông Hồng đỏ vì chờ mong... Vì yêu, yêu nước, yêu nòi/ Ngày Xuân tôi hát nên bài (ư bài) tình ca/ Ruộng xanh tươi tốt quê nhà/ Lòng tôi đã nở như là (ừ là) đoá hoa...” (TÌNH CA – 1953).
Tôi lớn lên cùng với lời ca, điệu nhạc của Phạm Duy. Lời ca, điệu nhạc đó đã đi vào tâm hồn tôi một cách tự nhiên như những dưỡng chất tinh khiết, đậm đà chầm chậm, thấm dần, thấm dần.
Những buổi văn nghệ tổng kết cuối năm học từ cấp Tiểu học đến trung học rồi những năm đại học không hề thiếu vắng nhạc Phạm Duy.
Cuối năm lớp nhất cô giáo đã tập chúng tôi làm hoạt cảnh: “Em Bé Quê” – “Ai bảo chăn trâu là khổ/ Chăn trâu sướng lắm chứ/ Ngồi mình trâu phất ngọn cờ lau/ Và miệng hát nghêu ngao/ Vui thú/ không quên học đâu/ Nằm đồi non gió mát/ Cất tiếng ca tiếng lúa đang reo/ Em đánh vần thật mau...” (EM BÉ QUÊ – 1954).
Những năm trung học với những bài hợp ca, song ca: “Việt Nam – Việt Nam tên gọi làm người...Việt Nam, Việt Nam hai câu nói trên vành môi...”
hay:
“Xuân tươi/ Êm êm ánh xuân nồng/ Nâng niu sáo bên rừng/ Dăm ba chú Kim Ðồng/ Hò xang xê tiếng sáo/ Nhẹ nhàng lướt cỏ nắng/ Nhạc lòng đưa hiu hắt/Và buồn xa, buồn vắng/ Mênh mông là buồn...” (TIẾNG SÁO THIÊN THAI - nhạc Phạm Duy, lời Thế Lư – 1952).
Hồi còn ngồi ghế nhà trường, chúng tôi thỉnh thoảng cuối tuần họp nhau ca hát, những buổi họp bạn như thế này, nhạc Phạm Duy không hề vắng mặt. Những cô gái Huế như chúng tôi chắc chắn không thể không biết những bài ca tuy không có một ca từ nào về Huế nhưng khi hát lên, tất cả chúng tôi đều nghĩ Phạm Duy đã viết về Huế và cho Huế:
“Nước non ngàn dặm mà ra đi/ Nước non ngàn dặm ra đi/ Dù đường thiên lý xa vời/ Dù tình cô lý chơi vơi/ Cũng không dài bằng lòng thương mến người - Bước đi vào lòng muôn dân/ Bước đi vào lòng muôn dân/ Bằng hồn trinh nữ mơ màng/ Bằng tình say đắm ơi chàng/ Ước nuôi dần hoà bình trong ái ân - Mới hay tình nhẹ như tơ/ Mới hay tình nhẹ như tơ/ Mộng ngoài biên giới mơ hồ/ Chẳng ngăn được sóng vỗ bờ/ Với đêm mờ hồn về trên tháp ma” (NƯỚC NON NGÀN DẶM RA ĐI – 1950).
Hoặc: “Về miền Trung! Miền thuỳ dương bóng dừa ngàn thông/ Thuyền ngược suôi suốt một dòng sông dài/ Ôi quê hương xứ dân gầy/ Ôi bông lúa, con sông xưa, thành phố cũ/ Về miền Trung! người về đây sống cùng người dân/ Lửa chinh chiến cháy bừng thôn làng điêu tàn/ Đêm hôm nao gió u buồn trên sông vắng/ Có tiếng hát xao xuyến ánh trăng vàng.... Hò hô hò! Hò hố ơi/ Người đi trên đống tro tàn/ Thương em, nhớ mẹ hương vàng về đâu?/ Chiều khô nước mắt rưng sầu / Thương thân thiếu phụ , khóc đầu hài nhi/ Hò hô! Hò hố ơi/
Nhớ thương về phía xa mờ/ Biết bao người sống mong chờ / Hát rằng hò ớ ơi/ Nhớ về cố hương yêu dấu xa xưa.../ Hò hô hò! hò hố ơi/ Về đây với lúa, với nàng/ Thay bao nỗi khổ tiếng đàn (tôi) mừng vui/ Nguồn vui đã đến với dân nghèo/ Con sông nước chảy, tiếng chèo hò khoan/ Hò hố! hò hô ơi/ Tiếng ai vừa hát qua làng/ Lúc em gặt lúa trên đồng/ Hát rằng: hò ớ ơi/ Tiếng cười, tiếng ca trên lúa trên sông”. (VỀ MIỀN TRUNG – bản của nhà xuất bản Gìn Vàng Giữ Ngọc năm 1971 - lời có khác với bản do Tinh Hoa xuất bản năm 1950).
Chị em chúng tôi thường hát cùng nhau: “Làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói/ Có những cánh đồng cát dài/ Có luỹ tre già tả tơi/ Ruộng khô có những ông già rách vai/ Cuốc đất bên đàn trẻ gầy/Có người bừa thay trâu cày...Bình minh khi sương rơi mờ trên rẫy/ Thấp thoáng bóng người bên ngòi/ Tát nước với giọt mồ hôi. /Chiều rơi thoi thóp trên vài luống khoai/ Hiu hắt tiếng bà mẹ cười/ Vui vì nồi cơm ngô đầy... Bao giờ em trở lại vườn dâu, hỡi em/ Để cho anh bắc gỗ, xây nhịp cầu (anh) bước sang/ Bao giờ cho nối lại tình thương, hỡi ai/ Để em ra bến vắng, đón chàng chàng chiến binh”. (QUÊ NGHÈO - 1948).
Đây là bài hát chung của năm chị em chúng tôi vì cả năm đều ưa thích cả lời ca cũng như giai điệu.
Năm chị em chúng tôi là một “ban hợp ca” của gia đình, các ca khúc của Phạm Duy thường được chọn để hát, chúng tôi hát “đồng ca, hợp xướng” mà bè cao, bè thấp tùy hứng, không theo một ước lệ nào: NGƯỜI VỀ (1954), NGÀY TRỞ VỂ (1954), HẸN HÒ (1950) , TÌM NHAU (1966), NƯỚC MĂT RƠI (1961), MỘT BÀN TAY (1959), THUYỀN VIỄN XỨ (1952), KHỐI TÌNH TRƯƠNG CHI (1946), GỌI EM LÀ ĐÓA HOA SẦU (1972)... được hát theo cao hứng của từng người. Nhớ lắm các chị, các em tôi!!
Ngày tiễn chị hai Kim Hoa về cõi Vĩnh Hằng chị em chúng tôi đã cùng hát trong nước mắt:
“Chiều rơi trên đường vắng, có ta rơi giữa chiều/ Hồn ta theo vạt nắng, theo làn gió đìu hiu/Lá vàng bay!/Lá vàng bay như dĩ vãng gầy tóc buông dài bước ra khỏi tình phai/ Lá vàng rơi/Lá vàng rơi/ Như chút hơi người giã ơn đời trên nẻo đường hấp hối... Chiều chưa thôi trìu mến lá chưa buông chết chìm/ Hồn ta như vụt biến bay vờn trong đời tiên/ Lá vàng êm! Lá vàng êm/ Như mũi kim mềm sẽ khâu liền kín khung cửa tình duyên/ Lá vàng khô! Lá vàng khô /Như nét môi già đã nhăn chờ/ lên nẻo đường băng giá... Chiều tan trên đường tối có ta như rã rời/ Hồn ta như gò mối đang chờ phút đầu thai”. (ĐƯỜNG CHIỀU LÁ RỤNG – 1958)
Xuân về chúng tôi ca hát, những bài ca căng tràn sức sống, nồng nàn hương yêu, thấm đẫm tình người. Từ một đêm gối chăn của cha mẹ, mùa xuân và sự hiện diện của ta, ta quây quần cùng nhân thế, chia nhau nhựa xuân yêu thương:
“Xuân trong tôi đã khơi trong một đêm vui/ Một đêm, một đêm gối chăn phòng the đón cha mẹ về/ Xuân âm u lắt leo trong nguồn suối mơ/ Bừng reo rồi theo nắng lên từ cha chói chan lòng mẹ... Xuân xuân ơi, xuân ới, xuân ơi/ Xuân ơi, xuân ới, xuân ơi... Xuân tôi sang bến yêu tôi tìm gió trăng/ Tình xuân là xuân có khi mừng vơi có khi sầu đầy/ Xuân yêu đương muốn căng lên nhựa sống ngon/ Tìm em gặp em đón xuân nghìn năm bão xuân ngập lòng...”( XUÂN CA – 1961).
Văn nghệ Mừng Xuân bao giờ tuổi học trò của tôi đều không thể thiếu bài Hoa Xuân của ông. Hoa Xuân là một bài hát mô tả và nêu lên đầy đủ cảnh, tình ngày xuân: lao động, tình yêu, hoa nở, cây đâm chồi. Tràn trề yêu thương, căng phồng nhựa sống:
“Xuân vừa về trên bãi cỏ non/ Gió xuân đưa lá vàng xuôi nguồn/ Hoa cười cùng tia nắng vàng son/ Lũ ong lên đường cánh tung giòn... Xuân hoa còn tươi mãi/ Hoa vì nhân thế biết sum vầy cuộc vui/ Xuân hoa nở vì ai/ Tay nhịp bàn tay cùng đắp xây ngày mai... Có một bầy thôn nữ nhìn hoa/ Chúc cho xuân vui vẻ thái hoà/ Có một vài tóc trắng thầm mơ/ Ước cho hoa nở mãi không già.” (HOA XUÂN – 1953).
*
Vào những năm đầu của thập niên 60, thế kỷ XX, tôi thường nghe chị Ba, chị Tư thỉnh thoảng cất tiếng hát não nuột:
“ Đừng nhìn em nữa anh ơi, hoa xanh đã phai rồi/ Hương trinh đã tan rồi/ Đừng nhìn em đừng nhìn em nữa anh ơi/ Đôi mi đã buông xuôi, môi răng đã quên cười... Kiếp nào có yêu nhau thì xin tìm đến mai sau/ Hoa xanh khi chưa nở tình xanh khi chưa lo sợ/ Bao giờ có yêu nhau thì xin gạt hết thương đau/ Anh đâu anh đâu rồi anh đâu anh đâu rồi”. (KIẾP NÀO CÓ YÊU NHAU – thơ Minh Đức Hoài Trinh – nhạc Phạm Duy - 1958).
Lớn lên tò mò tìm đọc bài thơ của Minh Đức Hoài Trinh xem nó như thế nào mà Phạm Duy đã phổ nên những dòng nhạc thê thiết đến thế:
“Anh đừng nhìn em nữa/ Hoa xanh đã phai rồi/ Còn nhìn em chi nữa/ Xót lòng nhau mà thôi/ Người đã quên ta rồi/ Quên ta rồi hẳn chứ/ Trăng mùa thu gãy đôi/ Chim nào bay về xứ/ ...Lệ nhoà trên gối trắng/ Anh đâu, anh đâu rồi/ Rượu yêu nồng cay đắng/ Sao cạn mình em thôi”.
Sau khi đọc bài thơ, tôi mới thấy được tài năng của Phạm Duy. Chỉ qua một bài này thôi tôi có thể gọi ông là “Phù Thủy phổ nhạc từ thơ”. Xin trích một đoạn trong Hồi ký của Pham Duy để thấy rõ phần nào tài năng của ông:
“Chắc bạn đọc cũng thấy bài thơ phổ nhạc được tôi thêm câu, thêm chữ. Phổ nhạc là chấp cánh cho thơ bay cao. Bài thơ ngắn ngủi, cô đọng này, vì có thêm chữ nên không còn tiết vần đều đều, bằng phẳng nữa. Bây giờ nó quay cuồng theo nét nhạc, câu nhạc. Giai điệu của câu “đừng nhìn em nữa anh ơi” chuyển rất đột ngột, đi từ nốt trầm lên nốt cao nhất với hai “nhẩy bực” quãng 5 để diễn tả sự tột độ của tình cảm. Cái syncope sau câu “đừng nhìn em” làm cho mọi người thấy được sự nghẹn ngào của bài thơ và bài hát” (Phạm Duy, Hồi Ký 3, tr. 117-119, Nxb Phạm Duy Cường, 1991, Hoa Kỳ)”.
Vào năm 1971, khi bài hát Ngày Xưa Hoàng Thị lần đầu tiên được Thánh Thúy hát, sau đó Thái Thanh với giọng ca cao vút, luyến láy mềm mại đã làm mê mẫn đám con gái đôi mươi như chúng tôi:
“Em tan trường về đường mưa nho nhỏ/ Em tan trường về đường mưa nho nhỏ/ Ôm nghiêng tập vở tóc dài tà áo vờn bay Em đi dịu dàng bờ vai em nhỏ/ Chim non lề đường nằm im giấu mỏ/ Anh theo Ngọ về gót giày lặng lẽ đường quê ... Xưa theo Ngọ về mái tóc ngọ dài/ Hôm nay đường này cây cao hàng gầy/ Đi quanh tìm hoài ai mang bụi đỏ đi rồi/ Ai mang bụi đỏ đi rồi/ Ai mang bụi đỏ đi rồi.” (NGÀY XƯA HOÀNG THỊ - Thơ Phạm Thiên Thư – nhạc Phạm Duy 1971).
Đến bài hát Mùa Thu Chết, Phạm Duy phổ nhạc từ bài thơ của Bùi Giáng dịch từ L’ Dieu của Guilliume Apollinaire, theo tôi khó có ai sánh kịp:
“Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo/ Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi/ Mùa thu đã chết em nhớ cho/ Mùa thu đã chết em nhớ cho/ Mùa thu đã chết, đã chết rồi... / Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo/ Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi/ Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo/ Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em... / Vẫn chờ em, vẫn chờ em, vẫn chờ em/ Vẫn chờ, vẫn chờ đợi em” (MÙA THU CHẾT -1970).
Từ câu thơ dịch của Bùi Giáng: “Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi”, Phạm Duy đã chuyển qua câu nhạc: “Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo”, quả là chỉ có Phạm Duy mà thôi.
Những ngày khói lửa lan tràn, chiến tranh leo thang, bên cạnh những bài Tâm Ca kêu gọi yêu thương, hòa bình, hai bài hát có thể gọi là “nhạc phản chiến”, xé nát cõi lòng, gợi chết chóc chia lìa mà chúng tôi nghe được đã dấy lên trong tôi nỗi lo sợ và có khi không cầm được nước mắt.
“Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại / Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về. / Anh trở lại có thể bằng chiến thắng Plei- me, / Hay Đức Cơ, Đồng Xoài, Bình Giã, / Anh trở về anh trở về hàng cây nghiêng ngả / Anh trở về, có khi là hòm gỗ cài hoa, / Anh trở về trên chiếc băng ca / Trên trực thăng sơn màu tang trắng. ...Anh trở về nhìn nhau xa lạ /Anh trở về dang dở đời em /Ta nhìn nhau ánh mắt chưa quen / Cố quên đi một lần trăn trối. Em ơi! ...Em hỏi anh em hỏi anh bao giờ trở lại / Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về. (KỶ VẬT CHO EM – phổ thơ Linh Phương – 1970).
“Ngày mai đi nhận xác chồng/ Say đi để thấy mình không là mình/ Ngày mai đi nhận xác anh/ Cuồng si thuở ấy, hiển linh bây giờ/ Cao nguyên hoang lạnh ơ hờ/ Như môi góa phụ nhạt mờ vết son/ Tình ta không thể vuông tròn/ Say đi mà tưởng như còn người yêu... Bây giờ anh phủ màu cờ/ Bây giờ anh phủ màu cờ.../ Em không nhìn được xác chàng/ Anh lên lon giữa hai hàng nến trong/ Mùi hương cứ tưởng hơi chàng/ Ôm mồ cứ tưởng ôm vòng người yêu” (TƯỞNG NHƯ CÒN NGƯỜI YÊU – phổ thơ “Ngày mai đi nhận xác chồng” của Lê Thị Ý – 1971)
Những bài hát có thể gọi là phản chiến như Kỷ Vật Cho Em hay Tưởng Như Còn Người Yêu, chúng tôi ít khi hát, hoặc chỉ lẩm bẩm mấy câu nhưng cũng thấy lòng tan nát, rủ rượi, tơi bời đầy đau thương...
Tôi yêu những bài hát phổ thơ của Phạm Duy và có một cảm nhận là không những ông đã chắp cánh cho thơ mà còn cho thơ cái hồn mới, cái hồn mới đó vẫn phản phất giọng thơ cũ nhưng hào sản hơn, du dương hơn, tha thiết hơn tùy bài.
Tôi sưu tầm những bài hát phổ thơ của ông. Ông có chừng 300 bài hát phổ từ thơ của nhiều tác giả: Tiếng sáo Thiên Thai phổ thơ Thế Lữ, Hoa Rụng Ven Sông phổ thơ Lưu Trọng Lư, Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà phổ thơ Hữu Loan, Ngậm Ngùi phổ thơ Huy Cận, Nếu Anh Còn Trẻ phổ thơ Hoàng Cấm, Cô Hái Mơ phổ thơ Nguyễn Bính, Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng, Em Lễ Chùa Này phổ thơ Phạm Thiên Thư, Còn Chút Gì Để Nhớ phổ thơ Vũ Hữu Định, Thà Như Giọt Mưa phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên, Tiễn Em thơ Cung Trầm Tưởng, Thuyền Viễn Xứ thơ Huyền Chi... và còn nhiều nữa.
Đúng như nhà phê bình Đặng Tiến đã viết: “Nhạc phổ Thơ của Phạm Duy là âm vang của thời đại qua thi ca. Cũng là âm vang của thi ca qua thời đại”.
*
Một ngày cuối tháng năm, đi học về thấy em gái và các bạn đang tập múa bài Trồng Cơm. Các em vừa hát vừa múa, nghe rất hay. Bài hát mang âm hưởng dân ca Bắc bộ của Phạm Duy, tôi đã nghe nhiều lần, nhưng hôm nay nghe sao rộn ràng, lẫn những khoảng lặng rất lạ.
“Tình bằng có cái trống cơm,/Khen ai khéo vỗ (ố mấy) bông nên bông (ố mấy) bông nên bông./ Một bầy tang tình con xít, một bầy tang tình con xít,/ (Ố mấy) lội, lội, lội sông (ố mấy) đi tìm em nhớ thương ai,/ Đôi con mắt (ố mấy) lim dim, đôi con mắt (ố mấy) lim dim. / Một bầy tang tình con nhện (a á a),/ (Ô mấy) giăng tơ, giăng tơ (ố mấy) đi tìm em nhớ thương ai,/ Duyên nợ khách tang bồng, duyên nợ khách tang bồng./ Một bầy tang tình con nhện (a á a),/ Duyên nợ khách tang bồng.” (TRỐNG CƠM – 1950?)
“Một bầy tang tình con xít”, nhưng em tôi lại hát “một bầy tang tình con nít”. Sau này qua tìm hiểu tôi biết con xít là một loại chim ở miền Nam gọi chim trích cồ, có nơi gọi là trích xanh, công nước hay công đất…Đây là giống chim đẹp với màu lông xanh mướt, màu đỏ của mỏ và mồng.
Phạm Duy đã dùng giai điệu giàu chất dân gian cho một bài hát có thể nói là “có một không hai” này. Tôi cũng đã từng say sưa nghe khi các giàn nhạc giao hưởng chơi bài Trống Cơm.
Một bài hát mang âm hưởng dân ca tôi hay hát một mình: “Trèo lên, lên trèo lên/ Trèo lên, lên trèo lên/ Lên cây bưởi hái hoa/ Bước ra, ra vườn cà/ Bước ra, ra vườn cà/ Cà hái nụ tầm xuân/ Nụ tầm xuân, ơi nụ tầm xuân/ Nở ra, xanh ơ biếc/ Em lấy chồng, em đi lấy chồng/ Anh tiếc, tiếc lắm thay....Giờ đây, đây giờ đây/ Giờ đây, đây giờ đây/ Đây em đã có chồng...Em đã, đã có chồng/ Như chim, chim vào lồng/ Như cá ngậm mồi câu/ Cá cắn câu, biết đâu mà gỡ/ Chim vào lồng, biết thuở nào ra” (NỤ TẦM XUÂN -1954).
Từ một câu ca dao dân dã được nhiều người biết, đến một bài hát có giai điệu “sang trọng, đê mê” không phải là chuyện một sớm một chiều, mà là sức sáng tạo lớn lao được tôi luyện trong nhiều năm tháng. Phạm Duy thật tài tình!
*
Lứa tuổi đôi mươi tham gia công tác từ thiện với nhóm Caritas, hội Hồng Thập Tự, những buổi đi khám bênh, những lần đi phân phát nhu yếu phẩm, quần áo, những bài ca của Phạm Duy theo chúng tôi trên đường: những bài TÂM CA kêu gọi yêu thương, yêu chuộng hòa bình.
“Tôi sẽ hát to hơn súng nổ bên bờ ruộng già/ Lời tôi ca, lời tôi ca xin lúa đừng lo/ Lời tôi thay cho tiếng đạn bay/ Lời tôi xây cho vững tay cầy/ Rồi đêm đêm xua ác mộng đầy... Tôi sẽ hát to nhưng hát nhỏ như lời nguyện cầu/ Lời yêu nhau, lời thương nhau cho đến dài lâu/ Lời tôi ngoan như tiếng trùng kêu/ Lời tôi vang như tiếng chuông chiều/ Lời tôi cao như tiếng ngọn diều/ Lời tôi sâu như tiếng tình yêu/ Lời tôi sâu như tiếng tình yêu” (TIẾNG HÁT TO hay Tâm Ca số 2 – 1965).
“Hát với tôi trong nỗi vui hay trong cơn buồn/ Hát với tôi qua tiếng reo hay bằng lời than/ Đời đẹp thì ta hát vẻ vang/ Đời buồn thì ta hát nỉ non.../ Hát với tôi nào!/ Hát với tôi nào!/ Hát với nhau những lời hôm nay cùng hát/ Hát với tôi nào! Hát với tôi nào! Hát với nhau những lời của người Việt Nam”...(HÁT VỚI TÔI - Tâm ca số 10) - 1965).
“Sáng nay vừa thức dậy,/ Nghe tin em ngục ngã nơi chiến trường!/ Nhưng trong vườn tôi Vô tình, khóm tường vi vẫn nở thêm một đóa./ Tôi vẫn sống, vẫn ăn và vẫn thở!/ Nhưng biết bao giờ/ Tôi mới được nói thẳng / Những điều tôi ước mơ?...” (TÔI ƯỚC MƠ – Tâm ca số 1 – 1965).
“Kẻ thù ta đâu có phải là người/ Giết người đi thì ta ở với ai?/ Người người ơi! Yêu mến người mãi mãi!/ Người người ơi! Yêu mến người không nguôi. (KẺ THÙ TA ĐÂU CÓ PHẢI LÀ NGƯỜI - Tâm Ca 7 1965).
“Giọt mưa trên lá nước mắt mẹ già/ Lã chã đầm đìa trên xác con lạnh giá./ Giọt mưa trên lá nước mắt mặn mà/ Thiếu nữ mừng vì tan chiến tranh chồng về/ Giọt mưa trên lá tiếng khóc oa oa/ Ðứa bé chào đời cho chúng ta nụ cười/ Giọt mưa trên lá tiếng nói bao la/ Tóc trắng đậm đà êm ái ru tình già./ Giọt mưa trên lá bối rối, bồi hồi,/ Ráo riết, miệt mài, em (anh) biết yêu lần cuối...Giọt mưa trên lá bỡ ngỡ, xôn xao,/ Cuống quít, dạt dào, anh (em) biết yêu lần đầu/ Giọt mưa trên lá thấp thoáng, bơ vơ/ Khép nép, đợi chờ, xa cách nhau vài giờ/ Giọt mưa trên lá dĩ vãng xa xôi...”(GIỌT MƯA TRÊN LÁ – Tâm ca số 4)
Mười bài hát Tâm Ca gắn liền với tuổi thiếu niên của tôi và lưu giữ cho đến tận bây giờ khi tóc đã hóa mây. Hát lúc vui, hát lúc buồn, hát lúc thấy bơ vơ lạc lỏng, hát lúc thấy lòng nát tan...
*
Vào những năm đầu của thập niên 90 của thế kỷ XX, khi các con tôi cần một thứ âm nhạc thích hợp, tôi đã đi tìm và thu những bài hát thiếu nhi của ông. Tôi ngạc nhiên vả rất thích thú khi nghe Thái Hiền hát các bài ca: “Con chim chích chòe” “Chú bé bắt được con công: hay “Ông Trăng xuống chơi”, “Bé bắt dế”. “ Tuổi ngọc”, “Tuổi hồng”.
“Bắt được con công, chú bé bắt được con công/ Đem về biếu ông, biếu ông, ông cho con gà/ Đem về biếu bà, biếu bà, bà cho quả thị/ Đem về biếu chị, biếu chị, chị cho quả chanh... Buồng cau trả chú/ Tu hú hú trả anh/ Quả chanh trả chị/ Quả thị trả bà/ Con gà trả ông/ Nghe không chú bé...” (CHÚ BÉ BẮT ĐƯỢC CON CÔNG – 1973)
“Ông trăng trả vợ đàn ông trả chồng cô gái trả trái cây cà/ Trả hoa cây bưởi trả lưỡi cần câu trả tàu con ngựa/ Trả nhựa cây sung trả vung nồi chõ trả mõ ông chánh/ Trả lính nhà vua trả chùa cho bụt trả bút học trò/Trả mo cây cau/ Trả mo cây cau/ Trả mo cây cau”. (ÔNG TRĂNG XUỐNG CHƠI – 1973)
“A! này bé! Con dế nó đậu cành tre/ Em bắt đem về, hát xẩm mà nghe/ Đừng bắt đem về đánh lộn làm chi/ Loài giun dế mang tội gì (Loài giun dế mang tội gì)... A! này bé! con dế nó tội tình chi/ A! này bé! Con dế nó tội tình gì... A! này bé! Con dế nó ở đồng quê/ Chinh chiến lan về, nó phải tản cư/ Nó sống trên hè, quanh quẩn ngoại ô/ Làm thân sống nương, ở nhờ (Làm thân sống nương, ở nhờ)... A! này bé! có lẽ dế về miền sông/ Có lẽ lên rừng, hát cùng loài công/ Hay xuống cát vàng hát cùng hàng thông/ Ở giữa cõi đời mịt mùng, (Ở giữa cõi đời mịt mùng)/ A! này bé! con dế đến mùa phải đi/ A! này bé! rồi sẽ có ngày trở về”. (BÉ BẮT DẾ 1974)
Khi con tôi lớn thêm vài tuổi, tôi tìm thu băng cho con nghe các bài hát tuổi mới lớn: Những bài hát có giai điệu vui tươi, nhẹ nhàng, lời ca giàu hình ảnh, lành mạnh mà không kém phần mông mơ, thi vị.
“Nếu bé yêu anh anh mời đến ở/ Dưới mái thô sơ nơi vườn xanh cỏ/ Ngày thì chia nhau sách đọc mới cũ/ Để chiều còn ra tưới vườn quét lá... Quét lá trên sân vun thành đống nhỏ/ Bé sẽ cho anh cái quyền nhóm lửa/ Mặt trời đã tan giữa chiều êm gió/ Một ngày ra đi với một chiều mơ... /Bé có biết không khói mờ sắc huệ/ Khói trắng khơi lên kỷ niệm êm nhẹ/ Ngày nào xa xôi cũng nhỏ như bé/ Ngày còn mẹ cha những chiều đốt lá.../ Khói khói lên nhỏ nhoi/ Khói lên nhẹ hơi khói lên lả lơi/ Khói khói lên đầy vơi/ Khói lên tả tơi khói lên mù khơi. Khói khói lên đẹp ngời” (ĐỐT LÁ TRÊN SÂN 1974).
“Hôm nay em đi trời không có nắng/ Nhưng sao đôi má em lại bừng bừng/ Nơi em đi qua lửa không bốc cháy/ Nhưng sao đôi má em như người say/ Em không hung hăng giận hay tức tối/ Em không biết uống ly rượu người mời/ Đôi khi em đi hạt mưa giăng lối/ Nhưng sao dôi mắt em như mặt trời/ Tuổi Hồng soi! Tuổi Hồng soi!/ Tuổi Hồng soi! Tuổi Hồng soi!... Không ai ca vang ngoài kia trên phố/ Không ai ca hát nơi này, phòng nhà/ Nhưng trong tim em nhịp vui lia liá/ Trong tai em réo muôn vàn lời ca/ Chưa ai cho em một câu ân ái/ Chưa ai đưa lối hoa mộng đường dài/ Em chưa nghe thiên tình ca êm ái/ Nhưng em đã bước chân vào huyền thoại./ Tuổi Hồng ơi y oi! Tuổi Hồng ơi y oi!/ Tuổi Hồng ơi y oi! Tuổi Hồng ơi y oi!” (TUỔI HỒNG –1973).
“Xin cho em, một chiếc áo dài/ Cho em đi, mùa Xuân tới rồi/ Mặc vào người rồi ra/ Ngồi lạy chào mẹ cha/ Hàng lụa là thơm dáng tiểu thơ...Cho em leo từng con dốc dài/ Cho em suôi về con dốc này/ Rồi một ngày mai đây/ Từng kỷ niệm êm ái/ Chở về đầy trên chiếc xe này!...Xin cho em nhiều thêm chuyến xe êm đềm!/ Xin cho em nhiều thêm chuyến xe êm đềm” (TUỔI NGỌC – 1973).
Thu băng cho con nghe, nhưng bản thân tôi ở tuổi làm mẹ cũng rất thích nghe. Làm sao không thích được khi lời ca trong sáng, tươi vui giàu tính nhân văn như vậy được dẫn dắt bởi nhịp điệu nhẹ nhàng, cuốn hút. Tôi hát, các con tôi hát và đến tuổi làm bà tôi vẫn hát cùng cháu. Theo tôi đây là những bài bé ca, tuổi ngọc, tuổi hồng ca hay nhất mà tôi được biết.
Có một điều cho đến lúc này tôi thấy là cho các con, các cháu nghe nhạc Phạm Duy sớm là một việc làm đúng và cần thiết.
*
Phạm Duy sáng tác ĐẠO CA vào những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ XX, phổ từ những bài thơ của Phạm Thiên Thư. Tôi nghe Đạo Ca khá chậm, hơn 10 năm sau khi nó xuất hiện. Vào thời điểm này trong một dịp về Huế thăm mẹ đang bệnh nặng khó lòng qua khỏi. Đứng ngoài cửa phòng phẩu thuật bệnh viên trung ương Huế chờ ca mỗ của mẹ, lòng rối bời, nước mắt chảy dài. Chị Liên một cán sự điều dưỡng cũng là người trong nhóm Hướng Thiện của mẹ đến thăm mẹ và tặng cho tôi một băng nhạc cũ với 10 ca khúc Đạo Ca của Phạm Duy, chị nói với tôi: “Em về nghe đi cho lòng nhẹ bớt”. Trước đây tôi đã nghe một đôi bài trong mười ca khúc này chỉ nhớ mang máng về bài Một Cành Mai mà thôi.
Tối hôm đó dưới căn nhà của mẹ cha tôi mượn cái carssette của đứa cháu nằm nghe 10 bài Đạo ca trong khi ngoài trời mưa tháng mười ray rứt. Từng nốt nhạc, từng lời ca thấm từng giọt từng giọt vào hồn tôi.
“...Xưa em làm kiếp hoa, chết rũ trong nội cỏ/ Anh làm giọt sương sa, sầu thương em, lệ anh nhỏ/ Xưa em làm kiếp gió hay có làm kiếp mây/ Anh làm chim chích choè, trên đầu gậy, anh hát ca...A ha, ta tuy hai mà một! A ha, ta tuy một mà hai!/ A ha, ta tuy hai mà một! A ha, ta tuy một mà hai!...” (Đạo Ca 1 – PHÁP THÂN)
“...Muôn loài như mây lam, xin làm trời bát ngát/ Cho mây trôi bạt ngàn, như sương trong rừng trầm/ Muôn loài như hoa thắm, xin làm một ánh dương/ Cây cỏ mừng ánh nắng, tiếng chim hót dị thường... Thương người như thương thân! Thương người như thương mình!/ Thương người như thương thân! Thương người như thương mình!/ Thương người như thương thân!” (Đạo ca 2 – ĐẠI NGUYỆN)
“Thế rồi, một hôm Mẹ chết, hơi Mẹ trong trời chưa hết/ Ôm cả trần gian đầy vơi, nhân loại đeo tang người/ Tim Mẹ thành ra trùng dương, máu Mẹ thành sông thành nước/ Ôi đời trầm luân, Mẹ thương, chiếu ánh sáng từ quang./ Bây giờ Mẹ đã thành mơ, hơi Mẹ hoá thành hơi gió/ Bốn mùa ngồi nghe mọi nơi, tiếng Mẹ ru bồi hồi... Xưa là Mẹ đi tìm con, tiếng Mẹ ru buồn khắp chốn/ Bây giờ hiện thân Mẹ chung, tiếng Mẹ hát ru dịu dàng/ Tiếng Mẹ hát ru dịu dàng/ Tiếng Mẹ hát ru dịu dàng. (Đạo Ca 4 QUAN THẾ ÂM).
“ Cành mai đã rụng rơi, rơi rụng xuống cuộc đời/ Một cành mai rụng rời, làn hương vẫn chẳng phai/ Người không riêng của ai, nhân loại vẫn của người/ Ðặt mình trong dòng đời, tử sinh cũng là vui...Một cành mai, mai mãi, mãi mãi/ Một cành mai, mai mãi, mãi mãi/ Mãi mãi ... (Đạo ca 5 – MỘT CÀNH MAI).
“Ru con bằng vòng tay ấm, cho con yêu tiếng dịu dàng/ Ru con bằng bầu sữa nóng, cho con ơn mãi tình nồng/ Ru con bằng bài ca ngắn, cho con mến Nhạc và Thơ/ Ru con còn nhờ mây gió, tim con chẳng có vực bờ/ Ru con bằng rừng trên núi, con ơi, mưa nắng còn dài/ Ru con bằng đồi ven suối, cho con không oán thù người/ Ru con bằng cỏ hoa mới, trăng sao kết lại thành đôi/ Yêu muôn loại và muôn tánh, mai sau chẳng sống một mình... Ù ơ Mẹ ru con biết:/ Yêu thương như câu đầu lòng/ Nghìn năm còn đây thắm thiết/ Câu ru mạch máu Ðông Phương” (Đạo Ca 6 - LỜI RU, BÚ MỚM, NÂNG NIU).
“Chắp tay lạy Người, cho xin nụ cười/ Chắp tay lạy Trời, cho đám mưa rơi/ Chắp tay lạy Ðất, cho mầm cây tươi/ Chắp tay lạy Nước, cho mát cõi đời/ Chắp tay lạy rồi, lạy mãi không thôi/ Chắp tay lạy nữa... Mười phương mây nổi như cánh hoa trôi/ Như sóng ra khơi, như hơi gió thổi/ Như mây xa vời, như bóng hạc trời/ Tôi không là Tôi, Người không là Người (Đạo ca 9 - CHẤP TAY HOA)
“Xuân về trong gió, hoa lay lững lờ/ Xuân về đám mây, bướm vàng nhụy bay/ Xuân về lòng đất, mầm tươi nhựa trào/ Xuân về non cao, chim mừng suối reo .../ Mùa Xuân có không? Hay là cõi Tâm?/ Mùa Xuân có không? Hay là cõi không?/ Về nguồn về cội! Về nguồn về cội!/ Ðể rồi vươn tới, với lòng mênh mông ...(Đạo Ca 10 – TÂM XUÂN).
Kể từ hôm mẹ ra đi, những bài Đạo Ca là những khúc ca vuốt ve tâm hồn tôi, nâng niu nước mắt tôi, cầm nắm tay tôi, dẫn tôi xa lánh những nỗi buồn, nỗi lo và cho tôi những bông hoa tươi đẹp khi nhớ nghĩ về những ngày đã qua và mơ về những ngày sắp tới.
*
Sau Tết năm 1972, một buổi sáng đẹp trời , trên đường đến trường, tôi nghe từ một quán cà phê ven đường một bài ca có giai điệu rộn ràng với những ca từ rất lạ: nào là con chim lười, nào là con trâu già, nào là anh hippy trẻ... Sau đó tôi tìm hiểu thêm và biết rằng đó là những bài Bình Ca của Phạm Duy.
“Này em con chim lười/ Nhiều năm chim đau phổi/ Buổi sáng vắng tiếng chim cười vui/ Này em con chim gầy/ Chiều nay chim đứng dậy/ Và nó hát líu lo thật dài/ Cũng vì Hoà/ Bình đã về đây/ Cũng vì Hoà Bình đã về đây...Này em anh đã già/ Tuổi cao thiếu sức khoẻ/ Dù sống với trái tim cằn khô/ Này em anh đã về/ Thì xin nghe anh kể/ Chuyện mới, cũ, khóc vui tràn trề/ Những chuyện hoà bình có người nghe/ Những chuyện hoà bình có người nghe” (BÌNH CA 1)
“Nào người yêu, giã từ ác mộng / Ta đưa nhau tới cõi địa đàng / Về một nơi sông dài nước rộng / Ta yêu nhau trên bãi cỏ hoang / Nào người yêu xin đừng e ngại / Nơi ta đi, chó sói ngủ vùi / Một đàn nai mắt huyền thơ dại ... (BÌNH CA SỐ 8 – GIÃ TỪ ÁC MỘNG)
“Này hỡi, hỡi hoà bình !/ Này hỡi, hỡi hoà bình !/ Ngày sẽ tới, biết bao nhiêu mừng vui/ Mừng biết mấy chiến tranh đã tàn phai/ Quê hương ta xưa nay đã đẹp rồi/ Thêm xinh tươi, thêm vui, thêm tuyệt vời !/ Này hỡi, hỡi hoà bình ! Này hỡi, hỡi hoà bình ! (NGÀY SẼ TỚI – Bình ca số 10).
Tôi nghe và hát Bình Ca. Tôi yêu anh hippy trẻ đẹp tựa hình chúa hiền mơ, tôi yêu nơi sông dài, tôi yêu đàn nai mắt huyền thơ dại, tôi mong có hòa bình trên trái đất, hòa bình trong lòng mọi người.
Và tôi luôn mơ về một nơi bình an khi cầm máy chụp một bông hoa, một ngọn cỏ, một buổi sáng sương mờ, một chiều hoàng hôn vàng bóng.
*
Mùa hè năm 2000, Chị Ba về kỵ cha, chị cho tôi một dĩa hát gồm 10 bài Thiền Ca của Phạm Duy.
Tôi vốn không hiểu biết nhiều về thiền nhưng chị Ba bảo em cứ nghe đi rồi sẽ hiểu. Tôi nghe lần lượt các bài: Thinh Không, Võng, Thế Thôi, Không Tên, Xuân, Chiều, Người Tình, Răn, Thiên Đàng Địa Ngục, Nhân Quả.
Tôi nghe qua rồi nghe lại nhiều lần, tôi nhận ra rằng, không phải trong mười khúc THIỀN CA này mới thấy “Chất Thiền”, mà qua những bài ca khác của ông từ rất lâu về trước, khi hát tôi đã thấy thấp thoáng “bóng dáng Thiền” ( là chỉ là quan niệm của riêng tôi).
Trong bài Lữ Hành đâu đó tôi thấy vòng quay sinh tử, gió thổi, nôi chao:
“Người đi trong dương gian/ Thở hơi gió từ ngàn năm/ Gió lung lay Hoành Sơn/ Gió dâng cao biển Đông/ Người đi trong thanh xuân/ Sưởi hương nắng như lửa sống / Máu sôi như sắc trời/ Bước nhanh vượt chân trời...Người đi sâu muôn nơi/ Tình trinh uốn vòng tử sinh/ Bóng xe tang ngoại ô/ Chiếc nôi trong vườn chao/ Người đi trong nhân gian...” (LỮ HÀNH – 1953).
Trong bài Xuân Thì tôi đã thấy mùa Xuân chớm nở, nghe tiếng kinh cầu trong đêm, tiến súng, tiếng đờn và rồi: cười tuông nước mắt cho xuân tình dấy men.
“ Tình xuân chớm nở đêm qua/ Khi mùa chinh chiến đã lui ra ngoài đời/ Ngày xuân con én đưa thoi/ Có người nhớ tới những lời yêu mến nhau... Xa xa có tiếng kinh cầu/ Chiều trên/ dương thế mang sầu mênh mông/ Người đi giữa độ xuân nồng/ Nhìn nhau bỡ ngỡ rưng rưng lòng nhớ thương... Êm êm tiếng hát trăng tà/ Tình soi trên phím tay ngà gái trinh/ Người ôm nhân loại trong mình/ Cười tuôn nước mắt cho xuân tình dấy men” (XUÂN TÌNH – 1953).
Tôi nghe nhiều lần và nhận ra lời của Thiền Ca mộc mạc nhưng uyên áo, có sự chọn lọc tinh tế, đối nhau nhưng hòa hợp, rất riêng nhưng lại rất chung. Giai điệu thì du dương lúc cao vút, lúc lắng sâu, dẫn dắt ta vào cái không vô định nhưng rất gần cuộc sống.
“Một loài hoa không tên/ Không sắc không hương/mà như lòng tôi/ Lộng lẫy thơm lừng/ Tỏa ra bốn hướng/ Một ngọn suối không tên/ Bé nhỏ ngoan hiền/ Mà như lòng tôi/ Nỗi sóng lên đường/ Thành bốn trùng dương/ Và lòng tôi không tên/ Như suối hoa tiên” (Thiền Ca số 4 – KHÔNG TÊN).
“Thinh không/ Trống trải mênh mông/ Rộng rãi vô cùng/ Cao thấp vô lường/ À à a a bỗng/ Đầy ắp sinh trùng/ Tất cả là tôi/ Mà cũng là chung...Thinh không/ Vắng vẻ trầm ngâm/ Lặng lẽ âm thầm/ Yên tĩnh vô cùng/ À à a a/ Rộn rã tưng bừng/ Nhất nhất trùng trùng/ Nhưng cũng là không” (Thiền ca số 1 THINH KHÔNG).
Mấy năm gần đây có dịp đọc một bài viết của nhà thơ Thi Vũ – “ Thiền Khúc trên đường về - Nghe Thiền ca của Phạm Duy” tôi cảm nhận được nhiều hơn về các bài Thiền Ca này. Xin trích một đoạn dẫn giải:
“Truyền thống tu học của Thiền nhắm giải phóng mọi hệ lụy, khổ đau, nô lệ, quan trọng nhất là sự hàng phục Tâm. Quá trình hàng phục tâm trải qua ba giai đoạn : một là bắt cái tâm ; hai là ý thức cái tâm vô tâm ; và ba là bình thường tâm trong cuộc sống đời một cách an nhiên tự tại, tức đạt tới Tự do tối hậu.
...
Cách đây mười thế kỷ, phương pháp giải thoát này được một họa sĩ vẽ thành mười bức tranh hướng dẫn sự tu học, gọi là Bản vẽ mười cảnh chăn trâu (Thập mục ngưu đồ).
Phải đợi tới mười thế kỷ sau, mới có một nhạc sĩ đưa tranh vào nhạc : Phạm Duy qua Mười Thiền khúc.
Với tôi, mười khúc Thiền ca của Phạm Duy còn tới bằng con đường tâm cảm... Nhạc thấm theo hậu vị ngọt của trà. Nhạc thấm vào tôi như hương phả. Như chiếc áo cắt từ muôn mảnh thiên thanh vừa vặn với hồn mình. Dâng lên trong tôi mười âm ảnh rạt rào lưu luyến. Tôi nghe rõ từng cái cọ mình những tuyến sóng sáng ngời qua tiếng hautbois và sáo vờn đua, nhào nặn vũ trụ. Người tôi rung cơn an lạc, lung linh thiên thể. Cảm nhận từng hạt vôi li ti nơi đáy bịển trong ngần, đang vươn mình làm núi . Cảm nhận vô vàn cây cỏ, côn trùng, phù du đang vĩnh hằng qua những nháy mong manh. Bình yên, say đắm, hào hùng. Rồi trầm ngâm, tha thiết, an nhiên. Mười âm ảnh gợn qua mười Thiền khúc ấy là : Tinh mơ, Trưa, Vườn, Vực, Xuân, Chiều, Sông, Tiếng cười, Lễ hội, Trái.
Tinh mơ là lúc mặt trời đi lên, hôn phối khởi hợp. Trưa đứng bóng, ảo ảnh mất, bóng và người nhập một, mặt trời bắt đầu đi xuống. Chiều chấm dứt một hành trình, nắng tái sinh vào Trăng — con trăng chân lý. Giữa ba mốc Không-Thời của tâm tư ấy (Tinh mơ, Trưa, Chiều), khu Vườn hiện ra như một giao ước. Vực hố lắng sâu vào uyên tư tha thiết, trào thành Xuân, thành Sông vỡ Cười theo chân sóng tuôn về Lễ hội của mùa Trái. Mùa Trái là thứ quả trên ngực, tròn trĩnh thơm tho. Chứ không là hệ quả những nhân duyên buồn...” ( Thiền Khúc trên đường về - Trích từ Gọi Thầm Giữa Paris của Thi Vũ – Nhà xuất bản Quê Mẹ 1986).
*
Nghe nhạc Phạm Duy không thể không nghe những bài TRƯỜNG CA của ông. Theo tôi được biết Phạm Duy sáng tác khoảng chừng năm trường ca:
Con Đường Cái Quan khởi viết năm 1954 đến năm 1960 mới hoàn thành.
Mẹ Việt Nam 1963 - 1964
Hàn Mạc Tử 1994
Minh Họa Kiều 1975
Hai trường ca Con Đường Cái Quan và Mẹ Việt Nam khá quen thuộc với chúng tôi.
Thế hệ tôi, học sinh, sinh viên đa phần đều đã hát, xin trích dẫ vài hàng về ba phần Bắc – Trung – Nam:
“Tôi đi từ ải Nam Quan sau vài ngàn năm lẻ/ Chia đôi một họ trăm con đã lên đường/ Năm mươi người ngược núi rừng/ Đã dựng vòng biên ải/ Năm mươi người trẩy theo sông tới khơi chừng/ Tôi theo người vượt quan san/ Ơi ơi người ơi Ơi ơi người ơi/ Vẽ lối mòn gìn giữ quê hương ngăn dường giặc Hán/ Tôi chưa về Ải Chi Lăng/ Ơi ơi người ơi Ơi ơi người ơi/ Dưới chiến bào người thấy băn khoăn thương ai đầu nguồn... Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/ Có nàng Tô Thị (í a) đứng chờ... đợi ai/ Và khuyên người chẳng tái hồi/ Cho ngàn năm được (í a) sống đời... vọng phu...”
“Ai đi trong gió trong sương ơ/ Phải mau ơ phải mau để mà tới người ơi/ Kẻo đường ơi, người ơi còn xa/ Kẻo đường ơi, người ơi còn xa... /Hò hô hò hò ơi hò/Ai đi trên đường là dặm đường/ Đi mô mà vội vã à, cùng là hò khoan/ Hố hô hò khoan/ Hò hô hò hò ơi hò/ Khoan khoan tôi mời là mời bạn/ Vui là họp đoàn hôm nay chừ là nay/ Hố hô hò khoan...
Năm tê trong lúc sang xuân/ Tôi theo Công Chúa Huyền Trân tôi lên đường Đường/ máu xương đã lắm oán thương Đổi sắc hương lấy cõi giang sơn/ Tôi đi theo bước ái tình/ Đi cho trăm họ được hòa bình ấm no/ Đèo núi cao nghe gió vi vu/ Thổi phấn son bay tới kinh đô.
“Hò ơ ơ ớ ơ... hò/ Bớ anh đi đường vắng đường xa/ Dừng chân đứng lại (i ì)/ Hò ơ ơ ớ ơ... hò/ Nghe em đây ca đôi lời/ Nghe em đây ca đôi lời/ Chiều về trên cánh Đồng Nai/ Chờ người xây đắp ngày mai... Hò lơ hó lơ/ Lắng tai nghe tiếng ai đang hò lờ/ Hò lơ hó lơ/ Đèn nào cao cho bằng đèn Châu Đốc/ Gió nào độc cho bằng gió Gò Công/ Vợ chồng son đã nuôi lòng ước mong/ Thuận vợ chồng sẽ cùng tát Biển Đông...” (Trích đoạn CON ĐƯỜNG CÁI QUAN 1960).
Trường ca dài nhất của ông gồm 22 ca khúc là bài trường ca MẸ VIỆT NAM. Đó là một đại trường ca mà theo trang Adammuzic.com đã viết:
“Đại trường ca tôn vinh nét đẹp người phụ nữ Việt Nam từ ngàn xưa đến thời hiện đại. Cũng là một trường ca tôn vinh sự hi sinh của người đàn bà đất Việt qua bao thăng trầm lịch sử. Khác với trường ca Con Đường Cái Quan, trong Mẹ Việt Nam nhạc sĩ Phạm Duy ít sử dụng chất liệu dân ca đi rất nhiều, thay vào đó là âm nhạc phương tây chiếm phần lớn. Nhưng không vì thế mà lại mất đi cái hồn dân tộc. Đây là một bản trường ca khiến giới âm nhạc phương Tây vô cùng ngưỡng mộ và cũng là niềm tự hào lớn nhất của nền âm nhạc Việt Nam.
Trường ca bao gồm 4 phần Đất Mẹ, Núi Mẹ, Sông Mẹ, Biển Mẹ. 21 ca khúc được phân bổ như sau:
1. Đất Mẹ: Mẹ ta, Mẹ xinh đẹp, Mẹ chờ mong, Lúa mẹ, Mẹ đón cha về.
2. Núi Mẹ: Mẹ hỏi, Mẹ bỏ cuộc chơi, Mẹ trong lòng người đi, Mẹ trả lời, Mẹ hóa đá
3. Sông Mẹ: Muốn về quê mẹ, Sông còn mải mê, Sông vùi chôn mẹ. Sông không đường về, Những dòng sông chia rẽ
4. Biển Mẹ: Mẹ trùng dương, Biển đông sóng gợn, Thênh thang thuyền về, Chớp bể mưa nguồn, Phù sa lớp lớp mây trời cuộn bay, Mẹ Việt Nam ơi, Việt Nam – Việt Nam...”
Theo Phạm Duy, "Con đường cái quan" mang tính chất TẢ THỰC, "Mẹ Việt Nam" mang tính chất TƯỢNG TRƯNG "Hàn Mạc Tử" mang tính chất SIÊU HÌNH thì "Bầy chim bỏ xứ" mang tính chất ẨN DỤ.
Nhạc Phạm Duy đã đi vào tâm thức tôi ban đầu từ lời ca bình dị của cha cùng lời ca ngọt ngào của mẹ. Nhạc Phạm Duy theo anh chị em chúng tôi trên suốt con đường từ tuổi thơ đến khi khôn lớn, về già. Nhạc Phạm Duy cho chúng tôi những nốt thăng trầm, cho chúng tôi ngàn câu suy gẫm và giúp chúng tôi vượt qua bao âu sầu, giữ lại cho mình niềm tin tưởng, thương yêu, hy vọng vào cuộc sống, hãnh diện vì giống nòi.
No comments:
Post a Comment