Friday, November 17, 2017

Luyến niệm một Thiên Đàng đã mất!


Cung Trầm Tưởng


Cựu Tr/Tá KQ Cung Thức Cần
(Nhà thơ Cung Trầm Tưởng)

“Mais où sont les neiges d’antan?”
Mà những bông tuyết thuở ấy bây giờ ở đâu?
François Villon

Gửi người bạn điệu đời Phạm Vũ, le dernier des parisiens toujours pur et fidèle- người Paris cuối cùng mãi mãi thuần khiết và thủy chung.

Với nguyên nhung nhớ về les neiges d'antan-những bông tuyết thuở ấy-và những kỷ niệm tinh khôi khác tôi có được về Paris của những năm 1950, lúc tôi mới chớm tuổi hoa niên. Tuổi của:

Râm ran vô thức hâm lồng ngực
Sứ rỉ nhựa nồng đêm cẩm nhung

và của
Phuơng phi tình lớn lên như thổi
Trên cánh đu bồng bềnh Michèle

với những buổi hẹn em quán nhỏ trên tả ngạn sông Seine, giữa một không gian văn hóa đô hội:

Đẹp đối cân trong rừng dáng nét
Nhà thờ gôtích, tượng Rôđanh
Thi ca hàm súc, âm giao hưởng
Sầm uất nhân văn, hậu trữ tình

Tất cả đồng hướng về sự thăng hoa một cứu cánh:

Tình yêu đôi cánh nâng nhân phẩm
Bến ấm hồn vào thả neo tâm

và vinh tôn một hạnh ngộ

Qua môi tìm đến môi vinh hiển
Tiếng hát thiên thần hiển hiện lên

Được nuôi dưỡng trong một môi trường văn hóa khoáng đạt lấy các đức tính xử thế của con người như lễ độ, lịch sự, thanh tao, trang nhã, tế nhị, hiếu hòa, niềm nở, trung hậu...làm nền móng cho một tương giao xã hội nhân bản văn minh, phóng khoáng, thuận hòa, tuổi trẻ Paris thuở ấy-đa số có trình độ học vấn từ cấp tú tài trở lên-hòa mình với quần chúng trong các buổi liên hoan nghệ thuật, lễ hội hay các hình thức vui chơi tập thể khác với một tình thần cởi mở và một phong cách háo hức nhưng không xô bồ, hoan hô nhưng không hò hét, cổ vũ nhưng không thiên vị, đầy ắp nhiệt tình nhưng không buông thả thác loạn, mang mỹ học vào cuộc sống với ở sao cho đẹp và sự hài hòa vào văn hóa hưởng lạc với:

Cái vui cũng khéo pha nồng độ
Đọc sách công viên, xiếc quảng trường

Là như thế cung cách ăn ở ý nhị tôi học được của tuổi trẻ Paris thời hoàng kim, lúc tôi mới tập tễnh bước vào tuổi hai mươi còn hoi mùi sách vở. Và cho đến nay sau hơn nửa thế kỷ có lắm vật đổi sao dời, với sự ngự trị ngày càng quy mô và lấn át của một thứ chủ nghĩa duy đô vật lấy đồng đô la và những giá trị vật chất nó tạo ra làm hai điều kiện tất yếu hàng đầu để mưu cầu hạnh phúc cho con người, và với sự xâm thực ngày càng thô bạo vào văn học và nghệ thuật của một thứ chủ nghĩa hậu hiện đại máy móc, thô thiển, rởm đời, tôi lại càng luyến tiếc Paris thời hoàng kim ở đó tôi đã may mắn có được những ngày tháng tốt đẹp nhất của đời mình.

Với một tâm thái như vậy, tôi đọc câu thơ dẫn trên của nhà thơ Pháp François Villon (1431-1489) với cảm giác như đang đọc một luyến niệm ca về Paris thuở chưa bị biến chất bởi những tệ đoan của lối sống duy đô vật như hiện nay. Thuở nó còn nguyên vẹn là chính nó-một chốn ngàn năm đô hội với tất cả sắc vẻ huy hoàng mà từ ngữ này gợi lên cho chúng ta. Thuở nó còn là một trung tâm giao lưu văn hóa hàng đầu của thế giới, nơi xuất phát và chổ đổ về của các tư trào tiến bộ và tinh hoa nghệ thuật của loài người. Thuở nó còn là một thứ Tràng An trong truyền thuyết Trung Hoa của các tài tử văn nhân, trai thanh gái lịch đến từ tứ xứ.Thuở nó còn là thành phố ước mơ của tuổi trẻ toàn cầu, đối tượng của ngạn ngữ dân gian “Voir Paris et mourir”- Phải thấy Paris đã rồi mới chết.

Riêng cá nhân tôi đã tìm được ở Paris một không gian nhân sinh thuận lợi-thứ đất lành chim đậu-cho tôi có cơ hội để phát triển đời sống trí tuệ của mình, sống một cuộc sống sung mãn, thanh thỏa, quảng giao, phóng khoáng, hòa nhã, ở đẹp với mọi người, nhờ đó mà gieo được những hạt mầm tốt cho việc hình thành con người tương lai của mình.

Đối với tôi, những bông tuyết thuở ấy của Villon là một biểu tượng tuyệt vời của những kỷ niệm tinh khôi tôi có được về Paris thời hoàng kim. Chẳng hạn nụ hôn đầu nồng nàn ấm mịn Michele trao cho tôi trong buổi khiêu vũ tại một câu lạc bộ tuổi trẻ ở Xóm Học trong một đêm Giáng Sinh có những bông tuyết trắng trinh nguyên đang nhảy múa ở ngoài trời; hay cuộc liên hoan ca-vũ-nhạc gitan tưng bừng, náo nhiệt, lộng lẫy trong khuôn viên Vườn Lục Xâm một ngày đầu xuân nắng ấm lung linh với:

Cả nàng là ngút ngàn diên vĩ
Điệp khúc kim cương, biến tấu vàng

*   *   *

Về mặt lý luận, triết học là phương pháp tư duy tối ưu để tìm hiểu ý nghĩa uyên nguyên của sự tồn tại của con người và sự vật. Vì vậy, triết học được hơn một nhà phê bình thi ca sử dụng để tìm hiểu bản chất của nó.

Chẳng hạn Jean Paul Sartre đã dùng học thuyết hiện sinh của mình và phân tâm học để phân tích thi phẩm nổi tiếng Les Fleurs du Mal-Những đóa hoa nở từ miền đất xấu-của Charle Beaudelaire. Theo ông, thi phẩm đó có một giá trị nghệ thuật cao nhưng không đích thực, bởi vì nó không phản ánh đúng cuộc sống ngoài đời của tác giả vốn là một tay ăn chơi phóng đảng và mắc bệnh phong tình. Nó thật ra chỉ là một thủ thuật ngôn ngữ tinh vi nhằm đánh lừa người đọc, tạo ra cho họ một cảm giác là tác giả đã ngoi lên khỏi sự sa đọa của mình như một đóa hoa nhô lên từ một ao bùn nhơ nhuốc, trong khi thực sự ông vẫn tiếp tục tới tận cuối đời cuộc sống ăn chơi đồi trụy của mình. Sartre cho đó là một hành vi thiếu lương thiện.

Còn Martin Heidegger thì đứng trên quan điểm hữu thể học của mình để nhận xét về thi ca của Hoderlin. Theo ông, thi ca đó không những chỉ diễn tả sống động những cảm nghiệm uyên nguyên về ý nghĩa cơ bản nhất của sự hiện hữu của con người mà còn phản ánh trung thực con người thật của tác giả. Một thi ca như vậy thì là sự hắt chiếu lên mặt bằng của nó con người sống ngoài đời của tác giả. Nói theo cách nói của hiện tượng luận, nó là sự nới ra hữu cơ của con người thật của tác giả. Với tính cách này, nó là một poesie authentique-một thi ca đích thực.

Nói chung, nhận định trên hàm ý rằng một tác phẩm đích thực và tác giả của nó là một nhất thể bất khả phân cách. Một thi ca mà thiếu phẩm chất đích thực thì chưa phải là một thi ca hoàn chỉnh.

Theo nhận xét chủ quan của chúng tôi, đó là lý do tại sao Heidegger cho Hoderlin là thi sĩ của những thi sĩ.

Còn chúng tôi thì dựa vào mối tương quan chặt chẽ mà chúng tôi phát hiện được giữa một số quan điểm hữu thể học của Heidegger và những vần thơ hoài cổ của ba nhà thơ Bà Huyện Thanh Quan, Trần Tế Xương và Villon để tìm hiểu uyên lý, tức nguyên nhân của những nguyên nhân, tại sao những vần thơ đó lại được cho là bất hủ, nghĩa là chúng sẽ ở lại mãi mãi trong trí nhớ bất tận của người đọc của muôn thuở.

Trước khi vào đề, xin thông báo bạn đọc là một số điều chúng tôi trình bày sau đây dựa vào một số giải thích có tính chuyên môn của tiến sĩ triết học Nguyễn Quang Hiệp về hữu thể học của Heidegger đăng tạp chí Khai Thác Thị Trường số 102.

Con người là một hiện thể của hai thực thể vật chất và tinh thần. Thực thể tinh thần được Heidegger gọi là Hữu Thể. Theo ông, Hữu Thể tổng quát gồm có Hữu Thể con người và hữu thể của sự vật. Ông cho rằng có sự khác biệt căn bản giữa Hữu Thể và vật thể, và ông gọi sự khác biệt này là một phân biệt bản thể học-ontological difference. Vì vậy, sự con người bị tha hóa thành một vật thể là hình thức vong thân tồi tệ nhất của nó.

Sau khi chủ nghĩa duy vật Mac-xit bị chôn vùi dưới đống tro tàn của lịch sử, con người vẫn tiếp tục bị tha hóa thành một vật thể, nhiều khi còn bị coi là một hóa phẩm trên thị trường, bởi một lối sống tân duy vật chủ nghĩa cực đoan khinh thường những giá trị tinh thần và coi trọng những giá trị vật chất như là nền tảng hàng đầu của lối sống hiện đại mà nhiều người cho rằng phải là như thế thì mới văn minh.

Sự Heidegger có ý viết hoa từ Hữu Thể của cụm từ Hữu Thể con người hàm ý rằng Hữu Thể tiềm ẩn trong con người, nhưng con người, nhất là con người thường nhật (the daily we, le on quotidien) thường không nhận ra Hữu Thể, dù rằng nó có một hiểu biết nào đó về Hữu Thể. Nó chỉ nhận ra Hữu Thể khi lâm vào những tình huống bất bình thường được gọi là những tình huống tới hạn-situation limite. Chẳng hạn tình thế ngặt nghèo của một người bị bạo bệnh giáp mặt với cái chết; hoặc tình cảnh đau khổ tột cùng của một người chồng mà người vợ thương yêu vốn là lẽ sống của đời mình vừa mới vĩnh viễn ra đi; hoặc hoàn cảnh rợn rùng của một người bỗng cảm thấy một nỗi chán ngắt hiện sinh-ennui existentiel-khiến cho hắn có cảm giác là cả mình lẫn cái khối trời đất quen thuộc của mình như đang bị cuốn tuột vào một lỗ đen hun hút bí hiểm.Mà chỉ trong khoảnh khắc hãi hùng đó, khi lo âu đan xen một sắc màu tuyệt vọng, hắn mới ngộ ra ý nghĩa cơ bản nhất của sự hiện hữu của mình: đó là tính không vĩnh hằng, tính phù sinh của con người. Mà chỉ khi nào cảm thấy mình luôn luôn đứng trước cái chết, con người mới thấy giá trị đích thực-một giá trị hiện sinh-của từng lát giây của cuộc đời.

Chung quy lại, chỉ khi nào con người lâm vào những tình huống tới hạn như trên chẳng hạn, Hữu Thể mới nhô ra khỏi bóng tối kín mịt thường che giấu Hữu Thể của cái en soi, tức cái tự thân, của con người để xuất lộ lên màn ảnh ngộ thức của nó.

Cũng như Chúa Trời sinh ra Ngôi Lời Nhập Thể để triển dương Chân Lý của Chúa Trời nơi trần thế, Hữu Thể phải cần đến một tiếng nói đặc biệt nào đó của con người để triển khai Chân Lý của Hữu Thể trong nhân gian. Trong chiều hướng đó, Heidegger thường dẫn thơ của Hoderlin mà ông ngưỡng mộ để diễn giải nội dung của những tư tưởng triết học trừu tượng của mình. Còn chúng tôi thì dựa vào hai câu thơ:

“Đêm nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”

của nhà thơ Trần Tế Xuống để giải thích nhận định không phải là dể hiểu đối với một người đọc ngoại đạo của Heidegger theo đó Hữu Thể yêu cầu con người hãy trả lời tiếng gọi của Hữu Thể.

Một tiếng ếch nghe thấy bên tai trong một đêm khuya vắng mà làm cho người nghe phải giật mình tưởng đến tiếng ai gọi đò thì ắt phải hàm chứa một ý nghĩa nhân sinh hệ trọng nào đó. Ở trường hợp cụ thể của Trần Tế Xương, ý nghĩa này là cái lẽ vô thường của đời người ông bỗng ngộ ra nhờ nghe thấy bên tai tiếng ếch đó. Một tiếng ếch mà có tác dụng nhân sinh kỳ diệu đến thế thì không là gì khác hơn biểu tượng của một thi ca có chiều sâu tư tưởng phản ánh cái diện mục bản lai của sự hiện hữu của con người. Một thi ca như vậy là một thi ca hữu thể học, và tiếng ếch của nó do đó có giá trị của một tiếng gọi, và tiếng gọi đó chính là của Hữu Thể để nhắc nhở con người về diễn mục bản lai trên.

Nhận định trên cho thấy hai câu thơ của Trần Tế Xương là sự trả lời thấu lý tiếng gọi của Hữu Thể. Với tính cách này, nó là một trả lời hữu thể học, với ai đó chính là hiện thể Da-sein ở đó (being there, etant là) của Hữu Thể, và đò đó chính là biểu tượng của phận người nổi trôi trên một dòng đời đầy bất trắc và lắm đổi thay. Mà phải có cái giật mình sửng sốt kiểu Trần Tế Xương-một cái giật mình siêu hình-thì mới nhận ra chân lý của những chân lý: đó là Chân Lý Hữu Thể. Heidegger gọi sự nhận ra này là sự vén lên tấm màn (unveiling, devoilement) thuờng che giấu Hữu Thể nơi con người.

Một ngôn ngữ thơ như vậy không những chỉ đơn thuần diễn tả thấu lý và sống động cái cảm nghiệm uyên nguyên về Chân Lý Hữu Thể mà còn chính là sự xuất lộ ra ngoài ánh sáng của Chân Lý Hữu Thể. Với tính cách này, nó hơn là sự trả lời sâu sắc của con người khi nghe ra tiếng gọi nó của Hữu Thể mà chính là tiếng nói của Hữu Thể.

Thi ca nào mà có một ngôn ngữ hữu thể học như vậy thì được Heidegger gọi là poesie grave-một trầm tưởng thi.

*   *   *

Ở những bông tuyết thuở ấy của Villon và hồn thu thảo của Bà Huyện Thanh Quan, ta nhận ra hình và hồn của thực thể tinh thần hoài cổ, một góc cạnh của thực thể thi ca. Ta hãy triển khai nhận định khái quát này thông qua việc tìm hiểu cặn kẻ hơn về những sắc thái ý nghĩa của tinh thần hoài cổ trong thi ca.

Bài thơ Thăng Long Thành Hoài Cổ của Bà Huyện Thanh Quan được chọn là đối tượng của việc tìm hiểu này.

Nhìn theo góc độ của hữu thể học, hoài cổ là một thực thể tinh thần, tức Hữu Thể, của con người thơ có tính lịch sử. Ở trường hợp Bà Huyện Thanh Quan, hoài cổ là một hồi tưởng thấm nhuần hương sắc của một ngôn ngữ thi ca trữ tình ưu hạng và hào quang của một lịch sử huy hoàng đã qua đi. Vẻ huy hoàng này được cụ thể hóa thành “lối xưa xe ngựa” và”nền cũ lâu đài”, với xe ngựa và lâu đài là hai biểu tượng đậm nét của lối sống sầm uất và có văn hoá của thị dân thuở Thăng Long còn vừa là một thủ đô ngàn năm văn vật, vừa là một đô hội phồn hoa.

Vẻ đẹp tinh thần của bài thơ xuất phát từ vẻ đẹp tinh tế của tâm hồn Bà Huyện. Nó được tôn lên hàng một vẻ đẹp thi ca bởi cái ngôn ngữ thơ có một sức biểu cảm dồi dào, sâu sắc và một vẻ đẹp cổ điển trang nhã và cân xứng.

Nhìn theo góc độ của hiện tượng luận, vẻ đẹp của ngôn ngữ bài thơ là sự đơm hoa kết trái của vẻ đẹp tinh thần của nó. Vẻ đẹp đó mang lại cho vẻ đẹp tinh thần một sắc thái đặc thù, sống động, và chính nó mới là uyên lý-nguyên nhân của những nguyên nhân-của sự ở lại với thời gian của bài thơ.

Còn nếu nhìn theo góc độ của hữu thể học, thì vẻ đẹp của ngôn ngữ bài thơ là sự xuất lộ ý nghĩa lên mặt bằng bài thơ của thực thể tinh thần hoài cổ. Mà một ngôn ngữ thơ có vẻ đẹp hữu thể học như vậy thì là hiện thể của Hữu Thể. Và với tính cách này, nó được Hữu Thể đến với và chọn làm chỗ nương gửi, nhà ở (abode, demeure) của Hữu Thể.

Sông đăng vào tá túc
Thấu đáo một bờ thơ
Chở che lời tuất trợ
Nghe Sông có gọi bờ
                         CTT - 1985.

Nói đến hoài cổ cũng là nói đến sự so sánh phẩm chất của lối sống hiện đại với của lối sống trước kia.

Về mặt vật chất, lối sống hiện đại là một tiến bộ vượt bực so với lối sống cũ. Nhưng về mặt tinh thần, nó là một bước thụt lùi lớn dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân sinh quan nghiêm trọng mà con người đang phải trải qua.

So với con người trước kia, con người hiện đại sống căng thẳng hơn, trằn trọc hơn, lo âu hơn, bất ổn hơn, bi quan hơn, tiêu cực hơn, thiếu đích thực hơn, mau quên hơn, vô ơn hơn, bạo động hơn, v.v...Nói vắn tắt, con người hiện đại sống không có hạnh phúc như con người xưa.

Qua lăng kính của nhận định trên, ta thấy được lý do tại sao niềm hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan lại xót xa đến thế. Một người đọc hiện đại mà chưa đánh mất mình thì cảm thấu được vẻ đẹp làm đứt ruột của các vần thơ:

“Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương


“Cảnh đó người đây luống đoạn trường” của Bà Huyện.

Nói chung, hoài cổ là sự nuối tiếc về những cái gì tốt đẹp đã qua đi-những bông tuyết thuở ấy của Villon. Chẳng hạn một thành phố cổ có những di tích lịch sử vô giá và một cấu trúc vật thể đặc thù tiêu biểu cho một thời đại văn minh nào đó đã bị chôn vùi bởi sự tàn phá của thiên tai hay nhân hoạ; hoặc một lạc cảnh trần gian ở đó con người có một đời sống sung túc, thái hoà, tràn đầy hạnh phúc và thi ca được tôn lên ngôi nữ hoàng của nghệ thuật, nhưng nay vì một bất hạnh nào đó gây ra bởi lịch sử, nên chỉ còn hiện hữu trong tâm tư hoài cổ của con người, nhất là thi nhân vốn là một tâm hồn đầy ắp những hương xưa sắc cũ vì có trí nhớ thủy chung của một viện bảo tàng vật cổ; hoặc những thuần phong mỹ tục-cái cốt chất tinh thần, tức quốc hồn-của một dân tộc bị xóa sổ bởi chủ trương san bằng quá khứ của một nhà nước độc tài cực tả hay bởi chính sách đồng hoá thô bạo của một đế quốc thực dân xâm lược tự cho mình là bậc thầy của thiên hạ, v.v...

Ở tâm hồn một thi nhân mộ đạo, đạo Thiên Chúa chẳng hạn, ngoài là sự nuối tiếc về một lạc cảnh trần gian như trên, hoài cổ còn là một hoài tưởng siêu hình về một Xứ Trời gọi là Thiên Đàng mà tiền thân thiên thần của thi nhân đã bị đuổi khỏi vì không nghe lời răn của Chúa Trời, nên bị đày xuống trần gian để chuộc tội.

Cái tật mà cũng là thiên tài của thi nhân là, vốn là một nòi nặng tình với quá khứ và chỉ nhớ những cái gì đáng nhớ, thi nhân không thể sao quên được tội gốc ấy mà tiền thân của những tiền thân của mình đã mắc phải, nên những vần thơ thân phận thi nhân làm ra không thể không đượm một sắc màu sám hối đan xen một luyến niệm về thuở mình còn là một thiên thần và tâm hồn mình còn trong trắng ngây thơ như những bông tuyết thuở ấy của Villon.

Mức độ sâu sắc của niềm luyến niệm về một thiên đàng đã mất ấy của thi nhân quyết định tầm vóc của những vần thơ thân phận thi nhân làm ra nhân danh loài người. 

CungTrầm Tưởng
Minnesota một ngày cuối thu 2017

No comments:

Blog Archive