Wednesday, June 7, 2023

Thoáng nghĩ tháng năm…

Hôm qua, đi làm về ghé chợ chiều thứ sáu, đã đẩy xe chợ còn chưa dứt dòng suy nghĩ về việc ông bạn làm chung trò chuyện trước lúc ra về.

Ông nói với tôi, “Chiều thứ sáu nào anh cũng đi chợ với lý do thứ bảy, chủ nhật anh lười ra khỏi nhà. Vậy trừ năm ngày đi làm, có hỏi anh chuyện gì anh cũng chỉ gật đầu hay lắc đầu, hoặc anh chỉ tay về phía đồ nghề, phụ tùng tôi hỏi. Nay tôi hỏi cũng bằng thừa là hai ngày nghỉ cuối tuần anh có cảm thấy buồn không, sao không ra ngoài, đi chơi với bạn bè một lát? 

Tôi thì chiều thứ sáu nào cũng muốn làm vài lon với anh em cho đỡ buồn cuối tuần, mọi việc để dành cho hai ngày thứ bảy, chủ nhật vì ở nhà một mình không điên cũng dại. Điên là đi lòng vòng cho hết thời gian, nhưng thấy máy giặt, máy sấy, tủ lạnh đại hạ giá rẻ quá nên mua, điên nhất là đi coi xe rồi không cam lòng về không nên vướng vào món nợ lớn mà không cần thiết. Có điên nhỏ hay điên vừa là mua tủ lạnh mới, máy giặt, máy sấy chạy êm ru… nhưng cái cũ còn tốt nên cất thì chật nhà mà cho ai thì họ lại nhờ chở dùm vì không có xe truck, đúng là điên chưa? 

Nhưng điên cũng chưa bằng dại là rảnh quá, đi vòng quanh nhà xem chỗ này, chỗ kia, từ trong ra ngoài thì thể nào chẳng có chỗ không ưng ý nên sửa chữa, dọn dẹp… đúng là dại hết hai ngày cuối tuần, nhiều khi mệt tới thứ hai nghỉ luôn vì đi làm không nổi. Nhưng anh nghĩ coi, cỡ tuổi mình thì còn bao năm nữa, trong khi đời sống Mỹ thì cứ phải đi làm thôi, đã bao người làm ở hãng này đã làm tới chết. Rồi chúng ta cũng vậy, sao anh cứ phải đi chợ chiều thứ sáu mà không đi vui chơi với anh em. Bây giờ chúng ta đâu có nhậu vì nhậu như hồi còn trẻ mới là nhậu, bây giờ đôi khi ba bốn anh em ngồi trò chuyện mấy tiếng đồng hồ nhưng hộp bia mười hai chai uống không hết, thì đâu gọi là nhậu. 

Tôi phục anh ở nhà một mình cả kỳ nghỉ cuối năm, không ra cửa, không ra đường… Tôi thì phải có người nói chuyện, chuyện trên trời dưới đất gì cũng được vì im lặng như anh tôi phát điên…”

Tôi trả lời, “Anh nói lòng vòng hay hơn cả đi lòng vòng vì đi đến kết luận ngắn gọn nhưng chính xác là tôi điên. Tôi biết rõ điều đó hơn ai hết, nhưng tôi chán tỉnh táo…”

“…”

Vô chợ - đi lòng vòng, đôi khi về không cũng không hề hấn gì vì mua hay không mua cũng không thay đổi gì ngày mai, tuần tới, tháng này, năm nay, thời gian còn lại... Nghĩ đến điều ông bạn tôi nói quả không sai, nhiều người đúng là đi làm tới chết. Đời sống Mỹ đúng là đi làm tới chết vì nhiều lý do như người thì không có dư để dành dụm khi còn trẻ nên tay làm hàm nhai tới chết; nhiều người mệnh yểu nên đi sớm vì bệnh tật, không biết cuộc sống nghỉ hưu ra làm sao; nhiều người lại mang nặng tư duy cổ điển là khi chết đi, phải có của cải để lại cho con cháu nên ngày nào còn đi làm được thì cứ làm. 

Trong thâm tâm tôi cũng có phần công nhận là ông bạn tôi đúng, vui đi, đời có bao lâu mà hững hờ… Chỉ tội thân là không còn thấy vui khi túm năm tụm ba nói chuyện trên trời dưới đất như xưa. Có lẽ cuộc đời đã vui buồn đủ khi buồn cũng không làm sao vơi, vui thì cuôc vui nào cũng tàn để mọi người ra về. Và căn nhà nào cũng trống trơn khi con cái đã trưởng thành nên về sớm hay muộn chỉ khác mỗi việc lái xe có mở đèn hay không mở đèn, điều không có gì khác hôm qua và ngày mai cũng vậy là không có ai trông mình về. Khi con còn nhỏ thì trên đường sinh nhai, cha mua được trái banh, đôi giày đá banh vừa tốt vừa rẻ nên trông hết ngày để đem về cho con. Con tan học về cũng mong cha về sớm để ra công viên chơi đá banh tới tối hù. Bây giờ đi hay về thì trước sân nhà cũng có cây sồi già vô cảm như gia chủ, nhìn nhau, nhìn nhau… muốn nói với nhau một điều gì thì sự im lặng là tử tế nhất nên nhìn nhau vô cảm như cây sồi già với ông chủ nhà.

Nghĩ đến bạn tôi, đứa con lớn đi lính nên coi như không có ở nhà, đứa con kế vừa đi học vừa đi làm cũng xa nhà, và em gái của chúng còn trong đại học nên cũng thỉnh thoảng mới về nhà. Anh làm gì cho hết buổi chiều của người không thích đọc nên ngày nào cũng ghé chợ, mua những thứ về nấu món chợt nhớ, nấu hết buổi chiều cuộc đời cũng không hết món đã ăn từ nhỏ nên nhớ ra món nào thì nấu món đó. Có những món chợt nhớ đã bao năm rồi không được ăn vì quên, nhưng nấu lên món nhớ lại bưng cho cả nồi, cả chảo vì ăn sao nổi nỗi nhớ quê, người thân đã ra thiên cổ.

Vợ anh làm neo nên về trễ, không hề yêu cầu anh nấu món gì, dù anh nấu ăn ngon, nhưng chị vốn phụ nữ nên chỉ năn nỉ anh là ăn hết món cũ hãy nấu món mới, nhà còn có hai vợ chồng già, ăn bao nhiêu mà chiều nào cũng nấu. Nhưng tính tình anh, sự về già của anh với suy nghĩ mình còn bao lâu nữa mà phải hà tiện cho cực thân, con cái cũng lớn khôn hết rồi, chả có gì để lo nữa. 

Nhờ vậy, mỗi lần đứa con lớn của anh được về phép thì anh cũng xin nghỉ phép trong hãng để hai cha con bù khú với nhau. Cái thằng con khi còn nhỏ thì quậy tới cha mẹ đứng ngồi không yên với nó. Nhưng lớn rồi, sống đời quân ngũ xa nhà nên suy nghĩ trưởng thành hơn. Nghe anh kể cũng thấy thương người lính trẻ những đêm xa nhà, nhớ người thân, nhớ gia đình, thương cha mẹ đã già nên khi về phép được mấy hôm thì chỉ ở nhà chơi với ba vì khi con nhớ nhà, nhớ gia đình thì ba cũng có một mình ở nhà, nhớ anh em con… 

Nghe anh kể, thấy phước phần hầu như là chuyện có thật khi đứa con lớn chỉ có lương lính mà nói với hai đứa em, “cần gì cho anh Hai hay, đừng nói với ba mẹ…” Nói với cha, “Ba về hưu đi để nghỉ ngơi, con phụ ba chi phí hàng tháng cho ba đỡ mệt. Khuyên mẹ bớt làm vì tụi con đã tự lo được rồi…”

Người ta khi trưởng thành đương nhiên suy nghĩ chín chắn hơn, nhưng độ lượng hơn thì không có tuổi mà tùy người. Cũng không thể bỏ qua môi trường quân ngũ, những người lính luôn đề cao tinh thần trách nhiệm với đồng đội nên đồng đội lâu nhất của họ chính là gia đình, người thân chung một mái nhà. Nên về phép cũng gác lại vui riêng, gặp gỡ bạn bè - còn thời gian trong khi cha già thì không biết được. Nên khi con về phép thì cha cũng xin nghỉ làm vài hôm, hai cha con ở nhà làm món nhậu, chờ chú bác đi làm về là bù khú. Niềm vui đơn giản của anh được nhiều bạn hữu ngưỡng mộ vì ai cũng chỉ mong được như anh khi nhà, xe, việc làm đã không còn làm khó những người đã định cư lâu, thời gian đã khoả lấp những lo toan ban đầu bằng sự yên ổn không bằng ai nhưng yên ổn với bản thân, với gia đình là được.

Khi còn trẻ, tôi có người bạn đi tu, anh ta học bảy năm trời để thành linh mục. Anh ta nói với tôi, “Với người Công giáo, trong nhà có một người đi tu học làm linh mục là vinh dự, niềm hãnh diện của gia đình. Cha mẹ tôi không ép con cái nhưng thầm mong là điều đương nhiên. Tôi quyết định làm linh mục với hơn nửa phần tự chọn tương lai của mình, non nửa phần vì mong cha mẹ tôi được vui như một sự đền đáp của người con…”

Nay ước gì được gặp lại anh ta, gặp linh mục tôi sẽ nói về đời sống Mỹ, “Trong nhà có một người con đi lính, không chỉ tốt cho bản thân người ấy sống có kỷ luật từ đó về sau mà còn tốt cho mọi thành viên trong gia đình về cách sống đơn giản nhưng thực tế của người lính, lối suy nghĩ không ích kỷ vì tinh thần đồng đội của lính rất cao, là nguồn gốc, căn bản hình thành nên nhân cách con người tới suốt đời. Những thành viên trong gia đình không ít thì nhiều đều thay đổi bản thân theo chiều hướng tốt hơn khi suy nghĩ về những thay đổi chín chắn và độ lượng của thành viên đi lính trong gia đình họ…”

Thoáng nghĩ tháng năm về người già ở Mỹ cũng buồn, bởi không phải ai cũng may mắn có được những người bạn đồng điệu để trò chuyện qua ngày khi con cái lớn khôn, có đời sống riêng của họ; không phải ai cũng may mắn có được sức khoẻ tốt để tận hưởng những năm tháng cuối đời; càng khó hơn cho những người tâm bệnh lúc về già, rất cô đơn nhưng lại hết khả năng hội nhập, buồn lẻ loi nhưng không muốn hoà đồng...

Thoáng nghĩ tháng năm với người lính và ngày Chiến sĩ Trận vong đang đến hàng năm. Mùa này hoa poppies nở rộ trên những cánh đồng châu Âu để tưởng nhớ những người lính đã hy sinh trong hai kỳ Thế chiến, những người bất tử dù đã chết từ khi còn rất trẻ. Tháng năm rợp trời hoa poppies tới muôn đời như những người lính trẻ không bao giờ chết…

Thoáng nghĩ tháng năm, ẩn hiện màu hoa phượng chốn quê nhà, dòng ký ức một thời tuổi trẻ miên man, miên man trong sâu thẳm tâm hồn, bên hiên nhà với chiếc xích đu đong đưa bóng nắng, mưa chợt về bong bóng vỡ ngoài sân… tiếng ve sầu bức tử những cung bậc tháng năm ngày nọ để tháng năm lại về trong ký ức mênh mang…

Phan

No comments:

Blog Archive