Phấn Thông
Năm nay thu qua nhẹ như chiếc lá khô. Sáng sớm, Quân ra khỏi nhà, thấy lớp sương băng trên đầu ngọn cỏ rầu rầu, chàng đưa tay vuốt tóc. Đêm vừa qua chàng ngủ không yên giấc, thức dậy mới biết là nhiệt độ trong nhà xuống đột ngột; đông đã lén về sau một cuối tuần rực rỡ nắng thu trong vắt. Chàng rùng mình, trở vào.
– Anh quên cái gì vậy?
– Lạnh quá. Trở lại thay áo khoác.
– Đừng quên chìa khóa nhà. Không, chiều anh về sớm, lại đứng ngoài.
Cái đó khỏi lo, Quân có thói quen mỗi lần thay áo khoác, móc mọi vật trong túi áo mùa trước nhét vào túi áo mùa sau, không bỏ gì cả, cho gọn, sợ có những vật lúc này vô nghĩa, vất đi rồi mới hối hận. Thọc tay vào túi áo dạ, Quân chạm phải một vật sót lại từ mùa đông trước. Một vật không tên. Ông già đã nói cho chàng nghe bằng tiếng Na-uy, nhưng khi Quân nói lại, không ai hiểu. Tạm gọi là đồ 'căn bu-gi xe hơi'. Nó là của ông già hàng xóm cho Quân mượn. Năm ngoái nó cứ kêu lách cách trong túi khi chàng đi, cô bạn đồng nghiệp chọc là bò đeo lục lạc, vì vậy chàng không cho nó sang áo mùa xuân, mà cứ để trong túi áo mùa đông, chờ chiều đi làm về sẽ trả cho ông già. Ai ngờ quên luôn tới năm nay.
Thu mình trong cái ghế quen thuộc trên xe buýt, Quân thọc tay vào túi áo khoác, mân mê những mẩu thép lạnh ngắt và miên man nghĩ tới ông già ...
Giữa những người đồng hành dường như gặp mỗi ngày nhưng không bao giờ làm quen, Quân thấy ông già hàng xóm là một người quí. Khi vợ chồng chàng mới dọn tới khu này, ông còn đi làm. Dường như luôn luôn chàng bắt cùng chuyến xe buýt với ông. Ông là người đầu tiên gạ chuyện với Quân. Và cũng là người cuối cùng. Vì cho tới nay, sau 10 năm đi xe buýt, không ai gạ chuyện với chàng nữa. Ông già đã về hưu cách đây năm năm. Ông dễ làm quen, có lẽ nhờ cái tính tò mò. Bên này vườn, Quân làm gì ông cũng lách hàng rào sang coi.
Ví dụ cái hôm Quân cắt cỏ trong khi vợ phơi nắng. Không hiểu năm đó nhờ giỏi dự đoán thời tiết hay do khéo bày các bích chương với Cindy thỗn thện, mà các tiệm bikini trúng mối to. Phong trào áo tắm hai mảnh, thực ra, ra đời từ lúc vợ Quân còn tắm sông với lũ nhóc con trai, nay trở về 'lên ngôi' lại, thế mà nó lên cao đến nỗi vợ Quân cũng bày đặt đến một bộ. 'Cứ tưởng mặc bikini vô rồi thân hình biến thành Cindy!' Quân nói kháy, nhưng vợ vẫn mặc đồ mới, ra vườn. Nàng đang phơi nắng thì ông hàng xóm hiện ra sừng sững từ lúc nào, vai vác cái liềm. 'Cindy' nhà ta giật mình, hoảng hốt lấy cả tấm nệm trải dưới đất khoác lên người như cái áo giáp, trông rất kém ... văn minh. Quân trông buồn cười, chọc thêm bằng tiếng mẹ đẻ:
– Ổng chỉ vác liềm, có kèm búa đâu mà hoảng vậy?
– Người ta đang ăn mặc kỳ cục chứ bộ. Chứ cái búa liềm của anh sức mấy đánh lại bộ bikini.
– Đã biết là kỳ thì đừng mặc. Đã muốn khoe thì đừng sợ người ta thấy.
– Tắm nắng chứ khoe cái gì.
– Vậy sao em cứ làm như bị xâm phạm tiết hạnh ấy? Đầm nó phơi nguyên con còn ... chưa thấy gì.
Nàng xí một tiếng rồi ngúng nguẩy vào nhà, tấm nệm xòe ra như cánh con gà mái chăn con. Ông già không hiểu sự tình, kiên nhẫn chờ nghe xong những tiếng lạ, mới lên tiếng:
– Mày để cỏ lên cao quá, cắt bằng cái máy đẩy không ăn thua. Phải cắt bằng cái này.
– ...
– Ngày xưa tao làm thế này...
Thế là Quân học được kỹ thuật cắt cỏ ... tiền chiến. Nhưng vợ không hoan nghênh Quân cầm cái liềm dài mà huơ lên huơ xuống, trông như tử thần.
Nàng cũng không hoan nghênh sự tự nhiên, đường đột của ông già. Sau bữa đó, nàng ương hai cành cây để trám vào cái lỗ hàng rào. Nhưng mỗi lần nàng dăm được nhánh nào, là lại xảy ra một việc hấp dẫn khiến ông già chui sang, xéo gót giầy 'xâm lược' lên nhánh cây vừa bén rễ. Thành ra cửa 'ải Nam Quan' cứ bỏ ngỏ từ nhiều năm nay. Mà dường như việc gì bên Quân cũng được ông già hưu trí coi là hấp dẫn. Phương chi hôm Quân cho đốn một cây thông to trong vườn. Ông ta chui ngay sang, gật gù khen:
– Mày đốn cây này là phải lắm. Án nắng. Tao như mày tao đốn luôn cây ở góc kia. Để, có ngày chạm dây điện, cháy nhà.
Quân nhìn đống cành cây và những khoanh gỗ nằm ngổn ngang trong vườn, thở hắt ra:
– Dọn một cây đã đủ ứ hơi rồi. Chắc tôi không có can đảm đốn cây kia đâu, ông ạ.
Cũng may, ông thợ đốn cây đã cưa cây thông thành từng khúc ngắn, Quân chỉ việc bửa để chụm lò sưởi, ít nhất ba mùa đông khỏi mua củi. Nhưng Quân, từ ngày 'đổi đời' đã thử nhiều nghề, mà chưa thử nghề bửa củi. Quân bị 'kẹt búa' ngay từ nhát khai trương. Trong lúc bổ lưỡi rìu xuống, đầu óc Quân tự nhiên nhớ lại chuyện ngày xưa trong đơn vị có anh lính bổ củi phạng trúng ống quyển, tay Quân chồn lại, và lưỡi rìu do dự ghim cứng vào khúc cây, không nhúc nhích. Tiến thoái lưỡng nan.
– Đưa đây tao coi!
Ông già đã hiện ra đứng bên cạnh như ông Bụt. Trên 70 tuổi mà ông còn tráng kiện, và rất hãnh diện về sức khỏe của mình. 'Ngày xưa tao làm thế này'. Ông đứng tấn, nắm lấy cán rìu bằng hai tay, nhấc cả khúc cây lên trời, vòng qua đầu, đảo chiều ở trên không – cho rìu đi trước, gỗ đi sau– nện xuống cây thớt bằng gỗ bạch dương cứng như gỗ lim. Khúc gỗ thông, bị giộng bằng chính sức nặng của nó trên lưỡi rìu nằm ngược, bèn tét ra làm đôi. Đúng là thế lấy sức đả sức, đọc chưởng thấy hoài. Quân trố mắt thán phục.
– Hay quá!
Ông già coi lời khen là đương nhiên, hãnh diện:
– Thấm gì! Một chút tiểu xảo thôi. Tao bổ củi từ năm 15 tuổi. Thời đó ở nhà quê toàn sưởi củi, làm gì có điện.
Như thường lệ, ông bắt đầu kể về Na-uy thời hậu chiến. Lúc đó người ta nghèo hơn, nhưng lương thiện hơn, chăm chỉ hơn, ít hoang phí hơn, không vô tình như bọn trẻ ngày nay. Vừa kể, ông vừa chẻ khúc củi nhỏ thêm, giọng nói cố giữ cho khỏi hổn hển. Ông chẻ một cách liều lĩnh, nhìn mà ớn xương sống, cứ phập phồng cho bàn tay của ông. Không hiểu ông nghi ngờ khả năng lãnh hội của Quân, hay muốn gia tăng 'công quả', mà ông chẻ một lèo hai khoanh cây bự mới chấm dứt phần biểu diễn, và giao rìu cho Quân thực tập. Ông moi trong túi quần ra một cái khăn, hỉ mũi. Cái khăn bèo nhèo ươn ướt này cũng là thí dụ của tinh thần hậu chiến – bây giờ người ta dùng khăn giấy rồi vất đi, thật phí của.
Quân cầm rìu, bắt chước làm theo ông. Quả nhiên, khúc cây bị tách đôi ngay dễ dàng. Học được 'khoa học kỹ thuật mới', Quân khoái chí, phang một lèo hai khúc cây - ngang thành tích của ông – thì bắt đầu thấm mệt.
– Mày có uống sữa không?
Tại sao lại nhằm đúng vào con người 'hay suy tư, nhiều mặc cảm' như Quân mà hỏi câu như vậy? Nhưng chàng vẫn làm như bình tĩnh:
– Không. Gì vậy?
– Uống sữa mới có sức.
Thấy ông rút cái khăn bèo nhèo ra hỉ mũi, Quân trả đũa:
– Ông bị cảm thời tiết?
Hỏi vậy thôi, Quân biết ông rất hãnh diện hai chuyện: 'ngày xưa tao làm như thế này' và 'từ nhỏ tới lớn tao chưa bao giờ bệnh'. Quả nhiên ông trả lời:
– Từ nhỏ tới lớn tao chưa bao giờ bệnh.
– Còn tôi, lớn không uống sữa nữa.
Ông vạch rào trở về, ngoái lại, lẩm bẩm:
– Tao không hiểu lý do gì làm cho mày còn luyến tiếc cây thông kia.
Quân cười trừ, kệ ông già lẩm cẩm, tiếp tục với đống củi. Quân mất ba tuần lễ mới thanh toán xong. Hoa trong vườn đã tàn và kết trái tự bao giờ. Năm nay cây mận đậu trái chi chít, Quân đang mải trẩy bớt, thì ông hàng xóm ló đầu qua hàng rào:
– Mày làm trò gì đây?
– Trẩy bớt trái.
– Chắc mày thấy đêm qua gió to, sợ gẫy cành?
– Sợ, nhưng không phải sợ gió, mà sợ nhiều trái quá nặng cành. Năm ngoái, quên, năm kia được mùa mận, cây này bị gẫy hai nhánh đẹp nhất.
Ông già cũng có một cây mận, già và sâu sia, thua xa cây mận tơ mới chiết của Quân. Ghét nhất là nó cứ luồn qua nhà Quân mà đẻ cây con, làm xấu thảm cỏ. Quân hất đầu lên cây mận của ông:
– Cây mận của ông có nhiều trái không?
– Cũng khá. Nhưng ra trái nào bị sâu hết. Không biết thứ sâu quỉ sâu quái gì. Ngày xưa trái nó ngon lắm.
Nhìn lên có thấy trái nào nào đâu. Hai người đứng nói chuyện vu vơ. Quân dòm sang, thấy cô cháu ngoại của ông, không 'hong lụa' mà đang phơi da thịt, phần trên người chẳng có mảnh lụa là nào, phần dưới một sợi dây nhỏ bằng cái cà-vạt, gặp chỗ gập ghềnh là lẳn đâu mất. Quân hạ giọng để khỏi làm giật mình 'con bướm trắng' của Nguyễn Bính:
– Đốn quách đi cho rồi.
Ông hững hờ nhìn lên cây mận già:
– Tao trồng hồi con May Britt mới sanh.
Quân vô tình nhìn sang May Britt đang chổng mông lên trời. Cô vừa đổi thế nằm, như người ta trở lúa. Lớn đễu như vậy rồi đấy. Ổng lại quay sang cây thông góc vườn của Quân:
– Đêm vừa rồi gió to, tao chỉ sợ đổ cây thông, đứt hết dây điện.
Quân không hiểu tại sao ông già kỵ cây thông như vậy. Nó lại là cây thông cuối cùng trong vườn của Quân. Quân muốn giữ lại, để vào mùa đông, từ cửa sổ Quân nhìn tuyết phủ đầy mà lá vẫn xanh, để Quân còn nhớ cụ Nguyễn Công Trứ 'Kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo'. Cây thông này chẳng biết reo như thông Đà Lạt, nhưng cũng biết ... đứng. Quân lại nhìn sang vườn nhà ông, cô gái vẫn nằm toàn thân dưới nắng, không bị khuất bóng gì cả, hà cớ gì ông cứ đòi xử trảm cây thông Nguyễn Công Trứ? Giá mà cây thông ngăn trở việc tắm nắng của cô gái trắng hồng kia, họa may Quân còn xét lại. Chiều cái ý thích viễn vông của một ông già gần đất xa trời, có gì hấp dẫn đâu.
– Ông đốn cây mận trước đi.
Ông nhìn lên cây mận, rồi cây thông, không có vẻ gì buồn giận:
– Chờ sang năm xem sao.
Trả lời rồi ông vạch rào trở về giắt con Rex vô rừng. Con chó già này là đồng lõa trong việc làm ra cái lỗ hổng hàng rào. Nó thích bới đất chơi ở đó.
Xe buýt rẽ vào con đường mà Quân thường thắc mắc sao người ta ở đây được, xe cộ ồn ào, tạt nước bùn vào tận vườn. Chỉ những cây táo là đẹp, mùa xuân hoa trắng pha hồng, mùa này đỏ rực trái. Ôn lại chuyện cây mận với cây thông, Quân còn nhớ cái dấu hỏi trong đầu chàng hôm đó - mơ hồ nhưng đã thành hình – rằng nếu May Britt, cháu ông già, sang yêu cầu đốn cây thông, chàng có từ chối không? Chàng hơi bực bội vì cái dấu hỏi vô duyên, tà ý như vậy mà dám thành hình và bây giờ vẫn chưa biến mất. Dấu hỏi đến tự nhiên có lẽ vì bên đó chỉ có ba sinh vật – ông già Rolf, cô May Britt và con Rex. Con Rex không biết nói.
Mấy tháng sau cái vụ mặc cả về cây mận sâu sia với cây thông, con Rex chết. Ông già long trọng báo tin buồn cho Quân khi hai người cùng xếp hàng ngoài bưu điện. Quân chia buồn, ông ngậm ngùi:
– Đó là người bạn cuối cùng của tao.
Hai chữ 'cuối cùng' nghe bứt rứt, xốn xang. Chàng sợ nghe hai chữ đó từ bao giờ không biết. Ông chìa cho Quân coi tấm bưu thiếp chụp hình một con chó giống labrador trắng (con Rex màu đen), nói:
– Tao báo tin cho người bạn tao ở Luân-đôn.
Quân nhớ ông thường kể về người này. Ông ta sang Na-uy phục vụ trong quân đội Anh, sau đó ông Rolf sang Anh học về cơ khí. Vậy ngoài con Rex, ở bờ biển bên kia ông già còn một người bạn nữa, nhưng rất ít gặp. Vợ ông chết bao giờ, Quân không hỏi. Người con gái đi lập nghiệp xa, chỉ có cô cháu thỉnh thoảng về chơi ít bữa. Thấy người ta thường nuôi lại cùng một giống chó để thay thế cho một con chó cưng mới chết, Quân đề nghị:
– Hay ông nuôi con labrador khác.
– Không gì thay thế Rex được.
Vào quầy mua tem gởi bưu thiếp xong, trước khi ra, ông già quay lại phân trần:
– Tao già rồi. Nuôi con khác, tao chết trước, nó khổ.
Xe buýt tới Helsfyr, nơi ông già hồi đó thường giật chuông (Quân thích hôm nào ông quên, chàng kéo chuông hộ), chào Quân, rồi đội mũ, bước xuống. Cho tới hôm ông về hưu Quân mới sực nhớ trên chặng đường này ông là người bạn đồng hành duy nhất của mình trong bao năm nay. Hôm nay, có chiếc xe nằm đường, vì đường trơn hay vì trời trở lạnh đột ngột? Hay không kịp chỉnh lửa? Quân lấy bộ đồ chỉnh bu-gi ra ngắm nghía. Vật này hình như ông mua hồi ông học bên Anh. Ông rành xe cộ lắm. Mỗi lần Quân mang xe ra sân trước lau rửa hay kỳ cạch sửa chữa, ông thường ra coi, việc gì ông cũng kiếm chuyện bàn vào được. Ông chê các ga-ra tân thời căn lửa bằng máy, thường già quá. Ông cho Quân mượn một bộ đồ chỉnh bu-gi, để căn lửa, mùa hè mùa đông theo ý mình. Đó chỉ là một xâu bảy tám lưỡi thép dầy mỏng khác nhau, để đo khoảng cách chấu lửa. Dụng cụ rất thô sơ, nhưng ông đã giữ trên 40 năm rồi, quí Quân lắm ông mới cho mượn. Quân có biết tí máy móc nào đâu, chàng chỉ nhận món đồ cho có lệ. Bỏ vào túi rồi quên đi. Nó 40 tuổi, gần bằng tuổi chàng. Quân, như đa số đàn ông, thích mua những dụng cụ lỉnh kỉnh, dù chẳng biết để làm gì, và khi có việc dùng thì ... đi thuê thợ. Có lần Quân mang xâu thép ra tiệm bán đồ xe hơi hỏi mua cho mình một bộ, mấy người bán hàng trẻ tuổi xúm vào coi 'hàng mẫu' mà không biết là cái gì, cười hô hố, mặc dầu người Na-uy có giáo dục rất cao, không bao giờ cười chê kẻ dị hình dị tướng.
Xe vào thành phố, ngưng tại trạm chót. Quân nhét vội xâu thép vô danh tội nghiệp vào túi quần. Tới sở, cô đồng nghiệp lại chọc 'con bò với lục lạc', như năm ngoái, cũng nơi hành lang yên lặng trước cửa thư viện.
Buổi chiều đi làm về chàng sang thẳng nhà ông để trả cái 'lục lạc'. May Britt thò đầu ra từ cửa sổ lầu:
– Truyện gì?
– Tôi sang để trả ông Rolf cái này.
Nàng xuống mở cửa:
– Cái gì vậy?
Quân không biết gọi nó là cái gì, nên trả lời:
– Cái này.
Britt May ngắm nghía vật trên bàn tay Quân, lắc đầu:
– Tôi không biết nó là cái giống gì.
– Để sửa xe hơi.
– À. Vậy ông ngoại tôi cho anh đấy.
Quân cám ơn, trở về nhà, mang theo một vật không tên, không còn ai dùng. Chỉ còn là một liên hệ. Ông già. Thời tiền chiến. Luân-đôn. Sài Gòn. Con Rex.
Từ lễ Giáng sinh, tuyết phủ dầy trên nóc nhà câm nín, ủ dột. Hàng rào giữa hai nhà bị tuyết đè gục xuống. Cả cái 'ải Nam Quan' cũng bị tuyết bít luôn. Những cửa sổ thu nhỏ lại vì băng nhũ từ máng xối buông xuống và tuyết bao quanh, lạnh lùng, cách ngăn. Quân ngồi trong phòng đọc sách dưới hầm (chàng cho là vào mùa đông dưới hầm ấm hơn). Qua cái cửa sổ tò vò ngập tuyết phân nửa, chàng nhìn sang bên ông già. Cái chuồng chó bên chái nhà bị ngập tuyết. Ông đã đăng báo cho, có người ta tới coi, nhưng chê không lấy. Phòng khách ông già trên lầu không bật đèn. Tối. Lạnh.
Chàng quyết định sang xuân sẽ cho đốn cây thông để làm vui lòng ông già.
Sau lễ Phục sinh, tuyết băng trên đường và trên mái nhà tan hết. Có nhà đã mở cửa sổ đón gió xuân. Hàng rào cây ngẩng đầu dậy, trổ lá non. Một cụm hoa xuyên tuyết nở trắng ngần ở chân hàng rào trước 'ải Nam Quan'. Quân ngạc nhiên, thắc mắc không biết ai trồng cụm hoa – vợ chàng hay ông già? Lòng rộn ràng vui sướng, Quân sang để báo cho ông biết 'tin xuân' – đốn cây thông. Chàng bấm chuông cửa trước, không ai trả lời. Chàng vòng ra đàng sau xem ông có ngồi ngoài hiên hóng nắng mới không. Ông cũng không có ở đây. Trên hiên có vài vũng nước do tuyết tan chưa khô, một lớp váng màu vàng như kim nhũ phủ trên mặt. Chàng để ý khắp hiên phủ lớp kim nhũ. Chàng vừa bước lên, tinh nghịch in một dấu giầy trên lớp bụi vàng, thì cửa sau mở. May Britt ngạc nhiên:
– Ủa! Có phải anh vừa bấm chuông không?
– Phải.
Quân dùng mũi giầy di di những bụi vàng, cố ý chờ ông già ra. Chàng muốn đích thân báo 'tin xuân' với ông. Chàng hỏi để câu giờ:
– Bụi gì lạ thế này?
– Phấn thông.
– Cây thông nhà tôi?
– Phải. Nhưng anh sang không phải để coi phấn thông chứ? Có việc gì vậy?
Quân đành nói ra ý định:
– Tôi chỉ sang nói rằng tôi muốn đốn cây thông kia. Bên cô có thấy gì trở ngại không?
– Cây trong vườn nhà anh, anh làm gì thì làm chứ. Tuy nhiên cám ơn đã hỏi.
– Thực ra tôi đốn là vì ông ngoại của cô.
– Nếu vì ông ngoại tôi thì bây giờ không cần đốn nữa.
– Sao vậy?
– Ông mất rồi.
– Bao giờ?
– Trước Giáng sinh. Bệnh tim.
Nàng trả lời một cách bình thản, tự nhiên, đến nỗi nhất thời chàng cảm thấy một lời chia buồn có thể lạc điệu. Giữa May Britt và ông già là liên hệ máu mủ. Giữa ông và người bên Anh với con Rex, là liên hệ bạn bè. Còn Quân? Không biết. Dường như sự liên hệ mới vừa được thiết lập cùng với tin ông già mất. Giữa ông già đã thuộc về quá khứ, và chàng đứng đây trong hiện tại, chỉ còn cây thông – lý do chàng sang đây. Chàng ngơ ngác buông hai chữ:
– ... mất rồi ...
Tâm trạng Quân lúc này giống như khi cách đây mấy năm chàng đọc lén lá thư Má vợ. Lá thư cuối cùng. Có lẽ vì đoạn này mà vợ chàng giấu không cho chàng đọc:
'Má đã yếu nhiều, chẳng biết ngày nào về với ông bà. Buồn chẳng được nhìn các con lần cuối. Trước khi chết má muốn hỏi thằng Quân có giận má gì không mà sao cái hôm chúng con ra đi, Quân không quay lại nhìn má? Má đứng hoài trước cổng chờ con quay lại, mà con cứ lũi thũi đi thẳng. Con có ngờ đó là lần cuối không?'.
Quân nhớ đêm hôm đó vợ nằm chiêm bao, lúc la, lúc khóc rấm rức, chàng phải lay nàng dậy. Nàng kể vừa mơ thấy một cỗ quan tài đặt đầu ngõ vào ngôi nhà tuổi thơ. Nàng linh cảm điều chẳng lành. Hai ngày sau có điện tín từ Việt Nam báo tin Má mất. Hai tuần sau nữa có thư nhà, Quân biết nhưng không được đọc. Vợ giấu Quân lá thư, vì sợ chồng coi như một lời trách móc. Lén coi xong Quân lại thấy đó chỉ là một dấu thương yêu – trước khi chết, mẹ vợ còn sợ con rể buồn. Nhưng còn cái gì sâu xa hơn nữa, Quân cảm thấy Má giáo huấn một điều quan trọng trên đời – đừng vô tình. Do vô tình, Quân không thể ngờ được một bà mẹ vợ cũng cần một cái nhìn âu yếm từ đứa con rể. Cái nhu cầu nhỏ bé không tên đó, không bao giờ được đáp ứng, sau khi Má chết, đã trở thành một hối thúc kỳ lạ trong Quân, như tiếng lục lạc. Má như vẫn nhắc Quân phải quay đầu nhìn người ở lại. Trong những 'người ở lại', người ở lại trong thời gian -những người hết thời, dù già hay trẻ– mau bị quên lãng nhất. Họ ngồi âm u ở một xó nào đó, không màu sắc, không thanh âm, không gợi cảm, thừa thãi, nhạt nhẽo. Cho đến ngày nào đó họ xuất hiện lần cuối cùng trên mẩu tin báo tử. Phần nhiều cả lần cuối cùng này cũng không có. Má ơi! Con chỉ cầu cho thời gian xoay ngược để con ngoảnh lại nhìn Má lần cuối.
– Anh thân với ông ngoại tôi đến thế sao?
Câu hỏi của May Britt đánh thức Quân. Chàng hơi thẹn vì một giọt nước mắt vừa ứa ra. Chắc May Britt không hiểu tại sao một anh hàng xóm có thể khóc khi nghe tin ông ngoại cô chết. Cô còn trẻ quá để hiểu nguồn mạch giọt nước mắt của Quân, trong đó chỉ một phần mặn là từ ông ngoại cô, phần mặn nhất là do mẹ vợ chàng, và nỗi ân hận chua xót. Chua xót vì một lần nữa chàng quên lời hứa với vong linh bà – phải đối xử với mọi người như đó là lần cuối được gặp. Đặc biệt là những người ở lại; lần cuối đó dễ xảy ra. Những lúc chẳng ngờ. Quân ngước mặt để cầm lại giọt nước mắt khác muốn trào ra, thẫn thờ nhìn lên sợi dây điện mà ông già lấy cớ khi nói về cây thông. Có đôi quạ khoang vừa đậu xuống, đong đưa.
– Vâng. Vì thế tôi muốn đốn cây thông để khỏi vướng dây điện – như ý ông ngoại cô.
– Ông ngoại muốn đốn, không phải vì dây điện, mà vì ông ngoại bị dị ứng phấn thông.
Tâm Thanh
No comments:
Post a Comment