Muộn Màng Là Lúc
Thầy Tích bị bệnh. Tiết học cuối được nghỉ. Khỏi nói cũng biết cả lớp vui mừng đến chừng nào.
Thằng Duy huých tay Khánh, rủ rê:
— Đi mướn bộ Dương Gia Tướng, rồi về nhà tao coi nghe.
— Được không đó ? Dù thích mê tơi, nhưng Khánh cũng e dè hỏi lại.
— Yên chí. Giờ này ba tao đi làm rồi. Chỉ có má tao ở nhà. Mình bật phim nhỏ thôi, má tao dưới bếp nấu cơm, không biết đâu.
Vậy là hai đứa gò lưng đạp xe ra cửa hàng cho thuê băng video, lấy vội 2 cuộn băng, rồi phóng thật nhanh về nhà Duy.
Buổi trưa con hẻm thật im ắng. Vài con chim sẻ lích chích chuyền cành, khua những bóng nắng lao xao xuống khoảng sân xanh mướt cỏ.
Duy lòn tay qua cổng rào mở khóa. Hai đứa lách vội vào cổng, dựng xe bên hông nhà rồi rón rén bước lên lầu. Gương mặt hí hửng của hai đứa chợt khựng lại, khi thấy ba Duy và hai người khách lạ đang ngồi quanh bộ salon.
Duy luống cuống làm rớt hai cuộn băng xuống nền gạch nghe lộp cộp.
Khánh buột miệng kêu lên:
— Thôi chết rồi.
Bác tư, ba Duy, giật mình quay lại:
— Giờ này sao không ở trường hả? Tụi bây lại trốn học xem mấy cái phim nhảm nhí đó phải không?
Duy lí nhí:
— Dạ, thầy bệnh nên tụi con được nghỉ sớm.
Bác tư quắc mắt:
— Xuống dưới nhà, mau.
Hai đứa sợ quá, co chân chạy xuống lầu.
Khánh lủi nhanh ra sân, dắt xe về, không kịp chào thằng bạn một tiếng.
Ngày hôm sau, chuông vừa reo báo hết giờ học, Duy lại quay sang Khánh rủ rê:
— Về nhà tao chơi nghe.
Khánh xá dài:
— Thôi đi thằng ông nội. Tao khiếp ba mày lắm rồi.
— Là ba tao kêu mày đến đó.
Thấy Khánh trố mắt nhìn, Duy đưa ngón tay lên lưỡi liếm, rồi giơ cao lên:
— Tao thề… Mày mà từ chối là ba tao giận à.
Suốt chặng đường, dù Khánh có gặng hỏi thế nào, Duy vẫn không nói lý do. Nhìn cái mặt ra vẻ bí mật của nó, Khánh chỉ muốn đấm cho một phát.
Khánh học giỏi nhất nhì lớp, còn Duy học dở nhất nhì lớp. Nhưng cả hai là đôi bạn thân, vì nhà hai đứa cùng ngõ, đi học lúc nào cũng í ới gọi nhau từ cấp một đến giờ. Hai đứa cùng thích đá banh, chiều cuối tuần nào cũng tụ tập ngoài ngõ cho đến tận lúc ông mặt trời lặn mới khoác vai nhau về.
Đến chơi nhà Duy đã nhẵn mặt, mà sao lần này Khánh run quá. Nó đứng chần chừ dưới chân cầu thang, phải đợi Duy giục mấy lần mới dè dặt bước lên.
Bác tư bảo hai đứa ngồi xuống ghế salon rồi giới thiệu:
— Đây là cháu Khánh. Và đây là bác hai và bác ba.
Khánh nhận ra hai người khách hôm qua. Nó cúi chào lễ phép:
— Cháu xin chào hai bác.
Bác hai bắt chuyện với Khánh:
— Cháu tên Quốc Khánh phải không. Ba mẹ đặt tên hay nhỉ.
Được khen, Khánh hãnh diện khoe:
— Dạ, ông nội cháu nói: “Dòng họ mình đều là tướng tá của quân lực VNCH, mà thằng Cháu đích tôn lại sinh ngày 26/10, thì nhất định phải chọn tên cho nó là Quốc Khánh“.
Ba người lớn đưa mắt nhìn nhau. Bác Ba gật gù:
— Thế ba cháu làm gì nhỉ ?
Khánh lộ rõ vẻ hãnh diện khi nói về ba mình:
— Dạ, ba cháu là đại tá binh chủng nhảy dù.
— Ba cháu có sắp về phép không?
— Dạ, cháu nghe mẹ nói là tình hình chiến sự căng lắm, nên không biết bao giờ ba mới về.
Bác tư vỗ đầu Khánh và Duy, ra chiều quan trọng:
— Đúng là tình hình chiến sự bây giờ rất căng thẳng. Đất nước chúng ta sắp bước vào một giai đoạn lịch sử mới.
Bác hai đằng hắng lấy giọng:
— E hèm… Nói cụ thể là đất nước chúng ta sắp hết chiến tranh. Sẽ thống nhất và hòa bình mãi mãi. Các cháu có muốn điều đó không?
Không cần suy nghĩ, Khánh gật đầu ngay.
Khánh muốn điều đó quá đi chứ. Ba sẽ không đi đến những nơi nguy hiểm mà ở cạnh nó và mẹ mỗi ngày.
— Chiến dịch lịch sử này có thắng lợi hay không, là nhờ sự đóng góp của tất cả chúng ta.
Giọng bác hai hạ thật thấp, khiến mọi người phải chú ý lắm mới nghe thấy.
Khánh và Duy không hiểu gì cả, nhưng nghe bác nói hai từ “chúng ta “, cũng cảm thấy như mình quan trọng hẳn lên.
— Nhưng tụi cháu còn nhỏ, có biết làm gì đâu. Khánh nuốt nước bọt, rụt rè.
— Sao lại không làm được gì hả cháu? Bác ba quả quyết. Các bác làm việc lớn. Các cháu làm việc nhỏ. Cả nhân dân chúng ta cùng hợp sức thì mới thành công chứ.
Theo lời các bác, tổ chức đã tin tưởng chọn Khánh và Duy để tiến hành nhiệm vụ lịch sử. Đây là một trọng trách lớn, nên không được tiết lộ với ai, kể cả gia đình, thầy cô hay bạn bè. Nói chung là phải tuyệt mật để bảo đảm kế hoạch không bị phát hiện.
Trước mắt, hai đứa phải nắm bắt tình hình trường lớp, thầy cô mỗi ngày rồi báo cáo lại cho bác tư.
Riêng Khánh có thêm nhiệm vụ là báo cáo về những điều liên quan đến ba mình mà nó biết được qua mẹ hay những cuộc điện thoại với ba.
Bác tư cam kết là những điều đó giúp cho tổ chức nắm bắt được mọi tin tức, không những không làm hại gì ba nó, mà còn góp phần bảo vệ ba nó nữa. Vì:
— Chủ trương của chúng ta là người Việt mình phải yêu thương nhau. Đất nước thống nhất thành một dãy từ Bắc chí Nam. Sau này rồi cháu sẽ hiểu. Bác tư trấn an Khánh bằng luận điệu rất thuyết phục.
Mỗi ngày đến trường, Khánh có cảm tưởng mình lớn phổng phao hơn các bạn, bởi những trọng trách được tổ chức phân công. Đôi lúc, Khánh ví mình như điệp viên 007. Chỉ thiếu mỗi cặp kính đen.
Vừa sang tháng tư, mọi chuyện cứ bát nháo cả lên. Lớp Khánh bỗng nhiên có vài học sinh mới chuyển trường từ các tỉnh miền trung vào. Nghe nói tụi nó theo ba mẹ chuyển nhà, vì “tình hình ngoài đó không ổn“.
Thầy cô có vẻ bất an, hay đứng bàn tán với nhau thật lâu ngoài hành lang.
Ba Khánh bất ngờ trở về. Nhưng khác với những lần trước, lần này ba không vui vẻ chút nào. Ba không đưa đón Khánh đi học bằng xe Jeep, để Khánh có dịp lên mặt với bạn bè một chút, là “ba tao đấy, oách chưa “.
Khi đem các chuyện đó thuật lại cho bác tư, Khánh thấy bác nhíu mày, rồi thì thào vào tai Khánh:
— Cháu để ý xem ba cháu có ý định gì không, như là đi ra nước ngoài chẳng hạn.
— Tại sao ba cháu lại muốn ra đi ? Khánh ngạc nhiên hỏi.
— Vì ba cháu bị thành phần xấu tác động.
Khánh rơi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Không thể có điều đó được, vì ba luôn dặn Khánh phải là người tốt, phải làm những việc tốt. Làm sao ba có thể quen biết với người xấu được chứ.
Như đoc được sự nghĩ của Khánh, bác tư từ tốn giải thích:
— Chiến dịch lịch sử của chúng ta đang bị nhiều phản kháng từ các những tổ chức xấu và những nước ngoại bang như bọn Mỹ, chẳng hạn. Tạm thời ba cháu chưa ý thức được việc làm của mình vì chưa hiểu rõ vấn đề.
Bác tư chợt hỏi:
— Còn phần cháu, cháu có muốn đi không?
— Ra nước ngoài hả bác? Dạ không bao giờ đâu.
— Vậy thì về nhà nhớ để ý những hành động của ba mẹ nhé. Nhớ kịp thời nói cho bác hay, để tổ chức còn kịp giúp đỡ gia đình cháu, cháu nhớ chưa?
— Nếu cháu có gặp Khánh ở đâu, hãy nói với nó về nhà ngay nhé Duy.
Tiếng mẹ Khánh sụt sùi dưới nhà. Rồi có tiếng thằng Duy “dạ” thật to.
Khánh nép người bên cửa sổ nhìn xuống. Dáng mẹ lủi thủi bước đi làm Khánh đau thắt lòng. Khánh chỉ muốn chạy xuống ôm lấy mẹ, gọi “mẹ ơi ! “
Bác tư kéo tay nó lại và nói :
— Đàn ông phải tính đến việc lớn cháu à. Tin bác đi, rồi sẽ ổn cả thôi.
Tiễn mẹ Khánh về xong, Duy phóng nhanh lên lầu, thở phào:
— Trời ơi, suýt chút nữa là lộ chuyện rồi.
Mấy hôm nay Khánh trốn ở nhà Duy, theo lời bác tư. Bác nói:
— Chỉ có cách này là mới có thể giữ chân ba cháu lại.
Mà đúng thật. Lời bác tư nói như thần. Ba mẹ đã hủy chuyến đi theo dự định khi không tìm thấy con trai.
30/4. Bộ đội giải phóng tiến vào thành phố. Bác tư lấy những lá cờ xanh đỏ với ngôi sao vàng bằng giấy, cất tận đáy tủ ra, phân phát cho Khánh và Duy. Theo chân bác tư, Khánh và Duy chạy ra đường, vừa vẫy cờ vừa hô to đến khản cả cổ:
— Hồ chí Minh muôn năm.
Đến chiều thì Khánh về nhà, tay vẫn còn cầm lá cờ, mồ hôi nhễ nhại.
Mẹ ôm Khánh vào lòng nức nở:
— Con dại ơi là dại, Khánh ơi!
Riêng ba không nói gì. Ba chỉ lặng lẽ nhìn Khánh với ánh mắt đau đáu. Trong ánh mắt đó, dường như ẩn chứa bao nỗi niềm. Có sự thất vọng, sự đau đớn, sự bất lực lẫn yêu thương.
Bất giác, Khánh cúi đầu xuống.
Những ngày tiếp đó có rất nhiều biến chuyển. Chính quyền mới tiếp quản một ngôi nhà vắng chủ làm cơ quan chính phủ lâm thời. Trong số những cán bộ chủ chốt, có bác hai, bác ba và bác tư.
Khánh gần như không ở nhà. Nó và Duy bận rộn suốt ngày trên cơ quan để giúp các cán bộ hay xuống khu phố vận động phong trào thanh thiếu niên. Hai đứa hãnh diện lắm. Chúng thấy mình đang làm đại sự.
Nhưng mỗi lúc về nhà, Khánh lại mang cảm giác áy náy. Cứ cảm thấy như mình đang làm một điều gì sai trái. Không khí trong nhà chùng xuống một cách lạ lùng.
Mẹ đi ra đi vào như chiếc bóng. Ba giam mình trong phòng. Chẳng ai nói với ai lời nào. Chỉ có tiếng radio thỉnh thoảng vang nho nhỏ tin tức của đài BBC, với âm thanh nghèn nghẹt vì sóng từ bị nhiễu.
Rồi một hôm, theo lệnh của chính phủ lâm thời, ba thu xếp hành lý đi tập trung học tập cải tạo.
Đây là khóa học dành cho Nguỵ quân, ngụy quyền— những binh si, si quan chế độ cũ. Địa điểm tập trung là khu cư xá nằm trong khu phố, mà không biết bằng cách nào, chính quyền mới đã tiếp quản hoàn toàn.
Ba xốc ba lô lên vai, an ủi mẹ:
— Họ nói chỉ tập trung vài ngày thôi mà, em đừng lo nhé.
Mẹ lặng lẽ gật đầu, đôi mắt đỏ hoe.
Quay sang Khánh, ba xoa đầu nó dặn dò:
— Con ở nhà thay ba chăm sóc mẹ nhé.
Thoáng ngần ngừ, ba tháo chiếc nhẫn trên tay mình và lồng vào ngón tay của Khánh:
— Mỗi khi nhìn chiếc nhẫn này, con hãy nhớ đến ba. Đừng vội nghe lời người khác, mà phải biết suy nghĩ đúng sai.
Con trai ba, hãy luôn sống thật tốt, nghe chưa.
Về khóa học này, Khánh đã được bác tư thông suốt trước, để về làm công tác tư tưởng cho ba. Nhưng lúc này, sao Khánh chẳng nói được câu nào. Có cái gì đó dâng lên trong lòng Khánh, mơ hồ nỗi lo âu.
Khánh ngước nhìn ba. Ánh mắt ba nhìn lại Khánh đầy sự thương yêu xen lẫn xót xa.
Thốt nhiên, Khánh ôm chẩm lấy ba nức nở:
— Ba ơi, Ba về sớm với mẹ và con nghe ba.
Ba ghì Khánh vào lòng, gật đầu và thở dài rất nhẹ.
Thoắt đó mà đã hơn nửa tháng rồi. Ba vẫn chưa về. Mẹ thắc thỏm chờ đợi. Khánh cũng mong ngóng ba lắm.
Rồi một buổi sáng mẹ rời nhà vội vã sau cuộc điện thoại của thím hai Trọng.
Một lúc sau, mẹ trở về, đổ gục xuống ghế như một cái xác không hồn.
— Họ mang ba đi mất rồi, con ơi. Mẹ nói trong tiếng nấc nghẹn.
Khánh hốt hoảng đỡ lấy mẹ:
— Chuyện gì vậy mẹ?
— Thím Hai Trọng gọi điện báo cho mẹ, là có mấy chiếc xe bít bùng chở những người học tập đi giữa khuya. Mẹ đến đó thấy vắng lắm. Cửa đóng hết. Có nhiều bộ đội cầm súng đứng canh bên ngoài. Họ đuổi không cho ai đến gần cư xá hết.
Chú hai Trọng là đồng hương với ba. Nhà chú thím ở đầu ngõ cư xá, nên những lời thím nói chắc chắn là đúng.
Đầu Khánh lùng bùng với bao hoang mang. Sao lại như thế được.
Khánh phóng nhanh ra cửa:
— Con lên trụ sở hỏi bác tư xem thế nào.
Khánh đến trụ sở phường, nháo nhác tìm bác tư.
— Bác ơi!
Bác tư khoác tay ngăn lời Khánh:
— Có chuyện gì nói sau. Bác có cuộc họp chi bộ khẩn cấp.
Khánh đành ngồi ngoài phòng, lòng nhấp nhổm không yên. Chiếc kim đồng hồ trên tường xoay đã hai vòng mà buổi họp vẫn chưa xong. Đến khi Khánh tưởng chừng hết kiên nhẫn, thì cửa phòng chợt mở. Mọi người bước ra, mặt đầy về quan trọng.
Vừa thấy bác tư ngồi vào bàn làm việc, Khánh đã tiến đến ngay:
— Bây giờ ba cháu ở đâu vậy bác? Bao giờ ba cháu về?
Bác tư từ tốn:
— Hay quá, bác cũng đang định gặp cháu đây.
Cuộc họp vừa rồi liên quan đến việc học tập cải tạo của Nguỵ quân, ngụy quyền. Theo chủ trương nhân đạo của đảng và nhân dân ta, họ sẽ được học tập và lao động trong môi trường XHCN để trở thành công dân tốt.
— Vậy bao giờ ba cháu về? Khánh lo lắng lập lại câu hỏi lúc nãy.
Bác tư nghiêm nét mặt:
— Ba cháu và những ngụy quân ngụy quyền khác có quá nhiều nợ máu với dân tộc. Nhưng Đảng và nhân dân ta đã khoan hồng, tạo cơ hội cho họ bắt đầu lại cuộc đời mới. Nếu ai trong số họ học tập, lao động tốt và giác ngộ XHCN sớm, thì sẽ được về sớm thôi.
Giọng nói bác chuyển sang nhẹ nhàng, tình cảm hơn:
— Cháu không phải lo lắng gì cả nhé. Mạnh dạn lên. Vững vàng lên. Bác tin cháu sẽ hiểu và trở thành nhân tố tích cực để động viên những gia đình có người đi học tập nhé.
Khánh ngập ngừng gật đầu:
— Dạ.
Bác tư đứng lên đưa Khánh ra cổng. Tay bác choàng qua vai Khánh thân mật. Mọi người cúi chào vị chủ tịch phường. Khánh thấy có những ánh mắt nhìn theo hai bác cháu. Gương mặt Khánh chợt toát lên vẻ tự hào.
Vừa thấy bóng Khánh, mẹ chồm người lên hỏi dồn dập:
— Con đã gặp bác tư chưa? Ông ấy nói thế nào? Ông ấy có biết họ đưa ba đi đâu không con?
Khánh diễn tả lại những lời bác tư đã nói:
— Theo chủ trương nhân đạo của đảng, ba và các ngụy quân ngụy quyền được chuyển đến một nơi chính quy hơn để học tập và lao động.
Mẹ nóng nảy:
— Tại sao ba phải học tập và lao động chứ?
— Vì ba và những ngụy quân và ngụy quyền có nợ máu với dân tộc. Khánh lập lại như cái máy.
Mẹ bàng hoàng:
— Nợ máu là…là…sao ? Rồi chừng nào ba về?
Khánh trấn an mẹ:
— Mẹ đừng lo. Nếu ba học tập tốt và giác ngộ sớm thì sẽ về sớm …
Chát! Một bạt tay như trời giáng vung xuống khi Khánh chưa nói dứt câu.
Khánh sững sờ nhìn mẹ. Chưa bao giờ mẹ đánh Khánh như thế.
Mẹ cũng nhìn Khánh trân trân, rồi nhìn bàn tay mình đang run rẩy. Lòng mẹ tan nát như có ai lấy dao cắt thành trăm ngàn mảnh vụn. Nước mắt mẹ cứ thế mà rơi lả chả.
Để có mặt trong đợt ra quân lần này, Khánh phải khó khăn lắm khi thuyết phục mẹ.
Lúc nghe Khánh nói dự định của mình, mẹ đã vặn lại:
— Tại sao thằng Duy con ông chủ tịch không đi, mà lại là con?
Khánh cười:
— Mỗi người có một chí hướng mà mẹ. Với lại, với lý lịch gia đình mình, con sẽ không thể vào đại học được bây giờ đâu. Sau khi đi thanh niên xung phong trở về, đường tương lai của con sẽ rộng mở.
— Làm sao con dám chắc điều đó? Những điều họ nói có bao giờ tin được đâu.
Giọng Khánh quả quyết:
— Con tin chắc chắn như thế, mẹ ạ.
Không thuyết phục được Khánh, mẹ buồn lắm. Mấy ngày trời mẹ giận không nói năng chi.
Nhưng đất không chịu trời, thì trời phải đành chịu đất. Suốt hôm qua, mẹ gom góp tiền, cặm cụi làm món thịt rim mắm ruốc, cho vào lon ghi gô để Khánh mang theo. Hành trang của Khánh, mẹ tự tay xếp từng cái đặt vào ba lô. Cả đêm mẹ loay hoay không ngủ. Chỉ cần nghĩ đến từ mai đây, Khánh không còn ở cạnh mẹ, mà đi đến một nơi heo hút, và cũng như ba, chẳng biết bao giờ sẽ về, là mẹ bật khóc tấm tức.
Khí thế của buổi đưa quân thật rầm rộ. Ban lãnh đạo phường có mặt đầy đủ, từng người cầm micro phát biểu những lời đầy đầy tâm huyết nhắn nhủ đến người đi.
Bác tư vỗ vỗ vai Khánh:
— Chúc mừng các cháu viết tiếp trang sử mới của dân tộc.
Duy giơ ngón tay lên:
— Mày oách thật đó. Lên đường mạnh giỏi nghe.
Khánh dặn dò:
— Mày ở lại thỉnh thoảng nhớ đến thăm giùm mẹ tao nhé.
— Cháu cứ yên tâm. Đây là nhiệm vụ của hậu phương mà. Bác tư khẳng định chắc nịch.
Đã đến giờ xuất phát. Khánh nhảy phóc lên xe, vẫy tay chào mọi người, chào thành phố. Tất cả ở lại nhé.
Đoàn xe nối đuôi nhau lăn bánh về phía trước. Tiếng hát của những người trẻ tuổi vang vang lên khúc ca hùng tráng “Việt Nam trên đường chúng ta đi…”
Trong mắt của họ mọi thứ thật rạng ngời. Nhưng, họ không hiểu, rằng nhiều khi cái đẹp chỉ là ảo giác lung linh mà mãi mãi không thể nào chạm tới ….
…. Như là bảy sắc cầu vồng.
Chú Hai Trọng lên thăm Khánh, mang theo một ký đường và một lon ghi gô ruốc. Chú nói:
— Ruốc này là của mẹ mày làm. Bả sợ trên này mày thiếu ăn. Còn đường này là của thím cho mày bồi dưỡng.
Khánh nghĩ đến những bữa ăn chỉ có nước mắm chấm rau luộc ở nhà mà thương mẹ quá. Để làm cho Khánh hộp ruốc này, hẵn mẹ phải khó khăn lắm. Còn ký đường này, chắc thím hai Trọng phải để dành cả 2 tháng trời mới có được; vì hợp tác xã hằng tháng chỉ bán cho mỗi nhà có nửa ký đường mà thôi.
— Trời ơi, con sức trai tráng mà. Khánh cười lớn dấu đi nỗi xúc động.
Nói chuyện được một lát, chú vội vã đòi về. Khánh cố giữ chú lại, nhưng chú nói “Tao đi lâu thím mày lại lo.”
Khánh đành đưa chú một đoạn. Khi đi xa xa khỏi lán trại một chút, chú lấm lét ngó trước ngó sau, rồi nói nhỏ:
— Phường kêu mẹ mày đi kinh tế mới. Mày liệu lo về, nói với thằng Duy một tiếng, may ra nó nể tình bạn bè mà giúp gia đình mày.
Buổi họp chi đoàn đã xong những phần cơ bản và kết thúc với phần đọc báo. Liên đội trưởng ngâm nga bài thơ mới nhất của Phạm Sĩ Sáu bằng một giọng trầm trầm nhưng rắn rỏi :
“ …Đã bốn mùa mưa chung vai đồng đội
Làm lính trận xa nên nỗi nhớ thật gần
Chúng tôi sống chan hòa trong tình cảm nhân dân
Khi đoàn kết đã trở thành máu thịt…”
Thường thì đây là thời khắc Khánh và mọi người mong đợi nhất. Những gian khó đã hoá thành những vần thơ chạm đến cung bậc sâu lắng nhất của lòng người, khi cuộc sống bỗng dung hòa giữa thực tại và lãng mạng.
Nhưng lần này, Khánh không thể nào tập trung được. Hai ngày trôi qua, lòng Khánh nóng như lửa đốt, không biết phải làm thế nào. Khánh chỉ muốn đi về ngay để xem tình hình ra sao. Mẹ yếu đuối như thế, lại một thân một mình, làm sao đi đến vùng kinh tế mới xa xôi làm những việc nặng nhọc của bọn thanh niên như Khánh được. Nhưng nói làm sao với liên đội trưởng bây giờ? Không khéo anh ấy đánh giá mình mất lập trường. Mà chẳng lẽ không về, mặc cho mẹ tự xoay sở, thì đành lòng nào…
Sau buổi họp chi đoàn, mọi người lần lượt giải tán. Trong văn phòng chỉ còn lại liên đội trưởng và Khánh.
— Đồng chí chưa về à? Có chuyện gì thế?
Khánh bối rối:
— Dạ, tôi muốn xin về phép vài ngày. Mẹ tôi… bệnh.
Liên đội trưởng không trả lời ngay, mà hỏi lại:
— Tiến trình kênh đào đến đâu rồi?
Ngạc nhiên vì tất cả đã được báo cáo trong buổi họp, nhưng Khánh vẫn đáp :
— Báo cáo, dự đoán sẽ hoàn tất khoảng nửa tháng nữa. Bắt đầu ngày mai các đại đội sẽ tăng ca để bảo đảm tiến độ.
— Chúng ta đang bước vào giai đoạn rất căng thẳng. Cần phải đồng lòng, hợp sức cho kịp tiến trình, để bà con có nước mà tưới tắm. Đã vào mùa hạn rồi.
Dừng một giây, anh nói tiếp:
— Trên lập trường cá nhân, tôi thông cảm sự lo lắng của đồng chí. Nhưng đây là tập thể, chúng ta phải vì mọi người, đặt lợi ích chung lên hàng đầu. Hơn nữa, chính sách hổ trợ của địa phương rất tốt, nhất là đối với gia đình neo đơn. Tổ dân phố và tổ phụ nữ sẽ chăm sóc bác, thay cho đồng chí.
Chợt có tiếng gõ cửa. Cả liên đội trưởng và Khánh giật mình quay ra.
Tính bước vào phòng:
— Chào thủ trưởng, cho em mồi nhờ điếu thuốc nhé.
Nhác thấy hộp diêm trên bàn, Tính vừa nhón lấy vừa nói:
— Em xin hộp diêm này nghe thủ trưởng.
Thái độ xấc xược của Tính làm Khánh khó chịu ra mặt.
Liên đội trưởng dễ dãi:
— Đồng chí cứ lấy dùng đi.
Tính giơ tay ra dấu chào:
— Cảm ơn thủ trưởng nhé.
Khánh phớt lờ không đáp lại cái vẫy tay của Tính.
Khi Tính khuất bóng sau ngõ rẽ, liên đội trưởng nhẹ nhàng bảo Khánh:
— Chúng ta là một đại gia đình. Chúng ta không chỉ phấn đấu riêng mình, mà còn có trách nhiệm giúp đỡ những thành phần tiêu cực giác ngộ đường lối của đảng nữa. Tính là một điển hình. Đồng chí ấy rất cần sự giúp đỡ của chúng ta.
Đứng trước liên đội trưởng, Khánh luôn cảm thấy một niềm thán phục. Ẩn sau vẻ kiên quyết là sự giản dị, khoan hòa. Càng tiếp xúc với anh, Khánh càng thấy mến anh hơn.
Một tay cầm tập hồ sơ, tay kia anh chìa ra bắt tay Khánh, cái bắt tay chắc chắn của con người đầy nghị lực.
— Cũng đã khuya rồi, đồng chí về đi. Hãy yên tâm mà công tác tốt nhé.
Đường từ liên đội về các đại đội khá xa và tối. Nhưng Khánh đã quá quen thuộc, nên cho dù chỉ có ánh trăng hạ tuần thấp thoáng, anh vẫn điềm nhiên bước đi. Vừa qua cây cầu tre chênh vênh, Khánh chợt cảnh giác đứng lại khi thấy bóng người.
— Không xin được phép rồi phải không?
Khánh nhận ra giọng nói của Tính.
Không phải vô cớ mà mọi người trong đội đều ghét Tính. Là thành phần xấu mà địa phương đưa vào môi trường thanh niên xung phong để cải tạo, Tính vẫn không tiến bộ hơn một chút nào. Trên cương vị xê trưởng, Khánh luôn phải đau đầu vì có một thành viên như thế.
Tính cười vê vê hai ngón tay:
— Cứ như vầy là xong thôi. Đời này đ… có gì là lý tưởng cả.
Khánh vờ như không nghe thấy. Anh nghiêm giọng:
— Yêu cầu đồng chí về lán ngay. Muộn rồi.
Tính nhún vai, thản nhiên xòe quê diêm châm điếu thuốc:
— Về thì về. Đừng bảo là thằng này không chỉ cách cho nhé.
Khánh lặng lẽ nhìn theo bóng Tính. Anh lắc đầu thật mạnh, cố xua đi những suy nghĩ tiêu cực, nhưng lời nói của Tính cứ lởn vởn mãi. Khánh chợt nhớ ra, Tính chỉ gia nhập đội ngũ khoảng một năm, mà đã có hai lần phép. Dù cho lần nào hắn cũng có lý do chính đáng, nhưng … Nói sao nhỉ…. Đây cũng là một đặc cách …Không thể nào. Không thể nào đâu. Khánh thở hắt ra một hơi .
Ngày lao động đã chấm dứt. Các đội viên thanh niên xung phong túa về các đại đội. Gió lay ngã nghiêng hàng cỏ hai bên bờ kênh, gờn gợn như sóng nước. Từng ngọn gió mát buổi chạng vạng hong khô những giọt mồ hôi, thổi bay mệt mỏi của buổi lao động muộn vì tăng ca. Thiên nhiên đẹp như một bức tranh tuyệt tác.
Đoàn người đi băng băng trên con đường khô và nứt nẻ, cười nói vui vẻ không màng đến cái nóng làm gót chân bỏng rát. Văng vẳng tiếng hát, lẫn tiếng huýt sáo rộn ràng.
Khánh lùi lại một chút sau mọi người. Anh dừng lại, đưa mắt nhìn quanh, rồi dứt khoát rẽ về phía văn phòng liên đội.
Dù gì cũng phải thử một lần…
— Vào đi.
Liên đội trưởng lên tiếng mời khi nghe tiếng gõ cửa.
Khánh tần ngần đến trước bàn làm việc của anh:
— Chào đồng chí.
— Ngồi đi. Đồng chí có chuyện gì thế?
Khánh kéo ghế ngồi xuống. Anh gỡ chiếc nhẫn trên ngón tay mình ra và nói một cách khó khăn:
— Đồng chí giữ hộ cái này giúp tôi. Lao động mà mang nó thì vướng víu lắm.
Khánh gần như nín thở. Trong lòng Khánh là một sự mâu thuẫn. Bỗng dưng Khánh mong một cái đập bàn thật mạnh, kèm theo một tiếng hét, hay là một cái quắc mắt từ người mà Khánh coi như thần tượng.
Thoáng ngạc nhiên, nhưng liên đội trưởng nắm bắt tình hình khá nhanh. Anh cầm lấy ngay chiếc nhẫn:
— Thôi được, để tôi cất cho đồng chí nhé. Lúc nào cần thì tôi đưa lại.
— Dạ, không. Đồng chí cứ giữ ạ.
Liên đội trưởng ậm ừ, cầm lấy chiếc nhẫn, lướt nhìn qua, rồi cho vào túi áo.
Không khí trong phòng chợt lắng động ngượng ngùng.
Với rót tách trà đưa cho Khánh, liên đội trưởng chợt đổi thái độ ân cần:
— Chắc mấy hôm nay đồng chí lo cho bác lắm nhỉ. Thôi thì ta linh động lần này để đồng chí về chăm mẹ ốm vài ngày. Việc nước, việc nhà đều quan trọng như nhau, nhỉ.
Khi mở cửa cho Khánh, mẹ sửng người một phút rồi ôm chầm lấy anh vỡ òa ra tiếng khóc. Khánh cũng ôm mẹ thật chặt. Mắt Khánh cay xè. Mẹ già và gầy đi nhiều lắm.
Mẹ hỏi Khánh đủ chuyện. Nào là con có cực khổ lắm không. Nào đường xá khó khăn lắm không, con có mệt không… Những câu hỏi dồn dập không kịp nghe câu trả lời. Khánh có cảm tưởng mẹ đang nói để biết trong ngôi nhà đang có người hiện diện, xóa tan khoảng trống mênh mang nỗi cô đơn thường ngày.
Khánh nắm lấy bàn tay của mẹ, mân mê từng đốt tay gầy trơ, xương xẩu mà nghe rưng rưng quá đỗi.
Bữa cơm sum họp của hai mẹ con chỉ có đĩa rau, bát nước rau luộc làm canh, vài con cá khô chiên Khánh đem về, mà sao ngon lạ lùng. Lâu lắm rồi Khánh mới được ăn cùng mẹ như thế này. Và bao lâu rồi, mẹ vò võ nuốt nghẹn từng miếng cơm chan nước mắt?
Khánh xới thêm bát cơm, cố nài mẹ ăn thêm.
— Thằng Duy thế nào rồi mẹ ? Nó có hay ghé thăm mẹ không?
— Nó giờ là bác sĩ ở trạm y tế phường mình đó.
Khánh suýt phụt cả cơm trong miệng:
— Mẹ nói thằng Duy là bác sĩ à?
— Ừ, nghe nói nó học trung cấp y tế rồi chuyển sang học liên thông đào tạo thành bác sĩ.
Khánh đẩy ghế đứng lên:
— Con lên phường gặp thằng Duy một chút nhé.
Duy ngạc nhiên:
— Ủa, mày…
Khánh khoanh tay nhìn tấm gỗ khắc hàng chữ Bác sĩ Lê văn Duy đặt trên bàn:
— Chào ông bác sĩ nhé.
Duy hãnh diện khoe:
— Ba tao xếp làm tạm đây một vài năm, rồi liên hệ cho tao chuyển vào bệnh viện trung tâm .
— Tương lai nhỉ? À, bác tư vẫn khỏe chứ?
— Ba tao khỏe re. Ổng hôm nay lên thành phố họp đại biểu gì gì đó rồi.
Duy đẩy tách trà sang phía Khánh:
— Sao mày về phép đột xuất vậy?
Khánh đi thẳng vào vấn đề:
— Tao định nhờ mày nói giúp với bác tư thu xếp cho mẹ tao không phải đi kinh tế mới.
— Đây là chỉ thị chung của thành phố mà.
Khánh xuống nước:
— Biết thế. Nhưng mày thấy đó, mẹ tao già yếu quá rồi, lại một thân một mình thì làm sao mà đến những nơi xa xôi đó được. Nếu có sự giúp đỡ của gia đình mày, mẹ con tao sẽ không bao giờ quên ơn đâu.
— Nhà nước mình đã nhân đạo lắm rồi. Điều mẹ mày đi kinh tế mới đã là may. Xưa nay là tư sản phản động thì giờ tập lao động cho quen. Đổi đời rồi, đâu còn chuyện ăn trên ngồi trước mãi được.
Duy hừ tiếp một tiếng bằng giọng mũi:
— Tao nói mày đừng tự ái nhé: Một người cách mạng chân chính như ba tao không bao giờ tiếp tay cho bọn bán nước đâu.
Bốp! …
Khánh nắm chặt bàn tay, nghiến răng tung cú đấm thật mạnh vào gương mặt câng câng trở tráo của thằng Duy. Mắt anh vằn lên những tia máu đỏ căm hờn.
Khánh bị bắt ngay sau đó vì tội hành hung cán bộ nhà nước. Trước mắt, Khánh bị tạm giam chờ ngày ra tòa xét xử.
Những ngày trong trại tạm giam, Khánh đã bị những trận đòn bầm dập, vì thái độ lầm lì không chịu khai báo khi công an hỏi cung.
Rồi một buổi sáng, bỗng nhiên cửa phòng giam bật mở. Khánh được trả tự do.
Đón Khánh bên ngoài là chú hai Trọng. Chú nghẹn ngào ôm lấy Khánh, sờ vào những vết thương tấy máu tấy mũ trên mặt Khánh:
— Sao mày đi từ cái dại này sang cái dại khác vậy con?
Hai chú cháu ra thẳng bến xe. Khánh ngạc nhiên hỏi:
— Mình đi đâu mà không về nhà vậy chú ?
Chú hai Trọng thở dài:
— Nhà còn đâu mà về hả con. Mẹ con phải hiến cái nhà cho gia đình thằng Duy để nó bãi nại cho con đó.
Chú chép miệng:
— Vài nữa thu xếp xong, chú thím cũng về quê. Ở đó, ra vô nhớ gia đình mày buồn không chịu nổi.
Mẹ đã về quê nội trước ở vùng biển Bình Đại. Khoảng một tuần sau, từ nơi này Khánh đã lên đường vượt biên. Chuyến đi đó chỉ có một mình Khánh, vì mẹ muốn ở lại chờ ba.
Mẹ nói trong nước mắt:
— May ra Chúa Mẹ thương, cho ba trở về còn gặp mẹ. Hay chí ít nghe được chút tin tức gì của ba, để mẹ đi tìm.
Đó là lần cuối cùng Khánh nghe mẹ nói.
Chuyến đi của Khánh trót lọt.
Trong thời gian ở đảo, Khánh hay tin mẹ mất.
Hôm ấy biển động, giông gió ầm ào. Khánh đứng chơ vơ trên bãi cát, ngửa mặt lên trời khản tiếng gọi Mẹ ơi, Mẹ ơi! trong nỗi đau thống thiết. Đáp trả lại Khánh chỉ có tiếng sóng biển dập dồn xen lẫn những tia chớp xé ngang trời.
Mây chùng xám xịt. Mưa quất vào mặt Khánh từng cơn buốt rát.
Phía nào là chỗ mẹ nằm. Nơi nào là cửa biển Bình Đại quê nội xa xôi. Khánh xoay người nhìn quanh, chẳng xác định được đâu là phương hướng, chỉ thấy mưa giông mù mịt một trời.
Thật lâu, cho đến lúc khản giọng và mệt nhoài, Khánh rũ rượi khuỵu xuống mà đôi vai vẫn còn rung lên tiếng nấc.
Không còn ba. Không còn mẹ. Không còn mối liên hệ nào giữa Khánh và quê hương. Lúc đó, Khánh đã thề với lòng mình, rằng chẳng bao giờ trở về nơi ấy.
Khánh được nhập cư vào Mỹ. Một thân một mình nơi xứ lạ, Khánh bắt đầu lại cuộc đời mình từ con số “0”. Cuộc sống dần bình ổn, nhưng mỗi khi nhìn mặt trời xuống dần trong buổi hoàng hôn, lòng Khánh lại quặn lên nỗi đau nhưn nhức.
1995…
Bức email mới nhất của chú hai Trọng gửi cho Khánh, ngoài những câu thăm hỏi và kể lể chuyện bên nhà, còn có đoạn làm Khánh quan tâm:
“Có những chuyện mà chú thím không kể cho mẹ con nghe về những ngày ba con bị bắt giam trong khu cư xá đó, vì nói ra chẳng để làm gì, chỉ khiến mẹ con thêm đau lòng.
Nhà chú thím đối diện với khu cư xá, nên đêm đêm nghe rõ mồn một tiếng đánh đập tra tấn của bọn CS. Hình như chúng bịt miệng những “phạm nhân”, nên không nghe tiếng rên la, dù tiếng chày, tiếng cối, những cú đá, đấm nện thình thịch vào người họ.
Chung quanh khu vực này tụi nó canh gác rất kỹ lưỡng. Ban ngày đã vắng, ban đêm tuyệt nhiên không có bóng người lai vãng, nhà nhà đều đóng cửa im ỉm, không ai dám bàn tán điều gì, sợ liên lụy.
Tình cờ chú nghe người quen cho biết, khu cư xá này đang được trùng tu và bán ra thị trường.
Mọi chuyện rồi cũng qua đi. Nhưng nỗi đau và oan khuất mà những người vô tội phải gánh chịu, làm sao có thể qua đi, khi chẳng có gì bù đắp được cho họ…”
Cuộc đời đôi khi có những điều bất ngờ ngoài dự kiến của mình, như quyết định trở về Việt Nam lần này của Khánh.
Lấy phép, thu xếp hành lý, đặt vé … thật vội vã, Khánh làm tất cả theo cảm tính, không kịp nghĩ ngợi gì thêm. Chỉ ba ngày sau, Khánh đã có mặt tại con ngõ vào cư xá.
Vào vai của khách mua nhà, Khánh thong thả bước vào xem căn nhà đầu tiên. Công trình gần như đã hoàn tất. Chủ đầu tư chọn giữ lại cách bố trí, chỉ trùng tu các hư hỏng và sơn mới. Khánh kiên nhẫn đi xem từng căn nhà. Bên ngoài vẻ mặt bình thản, là bao nỗi quặn thắt trong lòng. Căn phòng nào trong những căn nhà này là nơi ba bị giam cầm, tra tấn. Ba ơi, con đã trở về và đến đây.
Không có một dấu vết nào cả. Không còn một dấu vết nào cả. Thợ thuyền đang làm nốt những công đoạn cuối và thu dọn vệ sinh.
Khánh vào căn nhà cuối cùng. Từng trệt cũng đã hoàn chỉnh. Mùi sơn mới xộc vào mũi. Tốp thợ lục đục nghỉ tay, chuẩn bị đi ăn trưa.
Những tiếng động ầm ỹ của công trình đang xây dựng phút trước bỗng im bặt. Không gian yên ắng hẳn. Căn nhà chỉ còn mình Khánh. Bước chân anh chừng như rón rén hơn trên những bậc cầu thang.
Một nửa tầng lầu bên ngoài đã hoàn tất. Nửa sau vẫn còn dang dở những mảng tường cạo ra nham nhở. Khánh dừng lại ở phòng tắm giữa nhà. Một bồn tắm nằm cũ chưa được thay mới. Đập vào mắt anh là mảng tường bên trên với những vết sẫm màu.
Khánh bật chiếc đèn pin nhỏ gắn trên móc khóa, kê sát vào tường và ghé mắt nhìn thật kỹ. Thoáng một tích tắc, tim Khánh nhói lên … Như là những vết máu khô.
Bên tai Khánh bỗng nghe có tiếng “ hực…hực..” nghèn nghẹn như là tiếng rên bị nén lại, sau mỗi cú nện xuống thẳng tay bằng khúc cây to. Và máu. Máu bắn lên tung toé khắp nơi. Bóng người ngã xuống, tả tơi như tấm giẻ và ngất đi. Có bàn tay hung hăng giựt miếng giẻ rách bươm đó nhấn mạnh vào bồn nước… Không phải, là bồn máu nhờn nhờn tanh tửi.
Là thật. Mọi thứ hiện ra trước mắt Khánh rõ mồn một trong thoáng chốc…
Khánh miết tay vào những vết máu khô bám trên tường. Trong tận cùng đớn đau, ân hận, anh thổn thức:
— Tha lỗi cho con. Tha lỗi cho con, ba ơi!
Biển Cát
No comments:
Post a Comment