Tuesday, April 4, 2017

Mang Thiền Vào Cuộc Sống





4
Ngày mãn khoá học rồi cũng tới. Vào ngày thứ 11, tất cả mọi người được yêu cầu tới thiền đường vào lúc 4 giờ rưỡi sáng để ngồi thiền chung, sau đó nghe bài thuyết Pháp cuối khoá, và sau cùng thực hành thiền Metta Bhavana vài phút để hồi hướng công đức đến với chúng sinh.

Trong bài thuyết Pháp nầy, thầy Goenka hướng dẫn thiền sinh những điều cần phải làm khi trở về nhà. Một trong những điều đó là hãy tiếp tục thực hành những gì đã học ở đây trong mười ngày qua và áp dụng chúng vào đời sống hằng ngày. Nếu thấy phần lý thuyết Dhamma nào đúng thì chấp nhận và giữ chúng lại, phần nào thiền sinh cảm thấy sai hay nghi ngờ thì loại bỏ. Nhưng còn về phần thực hành Dhamma thì có thể nói là không có gì là bị loại ra cả. Thực hành Giới, sống đời đạo đức. Thực hành Định, làm chủ tâm mình. Thực hành Tuệ, thanh lọc tâm để phát sinh tình thương. Đây là ba khía cạnh thực tiễn của Dhamma để mang lại lợi ích trong đời sống. Sống một đời Dhamma đầy phẩm hạnh.

Thầy cũng nhắc lại là mục đích của thiền Vipassana không phải là đi tìm cảm giác để chơi trò chơi cảm giác! Lấy làm hân hoan, sung sướng khi cảm nhận được dòng chảy thông suốt, rung động khắp cơ thể; hay thất vọng, chán nản khi gặp phải các cảm giác khó chịu. Đây chắc chắn không phải là thiền sinh đang thực hành Vipassana. Tôi cũng đã vướng vào trò chơi nầy trong một thời gian ngắn lúc ban đầu, thưa quí độc giả. Khi thực hành Vipassana với tâm bình thản đối với mọi cảm giác, thấu hiểu được luật vô thường, thì thiền sinh sẽ có tiến bộ. Một thay đổi tốt đẹp sẽ đến trong đời thiền sinh.

Ngoài ra Goenkaji cũng có nhắc đến một đức tin, một truyền thống mà thầy nói là hay của Ấn Độ và thầy thích truyền thống nầy. Đó là nếu quí vị sau khi đã học được một nghệ thuật hay một phương pháp nào đó mà không trả học phí cho thầy thì nghệ thuật hay phương pháp đó sẽ không có hiệu nghiệm! Nhưng quí vị sẽ đóng học phí cho thầy Goenka theo truyền thống nầy như thế nào đây? Khá mắc đó. Công phu hai buổi sớm chiều đó quí vị. Sáng một tiếng và chiều một tiếng thực hành Vipassana và nhớ hồi hướng công đức đến chúng sinh sau khi thiền xong. Thiền sinh cũng có thể nghĩ đến người thầy của mình và nếu có quên thì cũng không sao vì khi nói hồi hướng công đức đến chúng sinh thì thầy cũng là một người trong những chúng sinh đó và thầy cũng sẽ nhận được tâm từ do thiền sinh gởi đến.

Sau bài thuyết Pháp nầy, đến phần thực hành thiền Metta Bhavana vài phút để hồi hướng công đức đến với chúng sinh. Thầy Thảo và cô Lan lặng lẽ rời thiền đường ngay khi thời tụng của thầy Goenka vừa chấm dứt.

Khoá thiền Việt Anh muà Thu 2016 chính thức kết thúc vào lúc nầy, Chúa Nhật ngày 16 Tháng Mười.

Tất cả mọi người đều đem nệm và gối ngồi thiền của mình ra khỏi thiền đường và xếp lên kệ bên ngoài để chuẩn bị trở lại dọn dẹp sau khi ăn sáng xong.

Thực đơn bữa ăn sáng ngày thứ 11 chỉ thiếu có mỗi món nóng, còn các thứ khác vẫn có đầy đủ. Sau khi thiền sinh ăn xong, thì tuỳ theo sự tình nguyện của họ vào ngày hôm trước, họ phụ dọn dẹp thiền đường, khu nhà ở, lau chùi bếp, lò, tủ lạnh... Đến khoảng 8 giờ rưỡi thì xong tất cả.

Tôi đón xe đò trở về thành phố mình ở ngay ngày hôm đó, sau khi anh H. cho đi chung taxi ra Toronto. Tôi cũng không quên xin anh Pt. trái cam, hai lát bánh mì sandwich, một ít cheese và rau xà lách để mang theo ăn dọc đường. Cũng nhớ đem luôn cái bánh ú nhân đậu chị N. cho để dành trong tủ lạnh hôm nọ nữa chớ!

Xe đò Greyhound từ Toronto về Ottawa đi trên xa lộ 401, vào xa lộ 115 và khi đi qua Peterborough không bao xa thì hết xa lộ 115. Từ đây xe vào xa lộ 7, mỗi bên chỉ một lane. Tôi thích đi con đường nầy. Xe đi qua nhiều thị trấn và lưu lượng xe trên xa lộ nầy vừa phải. Tôi thích ngắm những căn nhà ở hai bên đường và nhịp sống có vẻ nhàn hạ của họ. Lòng hoài niệm đã đưa tôi về những căn nhà miền quê dọc theo quốc lộ 4 trên đường Saigon về miền Tây mà đã từ rất lâu rồi tôi chưa hề đặt chân về lại, kể từ khi xuống chiếc tàu CT32 tại Cần Thơ với hai đứa em và cùng với 29 người khác nữa... Trên đường đi xe đò có ngừng lại 15 phút cho hành khách nghỉ tại nhà hàng Log Cabin gần Actinolite, ngay ngã ba xa lộ 7 và xa lộ 37. Từ đây còn hai tiếng thì tới Ottawa. Tiếp tục đi trên xa lộ 7 và khi đi hết xa lộ nầy thì nó thành xa lộ 417 và có hai hướng đi, hướng Đông và hướng Tây. Đây là xa lộ chánh của thủ đô. Xe đò lấy hướng Đông để về thẳng Ottawa. Tôi xuống bến ở Kanata cho gần nhà thay vì xuống bến dưới phố.

Trở về lại Ottawa lúc 3 giờ rưỡi, đúng 5 tiếng sau khi xe đò khởi hành từ Toronto. Chiều hôm đó có mưa lất phất, tuy hơi có mây nhưng trời vẫn còn sáng nên tôi đề nghị người nhà đưa đi coi lá mùa Thu bên đồi Gatineau, bên Québec luôn trước khi về nhà.

Sau mười ngày ở Torana “nạp” năng lực để có thể đủ sức làm việc trong một năm, ngay sáng hôm sau tôi đi làm lại. Tôi xin kể một chuyện nhỏ.

Hàng tuần vào mỗi sáng Thứ Ba, tôi có tham dự buổi họp ở sở làm trong một phòng họp hơi nhỏ so với số người dự họp. Vì phòng họp nhỏ nên những người tới sau phải ngồi chen vào, nhưng có một đồng nghiệp nhất định ngồi cùng phía dãy bàn nơi tôi ngồi mặc dù dãy bàn bên kia còn chỗ trống không phải chen. Khi có người hỏi về điều nầy thì anh đó trả lời là “Khi ngồi ở dãy nầy thì lòng tôi thanh thản hơn, không còn to tiếng với đồng nghiệp khi thảo luận và không hiểu tại sao.” Anh đó và tôi có cùng một cảm nhận về bầu không khí trong phòng họp.

Không hẹn mà gặp, cả hai chúng tôi cùng chọn bên có bầu không khí có vẻ thanh tịnh hơn bên kia. Điều nầy làm tôi nhớ lại bầu không khí thanh tịnh mà thầy Goenka tạo ra cho thiền đường hằng ngày qua lời tụng bằng tiếng Pali của thầy mỗi buổi sáng sớm. Một bầu không khí không dễ tìm lại được ở những nơi khác.

Mười ngày học Vipassana hằng năm đối với tôi như là một dịp để sạc lại bình điện! Thanh lọc lại tâm và thân sau một năm làm việc. Tôi cũng đã có dịp nói chuyện với nhiều thiền sinh để hỏi họ về nhân duyên đưa đẩy tới để đến thiền viện học Vipassana. Tôi đã có được may mắn để hầu chuyện với nhiều thiền sinh và đa số họ đã cho tôi biết là thời gian mười ngày học Vipassana là một trong những khoảng thời gian quí giá nhất trong cuộc đời mà họ sống qua. Họ đã có một sự thay đổi bản thân lớn lao và dễ chấp nhận sự thăng trầm, vốn dĩ phải có trong đời sống hơn.

Tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo cũng đều có thể học và thực hành Vipassana. Quí độc giả hãy an tâm về điều nầy. Những bài thuyết Pháp mặc dù có nói đến lời của Đức Phật Thích Ca nhưng Phật chỉ nói Pháp (Dhamma), một phần nghĩa nhỏ của nó là qui luật thiên nhiên trong vũ trụ. Phật không hề lập ra tôn giáo.

Trong những bài thuyết Pháp hằng đêm, Goenkaji cắt nghĩa chi tiết về những kỹ thuật mà thầy hướng dẫn trong ngày. Thầy giải thích tại sao mình lại dạy thiền sinh như vậy và để nhằm vào mục đích gì.

Cái hay là qua 11 bài thuyết Pháp trong khoá thiền, phần thực hành trong ngày và phần lý thuyết ngay tối hôm đó bổ xung cho nhau. Nếu có phần lý thuyết nào mà tôi chưa hiểu rõ thì tôi có thể tự tìm thấy câu trả lời cho mình qua phần thực hành trong ngày hôm sau. Và ngược lại, nếu có phần thực hành nào mà tôi chưa hiểu rõ thì tôi có thể tự tìm thấy câu trả lời cho mình qua phần lý thuyết ngay trong đêm đó qua bài thuyết Pháp.

Những bài thuyết Pháp chỉ xoay quanh Giới (Sila), Định (Samadhi), Tuệ (Panna); Vô Thường (Anicca), Khổ (Dukkha), Vô Ngã (Anatta); Phật, Pháp, Tăng; Luật Nhân Quả; Tứ Đại (đất, nước, gió, lửa), Ba La Mật (Parami); Bát Chánh Đạo; Tứ Diệu Đế… Goenkaji cũng có kể thêm vài câu chuyện có liên quan đến bài thuyết Pháp của tối đó. Ngoài ra không gì khác hơn nữa.

Giọng kể bằng tiếng Anh của thầy Goenka rất dí dỏm. Cái duyên của câu chuyện bị mất đi ít nhiều khi được dịch sang tiếng Việt, nhưng bù lại tôi học được nhiều danh từ trong Phật học hơn. Nếu cần phải nghe lại bài thuyết Pháp của tối hôm qua hay muốn nghe bài thuyết Pháp đó bằng một sinh ngữ khác, thiền sinh có thể nhờ người quản lý khoá học sắp xếp. Theo tôi nghĩ thì thời gian thích hợp nhất trong ngày là vào lúc 1 giờ trưa đến 2 giờ rưỡi.

Hằng năm ngoài những khoá thiền Vipassana 10 ngày thì các thiền viện còn có mở những khoá 20 ngày, 30 ngày, 45 ngày hay có thể dài hơn nữa. Các khoá nầy dành cho những thiền sinh cũ và đã học đủ các khoá cần thiết theo yêu cầu trước khi họ được ghi tên để theo học. Ngoài những khoá dài ngày thì cũng có khoá ngắn ba ngày, dành cho thiền sinh cũ. Ở những thành phố lớn thì thông thường có khoá Vipassana một ngày được tổ chức hằng tháng, cũng dành cho thiền sinh cũ. Thiền đường có thể là một phòng họp nào đó, đủ rộng và yên tĩnh. Những ngày nầy thường bắt đầu lúc 9 giờ sáng và chấm dứt lúc 3 giờ chiều. Sự im lặng thanh tịnh cũng được áp dụng, còn bữa ăn trưa thì thiền sinh có món ăn gì thì đem theo món đó để ăn chung (potluck). Thức ăn chay thì cũng dùng vật liệu như ở thiền viện, sữa hay các phó sản của sữa thì được, trứng thì không.

Các thiền viện Vipassana chỉ mở cửa cho công chúng đến thăm khoảng một hay hai lần trong một năm, mỗi lần chỉ khoảng ba tiếng. Họ thường mời vào ngày Chúa Nhật, từ 1 giờ trưa đến 4 giờ chiều. Số ngày còn lại được dùng để dạy thiền hay bảo trì, sửa chữa thiền viện. Đặc biệt, hằng năm các thiền viện Vipassana cũng có tổ chức vài lần các khoá thiền một ngày dành cho thiếu nhi, từ 8 tuổi đến 12 tuổi và khoá thiền dành thiếu niên, từ 13 tuổi đến 17 tuổi. Thời khoá biểu học giống nhau cho cả hai lứa tuổi nầy, 9 giờ 15 sáng đến 4 giờ chiều. Các em nầy được học Anapana và có giờ chơi sang kẽ. Tất cả thiếu nhi và thiếu niên đều có thể tham dự các khoá nầy, tuỳ theo tuổi của mình. Phụ huynh các em không bắt buộc phải là người từng theo học Vipassana.

Mong rằng sau khi đọc bài viết nầy, khi có dịp để dành được mười ngày thì quí độc giả đến một thiền viện Vipassana nào đó trên thế giới để xin học. Qua kinh nghiệm bản thân, thì sau khi biết được khoảng thời gian có thể theo học được thì tôi ghi danh khoảng hai tháng trước đó hay sớm hơn nữa vì số thiền sinh xin học cũng khá đông. Tất cả các thiền viện Vipassana đều cùng có một phương pháp dạy, cùng một bài giảng và có cùng một thời khoá biểu. Dĩ nhiên thực đơn chay ở mỗi thiền viện mỗi khác, tuỳ theo vật liệu nấu ăn ở từng địa phương. Tất cả các khoá học Vipassana đều miễn phí.

Một chi tiết nữa là khoá Việt Anh nầy tuy chỉ có mười ngày nhưng anh P. cho tôi biết là ban tổ chức đã phải chuẩn bị hơn một năm trước. Anh P. cũng có chỉ cho tôi biết khu đất đang có cắm những cọc tiêu xây dựng để chuẩn bị xây cất nhà bếp và phòng ăn mới cho thiền sinh. Chi phí trên một triệu rưỡi Gia kim. Sở dĩ anh P. có được nhiều tin tức là vì anh ấy có mặt trong Hội Đồng Quản Trị Torana. Sẵn dịp đây, một lần nữa tôi xin cám ơn tất cả mọi người. Cám ơn thầy Thảo, cô Lan đã không quản ngại thời giờ và công sức đến với chúng con. Cám ơn thầy cô quản lý thiền viện Torana đã cho phép đặc biệt để được chụp hình chung. Cám ơn các anh chị em trong nhà bếp, các anh chị quản lý khoá học. Sau cùng tôi cám ơn các thiền sinh tham dự khoá nầy đã cho chúng tôi một duyên lành để được làm công quả.

Để kết luận bài viết, tôi xin được mượn lời cầu nguyện của Goenkaji mỗi khi chấm dứt những buổi ngồi thiền chung, hay khi chấm dứt một bài thuyết Pháp.

Lời cầu nguyện xuất phát từ lòng từ tâm. Chỉ một câu nhưng được thầy lập lại ba lần với giọng lên bổng xuống trầm, âm hưởng nghe như hát vậy.

Nguyện cho chúng sinh được hạnh phúc.
Bhavatu Sabba Mangalam.

Mùa Thu Ottawa 2016

Dương Thiện Tâm

No comments:

Blog Archive