Sợi vắn, sợi dài
Khung Cửa Hẹp – Tranh Hoàng Thanh Tâm.
Nàng cầu cứu Đào:
– Tuần sau Đào rảnh, dẫn tui đi xỏ lỗ tai nghe.
– Ủa, chớ hồi giờ bồ hổng biết mùi bông tai là gì hả? Mất nửa đời người. Sao tự nhiên hứng bất tử, đòi đâm tóc, đâm tai vậy?
– Tới hôm nay, tui vẫn cảm thấy đời đẹp như mơ, dù tai tui không lủng chỗ nào. Mà tại chàng nhắc lui, nhắc tới là phải xâu lỗ tai, để mang cặp bông tai kim cương quà cưới của má chàng. Anh rất hãnh diện về món quà này. Nghe nói 5 ca-ra thì phải.
Bên kia đầu dây, có tiếng kéo ghế rột rột:
– Bồ chờ, chờ chút xíu. Tui ngồi xuống, lấy hơi, tui sắp sửa đứng tim vì... ganh với bồ đó. Bồ có chắc chắn, bồ nghe rõ không? Bồ có biết 5 ca-ra là bao nhiêu không?
Nàng cười khì khì:
– Ờ, tui nghe anh nói nhiều lần. Nhưng tui không nhớ rõ.
Nàng chợt nhớ đơn vị đo lường của “ta”. Hình như là lạng, phân, chỉ gì đó, bèn chỉnh lại:
– Nếu không phải 5 ca-ra, vậy thì 5 phân.
Tiếng Đào cười ré làm nàng giật mình. Đào vừa nói, vừa cố dằn lại trận cười:
– Thôi, thôi... đúng là con gà mờ. Hột xoàn to bây nhiêu bồ mang ở tai, chắc tai bồ bữa trước, bữa sau thành tai… Phật. Tui cho bồ hai cái túi ny– lông của siêu thị, mỗi túi bồ đựng một hột.
Đào hức hức:
– Bồ... bồ đi tìm cây thước, coi thử 5 phân là bao nhiêu. Chết, chết, tui cười sắp đứt ruột. Bồ hỏi lại ổng có phải 5 ly hay không? Mà nhớ nhen! Khoan kể cho ai nghe cái tài sản vĩ đại bồ sắp có.
Nàng tẽn tò:
– Ừ, hình như 5 ly. Mà, mà bộ như vậy là nhiều lắm hả?
Đào bớt cười, lên giọng đàn chị:
– Chơ sao. Đưa vàng bạc châu báu cho mấy người như bồ, phí của trời. Ừa, được rồi, thứ Bảy này tui dẫn bồ đi.
Nàng vẫn băn khoăn:
– Đào biết chỗ nào làm đàng hoàng, hợp vệ sinh không?
Nàng nhớ, hồi nhỏ nhìn thấy những trẻ em cùng lứa mang bông tai, nàng thường cành nanh. Sau này, Ba nàng kể rằng, sở dĩ Ba không cho con gái xỏ lỗ tai, vì đã thấy trường hợp nhiễm trùng rất nặng.
Đào trấn an:
– Bồ yên tâm. Xứ sở này làm gì cũng ngon lành. Tiếc là vành tai tui có hạn. Chớ không, tui đi xỏ vài chục lỗ rồi.
Đào cười hích hích:
– Được mang cái hột “xàn” bự như dzậy, phải cắt nửa lỗ tai, tui cũng chịu.
Đào hạ giọng:
– Ê bồ, mấy thằng em của ảnh, ván đã đóng... thùng chưa? Hay là bồ với tui làm chị em... cột chèo với nhau đi.
Nàng đã xỏ tai và ngoan ngoãn để chàng xỏ mũi dắt nàng lên xe hoa. Nàng đưa tay rờ rờ tai. Vậy mà “hạ tầng cơ sở” để mang bông tai đã hơn 20 tuổi. Đào không thành chị em bạn dâu với nàng. Tai nàng vẫn không thay đổi diện tích so với ngày chưa mang bông tai. Món quà cưới nàng đeo trong ngày vu quy của nàng, rồi cất kỹ trong tủ. Chỉ khi nhà chồng có tiệc tùng, cưới hỏi, nàng mới đem vòng nhẫn lấp lánh tròng lên đầu cổ như đồng phục của gia đình. Nàng đùa với Đào, người sang làm kim cương sáng thêm, còn người như nàng, chỉ làm hột xoàn thành hột xoàng thôi. Đào cười rúc rích:
– Ừa, biết rồi. Chỉ tình cho không, biếu không, đã đủ cho bồ hát inh ỏi rằng, cuộc tình quá lớn, ôi biết nói gì cuộc tình lớn quá.
Chàng yêu nàng say đắm, với những si mê khôn nguôi như buông vào tim/ Trong đáy tim anh yêu em... Nàng yêu chàng bằng trọn trái tim sôi nổi của tuổi đôi mươi. Yêu chàng, nàng yêu cả đường đi, yêu cả tông chi họ hàng của chàng. Nàng muốn nói với chàng, Your love's put me at the top of the world. Tình yêu tròn trịa như trái mù u.
Nàng phơi phới chân sáo. Nàng đang nhìn thấy màu hồng ở khắp nẻo đường nhẹ thấm vào hồn. Bỗng, nàng vấp, chúi nhủi. Chân ướt, chân ráo về nhà chồng, cô em chồng nghinh đón bằng câu nói đùa: “Thời buổi này, chỉ cần thảy ra mấy hột xoàn, con gái theo rần rần.”
Nàng sụt sùi:
– Đào coi, tình yêu tui trân quý biết bao nhiêu, mà trở thành vật chất, trần tục như vậy.
Đào ào ào:
– Ui, đúng là giặc bên Ngô không bằng mấy mụ cô bên chồng. Kệ mấy mụ. Bồ đâu thèm mấy cái hột đó. Bồ trả quách lại cho mấy con cà chớn đi.
– Thôi, làm vậy coi sao được. Tội anh đứng giữa, anh khổ tâm lắm.
Nàng làm bánh nậm mời nhà chồng. Vài tuần sau, cô em chàng gọi điện thoại rủ vợ chồng nàng đến cơm chiều. Cô em đãi món bánh nậm. Cô em nhận xét, miền Trung khô cằn, nghèo nàn. Cái gì cũng thiếu, chỉ có lá chuối là thừa. Bởi thế, cô em “hoàn thiện” món bánh nậm theo kiểu đồng bằng phì nhiêu của miền Nam. Cô em lấy bột gạo, pha chung với nước cốt dừa vào khuôn bánh tròn, phía trên cô em xếp kín những con tôm to (cô gọi là tép). Thuở ấy, tôm tép đắt gấp năm, gấp mười thịt bò. Đây thực là món ăn cực kỳ xa xỉ. Nàng thấy buồn cười. Vừa buồn, vừa cười. Nàng cười trong trí, đấy là bánh đúc, loại bánh người xưa bảo muốn no nên ăn, chứ không phải bánh nậm thanh cảnh. Nàng buồn ra mặt. Chắc người ta “mát mẻ” theo kiểu bề trên: “Chuột sa chĩnh gạo, sướng nhé!” Chàng tương kế tựu kế, cố làm đẹp lòng đôi bên. Chàng nấu những món ăn gia đình chàng thích, dán nhãn made by “my house”. Rốt cuộc, phản tác dụng. Các em của chàng biết tẩy, đâm ra bực chàng, gầm gừ: “Ổng đúng là làm chuyện ruồi bu. Mắc mớ gì phải hầu bả tới bến dzậy!”
Những khi gia đình chàng bàn về hột trong, hột đục, vàng núi, vàng non, nàng ngồi ngậm tăm, im phăng phắc. Chàng trách, nàng không hòa đồng. Nàng đành chịu, không thể tham gia câu chuyện, vì nàng thiếu kiến thức về nữ trang. Khi anh chị em nàng chuyện trò, chàng bỏ đi. Nàng rủ ngồi chơi, chàng giận dỗi: “Ba cái chuyện thơ văn, anh biết gì mà nói.” Tự lúc nào nàng chẳng rõ, trái mù u đã chuyển thành trái ấu. Nàng săm soi, tránh những góc cạnh, để đỡ trầy sướt.
Nàng đọc cuốn sách về đàn ông, đàn bà. Tác giả không phải bà con họ hàng gì với nàng. Cũng chẳng hàng xóm láng giềng. Ông John Gray ở tít tận lục địa khác. Mà sao câu chuyện ông ấy kể, giống hệt cảnh hai vợ chồng nàng đi dự đám cưới hôm nào. Tháng Mười, trời tối thật nhanh. Chàng làm tài xế, nàng làm “lơ” xe. Công việc tuy chia rạch ròi, nhưng chàng chạy theo ý chàng, chứ không theo “tư vấn” của nàng. Nàng đoán, chàng đã rời xa lộ hơi sớm. Nhìn những tên đường, địa danh hoàn toàn không giống bảng hướng dẫn đường đi.
Nàng dè dặt góp ý:
– Hay mình chạy trở ngược ra xa lộ đi anh.
Chàng nhíu mày:
– Em thì chuyện gì cũng rành, cũng giỏi.
Chàng vẫn tiếp tục rẽ trái, rẽ phải quanh quẩn trong phố, chứ không hề có ý định quay ra xa lộ. Thuở ấy, vợ chồng nàng chưa biết đến phát minh navigation. Đi đâu cũng dùng bản đồ bằng giấy, ngang dọc mỗi bề một mét. Càng lúc, những con đường chàng chạy chẳng ăn nhập gì với bản đồ trên tay nàng. Nàng đề nghị tạt vào cây xăng hỏi đường. Chàng gắt:
– Không chuyện gì phải ghé hỏi cho rắc rối. Đi một hồi phải đến.
– Tất nhiên mình sẽ đến. Nhưng lúc nào? Người ta tan tiệc, mình đến làm gì nữa. Tới trễ quá coi cũng kỳ.
Chàng cáu kỉnh:
– Đi ăn cưới. Chớ có phải trình diện hãng mà phải đúng giờ từng giây, từng phút.
Nàng băn khoăn:
– Đằng nào mình cũng trễ ít nhất là một tiếng đồng hồ.
– Nếu em biết đường, em chạy đi. Còn không, làm ơn để yên cho anh lái, cứ lải nhải, nhức đầu lắm.
Nàng nghẹn cổ, nhìn chăm chăm lòng đường. Nàng nhủ lòng, sẽ chẳng bao giờ góp ý, thêm lời, khi ngồi chung xe với chàng.
Vợ chồng người bạn đến chơi. Chồng Bắc, vợ Nam. Đến cửa, chưa thấy người, đã nghe giọng cô bạn líu lo:
– Bữa nay em đặc biệt làm mắm chưng cho anh nè. Em phải chờ chồng em ra khỏi nhà, em mới nấu. Tại ảnh dân Bắc kỳ, không ngửi được mùi mắm chưng.
Chàng coi bộ cảm động dữ:
– Trời, hàng độc, hàng hiếm à nhen. Anh phải cất kỹ, ăn từ từ.
Cô bạn quay qua nàng:
– Chị người Trung, chắc đâu biết mấy món miền Nam hả?
Cô bạn chẳng nhìn xem nàng gục hay lắc, nghiêng nghiêng đầu phía chàng, huyên thuyên:
– Chỉ có người Nam tụi mình mới hạp nhau thôi hén anh.
Anh bạn Bắc kỳ và nàng ngồi lạc lõng nghe hai người “Nam kỳ tụi mình” rôm rả chuyện trò. “Sầu riêng ngon hết xẩy. Chỉ dân sành ăn mới biết thưởng thức. Chời chời, mắm dà rau, ngon bá cháy hén... ” Anh Bắc kỳ lững thững ra vườn hút thuốc. Nàng thấy mình thừa thãi trong buổi mạn đàm của “đồng hương”, lẳng lặng xuống bếp dọn dẹp.
Một người quen sơ gửi gắm chàng sứ mệnh đặc biệt: Bán giùm chiếc xe cũ của đứa con gái riêng của chị ấy. Cả cuối tuần, chàng hì hục đại trùng tu chiếc xe, o bế không thua gì xe của chàng. Có người gọi đến hỏi tình trạng chiếc xe, chàng thao thao:
– Xe của con gái tôi ấy mà. Nó chạy đàng hoàng lắm. Tôi để ý dầu nhớt đều đặn. Ông yên tâm, xe còn ngon...
Người ta đến coi xe, chàng lăng xăng tựa như ông bán hàng chuyên nghiệp. Chờ chàng hớn hở tường thuật với chị ấy xong, rằng xe bán được giá. Nàng sa sầm mặt, dấm dẳng:
– Mình đâu có đứa con gái nào. Sao anh phải đặt chuyện bùm xùm như vậy?
Chàng xù lên:
– Em sao hẹp hòi. Người ta nhờ nói như vậy, cho dễ bán. Có mất mát gì đâu. Giúp bạn bè được chừng nào, hay chừng ấy.
Nàng mím môi:
– Nhưng đó đâu phải sự thật. Làm vậy là sai nguyên tắc.
Chàng gạt ngang:
– Em lúc nào cũng đúng, lúc nào cũng có lý. Vừa lòng chưa!
Chàng hầm hầm đi ra xe. Nàng thấy ngón tay mình run run khi bấm số gọi Đào.
Đào tức tối:
– Thiệt tình. Hổng chừng ít bữa bả nhờ chồng bồ bán xe của bả, biểu ổng nói là xe của vợ ổng, chắc ổng cũng nhận lời. Tui thả tay luôn.
Những cuộc điện đàm với Đào là những dịp cho nàng kể lể, xả giận.
Nàng mừng rỡ:
– Đào gọi qua, coi như tui thoát.
– Thoát gì? Khỏi rửa chén hả?
– Không, rửa chén tui đâu ngán. Mà từ chiều giờ, nghe trọn top hit ca sĩ ruột của ông chồng là mệt ngang xương.
– Nè, cho bồ hay. Xã xệ bồ chắc cũng đau mình, nhức mẩy, khi nghe ông ca sĩ luật sư kể lể… nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát.
– Cám ơn Đào nhắc chừng. Tui để ý. Hồi nào anh có nhà, tui không nghe nhạc xưa nữa. Mà Đào ơi, sao tui không ưa nổi mặt má bầu của nường ca sĩ.
Đào cười rúc rích:
– Má bầu nhìn lâu muốn chửi hả? Sướng chưa? Tui nói giùm điều bồ nghĩ trong đầu.
– Trời đất. Tui không có ý định chửi ai. Nhưng thấy mặt ca sĩ, nghe cổ ca, là tui muốn bịnh.
Đào cười lớn:
– Ê, bồ có biết tại sao bồ ghét cô ca sĩ không?
Nàng chưa kịp trả lời. Tiếng Đào gọn lỏn:
– Tại bồ ghen.
Đào không thấy nàng trề môi, nhưng nghe rõ giọng nàng xuội lơ:
– Còn lâu hà.
Nàng nghĩ, nếu có hiện tượng ghen, không chừng là dấu hiệu tốt.
Đào chép miệng:
– Nhiều người tưởng tui già kén kẹn hom. Đâu phải vậy. Tui cười nói rân ran, chớ nhiều khi một mình, cô đơn dễ sợ. Con cá trong lờ khóc đỏ lơ con mắt, con cá ngoài lờ ngúc ngoắc muốn vô.
Nàng cười buồn, nhái theo một chuyện giễu, chia sẻ nỗi niềm của bạn:
– Tui hiểu rõ nỗi cô đơn của Đào lắm. Tại tui lập gia đình mấy chục năm rồi.
Chàng nàng chuẩn bị đến nhà bạn chơi chiều thứ Bảy. Sắp sửa ra cửa, chàng dừng lại, cúi cúi nhìn sàn nhà. Chàng treo chìa khóa xe lên móc. Chàng quày quả vào bếp lấy cuộn băng keo, cắt một đoạn. Chàng lồm cồm bò dọc hành lang, dùng miếng băng keo gom mấy sợi tóc rụng trên sàn. Những sợi tóc dài của nàng, chứ không phải sợi tóc ngắn của chàng.
Vài chục năm trước, thuở yêu thương ngập lòng, nàng đặt mua tận bên Mỹ tập nhạc Ngàn Lời Ca của nhạc sĩ Phạm Duy. Nàng nắn nót viết tặng chàng “... và xe tơ kết tóc giam em vào lòng thôi...”
Chuyện ngày ấy chúng mình giờ đây tưởng như chuyện thần thoại, chuyện cổ tích. Chàng vẫn lom khom quanh bàn computer của nàng. Nàng sốt ruột:
– Mình đi kẻo trễ anh ơi. Tối về em sẽ thanh trừng, nhất định không sót sợi nào.
Giọng chàng khó chịu:
– Đi chơi mà sao phải Stress dữ vậy.
Tự lúc nào, chuyện tóc tai của nàng trở thành đề tài “nhạy cảm” giữa vợ chồng nàng. Biết tính chàng “xung khắc” những sợi tóc rụng vô tổ chức của mình, nàng để ý dọn phòng tắm kỹ càng, không để sót tàn dư. Nàng tìm nhiều biện pháp ngăn chận sự ra đi thiếu trật tự của lũ tóc. Nàng đổi các loại dầu gội, uống nước hạt chia, bôi dầu dừa... Ai mách mẹo gì, nàng cũng thử. Đôi khi bắt gặp những sợi tóc tội nghiệp của nàng trên xa– lông, chàng lẩm bẩm:
– Tóc em sao mà rụng tối ngày sáng đêm.
Nàng đùa:
– Anh đổi cho em đi. Tóc anh tha hồ rụng. Bao nhiêu em cũng dọn. Miễn tóc em đầy đủ, đâu yên đó, là em mừng.
Trong chương trình nhạc Văn Phụng, ca sĩ Châu Hà, với mái tóc ngắn, bà bảo: “Suối Tóc ngày xưa là nguồn cảm hứng để ông viết nhạc tặng bà, bây giờ đã thành suối cạn.” Dẫu suối cạn, nhạc sĩ Văn Phụng bên phím đàn cùng ca sĩ Châu Hà vẫn đong yêu thương đầy từng chữ, từng nốt nhạc của bài hát... trong ý thơ, cung đàn và suối tóc mơ... Đấy là bức tranh hạnh phúc thật đẹp, nàng ngắm hoài không chán. Thuở xem chương trình này, tóc nàng vẫn còn liễu xanh xanh lả lơi. Nàng không hề mơ chàng viết nhạc, viết thơ tặng nàng. Nàng chỉ ước ao, ngày nào khi suối cạn, nàng vẫn còn nhận được ánh mắt đằm thắm của chàng, dẫu hấp háy qua làn kính lão.
Bỗng dưng, nàng nghe tiếng thở dài nhè nhẹ của mình. Tóc ơi, sợi vắn, sợi dài. Chẳng nhẽ phải lấy nhau chẳng đặng, mới được thương hoài ngàn năm hay sao?
– Hoàng Quân
Trích lời ca trong các nhạc phẩm:
– Em Là Tất Cả, nhạc ngoại quốc (You're My Everything by Santa Esmeralda), lời Việt Duy Quang;
– Top of the World by the Carpenters;
– Tôi Đang Mơ Giấc Mộng Dài của nhạc sĩ Phạm Duy;
– Áo Lụa Hà Đông của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, thơ của thi sĩ Nguyên Sa;
– Ngày Đó Chúng Mình của nhạc sĩ Phạm Duy;
– Suối Tóc của nhạc sĩ Văn Phụng;
– Tóc Mai Sợi Vắn Sợi Dài của nhạc sĩ Phạm Duy
No comments:
Post a Comment