Monday, April 3, 2017

Thiền, Nghệ Thuật Sống Và Chết




3

I. Ba Tầng Sankharas: Nghệ Thuật Sống và Chết

Mười năm sau ngày thành lập Torana, thiền đường cũ được sửa sang lại thành khu nhà ở cho thiền sinh nữ. Thiền đường mới được xây cất năm 2013. Một trong những di huấn của thầy Goenka là thiền viện nên có thêm những thất. Torana đã thực hiện được điều nầy. Phía sau thiền đường, tôi đếm được 33 thất cho thiền sinh nam. Hai thất dành cho những người làm công quả có số 33 và 35 nên tôi không chắc số thất tổng cộng bên nam là bao nhiêu. Vì có bốn dãy thất nên những người ngồi trong thất cần phải để ý ngồi cho đúng hướng. Đó là mặt thiền sinh hướng về thiền đường.

Từ cửa thiền đường đi vào, thiền sinh nữ ngồi bên phải và thiền sinh nam ngồi bên trái (nam tả nữ hữu), cách nhau bằng một lối đi. Thiền viện có hai khu nhà ở riêng biệt cho nam và nữ. Phòng ăn cũng vậy. Hằng ngày ở Torana thiền sinh sẽ không gặp được người khác phái nơi nào nữa ngoài thiền đường. Nội qui nầy sẽ được nới lỏng vào ngày thứ mười từ 10 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Vào sáng ngày nầy, sau giờ thiền chung 8 giờ tới 9 giờ, mọi người được học thêm Metta Bhavana (thiền Tâm Từ). Khác với Vipassana, quan sát cảm giác trên cơ thể mình; Metta Bhavana là hồi hướng công đức đến với chúng sinh. Những công đức mà thiền sinh có được sau giờ thiền Vipassana.

Ngay sau khi học xong Metta Bhavana, thì nội qui về sự im lặng thanh tịnh cũng chấm dứt. Thiền sinh có thể nói chuyện với nhau trước phòng ăn nơi có sự hiện diện của rất nhiều người nhưng không thể gặp gỡ ở những nơi riêng tư được.

Cũng trong ngày thứ mười nầy, trong khoảng thời gian chờ đợi cơm trưa lúc 11 giờ, những thiền sinh đã có gởi đồ đạc cá nhân của mình vào ngày zéro như bóp, máy chụp hình, laptop, cell phone... thì lúc nầy có thể nhận đồ lại. Mọi người có thể bắt đầu cúng dường (dana). Tuỳ theo khả năng tài chánh, hoàn cảnh và tính rộng rãi của từng người. Một số tiền dù lớn hay nhỏ đến đâu cũng đều có biên lai. Tất cả số tiền cúng dường được dùng trực tiếp để trang trải chi phí cho thiền viện Torana. Sổ sách chi thu rất rõ ràng, minh bạch. Những người làm công quả từng khoá hay thường trực tại đây, các thầy cô quản lý thiền viện, kể cả thầy cô phụ trách các khoá học đều không được nhận lãnh bất cứ một số tiền công hay thù lao nào cả.

Ngay bây giờ, sau mười ngày, những thiền sinh mới học Vipassana lần đầu đã được coi như là thiền sinh cũ. Những thiền viện Vipassana chỉ nhận sự đóng góp tiền bạc hay công sức từ những thiền sinh cũ. Sự đóng góp nầy là tuỳ hỉ để thiền viện có đủ tài chánh mở những khoá tới cho những thiền sinh mới và cũ sẽ đến đây học Vipassana. Những gì mà thiền sinh vừa mới nhận được trong những ngày vừa qua là từ những thiền sinh cũ đóng góp trước đó. Sự đóng góp chỉ có ý nghĩa khi thiền sinh đóng góp vì lợi ích của tha nhân mà không mong cầu được đền đáp lại một điều gì. Goenkaji luôn nhắc nhở thiền sinh như vậy.

Cũng vào ngày thứ mười khoá nầy, sau khi được sự cho phép đặc biệt của những người thầy quản lý ở Torana, tất cả mọi người có dịp được chụp hình chung với thầy Thảo và cô Lan. Đây là một việc mà tôi chưa từng thấy qua vì tất cả thì giờ của những ngày ở thiền viện đều được tập trung để thực hành Vipassana.

Mười ngày ở Torana nầy là những ngày thiền sinh thật sự sống như mười ngày của một tu sĩ. Về phần thức ăn, nhà bếp dọn ra món gì thì ăn món đó, không đòi hỏi thêm. Phòng ngủ chỉ định ở đâu thì ngủ ở đó, không chọn lựa được.

Nói về sự ăn uống thì thiền viện Torana cũng phải tuân theo những qui định rất chặt chẽ về thực phẩm của tỉnh bang Ontario để bảo đảm vệ sinh khi nấu nướng, hầu bảo vệ sức khoẻ chung cho tất cả mọi người nơi đó. Thí dụ như thức ăn dư không được để quá ba ngày trong tủ lạnh. Thức ăn dư chỉ được hâm lại một lần và nếu vẫn ăn không hết số thức ăn mới hâm nầy, thì phải bỏ vào thùng compost để dành ủ làm phân trồng trọt. Tất cả vật liệu chuẩn bị để nấu nướng cho ngày hôm sau hay hôm sau nữa đều phải được dán nhãn cẩn thận. Trên đó ghi rõ vật liệu gì, xắt hay chuẩn bị ngày nào và sẽ được dùng để nấu món gì, vào ngày nào. Điều nầy rất cần thiết cho những đầu bếp và cũng giúp cho người phụ trách xà lách biết hộp rau nào cần phải dùng trước để tránh sự phung phí vì thức ăn hư.

Thực đơn hàng ngày cho những buổi ăn sáng là lúa mạch (oatmeal) nấu cháo. Món nầy thiền sinh có thể ăn kèm với mận khô, cam, táo, quế nấu chung với nước cho đến khi vừa đủ độ mềm và hơi sền sệt. Bánh mì sandwich ăn với mứt, bơ đậu phọng, bơ, margarine. Cereal, bánh cốm lạt (tạm dịch từ rice cakes). Khoá thiền Việt Anh kỳ nầy nhà bếp có nấu thêm cháo gạo lứt, cháo trắng, cháo nấm, xôi bắp, xôi nấm đông cô. Trái cây thì chuối, cam và táo; kỳ nầy cách vài ngày lại có thêm thơm.

Ngoài những món ở Torana hay nấu ra, khoai lang nướng, khoai tây nướng, kale hấp, súp bí với đậu lentil..., thực đơn trưa thì ngày nào cũng có cơm trắng, cơm gạo nâu. Thức ăn có những món như canh chua, tàu hũ xào cải, tàu hũ gói rong biển kho, gỏi bắp cải với hạnh nhân nướng, canh tàu hũ với hẹ, canh khổ qua (nấu ngày thứ mười, như chị T. một trong những đầu bếp chánh cho biết - khổ đã qua!). Tôi nên kể thêm, chị N. cũng là một trong những đầu bếp chánh đã chiên ba trăm cuốn chả giò chay vào một buổi ăn trưa nào đó. Món luôn luôn có ở thiền viện là xà lách, cà rốt, củ dền (beets), đậu lentil, chickpea ngâm nước vài ngày cho mọc mầm (giống như giá làm từ đậu xanh), sữa chua (yogurt), cheese và hai loại nước xốt do thiền viện tự pha lấy. Kèm với xà lách còn có nho khô, hạt hướng dương, flaxseed xay và mầm lúa mì (wheat germ). Thiền sinh tự trộn món xà lách theo ý thích của mình.

Mười phút sau khi thiền sinh vào ăn trưa, nhà bếp lên phòng ăn xem qua thức ăn có thể bị thiếu hay không để đem thêm từ phần ăn của những người làm công quả. Điều nầy quan trọng vì thiền sinh được ưu tiên thức ăn nóng trong ngày. Còn người làm công quả thì ăn sau thiền sinh 15 phút, lúc 11 giờ 15 phút trong phòng ăn nhà bếp, sau khi biết chắc phần ăn của thiền sinh không thể thiếu đươc. Có buổi ăn chiều cho những người làm công quả vì họ phải làm việc và thức ăn được dọn ra là thức ăn trưa còn dư của thiền sinh, rất ít khi phải nấu nướng thêm.

Nhà bếp kỳ nầy có dọn ra thêm nước tương, ớt bầm, ớt trái, và cả kim chi nữa, tiêu thụ hết 8 hũ, mỗi hũ 450 mL.

Phần tráng miệng thì có chuối plantain nướng với quế, chuối plantain xào dừa có cả đậu phọng rắc lên nữa, chè đậu trắng, bánh khoai mì nướng, bánh nướng lúa mạch với táo.

Buổi chiều đơn giản hơn, giống như phần trái cây buổi sáng, chỉ có chuối, cam và táo cho thiền sinh mới. Chỉ ăn Ngọ đối với thiền sinh mới học Vipassana lần đầu là một cố gắng, nhất là đối với một người hàng ngày đi làm ca chiều đến 3 giờ sáng mới về nhà. Tôi đã gặp một thiền sinh cho biết như vậy.

Thức uống gồm có nước cam, nước chanh, mật ong pha gừng và chanh, sữa, sữa đậu nành, sữa hạnh nhân, trà, cà phê, nước lạnh.

Để chuẩn bị trở về đời sống thường ngày sau những ngày chỉ ăn Ngọ, chiều ngày thứ mười tất cả thiền sinh được mời dùng cơm chiều và nhà bếp đã làm 120 khúc bánh mì tàu hũ, đồ chua, rau răm và dường như có cả ngò nữa thì phải.

Có lẽ có độc giả tự hỏi sao lại dùng cả hành, hẹ để nấu thức ăn chay? Xin thưa, thức ăn ở thiền viện Vipassana có một sự khác biệt rất nhỏ so với thức ăn dành cho tu sĩ Phật giáo. Ngoài ra, các thiền viện còn dùng cả những phó sản từ sữa nữa nhưng không dùng trứng.

Đối với tôi thì thức ăn chay ở thiền viện Torana rất ngon. Một người làm công quả đã nói với tôi rằng, “Thức ăn ngon không thua gì nhà hàng”! Nếu cho phép chấm điểm thì tôi chấm 9/10 và 10/10 cho tất cả món ăn khoá Việt Anh nầy. Gia vị không thể thiếu là metta (lòng từ tâm, loving-kindness) khi nấu các món ăn ở tại thiền viện. Chắc độc giả cũng biết rằng khi những món ăn được những người thân trong gia đình nấu cho mình thưởng thức thì ăn sẽ thấy rất ngon miệng. Nhất là của bà nội, bà ngoại, mẹ, vợ, chồng, con cháu hay anh chị em... nấu. Gia vị chánh là gì, nếu không phải là metta mà họ đã hết lòng bỏ công vào đó để nấu. Độc giả nghiệm thử xem điều nầy có đúng hay không.

Torana bày bàn ăn theo kiểu buffet. Phòng ăn nữ thì thức ăn được dọn trên một dãy bàn chính giữa phòng ăn. Còn thức ăn bên phòng ăn nam thì được dọn trên dãy kệ hình chữ L, 8 tấc bề ngang và cao bằng chiều cao của một cái bàn ăn bình thường. Dãy kệ nầy chạy dọc theo hai bức tường vuông góc nhau. Trên đó có lò nướng bánh mì sandwich và phích nấu nước nóng 20 L được đặt cố định. Bắt đầu dãy kệ tính từ phía trong là khay có ngăn đựng dao, muỗng, nĩa, tô, dĩa.... Tờ thực đơn buổi ăn trưa thay đổi hằng ngày được đặt ngay tại đây. Kế đến là cơm, canh, các món nóng, tráng miệng, bàn xà lách, và sau cùng là dãy để nước uống. Sau khi ăn xong, thiền sinh vét thức ăn dư trên dĩa vào thùng compost và tráng dao, muỗng, nĩa, tô, dĩa... của mình.

Thời gian ăn trưa là 45 phút, vừa đủ để thiền sinh dùng xong bữa ăn. Đúng 11 giờ 45 phút, những người làm công quả trở lại phòng ăn để dọn dẹp. Thức ăn dư được đem trở lại nhà bếp cất vào tủ lạnh, sau khi dán nhãn cẩn thận.

Mặc dù đã vào Thu nhưng trong khoảng thời gian khoá thiền Việt Anh nầy thời tiết lại rất đẹp và ấm. Chỉ có vài cơn mưa Thu rất nhỏ không đáng kể. Rất nhiều buổi ăn chúng tôi có thể ngồi ăn ở bàn picnic ngoài trời. Vào buổi tối từ thiền đường trở về khu nhà ở để ngủ tôi đã bước trên con đường ngập đầy lá và ánh trăng. Những chiếc lá đã trở về với đất. Chúng đã sinh vào mùa Xuân, sống sang Hạ và nay thì rụng vào mùa Thu. Hoàn tất một đời sống của lá.

Qui luật thiên nhiên đối với thực vật, động vật hay con người đều như nhau. Có sinh ắt có tử. Những cây phong ở Torana mọc sát với mật độ khá dầy nên chúng rất cao, có lẽ chúng giành đất với nhau. Ngày tôi tới đây lá mới vừa bắt đầu đổi màu. Sau mười ngày lá đã đổi màu thật rực rỡ. Những cây phong chuẩn bị đi vào thời kỳ nghỉ Đông khi những chiếc lá kia lìa cành tàn phai. Bắc Mỹ có bốn mùa rất rõ rệt. Mùa nào cũng đẹp nhưng tôi thích mùa Thu nhất.

Trong khoá thiền Việt Anh nầy, tôi được biết có cả một gia đình năm người gồm cha mẹ và ba người con cùng tham dự. Ngoài ra có một số thiền sinh đến tham dự với người thân trong gia đình hay có họ hàng với nhau. Người lớn tuổi nhất là một bà cụ 86 tuổi và người trẻ nhất 29 tuổi. So với những khoá Anh ngữ khác thì số người trẻ khoá nầy ít hơn. Tôi hy vọng thế hệ trẻ người Việt có được nhiều duyên lành để đến với Vipassana sớm hơn.

Một thiền viện khác là Dhamma Suttama ở Montebello bên Québec đã hai lần có dự định tổ chức khoá thiền Vipassana Việt Anh nhưng không đủ thiền sinh ghi tên nên đã huỷ bỏ dự định. Khi hỏi thăm tôi được biết thiền sinh ở Québec có khoảng mười người tham dự khoá nầy. Tôi mong là họ sẽ tổ chức được một khoá Việt Anh như ở Torana trong thời gian tới. Đa số thiền sinh còn lại thì họ ở những thành phố gần Toronto.

Trên con đường từ khu nhà ở nam đến phòng ăn nam, gần khu nhà ở có một nhà kho chứa củi. Củi nầy được dùng làm nhiên liệu để nấu nước nóng bằng cái wood boiler đặt ngay phía trước nhà kho. Khói toả rất thơm, nhất là vào lúc sáng sớm. Nước nóng từ hệ thống nầy ngoài việc cung cấp nước nóng cho cả khu nhà ở nam nó còn dùng để sưởi ấm sàn nhà của tầng trệt nữa. Các phòng ngủ ở tầng hai cũng đủ ấm từ hệ thống nầy trong mùa Đông. Tôi có hỏi và được người có nhiệm vụ bảo trì thiền viện cho hay là hàng ngày chỉ cần cho thêm củi vào wood boiler ba hoặc bốn lần là đủ. Hệ thống rất hay nhưng nó có một khuyết điểm. Đó là tiền bảo hiểm hơi cao vì hệ thống nước nóng và sưởi đốt củi nầy hơi gần khu nhà ở hơn khoảng cách qui định an toàn, anh P. cho tôi biết như vậy.

Tháng Năm chưa nằm đã sáng. Tháng Mười chưa cười đã tối. Cũng trên con đường nầy, có nhiều buổi chiều sau giờ ăn trái cây vẫn còn mặt trời và tôi đã thấy vài thiền sinh đứng phơi nắng thật nhàn hạ mặc dù lúc đó là 5 giờ rưỡi chiều Tháng Mười. Nhịp sống ở Torana rất chậm, gần gũi với thiên nhiên…

Ngoài những con đường chính từ khu nhà ở dẫn đến thiền đường hay phòng ăn, Torana còn có vài con đường mòn trong rừng để thiền sinh có thể đi dạo. Thiền sinh nữ đi bên khu rừng dành cho nữ. Thiền sinh nam thì đi bên khu rừng dành cho nam. Không được vượt qua những nơi có bảng “Ranh Giới” (tạm dịch từ chữ Course Boundary). Vì nếu đi lạc qua thì sẽ có cảnh “Hoa lạc giữa rừng gươm” hay “Gươm lạc giữa rừng hoa”!

Trên những con đường mòn trong rừng rải rác có vài căn nhà nghỉ (cabins) đóng bằng gỗ thông đơn sơ và được sơn đỏ. Chúng đã có sẵn từ thời hội Hướng Đạo sở hữu khu đất nầy và hiện nay những căn nhà gỗ nầy vẫn còn sử dụng được cho các khoá thiền tổ chức vào mùa Hè. Mỗi căn có hai giường riêng biệt và diện tích sàn nhà rộng rãi cho hai thiền sinh.

Lúc trước, khi đọc sách về thiền, tôi có đọc qua là một người hành thiền thì khi đi đứng nằm ngồi cũng thiền. Tôi đã không thể nào hiểu được vì tôi đã nghĩ rằng khi thiền là phải ngồi. Trong bài thuyết Pháp vào tối ngày thứ bảy, thầy Goenka có giải thích về điều nầy. Những cảm giác trên thân thể mỗi người luôn có ở đó. Do đó, nếu chú tâm vào chúng trong lúc đi, đứng, nằm hay ngồi thì người hành thiền Vipassana cũng đều nhận biết được những cảm giác đó.

Cảm giác ở những phần chuyển động dễ nhận ra hơn những phần khác. Thí dụ cảm giác ở đôi chân dễ nhận ra hơn khi chúng ta đang đi. Chỉ cảm nhận thôi mà không phản ứng lại, tức không ham mê cảm giác dễ chịu hay ghét bỏ cảm giác khó chịu vì trong tích tắc nữa chúng sẽ thay đổi. Đây chính là ứng dụng thưc tiễn của Vipassana. Nếu áp dụng được ở mọi hoàn cảnh thì thiền sinh sẽ không phản ứng lại với những điều có vẻ như trái tai gai mắt nữa vì đối tượng bây giờ là tâm của mình chứ không phải là ngoại cảnh hay người khác nữa.

Nói một cách khác là lúc trước khi tôi nghe người đối thoại nói lời trái tai thì tôi lập tức đớp chát, trả miếng lại. Tôi phản ứng ngay. Giờ đây thì tôi đã biết rõ, tôi đã phản ứng lại, không phải là phản ứng lời trái tai của người đó, mà tôi phản ứng lại cái cảm giác khó chịu của chính tôi ngay trong lúc đó. Cảm giác nầy đã xảy ra đâu đó trên cơ thể tôi. Nếu luôn quan sát chúng thì tôi đã biết rằng chỉ tích tắc nữa thôi thì cảm giác khó chịu nầy sẽ dịu bớt đi và sẽ được thay thế bằng một cảm giác khác.

Ngoài những lúc ngồi thiền, nhờ quan sát cảm giác của mình ở mọi nơi trên thân thể, mắt vẫn mở bình thường, và trong mọi hoàn cảnh mà tôi đã hoà nhã hơn và bớt to tiếng hơn với những người chung quanh. Vipassana đã giúp tôi thay đổi rất nhiều. Tôi đang cố gắng để không tạo ra thêm sankhara.

Sankhara trong tiếng Pali có một nghĩa rất rộng. Một trong những nghĩa của nó là phản ứng của tâm đối với cảm giác. Ham mê những cảm giác dễ chịu hay ghét bỏ những cảm giác khó chịu đều tạo ra sankharas.

Hãy tạm không nói đến những sankharas thiện và bất thiện. Có ba loại sankharas. Loại như vẽ trên nước, biến mất nhanh chóng. Loại như vẽ trên cát, biến mất sau một thời gian ngắn. Và loại như khắc trên đá, chỉ biến mất sau một thời gian rất dài vì chúng được khắc rất sâu. Loại sankhara thứ ba nầy được tạo ra khi chúng ta lập đi lập lại sự tức giận, oán hận, đam mê, sợ hãi, lo lắng... Loại nầy gây ra đau khổ hơn hai loại đầu.

Trong một ngày tôi đã tạo ra không biết là bao nhiêu sankharas. Khi đêm về tôi chỉ còn nhớ một hay hai, loại khắc trên đá. Áp dụng cùng một cách tính như vậy, vào cuối tháng hay cuối một năm thì tôi cũng chỉ nhớ được một hay hai sankharas, và cũng là loại khắc trên đá. Cũng cùng một cách tính tương tự như vậy và rồi dù muốn hay không, ở cuối cuộc đời cái sankhara khắc sâu nhất sẽ trồi lên bề mặt của tâm. Ngay vào lúc hơi thở cuối cùng chấm dứt tâm sẽ mang loại sankhara nầy. Tâm của cuộc đời kế tiếp là con đẻ của tâm cuối cùng của cuộc đời nầy. Tâm của cuộc đời tái sinh sẽ mang cùng một đặc tính của cái tâm cuối cùng nầy. Tươi sáng thì nhờ và tăm tối thì chịu. Đây là định luật của thiên nhiên. Do đó tâm cuối cùng của một cuộc đời rất là quan trọng.

Và chính là vì như thế nên khi nhìn từ một khía cạnh khác thì Vipassana dạy thiền sinh nghệ thuật chết. Chết một cách tỉnh táo với nụ cười. Thiền sinh học nghệ thuật chết bằng cách học nghệ thuật sống. Vipassana dạy thiền sinh nghệ thuật sống trong hiện tại bằng cách luôn theo dõi cảm giác và dạy nghệ thuật làm chủ của tâm mình bằng cách không phản ứng lại những cảm giác nầy, tức không tạo ra những sankharas mới. Trương mục sankhara của tôi cần phải được thanh toán ngay trong đời nầy.

Hằng ngày vào buổi tối sau giờ thuyết Pháp, thiền sinh được hướng dẫn thêm phương pháp để thực hành cho ngày hôm sau và họ rời thiền đường để về khu nhà ở của mình ngủ lúc 9 giờ, nếu không cần hỏi thầy thêm điều gì. Còn những người làm công quả thì cần phải ở lại thêm với thầy cô để dành vài phút thiền Metta Bhavana và nói chuyện nhà bếp. Sau đó chúng tôi cũng về ngủ nhưng những người quản lý khoá học thì vẫn ở lại để xem thầy cô có dặn dò gì thêm cho ngày hôm sau hay không.

Trong một dịp như vầy, có lần thầy Thảo cho biết tỷ lệ thiền sinh cũ trở lại học nữa sau khoá đầu tiên là 20%, còn tỷ lệ thiền sinh cũ trở lại để làm công quả thì là 10%. Trong khoá thiền Việt Anh mùa Thu 2016 năm nay, tôi đếm được tổng cộng là 16 người làm công quả vừa Việt vừa Canadians, tính luôn ba người quản lý khoá học. Khẩu phần ăn hằng ngày nhà bếp nấu cho khoảng 120 người. Như vậy thì con số thống kê của thầy cho biết về tỷ lệ thiền sinh làm công quả như vừa nêu trên thì tương đối phù hợp với con số thực tế cho khoá nầy, theo nhận xét của riêng tôi. Tôi còn nhớ có một lần anh P. đã nói chơi rằng vì vật liệu nấu ăn được hai gia đình của chị T. và chị N. cúng dường, chớ nếu không thì tài chánh cho khoá thiền nầy đã bị lủng!

Từng khoảnh khắc trôi qua. Từng phút. Từng giờ... Rồi từng ngày trôi qua. Luôn theo dõi hơi thở. Luôn theo dõi cảm giác. Tâm bình thản. Tâm luôn sống trong hiện tại.

Kỳ tới: Hành Thiền Trong Cuộc Sống

Dương Thiện Tâm

No comments:

Blog Archive