Phúc Hậu...
Chẳng ai khen một người trẻ phúc hậu vì như thế từ xinh đẹp sẽ bị đào thải trong nhóm từ miêu tả nhan sắc. Người ta khen một cô gái xinh đẹp và khen một bà lão phúc hậu là chuyện tự nhiên như người ta hít thở, nhưng tôi có suy nghĩ không được bình thường như mọi ngưởi nên từ bé tôi đã nghĩ bạn Thùy trong lớp tôi là người phúc hậu. Rất quê mùa người bạn học khi những bạn gái khác đã biết cắt tóc, uốn tóc cho giống tài tử này, nghệ sĩ nọ, diện những bộ quần áo đi học không hợp thời cả nước đói nghèo, toàn trường mụ mị – thì Thùy búi tóc củ hành như bà nội bà ngoại ở nhà, quần đen áo sơ mi chẳng kiểu cọ gì và đôi dép nhựa tái sinh đến lớp mỗi ngày.
Lớp có tôi với Thùy là hai học sinh thường đi học sớm nhưng trái ngược nhau mọi chuyện. Tôi có thói quen dậy sớm từ nhỏ dù tối hôm trước đi ngủ sớm hay muộn thì sáng hôm sau vẫn dậy sớm, có lẽ do hồi nhỏ dậy sớm để đi bắt dế nên quen giấc từ nhỏ; tới lớn lên, tôi thích sương sớm mong manh như giấc mơ đêm qua còn vương lại, thích không gian chưa tỏ mặt người lúc sáng sớm, tôi thích con đường quen bỗng thấy rộng ra vì vắng người nên tôi thường đi học sớm. Nhưng khi chuông vào lớp reo lên thì tôi lại hay lặng lẽ phóng qua cửa sổ lớp học và biến mất vào rừng cây bạch đàn sau trường làng tôi. Tôi thích ngồi lặng yên ngắm nhìn nắng lên, lớp sương mỏng trên nhành cây ngọn cỏ vội tan, không gian chưa tỏ mặt người sẽ rõ mồn một vạn khổ với con đường quen thức giấc, tất bật mọi người lam lũ như nhau, và giấc mơ thăng thiên… Ngược lại Thùy đi học sớm để quét lớp. Bạn ấy vì học giỏi nên được làm phó lớp học tập, chẳng dính líu liên quan đến đoàn đội gì hết. Bạn ấy nhắc nhở và giúp đỡ tất cả bạn học trong lớp hoàn thành những bài tập ở nhà, chuẩn bị những gì cần thiết cho bài học mới. Cái lý do bạn ấy đi học sớm để quét lớp mỗi ngày vì bạn ấy nhắc nhở bất cứ bạn nào trong lớp, ngày mai bạn phải đi học sớm một chút vì tới phiên bạn quét lớp thì tất cả các bạn trong lớp hầu như có câu trả lời giống nhau là tao thức dậy cho đừng trễ học còn không nổi, làm sao đi học sớm được. Cuối cùng là cả lớp bị trách phạt vì rác rưởi trong lớp, bàn ghế không ngay hàng thẳng lối.
Vậy là có những buổi sáng ngoài sân trường còn vắng hoe, ngoài khung cửa sổ lớp học líu lo tiếng chim sâu, chim trảo, trong lớp học còn tờ mờ, tiếng muỗi còn vo ve góc phòng, dưới gầm bàn học; tiếng chổi chà của Thùy quét lớp như tiếng bà ngoại hay bà nội quét lá trên sân ở nhà; tôi kéo cái bàn học này cho ngay ngắn lại, sửa lại cái băng ghế ngồi kia cho đúng vị trí, tạo thành hai dãy bàn học ngay ngắn. Phòng học sạch sẽ, sáng sủa, khang trang nhờ công lao của Thùy, tôi chỉ góp một bàn tay với người bạn tôi quý mến chứ tôi chả thiết tha gì với việc học dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, nên khi bạn học vào lớp đông đủ thì tôi sẽ biến mất vào rừng bạch đàn.
Rồi mấy mùa mưa nắng ở ngôi trường chuồng bò vì mái tranh vách đất, mưa giột đều những giột mưa lên trang vở học trò, bữa tiệc chia tay nghèo nàn cuối cấp diễn ra. Nhiều bạn học từ đó không gặp lại như tôi chỉ nghe tin đám cưới Thùy qua một người bạn học khác khi gặp nhau trên phố. Hai thằng ghé quán cà phê gò mả ở lăng ông Bà Chiểu, tên bạn tôi luyên thuyên chuyện trường xưa bạn cũ một lát thì hắn ngủ ngồi để lấy sức đi làm đêm vì đêm mới có điện để làm việc và đêm mới có việc cho những thằng trốn nghĩa vụ quân sự như bọn tôi sau hoà bình. Tên bạn tôi ngủ ngồi như hoàng đế không ngai, nó ngủ ngon tới cất tiếng ngáy giữa ban ngày ban mặt. Tôi ngồi xem ông Bùi Giáng đang nói tiếng tây, ông cua bà bán gánh trái cây làm vui nhộn quán trưa đến trở thành một kỷ niệm về Sài gòn trong lòng người biệt xứ.
Tôi ngồi cà phê gò mả rất nhiều lần, nhưng lần đó tôi suy nghĩ về Thùy sau mấy năm học chung và cũng đã mấy năm không gặp từ khi ra trường. Không biết cà phê bắp rang thời ấy đã khơi nguồn sáng tạo hay chỉ quá khích tư duy vì sau khi nghe tin Thùy đã lấy chồng, tôi mừng cho bạn tôi vì tôi biết cả người chồng của bạn Thùy là một người bạn đá banh với tôi từ nhỏ. Mừng cho cả hai người bạn hiền lương và tốt bụng vì chồng của Thùy là thằng bạn tử tế nhất trong đám bạn đá banh bởi sau mọi buổi đá banh thì nó đều đem trái banh về nhà nó để chà rửa sình đất rồi phơi nắng cho đừng hư da, nếu bung chỉ khâu thì nó khâu vá lại trái banh để lần sau đá tiếp. Nhưng trong dòng suy nghĩ miên man về bạn cũ hôm ấy, tôi đã chọn Thùy là khuôn mẫu cho người bạn gái chưa có của tôi vì ký ức tuôn trào về những tờ mờ sáng chỉ có tôi với Thùy trong lớp học chưa có ma nào vào. Những lời khuyên nhủ cố gắng học hành của Thùy không giữ chân tôi lại lớp học được, những giúp đỡ thiết thực như bạn đưa tập cho tôi để tôi chép bài cho bạn chứ bạn trốn học hoài, những lời nữ tính thiết tha như tôi có củ khoai luộc trong cặp tôi đó, bạn ăn đi, sáng nay tôi không đói. Câu nhớ đời về Thùy làm sao quên được một sáng tinh mơ, Thùy bảo tôi, “Nè, ba tôi mới cho tôi chút tiền, tôi chia cho để mua đồ ăn sáng, đừng mua thuốc hút đó nha…” Lần đó tôi bật miệng nói tự đáy lòng với Thùy, “con cảm ơn ngoại.” Từ đó bạn bè lấy chuyện tôi với Thùy làm chuyện cười trong lớp, nhưng sao hầu hết mấy thằng con trai đều gọi Thùy là ngoại, tiếng ngoại nghe thật thà, trìu mến đến quên tiếng Thùy là tên bạn ấy. Chúng tôi nói chuyện với nhau rất tự nhiên như “mày đưa bài tập làm văn này của tao cho ngoại dùm tao. Tao đi đá banh.” Thằng bạn bị nhờ cãi cự cũng tự nhiên như tôi gọi Thùy là ngoại, nó tự nhiên nói, nói rất tự nhiên, “Ngoại chửi tao đó. Tao nhận bài dùm mày là tiếp tay cho mày trốn học. Ngoại bị cô chủ nhiệm chửi vì mày nhiều lắm đó, mày biết không?”
Biết thì sao không biết thì sao? Ngoại đi lấy chồng, không biết trong lòng ngoại có còn mấy thằng cháu trai chung lớp, thằng gây phiền toái cho ngoại nhiều nhất cũng là thằng thương mến ngoại nhất. Ngoại tôi không đẹp như tài tử xi nê vì gương mặt quê như củ khoai trong cặp táp, không nổi đình nổi đám như hoa khôi ngoài sân trường, nhưng ấm lòng du tử biết bao nhiêu…
Nhớ phương trời phiêu lãng đã quên, tôi nhủ lòng một hôm nào về nhà, cũng là về quê, tôi sẽ ghé thăm ngoại, chúc phúc cho hai người bạn hiền của thời đi học trường làng, nhưng duyên không đủ để gặp lại họ thì tôi lại đi, và đi; càng đi càng xa nhà đã đành, nhưng đi mãi mới biết càng đi càng xa mình, xa tới nay dường như đã không còn biết mình là ai nữa! Nhưng ngồi nhìn mấy tấm hình của thằng bạn trường làng năm xưa, nó lặn lội từ bên Úc về thăm quê một lần để khấu đầu tạ tội với mồ mả ông bà cha mẹ, nó tập hợp bạn cũ trường xưa gặp lại nhau một lần. Nó gởi cho tôi vài hình ảnh bạn xưa khi nó đã trở về Úc, người bạn đầu tiên tôi nhận ra trong ảnh chính là Thùy, một bà già tóc bạc như mây, hồi trẻ thuộc loại có da có thịt thì về già vẫn thế, đặc biệt gương mặt, nụ cười phúc hậu không thay đổi, thậm chí phúc hậu hơn xưa vì mái tóc bạc như mây quá đẹp lão. Tôi lại bật ra tiếng lòng, “con cảm ơn ngoại”, rồi tôi cười tôi một mình.
Hồi xưa cảm ơn mấy đồng bạc nhỏ Thùy chia cho mà tiếng lòng bật khẩu, “con cảm ơn ngoại”. Ngoại dặn không được mua thuốc hút nên nhịn thèm từ sáng tới tối không mua thuốc lá, tưởng sao tới đi trực trường ban đêm thì lại hùn với mấy thằng bạn… đi mua chai rượu. Rượu đế quốc doanh hồi sau hoà bình đúng là nước mắt quê hương. Mấy thằng nhóc lần đầu uống rượu, uống vô, thằng nào cũng khóc. Khóc mày đi tao ở, biết chừng nào gặp lại! Chuyện vượt biên thời ấy giấu như mèo giấu cứt nhưng uống vài chung nước mắt quê hương thì khóc thương nhau mày đi tao ở như thằng bạn bên Úc nhắc tôi… “mày nhớ không? Bữa đó tao khóc quá trời, tại thương bạn bè quá. Cũng hên là mấy hôm sau, gia đình tao đi thoát chứ bị bắt thì ông già tao lột da tao cái tội uống vài chung… nước mắt quê hương.”
Nhưng nay “con cảm ơn ngoại” khác xưa đã nhiều. Xưa cảm ơn ngoại mấy đồng bạc nhỏ mà tấm lòng chia chung quá lớn. Nay con cảm ơn ngoại củ khoai luộc trong cặp táp năm xưa vì tới giờ con hãy còn no. Cảm ơn trời phật luôn ban cho những kẻ đã đến đường cùng một người tử tế để vực dậy, để đứng lên, để biết ơn, mang ơn thì mới ban ơn được cho người khác.
Ngoại tôi phúc hậu trọn đời. Tôi đi tìm người phúc hậu như ngoại đã bạc cả đầu vẫn chưa đủ duyên để gặp. Âu cũng là số phần như Tiên Điền phán, bắt phong trần phải phong trần/ cho thanh cao mới được phần thanh cao…./.
Phan
No comments:
Post a Comment