Chiến hữu!
Từ cuộc chiến Việt Nam, cuối cùng thì người lính cũng trở lại được quê nhà. Từ San Francisco, anh gọi điện về cho song thân mình. ‘Má ơi! Ba ơi! Con đã về tới rồi. Nhưng con xin Ba Má một điều: “Con có một người đồng đội; con muốn đưa nó về nhà mình!’. Ba má anh trả lời: ‘Ðược! Con à!’ Người con tiếp tục: ‘Nhưng con có cái này phải nói cho Ba Má biết trước. Nó bị thương rất nặng. Lúc hành quân, nó giẫm phải mìn. Mìn nổ cắt mất của nó một cái chân và một cánh tay!’ Quay về nước, nó không biết phải đi đâu mà ở. Con muốn nó về sống với gia đình mình!’ ‘Nè con! Ba Má rất đau buồn khi biết chuyện này! Nhưng chắc con không hiểu được là yêu cầu của con có quá đáng lắm không? Chúng ta có cuộc đời của chúng ta quen sống. Bây giờ con mang về một người bạn chiến đấu thương tật nặng nề như thế là vô tình con mang cả một gánh nặng đặt lên vai cả gia đình mình. Ðừng để gánh nặng quá sức đó chen vào làm u ám cuộc sống của chúng ta! Ba Má nghĩ con nên về nhà và hãy quên người bạn đó đi. Tự cậu ấy sẽ tìm được cách sống mà! Lo lắng mà chi?!’
Nghe tới đây, người lính cắt ngang cuộc gọi và gác máy. Gia đình không nghe được thêm tin tức gì của anh nữa. Vài ngày sau, Cảnh Sát thành phố San Francisco gọi cho Ba Má anh và báo rằng anh đã nhảy lầu tự sát!
Ba Má anh hết sức đau buồn, vội vã đáp chuyến bay lên San Francisco và được Cảnh Sát đưa đến nhà xác bệnh viện thành phố để nhận xác con mình. Ba Má anh nhận ra anh ngay. Và trong nỗi ngạc nhiên đến kinh hoàng hiện lên ánh mắt: Người con yêu quý của họ chỉ còn lại mỗi một chân và mỗi một cánh tay!
Vâng! người lính trẻ đó như lời thơ của Linh Phương. Là tử sĩ: “Anh trở về, có khi là hòm gỗ cài hoa, Anh trở về trên chiếc băng ca. Trên trực thăng sơn màu tang trắng.” Là thương binh, đã gởi một phần thân thể ở chiến trường. “Anh trở về anh trở về trên đôi nạng gỗ. Anh trở về, anh trở về bại tướng cụt chân”.
Chỉ có tình chiến hữu vào sanh ra tử với nhau là còn ở lại. Nên có chuyện rằng: “Vừa nhô đầu lên một chút khỏi giao thông hào, để quan sát địch quân thì anh binh nhì thấy tim mình như bị ai siết vào, đau nhói. Trước mắt mình, thằng bạn thân cùng chiến đấu lâu nay, vọt khỏi giao thông hào, thét xung phong chạy tới rồi trúng đạn, ngã vật xuống. Tiếng đạn của địch quân vẫn rít qua đầu.
Người lính xin với viên Trung úy, đại đội trưởng, cho anh bò lên kéo xác bạn mình. ‘Tùy mầy! Nhưng tao nghĩ không làm được gì đâu! Chắc nó chết rồi! Tụi nó bắn rát quá mà mày bò lên thì nguy hiểm lắm! Chết như chơi!’
Người lính không quan tâm đến lời khuyên của viên Trung úy. Anh bò lên khỏi giao thông hào và trườn lên về phía trước. Súng vẫn nổ liên hồi. Kỳ diệu thay, anh đến được xác bạn, vác vội lên vai, chạy thiệt nhanh trở lại. Cả hai thân người cùng ngã nhào xuống rãnh. Tiếng đạn vẫn réo trên đầu!
Viên Trung úy cúi nhìn, xem xét lại vết thương trí mạng. Máu loang cả màu áo trận của người lính vừa ngã xuống. Ông nói với anh binh nhì: ‘Thấy chưa! Tao đã nói rồi: Không đáng liều lĩnh như vậy. Nó chết rồi! Mà mầy cũng xém đi luôn!’ Người lính trả lời: ‘Ðáng liều lĩnh lắm chứ ông thầy!’ Viên Trung úy nói: ‘Ðáng cái gì? Bề nào thì nó cũng đã chết!’ ‘Không! Khi em bò lên, nó còn đang hấp hối!’ Nó nói với em rằng: ‘Tao biết mầy không bao giờ chịu bỏ tao đâu!’
Rồi tình chiến hữu đó bàng bạc suốt chiều dài cuộc chiến khốc liệt của Miền Nam chống lại Bắc quân. Ngày 12, tháng 4, mùa Hè 1972, tại cao điểm Charlie, Kontum, hầm chỉ huy Tiểu đoàn 11 Dù bị trúng đạn. Trung tá Nguyễn Ðình Bảo tử trận. Xế chiều ngày 13, giao tranh tiếp diễn suốt đêm. Thế cùng, lực kiệt, không lương thực thuốc men, không tiếp tế, không tản thương, tiểu đoàn 11 Dù buộc phải triệt thoái vào lúc xế chiều hôm sau.
Chiếc trực thăng võ trang cuối cùng lao vào lửa đạn của quân thù để bốc bộ chỉ huy. Thiếu tá John J. Duffy, cố vấn cho Tiểu đoàn 11 Dù nói: “Mấy chuyến trực thăng di tản vừa rồi, phi công Mỹ muốn tôi được bốc đầu tiên. Nhưng tôi không bỏ các anh, những chiến hữu đúng nghĩa nhất mà tôi chưa hề gặp trong cả đời chinh chiến. Tôi biết rõ, nếu tôi đi đợt đầu thì chắc khó hy vọng có máy bay trở lại bốc nốt các anh!”.
Mãi tới 50 năm sau, mùng 5, tháng Bảy, năm 2022, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden mới trao tặng Medal of Honor, Huân chương cao quý nhất cho Thiếu tá John J. Duffy.
Tình chiến hữu là lính không bỏ lính, quan không bỏ quan. Tướng không bỏ lính của mình. Theo Y sĩ Trung tá Hoàng Như Tùng, Chỉ huy trưởng Quân y viện Phan Thanh Giản Cần Thơ thuật lại: 5 giờ 30 phút, chiều 30 tháng Tư, năm 1975, Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, quân phục tác chiến đến bảo: “Anh đưa tôi đi thăm anh em thương binh.” “Ông thăm không sót một ai”.
Khoảng 6 giờ sáng hôm sau, Tướng Nguyễn Khoa Nam đã tuẫn tiết bằng súng lục Browning. Xe hồng thập tự rước xác Thiếu tướng về khâm liệm. Di vật của người chỉ có: Một thẻ bài, một khẩu súng lục Browning 7.2 mm, một cuốn kinh Phật nhỏ đựng trong một túi nylon.
Năm 1867, Kinh lược sứ 3 tỉnh miền Tây Phan Thanh Giản đã tự vận vì không bảo vệ được thành. Năm 1975, chiều 30, tháng Tư, 1975, Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam đi thăm thương binh tại Quân y viện Phan Thanh Giản. Sáng hôm sau, 1 tháng 5, ông đã là một tử sĩ. Anh linh của ông đi thăm các chiến hữu đã nằm xuống tại Nghĩa trang Quân đội Cần Thơ.
Thi hào Victor Hugo có viết “Les morts sont des invisibles mais non des absents.” “Người chết là vô hình nhưng không vắng mặt.” Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh Quân đoàn IV kiêm vùng IV chiến thuật không bao giờ vắng mặt!
Ðoàn Xuân Thu
No comments:
Post a Comment