Tuesday, November 7, 2017

ĐIỆN THOẠI NỬA ĐÊM

Tác giả: Triệu Kiến Văn

Nửa đêm. Chuông điện thoại chợt reo. Ai mà lại gọi vào giữa đêm hôm khuya khoắt thế này?  Nó tức giận cầm ống nghe. 

Đêm tĩnh mịch bỗng bị âm thanh ào ào trong điện thoại đánh vỡ tan, không rõ là âm thanh gì. Có một tiếng thoát ra từ ống nghe, là tiếng mẹ, hơi chút run run: “Các con ở đỏ bình yên chứ? Các cháu tan học có về nhà không? ”

“Chúng con bình thường, các cháu vẫn ngoan”. Nó hỏi lại “Có vấn đề gì vậy?”

Bố bình tĩnh nói: “Chỗ bố mẹ mưa bão - không có gì, bình yên là được rồi”

Nó cười sằng sặc: “Bố, mẹ, bố mẹ cũng thật là. Ở đây là đất Mỹ, cách hàng vạn dặm, khí hậu làm sao mà giống nhau?”

Bố gác ống nghe, nó lẩm nhẩm tính: Bây giờ đang là hơn 4 giờ chiều ở Trung Quốc, cũng là giờ trẻ con tan học. Thảo nào bố mẹ hỏi tới bọn trẻ con. Bố mẹ ở nông thôn không biết chênh lệch múi giờ, họ cứ nghĩ giống như ở quê vậy.

Nó lại chợp mắt một chút, sau đó bắt đầu một ngày mới bận rộn. Mới nhập cư tới đây, bao nhiêu việc phải lo, hai vợ chồng nó bận tới mức chả có thời gian mà thở nữa. Đến ngày thứ ba nó xem ti vi bỗng thấy một tin thời sự: Một vùng của Trung Quốc bị mưa bão lũ cuốn, có đến một nửa vùng bị chìm ngập. Nó nhảy dựng trên ghế sofa – đó chính là làng nó.

Nó gọi điện thoại về nhà. Gọi không được. Gọi cho họ hàng, vẫn không được....Gọi suốt 1 tiếng đồng hồ, gọi mãi cuối cùng mới liên lạc được với một người bạn trong thành phố.

Người bạn nói: Tình hình rất nguy cấp, giao thông trì trệ, thông tin đứt đoạn, mất điện, mất nước....May mà mưa bão đến giữa ban ngày, mọi người kịp thời ẩn tránh, mới không xảy ra thương vong lớn về người. Hỏi kỹ ra thì lũ cuốn đến đúng 4 giờ chiều ba ngày hôm trước. Nó bần thần một lúc, chính lúc đó nhận được điện thoại của bố mẹ, nhưng họ một chữ cũng không nói.

Nó bỗng nhớ ra cái âm thanh ào ào trong điện thoại. Giờ mới hiểu đó là tiếng lũ cuốn!

Bố mẹ đang lúc hiểm nguy, nhớ đến sự bình yên của con cái. Chao ôi! Bố mẹ đang gặp bão táp ầm ầm, vậy mà nửa lời cũng không cho nó biết. 
     
NGƯỜI CHA ĐƯA CƠM HỘP

Tác giả: Triệu Kiến Văn

Đã một giờ chiều rồi mà cha vẫn chưa mang cơm hộp đến.Nó làm chủ quản ở một nhà máy, áp lực công việc rất lớn. Buổi trưa nhà máy không phục vụ cơm, nó bảo cha mang cơm hộp cho. Một phần là tiết kiệm, một phần cơm cha nấu rất ngon. 

Đồng nghiệp ăn thử cơm cha nấu, khen rất ngon. Nhưng nó cảm thấy trong lời khen ấy, có chút gì như khinh thường. Đúng vậy, khinh thường. Một người cha chỉ biết nấu cơm, chỉ biết chịu khổ chịu cực không biết cách hưởng thụ cuộc sống. Phải chăng mẹ đã bỏ nó từ khi còn bé tí để theo một người đàn ông khác vì một người cha không có tiền đồ như vậy? Mẹ có thể tìm lại được cho mình một người chồng mới, nhưng nó thì không thể tìm lại cho mình một người cha mới được.

Hai giờ chiều. Cha vẫn chưa đến. Không biết làm gì mà cả ngày rảnh rỗi, chỉ là nấu ít cơm, gần đây nấu cũng linh tinh nữa. Hôm qua không có thịt, hôm kia 1 giờ chiều mới mang đến. Hôm kìa quên cả cho muối. Đợi suốt cả buổi chiều cha vẫn chưa đến.Bảy giờ tối, có cuộc điện thoại từ sở cảnh sát gọi tới: “Bố anh đang ở chỗ chúng tôi. Ông ấy lạc đường, mời anh đến đón về”

Lạc đường? Cha làm sao mà lạc đường được? Vừa đến sở cảnh sát, nhìn thấy cha vẫn cầm hộp cơm. 

Thấy nó đến, cha vội đưa  tới cho nó: “Ăn cơm đi”. 

Cha đang làm gì vậy? Một hộp cơm cầm đến tận bây giờ, lại cầm đến đây?

Nó đang muốn phát điên, thì người cảnh sát nói: “Có người phát hiện ông lão này mồ hôi nhễ nhại cứ đi đi lại lại, hỏi ông ấy đi đâu, ông ấy nói không nhớ, hỏi nhà ở đâu, tên gì, cũng không nhớ, thế là gọi điện cho chúng tôi, may mà chúng tôi đã tìm thấy danh thiếp của anh trên người ông cụ. Cha anh mắc chứng bệnh đãng trí tuổi già, phải trông coi ông cụ, đừng để ông ấy đi mất”.

Cha đã bị mắc bệnh đãng trí tuổi già?

Giờ nó mới biết, để đưa cơm hộp cho nó, cha đã đi suốt cả buổi chiều trên con đường đó. Cái bệnh đãng trí tuổi già đã làm cha quên mất mình cần đi đâu, nhà mình ở đâu, mình là ai. Nhưng vẫn đinh ninh nhớ đến con trai, nhớ phải mang cơm hộp đến cho con trai. Cha bị đói suốt cả buổi chiều mà vẫn giữ nguyên hộp cơm. Hộp cơm đã nguội ngơ nguội ngắt, đưa ra trước mặt nó. 

Một người đàn ông đã trưởng thành như nó, cuối cùng đã không kiềm chế được òa lên khóc.
         
NIỀM QUÊN QUEN THUỘC

 Tác giả: Triệu Kiến Văn 

Tại một khách sạn sang trọng trong thành phố, anh cho bày một yến tiệc mời mẹ đến. Vì việc này mà vợ và anh đã không ít lần cãi nhau, vợ nói: nhà đã dư dả gì đâu, lại còn bày vẽ thêm chuyện?

Anh giải thích: mẹ vất vả nuôi anh khôn lớn. Kết hôn đã 8 năm, đây là lần đầu tiên mẹ từ quê ra chơi, anh muốn mẹ yên tâm, cuộc sống của anh không thiếu thốn chi cả.

Vợ không thay đổi được ý định của anh, đành ấm ức đi đến khách sạn. Trong bữa ăn, vợ không ngừng gắp thức ăn cho con trai. Tuy ở trong thành phố, nhưng đây là lần đầu tiên thằng bé mới được ăn những món ngon thế.

Mẹ ăn rất ít, ánh mắt hiền từ nhìn con cháu, mỉm cười hạnh phúc. Anh nói mẹ ăn nhiều một chút, mẹ cười nói: “Mẹ già rồi, ăn một chút vào là no”. Nhìn bàn ăn còn đầy, anh khó chịu bảo mẹ: “Mẹ. Ở khách sạn này có quy định, đồ ăn thừa sẽ bị phạt tiền, không được gói mang về.”

Vợ ngồi cạnh liếc anh một cái: bày trò gì đây? Đồ ăn ngon thế này, nếu gói về vẫn có thể cho con ăn thêm, nó đang tuổi ăn tuổi lớn.
Mẹ nghe vậy, bắt đầu mới động đũa. Trong mắt anh, đây là lần đầu tiên mẹ ăn được nhiều như thế. 

Mẹ đi rồi, vợ lại muốn tranh luận với anh.

Anh bỗng chảy nước mắt nói: “Từ nhỏ tới lớn, trong nhà có đồ gì ăn ngon, mẹ đều không dám ăn mà dành hết cả phần mình đến bữa sau cho mấy đứa con. Đã nhiều năm trôi qua, thói quen ấy của mẹ vẫn không thay đổi. Anh luôn có một ước muốn, muốn mẹ được ăn đồ ăn ngon, thay đổi khẩu vị, ăn nhiều một bữa, đâu ngờ chỉ có một lần. Nếu hôm nay anh không nói dối, mẹ nhất định sẽ không động đũa nữa.....”

Anh chưa kịp nói xong, vợ đã rơi lệ. Vợ nhớ đến mẹ mình, cũng chẳng như vậy sao? Ngày hôm nay, vợ cũng đã làm mẹ, mỗi ngày đều vô tư dành hết tình mẫu tử cho con, vậy mà tình mẫu tử mẹ dành cho vợ, vợ hình như đã quên mất.....

Theo Tạp chí Đời sống đương đại

No comments:

Blog Archive