Friday, October 12, 2018

Cuộc đời của một con đường

Phan Ni Tấn 

“Ký ức tuổi thơ tôi trong ngôi nhà thân thuộc chúng tôi sống đã theo tôi cho đến tận bây giờ”. Tuyết, em bà con chú bác của tôi, lúc nhớ về một con đường ở Sài Gòn, đã viết như vậy.

Khoảng giữa năm 1960, Ba Má tôi mở quán cà phê ở ngã ba đường Phạm Ngũ Lão – Đề Thám. Má tôi có khiếu buôn bán, quán khai trương gần tháng nay vẫn đông nghẹt khách phải mướn thêm người chạy bàn. Lúc đó tôi học trường nữ Gia Long, anh tôi theo học trường Trung học Pétrus Ký. Buổi chiều đi học về hai anh em mới xuống quán phụ giúp.  Nhà có hai tầng, tầng trên để ở, tầng dưới bán quán.
  
Vào thời đó, đường Phạm Ngũ Lão (tên cũ dưới thời Pháp thuộc là đường Colonel Grimaud) thuộc quận Nhứt, Sài Gòn nổi tiếng là “con đường báo chí”, vì phần lớn nhà in, nhà xuất bản và tòa soạn báo chí đều tập trung trên con đường này. Nếu tính từ đầu đường Phạm Ngũ Lão với rạp hát Thanh Bình, ngó xéo qua chợ Thái Bình thì cuối đường là nhà ga xe lửa Sài Gòn.

Sức mạnh của kỹ nghệ báo chí đã biến con đường Phạm Ngũ Lão thành “Con đường báo chí”, lúc nào cũng nhộn nhịp người qua kẻ lại, nhất là các văn nhân, thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, kịch sĩ, nghệ sĩ cải lương, phóng viên nhà báo, thợ sắp chữ in, thợ sửa bản vỗ… thường xuyên ra vào các tòa soạn báo chí, các tiệm cà phê, quán cóc. Đường Phạm Ngũ Lão, một đoạn đường một bên là dẫy tường nhà ga xe lửa Sài Gòn, một bên là cơ sở kinh doanh báo chí, nhà in, nhà xuất bản… Các tạp chí Văn,  Phổ Thông, Tuổi Ngọc, Khởi Hành, Thời Tập, Vấn Đề, Thế giới, Kịch Ảnh, Điện Ảnh,  nhật báo Tiếng Vang, Sàigòn Mới…, quán cà phê, quán cóc nhộn nhịp người ra người vào, chưa kể đoạn giữa Đề Thám và Đỗ Quang Đẩu nhiều nhà in với tiếng máy in sách báo rầm rập suốt ngày đêm không ngừng nghỉ.

Người ta thường nghĩ về chiến tích của con đường báo chí như nghĩ về chợ sách trải dài trên đại lộ Lê Lợi, bên kia đường là nhà sách Khai Trí, tưởng như trường tồn và ổn định mãi mãi. Nhưng rồi nước mất, nhà tan, những hình ảnh văn học đẹp đẽ trong mắt người Sài Gòn đã bị tịch thu, chất đống và thiêu cháy, cùng lúc đời sống tinh thần lẩn vật chất của toàn miền Nam Việt Nam bị thay đổi đến tận gốc rễ. Việt Cộng gọi là “đổi đời”.

Sau 30 tháng 4, 1975, riêng đường Phạm Ngũ Lão không bị đổi tên như những con đường khác, nhưng Sài Gòn đã phơi bày ra một vết thương chí tử bởi lịch sử chiến tranh giữa hai miền Nam Bắc: Sài Gòn thân yêu của người miền Nam bị đổi tên thành tên một xác người. Đó là một quyết định man rợ của những lãnh tụ man rợ từ bên kia chiến tuyến sau khi kết thúc cuộc chiến.

Cũng trên con đường Phạm Ngũ Lão này, những gì liên quan tới ngành kinh doanh báo chí, ấn loát, văn phòng, tiệm buôn, quán xá đồng loạt bị đóng cửa. Những tiếng động rầm rập của hệ thống máy in đều im hơi lặng tiếng. Giới văn nghệ sĩ, kẻ bị bắt, người lẩn trốn, người giải nghệ, người vượt biên ra nước ngoài, khiến “Con đường báo chí” như gương mặt thiếu máu, mất sinh khí trở nên ảm đạm, tiêu điều. Bên kia nhà ga xe lửa Sài Gòn cũng ngưng hoạt động, không ai chăm sóc để cỏ dại mọc um tùm.

Ba Má tôi mất đã nhiều năm. Anh tôi, sĩ quan tham mưu hành quân thuộc Liên Đoàn 4 Biệt Động Quân cũng đã hy sinh trong một trận đánh ngoài Bình Định.  Căn nhà với tiệm cà phê của chúng tôi trên con đường Phạm Ngũ Lão, con đường báo chí bị tước đi danh hiệu, cũng trở nên buồn bã như tôi. Lúc đó tôi mới để ý tới dãy phố Phạm Ngũ Lão nhộn nhịp trở thành một thực thể chông chênh. Nó chẳng đẹp đẽ chút nào. Nó giống như hàm răng lệu bệu, vàng ệch của một ông già xấu xí, cái cao, cái thấp, cái nhô ra, cái thụt vào.

Lúc mất đi một cái gì quen thuộc, người ta mới nghĩ tới nó. Như tôi thường nghĩ tới mà thương cho những người thân đã ra người thiên cổ. Và tôi nghĩ tới nó, nhìn lại nó rồi giựt mình nhận ra nó, con đường Phạm Ngũ Lão, lâu rồi, lâu lắm vẫn là một “người bạn thâm niên” mà hàng ngày bán buôn, lui tới tôi vẫn lơ là sự hiện hữu của nó.

Khi viết ra câu chuyện cuộc đời của đường Phạm Ngũ Lão từng là “người bạn cũ”, tôi cảm thấy rất dễ chịu. Giống như một nhà thầu kỳ cựu, con đường Phạm Ngũ Lão dần dà tái định hình khu phố. Cư dân ở đây, cũ cũng như mới, lại làm chứng cho sự trở mình của con đường. Thế nhưng vì thời thế đổi thay, trong khi con đường trở mình vực dậy,  dù muốn dù không, nó đã xóa mờ dấu vết về lịch sử của chính nó: “con đường báo chí”.

Năm 1986, đường Phạm Ngũ Lão, vốn là một chiến tích trong giới kỹ nghệ báo chí được mệnh danh “con đường báo chí” đã trở thành khu phố Tây ba-lô. Khách du lịch, đa số người Phương tây, thường đeo ba-lô hành lý nên người Sài Gòn gọi họ là Tây ba-lô. Từ đó, đường Phạm Ngũ Lão, gương mặt thiếu máu của nó đã lấy lại sinh khí, ngày càng phát triển.

Nhưng đó là chuyện của một con đường. Nó phụ thuộc vào dòng sống của con người. Qua nhiều năm tháng sau này, ai dám nói khu phố Tây ba-lô trên đường Phạm Ngũ Lão vẫn là một thực thể sinh động. Nó tiếp tục vươn lên, uyển chuyển hơn hay mềm mại hơn để rồi tàn lụi? Như dấu vết của “con đường báo chí” đã tàn lụi. Tàn lụi như một chế độ. 

Phan Ni Tấn

No comments:

Blog Archive