Monday, February 27, 2023

7 DẤU HIỆU CỦA MỘT NGƯỜI ĐẠO ĐỨC GIẢ

Những người đạo đức giả giống như con rắn độc trong Kinh Thánh. Nó chính là SATAN. Những kẻ này là loại Ma Quỷ, sống ranh mãnh, miệng lưỡi tuy nhỏ nhẹ nhưng tâm địa gian xảo.

Dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo, giúp chúng ta xác định được người mà mình đang giao tiếp có phải là đạo đức giả hay không, từ đó có thể điều chỉnh hành vi của mình cho thích hợp.

1. SỐNG CƠ HỘI
Những kẻ này thực ra Sống rất cơ hội, thường xuyên nghe ngóng, chờ thời.

Họ thường ít khi viết bài share kiến thức trên Facebook nhưng luôn "tàu ngầm" đọc bài của người khác mà chẳng bao giờ hào phóng ấn một cái like hay comment.

Họ thích join vào tất cả các group với nhiều chủ đề khác nhau, để nghe ngóng thời thế. Đặc biệt là hóng xem thiên hạ đang làm chuyện gì "kiếm ăn" được, để nhắm thời cơ "nhảy vào" hớt tay trên theo kiểu lướt sóng chứ không lâu dài.

Họ sẽ suy nghĩ cân nhắc và xác định trước mục tiêu để nhắm tới. Thường là nhân vật nào chủ chốt trong cái group đó, mà họ thấy "có lợi" thì sẽ là mục tiêu.

Khi đã xác định mục tiêu là ai rồi, họ sẽ tiếp cận với những nhân vật chủ chốt đó để dễ bề nghe ngóng.

Lúc đó kẻ "cơ hội" này sẽ dùng "đạo đức giả" để lấy lòng tin đối phương. Thôi thì đủ lời đường mật: từ việc tâm tình to nhỏ chuyện xưa, chuyện đời, chuyện tình... đến chuyện cổ tích từ kẻ trắng tay sống như xã hội đen nay trở thành triệu phú. Rồi chuyện làm từ thiện, thương kẻ nghèo khó. Rồi tới việc vẽ ra viễn cảnh rằng chơi với họ thì chỉ có lợi chứ không có hại: khoe khoang tài năng, hứa đủ điều, kiểu như "tôi có kinh nghiệm, đam mê, hiểu biết và lý tưởng sống lắm lắm. Tôi có thể làm những điều phi thường. Chơi với tôi, anh chỉ có thắng lợi win-win ".
Làm như vậy để lấy niềm tin của đối phương, khiến "con mồi" nhanh chóng tin tưởng, kết nạp anh ta vào vị trí đầu não.

Biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt đam mê người ta mới có được một dự án để đời. Thế nhưng nhiều kẻ cơ hội, chỉ cần miệng lưỡi xảo quyệt gian manh lấy lòng trong tích tắc, đã được nhanh chóng kết nạp vào bộ phận chủ chốt.

Nếu mọi việc thuận buồm xuôi gió thì không sao, kẻ cơ hội vẫn ở bên ta và thể hiện mọi điều tốt đẹp với ta.

Thế nhưng không phải dự án nào cũng ngon cơm! Là vì, có những dự án phải đường dài, phải đổ máu mới có ngày hái quả. Có những dự án không phải vì tiền vì lợi trước mắt mà vì con cháu mai sau.

Tới khi thấy không ngon ăn như mình tưởng thì bắt đầu thất vọng, quay ra bôi xấu, rủa xả chính người mà họ đã tin tưởng, mở cửa kết nạp hắn vào.

Đây là lúc bản chất con Rắn Độc xuất hiện.
Và đó là cái đại nạn của việc mở cửa đón tiếp một kẻ cơ hội.

2. SỐNG 2 MẶT
Thông thường những gì họ nói thường đối lập hoàn toàn với cái thực tế mà họ làm.

Thí dụ như, Môi miệng họ nói "tiền bạc không quan trọng, cái quan trọng là sống có tình người, có lý tưởng" thì thực chất kẻ ấy rất ham tiền và biết rõ mãnh lực của đồng tiền để đánh bóng tên tuổi, để "điều khiển" "thống trị" người khác.

Gã hiểu rõ việc dùng tiền đẻ sai khiến kẻ nghèo thông qua bố thí, từ thiện. Cho thì ít mà dùng cái đó đem ra kể lể với người khác thì nhiều, hòng để người ta nghĩ mình "đại từ đại bi đại trí dũng", tin cậy được. Nói thì con kiến trong lỗ cũng phải chui ra nghe.

Môi miệng họ nói: Tôi làm được hết mọi việc, từ handyman tới manager, quản lý, từ tay chân tới trí óc. Nhưng thực chất, loại người này thường chỉ giỏi sai khiến. Gã chỉ xỏ tay túi quần, sai bên nọ, khiến bên kia làm, anh ta không làm gì ngoài "chỉ tay 5 ngón" cả!

Môi miệng họ nói: Ôi tôi coi khinh người giàu, thương kẻ nghèo khó vì tôi đã từng là kẻ nghèo, nên thấm lắm phận nghèo. Giàu thì họ có tiền, nói kiểu gì chả được. Nghèo thì nói ai nghe...vvv ...

Nhưng thực chất là trước mặt kẻ giàu thì xu nịnh, làm thân, đối đãi trọng thể. Trong bụng thì ganh ghét người ta sao giàu hơn mình. Với kẻ nghèo thì trong bụng gã khinh khiến muốn thống trị, lợi dụng người ta như cu ly. Bề ngoài thì tỏ ra thương xót, bố thí, cao thượng.

Thế nhưng độ nham hiểm những kẻ này là ở chỗ hắn tiếp tục 2 mặt với cả kẻ giàu và người nghèo.

Gã không bao giờ bôi xấu trước mặt. Gã thường chơi với cả hai bên, tỏ vẻ ra ngoài lối sống "dĩ hoà vi quý".

Gã thường tỏ vẻ " giàu không xu nịnh, nghèo không coi khinh". Là vì giàu thì phải nhờ cậy việc lớn (làm chủ), kẻ nghèo cũng cần chơi để điều khiển lợi dụng như người làm công.

Gã chỉ chơi trò buôn chuyện sau lưng, dương Đông kích Tây.
Nói chung là 2 người bạn có khi lúc đầu quý mến làm ăn với nhau tốt đẹp.

Khi con Rắn Độc 2 mặt này lọt vô. Gã làm thân với cả hai bên.
Trước mặt ra vẻ huynh đệ, chén chú chén anh. Rồi giả ngu hỏi chuyện mỗi bên, sao lại thế này, thế kia?!

Chờ cho người ta tâm sự bộc trực hết nỗi lòng, xong sau lưng đem chuyện đó ra đi "buôn" với đối phương, theo kiểu kích động lòng ghen ghét, hận thù, chia rẽ hai bên.

Chỉ có gã ở giữa được hưởng lợi. Sự nham hiểm như Rắn là ở chỗ ấy.

3. ƯA CHỈ TRÍCH SAU LƯNG
Tâm lý của những người đạo đức giả luôn là không cảm thấy an toàn. Vì vậy, thay vì khen ngợi một người mà họ đánh giá là hơn mình, họ lại cảm thấy bị đe dọa, bị coi thường, vì thế họ tìm cách trù dập, chỉ trích, nói xấu người đó.

Ngược lại, những người tử tế luôn luôn tự tin vào năng lực của mình và lấy thành công của người khác làm động lực.

4. HAY BUÔN CHUYỆN, NẤU CHÁO ĐIỆN THOẠI
Nghiên cứu cho thấy những người thích "tám chuyện" thường không hài lòng với bản thân và có mức độ lo lắng cao. Để chống lại cảm giác này, họ "buôn chuyện" để kéo người khác xuống nhằm nâng mình lên.

Anh ta không ngại bỏ ra cả vài ba tiếng đồng hồ để buôn chuyện qua phone, thay vì dùng thời gian đó để thực sự làm việc.

Trong khi đó, người tử tế thường nói ngắn gọn đi thẳng vào công việc và hướng giải quyết, sau đó hùng hục đi làm vì họ biết quý trọng thời gian và muốn chứng tỏ khả năng mình với người khác bằng hiệu quả công việc chứ không phải chỉ nói suông.

5. CHỈ GIÚP NGƯỜI KHÁC KHI CÓ LỢI CHO MÌNH
Người đạo đức giả chỉ nghĩ cho chính bản thân họ, trước khi nghĩ cho người khác. Nếu họ nhận thấy rằng mình có thể kiếm lời hay được lợi từ một việc gì đó, họ sẽ thực hiện nó một cách nhanh chóng. Còn nếu việc đó chẳng có lợi lộc gì, họ sẽ tìm cách né tránh. Trong khi đó, người tử tế sẽ giúp đỡ người khác chỉ đơn giản là vì họ muốn vậy, chứ không phải vì bất cứ lợi lộc gì.

6. THÍCH GÂY CHÚ Ý, GÂY ẤN TƯỢNG
Nếu một người đạo đức giả đạt được thành quả nào đó, họ sẽ muốn cả thế giới biết đến điều đó. Điều đó là bởi vì những kẻ đạo đức giả luôn luôn khao khát sự chú ý của những người xung quanh, xuất phát từ thực tế rằng họ đã không học cách nuôi dưỡng điều đó từ trong chính mình.

Gây ấn tượng, tạo thiện cảm tốt là điều rất bình thường của mỗi người. Nhưng nếu nó trở thành một lối sống của một người, thì chắc chắn đó là một người đạo đức giả. Những người này tập trung quá nhiều vào việc người khác nghĩ gì về mình, điều này vô tình khiến họ mất đi sụ kết nối với những điều mà mình tin tưởng, cũng như những gì giá trị thật sự với họ.

Trong khi đó, những người tử tế chỉ quan tâm đến việc những người họ yêu thương nghĩ gì. Họ không cần tới sự chú ý của bất cứ ai khác.

7. CHỈ THÍCH NÓI SUÔNG
Những người đạo đức giả thích phóng đại mọi thứ. Lời họ nói lúc nào cũng hùng hồn. Họ thích khoác lác, khoe khoang và tạo ra một hình ảnh long lanh về bản thân. Tất cả những điều này đến từ một người có lòng tự trọng thấp, một người cố gắng tạo ra hình ảnh sai lệch về bản thân, chỉ nhằm mục đích tạo ấn tượng. Kể cả là hứa hão để được tiếng, họ cũng không từ.

Nhưng thực tế, họ không bao giờ có kế hoạch làm những gì mình hứa hẹn. Hoặc cũng có thể họ sẽ bắt tay vào làm, nhưng sớm từ bỏ khi nó chẳng lợi lộc gì cho mình.

Người chân thành, tử tế luôn biết giá trị của lời hứa. Họ sẽ đặt mình vào vị trí của người khác và nỗ lực hết sức để giúp đỡ, khi được đề nghị. Họ cũng không thích khoe khoang về những thành công của mình, cũng không cần sự chấp thuận hay tán dương của người khác, bởi vì họ tin tưởng ở bản thân, thế là đủ.

Tham khảo từ Psychology Today.


No comments:

Blog Archive