Bản nhạc Tango trứ danh La Cumparsita
Ít người còn nhớ rằng chủ nhân của bản tango đình đám và được thu âm nhiều nhất lịch sử là một cậu sinh viên học ngành kiến trúc chỉ mới 18 tuổi. Câu chuyện như hoang đường này là có thật, khi cậu thanh niên có biệt danh “Becho” liều mình đưa bản nhạc mới sáng tác cho huyền thoại tango Roberto Firpo nhờ xem hộ.
Minh họa: preillumination-seth-unsplash
“Quốc ca tango” của nhân loại!
Đó chính là “La Cumparsita” (tạm dịch từ tiếng Tây Ban Nha: “Cuộc diễu hành nhỏ”) – một bản nhạc tango của tác giả Gerardo Matos Rodríguez người Uruguay sáng tác vào năm 1916, tính tới nay đã 107 năm!
Gerardo Rodríguez (1897-1948) viết nên bản nhạc này tại trụ sở Hiệp hội Sinh viên Uruguay và sau đó bán cho nhà xuất bản Breyer với giá 20 pesos. Sinh tại Montevideo, thủ đô Uruguay, Gerardo Rodríguez là con trai của ông chủ phòng trà Moulin Rouge có tiếng. Vào khoảng thời gian sáng tác “La Cumparsita”, anh đang theo học ngành kiến trúc. Sau “La Cumparsita”, Gerardo Rodríguez cũng viết nhạc cho nhiều vở kịch và chỉ huy dàn nhạc tango riêng ở Montevideo. Nhiều bản tango khác của ông cũng lần lượt ra đời nhưng không bản nào vượt qua được bản nhạc giản dị thời mới bước chân vào ngưỡng cửa âm nhạc. Ông từng chu du khắp châu Âu và sống tại Paris một thời gian. Năm 1931, ông soạn nhạc cho phim “Luces de Buenos Aires”, được quay ở Joinville-le-Pont, Pháp.
Gerardo Matos Rodríguez (file photo)
Những tư liệu còn lại cho hay rằng vào ngày 8 Tháng Hai 1916, Gerardo Rodríguez mang theo một bản hành khúc carnaval vừa mới viết, nhờ người bạn nói giúp để Roberto Firpo – một trong những người đầu tiên đổi mới thể loại nhạc tango cổ điển thời đó – xem và muốn ông góp ý, chỉnh sửa. Roberto Firpo nhanh chóng nhận ra rằng ông có thể biến nó thành một bản tango.
Nhận thấy bản nhạc nhịp 2/4 khá bình thường, Roberto Firpo ngồi vào cây dương cầm và chợt nhớ đến hai bản tango mà mình sáng tác từ hồi 1906 có tên là “La gaucha Manuela” và “Curda completa”. Ông trích một phần từ mỗi bài để đưa vào bản nhạc của Gerardo Rodríguez. Ông cũng dùng một phần trong bài “Miserere” (của Giuseppe Verdi) lấy từ opera để hoàn chỉnh cho tác phẩm. Sau đó, Roberto Firpo chơi dương cầm, cùng hai nghệ sĩ vĩ cầm, một nghệ sĩ bandoneón và một nghệ sĩ flute thu âm bản nhạc này vào tháng Mười Một 1916 cho hãng Odeon Records. Bản nhạc ra mắt trên mặt B của đĩa hát 78 vòng nhưng lúc đó không gây tiếng vang lắm.
Thế nhưng “cuộc đời thứ hai” của “La Cumparsita” thật sự bắt đầu vào năm 1924, khi nó được biểu diễn trong vở kịch “A Program Of A Night Club”. Trong vở kịch, những bản tango từng bị lãng quên lần lượt vang lên và “La Cumparsita” nằm trong số đó. Nội dung ca khúc kể về chuyện một cô ca sĩ phòng trà xinh đẹp bị quấy rối bởi những vị khách thô lỗ. Trong lúc cô và các vũ công biểu diễn thì một gã khách say rượu sàm sỡ các vũ công. Cô ca sĩ liền phản ứng và gã khách bất lịch sự tạt cả cốc nước vào mặt cô. Trước tình huống đó, một chàng trai trẻ xuất hiện và giải nguy cho cô ca sĩ…
Bậc thầy soạn nhạc người Uruguay Hector Passarella, khi nhớ về kỷ niệm lần đầu nghe “La Cumparsita”, đã thốt lên rằng: “Tôi ngay lập tức bị mê hoặc”. Điều khiến nó diệu kỳ nằm chính ở sự đơn giản nhưng sâu sắc. Nhiều người đã đồng tình với nhận xét của Hector Passarella: “La Cumparsita” là “quốc ca tango” của nhân loại!
“La Cumparsita” với phiên bản “Si Supieras” (do Pascual Contursi và Enrique Pedro Maroni đặt lời) đã được các giọng qua của nhiều thời kỳ trình diễn, trong đó có: Carlos Gardel (ca sĩ, nhạc sĩ, nhà soạn nhạc và diễn viên người Argentina gốc Pháp); Julio Iglesias (ca sĩ, nhạc sĩ người Tây Ban Nha); rồi phải kể đến Roberto Alagna, một giọng nam cao người Pháp gốc Ý…
Về hòa tấu, “La Cumparsita” được thể hiện bởi Richard Clayderman (nghệ sĩ dương cầm), Christoph Denoth (nghệ sĩ guitar), Valter Schiavi (nghệ sĩ accordion), nhóm nhạc Izidroguedes… Và không thể nào đếm hết clip của những cặp đã cùng nhau khiêu vũ trên nền bản nhạc này trên thế giới suốt hàng chục năm qua…
“La Cumparsita” còn trở thành nhạc nền của nhiều bộ phim, nổi tiếng nhất là cảnh Norma Desmond (Gloria Swanson đóng), một nữ minh tinh về chiều nhưng không chấp nhận thực tế mình hết thời, nhảy tango theo ca khúc này với chàng tình nhân trẻ (William Holden đóng) trong cuốn phim bất hủ “Đại lộ Hoàng hôn” (Sunset Boulevard) vào năm 1950. Bài hát còn xuất hiện trong các phim “Anchors Aweigh” (1945), “Some Like It Hot” (1959), “Take the Lead” (2006)…
Hơn một thế kỷ qua, “La Cumparsita” là bản tango được ưa chuộng nhất thế giới, bất kể dưới hình thức hòa tấu hay ca khúc. Ngày nay có trên 100 phiên bản “La Cumparsita” với nhiều ngôn ngữ được thể hiện. Có một CD với 20 phiên bản khác nhau của “La Cumparsita” được phát hành bởi hãng đĩa EMI mang tên “La cumparsita, veinte veces inmortal”. Thậm chí trên đấu trường thể thao, nhiều vận động viên thể dục dụng cụ cũng dùng các biến thể của bài này làm nhạc nền cho phần biểu diễn.
Nhắc đến “La Cumparsita”, cũng phải kể lại những thăng trầm khác, ngoài cuộc đời âm nhạc của nó. Khi Gerardo Rodríguez quên bẵng mất tác phẩm đầu tay của mình thì trong một lần đi nghe nhạc do nghệ sĩ vĩ cầm người Uruguay Francisco Canaro biểu diễn ở Paris, anh tình cờ phát hiện tác phẩm của mình rất nổi tiếng nhưng nó được biết đến với tựa “Si Supieras”. Lúc đó Gerardo Rodríguez là một nhà ngoại giao, giữ chức lãnh sự Uruguay ở Đức. Phát hiện “đứa con” của mình có một cái tên khác, Gerardo Rodríguez dành tới… hai thập niên để đấu tranh pháp lý đòi tác quyền và cuối cùng thành công khi lấy lại tựa đề cũ là “La Cumparsita”.
Số là sau khi mua bản nhạc “La Cumparsita” của Gerardo Rodríguez, nhà xuất bản Breyer đã bán lại tác quyền cho nhà xuất bản Ricordi. Lúc đó, Enrique Maroni và Pascual Contursi – hai tác giả chuyên đặt lời cho các bản tango – đã đổi tựa thành “Si Supieras”.
Chưa hết, tác phẩm âm nhạc này cũng là đề tài thưa kiện giữa hai quốc gia! Uraguay lẫn Argentina đều nhất quyết nhận “La Cumparsita” là của mình! Trong khi Uruguay coi nó là “quốc ca văn hóa” theo một điều luật có từ năm 1997 thì ba năm sau, trong lễ khai mạc Thế vận hội Sydney 2000, Argentina sử dụng “La Cumparsita” làm bản nhạc diễu hành cho đoàn vận động viên của họ, dẫn tới việc chính phủ Uruguay gửi công hàm phản đối. Vụ này khơi mào cho cuộc bút chiến gay gắt giữa truyền thông hai nước.
Điều khá thú vị là Uruguay và Argentina chỉ tranh giành bản “La Cumparsita”, còn điệu tango trứ danh thì hai quốc gia này hoan hỉ… chia đôi cùng hưởng vinh dự.
Tháng Mười 2009, theo đề nghị Uruguay và Argentina, UNESCO đã công nhận tango là “di sản văn hóa nhân loại”, và ghi xuất xứ là khu vực con sông Rio de la Plata chạy qua thành phố Buenos Aires của Argentina lẫn Montevideo của Uruguay!
Minh họa: pexels-los-muertos-crew
“Vũ nữ thân gầy” – Bản tango quyến rũ
“La Cumparsita” được biết tới rộng rãi tại Việt Nam qua bản lời Việt có tên “Vũ nữ thân gầy” của nhạc sĩ Phạm Duy. Bản Việt ngữ này đã được nhiều ca sĩ tên tuổi thể hiện, nhưng nổi bật nhất là Thanh Lan và Khánh Ly. Ca từ của “Vũ nữ thân gầy” chúng ta nghe lâu nay không giống với nguyên tác của Gerardo Rodríguez, và cũng chỉ giống bản “Si Supieras” ở tinh thần hoài nhớ quá khứ.
“Vũ nữ thân gầy” trở thành ca khúc tango nhạc ngoại quốc lời Việt phổ biến nhất miền Nam Việt Nam, trước khi bản tango thời thượng có tên “L’amour C’est Pour Rien” (“Tình cho không”, cũng do Phạm Duy đặt lời Việt) xuất hiện và “làm mưa làm gió”! “Vũ nữ thân gầy” là bản tango được ưa chuộng bậc nhất tại các vũ trường. Giai điệu có đoạn tiết tấu mạnh mẽ với những dấu lặng ngay đầu ô nhịp, có đoạn phóng khoáng, rồi bay bổng tạo nên sự tương phản quyến rũ…
Sau năm 1975, “La Cumparsita” được tác giả Nguyễn Tuấn Kiệt đặt một lời Việt khác, với tựa “Tango kỷ niệm”. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cũng viết lời Việt cho ca khúc này, với nhan đề “Ngân khúc Tango”. Năm 2008 có một tác giả soạn lời Việt lấy tên là “Tình hoài nhớ”. Hiện trên internet lưu giữ một dị bản tiếng Việt nữa, có tựa đề “Đêm hội ngộ” với lời khá hay nhưng không thấy ca sĩ nào hát lời này.
_____________
“Vũ nữ thân gầy” (bản tiếng Việt của nhạc sĩ Phạm Duy)
Đàn đã khơi rồi, trong lúc đêm tàn rơi
Đàn khóc ai hoài, cho héo hon lòng tôi
Đàn nhớ nhung người, như sắc hương tàn phai
Đàn cố nuôi lời, cho giấc mơ còn lơi
Ôi! Nghe tiếng đàn réo mà thương người
Nghe tiếng cười reo xót xa đời
Nhớ nhung đau thương mà thôi
Người vũ nữ, người xưa mến thương ơi
Nhớ tới hương đêm kinh đô chưa qua đời
Nhớ tới đôi môi nụ cười
Nhớ tới xa xôi, nay đã xa rồi.
Người vũ nữ ngồi bên cốc lên men
Bát ngát hương môi cho anh say mềm
Nhịp nhàng gieo trên sàn êm
Rộn ràng nghe bao lời điên
Của khách giang hồ say triền miên
Ta ghì cho tan vỡ trái tim này
Cho người ăn chơi nhíu đôi lông mày
Ta cười cho xanh ngát kiếp lưu đầy
Cho người vũ nữ khóc tấm thân gầy
Chưa nói yêu nhau mà lòng đã đau
Chưa nói mê say mà tình đã bay
Chưa biết môi em mà hồn đã quên
Đã qua một đêm…
*
“Vũ nữ thân gầy” qua giọng ca Ý Lan
La Cumparsita Tango - Gerardo Matos Rodriguez - Tango Dancers
Lê Hồng Minh
No comments:
Post a Comment