Wednesday, November 15, 2017

Chia tay…


Phan


Image result for goodbye photo
Có lẽ không ai chưa từng chia tay một lần trong đời mình. Nếu nói ngược lại thì người chia tay nhiều lần trong đời là người đã được nhiều lần sống cùng. Tôi nghĩ vậy vì tôi đã sống cùng nhiều lớp công nhân làm việc tạm thời được hãng tôi mướn vô vài tháng, khi hết việc thì hãng cho họ đi. Lớp công nhân tạm thời mới nhất được hãng mướn vô hồi đầu tháng tám, thì nay hết việc.

Ba tháng thời gian không dài, không ngắn. Nhưng đủ để biết ai là người như thế nào? Nhớ hôm đầu tháng tám, hãng mướn vô bảy mươi người. Hoạt cảnh sáng sớm của những người cũ là thường đậu xe đúng chỗ, dù không bị bắt buộc, chỉ là thói quen. Nhưng tiện lợi cho người khác là nhìn xe đã biết ai vào rồi, ai chưa? Nhìn ô trống thì biết đương sự đó nghỉ phép thường niên.
Bây giờ chẳng nhìn ra được gì nữa vì người mới họ đậu xe bất cứ chỗ nào tiện nhất khi họ đến.
Vào hãng thì nhìn đâu cũng thấy chỉ toàn người là người. Người đông tới phát sợ… mùi lạ. Mấy thằng lính cũ chúng tôi cứ lè lưỡi với nhau vì lính cũ thì phải hướng dẫn cho lính mới họ làm. Nhưng nhìn mỏi mắt cũng chẳng có em nào thơm, thậm chí làn da hơi sáng sáng một tí cũng đỡ tối mắt tối mũi người nhìn. Nhìn đi nhìn lại toàn là những bà má trên hai trăm cân Anh, đen nhẻm như lọ nồi. Mỗi buổi sáng, hết má này tới má kia, mỗi má ôm một cái thôi thì mấy thằng lính cũ cũng khờ người từ sáng sớm vì ngộp.
Có hôm, một đồng nghiệp Việt nam nói với tôi, “Tụi này, cầm tay cho nó làm còn trật mà bảo chỉ. Tui hổng biết chỉ làm sao cho nó hiểu thì nói gì tới nó làm được, mà không chỉ thì sếp nhằn tui quá!” Tôi trả lời anh bạn, “Anh nhìn kỹ xem. Hơn ba mươi phần trăm người mới nhưng đã từng làm ở đây, tại anh không nhớ họ đó thôi. Chuyện là hãng mình ký hợp đồng với một công ty giới thiệu việc làm. Khi hãng cần bao nhiêu công nhân thì công ty đó gởi người tới. Tôi để ý thấy hễ ai giỏi, thì sau vài tháng làm tạm thời, người ấy được hãng nhận vô làm chính thức. Trở thành công nhân của hãng, không còn là công nhân của công ty giới thiệu việc làm nữa. Nên mấy năm qua, những người giỏi đã được không hãng này thì hãng khác giữ lại hết rồi. Bây giờ tôi dám cá độ với anh là nói với một người mới: Làm ơn đi cắt cho tôi một khúc ống nhựa, dài 18 inch. Anh đưa luôn cây thước và cái kéo. Nếu người ấy (bất cứ người mới nào) mà cắt đúng 18 inch thì tôi thua anh thùng bia.”
Quả thật chẳng ai biết coi thước. Họ đi làm với ý niệm là có mặt đủ giờ để lãnh lương. Không cần phải học nghề, không cần phải sợ sếp thấy ngủ gục, hay chỉ ngồi bấm điện thoại trong giờ làm. Họ nói thẳng là làm đây vài tháng cũng bị đuổi thì học nghề làm gì, siêng năng làm chi…?
Phần những người cũ chúng tôi cũng biết, thông cảm với hoàn cảnh của họ đã khiến họ làm việc không có tinh thần, không cố gắng học hỏi gì hết. Nhiều người tệ hơn nữa là làm việc vô trách nhiệm, thiếu ý thức, có thể gây nguy hiểm cho người khác.
Nhưng tôi nhìn ở một góc cạnh khác thì thấy được nước Mỹ đúng là thiên đàng. Vì những người mới này, họ nói tiếp Pháp với nhau trơn tru hơn nói tiếng Anh, thậm chí khi họ nói tiếng Anh thì phát âm theo tiếng Pháp vẫn còn nghe rõ. Có hôm tôi nói đùa một câu tiếng Pháp, không ngờ cô kia nghe được rồi khoái chí, cô tưởng tôi biết tiếng Pháp nên cô nói tiếng Pháp với tôi líu lo. Trời ơi!
Tôi chỉ biết họ đến đây từ những nước nói tiếng Pháp, nhưng quê nhà của họ ở tận bên châu Phi. Giờ này họ vẫn ăn bốc, mặc quần áo như con két. Có người tới giờ là lâm râm đọc kinh ngay khi hai tay phải làm việc. Nhưng trò chuyện thì biết họ mãn nguyện với hiện tại khi hồi ức của họ còn đầy ắp quá khứ đói nghèo, bệnh tật, phân biệt đối xử, kỳ thị chủng tộc, và khủng bố tinh thần.
Có hôm tôi nổi khùng với cô kia vì khi chỉ cô ấy làm thì cô ấy hiểu, làm được. Nhưng khi tôi quay lại để lấy sản phẩm thì cô ấy không làm gì hết. Đơn giản là cô mới vừa đi làm móng tay hôm cuối tuần. Nay mới sáng thứ hai mà làm công việc tôi chỉ thì tiêu tùng bộ móng ba chục đô la. Tôi cũng không hiểu sao tôi không nổi khùng khi nhớ ra những chuyện kể của cô trước đó.
Cô không rõ lai lịch bản thân. Chỉ nhớ mình lớn lên trong đói nghèo và bệnh tật không có thuốc men. Rồi cũng tới tuổi thì phải lấy chồng – với sính lễ của người đi cưới vợ cũng ngang giá với người đi mua một con bò con về nuôi. Sau khi sanh con thì cô bị đói thường hơn nữa vì phải nhường phần lương thực ít ỏi do cô kiếm được cho con của cô. Còn người chồng của cô thì chỉ làm ra được hai đứa con cho cô chạy ăn từng bữa. Công việc chính của anh ta là vác cây AK 47, đi theo hết nhóm phiến quân này thì tới nhóm khác, tới hôm anh không về nữa, thì cô cũng chẳng có tiền để đi nhặt xác anh.
Tôi hình dung ra cô ở quê nhà của cô, là người phụ nữ trẻ, gầy như que diêm vì phải tảo tần để kiếm miếng ăn cho hai đứa con. Cô sống trong địa ngục của phân biệt đối xử vì có chồng chết cho phe nhóm này mà mẹ con cô lại sống trong địa bàn của phe nhóm khác. Cô sống với bệnh tật, đói nghèo, và phân biệt đối xử thì hẳn là địa ngục. Rồi bỗng được lính Mỹ bốc đi để khỏi bị giết. Rồi quê đâu mà về nên Mỹ cho vô Mỹ. Cô bước một bước từ địa ngục lên thiên đàng vì những ngày còn ở quê nhà, cô không có một cái áo lành lặn thì làm sao tưởng tượng nổi có một ngày cô bước chân vào tiệm làm móng tay, trả ba mươi đô la tiền mặt.
Thôi thì tôi ngồi xuống, làm công việc lẽ ra cô phải làm. Đó chỉ là một chuyện nhỏ trong thiên truyện về bảy mươi người mới đợt này. Nhưng chiều nay chia tay, vì trưa nay sếp lớn đã gọi hết những người làm tạm thời vô phòng họp lớn để cảm ơn các bạn đã đến giúp hãng chúng tôi. Hy vọng trong tương lai gần, chúng tôi có việc thì chắc chắn sẽ lại nhờ các bạn đến giúp.
Cô trở về chỗ làm chứ không ra về như nhiều người khác khi ra khỏi phòng họp. Cô hỏi tôi việc làm? Tôi trả lời gọn bâng: “Hồi chúng tôi có việc thì cô không làm. Bây giờ hết việc thì cô hỏi…” Cô nói, “Tôi không muốn rời xa các bạn ở đây. Các bạn thật là đối xử rất tốt với tôi. Ai cũng chỉ cho tôi làm, ai cũng khen tôi khi tôi làm đúng. Và tôi thích nhất là các bạn khen tôi mặc cái áo tôi mới mua trông tôi rất xinh đẹp… Tôi không muốn rời xa một nơi làm việc mà ai cũng đối xử tốt với tôi. Bây giờ, đúng là tôi nên ra về vì hãng cho ra về có trả lương tới cuối ngày. Nhưng tôi sẽ ở lại đây tới hết giờ để quét dọn, lau bàn làm việc cho những người bạn tốt nhất mà tôi đã được làm việc chung là các bạn ở đây. Cảm ơn các bạn đã chỉ dẫn cho tôi việc làm, khen tôi làm đúng, khen tôi mặc áo đẹp… chưa có ai chê trách tôi điều gì; thậm chí khi tôi làm sai các bạn cũng vui vẻ sửa chữa cho tôi. Tôi không muốn rời xa các bạn.”
Tự nhiên mấy thằng lính cũ chỉ mong cho xong đợt hàng, cho đám âm binh này đi hết đi cho tụi tôi khoẻ. Sao cả đám ngậm ngùi theo hai dòng lệ của những người phụ nữ không quen, vì sau lưng cô còn mấy người nữa ngậm ngùi. Mấy con gấu mẹ vĩ đại, mấy con hà mã châu Phi, là những cụm từ mà chúng tôi nói lén về họ bỗng dâng tràn ân hận…
Thằng sếp trên tôi. Nó là thằng nhóc Mễ nhưng sanh đẻ ở Mỹ nên nó như thằng Mỹ con. Một thằng đàn ông trẻ, đẹp trai, bằng tuổi con trai tôi. Nó chỉ biết một câu tiếng Việt duy nhất là “bún bò huế”. Tại có hôm tôi chở nó đi ăn trưa, nó khoái quá cái món vừa cay, vừa nóng, vừa ngon, và độc đáo nhất là rẻ tiền. Nó ăn bún bò huế riết tới có kinh nghiệm là chiều về, nó ghé mua hai tô lớn là đủ cho vợ chồng nó với bà mẹ vợ một bữa tối ngon lành. Chiều nay nó nói tiếng Việt với tôi: “Ông già. Go (đi) bún bò huế.” Tôi hiểu nó muốn mời mọi người đi ăn bún bò huế. Nó sẽ trả tiền cho hết thảy.
Nghĩ về người than phiền về đợt người mới này nhiều nhất là nó. Vậy mà khi chia tay…
Nhưng chiều nay chia tay thằng Mỹ đen mà tôi ghét nó nhất trong ba tháng qua. Tôi mới biết là cuối cùng một đợt người vô làm tạm mình lại thương cái thằng mình ghét nó nhất! Nó vô làm nhà kho. Luật có văn bản trong hãng là không ai được vô nhà kho ngoài nhân viên nhà kho. Nhưng luật bất thành văn là năm thằng lính cũ khi cần phụ tùng cứ tự nhiên vô kho lấy vì chờ giấy tờ thì ngoài dây chuyền sản xuất sẽ đình trệ. Thế mà nó tống cổ tôi ra khỏi kho. Chưa hết. Nó còn cảnh cáo tôi: Nếu để nó bắt gặp tôi vô kho lấy đồ tự tiện một lần nữa là nó truy tố tôi.
Và nó bắt được tôi vô kho lấy đồ tự tiện lần sau. Nó làm náo động cả hãng. Tới ông sếp phải giải thích cho nó… có những trường hợp ngoại lệ vì nhu cầu cần thiết.
Thế là nó ghét tôi vì được sếp bênh vực (ngay cả trường hợp tôi sai nguyên tắc trăm phần trăm). Nhưng có hôm nó nhờ một người khác tới hỏi tôi vì nó có mã số của món phụ tùng, nhưng nó tìm không ra trong nhà kho. Tôi tới cặp cổ nó, “đi với tao”. Tôi nói với nó, “mày là người làm việc tốt nhất mà tao được biết! Nhưng mày làm việc nguyên tắc quá thì công việc không chạy đâu… Mày nhớ là tao coi trọng mày nhất ở cái nhà kho này vì mày biết làm kho. Nên mày cũng phải biết thông cảm cho tao khi tao cần đồ phụ tùng mà mày thì đang đi tán gái. Tao gọi mày không bắt điện thoại thì tao phải tự đi lấy thôi. Không lẽ tao gọi mày trên hệ thống CB chung cho sếp biết, cho mọi người biết là mày đang hú hí ở góc xó nào đó…”
Có vậy mà thành bạn với Mỹ đen. Bạn thân tới mức sáng vô là nó ưu tiên cho tôi trước. Cần gì trong kho, nó sẽ đi lấy cho tôi trước. Tình bạn mưa nắng của một thằng Việt nam với một thằng Mỹ đen có ba tháng. Vậy mà chiều nay nó ôm tôi… sợ thấy mồ vì sao thấy giống đồng tính quá trời! Nó không muốn rời xa, vì chưa bao giờ nó được đi làm ở một nơi mà người cũ coi trọng người mới như ở hãng này. Nó giận tôi trước rồi thương sau vì nó tên là Mike. Nhưng tôi gọi nó là thằng Nato. Nó giận nên tìm hiểu. Cuối cùng nó biết Nato là “no action talk only”. Nó siết cổ tôi thì tôi nói, “mày nói nhiều quá, mà đưa đồ tới cho tụi tao làm thì mày chậm chạp như khối liên minh bắc đại tây dương… nên tao mới gọi mày là Nato.”
Mới biết tình thân với bất cứ người ngoại quốc nào cũng dễ hơn với đồng hương nếu lỡ là đồng nghiệp. Vì khi bạn được lòng đa chủng tộc ở chỗ làm trên nước Mỹ Hợp chủng bao nhiêu thì sẽ phiền lòng người đồng nghiệp đồng hương với bạn. Đơn giản là một đồng hương trong nhóm công nhân tạm thời mà hãng mướn vô làm – đã nói trước là ba tháng. Nhưng nhờ tôi không ngại là xin cho ở lại. Nhưng tôi là cu li chứ đâu phải tai to mặt lớn trong hãng gì đâu mà can thiệp được! Vậy mà chiều nay ông ấy chửi tôi… nặng lời, như mùi mắm trong tô bún bò huế. Tôi không thích cả hai. Nhưng được bữa vui ăn chung với bạn bè hợp chủng thì món ăn là thứ yếu. Tội cho cái rốn của vũ trụ còn trong tư tưởng hẹp hòi nên làm cho tôi bún bò huế mất ngon khi lạnh đã về đủ tái tê xứ nóng này.
Những cái ôm chia tay nhờ lạnh nên bới mùi đặc trưng hay đã hôi đều mùi bún bó huế mỗi đứa một tô nên tình thương mến thương đọng lại.
Phan

No comments:

Blog Archive