Wednesday, October 10, 2018

Huyền thoại em gái hậu phương

NT4 Ngô Chi



Bây giờ là mùa Thu, mùa Thu nơi công viên Clinton Park-Oakland, lá vàng, lá chín đỏ những con đường quanh đây. Ngồi với nhau nhấp chút cà phê, những người bạn bốn phương bấm đốt ngón tay. Mới đó đã mùa thu thứ 40 sau tháng 4/75. Hồi đó tụi mình trẻ nhất là những thiếu úy, trung úy - đa số độc thân bởi chiến trường đang còn sôi động, mới ra trường hoặc đang hồi yêu nhau thơ mộng, trôi dạt đó đây - chỉ hẹn hò và chờ đợi. Cám ơn những mối tình em gái hậu phương.

Và rồi, đứt gánh các anh vô trại tù "cải tạo", các em long đong lận đận. Bốn phương cách biệt dằng dặc 5 năm, 7 năm và tan tác như chim xa bầy đàn, khó gặp người xưa vì “đất nước mất, mất tất cả”... Trở về lại các anh đã trên dưới 30 tuổi. Độc thân, nghèo khó, thất nghiệp, tưởng như là tàn tạ... đúng nghĩa cơ hàn và tối tăm sau 10 năm “giải phóng”. Và cũng tưởng là, không còn em gái hậu phương - thích làm người yêu của lính!

Ngưng chuyện đời, chuyện trời là cơ duyên mầu nhiệm và có những mối tình trời cho như luật bù trừ. Những mối tình đơn sơ, đằm thắm, độc đáo kỳ lạ hơn tiểu thuyết hóa, tôi không sao tưởng tượng được. Những anh bạn đó bây giờ tuổi đã về hưu, ngồi tán gẫu cứ kể lại mới đó. Ờ mới đó đã 40 năm, rồi sẽ 50 năm tức nửa thế kỷ. Lịch sử đã có người ghi, nhưng những chuyện tình đặc biệt tri ân những em gái vẫn còn là em gái hậu phương, tình nguyện yêu lính thua trận. Thật đáng nói lời cám ơn từ đáy lòng. Các bạn nói tôi ghi lại được vài nét thôi cũng đáng quý, bởi thương các em không mơ mộng, các em không hưởng, thương cái te tua các em tình nguyện hứng chịu.

Chuyện thứ nhất...

Chuẩn úy Thảo ở Sư đoàn 1 địa đầu giới tuyến, người sĩ quan trẻ nhưng có anh dũng bội tinh và sắp lên Thiếu úy thì tháng Tư đứt gánh, chàng bị bắt và đưa vào trại tù Cồn Tiên - Ái Tử. Chàng hiền quá chưa hứa hẹn với cô nào. Vậy mà lạ thật, một cô gái mơ mộng nào đó đã lên trại thăm chàng. Thảo đã bảo trước chỉ quen thôi, em hãy về lấy chồng đi, đừng lên thăm nữa. Vậy mà lai rai cô gái đã khi thì ít gói bột Bích Chi, gạo lức và đường đen mắm muối không ít lần lên thăm... cho đến hơn 3 năm sau, Thảo về và đã nên duyên đẹp đôi. Nhà nghèo nhưng đã gom góp ít tiền cộng với tiền bán cả nửa mái tôn (lúc đó đang có giá) để sắm sửa chiếc xe xích lô đạp. Chàng đạp xe chở nàng ra chợ bán rau cải qua ngày để chờ đợi tới ngày nào đó không biết nữa của tương lai. Khó khăn tới khi đứa con mới bắt đầu đi học. Thời gian đằm thắm đi qua khi HO ra đời, làng trên xóm dưới đều bảo nàng có phúc và được trời ngó lại. Bây giờ chàng và nàng đã có những đứa con tốt nghiệp đại học ở Hoa Kỳ...

Giữa bao người đã bỏ nhau không lời từ biệt, em gái hậu phương nầy có niềm tin ghê gớm và tình yêu để có Thảo và giữ được Thảo.

Chuyện thứ hai về Thiếu úy TQLC Phạm Hào Hoa:

Sau 6 năm ra tù, người yêu cùng làng là cô sinh viên đại học Sư phạm Huế đã tạ lỗi đi lấy chồng ngọt ngào quá. Cô bé đã choàng khăn đỏ, đã là thanh niên xung phong. Chàng HH mang vết thương nơi ngực bởi mảnh đạn pháo vẫn còn nơi trận cuối để mấy ông lớn di tản. HH có nhiều bồ sáng giá nhưng kết cô sư phạm nầy và vết thương tình nhằm nhò gì với vết hằn 6 năm tù dù chỉ chiến đấu 3 ngày cuối ở mặt trận đông bắc Sàigòn. Chàng về quê may mắn có chiếc đò dọc sông Hương để kiếm cơm. Chàng lái đò cũ kỹ, rách nát, nhưng gặp mối tình mới nguyên của tiểu thư ở cồn Diên Trường-Tân Mỹ, đi lên phố làm nghề thẩm mỹ, tiệm uốn tóc Thuận Thái 137, Trần Hưng Đạo Huế. Chàng vượt khó với vợ trẻ ở làng quê còn nặng phong kiến và cổ tục. Chàng thương vợ lo giặt giũ nấu nướng và quán xuyến mọi việc. Nàng như cô Tấm bước ra từ chuyện cổ tích an ủi chàng khi chàng đã không còn hào hoa nữa. Điều giữ được êm ấm của cặp đôi nầy là sự hy sinh đáng khen của em hậu phương nhỏ tuổi quá so với chàng đã phong sương, thua đến một con giáp lận…

Chuyện thứ ba của anh Trung úy Địa phương quân:

Trung úy Phúc đóng ở Quảng Trị. Sau 6 năm tù Ái Tử Bình Điền trở về chàng phải đi kinh tế mới. Duyên may dun dủi chàng gặp nguời con gái cùng quê: Cô Hằng - hiền lành, duyên dáng như chờ sẵn đó cho chàng. Hằng là con gái của Thượng sĩ già Sư đoàn 18 BB, rất có hiếu và luôn nhớ lời cha mẹ dặn “nước chảy về nguồn”. Ngày xưa bố nàng mơ con gái mình gặp được chàng sĩ quan hiên ngang anh dũng. Đâu ngờ bây giờ, nàng lại gặp chàng đứt gánh nơi vùng kinh tế mới. Nàng duyên dáng và tháo vát, lại có học giữa vùng đồi núi nầy nên được làm thư ký hợp tác xã. Những đêm trăng nàng nấu chè mời chàng cùng bạn bên rẫy đậu nương khoai và bén duyên thỏa nguyện. Tưởng rằng chôn vùi tương lai hạnh phúc nơi kinh tế mới, ưa gì cái lý lịch tối đen, nhưng không ngờ vài năm sau cả gia đình nhỏ bé đổi đời và đã định cư Hoa Kỳ, thành phố Oakland nằm cạnh Cựu Kim Sơn... Niềm mơ ước của nàng đã toại nguyện dù mai vàng đã rụng tóe tung.

Chuyện thứ tư của anh chàng Thiếu úy Hải quân đẹp trai, hào hoa , bay bướm:

Chắc là chàng có nhiều bồ và chưa hề nghĩ chuyện kết hôn vì còn chờ... Đến tháng Tư đen, chàng còn kẹt ở ven đô và vào trại tù Vưởn Đào, Cai Lậy 5 năm. Về lại quê hương, không nghề nghiệp thì may mắn hợp tác xã đã giải tán nên gia đình chàng còn có đất làm ruộng đủ ăn. Cha chàng thương con không còn trẻ đi hỏi vợ người xóm trên xóm dưới gần nhau. Ai ngờ có sự từ chối vì không tương hợp!? Chắc chắn với thân phận mình chàng không buồn cho mình nhưng buồn vì thương cha. Chuyện nhỏ cũng là nhân duyên huống gì lập gia đình là đại sự cuộc đời. Bỗng có ngọn gió lành đưa tới. Người bạn giới thiệu gia đình đàng hoàng “ngụy quyền”, có 3 cô con gái độc thân còn rất trẻ, so với thiếu úy già ngoài 30 tuổi. Có lẽ 3 cô đều bằng lòng với người yêu là lính nhưng nhân duyên cô thứ hai đã chọn một cách ngon lành chẳng ngần ngừ và lên xe đạp theo chàng làm ruộng. Cả đời lá ngọc cành vàng chỉ biết ăn học, chàng kể, nàng theo chàng làm ruộng mà không biết phân biệt cỏ và lúa nữa và đỉa có bám chân không. Thế mà khi đau ốm, chàng đã chèo xuồng đưa nàng đi lên bệnh viện thị xã. Ôi thuyền trưởng duyên tốc đỉnh năm nào trên giòng sông Tiền, sông Hậu! Chắc là chàng chiều chuộng nàng lắm nên cứ nghe nàng hát nhạc lính nhiều.

Ôi những tình trời cho có nhiều chi tiết đặc biệt thú vị và sống động, có thăng trầm lo âu và vui tươi. Làm sao đưa vào tiểu thuyết và phim ảnh, để ca tụng tâm hồn biển rộng sông dài, để ca tụng tình yêu cao cả, chẳng khác gì túp lều lý tưởng của miền Nam không sụp đổ trước giông bão xã hội chủ nghĩa miền Bắc ập tới. Khi yêu nhau và lập gia đình, những người nầy không nghĩ đến H.O., vượt biên... mà chỉ nghĩ tới cuốc đất và khoai sắn! Mơ mộng lắm là chuồng heo và đàn gà nơi vùng kinh tế mới...

Đại khái tôi nghe kể nhiều chuyện như trên lắm, chuyện duyên số và những mối tình trời cho, ai mà chọn lựa được. Hơn trăm ngàn sĩ quan vào tù, một phần mười độc thân tức khoảng mười ngàn người ở tù về mới lấy vợ. Tưởng rằng đã hết rồi những cô gái chọn “người yêu của lính”. Vậy mà đất nước mất chưa mất tất cả bởi vì còn người yêu của lính tình nguyện cùng khổ với nhau. Tôi phác thảo chuyện nầy để được nghe nhiều chuyện tình thắm đượm tình nghĩa nữa, để dịp Lễ Tạ Ơn năm nay, nhóm bạn Bốn Phương làm lễ Tạ Ơn những người vợ lính, đặc biệt những người chưa được hân hạnh một lần đi bên anh những ngày còn lon lá lả lướt, toàn chỉ nghe kể, bất chấp đắng cay cuộc đời, ưa anh để đi kinh tế mới nhưng vẫn vui vẻ tình nguyện. Xin vinh danh những em gái hậu phương muôn thuở, người em gái can đảm ưa lính thất trận, họ trở về từ những trại tù đói khổ - bị chế độ Việt cộng coi thường, hất hủi nhưng em RẤT NGƯỜI, RẤT NHÂN ÁI, em mỉm cười hồn nhiên như hoa nở rằng... em thương anh.

Rất đáng ngưỡng mộ những quý bà và kể cho con cháu kính phục quý bà. Các em gái hậu phương đó bây giờ đã thành những bà nội, bà ngoại an nhàn...

Quý nương đúng là em gái hậu phương đáng được choàng những vòng hoa tình nghĩa!

Những mối tình của người em gái hậu phương giải thích không được, chỉ can đảm nhận đó là những mối tình trời cho. Mà các em can đảm thật! Dám yêu lính "thất trận", các em có niềm tin, có trực giác hơn thông minh để được yêu. Quả thật các em được chiều chuộng quá trời, không tin cứ hỏi ông nào ông nấy cũng nể nang các bà hết.
 

NT4 Ngô Chi 

No comments:

Blog Archive