Bao giờ cháu tôi lấy chồng?
Ngày Tabby chào đời, baby tóc đã nhiều lại quăn quăn. Người ta thường nói người tóc kiểu này sẽ khổ, sẽ vất vả. Tôi lo lắm, bế cháu nội trong tay tôi nựng nịu:
– Bà chúc cháu lớn lên sẽ nhàn hạ sung sướng nhé. Bà sẽ luôn đi bên cạnh che chở đỡ đần cháu.
Tôi nhất định sẽ cải “số trời” thay đổi “nghiệp” cho cháu. Thực tế là tôi sẽ để dành tiền bạc thật nhiều để bù đắp cho đứa cháu “nhiều tóc nhiều khổ” này, dù nó chẳng phải là cháu trai đích tôn.
Bà thì lo cháu khổ vậy mà lớn lên Tabby cứ muốn… xông vào chỗ khổ. Hồi đang học Junior High, không biết cô giáo dạy môn gì, nói gì về những nước Châu Phi mà Tabby tuyên bố mai mốt sẽ sang Châu Phi giúp đỡ người nghèo, trẻ em nghèo. Nó bỗng trở nên tiết kiệm tối đa, đồ ăn thức uống không bao giờ bỏ phí, mẩu bánh mì thừa, chút sữa em nó bỏ dở trong ly Tabby cũng thanh toán cho tới hết vì bao trẻ em Châu Phi đang thiếu lương thực đang chết đói ngoài đường phố, mình lãng phí là có lỗi với họ. Tabby tiết kiệm dành dụm những đồng tiền ít ỏi của mình với ước mơ gởi tặng… toàn thể Châu Phi đói nghèo (vì nước Châu Phi nào Tabby cũng thương).
Thời buổi này tuổi trẻ thích gì làm nấy không ai ngăn cản được, sợ Tabby có ngày sang Châu Phi tôi hốt hoảng, ở xa phải làm nhiều cú phone tâm lý khuyên giải và năn nỉ cháu lo học hành có công việc kiếm ra tiền thì mới nói tới chuyện giúp đỡ ai, người nghèo không cần lời thương xót trống rỗng, cháu chẳng nói lời nào cũng được miễn là cháu cho họ tiền bạc, đồ ăn thức uống.
Sau “cú sốc” Châu Phi, Tabby lại cho tôi một cú “sốc” khác, khiêm nhường hơn, không mơ chuyện đại sự mãi tận Châu Phi nữa, Tabby nói ước nguyện nghề nghiệp tương lai muốn đứng bán cây xăng hay chạy bàn trong tiệm McDonald’s, vẫn là tấm lòng thơm thảo muốn gần gũi phục vụ và giúp đỡ người khác trong khi bà nội nó đã vẽ vời ra mấy nghề mà bà nội mơ ước như bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư thì nó chẳng đoái hoài. Cha mẹ Tabby trấn an tôi:
– Mẹ đừng buồn đừng lo, cháu nội Tabby của mẹ cứ ước mơ và thay đổi soành soạch ấy mà.
Khi học xong trung học, ra trường điểm cao nhưng Tabby chọn học nghề y tá 4 năm, cũng vẫn vì “lý tưởng” giúp đỡ tha nhân, Tabby sẽ chăm sóc những người bệnh, sẽ góp phần giúp đỡ chữa trị bệnh tình cho họ khỏe lại về nhà.
Tôi bắt bẻ:
– Vậy sao cháu không học bác sĩ cũng là chăm sóc chữa trị cho người bệnh?
– Bà ơi, bác sĩ nào cũng bận rộn xem bệnh xong là đi ngay, làm y tá cháu sẽ có cơ hội gần gũi bệnh nhân nhiều hơn, cháu sẽ nói chuyện an ủi họ. Bệnh nhân cần chữa vết đau thân thể và cả tinh thần.
Tôi chẳng hài lòng tí nào, nghề y tá cực khổ, một y tá mỗi ca trông mười mấy giường bệnh, chạy như con thoi, rạc rài cả chân từ phòng bệnh này đến phòng bệnh khác, mỗi ca làm 12 tiếng bất kể ngày đêm, bất kể lễ to lễ nhỏ. Cha mẹ Tabby lại trấn an tôi:
– Mẹ đừng lo cháu Tabby làm y tá cực khổ, người ta yêu thích công việc gì thì sẽ hạnh phúc với công việc ấy.
Tôi không dám phản đối và mơ cháu học bác sĩ nữa vì có lần Tabby đã cự nự và đe dọa:
– Bà đừng chỉ huy cháu. Cháu sẽ đi Phi Châu luôn đó, không liên lạc với bà nữa đâu.
Tôi cố vớt vát:
– Nếu cháu không làm bác sĩ thì… lấy chồng bác sĩ nhé. Mai mốt cháu làm y tá trong bệnh viện biết đâu sẽ gặp?
Đi học thỉnh thoảng được tới bệnh viện thực tập, Tabby liền thông báo với tôi:
– Bà ơi, trong bệnh viện cháu đang theo học bác sĩ nào cũng có gia đình rồi, chưa có cơ hội cho bà tìm cháu rể bác sĩ đâu.
– Sao cháu biết?
– Cháu gặp bác sĩ nào cũng nhìn vào ngón tay đeo nhẫn của họ mà, bà đừng muốn cháu lấy chồng bác sĩ nữa nhá.
Tôi thử hỏi cháu:
– Nếu ngón tay anh ấy chưa đeo nhẫn thì cháu làm sao?
Tabby nhanh nhẩu:
– Cháu sẽ làm quen trước và nói với anh rằng, “Bà nội em dặn em phải quen và lấy chồng bác sĩ. Anh muốn quen em không?”
– Trời ơi! Thế thì còn gì giá trị con gái nữa chứ và làm bà mất mặt quá.
– Cháu nói giỡn bà nội thôi, cháu đâu có ngu đến thế.
Tôi thở phào nhẹ nhõm:
– Ừ, lấy ai là duyên số mà, nhưng cháu sẽ lấy chồng là người Việt Nam nhé.
Thấy gia cảnh nhiều người Việt lấy chồng “Tây” sớm yêu, sớm cưới cũng sớm ly dị bỏ nhau, sợ cháu khổ nên tôi dặn dò thế. Tabby than thở:
– Nhưng cháu không biết nấu phở.
– Là sao hả?
– Vì chồng Việt Nam sẽ muốn cháu nấu phở. Như bà nấu phở cho ông, như mẹ cháu nấu phở cho ba cháu. Cháu thấy mẹ bỏ đủ thứ gia vị vào nồi phở như phù thủy bỏ bùa mê vào nồi luyện phù phép ấy. Làm sao cháu nhớ hết đó là những thứ gì?
Tôi thấy Tabby có phần đúng, chính tôi có khi nấu phở vẫn ba chớp ba nháng quên một vài gia vị nào đó nói gi cháu sinh ra lớn lên ở Mỹ, nó biết gì đến đinh hương, cánh hồi, quế, thảo quả, hạt mùi…?
Tôi năn nỉ cháu:
– Cứ lấy chồng Việt Nam cháu nhé, dù cháu không biết nấu phở hay bất cứ món ăn Việt Nam nào thì cứ việc mở YouTube ra xem. Bà đã từng làm thế. Ngày mai đãi khách, tối nay bà “nghiên cứu” vài ba YouTube là biết nấu nướng ngay.
Tabby lại đe dọa:
– Bà từng chỉ huy cháu phải học ngành này ngành kia bây giờ lại chỉ huy cháu phải lấy chồng Việt Nam. Mai mốt cháu sang Châu Phi lấy chồng và ở bên ấy luôn đó.
Tabby biết tôi sợ nó đi Châu Phi nên cứ mang cái đất nước nghèo khổ ấy ra để dọa tôi. Thấy bà nội cụt hứng kém vui Tabby vội nói thêm:
– Cháu… thí dụ thế thôi, nếu gặp anh Việt Nam dễ thương cháu sẽ chọn anh ấy.
Còn một năm nữa Tabby sẽ ra trường làm y tá. Tuy bận học nhưng thỉnh thoảng Tabby vẫn gởi vài hình ảnh Tabby với bạn bè cùng khóa. Hôm qua nhìn hình những y tá tương lai, những đứa con gái tuổi đôi mươi mới lớn tươi khỏe trẻ đẹp sắp bước vào đời tôi lại… mộng mơ giùm cho chúng nó và cho riêng cháu tôi. Mong cháu Tabby sẽ gặp được chàng trai Việt hiền lành tử tế yêu thương cháu và gia đình nó sẽ hạnh phúc suốt đời. Đẹp như chuyện cổ tích.
Bà nội đang mơ mộng thế thì buổi tối lại nhận email của Tabby, nó kể chiều nay khi cháu học lớp xong đang đi bộ từ thư viện qua những bụi hoa xinh đẹp ra chỗ đậu xe để về nhà thì bị một con ong chích vào chân cháu đau quá, chỗ ong chích sưng đỏ lên nè (cháu gởi kèm theo hình bà mở ra xem). Tabby ký tên và tái bút âu yếm nhắc nhở, “Bà cẩn thận nhé, cháu thấy bà nội hay xí xọn mặc áo dài xanh đỏ đứng gần những bụi hoa chụp hình để khoe bạn bè và khoe với cháu. Hoa mùa hạ lắm ong vo ve xung quanh chúng sẽ chích bà đấy, bà sẽ khóc như cháu thôi”. Tabby tưởng như bà nội cũng bé bỏng ngây thơ như nó. Đọc mail dễ thương của cháu tôi vừa thương vừa buồn cười. Tôi kéo mail xuống để xem hình, một hình vết ong chích nơi bắp chân Tabby sưng đỏ, hình kia Tabby đang nhăn mặt khóc vì đau.
Con bé Tabby vẫn còn nhiều tính nết và ý tưởng ngây thơ như thế đấy vẫn thường chảnh chọe cãi nhau với hai đứa em. Chẳng biết bao giờ Tabby mới thực sự là một thiếu nữ biết mộng mơ, bao giờ cháu tôi mới lấy chồng và sống đời êm ấm cho tôi yên lòng, hỡi cô bé tóc quăn tóc nhiều của tôi ơi!
– Nguyễn Thị Thanh Dương
(Jan. 15, 2023)
No comments:
Post a Comment