Ngọn hải đăng nổi tiếng nước Pháp
Một trong những ngọn hải đăng nổi tiếng nhất nước Pháp có tên La Jument, nằm cách bờ đảo Ushant 300 m. Vào ngày biển động, sóng dữ tràn qua nơi đây tạo cảnh tượng đáng sợ.
Vùng biển Iroise thuộc tỉnh Brittany (Pháp) nằm giữa eo biển Anh và vịnh Biscay nổi tiếng là một trong những vùng nước dữ nhất châu Âu, thường xuyên có bão to, sóng lớn và dòng biển mạnh. Từ năm 1888 đến 1904, hơn 30 con tàu đã chìm ở đây. Ảnh: Virahaber.
Do đó, bờ biển gập ghềnh này có tới hơn 1/3 tổng số hải đăng và tháp lửa của bờ biển nước Pháp. Những pháo đài bằng đá granite này đã cảnh báo nguy hiểm cho các thủy thủ từ thế kỷ 18. Ảnh: Spotlight.
Một trong những ngọn hải đăng nổi tiếng nhất ở đây là La Jument, cách bờ đảo Ushant khoảng 300 m. La Jument trở nên nổi tiếng vào năm 1989, sau loạt ảnh ấn tượng của nhiếp ảnh gia Jean Guichard.. Ảnh: Jean-guichard.
Vào 21/12/1989, áp thấp nhiệt đới đem gió mạnh và sóng cao 20-30 m đến vùng biển biển Iroise. Sóng dữ đập vỡ cửa kính phía dưới của hải đăng La Jument, xô đổ cửa chính và tràn vào trong tháp. Ảnh: Jean-guichard.
Nhân viên canh giữ hải đăng, ông Théodore Malgorn, chia sẻ từng nghe tiếng máy bay trực thăng chở nhiếp ảnh gia Jean Guichard đi chụp biển bão và nghĩ rằng đó là máy bay cứu hộ. Khi ông Malgorn ra ngoài cửa, một cơn sóng khổng lồ ào đến, Guichard đã chụp bức ảnh ấn tượng khiến ông nổi danh thế giới. Ông Malgorn đã may mắn kịp vào trong và thoát nạn. Ảnh: Jean-guichard.
Loạt ảnh miêu tả sức mạnh thiên nhiên của Guichard đã trở nên nổi tiếng trên khắp thế giới. Hải đăng La Jument cũng trở nên nổi tiếng và trở thành điểm du lịch được các nhiếp ảnh gia yêu thích. Ảnh: Mathieu Rivrin.
Một hải đăng khác đáng ghé thăm trong vùng là Phare de Kéréon hay hải đăng Kereon, được xây dựng trên một mũi đá nhỏ giữa đảo Ushant và đảo Bannec. Biển quanh Kereon hiếm khi bình lặng, với sóng lớn thường xuyên xuất hiện. Ảnh: Brestitude.
Tuy nhiên, điều khiến du khách ngạc nhiên là bên trong hải đăng được ốp gỗ sang trọng, với cầu thang lát đá và những chiếc giường quý tộc. Phare de Kéréon được mệnh danh là “cung điện” vì có nội thất lộng lẫy. Ảnh: Jean-guichard.
Khu hành lang, bếp và hai phòng dành cho nhân viên trông giữ hải đăng nằm ở 4 tầng dưới, được ốp gỗ sồi già thanh lịch. Phòng “danh dự” ở tầng 5 sử dụng gỗ sồi nhập từ Hungary, trang trí với những ngôi sao lấp lánh. Ảnh: Dirmnamo.
Bản thân ngọn hải đăng được xây bằng đá granite, với đường kính bệ rộng khoảng 4 m và có chiều cao 48 m. Lửa trên hải đăng được thắp lần đầu vào năm 1916 và chuyển sang dùng đèn điện vào năm 1972. Ngày nay, hải đăng dùng pin và máy phát điện bằng sức gió. Nhân viên trông giữ không sống ở đây từ 2004 dù vẫn có nhiệm vụ điều hành và kiểm tra. Từ 2004, hải đăng đã chuyển sang vận hành tự động hoàn toàn. Ảnh: Strange Sounds.
An Ngọc
No comments:
Post a Comment