Wednesday, November 29, 2017

Kinh doanh từ thiện



Hai sự việc tuần qua khiến nhiều người nghĩ lại việc biếu tặng tài chính cho các tổ chức từ thiện vì lòng hảo tâm của mình đã bị lạm dụng một cách khá là trơ trẽn. Việc thứ nhât là “nhà từ thiện” Carl Trad nuốt chửng số tiền từ thiện $10,000, liên quan đến tiền thuế của dân. Việc thứ hai là Bác sĩ Charle Teo nổi cáu giải tán tổ chức từ thiện do chính mình sáng lập sau 14 năm hoạt động.
Gởi trứng cho ác?
“Nhà từ thiện” Cark Trad này đã nhận tài trợ từ tiền thuế của chính phủ để làm việc thiện trong chương trình gọi là “tài trợ cộng đồng” (community grant), tuy nhiên ông ta đã không làm gì cả và đến nay chính phủ vẫn chưa đòi lại được.
Tên của “nhà từ thiện” này đã bị Lao Động mang ra chất vấn Thủ hiếu Gladys Berejiklian trong cuộc họp về ngân sách vào tháng Chín và nữ thủ hiến này đã thoái thác, cho rằng việc đòi nợ là của ban bệ chuyên môn trong Văn phòng Thủ hiến và Nội các (Department of Premier and Cabinet: DPC).
Cho đến nay thì DBC đã ba lần gởi thư đòi lại tiền, nhưng vẫn không được. Thậm chí khi nhân viên của DPC đến tận nhà thì bị bảo cút đi.
Carl Trad gốc Lebanese, hiện ngụ tại Revesby, xuất thân là một tay buôn xe hơi hạng sang và thập niên 90 đã bị tội phạm hình với tội rửa tiền. Ba năm trước, Trad là viên tài xế lái chiếc xe thể thao giá $2 triệu để chở chú rể Salim Mehajer trong “đám cưới thế kỷ” của anh ta. Bỏ qua những chuyện này, Trad tỏ ý muốn đóng góp cho cộng đồng bằng cách lập Hội Đa văn hóa Hồi giáo Úc (Australian Multicultural Society Incorporated: AMSI) với tôn chỉ giúp đỡ người kém may mắn trong xã hội.
Lập tổ chức “Đa văn hóa Hồi giáo” thì chung chung quá, Trad đề ra một nhiệm vụ cụ thể: sắm một chiếc xe van, mua thực phẩm về chế biến thức ăn nóng để chở đến giúp những người vô gia cư. Với đề án này Trad được Dân biểu Glenn Brookes của vùng East Hills trao tấm chi phiếu $10,000.
Tuy nhiên số tiền này vào túi Trad rồi đi luôn và nhà từ thiện này không thể nộp các hóa đơn và biên nhận chứng minh hoạt động từ thiện của mình. Tháng qua Ủy hội Các tổ chức từ thiện và phi lợi nhuận Úc (Australian Charities and Not-for-profits Commission: ACNC) ký quyết định tước quy chế “tổ chức từ thiện” của AMSI. Như vậy, kể từ nay AMSI không thể nhân danh người vô gia cư để vận động gây quỹ và xin tiền bất cứ ai!
Nhưng còn tiền đã lỡ cúng cho ông ta rồi thì sao?
Kể ra thì DPC cũng đã có công đòi nợ, ba lần gởi thư đòi nợ không xong. Sự bất quá tam, DPC cử nhân viên đến nhà thì Trad bảo “go to hell”. Khi báo chí làm lớn chyện thì Trad giải thích là ông ta mang $10,000 kia mua chiếc xe van thì hết tiền, chẳng biết làm gì nên mang xe van đi bán, bị lỗ, chỉ còn lại $2,800: muốn thì ông ta trả lại $2,800, thế thôi!
Với chính phủ thì số tiền $10,000 không lớn nhưng đây lại là phần nổi của tảng băng chìm.
Thứ nhất là có bao nhiêu dự án “tài trợ cộng đồng” như thế?
Thứ hai, có bao nhiêu “nhà từ thiện” đã được chính phủ phó thác niềm tin một cách bừa bãi như thế?
Nếu chính phủ thất bại trong vụ này vì gởi tiền thuế của người dân cho “ác” thì các nhiều nhà từ thiện tư nhân lại chán vì sự thao túng của những kẻ không hề hiền!
 Chán với “từ thiện nuôi thân”
Nhà từ thiện này là Giáo sư Bác sĩ Charlie Teo, 59 tuổi, một trong những nhà giải phẫu não hàng đầu tại Úc, có thể tiến hành các ca mổ mà các đồng nghiệp khác cho là không thể làm được hay độ may rủi quá cao. Tiếng tăm ông bay khắp thế giới và bệnh nhân đã từ nhiều nơi đổ về nơi ông làm việc chính là trung tâm giải phẫu não thần kinh tại Bệnh viện Prince of Wales Hospital ở Sydney.
Năm 2003 ông thành lập Quỹ Chữa trị Ung thư não (Cure Brain Cancer Foundation: CBCF) để giúp đỡ những bệnh nhân giải phẫu. Tuy nhiên sau 14 năm hoạt động, ông đâm chán và tuần qua tuyên bố giải tán CBCF để thành lập một tổ chức mới.
Lý do là CBCF đầu tư cho việc nuôi thân mình hơn là nuôi người bệnh. Ông thành lập CBCF là để giúp đỡ những người bị ung thư não, tuy nhiên một Úc kim kiếm được thì CBCF tiêu ít nhất 65 xu cho tiền lương của nhân viên, chi phí quảng cáo và hành chánh, nhiều lắm là 35 xu tới tay người bệnh.
Giáo sư Charlie Teo muốn thành lập một tổ chức từ thiện mà chi phí để tự nuôi nó chỉ chiếm từ 10 đến 15% kinh phí. Dự tính, tháng Ba năm tới tổ chức The Charlie Teo Foundation sẽ ra mắt và hiện tại các thủ tục xin quy chế “tổ chức từ thiện” đang được tiến hành.
Diễn tiến này dang đe dọa kỹ nghệ từ thiện tại Úc, với tổng doanh thu lên đến trên $100 tỷ!
Theo báo cáo của ACNC vào cuối năm 2015 thì trong năm 2014 tại Úc có 54,000 tổ chức từ thiện; gây qũy được $103 tỷ nhưng chi phí cho hoạt động của chính mình đến $90.5 tỷ, trong đó đến $51.8 tỷ cho lương bổng nhân viên, $38.7 tỷ cho “các chi phí hoạt động khác”, cuối cùng chỉ còn lại có $4.5 tỷ cho cho việc từ thiện.
Ở trên có cụm từ “các chi phí hoạt động khác”, trong tiếng Anh thì từ này gọi là “operational cost” và trên thực tế thì chi phí hoạt động này là chi phí gì?
Tiền bán nước bọt
Tốt nhật là chúng ta xem xét qua một trường hợp cụ thể: Hiệp hội thiện nguyện viên cứu hỏa (Volunteer Fire Fighters Association: VFFA).
Trong ba năm 2014, 2015 và 2016 công chúng tiểu bang đã hỗ trợ cho 75,000 thiện nguyên viên cứu hỏa vùng quê số tiền $25 triệu thông qua các khoản đóng góp hay mua vé xổ số. Tuy nhiên cứ mỗi Úc kim công chúng đóng góp thì chỉ có 16 xu đến tay những thiện nguyện viên lăn xả vào đám lửa để chặn đứng thảm họa.
Đầu tiên, hết 58 xu lọt vào tay công ty tiếp thị qua đường điện thoại Contact Centres Australia: công của họ đi quyên tiền là $13.7 triệu.
Sau đó là Hiệp hội Dịch vụ cứu hỏa vùng quê NSW (NSW Rural Fire Service Association), tổ chức từ thiện được đăng bộ với mục đích giúp đỡ nhân viên cứu hỏa thiện nguyện. Tổ chức này đã trích ra hết $7.7 triệu để đầu tư vào trụ sở cho… đẹp. Thậm chí có một lần cơ quan này trích $522,000 để tổ chức buổi họp mặt toàn thể nhân viên sau hai năm ra mắt!
Tiền để hỗ trợ các nhân viên cứu hỏa thiện nguyện, thế nhưng lại mang ra phục vụ cho nhân viên cứu hỏa chuyên nghiệp!
Nhưng điều đáng nói ở đây là đội ngũ xin tiền chuyên nghiệp Contact Centres Australia: quyên được $25 triệu thì lấy tiền thù lao hết $13.7 triệu, hơn phân nửa!
Thực chất của việc này là gì?
Để gây quỹ, nhiều tổ chức từ thiện đã ký hợp đồng ngắn hạn với những công ty quyên góp chuyên nghiệp, và các công ty này sẽ hưởng từ 50 đến 95% số tiền xin được. Tuy nhiên các công ty này là đám ngồi mát ăn bát vàng sau ki ký hợp đồng với nhiều tổ chức nhỏ hơn hay các cá nhân.
 Ngồi mát ăn bát vàng… từ thiện
Chính vì lý do trên nên đừng tưởng lầm rằng những người đứng dầu các tổ chức từ thiện là người hy sinh vì đời, sống kham khổ như thầy tu.
Có trường hợp như Tony Godfrey, Tổng giám đốc điều hành của tổ chức từ thiện Ozcare tại Queensland: nhận lương ngang ngửa Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Úc và cao hơn hẳn thủ hiến. Ông này lãnh lương $500,000 một năm, được đi xe công ty hiệu Toyota Sahara 4WD – loại xe hạng top của Toyota 4WD trị giá $110,000. Ngoài ra ông ta còn được bao bảo hiểm y tế, điện thoại di động, Ipad, computer tại nhà, hội viên Qantas Club và thẻ tín dụng của Ozcare để chi trả những khoản chi tiêu liên quan đến công việc.
Một trường hợp khác là cha của Thomas Kelly, học sinh 18 tuổi bị Kieran Loveridge đấm chết tại Kings Cross vào tháng Bảy năm 2012. Sau cái chết tang thương của con mình, gia đình Kelly đã thành lập qũy từ thiện với mục tiêu chống bạo lực mang tên The Thomas Kelly Youth Foundation (TKYF). Năm 2015 TKYF quyên được $243,373 nhưng ông Rapph đã tự trả lương cho mình đến $125,000, tức 51% số tiền xin được.
Năm 2007 Cơ quan từ thiện Many Rivers Microfinance ra đời để giúp đỡ cộng đồng thổ dân qua các dịch vụ tín dụng mang tính ưu đãi. Cơ quan này do ông Leigh Coleman, nguyên là giám đốc điều hành của giáo hội Hillsong, điều hành. Tuy nhiên năm 2011 cơ quan này đã bị phanh phui các vụ lem nhem tài chính.
Kinh phí của tổ chức này đến từ sự tài trợ của chính phủ liên bang và các công ty tư nhân được trên $1,375,000, tuy nhiên từ năm 2007 đến 2010 cơ quan chỉ cho 74 cơ sở làm ăn nhỏ của thổ dân vay với tổng số tiền có $330,000 trong khi tiền lương cho một “nhân viên phát triển cộng đồng” của cơ quan này tuyển dụng lại tốn đến $250,000 một năm!
Nhân danh từ thiện nhưng ở ác
Các tổ chức từ thiện là để “thay đổi thế giới”, làm nó tốt đẹp hơn. Tuy nhiên để kiếm tiền thì nó lại nhắm mắt bắt tay với các tổ chức bị tố cáo là “tiếp tục làm thế giới đen tối hơn”.
Đó là trường hợp của “The Appco Group”, một công ty tiếp thị chuyên gây quỹ cho các cơ quan từ thiện. The Appco Group tự quảng bá là công ty gây quỹ “mặt đối mặt lớn nhất thế giới”, đã nhận quyên góp cho nhiều cơ quan từ thiện lớn nhất của Úc như Starlight Foundation, National Breast Cancer Foundation, Camp Quality và Surf Life Saving Australia.
Để làm việc này, The Appco Group đã tuyển dụng hàng ngàn thanh niên trẻ mới ra đời chưa có việc làm, hay cần việc làm để lấy kinh nghiệm vào việc xin tiền lẻ hay bán các phẩm vật bằng cách đi đến từng nhà, mở bàn quyên góp tại các thương xá hay giữa các đường phố đông đúc, hay đứng giữa các ngả tư.
Hiện hàng ngàn nhân viên trẻ này đang kiện Appco ra Tòa án liên bang đòi bồi thường $85 triệu vì hành động bóc lột và bồi thường thiệt hại tinh thần.
Luật sư của các nhân viên này cho biết họ chỉ được trả lương khoảng $6 một giờ, tức chỉ bằng một phần ba mức lương tối thiểu, và bị buộc phải làm 80 giờ một tuần. Có người làm suốt 7 tháng trời mà chỉ lãnh có $1,400!
Nếu các nhân viên này không đạt tiêu chí đề ra, họ sẽ bị đe dọa và sỉ nhục với nghi thức gọi là “sên bò”, phải nằm lăn trên nền nhà và bò như những con sên, hay bị buộc hóa trang như những con gà để nhảy nhót trước mặt các đồng nghiệp. Các cựu nhân viên này cho biết trong những chuyến đi quyên tiền xa họ bị nhồi nhét trong các phòng dành cho cá nhân tại các motel như là cá hộp: phòng chỉ thiết kế cho một người nhưng bị nhét đến 8 người.
Nguyên đơn chính là Jacob Bywater, 21 tuổi, cho biết anh làm việc mỗi tuần đến hơn 80 tiếng nhưng trong suốt hai năm 2013-2014 mà chỉ nhận có $29,000. Đơn kiện đã được đệ trình lên Tòa án liên bang vào tháng Mười năm ngoái.
Tuyên bố trên đài ABC sau đó, Bywater cho biết: “Tôi đã bỏ ra hết hai năm của đời tôi cho một tổ chức như thế này và rõ ràng là khi ra đi tôi chẳng có gì nhiều, nếu không nói là chẳng có bất cứ thứ gì. Tôi muốn đoan chắc rằng người ta sẽ nhận ra bộ mặt của nó trước khi dính vào và đoan chắc rằng những ai từng bị nó bóc lột phải được bồi thường thỏa đáng”.
Một nhân viên khác là Toby Yates, 22 tuổi, làm việc cho Appco tại Melbourne trong 7 tháng, cho biết anh chỉ nhận được tổng cộng $1,400 sau khi công ty này trừ hết chi phí!
Yates cho hay Appco đã lạm dụng tình trạng của giới trẻ mới ra đời và trả lương không đủ tiền ăn trưa.
Đơn kiện cũng cáo buộc Appco hoạt động với mô hình Ponzi bất hợp pháp, trong đó những ai tuyển mộ được nhiều nhân viên vào làm thì sẽ được thăng tiến rất nhanh và được tăng lương.
Trước vụ kiện này, Appco tuyên bố công ty không trực tiếp ký hợp đồng với các nhân viên mà chỉ qua các nhà thầu phụ!
Dẫu sao thì đó cũng là những tổ chức từ thiện làm việc rò ràng, minh bạch. Còn những tổ chức mù mờ khác thí dụ như AMSI nói trên.
Cần nhắc lại rằng cuối năm 2015 ACNC đã tước quy chế hoạt động của thêm 182 tổ chức từ thiện.
Những tổ chức từ thiện bị cấm
Đó là trường hợp của Jean Madden, sáng lập viên tổ chức Street Swags để giúp đỡ người vô gia cư tại Sydney bằng cách cung cấp lều và túi ngủ. Năm 2015 tổ chức này đã quyên góp được số tiền $1 triệu, trong đó có $27,000 của nhà vô địch giải đua xe đạp Tour de France Cadel Evans. Tuy nhiên chỉ một năm sau tổ chức này đối mặt với nguy cơ phát mãi vì chi phí pháp lý và mất mát tài sản.
Tuy nhiên tháng Bảy năm ngoái (2016) sáng lập viên Madden bị tước chức giám đốc, bị chính tổ chức mình sáng lập kiện ra Tòa Thượng thẩm NSW và bị cảnh sát điều tra.
Theo cáo buộc thì cô đã biển thủ số tiền $170,000 trong trương mục tín dụng của tổ chức, đã thưởng cho tình nhân của mình một hợp đồng trị giá $528,000 mỗi năm và đẩy tổ chức vào bờ vực phá sản.
Tình nhân của cô có một cơ sở sản xuất lều và túi ngủ mang tên Walkabout Beds. Mỗi năm tổ chức cấp phát gần 5000 cái cho người vô gia cư tại Sydney.
Theo cáo buộc là vào tháng Ba năm 2006 là cô đã dọa là sẽ “đẩy tổ chức vào cảnh phá sản và tổ chức chẳng còn lại gì ngoài di sản của cá nhân tôi”. Lúc đó cô dọa là đưa toàn bộ tài sản của tổ chức về cơ sở của bạn trai mình. Cáo trạng cho biết cô đã dùng thẻ tín dụng của tổ chức để mua hàng tại Apple Store, để ăn trưa và tậu một chiếc Toyota Landcruiser giá $60,000.
Hiện vụ án chưa xử xong và cô này vẫn thề thốt là sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ sự trong sạch của mình!
Thậm chí một kẻ được chính phủ vinh danh “nhà từ thiện của năm” còn bị vạch mặt là biển thủ tiền công đức để nướng vào máy đánh bạc.
Đó là Jeff Gambin, sáng lập và điều hành tổ chức từ thiện “Just Enough Faith” (tạm dịch “Vừa đủ đức tin”) vào năm 1993 để giúp đỡ những người vô gia cư và nghiện cờ bạc v. v… Năm 2000 ông này được chính quyền thành phố Sydney trao tặng danh hiệu “Humanitarian of the Year” (Nhà hoạt động nhân đạo của năm). Tuy nhiên đến năm 2008 bây giờ người ta mới vỡ lẽ rằng Gambin chỉ là một kẻ lừa đảo, cờ bạc, thậm chí còn bắt quả tang ông ta đang say sưa bên máy poker trong một club ở Sydney.
Jeff Gambin là người gốc Anh, sinh năm1948 ở Ấn Độ và tốt nghiệp ngành côn trùng học tại Cambridge University ở Anh. Về sau Gambin học thêm nghề nấu ăn và trở thành nhà kinh doanh thành công ở Úc, làm chủ nhiều nhà hàng hạng sang ở Sydney.
Theo lời kể của Gambin khi thành lập tổ chức trên thì lúc chuyện hùn hạp làm ăn của mình ở Sydney bị trục trặc, chiều tối nọ ông ngồi thừ người suy nghĩ trên ghế đá trong công viên thì một người vô gia cư nhìn lầm là người cùng cảnh ngộ. Thấy Gambin co ro vì lạnh, người này cho ông ta mượn tấm chăn duy nhất của mình để chống lạnh, phần ông ta thì bảo là “đã quen rồi”. Gambin cho biết nghĩa cử này làm ông ta cảm động, do đó quyết định dốc “toàn tâm toàn lực” vào việc giúp đỡ người vô gia cư.
Để có kinh phí hoạt động Gambin đã quyên tiền, tổ chức các dạ tiệc và nhận được sự ủng hộ của các nhân vật tăm tiếng của nước Úc, từ cha con nhà tài phiệt Packer đến nhà truyền thông Alan Jones, John Alexander hay tài tử Russel Crowe v. v… Gambin quảng bá là tổ chức “Just Enough Faith” của Gambin đã giúp đỡ hơn 1,200 người thoát khỏi cảnh vô gia cư: tìm việc làm và nhà ở tử tế cho họ, giúp đỡ nhiều trẻ em trở lại trường và lấy được chứng chỉ của mình và giúp hàng chục người đoàn tụ với gia đình, giúp hơn nhiều người thoát cảnh nghiện ngập, từ cờ bạc đến rượu chè và ma túy.
Gambin cho biết là mỗi ngày các đội xe van của Just Enough Faith đã chạy đến các điểm hẹn để cung cấp hơn bốn trăm ký đồ ăn nóng và “healthy” cho hơn 400 người vô gia cư; cung cấp chỗ tạm trú cho 20 người. Ngoài ra tổ chức này còn cung cấp quần áo, chăn và những loại thuốc uống không cần kê toa. Khi cần tổ chức này trên còn trợ giúp họ về mặt pháp lý, y khoa, huấn nghệ, tìm việc…
Chính vì thế mà Gambin được thưởng huân chương quốc gia “Order of Australia Local Hero” và được tặng danh hiệu “Humanitarian of the Year” của thành phố Sydney.
Tuy nhiên người ta bắt đầu nghi ngờ khi thấy nhà từ thiện này trở thành khuôn mặt quen thuộc bên các máy đánh bạc tại Balmain Leagues Club. Đồng thời nhiều người làm việc cho Just Enough Faith cũng báo động về máu đỏ đen của Gambin, do đó đã làm nổi sự nghi vấn: liệu tiền bạc các nhà hảo tâm đóng góp có thực sự đến với người vô gia cư?
Theo điều tra của tờ The Sunday Telegraph (20.4.2008) thì từ tháng Sáu năm 2005 đến tháng 6 năm 2007 tiền trong trương mục của Just Enough Faith đã bị rút ra gần $150,000 qua máy ATM đặt tại Balmain Leagues Club. Theo ghi nhận thì đa số tiền được rút vào buổi chiều hay buổi tối, thường thì mỗi lần rút $800 và tổng cộng có tới 229 lần rút tiền, có khi chỉ vài giờ lại rút một lần.
Tối đó (16.4.2008) phóng viên của tờ The Sunday Telegraph đã bắt quả tang Gambin đang say sưa bên máy đánh bạc tại Tigers Club. Theo diễn tả của phóng viên này thì nhà từ thiện Gambin đã “nhảy từ máy này sang máy khác”, thỉnh thoảng chỉ ngưng lại để theo dõi bảng kết quả Keno. Khi bị phóng viên xáp lại chất vấn thì Gambin chối biến, khẳng định rằng ông ta không hề nghiện cờ bạc và “chỉ nghiện chơi với con người” (My only gamble is with people). Gambin giải thích là thỉnh thoảng ông đến thăm Tigors club để cho tiền cho những người đang tá túc ở những nhà trọ chung quanh, và dăm khi ông ta cũng hoà đồng, vào trong club để cùng chơi máy với họ. Gambin giải thích: “Vâng, tôi rút tiền ở đây. Vâng, tôi ngồi bên cạnh họ, cùng chơi và cùng hút thuốc với họ. Gặp gỡ ngay ở chỗ này thì thật là tuyệt vời.”
Tuy nhiên tờ The Sunday Telegraph còn dẫn ra nhiều trường hợp rút tiền từ qũy từ thiện rất đáng ngờ. Tờ báo này đã khám phá 30 lần rút tiền tại máy ATM ở trong hay ở bên cạnh những một khách sạn ở Gold Coast, là nơi mà vợ của Gambin là bà Alina đứng tên làm chủ một unit.
Tờ báo cũng cho biết là có rất nhiều lần qũy này bị rút từ 4,000 đến $5,000 tiền mặt. Thậm chí, nhiều lần qũy này được dùng để trả tiền mua rượu tại các tiệm rượu ở Leichhardt, trong đó lần mua nhiều nhất lên tới 2,700 Úc kim. 
Biện minh cho chuyện này, ông Gambin thú nhận là từ khi mới bắt tay hoạt động từ thiện, ông ta đã để lẫn lộn tiền riêng và tiền từ thiện vào cùng một trương mục nêu mới có chuyện hiểu lầm và ông ta lấy làm hối tiếc về chuyện này. Để minh bạch hoá vấn đề, trước đây ông đã thuê chuyên viên kế toán làm lại sổ sách và khẳng định là không có chuyện tư túi, vấn đề tiền bạc với ông rất là “rõ ràng, đâu ra đó”.
Sau đó cơ quan “NSW Office of Liquor, Gaming and Racing”, tiến hành cuộc điều tra kéo dài bốn tháng rồi chuyển giao hồ sơ cho cảnh sát.
Tuy nhiên sau đó vẫn chưa thấy sự vụ được đưa ra tòa!
Thay lời kết
Thỉnh thoảng chúng ta sẽ lấy làm lạ khi các nhân viên gây quỹ đổi màu áo như là tắc kè đổi màu da.
Lên phố vào ngày đầu tuần chúng ta gặp một thanh niên mặc áo T-shirt màu vàng của Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) trên một vỉa hè tại trung tâm Sydney, tay bưng hộp đựng tiền, miệng ân cần kêu gọi lòng hảo tâm của khách bộ hành: “Một số tiền nhỏ của quý vị có thể góp phần làm thế giới này tốt đẹp hơn.”
Đến hôm sau khách bộ hành có thể gặp anh ta tại một góc phố khác. Lần này anh ta mặc áo T-shirt màu khác, có phù hiệu Tổ chức Hồng thập tự Quốc tế (International Red Cross), cũng tay bưng hộp đựng tiền, miệng ân cần kêu gọi lòng hảo tâm: “Một số tiền nhỏ của quý vị có thể góp phần làm thế giới này tốt đẹp hơn.”
Cũng thanh niên đó, đến thứ Tư, thứ Năm khách bộ hành có thể gặp lại trên một góc phố khác, trong những cái áo T-shirt khác nhau, có thể là của Tổ chức Y sĩ không biên cương, (Medecins Sans Frontieres) hay Oxfarm, Fred Hollows Foundation v. v… , cũng tay bưng hộp đựng tiền, miệng ân cần kêu gọi lòng hảo tâm: “Một số tiền nhỏ của quý vị có thể góp phần làm thế giới này tốt đẹp hơn.”
Như vậy đây là nhân viên của những công ty quyên góp chuyên nhiệp, nhận xin tiền cho các tổ chức từ thiện để ăn hoa hồng.
Tiền hoa hồng này chủ yếu lọt hết về tay giới chủ nhân đã ký hợp đồng với các tổ chức từ thiện rồi mướn đám thanh niên trẻ trên. Phần những người trẻ ấy, họ hô hào là góp phần làm thế giới tốt đẹp hơn nhưng chính câu chuyện của họ chưa chắc đã tốt, như có thể thấy trong vụ kiện Appco nói trên.
Phạm Hiếu

No comments:

Blog Archive