Giọt Lệ Biết Làm Sao Ngưng?
Tưởng nhớ hai bạn Phạm Phúc-Hạnh Nguyên
Phạm Phúc & Hạnh Nguyên. Ảnh tác giả gởi.
Đã hai ngày trôi qua, chúng tôi vẫn chưa hết bàng hoàng về cái chết thật thương tâm của hai người bạn thân thiết: Phạm Phúc và Hạnh Nguyên. Đã hai đêm thức trắng khi nhớ đến hình dáng thật hiền lành dễ thương của hai người. Cứ mãi thao thức khi nghĩ đến nỗi mong manh vô thường của kiếp người và sự ra đi vô cùng đột ngột, oan ức của hai người công dân rất bình thường, lương thiện tại một trong những thành phố luôn được xem là biểu tượng của ngành công nghệ cao cấp, giàu có và đáng sống của một nước Mỹ hùng mạnh. Một sự ra đi mà có lẽ chính hai bạn dù bây giờ đang cùng nắm tay nhau trên Thiên Đàng, cũng chưa bao giờ nghĩ đến và cũng sẽ không bao giờ biết được lý do.
Camera thu được hình ảnh của chiếc xe tải màu đen cho thấy tên sát nhân lái xe gây án một cách lạnh lùng, hung hãn. Một hành động của một kẻ cuồng điên, ngáo đá hay kỳ thị thì phải đợi sự điều tra của giới chức có thẩm quyền, nhưng rõ ràng cho đến khi lìa đời hai bạn đã không bao giờ biết được mặt mũi và động cơ của kẻ giết người. Thật đau xót khi hai bạn không phải là những nạn nhân duy nhất của ngày hôm đó.
Bắt đầu từ phía nam thành phố San Jose, nghi phạm đâm trọng thương hai công dân vô tội, cướp xe một người khác rồi bỏ chạy vào trung tâm thành phố, ẩn nấp trong bãi giữ xe của tiệm Walgreen nằm đối diện căn nhà của Phúc Nguyên.
Thảm kịch xảy ra khi thủ phạm lái xe rời nơi trú ẩn. Hắn nhìn thấy Phúc Nguyên đang đứng bên hông nhà. Kẻ cuồng điên lái xe leo qua lề đường tông thẳng vào hai vợ chồng. Vợ chết liền tại chỗ, chồng chết trên đường đi cấp cứu vì những vết thương quá nặng. Kẻ sát nhân sau đó tông một người nữa trên đường số Mười rồi đi về phía bắc, tiến vào thành phố Milpitas. Tại đây kẻ sát nhân giết chết thêm một người trước khi bị cảnh sát bắt giữ. Cuộc thảm sát kéo dài, như một cuốn phim quay chậm, suốt một giờ đồng hồ của một tên giết người tâm thần từng có tiền án hình sự. Hình như không có một cuộc truy đuổi nên kẻ sát nhân cứ thoải mái vừa chạy vừa gây án trong suốt một chặng đường dài từ phía nam lên phía bắc của thành phố San Jose. Giá như nhân viên công lực hành động kịp thời, truy đuổi gắt gao ngay từ đầu thì đã không có ba nạn nhân chết oan uổng như thế.
Đã qua cái tuổi bảy mươi “thất thập cổ lai hy”, chúng tôi đã chứng kiến nhiều cuộc chia ly, biết đến bao cảnh đời vô thường của một kiếp người. Già cả có, trẻ trung có. Vì tai nạn cũng có, vì bệnh tật cũng nhiều. Đã từng cảm nhận bao nỗi đau mất mát những người thân yêu, bạn bè. Nước mắt đã bao lần rơi xuống nhưng có lẽ chưa lần nào trái tim tôi tan nát như lần này. Sinh ly tử biệt vốn là chuyện thường tình của tạo hoá. Có sinh thì có tử. Có chào đời thì không sớm thì muộn cũng có lúc chia xa. Nhưng trước khi rời bỏ thế gian ít nhất ta cũng cần biết được lý do. Cũng ít nhất để lại cho bạn bè, người thân những bài học, những lời cảnh báo. Nhưng với hai bạn tôi thì không. Hai bạn vẫn còn ngơ ngác, vẫn còn bàng hoàng, vẫn còn không tin vào sự thật. Hai bạn vẫn chưa đành lòng ra đi vì còn biết bao nhiêu việc đang còn làm dang dở.
Phúc-Nguyên là một đôi uyên ương trời sinh một cặp. Yêu và một đời nguyện sống chết bên nhau, nhưng chắc chắn không bao giờ hai bạn muốn từ giã cõi đời một cách tức tưởi và vô lý như thế. Còn bao nhiêu điều hai bạn muốn cùng nhau thực hiện. Biết bao việc cần làm cho gia đình, cho bạn bè, cho cộng đồng. Hai vợ chồng vẫn còn muốn nhìn thấy đứa cháu nội duy nhất của mình tốt nghiệp đại học và yên bề gia thất. Còn muốn có những buổi sáng cùng bạn bè bên ly cafe sau vườn. Anh vẫn còn muốn cùng chị mỗi chiều đi bộ quanh xóm, vẫn muốn cùng nhau về thăm lại quê hương. Anh vẫn còn muốn tự tay sắp xếp những chiếc áo, tấm khăn cho chị mỗi khi cùng nhau đi chơi xa. Anh vẫn còn muốn cùng bạn bè tổ chức những đêm ca nhạc…
Căn nhà nhỏ của hai vợ chồng vẫn còn đang sửa chữa ngổn ngang. Tháng bảy hẹn với bạn bè về nam Cali tham dự đại hội trường Phan Chu Trinh toàn thế giới. Họp mặt với bạn bè Vạn Hạnh cuối năm… Anh chị không học cùng trường với chúng tôi nhưng mọi sinh hoạt của niên khoá chúng tôi hay của trường chúng tôi anh chị đều tham dự. Các buổi sinh hoạt của các hội đoàn Quảng Nam-Đà Nẵng, anh chị chưa bao giờ vắng mặt. Lúc nào cũng vậy anh chị luôn bên nhau. Anh với giọng nói ngọt ngào, chị với khuôn mặt hiền lành. Anh không hát nhưng chị thích hát. Chị hát, anh ngồi chăm chú nghe. Và cứ thế như đôi chim ríu rít bên nhau không bao giờ rời xa trên năm mươi năm nay.
Học sinh trung học ở Đà Nẵng thời chúng tôi, không ai không biết đến cuộc tình của Phúc- Nguyên. Thành phố nhỏ xíu như lỗ mũi, các trường học nằm kế cận nhau, chuyện gì xảy ra hầu như ai cũng biết. Đã có biết bao cuộc tình của tuổi học trò mới lớn, nhưng có lẽ cuộc tình của Phúc Nguyên là được biết đến nhiều nhất vì sự bền bỉ thuỷ chung và những chông gai của thuở ban đầu. Anh chị gặp nhau và yêu nhau từ những năm học đệ tứ, đệ tam. Một mối tình thật đẹp, lãng mạn nhưng không kém phần mãnh liệt. Chúng tôi thường ví cuộc tình của hai bạn mình giống như hai nhân vật chính trong phim Romeo và Juliet vì sự giống nhau ở những bước đầu khó khăn và những trở ngại dường như khó thể vượt qua. Chị là con đầu của một gia đình nứt tiếng giàu có, anh thì đẹp trai hiền lành, đàng hoàng tử tế, nhưng gia đình không ngang tầng ngang lớp bằng gia đình chị.
Vào cái thời mà môn đăng hộ đối vẫn còn trong tâm tưởng của phần đông các gia đình Việt Nam, vào cái thời mà rể kỹ sư, bác sĩ luôn là niềm mong ước của các bậc làm cha làm mẹ, lại thêm hai người yêu nhau ở cái tuổi cơm còn chưa lo, mặc còn chưa tới thì chuyện cấm cản là điều đương nhiên từ cả hai phía. Hết khuyên răn đến la mắng, doạ nạt, gia đình dùng mọi cách chia cách cuộc tình. Nhưng càng cấm cản, càng trở ngại, hai bạn càng cương quyết đến gần nhau hơn. Có những lần chị bỏ nhà ra đi, bị tìm gặp đem về rồi lại ra đi. Cuối cùng, thương con gia đình đành chấp thuận cho hai bạn ở cùng nhau. Thế là khác với cái kết bi thảm trong phim, chuyện tình hai bạn tôi kết thúc có hậu, một “happy ending”. Và giống như lời chúc phúc của tất cả bạn bè chúng tôi, Phúc-Nguyên đã sống suốt một đời bên nhau thật êm ấm, hạnh phúc.
Một cuộc tình thật đẹp và bền bỉ nhất tôi từng gặp. Anh dịu dàng hiền lành chu đáo, chị một đời chỉ biết thuận theo ý chồng. Chưa bao giờ hai bạn gây gổ và to tiếng với nhau, và chưa bao giờ xa nhau ngoại trừ một thời gian sau ngày mất nuớc. Nguyên cùng con trai theo gia đình ba má qua Paris theo diện công dân Pháp, rồi vài năm sau đó Phúc mới qua đoàn tụ với vợ con. Ở Pháp hai bạn có nhà hàng, có cuộc sống ổn định nhưng sinh hoạt trầm lắng ít người Việt Nam.
Thèm không khí quê nhà, nhớ bạn bè, năm 1996, Phúc-Nguyên cùng gia đình qua Mỹ định cư. Hai bạn về sinh sống tại San Jose, mở nhà hàng mang tên Quảng Đà ở trung tâm thành phố. Nhà hàng Quảng Đà nổi tiếng với món mì quảng và những món ăn hương vị miền Trung quê nhà và cũng là nơi gặp gỡ của các văn nghệ sĩ, báo chí. Anh không hát không đàn, nhưng cái tính mê văn nghệ nằm sâu trong máu. Anh quen biết và giao thiệp rộng rãi với giới làm văn nghệ báo chí. Các show văn nghệ tại San Jose đều được phổ biến và bán vé tại nhà hàng. Muốn biết hằng tuần đi xem ca nhạc ở đâu chỉ cần đến nhà hàng Quảng Đà. Các bích chương quảng cáo được dán kín đến nỗi nhiều khi có những tuần phải sắp hàng đợi đến khi có chỗ trống. Cùng với mẹ, chị phụ trách nấu nướng, anh quản lý, giao tiếp rồi trở thành bầu sô lúc nào không hay. Một bầu sô thật hiền lành, dịu dàng tình cảm, đàng hoàng và làm việc hết lòng nên rất được các ca nhạc sĩ yêu mến. Cùng với nhạc sĩ Lê Huy, ban nhạc Phượng Hoàng, anh đã tổ chức không biết bao nhiêu là chương trình văn nghê tại hai miền Nam, Bắc Cali và cả Việt Nam.
Nhà hàng Quảng Đà còn là nơi tổ chức các chương trình thính phòng bỏ túi. Nói đến các sinh hoạt văn nghệ tại Bắc Cali, không ai không biết đến Phúc Quảng Đà. Và nói đến Phúc-Nguyên, bạn bè thân thiết chúng tôi, không ai không biết đến căn nhà nhỏ nhưng ấm cúng trên đường số 16. Sau khi sang lại nhà hàng Quảng Đà, chúng tôi thường gặp nhau tại đó. Có lần tôi hỏi sao lại sang tiệm khi vẫn còn đang đắt khách, anh bảo: Mình và Nguyên cũng lớn tuổi rồi, tiền thì cũng ham lắm, nhưng thôi mình thấy đủ là đủ. Nếu cứ bám vào chuyện tiền bạc, nhà hàng thì biết bao giờ buông ra được. “Để Nguyên có thời gian cho bạn bè, cho gia đình”. Phúc là thế, làm chuyện gì cũng nhắc đến Nguyên. Và Nguyên cũng vậy mỗi lần nhắc đến chồng, nhờ chồng chuyện gì cũng Phúc. Phúc ơi… Không honey, hon niếc gì cả mà giọng nghe sao ngọt như mía lùi. Căn nhà nhỏ trở thành nơi họp mặt của bạn bè mỗi cuối tuần. Mỗi sáng anh cùng những người hàng xóm thân thiết ngồi uống cafe nói chuyện đời, chuyện văn nghệ và chuyện thời sự.
Từ khi nghỉ hưu hai bạn đã sống một cuộc đời an nhàn như thế. Không bon chen, không vội vã. Cuộc sống êm ả như bản tính vốn ngọt ngào và hiền lành của hai người. Tôi học cùng khoá với Phúc-Nguyên nhưng ở hai trường khác nhau. Hai bạn học Phan Thanh Giản, tôi học Phan Châu Trinh. Hai trường nằm kế cận nhau trên cùng một con đường. Chúng tôi biết nhau nhưng không thân, chỉ đến lúc qua San Jose, chúng tôi gặp lại và thân thiết hơn vì cùng một niềm đam mê ca hát. Có quá nhiều kỷ niệm cùng nhau. Không một lần họp mặt nào của nhóm chúng tôi lại thiếu vắng hai người. Hội ngộ trường lớp, hội đoàn, liên trường QNDN, Phúc-Nguyên luôn có mặt. Nhóm nhỏ hay lớn đều xuất hiện bên nhau như đôi chim. Mỗi lần gặp gỡ nhóm, anh với hai chai rượu đỏ, chị với khay hến xúc trộn bánh tráng đã trở nên quá quen thuộc với chúng tôi. Anh dịu dàng ân cần, quán xuyến hết mọi chuyện từ trong nhà ra ngõ, chị hiền lành ít nói chỉ biết làm theo anh. Nhiều khi chúng tôi hay nói lén với nhau, Phúc mà đi trước không biết Nguyên làm sao sống. Ngược lại Nguyên chết trước chắc Phúc cũng không sống nổi đâu.
Đâu có ai ngờ lời nói chơi trong bạn bè lại như một định mệnh quyện vào cuộc đời Phúc-Nguyên như thế. Hôm nghe tin hai bạn qua đời, dù rất bàng hoàng đau đớn, chúng tôi tự an ủi nhau là anh chị cuối cùng đã được sống và cùng chết như ý nguyện của mình. Sinh không cùng năm thì chết được cùng ngày cùng tháng, cũng là hạnh phúc. Nhưng dù nghĩ như thế, chúng tôi thật sự không thể đành lòng với một kết thúc bất ngờ, bi thảm và vô lý như thế của hai người bạn thân thiết của mình. Đã mấy đêm không ngủ được, ngồi một mình trong góc sân sau nhà vắng lặng tôi cứ suy nghĩ mãi về hai bạn mình. Những kỷ niệm cũ cứ lần lượt hiện về. Anh vẫn còn nợ tôi một đêm nhạc cuối năm, một chương trình ra mắt sách “Tôi, đứa con người tù cải tạo”... Còn nhiều, nhiều lắm. Vậy mà chỉ trong một khoảnh khắc, vì một thằng khùng thằng điên không quen không biết, mọi mộng ước đều vỡ tan.
Tôi cứ mãi băn khoăn: ai là người chịu trách nhiệm cho những cái chết của những người dân bình thường, lương thiện không một tấc sắt để tự vệ như hai người bạn Phúc-Nguyên của tôi. Cứ mãi suy nghĩ, và nếu như kẻ sát nhân điên cuồng vừa qua, thay vì dùng dao mà trang bị súng ống thì trong một giờ nghênh ngang gây án sẽ có bao nhiêu thương vong? Chắc chắn sẽ không dừng lại ở con số ba chết và ba trọng thương. Các vị dân cử có chương trình, hành động gì để ngăn chặn những tội ác tương tự xảy ra trong tương lai hay cũng chỉ là những lời nói suông “sorry and so sad” chia buồn vô nghĩa.
Chưa bao giờ tôi thấy một nước Mỹ, một Cali nhiều bất an như thế và cũng chưa bao giờ tôi cảm thấy sự mong manh, vô thường của cuộc đời đến gần với chúng tôi như thế.
– Lê Xuân Mỹ
(San Jose, tháng 6 năm 2023)
No comments:
Post a Comment