Tình Huynh Đệ Chi Binh
Nguyễn văn Phảy
Thắm thoát 5 năm đã trôi qua. Vào cuối tháng 8 và nửa đầu tháng 9 năm nay vợ chồng tôi có dịp trở lại miền Nam California, Hoa Kỳ để tham dự Đại Hội 45 Năm Tốt Nghiệp Khoá Đệ Nhị Song Ngư Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang được tổ chức tại nhà hàng Paracel và Majesty ở vùng Orange County.
Gặp niên trưởng HQ Phạm Đình San:
Sau Đại Hội tôi đã có xe vì đã mướn từ Đức quốc để đi thăm viếng thân hữu. Hai niên trưởng mà tôi rất mong muốn gặp đó là Hải Quân Phạm Đình San, K10 SQHQNT, là cựu Hạm trưởng Hộ Tống Hạm HQ11 đã tham dự trận chiến Mũi Dinh, vịnh Cà Ná, Phan Rang ngày 18.4.1975. Tại bờ biển, khi Dương Vận Hạm HQ503 mà tôi phục vụ, đang cứu vớt quân cán chính di tản từ thành phố Phan Rang đã bị thất thủ chạy ra hướng biển thì chiến hạm bị pháo của cộng quân bắn hư đài chỉ huy và trúng nhiều quả đại bác trên mặt nước. Chiến hạm HQ503 không chìm. Lúc đó chiến hạm HQ11 cũng ở trong vùng hoạt động, Hạm trưởng Phạm Đình San đã ra lệnh cho chiến hạm cấp tốc chạy đến gần chiến hạm HQ503 để tiếp cứu. Khi ra hải ngoại tôi liên lạc được với thuỷ thủ đoàn HQ11 và được biết đến HT PĐ San. HT San không cho tôi gọi là niên trưởng hay HT mà chỉ gọi là anh San mà thôi.
Năm 2013 tôi và bà xã có dịp đi qua Nam California đã được vợ chồng anh San mời đi ăn. Lần nầy cũng vậy. Chúng tôi không quên vợ chồng anh San. Khi qua Nam California là tìm cách liên lạc với vợ chồng anh San để thăm viếng. Chúng tôi được anh chị San mời đến nhà hàng để đải những món ăn đậm tình quê hương của vùng Orange County tuyệt ngon. Chúng tôi trò chuyện thật vui vẻ. Vợ chồng tôi dành trả tiền nhưng anh San đã giữ truyền thống hải quân QL VNCH đàn anh bao thầu cho đàn em. Gặp lại anh chị San sau 5 năm xa cách vẫn thấy anh chị San sức khoẻ còn khá tốt. Hàng ngày anh San vẫn là tay quần vợt cừ khôi với tuổi 80. Suốt ngày, dường như anh San thường hiện diện ngoài sân quần vợt với bạn bè. Sức khoẻ anh San còn tốt lắm. Nhờ vậy tinh thần anh San rất tráng kiện, luôn vui tươi, kể nhiều chuyện cho đàn em nghe. Cảm ơn vợ chồng anh chị San nhiều.
HQ Phạm Đình San, chị San, Thuỷ (vợ Phảy) và HQ NV Phảy
Gặp niên trưởng HQ Hoàng Đình Báu:
Một niên trưởng đàn anh khác mà tôi không bao giờ quên là HQ Hoàng Đình Báu, K11 SQHQNT , cựu Hạm trưởng và là nhà văn Tam Giang. Tôi quen biết niên trưởng Báu nhân dịp Đại Hội Công Giáo tai Đức quốc. Năm ấy niên trưởng Báu từ Mỹ qua Đức thăm viếng bà con, tình cờ gặp tôi. Trước khi niên trưởng Báu trở lại Mỹ tôi đã mời niên trưởng Báu đến nhà tôi vài hôm sau cùng của chuyến du lịch Đức quốc. Từ đó tôi thường trao đổi thư từ bài viết của tôi với đàn anh HĐ Báu. Khi niên trưởng Báu có bài mới viết gởi cho tôi, tôi cũng upload lên website http://navygermany.gerussa.com
Năm 2013 tôi cũng đã có dịp viếng thăm niên trưởng HĐ Báu và anh Phan Tấn Hải, chủ bút báo Việt Báo, là tác giả nhiều cuốn sách Thiền. Được hai anh mời vợ chồng tôi đi ăn năm đó. Năm nay vợ chồng tôi muốn qua Mỹ mời lại để đáp ơn. Vì trục trặc kỹ thuật qua điện thoại và thời gian quá eo hẹp, rất tiếc chúng tôi chỉ gặp được niên trưởng Báu mà thôi.
Gặp nhau tay bắt mặt mừng với tình huynh đệ. Anh Báu đã đưa vợ chồng tôi đến thăm viếng tượng đài Quang Trung Nguyễn Huệ tại góc đường Euclid và Garden Grove (Emperor Quang Trung).
HQ Hoàng Đình Báu và HQ Nguyễn văn Phảy dưới tượng đài Quang Trung.
Vua Quang Trung tên chính thức là Nguyễn Huệ, sinh năm 1753 tại làng Tây Sơn thuộc tỉnh Bình Định. Năm 18 tuổi, 1771, Nguyễn Huệ cùng 2 anh là Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ đã nỗi lên chống lại triều đình nhà Nguyễn ở Huế đang bị Trương Phúc Loan chuyên quyền.
Sau khi quân Tây Sơn đánh bại quân của chúa Nguyễn Ánh trong Nam, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế, lấy niên hiệu là Quang Trung, đóng đô ở Phú Xuân. Ngoài Bắc vua Lê Chiêu Thống sang cầu cứu nhà Thanh. Vua Thanh sai Tôn Sĩ Nghị đem 200.000 quân sang xâm chiếm nước ta. Năm 1789 Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc. Chỉ trong vòng 7 ngày quân Nguyễn Huệ đã đánh tan đội quân xâm lăng của Tàu. Cuộc chiến kết thúc ở gò Đống Đa nên được gọi là chiến thắng Đống Đa. Nguyễn Huệ đã có công thống nhất đất nước sau gần 2 thế kỷ. Nguyễn Huệ đã từ trần vì bạo bệnh năm 1792, hưởng thọ 40 tuổi tính theo âm lịch. Người dân Việt đã luôn ghi ơn công trạng của vua Quang Trung Nguyễn Huệ.
Trong khu tượng đài Quang Trung Nguyễn Huệ có nhiều tiệm ăn Việt Nam. Rất tiếc chị Báu vì sức khoẻ yếu kém nên chúng tôi không gặp được chị. Chúng tôi vào đó ăn phở bò tái nạm. Vợ tôi có dịp so sánh món phở đang ăn với món phở mà bà ta đã dạy cho người bản xứ và ngoại quốc tại Đức. Tại Đức nơi tôi định cư ít có nhà hàng Việt Nam bán thức ăn với hương vị quê hương. Vì thế hầu hết người Việt tại Đức, trong gia đình những bà nội trợ thường tự nấu cho chồng con thưởng thức. Cũng vì vậy mà bà xã tôi với 26 năm qua, đã được nhiều cơ quan của Đức như Bình Dân Học Vụ (VHS), Genuss Academy, Familienbildungstätte … mời dạy thức ăn Việt Nam để người bản xứ hay ngoại quốc có cơ hội biết đến văn hoá Việt Nam qua ẩm thực:
Sau 5 năm gặp lại anh Hoàng Đình Báu chúng tôi trò chuyện rất thân tình. Anh Báu có sức khoẻ khá tốt, mặc dù tuổi trên 80. Anh kể, âu đó là nhờ tập luyện thể thao hằng ngày. Rất mừng và phục tài kỷ luật chuyên tập của anh. Trước khi chia tay và để chụp thêm vài tấm hình kỷ niệm, tôi đã dành trả tiền ăn nhưng thất bại vì anh Báu đã trả trước rồi.
Vợ chồng tôi chỉ biết cảm ơn anh Báu là bậc đàn anh hải quân của tôi lúc nào cũng thể hiện tình cảm „niên trưởng và niên đệ chi binh“ của hải quân QLVNCH.
NV Phảy và vợ dưới tượng đài Quang Trung Đại Đế
Mùa thu xứ người
Nguyễn văn Phảy
No comments:
Post a Comment