Thursday, March 31, 2016

Luật Mỹ quy định thế nào về tội Minh Béo bị cáo buộc

Tấn công tình dục trẻ em được coi là hành vi phạm tội nghiêm trọng ở Mỹ, và thường sẽ bị xem xét, xử lý rất nghiêm khắc.


Ảnh diễn viên Minh Béo trong hồ sơ Văn phòng Biện lý Quận Cam, Mỹ. Ảnh: O.C. Register

Mới đây, Văn phòng Biện lý Quận Cam, tiểu bang California, Mỹ thông báo danh hài Minh Béo (tên thật là Hồng Quang Minh) đã bị bắt giữ tại Mỹ với các tội danh liên quan đến tấn công tình dục đối với trẻ em. Theo luật pháp Mỹ, trẻ em là đối tượng được bảo vệ nghiêm ngặt, và các tội danh liên quan đến tấn công tình dục người chưa thành niên thường bị xem xét, xử lý rất nặng.

Theo trang Childmolestationvictims chuyên hỗ trợ các trẻ em bị tấn công tình dục, mỗi năm có khoảng 1,3 triệu trẻ em bị lạm dụng tình dục ở các mức độ khác nhau, trong đó có 20% trẻ em gái và 5% trẻ em trai là nạn nhân của những "kẻ săn mồi". Để hạn chế tình trạng này, chính phủ liên bang và các tiểu bang ở Mỹ đều đề ra những điều luật cụ thể để bảo vệ trẻ em và trừng phạt những tội phạm tình dục nguy hiểm.

Tội tấn công tình dục trẻ em được coi là một hình thức hành hạ trẻ em trong luật liên bang Mỹ từ năm 1973. Hành vi này bị coi là phi pháp ở tất cả các tiểu bang trên nước Mỹ, tuy nhiên luật hình sự của mỗi tiểu bang đối với tội danh này có những điểm khác nhau. Cơ quan điều tra liên bang chỉ vào cuộc khi hành vi phạm tội xảy ra trên tài sản liên bang, chẳng hạn như các căn cứ quân sự, văn phòng cơ quan chính phủ, còn hầu hết các trường hợp đều được xử lý theo luật pháp tiểu bang.

Trong trường hợp của Minh Béo, hành vi quan hệ tình dục bằng miệng với trẻ vị thành niên, có hành động khiêu dâm với một em bé dưới 14 tuổi và gạ gẫm trẻ nhỏ để thực hiện hành vi dâm ô sẽ bị điều tra, xử lý theo luật hình sự của tiểu bang California.

Phạm tội ngay cả khi nạn nhân đồng thuận
Luật hình sự tiểu bang California định nghĩa hành vi lạm dụng tình dục trẻ em gồm hai nhóm. 

Nhóm hành vi thứ nhất là "tấn công tình dục", gồm các tội danh cưỡng hiếp, loạn luân, quan hệ tình dục qua đường hậu môn hoặc đường miệng, có hành vi dâm ô hoặc đa dâm với trẻ em, hay sờ mó trẻ em.

Nhóm thứ hai là "khai thác tình dục", gồm các hành vi như mô tả trẻ em tham gia vào hành động tục tĩu; chuẩn bị, bán và truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy có liên quan đến trẻ em; thuê trẻ em thực hiện các hành động dâm ô.

Theo điều 11165.1 luật hình sự tiểu bang California, trẻ em được coi là đối tượng phụ thuộc và không thể đưa ra bất cứ sự đồng thuận nào trong các hành động liên quan đến tình dục. Bởi vậy, hành vi quan hệ tình dục bằng miệng với người dưới 18 tuổi – như trong cáo trạng của Minh Béo – bị coi là hành vi phạm tội ở California, dù nạn nhân có đồng ý hay không.


Bên trong nhà tù Theo Lacy, nơi Minh Béo đang bị tạm giam. Ảnh: Yelp
Nếu nạn nhân dưới 16 tuổi, và bị cáo trên 21 tuổi, hành vi quan hệ tình dục bằng miệng với nạn nhân bị coi là nghiêm trọng, và bị cáo có thể ngồi tù 16 tháng đến 3 năm trong nhà tù tiểu  bang. Còn nếu nạn nhân dưới 14 tuổi và bị cáo lớn hơn nạn nhân 10 tuổi, mức án tù tăng lên từ 3-8 năm. Rất có thể vụ việc của Minh Béo thuộc vào diện thứ ba và sẽ bị xử theo khung nặng nhất.

Hình phạt
Luật pháp Mỹ quy định những hình phạt khác nhau đối với tội danh tấn công tình dục trẻ em, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Các hình phạt này bao gồm phạt tù, phạt tiền, bị đăng ký là tội phạm tình dục trong hồ sơ, và bị hạn chế ân xá. Ngoài ra, bị cáo còn phải chịu các trách nhiệm dân sự như bồi thường thiệt hại, bị cảnh cáo…

Trong những hình phạt trên, ngoài việc phải ngồi tù, có lẽ điều tồi tệ nhất đối với các bị cáo có hành vi quan hệ tình dục bằng miệng với trẻ em là bị ghi tên là tội phạm tình dục suốt đời trong hồ sơ của tiểu bang California theo điều 288a luật hình sự của tiểu bang này.

Điều đó có nghĩa là khi bị kết án với tội danh này, bị cáo sẽ phải khai báo với nhà chức trách tiểu bang ít nhất mỗi năm một lần trong suốt quãng đời còn lại, nếu không sẽ phải đối mặt với các hình phạt khác vì trốn tránh khai báo.

Theo đó, hàng năm, trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày sinh của bị cáo, hoặc mỗi lần bị cáo chuyển đến một nơi ở mới, anh ta phải đến đồn cảnh sát nơi sinh sống đăng ký vào hồ sơ rằng mình là một tội phạm tình dục.

Người bị kết án về hành vi này có thể xin xóa tên khỏi hồ sơ trong một số trường hợp, nhưng nếu anh ta phạm tội với một trẻ em dưới 14 tuổi và nhỏ hơn anh ta 10 tuổi, hồ sơ này sẽ vĩnh viễn không được xóa.

Trong ba thập kỷ qua, nhiều cơ quan lập pháp cấp bang ở Mỹ đã tăng thời hạn tù và các hình phạt khác đối với tội phạm tấn công tình dục trẻ em, đặc biệt là đối với những người từng có tiền án tiền sự về hành vi này, hoặc phạm tội đối với nhiều trẻ em.

Tuy nhiên, dù coi hành vi tấn công tình dục trẻ em là rất nghiêm trọng, hầu hết các tiểu bang ở Mỹ không áp dụng án tử hình đối với tội danh này.

Một phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ năm 2008 đã cấm các hình thức xử tử đối với những cá nhân phạm tội hiếp dâm trẻ em. "Án tử hình không phải là hình thức trừng phạt phù hợp đối với hành vi hiếp dâm trẻ em, dù bản chất của hành động này là rất khủng khiếp", phán quyết nhấn mạnh.

Các tội phạm tấn công tình dục thường phải đeo thiết bị theo dõi bằng GPS ở chân. Ảnh: Aljazeera
Đến nay, chỉ có 5 tiểu bang của Mỹ cho phép tuyên án tử hình đối với hành vi hiếp dâm trẻ em gây ra hậu quả nghiêm trọng, đó là Lousiana, Montana, Oklahoma, Nam Carolina và Texas. Các nghị sĩ bang Colorado từng đề xuất một đạo luật cho phép tử hình những kẻ tái phạm hành vi tấn công tình dục trẻ em, tuy nhiên thượng viện tiểu bang đã không thông qua đạo luật. Các thượng nghĩ sĩ và nhân viên bảo trợ xã hội tiểu bang lo ngại rằng nếu đạo luật được áp dụng, các nạn nhân trong những vụ lạm dụng tình dục trong gia đình sẽ không đứng ra tố cáo, vì cho rằng họ đang đẩy người thân của mình vào chỗ chết.

Minh Béo ngày 15/4 sẽ phải tham gia phiên điều trần đầu tiên về cáo buộc đối với các hành vi của anh. Đây mới chỉ là bước đầu tiên trong quy trình tố tụng hình sự đối với diễn viên này, và cả quá trình có thể kéo dài nhiều tháng trước khi phán quyết cuối cùng được đưa ra.

Theo thông cáo của Văn phòng Biện lý Quận Cam, phó chánh án quận Bobby Taghavi chuyên về tội phạm tấn công tình dục đang thụ lý hồ sơ vụ án. Trong quá trình này, Minh Béo sẽ tiếp tục bị tạm giam tại nhà tù Theo Lacy của quận. Nếu bị tòa tuyên án là có tội, có thể diễn viên này sẽ bị chuyển tới nhà tù của tiểu bang California để thi hành án.


Chuyện của một ngôi trường


Hà Việt Hùng

Khóa sinh trường Thiếu Sinh Quân Việt Nam

Xế trưa ngày 29 tháng Tư, 1975, theo lệnh Chỉ Huy Trưởng, toàn thể Trường Thiếu Sinh Quân Việt Nam[1] di chuyển ra bến tàu, gần trung tâm huấn luyện Cảnh Sát Quốc Gia ở Cát Lở, cách ngã tư Bến Đình khoảng một cây số để lên tàu di tản. Từ Trường, tôi đi bộ qua đường Lê Lợi, về nhà ở trại Cô Giang, Phường Thắng Tam. Tôi chỉ kịp trao đổi với mẹ tôi vài lời. Năm đó mẹ tôi đã 55 tuổi, người ốm yếu, còn tôi là SQ trẻ, chưa lập gia đình. Sau khi bị thương lần thứ hai tại Trà Ôn, tôi nhận giấy thuyên chuyển về Trường TSQVN. Tại đây, tôi tạm thời được sắp xếp dạy Anh Văn, khi vết thương ở chân trái chưa lành.

– Mẹ chuẩn bị nhanh lên. Mình phải đi ngay bây giờ.

– Đi đâu? Mẹ tôi hỏi.

– Mình theo Trường ra tầu, đi Phú Quốc hay Guam, rồi sau qua Mỹ.

– Qua Mỹ lạnh lắm. Mẹ không chịu nổi đâu.

Nghe mẹ hỏi, tôi trả lời đại như vậy. Sự thực đầu óc tôi đang khô đặc, quýnh quáng, đợi Chỉ Huy Trưởng quyết định, chứ còn biết đi đâu. Đó là mẩu đối thoại ngắn gọn giữa hai mẹ con tôi. Sau khi mẹ tôi xếp vội vài bộ quần áo bỏ vào vali, tôi cột chặt vào sau chiếc Honda Dame. Xong, tôi lấy cây Carbin trong tủ, đeo vào vai, đội nón sắt, dắt xe ra khỏi nhà sau khi đã khóa cửa cẩn thận, rồi chở mẹ tôi nhập vào đoàn người chạy ra bến tàu.

Bên ngoài, dọc theo con đường dẫn ra bến tàu, khoảng gần 400 em TSQ[2] di chuyển chỉnh tề, cộng với các gia đình binh sĩ, hạ sĩ quan và sĩ quan nối đuôi nhau. Một số nhà dân ở hai bên đường, thấy chúng tôi di chuyển, đã hiếu kỳ ra đứng nhìn theo. Chỉ Huy Trưởng ngồi trên xe díp có tài xế lái, dẫn đầu “đoàn quân”. Có vài người đi xe gắn máy. Còn lại đều đi bộ. Chỉ Huy Trưởng lúc bấy giờ là Trung Tá Ngô Văn Dzoanh, người đã thay thế Đại Tá Hồ Nhựt Quan (Cựu Tư Lệnh Sư Đoàn 9) cách đó hơn một năm.

Tôi chở mẹ tôi chạy chậm, khoảng gần cuối đoàn người. Không ai nói với ai một lời. Tôi để ý, không thấy một vị Sĩ quan quen biết nào ở Ban Văn Hóa cả. Lúc đó, tôi không nhớ đầu óc mình đã suy nghĩ gì. Khi đến gần Rạnh Dừa, bỗng nhiên đoàn người dừng lại, nhốn nháo. Tôi không thấy Trung Tá Ngô Văn Dzoanh đâu. Nghe nói ông đang nói chuyện với các sĩ quan chỉ huy một đơn vị Thủy Quân Lục Chiến đang chiếm giữ bến tàu.

Đến khi có lệnh tất cả mọi người phải quay về Trường, tôi cũng về theo. Có người cho là tình trạng bến tàu lúc bấy giờ có thể không được an ninh. Nếu Trường TSQ lên tàu, sẽ tạo ra một tình trạng hết sức lộn xộn, chậm trễ. Việt Cộng từ phiá Bà Rịa có thể pháo kích lên tàu bất cứ lúc nào. Tôi kể lại chuyện này với tất cả sự dè dặt, vì sự thực, tôi không được nghe nội dung câu chuyện giữa các sĩ quan TQLC và Trung Tá Ngô văn Dzoanh. Ngoài ra, vì đi gần cuối, tôi không hề thấy một người lính hay Sĩ quan TQLC nào, cũng chưa thấy chiếc tàu của Hải Quân đâu cả, và cũng không biết nó mang tên gì.

Thế là đoàn người quay đầu lại, di chuyển về Trường trong nỗi thất vọng.

Về đến nhà, thấy cửa nẻo vẫn được khóa kỹ lưỡng. Tôi dắt xe vào nhà với cái vali đằng sau, nói mẹ tôi chờ, rồi đi bộ qua Trường.

Ngay trước cột cờ, khoảng gần 400 em TSQ mặc đồ vàng, đã nghiêm chỉnh xếp hàng đôi từ nhỏ đến lớn, lặng lẽ chờ đợi.

Tôi đứng cạnh Phòng Sĩ Quan Trực gần cổng ngoài cùng với một số người khác. Thấy loáng thoáng có Thiếu tá Nguyễn Văn Thương, Trưởng Khối Quân Huấn; Đại Úy Hoàng, Liên Đoàn Trưởng LĐ /TSQ; Đại Úy Lê Viết Đắc, Tiểu Đoàn Trưởng TĐ Hùng Vương; Trung Úy Lê Văn (?) Tuất, An Ninh; Chuẩn Úy Hà Văn Cúc, An Ninh; Chuẩn Úy Lâm A Mạ, Chuẩn Úy Khôi… Nếu tôi không lầm, các Sĩ quan này đều là Cựu TSQ (AET). Xin mở một dấu ngoặc ở đây. Khoảng tháng 1, 1975 Trung Úy Tuất là Đại Đội Trưởng Đ Đ Tác Chiến của trường TSQ. Tôi là Trung Đội Trưởng TĐ 1, Chuẩn Úy Mạ là TĐT/TĐ 2, và một C/U (quên tên) là TĐT/TĐ3. Cứ cách 3 đêm, các TĐ thay phiên nhau lên ngọn núi phía sau trường TSQ, gần đài vi ba, nằm trực chiến.

Lúc bấy giờ Trung Tá Ngô Văn Dzoanh không ngồi trong văn phòng của ông. Ông đứng phía trước Phòng Sĩ Quan Trực. Tôi được biết Trường có kế hoạch di tản ra hạm đội, và đang chờ trực thăng đáp xuống.

Tôi nghĩ đến mẹ tôi đang chờ ở Trại Cô Giang, nhưng tôi đã tự trấn an mình ngay. Nhà tôi ở trong Trại Cô Giang, căn số 2, dãy thứ nhất, đối diện với Trường, chỉ cách bề ngang đường Lê Lợi. Nếu gần đến lượt, tôi chạy về đưa mẹ tôi qua Trường, cũng vẫn còn kịp lên trực thăng.

Khoảng một tiếng sau, một chiếc trực thăng đáp xuống sân Trường. Sáu hay bảy em TSQ nhỏ đứng đầu bước lên. Sau đó, tôi thấy có một người đàn ông Mỹ. Trước đó tôi đã gặp ông này vài lần, nhưng không nhớ ở đâu. Hình như ông ta là Kỹ Sư Cố Vấn. Ông ta leo lên cùng với cô vợ người Việt Nam và đứa con gái nhỏ. Tôi còn thấy hai ông Trung Sĩ Chỉnh và Ngộ (con trai bà giáo Thảo sản xuất và bán mắm ruốc nổi tiếng ở VT) nữa. Hai người này là Hạ Sĩ Quan An Ninh, không biết họ từ đâu chạy ra chỗ trực thăng đang đậu, rồi leo lên. Tôi thấy tất cả đều im lặng. Lúc đó, tôi không nhận thấy mình ngây thơ, khờ khạo. Thử làm một bài tính đơn giản. Mỗi chuyến trực thăng có thể chở được 20 người ngồi cả trên sàn. Cộng chung các em TSQ với các cán bộ nhà Trường và gia đình họ, tối thiểu khoảng 7-8 trăm người. Nếu chỉ có một chiếc trực thăng, để chở hết, phải mất 40 chuyến. Không ai biết tàu đang đậu ở đâu ngoài khơi, nhưng thử ước lượng mỗi chuyến mất độ 30 phút cho thời gian bay đi, bay về, lên, xuống. Vậy là, phải mất 20 tiếng! Một chuyện không thể nào thực hiện được khi Cộng quân đã tới Bà Rịa.

Ngay sau đó trực thăng bay đi. Chúng tôi im lặng chờ chuyến thứ hai đáp xuống.

Chúng tôi cứ đứng chờ như thế đến 2-3 tiếng. Sau cùng, Trung Tá Ngô Văn Dzoanh xuất hiện. Ông buồn bã xem đồng hồ, rồi nói với những người đang đứng trước Phòng Sĩ Quan Trực:

– Đến giờ phút này moi hoàn toàn thất vọng rồi. Trực thăng không xuống nữa đâu. Thôi, các toi hãy về nhà tự lo cho gia đình.

Ông chỉ nói có bấy nhiêu. Vì đứng gần ông nên tôi nghe rất rõ. Dường như tiếng nói của ông bị đứt đoạn, uất ức, nghẹn ngào. Có vài em TSQ đứng gần đấy, thấy chúng tôi tan hàng, đã khóc theo. Tình cảnh này có thể ví như một đàn gà. Đàn gà con đang đi theo mẹ, nhởn nhơ bắt sâu, bỗng từ trên trời xuất hiện một bầy diều hâu hung ác. Đàn gà con chạy vội núp vào cánh mẹ. Bầy diều hâu bay xà xuống. Đàn gà náo loạn, tan tác.

Tôi về nhà. Trại Cô Giang vắng ngắt. Nhà bà y tá bên phải và nhà Thiếu Úy Hòa bên trái đóng chặt cửa. Không biết họ có ở trong nhà không. Một lúc sau tôi thấy Đại Úy Trần Đình Ân, Trưởng Ban Văn Hóa[3], mặc quân phục, đội mũ bê rê màu xanh đậm, chở vợ bằng xe Suzuki chạy ra đường cái, ngang qua nhà tôi. Vợ chồng Đ/U Ân thấy tôi đang đứng trước cửa nhà, không nói gì, chỉ có ánh mắt, nhưng khi ấy tôi lại không hiểu được. Tôi biết họ đang vội.

Gần như Trại Cô Giang không còn ai. Tôi bàn với mẹ tôi chạy tới tá túc nhà anh An ở khu chợ mới, Phường Thắng Nhì. Bà cô ruột của anh An là bạn thân của mẹ tôi khi còn đi học ngày nhỏ. Bỗng nhiên, Thiếu Úy Từ Hữu Mỹ[4] bước qua nhà tôi. Th/U Mỹ ở cách nhà tôi vài căn. Gia đình của Th/U Mỹ ở Chương Thiện, mới lấy vợ được vài tháng. Quê vợ ở Bình Dương. Hai người bị kẹt lại Vũng Tàu. Th/U Mỹ ngỏ ý “xin” đi theo tôi vì không biết đi đâu cả. Có thể ngày mai Việt Cộng sẽ tới đây.

Một lần nữa, tôi lại khóa cửa nhà. Tôi chở mẹ tôi bằng xe Honda Dame, Th/U Mỹ chở vợ bằng xe đạp mini chạy bên cạnh. Cả hai chúng tôi vẫn mặc bộ đồ trận và “lon lá” đầy đủ. Ra đến đường, một em TSQ chặn tôi lại. Em đưa cho tôi trái lựu đạn M26.

– Thầy giữ “cái này” xài.

Có thể em là TSQ lớp 11 hay 12. Vì thời giờ gấp rút, tôi không kịp hỏi tên em, chỉ nhớ là đã cám ơn. Tôi biết khi chúng tôi đi rồi, em lại quay về Trường, vì còn biết đi đâu.

Lúc đó chúng tôi được trang bị gần như đầy đủ: quân phục tác chiến, nón sắt, súng carbin, băng đạn, thẻ bài. Riêng tôi còn có thêm trái lựu đạn trước ngực.

Chúng tôi chạy xe dọc theo con đường phía bên ngoài, song song với Trường TSQ. Trường nằm bên phải, buồn bã, lạnh lùng. Ngang khu Liên Đoàn, tôi còn thấy vài ba bộ đồ vàng lảng vảng ở ngoài hành lang, hay dưới cột cờ. Không biết các em đang làm gì. Thôi nhé, vĩnh biệt các em. Vì vận nước đổi thay, thầy trò chúng ta phải chia tay nhau. Chúng tôi đã làm bổn phận, mặc dù chưa xong, của những người thầy đối với các em, nhưng chúng tôi đã không chu tất bổn phận của những người mẹ. Chúng tôi biết, những thứ các em thực sự cần có lúc bấy giờ là mái ấm gia đình, ở đó tràn ngập tình thương yêu của những người mẹ, người cha hay người anh, người chị.

Khu Văn Hoá vắng ngắt. Kiến trúc có hai cầu thang bằng đá và xi măng ở hai bên. Có những lớp học ở tầng dưới và ở trên lầu. Có những giáo sư đã cùng dạy học với tôi ở đó. Đại Úy Nguyễn Văn Thi (về từ Võ Bị Đàlạt, dậy Toán), Trung Úy Trần Trị Chi, Trung Úy Nguyễn Văn Minh, Trung Úy Lê Văn (?) Thiện (dậy Vạn Vật), Trung Úy Lâm Quang Đạt (dậy Pháp Văn), Thiếu Úy Phạm Quang Tuyên (dậy Anh Văn), Thiếu Úy Phạm Việt Hùng (dậy Văn), Thiếu Úy La Hoa Hùng (dậy Toán), Thiếu Úy Trần Quang (?) Huy (dậy Triết), và một vài người nữa mới thuyên chuyển về tôi không kịp biết tên. Ở trường TSQ, chúng tôi quen gọi các Sĩ Quan Văn Hoá là Giáo Sư, phần lớn những người này đều tốt nghiệp Đại học, và có nhiều người dậy cả ở trường tư Vùng Tầu.

Đối diện với Trường TSQ, có một dãy tường dài màu trắng. Ở đó, bây giờ tôi còn thấy viết một câu nói nổi tiếng của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu: “Đừng tin những gì Cộng Sản nói. Hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm.” Vào giờ phút ấy, tôi vẫn còn thấy câu nói đó rất đúng; nó như một thách đố, nhưng lại nghẹn ngào, uất hận.

Trên đường, chúng tôi thấy mọi nhà đều đóng cửa. Phố xá vắng lặng như chiều 30 Tết. Không một người qua lại.

Chúng tôi rẽ trái để tới nhà anh An ở khu chợ mới, Phường Thắng Nhì, vào khoảng 4 giờ chiều. Cửa đóng kín. Tôi gõ cửa. Bất ngờ thấy chúng tôi tới, anh An lo sợ ra mặt. Chắc anh không muốn có chuyện gì phiền phức đến gia đình mình. Nhưng chị An không nói gì.

Nhìn thấy chúng tôi đùm đề súng đạn, anh An cuống lên:

– Trời ơi, đến giờ này mà các chú còn súng đạn như thế này. “Chúng nó” tới sát bên rồi.

Rồi quay qua thằng cháu, anh giục:

– Khánh. Mày mang những thứ này vứt qua hàng rào. Nhanh lên.

Khánh là lính Nhảy Dù từ Vùng 1, Vùng 2 mới di tản về.

Chúng tôi lặng lẽ cởi bỏ súng đạn, kể cả thẻ bài, đưa cho Khánh. Khánh đi ra phía sau, vứt những thứ đó qua bên kia hàng rào. Chúng tôi vào nhà, lột được cái áo, nhưng chưa kịp thay. Hai đứa còn mặc quần lính trận. Lúc đó Việt Cộng đã tới sát bên. Chúng tràn ngập khu nghĩa địa cách nhà anh An chỉ vài trăm thước. Không có tiếng súng nào.

Chúng tôi ngồi trong nhà, chờ xem động tĩnh. Đêm đó, đầu óc tôi căng thẳng, không sao ngủ được. Mãi gần sáng tôi mới thiếp đi.

Sáng sớm hôm sau, 30 tháng Tư, tôi choàng tỉnh dậy vì có những tiếng động ở bên ngoài. Từ trong nhà, tôi nhìn qua lỗ khóa. Khoảng một tiểu đội Việt Cộng đang đứng lố nhố trước cửa nhà anh An, chỉ cách tôi 4-5 thước, qua một cánh cửa gỗ. Chúng đang xì xào bàn tán những gì tôi nghe không rõ. Tôi nhìn thấy những chiếc nón cối bạc màu, những đôi dép râu bao quanh những đôi chân cáu bẩn, và những đôi giầy vải màu nâu bạc phếch. Nào là vũ khí, máy truyền tin. Cạnh chỗ chúng đang đứng, có một miếng gỗ đóng xơ xài trên cái cột, với hàng chữ nguệch ngoạc “TÙ HÀNG BINH ĐI LỐI NÀY”, và ở dưới có một hình mũi tên chỉ về hướng đài vi ba, Phường Thắng Tam. Ngoài ra, còn có một tấm bảng khác với hàng chữ “HÀNG SỐNG, CHỐNG CHẾT” được đóng ngay đó.

Đến khoảng 8 giờ sáng, tôi lại nhìn qua lỗ khóa một lần nữa. Rõ mồn một. Bọn Việt Cộng vẫn còn đứng lố nhố trước cửa nhà anh An. Vài phút sau, tôi không còn tin vào mắt mình được nữa. Tay Nhiều[5], Nghị viên (NV) Thành phố Vũng Tàu được một tên đệ tử còn trẻ chở tới bằng xe Honda 67 màu đen. Cả hai đều mặc áo trắng. Tên trẻ tuổi đeo băng đỏ ở cánh tay. Chiếc xe dừng lại, được chống càng nghiêng qua một bên, NV Nhiều bước xuống, nét mặt nghiêm trọng, nói chuyện với tên Việt Cộng đeo K.54, hình như là cấp chỉ huy. NV Nhiều nói gì với tên Việt Cộng, tôi nghe không rõ, chỉ thấy tên Việt Cộng nhìn NV Nhiều, thỉnh thoảng lại gật gù. Tôi đoán họ đã gặp và “thông tin” với nhau vài lần rồi, vì khi tôi thấy, hai người có vẻ biết nhau từ trước.

Tôi bàng hoàng, tự nhiên cảm thấy lạnh người. Tôi ngoắc Th/U Từ Hữu Mỹ lại, nói nhỏ:

– Thằng cha Nhiều là Việt Cộng Nằm Vùng. Vậy mà lâu nay tụi mình không biết.

– Đâu, tôi coi?

Th/U Mỹ nhìn qua lỗ khoá một chập, rồi quay qua tôi:

– Đ.M. Anh tính sao?

Th/U Mỹ chửi thề nho nhỏ, không nói gì thêm. Tôi cũng im lặng. Thực ra, ngay lúc đó tôi không cảm thấy sợ hãi chút nào. Tôi chỉ thấy hoang mang. Sự việc xảy ra quá sức bất ngờ, ngoài sự tưởng tượng của mình. Tại sao giờ này thằng cha Nhiều còn đứng kia? Anh ta là NV Thành Phố cơ mà? Tại sao anh ta không di tản? Anh ta không muốn đi, hay không đi được? Anh ta định làm gì? Chuyện gì đã xảy ra cho Đại Tá Thị Trưởng Vũ Duy Tạo? Nếu NV Nhiều biết có Th/U Mỹ và tôi đang đứng phiá sau cánh cửa này, quan sát anh ta qua lỗ khóa, không biết anh ta sẽ phản ứng ra sao, anh ta có “báo cáo cán bộ” có hai tên “Sĩ quan ngụy” đang ở sau cánh cửa, và không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho hai chúng tôi. Hàng trăm câu hỏi cứ xoáy trong đầu tôi lúc bấy giờ.

Khi tôi mới thuyên chuyển về Trường TSQ, NV Nhiều còn là Trung Úy, dạy Toán. Tôi chưa có dịp nào nói chuyện trực tiếp với anh ta, ngoài trừ vài lần gặp anh ta trên đường dẫn vào khu Văn Hoá, cả hai cười cười, gật đầu. Anh ta thân với Đại Úy Hồ Công Tâm[6], Cựu Trưởng Ban Văn Hoá. Về sau, anh ta ra ứng cử chức vụ NV Thành Phố. Đ/U Tâm nhờ nhóm Sĩ Quan trẻ chúng tôi vận động cho anh ta. Chính tôi đã cầm cả trăm cái business cards của anh ta, đi giới thiệu với mọi người quen biết, nào là ở tư gia, ở quán cà phê, ở tiệm cơm…những nơi bọn chúng tôi hay la cà, tán gẫu. Kết quả, anh ta đắc cử một cách vẻ vang. Hình như anh ta có số phiếu cao thứ nhì. Sau vụ này, chúng tôi vẫn không có được một lời cám ơn, một cái bắt tay, hay một ly cà phê. Mấy tháng sau, anh ta xin giải ngũ. Cuộc sống huy hoàng, thảnh thơi và quyền lực của một Nghị viên Thành phố bắt đầu. Mấy gia đình giầu và tai mắt ở Vũng Tàu, có con gái lớn, vồn vã anh ta ra mặt. Anh ta dựa dẫm Đại Tá Vũ Duy Tạo. Có lần anh ta theo Đại Tá Tạo đi “tham quan” Trường TSQ, không quên dắt theo mấy cô ả mặc áo dài. Tội nghiệp, lần đó cả Trường TSQ phải đứng dàn chào. Tôi biết anh ta muốn lợi dụng những dịp này để “lấy le” với chúng tôi. Chỉ có vậy thôi.

Vậy mà bây giờ anh ta đứng kia, áo sơ mi trắng, bộ điệu khúm núm, xum xoe, không đúng phong độ hay tư cách của một Nghị viên tí nào.

Tôi chán ngán quay vào. Tôi nói với anh An là tôi và Th/U Mỹ thấy NV Nhiều đứng ngoài đường, đang “báo cáo” với tên chỉ huy VC. Anh An có vẻ ngao ngán.

Trưa hôm đó, tôi chở mẹ tôi về lại Trại Cô Giang. Cửa đằng trước vẫn có ổ khoá nằm đấy, nhưng cửa sau đã bị ai đó phá hỏng và bên trong bị xáo trộn, một ít đồ bị mất. Nhưng không có gì quan trọng cả. Những ngày tháng sắp tới, nào biết cuộc đời sẽ trôi giạt về đâu, vậy thì, có gì để tiếc nuối đâu. Tôi chỉ thấy chán ngán và chấp nhận.

Tôi nhìn qua Trường TSQ, tất cả đều vắng vẻ, lạnh lùng, ngoại trừ cái cổng sắt to lớn bị hư hại. Đó là dấu tích của trái đạn B.40 do Việt Cộng bắn vào khi tấn công Trường, và đó cũng là trận chiến đơn độc, trận thử lửa đầu tiên, nhưng rất hào hùng của các em TSQ bé nhỏ, còn trong độ tuổi thơ ngây. Trận đánh này đã xảy ra từ buổi sáng đến buổi trưa ngày 30 tháng Tư khi tôi đang ở nhà anh An ở Phường Thắng Nhì [7].

Cũng trưa hôm đó, qua làn sóng Ðài Phát Thanh Saigon, TT Dương Văn Minh ban lệnh đầu hàng. Thế là hết.

Sáng ngày 1 tháng Năm, tôi ra “trình diện” sơ khởi ở Phường Thắng Tam. Trình diện xong, tôi xách xe Honda chạy lung tung quanh Vũng Tàu như một người mất trí.

Buổi tối hôm đó, tôi lại buồn tình xách xe chạy ra bãi trước. Đang đứng nhìn ra biển, tôi gặp Đại Úy Hoàng, Cán bộ Liên Đoàn Trưởng TSQ. Hai chúng tôi nhìn nhau, chỉ nhè nhẹ lắc đầu, không nói gì với nhau cả. Có vài chiếc tàu neo ở ngoài khơi, thật xa, thật xa.

Vài ngày sau, từ Trại Cô Giang, tôi nhìn thấy những chiếc xe tải quân đội Molotova chạy vào trường TSQ, chất đầy đồ đạc và giường sắt (loại giường của quân đội Mỹ), chở về đâu không biết. Trường TSQ có khoảng 2 ngàn chiếc giường như vậy, để cho các em TSQ sử dụng. Những chiếc xe Molotova chạy ra chạy vào nhiều chuyến để chở “chiến lợi phẩm”. Lúc đó, không còn một em TSQ nào trong Trường. Chỉ cần nửa ngày, trường TSQ đã được “dọn” sạch sẽ. “Tàn dư Mỹ Ngụy” được phân tán nhanh chóng, có thể ra cả tới miền Bắc.

Mấy ngày sau, tôi gặp Chuẩn Úy Lâm A Mạ (AET) mua cuốc xẻng ở tiệm làm đồ sắt của anh An ở ngã tư Bến Đình. Ch/U Mạ đang chuẩn bị cho những ngày tháng mới và những công việc mới. Còn Chuẩn Úy Khôi (cũng là AET) đang chăm sóc cái quán Mưa Rừng với bà vợ thứ hai ở gần Trường TSQ.

Qua ngày hôm sau, có hai ba tên Việt Cộng, đội nón cối, vác AK đến nhà tôi, “ra lệnh” tôi chỉ được ở trong Trại Cô Giang vài ngày nữa, rồi phải dọn đi, trả nhà cho “Cách mạng”.

Sau khi nghe tin Cầu Cỏ May đã được sửa lại, Th/U Mỹ và vợ đã từ giã mẹ con tôi về Bình Dương, gửi lại chiếc xe đạp mini. Hai hôm sau, bà mẹ vợ đã đến lấy về.

Trại Cô Giang ngày càng vắng vẻ. Tôi chần chừ ít ngày nữa. Sau cùng, mướn một chiếc xe tải nhỏ, dọn về Sàigòn. Tôi đưa mẹ tôi về “tạm giữ” căn biệt thự nhỏ trong Cư xá Phủ Tổng Thống cạnh cầu Sàigòn. Căn biệt thự này làm chưa xong. Nền nhà chưa được lót gạch. Cửa sổ chưa có, ngay cả cửa chính cũng chưa có khoá. Sân vườn toang hoác. Chồng của bà chị họ tôi là Đ/U Nha sĩ Phủ Tổng Thống, mua đất ở đây xây biệt thự. Xây chưa xong, Việt Cộng ập tới. Trong khi tôi và mẹ tôi không có chỗ trú ngụ, nên nhận làm “quản gia” thật đúng lúc.

Căn biệt thự tôi ở gần ngã tư. Bên trái là biệt thự của một Trung Tá Nha Quân Pháp (quên tên). Đối diện có một ngôi chùa nhỏ. Khoảng một trung đội VC đóng trong ngôi chùa này. Chúng đặt trạm gác, kiểm soát người qua lại. Trong căn biệt thự “không có cửa nẻo”, tôi vội vã đốt hết mọi giấy tờ và hình ảnh. Chỉ giữ lại cái Thẻ Sinh Viên Luật Khoa năm I có hiện lực đến cuối năm. Không ngờ đó lại là bùa hộ mạng của tôi.

Từ bên chùa, sáng nào cũng có 3-4 tên qua nhà tôi chơi. Chúng cứ nghĩ tôi là sinh viên. Mấy ngày đầu tôi pha cà phê mời tụi nó uống “xã giao”. Tụi nó cứ khua tay “thôi, thôi”. Nhưng vẫn uống tì tì. Mấy ngày sau tụi nó “quen mui, thấy mùi…” qua nhà tôi hoài, nhưng tôi lại hết cà phê, hết sữa. Tụi nó quay qua hỏi muợn tôi chiếc Honda Dame chạy chơi quanh cư xá. Một hai lần sau tôi cũng kiếm cách từ chối, nói là hết xăng.

Ông anh tôi còn xây cái phòng vệ sinh đằng sau sân đậu xe. Phòng vệ sinh cũng chưa có cửa. Buổi sáng vài ba đứa nhăn nhó chạy vội qua nhà tôi, làm tùm lum. Mẹ tôi lại phải vất vả kỳ cọ, đến nỗi bà phải viết lên tường hàng chữ “người lịch sự nhớ dội nước”. Có đứa qua nhà tôi quát “Thím nói ai?”. Mẹ tôi tỉnh bơ trả lời “Nói người nào bất lịch sự đó.”

Sau 2-3 lần “tẽn tò”, đến cuối tháng Sáu, 1975, tôi từ giã mẹ tôi, lên đường “đi học”. Vì lỡ trình diện ở Vũng Tàu nên tôi phải ra đấy để đợi “đi học”, mặc dù tôi đã về Sàigòn. Thoạt đầu, tôi được đưa đến Long Thành, ở trong doanh trại của một đơn vị Công Binh cũ, cách Suối Tre khoảng một tiếng đi bộ. Tại đây, tôi lại bị kinh ngạc một lần nữa khi gặp NV Nhiều. Chắc hẳn anh ta đã bị Việt Cộng “sa thải”, không còn được tin dùng nữa. Khi trái chanh đã được vắt kiệt, bây giờ chỉ còn việc vứt vào thùng rác, không thương tiếc.

Lần đầu gặp tôi tại đây, có lẽ thấy tôi quen quen, anh ta nhe răng cười. Tôi phớt lờ. Tôi nhớ chỉ gặp anh ta 2-3 lần, vì ở hai C khác nhau. Rồi sau đó, qua những lần chuyển trại, không biết anh ta ra sao, về đâu.

Cuối năm 1993, tôi và gia đình qua Mỹ theo diện HO. Một hôm đi khám răng ở LB, ông bố cô Nha sĩ, kiếm mối cho con, đến chở gia đình tôi, sau khi biết tôi ở trường TSQ, hỏi tôi có biết NV Nhiều không. Ông nói ông là anh em cột chèo với NV Nhiều, hiện NV Nhiều cũng đang ở L.B. cùng với bà vợ Nha Sĩ (?). Tôi giật mình và quá sức ngạc nhiên. Vậy là anh ta đã sang Mỹ sớm hơn ai hết. Không biết anh ta đã bị “ở tù” bao lâu? Không biết anh ta sang Mỹ theo diện gì? (HO, ODP, vượt biên, con lai, hay bảo lãnh). Ông ta nói với NV Nhiều là tôi và gia đình mới qua, và nói là NV Nhiều sẽ ra mừng chúng tôi. Hôm sau, ông ta nói với tôi là NV Nhiều xin lỗi, vì bận việc, không đến mừng gia đình tôi được. Tôi chắc chắn không bao giờ NV Nhiều muốn (hay dám) giáp mặt bất cứ ai ở Trường TSQ cũ, vì tự nhiên cứ thấy lương tâm mình hổ thẹn, mặc dù vẫn tưởng việc làm của mình không ai biết. Nhưng anh ta phải biết là dưới gầm trời này, không có chuyện gì bí mật cả, nhất là khi mình có tội. Tôi định kể chuyện cho ông ta nghe, nhưng lại thôi.

Mấy năm sau, một lần vô tình tôi gặp NV Nhiều ở VVH. Trong khi chờ “ông thầy” massage tới, anh ta lấy sách ra đọc ngay bên cạnh tôi. Có thể anh ta không nhận ra tôi (?). Tôi hỏi anh ta có còn nhớ ai ở Trường TSQ không, còn nhớ Đ/U Hồ Công Tâm không. Anh ta lắc đầu, trả lời yếu ớt: “Tôi quên rồi”.

Đã gần 40 năm trôi qua, chúng ta vẫn không thể quên được ngày Cộng quân cướp miền Nam, không thể quên được ngày chúng ta phải chịu nhận sự trả thù cay độc của chúng ở những trại tù, trong Nam cũng như ngoài Bắc. Có những chuyện dường như mới xảy ra ngày hôm qua, ngày hôm nay, hay mới tức thời. Làm sao quên được. Bây giờ, có những đêm ngủ, chúng ta còn bị những cơn ác mộng ám ảnh, có khi vẫn thảng thốt ngồi dậy, nhìn quanh, căm phẫn, bàng hoàng.

Tuyệt nhiên tôi không có một hiềm khích hay tư thù cá nhân nào đối với NV Nhiều. Nhưng xét ra, anh ta đã bôi lọ thanh danh cao quý của người lính Việt Nam Cộng Hòa, đã “đâm sau lưng các chiến sĩ”, đã “ăn cơm Quốc Gia, thờ ma Cộng Sản”, đã cúi đầu làm tay sai chỉ điểm cho bọn Việt Cộng khi chúng xua quân cưỡng chiếm miền Nam. Có thể anh ta là Việt Cộng nằm vùng, và cũng có thể anh ta chỉ là thứ 30 tháng Tư tép riu đón gió trở cờ. Sau khi cháy nhà, đã có những con chuột xấu xí ra mặt. Những con chuột đã làm náo loạn, và gây kinh hoàng cho mọi người một thời gian lâu dài.

Những kẻ phản bội, nhất là phản bội tổ quốc, vẫn thường có nhiều thủ đoạn tráo trở, lừa bịp, luồn cúi, hèn hạ. Phải nói ra để nhận diện, tẩy chay.

Đã gần 40 năm qua, tôi định không kể chuyện này. Nhưng nếu vậy, lịch sử dân tộc sẽ mất đi sự công bằng. Trong khi bao nhiêu người con thân yêu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ chính nghĩa tự do trên từng tấc đất, có kẻ đã lợi dụng, sống ích kỷ, phè phỡn, bon chen, lúc nào cũng muốn đè đầu đè cổ người khác. Đến khi đất nước gặp nạn, những kẻ đó lại đang tâm làm ngơ, phủi tay, phản bội, và trốn chạy trước hơn ai hết. Phải nói ra để lương tâm được ngủ yên, mặc dù đã quá muộn màng.

Hà Việt Hùng

Chú thích:

[1] Sau khi Trường TSQ Cao Nguyên (Pleiku) sát nhập vào Trường TSQ Vũng Tàu, trường này đổi tên là Trường TSQ Việt Nam. Khi tôi thuyên chuyển về đây cuối năm 1973, Trường đã có tên này rồi.

[2] Bình thường, quân số TSQ vào khoảng 1400-1500. Trước tháng Tư 1975, Trường đã cấp giấy phép cho trên 1000 em có gia đình ở Sàigòn và các vùng phụ cận, Vùng 3 và Vùng 4 được về nhà.

[3] Đ/U Ân thay thế Đ/U Hồ Công Tâm khoảng gần một năm trước đó. Vợ ông là chị bà con bên ngoại của tôi.

[4] Th/U Mỹ trước dạy Anh Văn ở Khối Văn Hoá, sau đổi qua Khối Quân Sự.

[5] Đã đổi tên (TG).

[6] Sau năm 1983, tôi gặp ông Tâm ở Sàigòn, ông nói “ông không thích Mỹ”. Trước 75, ông đã du học Mỹ 2 lần do Quân đội gửi đi. Nếu muốn đi, ông đã đi vào ngày 30 tháng Tư, 75. Sau đó tôi không có dịp gặp ông nữa.

[7] Trận đánh này đã được hai Cựu TSQ Lớp 12 Nguyễn Anh Dũng và Lâm A Sáng thuật lại trong “Trận chiến bi hùng cuối cùng của TSQ Vũng Tàu 1975” in trong cuốn Những Trận Đánh Không Tên Trong Quân Sử (Việt Nam 2003).


Wednesday, March 30, 2016

Một câu chuyện hè phố được xếp loại Top Stories 

Marcus, một người vô gia cư (homeless) bước vào quán Cesia Abi's ở địa chỉ 1532 E Lake St, Minneapolis, MN 55407, USA, hỏi xin tiền. Cesia Abigail Baires, cô chủ quán 25t người Salvador, nói với Marcus rằng không có ai cho cô bất cứ gì, tại sao anh không kiếm một việc làm? Anh này cuối đầu xuống như để tránh cái nhìn của Abigail và nói rằng mình cũng có nhiều bạn bè tù tội (felonies), nhưng không có ai chịu mướn làm việc, từ lúc 16 tuổi anh đã gia nhập cuộc sống vô gia cư ở hè phố và kiếm tiền theo cách ăn trộm hay xin tiền.

Abigail nghe xong cãm động, hỏi Marcus có muốn có việc làm không? Tôi có một việc làm cho anh.

Marcus nở một nụ cười và vui vẽ nói anh ta sẽ làm bất cứ công việc gì để có ăn. 

Đó là hai giờ rửa dỉa cho tiệm, và sau khi xong việc thì Abigail tặng cho Marcus một bánh mì kẹp (sandwich). Nhưng trước khi ăn, Marcus gói lại phân nửa trong miếng nhôm (foil), và chạy ra ngoài cửa tặng cho một người đàn bà homeless đi ngang qua quán. 

Abigail hỏi Marcus có biết bà ta không? Marcus nói anh ta không biết nhưng biết rằng bà đó cũng đang đói bụng như anh.

Abigail xúc động và nhận Marcus  làm việc 2 giờ mỗi ngày để rửa dỉa từ hai tuần qua. Abigail nói rằng tình trạng thương mại èo ọt của quán chỉ có thể cho phép cô giúp Marcus như vậy thôi. Sau 2 tuần làm việc, Marcus nhận tiền lương, việc đầu tiên Marcus làm là muốn mua thức ăn trong tiệm và trả bằng tiềng lương mới lảnh của mình. Abigail bán cho anh với một giá giảm.

Tuần qua, Cesia Abigail Baires đã kể lại câu chuyện này trong trang Facebook của và số người xem hơn 130,000 tính đến hôm nay.
 
- Câu chuyện này được TV Fox 9 news phỏng vấn, phát hình và đăng lại trên internet

Inline image 1

- Hiện giờ Marcus chỉ muốn cho biết tên và không cho biết họ mình. Anh nói sẽ giải thích sau. 

- Cesia Abi's Cafe, 1532 E Lake St, Minneapolis, MN 55407, USA, là một quán café, bánh mì ở một khu có nhiều tội phạm. nghiện ngập ma túy.


Bài Nói Chuyện Của Giáo Sư Nguyễn Lâm Kim Oanh: Tại Sao Phải Học Việt Ngữ


Bà Mộng Hoa giới thiệu về tiến sĩ giáo sư Nguyễn Lâm Kim Oanh, bà là người Mỹ gốc Việt đầu tiên giữ chức vụ cao cấp trong Bộ Giáo Dục của chính phủ Obama. Từ 2014 đến nay tiến sĩ Kim Oanh là “cố vấn cao cấp về chương trình và chính sách cho vị phụ tá Bộ trưởng Bộ Giáo Dục (undersecretary of education) ” Thêm vào đó bà là giám đốc chương trình ngoại ngữ cho Bộ Giáo Dục Liên Bang Hoa Kỳ. Trước đây 2011-2014, bà tòng sự tại Tổng Nha Đại Học -Office of Post-Secondary Education - IFLE (International and Foreign Language Education) - Nha Ngoại Ngữ và Giáo Dục Quốc Tế

Kính thưa Quý Vị

blank
Hình chụp trong Hội Xuân Quảng Đà, từ trái, họa sĩ Vũ Hối, tiến sĩ Kim Oanh, bà Mộng Hoa.(Hinh tác giả gửi VB)

1. Ai là những người đang học Việt Ngữ trên đất Mỹ?
Ngoài các em học sinh Mỹ gốc Việt đang theo học tại các trường/trung tâm Việt Ngữ, con có một số học sinh tại các trường Trung Học trong hệ thống giáo dục Hoa Kỳ, các trường cao đẳng cộng đồng (community colleges) và một số đại học. Đặc biệt là một số các đại học danh tiếng như Berkeley, Harvard, Cornell, Yale đều có chương trình Việt Ngữ không những là đầy đủ cấp lớp mà họ dạy lên tới trình độ chuyên môn để sinh viên có thể đọc sách tiếng Việt và làm các nghiên cứu về các đề tài liên quan tới Việt Nam. Tôi biết điều này vì chính văn phòng tôi làm việc trong Bộ Giáo Dục HK là nơi cung cấp ngân khoản cho những đại học này. (Grants) các tài trợ cho những đại học hàng năm từ vài trăm ngàn lên tới vài triệu để phát triển các chương trình ngoại ngữ, trong đó có tiếng Việt. Ngoài ra có những chương trình trang trải chi phí cho sinh viên làm (research studies) các công trình nghiên cứu tại Việt Nam từ những người nghiên cứu về môi sinh, mực nước ở sông Cửu Long, mức độ phù sa tại đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, …đến các học giả, nghiên cứu về đền đài lăng tẩm ở VN để so sánh với các nền văn minh khác, có người thì tìm hiểu về văn thơ Việt Nam, không những chỉ thông dịch chuyển ngữ mà còn giảng giải bình luận các bài thơ của Hồ xuân Hương, Tú Xương, Bà Huyện Thanh Quan, các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn được thông dịch chuyển ngữ và giảng giải bình luận.

Trở lại các trường và trung tâm dạy Việt Ngữ – đa số do hoàn cảnh khó khăn thời gian eo hẹp, nên không thể nào tạo cho các em một nền tảng Việt Ngữ đủ để đọc báo đọc sách tiếng Việt. Chính vì vậy các em, nhất là khi biết tự suy nghĩ, thường cưỡng lại việc đến trường Việt Ngữ – các em có khi hỏi ngược lại cha mẹ –

tại sao phải học Việt Ngữ? Để làm gì? Lợi ích gì trong khi các em có quá nhiều bài vở.

Lý do để duy trì văn hóa thì quá mơ hồ.

Lý do để giữ liên lạc với gia đình thì không còn chính xác –

Đa số cha mẹ các em lứa tuổi đến trường như con cái quý vị hiện diện ở đây, đa số là những người đã sống trên đất Mỹ nhiều năm, thuộc giới chuyên gia, đi làm, hòa đồng vào đời sống và xã hội HK, hoàn toàn không còn trở ngại nên Cha Mẹ nhiều khi cũng xuôi tay.

2. Học Việt Văn để làm gì?
Học tiếng Việt có lợi điểm gì? – Vậy thì hôm nay, chúng tôi xin được hỏi quý ông bà anh chị cũng hai câu này – Học Việt Văn để làm gì? Học Việt ngữ thì lợi ích gì?

Tôi xin chia sẽ vài mẩu chuyện về các em Mỹ gốc Việt mà tôi đã gặp trong các trường lớp ở HK.

- Có một thời kỳ, tôi làm công việc đi giám sát các sinh viên đang thực tập dạy học (student teachers supervisor) tại các trường trong các học khu ở California.

Một hôm nọ, tôi vào lớp một cô giáo thực tập tạo khả năng song ngữ –Anh Việt – cô giáo Theresa Thảo Ly.

Trong thời gian đầu thực tập thì khô khan lắm vì bà giáo chính giao việc gì thì làm việc đó và đa số là công việc như chấm bài, kèm học sinh kém, canh học sinh giờ ra chơi – ít khi nào được làm việc trực tiếp với các học sinh – vậy mà hồi ấy, tôi thấy cô giáo này đang ngồi tại một bàn tròn và một số học sinh bao quanh, nói cười tíu tít rất vui nhộn. Trường học này trong quận Cam (Orange County) nên có một vài học sinh gốc Việt. Hôm ấy là gần ngày Lễ Mothers Day – ngày Từ Mẫu – các em làm các tấm thiếp thật đẹp và viết những lời chúc văn vẻ – có em thì làm các bài thơ ngắn, lời lẽ dễ thương. Khi biết cô Theresa Thao biết tiếng Việt, các em học sinh gốc Việt đem thiệp tới nhờ cô giáo giúp các em viết những lời thơ này qua tiếng Việt và tập cho các em đọc để các em có thể tặng cho mẹ các em

*** Thế thì đối với các em lớp 3 này – mới khoảng chừng 10 tuổi, các em ý thức được rằng có những khi sự biểu lộ tình cảm đậm đà sâu sắc ân tình nhất là qua các ngôn từ mẹ đẻ của mình – Các em phân biệt được khi các em nói,

“I LOVE YOU MOM WITH ALL MY HEART AND ALL MY SOUL” – có thề là mẹ các em sẽ không cảm động bằng khi em nói lên được bằng tiếng Việt

"MẸ ƠI CON YÊU MẸ BẰNG CẢ TRÁI TIM CON, MẸ ƠI CON YÊU MẸ BẰNG CẢ TẤM LÒNG SON”……

- Ngoài việc diễn tả tình cảm trọn vẹn, tiếng Việt còn phản ảnh văn hóa Á Đông – kính trên, nhường dưới – lớp lang –

Khi đứa bé nói với ông mà gọi ông là “you” và xưng là “me” ( ví dụ như là “Ong Noi, can you read me a story?” thì ông cháu đều ngang nhau hết – Ngược lại khi đứa bé nói, “Ông Nội ơi, ông đọc truyện này cho cháu nghe đi ông? “ thì không những văn hóa VN được duy trì, mà tình cảm liên hệ giữa ông và cháu được liên kết mạnh hơn.. Khi đứa bé biết xưng cháu hoặc con và biết dạ biết thưa "gọi dạ bảo vâng" khi nói chuyện với người trên, hoặc khi biết phân biệt lúc nào thì gọi bác, chú, cậu, dượng, dì, cô, thím vv thì đứa bé hiểu vị trí trong đại gia đình của nó và ngôn ngữ giúp cho nó thể hiện đuoc lễ, nghĩa. Mà trong xã hội bây giờ, khi mình biết xác định vị trí của mình trong việc giao tiếp với xã hội và hành xử đúng với sự lễ phép là chìa khóa mở cửa cho sự thành công.

- Một lần khác tôi đến thăm một trường trung học ở San Jose Eastside Union HS District trường nầy vừa xin được ngân khoản của Bộ Giáo Dục HK để mở chương trình Việt Ngữ cho các học sinh trung học vào khoảng 15 năm trước - chương trình rất khả quan vì có sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng, có đại học San Jose State University tạo điều kiện giúp một số các cựu giáo chức VN lấy bằng chính thức dạy học tại HK mà không phải học lại từ đầu. Các thầy cô giáo này vững vàng tiếng Việt lại hấp thụ phương pháp dạy ngôn ngữ mới nên lớp học rất sống động và hứng thú. 

Khi đi thăm lớp, tôi tới từng bàn học và lắng nghe các em đọc tiếng Việt hoặc xem những gì các em đang viết trong tập. Tôi thấy một em đang lẩm nhấm đọc vài câu thơ mà mắt có về đăm chiêu, tôi hỏi em đang làm gì thì em nói em đang học thuộc lòng hai câu thơ mà thầy mới dạy để chiều nầy em gặp cô bạn gái em sẽ đọc cho cô ta nghe. Em cho tôi xem tấm thiệp em làm, có hình trái tim bị nứt ( a broken heart) - và hai câu thơ em chép nắn nót bằng tiếng Việt. Tôi nói, “bây giờ em thực tập đi, đọc cho cô nghe thử xem cô có hiểu không để chiều nay gặp bạn gái đọc cho hay. Em nói " cô bạn gái này gia đình sắp dọn đi tiểu bang khác nên em rất buồn". Lúc đó chưa có email, tex, facebook như bây giờ. Gia đình dọn đi thì khó giữ liên lạc với nhau – chắc vì vậy em này sợ cô bạn gái sẽ “Xa Mặt, Cách Lòng" cho nên em mới chuẩn bị nói những lời từ giã ướt át như thế. Em cầm tấm thiệp đứng lên trao cho tôi mở ra và em đọc với một giọng chậm và buổi,

Người đi, một nửa hồn tôi mất,
Một nửa hồn kia bỗng dại khờ.

Xong em chớp chớp mắt muốn khóc làm tôi cũng cảm động hết sức. Quý vị có thấy không? Đối với em trung học mới 16-17 tuổi này, em đã hiểu được cái phong phú của tiếng Việt – em biết câu tiếng Anh em đã viết

– My heart is broken when you leave -

làm sao diễn tả hết cái tình cảm sâu đậm của em, trích ra trong bài thơ Những Giọt Lệ - thi sĩ Hàn Mặc Tử –

Họ đã xa rồi khôn níu lại,
Lòng thương chưa đã, mến chưa bưa...
Người đi, một nửa hồn tôi mất,
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ.

Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?
Sao bông phượng nở trong màu huyết,
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?

(có từ 15-20 trường trung học HK có môn Việt Ngữ trong chương trình Foreign Languages của trường.)

- Một câu truyện khác - Mới gần đây nhất, khoảng năm ngoái, tôi tham dự một buổi Federal International Job Fair, đại diện cho văn phòng tôi để tìm hiểu về tình hình và nhu cầu ngoại ngữ của các cơ quan khác trong chính phủ liên bang (federal agencies & departments). Tôi thấy một em mang bảng tên Jonathan Tran – tôi hỏi em có tìm được công việc nào thích hợp không. Em buồn bã nhìn tôi nói – Có một cái job đúng như em mơ tưởng – được ra nước ngoài làm việc nghiên cứu về môi trường – đó là ngành học của em – Environmental Studies – khi em đưa resume ra thì họ rất thích vì em đủ khả năng chuyên môn. Rồi họ hỏi em có khả năng ngoại ngữ không – em trả lời là có – em thông thạo tiếng Pháp và Tây Ban Nha. Họ nói họ cần một người biết ngôn ngữ của một xứ Đông Nam Á – Họ nhìn bảng tên em và hỏi em có biết tiếng Việt không? Em nói em hiểu nhưng không nói, đọc và viết được. Họ giải thích là họ đang tuyển người nghiên cứu về môi trường Sông Cửu Long và họ cần nhân viên có thể làm survey với dân địa phương dọc sông Mekong. Em nói với tôi là phải chi em nghe lời cha mẹ tiếp tục học tiếng Việt lúc nhỏ.

- Điều này làm tôi cho nhớ cô con gái của cô bạn tôi ở Cali - cháu học rất giỏi, ra trường Berkeley magna cum laude về ngành báo chí và truyền thống – journalism and broadcasting – cháu được công việc tại một đài TV local. Sau hai năm có thành tích khá, cháu có cơ hội đi interview cho một chức vụ cao hơn tại một đài truyền hinh lớn – CBS – Mẹ cháu nói cháu rất háo hức vì xét thấy đủ kinh nghiệm và khả năng như trong cái job description miêu tả. Trước khi ra khỏi nhà đi đến chỗ phỏng vấn, cháu còn hôn mẹ và nói tối này sẽ đãi mẹ đi ăn mừng job mới. Hai tiếng đồng hồ sau, Mẹ cháu nhận được cái phone của cháu, cháu nghẹn ngào hỏi Mẹ

–" Mẹ, Tại sao hồi đó Mẹ không bắt con học tiếng Việt!?” -

Mẹ cháu ngơ ngác không hiểu chuyện gì cho tới khi cháu về nhà, ngồi bịch xuống và nói với Mẹ là đài truyền hình chọn một cô Á Châu, bằng cấp và kinh nghiệm cũng ngang ngửa nhưng có đặc điểm hơn là cô ta nói được tiếng Hàn rất trôi chảy, còn khi họ hỏi cháu có biết tiếng Việt không thì cháu nói là thông thạo ở mực độ trung bình Tuy là đài truyền hình HK nhưng họ nói mỗi khi có tai biến lớn thì họ muốn có những người có khả năng interview để lấy ý kiến và quan điểm của những người từ nhiều nhóm dân và sắc tộc khác nhau. Họ nói bình thường ai cũng nói được tiếng Anh, nhưng khi có tai biến thì đa số các người lớn vì xúc động nên chỉ trả lời được bằng tiếng mẹ đẻ của họ mà thôi. Và có những người không trả lời khi một người lạ mặt hỏi nhưng sẵn sàng phát biểu khi thấy người phỏng vẫn nói tiếng mẹ đẻ của mình. Thế là vì không biết tiếng Việt mà tương lai sự nghiệp của cô bé phóng viên truyền hình Chritina Lê đang trên đà đi lên bị chận đứng.

- Ai trong chúng ta mà không muốn con cháu và các thế hệ sau duy trì được tiếng Việt. Nhưng khi con cháu đặt vấn đề, “tại sao phải học tiếng Việt?” “tai sao không bỏ thời gian học một ngôn ngữ nào hoặc một bộ môn nào mà có giá trị thực tế ngay?” tôi mong quý vị có đủ dữ kiện và lập trường phân tích cho các em thấy rõ 3 điều:

o Điểm Thứ Nhất: Tiếng Việt phong phú, súc tích và chứa đựng một kho tàng văn hóa; văn chương chữ nghĩa mà khi các em khám phá, đời sống các em sẽ có ý nghĩa thêm rất nhiều. Tiếng Việt là chiếc cầu nối giúp các em nối kết với nguồn gốc gia đình và tạo cho các em một sự tự hào và lòng biết ơn sâu xa. Cá em sẽ có cơ hội trao đổi và chia sẻ với bộ mẹ, ông bà, quyến thuộc những gì em học và em sẽ đủ khả năng hấp thụ những gì mà ông bà cha mẹ cô dì chú bác trao truyền cho các em trong các câu truyện mà lời nói yêu thương chỉ diễn tả đầy đủ súc tích nhất bằng tiếng Việt.

o Điểm Thứ Hai: Thông thạo thêm một ngôn ngữ là một yếu tố để cạnh tranh thi đua và tiến thân trong nền kinh tế toàn cầu. Tiếng Việt là một sinh ngữ gần 100 triệu dân sinh sống không những tai VN mà còn trong nhiều quốc gia khác. Khả năng Việt Ngữ là một chìa khóa mở nhiều cánh cửa nghề nghiệp cho con em chúng ta khi ra đời. Khi biết hai ngôn ngữ, việc học và hấp thụ thêm các ngoại ngữ kế tiếp sẽ dễ dàng hơn rất nhiều và điều nay đã được nghiên cứu và chứng minh rõ ràng.

o Điểm Thứ Ba, học ngoại ngữ làm cho bộ óc con người mở mang hơn và thông minh hơn. Thật vậy, hiện tại có rất nhiều các nghiên cứu về sự phát triển của óc não – họ đã chụp hình theo dõi và chứng mình được là khi một đứa bé bắt đầu hấp thụ hai ngôn ngữ từ nhỏ thì óc nó có sự phát triển nhạy bén hơn các em lớn lên trong gia đình chỉ sinh hoạt qua một ngôn ngữ. Một cuộc nghiên cứu khác cho thấy các em học sinh trung học có điểm SAT cao hơn khi thông thạo một ngoại ngữ mặc dầu trên phương diện khác, các em có sức học tương tự với nhau. Và hiện tại, các nhà khoa học vẫn khuyến khích các bậc cao niên hoc âm nhạc hoặc một ngoại ngữ mới vì điều nầy chống bộ óc bị lão hóa. Các điều nầy nói lên lợi điểm của việc học ngoại ngữ nói chung và Việt Ngữ nói riêng.

- Nói tóm lại, nếu học ngoại ngữ giúp các em thông minh hơn, tạo thêm nhiều cơ hội nghề nghiệp tốt hơn thì tại sao không học Việt Ngữ như một ngoại ngữ? Các em học sinh gốc Việt học Việt Ngữ trong các trường trung học HK sẽ có điểm khá hơn vì các em sẽ được dịp thực tập nghe, nói, đọc, viết, trong gia đình hàng ngày!

Vấn đề cuối cùng mà tôi muốn đặt ra là một khi chúng ta xác định lợi ích của việc các em học sinh Mỹ gốc Việt, con cháu chúng ta khi học tiếng Việt, làm sao để thực hiện việc nầy?

Như đã nói trên, môi trường học Việt Ngữ tại các trường và trung tâm Việt Ngữ là một động lực giúp các gia đình VN khuyến khích con em duy trì tiếng Việt.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhìn xa hơn và làm việc khôn khéo hơn. Việc học có kết quả nhất vẫn là phải đưa môn Việt Ngữ vào dòng chính. Một số các học khu tại các tiểu bang khác đã làm và đã thành công. Tại vùng này, mùa khai trường năm ngoái, tiếng Việt đã được đưa vào Fairfax County Public School District tại Falls Church HS. Thành quả này do nhiều quý vị trong cộng đồng người Việt vùng HTD, VA, MD vận động mà người năng nổ nhất là cô Ngoc Giao.

Là một người luôn luôn hỗ trợ các trường và trung tâm Việt Ngữ – đã lập ra chương trình tu nghiệp sư phạm hàng năm ở CA hội tụ trên 300 giáo viên Việt ngữ về từ nhiều vùng và tiểu bang, là người đem phương pháp dạy Việt Ngữ theo lối sư phạm HK vào các trường Việt Ngữ và là người soạn thảo các bộ sách dạy Việt Ngữ cho các trung tâm và trường, tôi vẫn chủ trương việc đưa Việt Ngữ vào dòng chánh là cách tốt nhất để đem đến kết quả thật sự trong việc học Việt Ngữ.

Quý vị hãy tiếp tục đẩy mạnh Việt Ngữ vào các trường trung học trong vùng mình ở. Tiếng Việt không chỉ cho các học sinh gốc Việt mà cho tất cả học sinh muốn được chuẩn bị vào " the global market or diverse America" – thị trường kinh tế toàn cầu hoặc một quốc gia Hoa Kỳ đa sắc và đa văn hoá - Có một phong trào đã thực hiện ở nhiều tiểu bang là khi học sinh ra trường trung học, nếu chứng minh được là các em thông thạo Anh Ngữ và bất kỳ một ngoại ngữ nào khác, bằng trung học các em sẽ có thêm một dấu ấn Song Ngữ – Seal of Biliteracy – và em được đeo vào một cái mề đay chứng nhận em có khả năng song ngữ. Khi lên đại học, các em được credit cho các trình độ học sơ khởi (beginning level) của ngôn ngữ này và có thể vào các cấp intermediate hoặc advanced level nếu đủ sức.

Quý vị cần vận động để tiếng Việt không những được dạy ở cấp Trung Học mà còn được dạy ở cấp tiểu học. Hiện tại, một số các trường trong các vùng có mức lợi tức cao có các chương trình song ngữ hai chiều – Dual Immersion Language- Học sinh học các môn toán, khoa học, và thể thao bằng một ngoại ngữ và các môn như Văn Chương, Sử, và tập đọc tập viết bằng Tiếng Anh. Các gia đình này ý thức tầm quan trọng của ngoại ngữ. Họ sẵn sàng có mặt tại các buổi họp của Ban Quản Trị Học Khu – (School Board meetings) để phát biểu ý kiến, yêu cầu, chia sẻ, liên kết với các phụ huynh khác cùng đồng quan điểm để vận động cho các chương trình này thành hình. Hiện tại một số các học khu tiểu học vùng HTD/VA/MD có các chương trình song ngữ hai chiều tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Trung Hoa.

Tôi mong trong tương lai gần đây sẽ có chương trình song ngữ -Dual Immersion bằng Tiếng Việt-. Tất cả tuỳ thuộc vào sự quan tâm và nỗ lực của quý vị. Tôi sẵn sàng tư vấn và hổ trợ trong tất cả các phuơng diện chuyên môn như tôi đã từng làm với các học khu ở California, Oregon và Washington State là nơi đã có các chương trình này rồi.

Xin chân thành cảm ơn quý vi đã cho tôi được dip chia sẻ một vấn đề mà rất gần với trái tim tôi - Tôi xin cảm ơn Cô Lê Tống Mộng Hoa và quý vị trong ban Tổ Chức Quảng Đả – và xin kính chúc toàn thể quý vị một buổi tiệc thật là đầm ấm với tình đồng hương và bằng hữu trong dịp đầu Xuân. Xin kính chào.


Source:Vietbao

Tuesday, March 29, 2016

Chuyện tào lao!

alt
Đường Catinat Saigon xưa

Trong thời gian này ở VN đang sôi nổi vì những “chuyện tào lao”. Đó là những thứ chuyện vớ vẩn không có thật và cũng có thể là mấy ông mấy bà rảnh việc ngồi tán gẫu những chuyện trời ơi, thật giả lẫn lộn. Cũng như ở Sài Gòn xưa có thành ngữ rất hay là “chuyện radio Catinat”. Nó bắt nguồn từ những buổi chiều khoảng giờ tan sở, mấy ông công tư chức, nhất là mấy ông văn nghệ sĩ rảnh rỗi ra ngồi ở nhà hàng La Pagode, một quán café lớn nhất Saigon hồi đó nằm giữa ngã tư đường Catinat – Lê Thánh Tôn, hai con đường chính của thành phố.

Quán La Pagode hồi đó của ông chủ Liêm. Quán này theo kiểu mấy nhà hàng bên Paris xưa, thường bày mấy dãy salon ra ngoài hè rộng để khách ngồi tán dóc. Thôi thì đủ thứ chuyện từ thời sự đến chuyện riêng tư, chuyện văn nghệ, chuyện làm ăn, chuyện tình “cô Ba Tí”... chẳng thiếu thứ gì. Nhưng chuyện “nghe đồn” nhiều hơn chuyện có thật. Thế nên thiên hạ nói đó là thứ “radio Catinat”, ai tin thì tin, không tin cũng chẳng chết thằng Tây nào.

Bây giờ đường Catinat đã đổi tên là đường Tự Do, nhà hàng La Pagode cũng mất tích, nhường chỗ cho hãng du lịch. Nhưng những thứ chuyện kiểu radio Catinat vẫn còn nguyên si. Nó còn “vươn lên tầm cao mới”, các quan cũng nói chuyện kiểu radio Catinat hay chuyện tào lao cũng như nhau.

Ở đây tôi chỉ kể với bạn đọc hai chuyện mới toanh đang được dư luận bàn tán xôn xao. Chuyện thứ nhất là chuyện thuộc về “đại sự quốc gia”. Một chi tiết nhỏ thôi nhưng cũng làm nhiều người dân thắc mắc và nghi ngại.

Ai phản động, thế lực thù địch nào đứng sau mấy ông tự ứng cử Đại biểu Quốc Hội?
Câu chuyện bầu cử Đại biểu Quốc Hội (ĐBQH) đang làm xôn xao dư luận tại VN. Theo quyết định của Quốc hội, ngày bầu cử Đại biểu Quốc Hội tại VN năm nay vào Chủ nhật, ngày 22/5/ 2016. Thể thức bỏ phiếu: Từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối. Đến nay đã có hơn 100 người xin tự ứng cử Đại biểu Quốc hội trên cả nước.
Thực tế thì người dân đã quá quen thuộc với tình trạng đi bầu này rồi, hầu hết đều là người bận rộn và không thể biết hết tiểu sử của từng ông ứng cử để lựa chọn lá phiếu của mình.

Chỉ có mấy ông có liên quan tới các “chức sắc” trong cơ quan nhà nước mới hăng hái bàn tán và kén cá chọn canh thôi. Có quá nhiều chuyện phức tạp trong những kỳ “toàn dân đi bầu” theo khẩu hiệu hàng ngày trên khắp các đường phố. Nhưng chưa năm nào có kiểu phát ngôn “sặc mùi thù địch” như năm nay khiến ngay cả những người chẳng để ý gì đến ngày bầu cử cũng phải giật mình. Bởi các ông trong cái gọi là Tiểu Ban An Ninh, Trật Tự, An Toàn Xã Hội của Hội Đồng Bầu Cử Quốc Gia đã “dọa” rằng “một số người có sự ủng hộ của tổ chức phản động trong nước, nước ngoài đứng ra vận động bầu cho họ, thậm chí cung cấp tài chính để vận động”.

Nguy hiểm thật, mấy cái tổ chức phản động ở đâu ra thế? Ở nước ngoài về hay ở trong nước? Người dân lại trở nên lo lắng băn khoăn sợ mình bầu lầm cho những anh đó sẽ bị gán cho cái tội “theo chân bọn phản động” là bị hạch hỏi lôi thôi, có khi bị tù oan như ông Nguyễn Thanh Chấn, ngồi tù 10 năm vì cái tội do người khác làm.
Tôi tường thuật chi tiết hơn về phát ngôn “quái đản” này.

Phát ngôn gây sốc nặng
Ngày 15 tháng 3, Đoàn giám sát công tác bầu cử do phó thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với Ủy Ban Bầu Cử TP. Hà Nội. Tại buổi làm việc này, một thành viên đoàn giám sát, Tiểu Ban An Ninh, Trật Tự, An Toàn Xã Hội nhận định kỳ bầu cử lần này phức tạp hơn, đã hình thành phong trào tự ứng cử.

Thành viên đoàn giám sát này đã thông tin, trong 47 người tự ứng cử tại Hà Nội, một số người có sự ủng hộ của tổ chức phản động trong nước, nước ngoài đứng ra vận động bầu cho họ, thậm chí cung cấp tài chính để vận động. Tuy nhiên, vị này không nêu cụ thể trường hợp nào.

Tức khắc các vị đại biểu tự ứng cử bị “chạm nọc” cứ như bị vu khống ngang xương, chẳng khác nào một đòn hiểm đánh vào uy tín của mình. Người dân chắc chắn không dám bầu cho mình.

Bình luận trước vấn đề này, ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó trưởng Đoàn ĐBQH Thanh Hóa - cho biết: Các kỳ bầu cử ĐBQH trước cũng có nhiều người tự ra ứng cử, nhưng không thấy có thông tin một số trường hợp tự ứng cử được tổ chức phản động đứng đằng sau. Ông Cuông đặt vấn đề: "Sau khi thấy thông tin như trên, tôi rất ngạc nhiên vì đây là vấn đề mới xuất hiện gần đây". Ông Cuông cũng nêu quan điểm, nếu chưa có chứng cứ xác thực mà chỉ là nghi vấn hay tin đồn thì phải xác minh làm rõ ngay.

Nếu chưa đủ căn cứ để khẳng định trường hợp tự ứng cử đó có vi phạm, trong khi hồ sơ ứng cử của họ hợp lệ phải đưa vào hiệp thương theo đúng quy định của pháp luật. Theo ông Cuông, việc thông tin như vậy cũng là để cảnh báo cho dư luận, để cử tri cảnh giác. Tuy nhiên đối với những ứng cử viên chân chính, họ cũng sẽ bất bình bởi thông tin đó cũng gây ảnh hưởng nhất định tới uy tín của họ.

Ông nói, “Nếu thông tin chỉ dừng lại chung chung kiểu một số người tự ứng cử có sự ủng hộ của tổ chức phản động trong nước, nước ngoài mà không nêu cụ thể là ai sẽ làm cho vàng thau lẫn lộn, gây khó cho cử tri và chính những ứng viên khác. Dư luận và cử tri không rõ trong số người tự ra ứng cử ĐBQH ai là chân chính, ai có vấn đề. Việc đó sẽ ảnh hưởng đến kết quả của những người ứng cử nói chung."
Cần phải nói rõ ai là người đã phát ngôn
Theo tôi, một vấn đề then chốt là phải chỉ đích danh người đã đưa thông tin này, ông nào, tên gì, chức vụ, có ý định gì khi thông tin mơ hồ như vậy. Người dân và dư luận đòi hỏi phải đưa danh tính người phát ngôn “kinh khủng” đó ra để anh ta giải thích và chứng minh đích danh ai là kẻ được bọn phản động đứng đằng sau và bọn phản động đó tên gì, ở đâu?

Nếu không chứng minh được thì đây chỉ là thứ báo cáo tào lao hay nói bình dân hơn là “chơi đểu” ngay trong cuộc họp cùa các giới chức cấp cao. Sao không truy hỏi người đã nói ngay lúc đó? Chuyện lớn như thế mà cũng tào lao được thì chỉ thời nay mới có. 
Chuyện thứ hai tôi muốn kể, đó là chuyện về “cải tạo” chung cư ở Sài Gòn.
Ông Thăng đi thị sát chung cư cũ
Lại chuyện ông Bí thư thành ủy Sài Gòn Đinh La Thăng đi thị sát quanh thành phố. Ngày 18/3 vừa qua, ông đã có chuyến thị sát bất ngờ ngay tại chung cư Cô Giang (phường Cô Giang, Quận 1). Chuyến thị sát “chớp nhoáng” nhưng người dân ở đây ngóng đợi rất lâu và hy vọng sẽ có những thay đổi tích cực cho cuộc sống của họ.
alt
Chung cư Cô Giang (quận 1) đã xuống cấp nghiêm trọng nằm trong danh sách cần thay thế của TP Sài Gòn 
Chung cư Cô Giang được xây dựng vào năm 1968 gồm 4 lô với gần 900 gia đình dân sinh sống. Kết quả kiểm định của cơ quan chức năng cho thấy nhiều hạng mục của chung cư này như tường bị bong tróc, nhiều nơi sắt thép lộ ra ngoài, lối đi tối om. Cơ quan chức năng đánh giá chung cư có thể sập, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân. (Theo báo chí ở VN).

Năm 2006, UBND TP Sài Gòn chủ trương đầu tư khu nhà và trung tâm thương mại tại chung cư Cô Giang với quy mô 1.4 ha gồm 30 tầng, 1,092 căn nhà. Trong đó, gần 300 căn phục vụ cho tái định cư tại chỗ. Tổng chi phí bồi thường được phê duyệt hơn 1,500 tỷ đồng ($66 triệu Mỹ kim). Đến năm 2011, mặc dù UBND TP Sài Gòn đã chỉ đạo tháo dỡ khẩn cấp nhưng vẫn chưa thực hiện được vì người dân vẫn còn sống ở chung cư chưa di dời.
Bí thư Thăng yêu cầu trong 5 năm, Quận 1 phải xây mới toàn bộ những chung cư đang trong tình trạng “sập bất cứ lúc nào”. Ông Thăng nói tiếp: “Phải bảo đảm người dân sống trong sự an toàn chứ không phải lo nhà sập. Nhà dân sập thì mấy lãnh đạo cũng sập.”
Có lẽ ông Thăng chỉ đe nẹt cấp dưới thế thôi chứ sự thật thì nhà sập nhưng mấy ông lãnh đạo vẫn không sập đâu. Các ông ấy ở biệt thự lo gì nhà dân sập, quyền lực đầy mình, móc nối đủ loại chằng chéo làm sao mà sập được. Có ngàn lẻ một lý do, ngàn lẻ hai nguyên nhân có thể “đổ vạ” cho cái sự sập chung cư này, “không phải tại tôi”.
Lại chuyện tào lao về cái chung cư
alt
Chung cư Nguyễn Thiện Thuật, nơi tác giả Văn Quang đang sống
Tôi là dân ở chung cư khoảng gần 40 năm nay, cái chung cư cũ nát, xây dựng từ năm 1968 cho những người dân ở khu Bàn Cờ bị cháy nhà, tôi ở trại cải tạo ra, nhà cửa mất sạch, phải đi ở thuê, sau này mua lại căn chung cư này. Đến nay cũng chẳng khác gì cái chung cư Cô Giang mà ngài Bí thư vừa vi hành. Nhiều hạng mục như tường bị bong tróc, đục tí tường để đóng một cây đinh, vữa rơi ra vụn như cát, nhiều nơi sắt thép lộ ra ngoài, thỉnh thoảng ngay tại hành lang một mảng vữa rơi xuống giữa lối đi, may mà chưa có ai chết. Cơ quan chức năng cũng đánh giá chung cư này cũng có thể sập, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân.

Tuần vừa qua có chừng 5-7 cậu thanh niên xin phép vào “khảo sát” nhà cửa của tôi. Các cậu khoét vài cái lỗ, hứng ít vữa vụn hơn cát mang đi. Nhà nào cũng được “khảo sát” như thế. Lúc đó người dân khu tôi ở mới có tin chung cư đã có người mua, dân chung cư sẽ phải di dời đi nơi khác. Thường có hai cách giải quyết cho chủ nhà: Một là là nhận tiền đền bù rồi đi luôn chỗ khác. Hai là ra nơi ở tạm gọi là “khu tái định cư” đợi chung cư mới làm xong sẽ được “bố trí” cho chủ nhà ở lại trên tầng lầu 3 trở lên.

Nghe tin này những người hàng xóm của tôi có vẻ xôn xao nhưng rồi lại bảo nhau cứ yên tâm. Bởi họ thừa biết ở Sài Gòn còn có rất nhiều chung cư như thế mà chẳng có gì thay đổi, dân vẫn cứ “đánh đu với thần chết”, mặc cho mọi sự xảy ra.

Chung cư ma vẫn còn đó
alt
Vẻ hoang lạnh, âm u của chung cư 727 Trần Hưng Đạo

Theo thống kê mới nhất từ Sở Xây Dựng TP Sài Gòn, hiện cả thành phố có 1,244 chung cư thì có 533 chung cư xây dựng trước năm 1975 với trên 50 ngàn căn nhà có người đang sinh sống. Phần lớn những chung cư này đang xuống cấp nghiêm trọng.
alt
Nhiều câu chuyện hoang đường được thêu dệt cho rằng chung cư 727 bị ma ám

Đáng kể nhất là chung cư 727 Trần Hưng Đạo, người dân gọi đó là “chung cư ma”. Hơn chục năm trước đã có lệnh tháo dỡ và cho di dời dân, nhưng nay vẫn còn đó, vẫn còn 13 gia đình dân “bám trụ” vì cho rằng chưa được đền bù thoả đáng. Mỗi ngày, hàng chục con người vẫn đang sống trong "chung cư ma" giữa Sài Gòn dù nó có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Tôi cũng đã từng lên chung cư đó cách đây 5-7 năm, quả là đáng sợ thật. Cầu thang gỗ lung lay, lối đi tối om, rác rến bừa bãi. Con người ở đó ra vào chẳng khác nào chuột ngày. Rất nhiều tin đồn chung cư có ma. Nhưng chỉ có “ma cô,” “ma túy” hoành hành. Trong căn phòng ẩm thấp, tồi tàn, bà Hồ Thị Kim Hồng, 51 tuổi, than thở: “Có ai muốn sống cảnh ai nhìn cũng sợ như thế này đâu, nhưng giờ với số tiền đền bù chỉ 150 triệu đồng thì chúng tôi biết tìm đâu ra căn nhà khác để ở”.

alt
Mái tôn mục nát, tiêu điều ở chung cư 727 Trần Hưng Đạo

Vì thế hầu như người dân trong cả chung cư tôi đang ở vẫn cứ lo lắng. Cứ ngồi tính tiền đền bù không đủ mua một căn nhà tranh cũng không đủ, đi đâu đây? Còn ở tạm cái “khu tái định cư” đợi cái chung cư mới có khi hàng chục năm xây chưa xong. Nơi tái định cư thường là ở những nơi khỉ ho cò gáy hoặc giữa cánh đồng quê làm sao chịu nổi. Kiếm đâu ra việc làm. Cái sự “quy hoạch treo” tức là quy hoạch rồi để đó diễn ra ở khắp nơi trở thành chuyện “bình thường”, dân la làng chẳng ai nghe.

Cái chung cư ma như 727 Trần Hưng Đạo hơn chục năm nay vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, có mỗi cái mà làm không xong, vậy thì các ngài định phá dỡ, xây dựng vài chục cái chung cư mới từ nay đến năm 2020, tức là còn 4 năm nữa. Bạn đọc nghĩ xem có phải là chuyện tào lao không?

Văn Quang

Blog Archive