Monday, November 27, 2017

Bà Clinton không thể đứng trên pháp luật

Phạm Duy/ Đại Kỷ Nguyên


Cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton có nguy cơ phải đối mặt với điều tra của một công tố viên đặc biệt (Ảnh: Getty)

Bà Hillary Clinton phải đối mặt với hậu quả các hành động của mình và sự điều tra của một công tố viên đặc biệt, theo nhận định của nhà phân tích pháp lý Gregg Jarrett trong một bài viết đăng trên tờ Fox News hôm 15/11.
Phải thượng tôn pháp luật
Không có ai trong đất nước này đứng trên luật pháp, kể cả bà Hillary Clinton, ông Jarrett khẳng định. Không có “bến đỗ” nào trong cuộc sống hay vị trí nào trong chính phủ hay khát vọng chính trị nào có thể miễn cho ai đó khỏi tội hình sự. Theo cách này, tất cả mọi cá nhân đều là đối tượng của luật pháp, và phải tuân thủ luật pháp. Một xã hội có trật tự không thể vận hành tốt nếu nó cho phép các cá nhân bất chấp luật pháp mà không bị trừng trị.
Nguyên tắc cơ bản này, được tuyên bố bởi Toà án tối cao Hoa Kỳ cách đây hơn một thế kỷ, chính là điều tạo ra ‘chất bổ dưỡng’ cho nền dân chủ của nước Mỹ, theo ông Jarrett. Nếu không có nó, thì tình trạng vô pháp luật, sự hỗn loạn và sự bạo ngược của một số ít người sẽ chắc chắn xảy ra.
Vậy thì, nếu tuân thủ nguyên tắc đó, bà Clinton không cao hơn hay thấp hơn bất kỳ người Mỹ nào. Bà phải tuân thủ ‘tinh thần thượng tôn pháp luật’ bất kể điều kiện hay hoàn cảnh nào của bà. Chạy đua cho vị trí lãnh đạo, bao gồm cả chức vụ tổng thống, không thể tạo ra quyền miễn trừ pháp lý, ông Jarrett lập luận.


Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions đang đợi trước phiên điều trần tại Ủy ban Tư pháp Hạ viện hôm 14/11/2017 (Ảnh: Alex Wong/Getty Images)
Tuy nhiên, giáo lý cốt yếu này dường như các nghị sĩ đảng Dân chủ hoàn toàn không hiểu trong phiên điều trần hôm thứ Ba (14/11) tại Ủy ban Tư pháp Hạ viện, trong đó Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions là người bị chấn vấn. Tại phiên điều trần, trước câu hỏi của nghị sĩ đảng Dân chủ John Conyers thuộc tiểu bang Michigan, rằng: “Khi điều hành một nền dân chủ, liệu có bình thường đối với người lãnh đạo đất nước ra lệnh cho hệ thống thực thi luật pháp hình sự trả đũa lại những đối thủ chính trị hay không?”, ông Sessions đã trả lời rõ ràng: “Bộ Tư pháp không bao giờ có thể được sử dụng để trả đũa về mặt chính trị, chống lại những đối thủ, và điều đó là sai trái”.
Nghị sĩ Conyers dường như đã cố tình phát biểu sai cả luật pháp và sự thật, ông Jarrett bình luận. Bộ Tư pháp có nhiệm vụ điều tra các hành vi dường như đã vi phạm các các đạo luật hình sự. Nếu có đủ bằng chứng để hỗ trợ một bản cáo trạng, hệ thống công lý đòi hỏi nó phải được đưa ra. Đây không phải là trả đũa như ông Conyers muốn mọi người tin, mà là việc thực thi pháp luật bị cản trở bởi động cơ chính trị.
Bà Clinton không được miễn trừ chỉ vì bà ấy đã chạy đua vào chiếc ghế tổng thống. Ông Jarrett đặt ra một câu hỏi: Nếu được miễn trừ, thì bất cứ ai cũng có thể cướp ngân hàng, và được miễn khỏi hình phạt bằng cách trở thành một ứng cử viên tổng thống hay sao?
Nghi án nhà Clinton bị Nga mua chuộc
Ông Sessions đã lưỡng lự trong việc quyết định liệu có nên truy tố hình sự đối với bà Clinton hay không. Ngày 27/7/2017, các nghị sĩ đảng Cộng hòa trong Ủy ban Tư pháp Hạ viện đã gửi một bức thư tới Bộ trưởng Tư pháp Sessions, yêu cầu ông bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt để điều tra những cáo buộc về những hành động sai trái của bà Clinton trong thỏa thuận uranium gây tranh cãi với Nga. Ông Sessions chưa bao giờ trả lời bức thư này, và cũng bỏ qua bức thư thứ Hai vào tháng 9/2017.
Cuối cùng, vào đêm trước phiên điều trần của mình, ông Sessions đã thông báo cho Ủy ban Tư pháp Hạ viện rằng ông thực sự đã chỉ đạo các công tố viên cấp cao của liên bang, đánh giá xem liệu có cần một công tố viên đặc biệt hay không. Có bằng chứng thuyết phục rằng bà Clinton có thể đã lạm dụng chức vụ Ngoại trưởng Mỹ, trao quyền lợi cho chính phủ Nga, để đổi lấy tiền bạc.
Nếu ý đồ “mua chuộc” đã giúp bảo đảm việc bán 20% tài sản uranium của Mỹ cho Nga trong khi làm giàu cho bà Hillary Clinton, cựu Tổng thống Bill Clinton và Quỹ Clinton, thì nó sẽ cấu thành những tội phạm khác nhau, bao gồm tội nhận hối lộ và tội gian lận thư tín để làm tiền.

Quỹ của nhà Clinton đã nhận tới 145 triệu USD từ các nhà đầu tư nước ngoài liên quan đến thỏa thuận hạt nhân. (Ảnh: Daniel Berehulak/Getty Images)
Theo ông Jarrett, ủy ban đã cũng yêu cầu một công tố viên đặc biệt mở lại vụ án điều tra thư điện tử (email) của bà Clinton để xác định liệu các hành động của cựu Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch và cựu Giám đốc FBI James Comey có cản trở công lý, trong một nỗ lực giải tội cho bà Clinton hay không?.
Nếu vậy, thì khi đó cần phải xem xét lại vấn đề: Liệu bà Clinton có vi phạm Đạo luật Gián điệp hay không trong việc xử lý sai trái 110 tài liệu mật được tìm thấy trên máy chủ cá nhân trái phép và không đảm bảo, để có thể đưa ra cáo buộc hình sự đối với bà Clinton.
Ông Jarrett khẳng định, Bộ trưởng Tư pháp không có lựa chọn nào khác ngoài việc chỉ định một công tố viên đặc biệt và phải làm ngay lập tức. Trong phiên điều trần hôm 10/1/2017, ông Sessions thề sẽ tự rút khỏi bất kỳ vấn đề nào liên quan đến “cuộc điều tra email của bà Clinton cũng như bất kỳ vấn đề nào liên quan đến Qũy Clinton”. Vì vậy, ông Sessions phải bàn giao toàn bộ vấn đề cho một công tố viên đặc biệt để phù hợp với lời hứa của mình dưới lời tuyên thệ, và để loại bỏ sự xung đột lợi ích đã thừa nhận.
Quyền hiến định của Tổng thống
Tổng thống Trump đã chỉ trích ông Sessions khi ông thất bại trong việc theo đuổi các cuộc điều tra về bà Clinton và những người khác trong chính quyền Obama trước những nghi vấn hình sự của họ. Tổng thống Trump có quyền làm như vậy, và điều đó nằm trong thẩm quyền hiến định của ông, để bày tỏ sự quan tâm của mình, ông Jarrett bình luận.
Đó hoàn toàn là một ảo tưởng được giới truyền thông duy trì mãi, và nay được Nghị sĩ Conyers nhắc lại trong phiên điều trần hôm thứ Ba (14/11), rằng một vị tổng thống không thể tham gia vào vụ án hình sự tại Bộ Tư pháp. Theo ông Jarrett, không có bất cứ một đạo luật nào cấm ông không được chỉ đạo Bộ Tư pháp theo đuổi bất kỳ vấn đề nào, có khả năng truy tố hình sự.
Ngược lại, theo Điều II của Hiến pháp, tổng thống được trao quyền đặc biệt để thi hành tất cả các đạo luật, thường được thực hiện bằng cách chỉ đạo Bộ Tư pháp hành động. Các bộ và ban ngành trong khối hành pháp, không phải là độc lập. Theo hiến pháp, họ thuộc sự chỉ đạo của tổng thống, người có thể nói cho họ biết phải làm những gì và không làm những gì.

Theo Điều II của Hiến pháp, tổng thống được trao quyền đặc biệt để thi hành tất cả các đạo luật, thường được thực hiện bằng cách chỉ đạo Bộ Tư pháp hành động. (Ảnh: Getty)
Trong quá trình lịch sử của Hoa Kỳ, các tổng thống đã tham gia trực tiếp vào cả những vụ án dân sự và hình sự, theo ông Jarrett. Tổng thống Thomas Jefferson đã ra lệnh cho Bộ trưởng Tư pháp khi ấy điều tra ông Aaron Burr về tội phản quốc. Tổng thống John F. Kennedy cũng ra lệnh cho Bộ Tư pháp can thiệp vào nhiều vụ kiện dân sự.
Một tổng thống không được lợi dụng chức vụ của mình để theo đuổi những báo thù chính trị dưới chiêu bài truy tố hình sự. Nhưng nếu có đủ bằng chứng về hành vi bất hợp pháp, ông có mọi quyền yêu cầu thực thi pháp luật, theo ông Jarrett. Việc tổng thống không làm như vậy, sẽ cấu thành một vi phạm nghiêm trọng về nhiệm vụ hiến định của mình.
Gần đây, công chúng ngày càng biết nhiều hơn về những mưu toan của bà Hillary Clinton và bản chất vô nguyên tắc trong những giao dịch của bà khi là Ngoại trưởng, và sau này là ứng cử viên tổng thống.
Đã đến lúc bà Clinton phải đối mặt với hậu quả những hành động của mình và sự điều tra của một công tố viên đặc biệt, ông Jarrett kết luận.
Phạm Duy 

No comments:

Blog Archive