Người đầu bếp già
Tất cả những chuyện ngắn của Pauxtovsky đều mang vẻ đẹp tự nhiên, bình dị, sâu lắng.
Một buổi tối mùa đông năm 1786, trong ngôi nhà gỗ nhỏ ở ngoại ô thành Viên, người đầu bếp cũ của bá tước Tun- một ông lão mù- đang hấp hối.
Nói cho đúng, đó cũng chẳng phải là nhà, mà chỉ là một chiếc lều tranh rách rưới ở sâu trong vườn. Khu vườn ngập những cành mục bị gió đánh gẫy. Những cành cây kêu răng rắc dưới mỗi bước đi và con chó được xích trong chuồng bắt đầu gầm gừ khe khẽ. Nó cũng như chủ nó, đang hấp hối vì tuổi già và giờ đây không còn sủa được nữa.
Người đầu bếp bị hỏng mắt vì hơi nóng của bếp lò từ mấy năm về trước. Viên quản lý của bá tước cho ông lão ở trong túp lều tranh và thỉnh thoảng cho ông vài flôrinh.
Ông lão ở với con là Maria, một cô gái mười tám tuổi. Đồ đạc trong lều vẻn vẹn có một cái giường, mấy chiếc ghế khập khiễng, một cái bàn thô, một số đồ sứ đã rạn nứt và một chiếc dương cầm kiểu cổ- của cải độc nhất của Maria.
Chiếc dương cầm đã cũ lắm, cũ đến nỗi mỗi khi có những tiếng động vang lên ở chung quanh những dây đàn lại rung lên rất lâu và khẽ. Không ai có thể bước vào nhà mà không được cây đàn đón tiếp bằng một âm thanh run rẩy và già yếu.
Khi Maria đã làm xong việc rửa mình cho người cha hấp hối, mặc chiếc áo trắng và lạnh giá vào cho ông, ông lão bảo cô: Cha không thể mời cha xứ đến rửa tội, nhưng trước khi chết cha muốn cho lương tâm mình được trong sạch.
Vậy phải làm thế nào, thưa cha? – Maria lo lắng hỏi.
Ông lão nói: Con hãy ra đường và mời người đầu tiên mà con gặp vào nhà để rửa tội cho một người đang hấp hối. Không ai nỡ từ chối con đâu.
Phố thì vắng tanh… – Maria lẩm bẩm, với lấy khăn choàng lên đầu và bước ra.
Nàng chạy qua khu vườn, khó nhọc mở hai cánh cổng sắt rỉ set. Phố vắng. Gió lùa lá rụng chạy trên mặt đường và từ trên bầu trời đen tối những hạt mưa rơi lạnh lẽo.
Maria đợi rất lâu và nghe ngóng. Cuối cùng nàng thấy một người đi dọc theo hàng rào, vừa đi vừa hát. Nàng tiến lên mấy bước, va phải anh ta và kêu lên. Người đàn ông dừng lại hỏi: Ai vậy?
Maria nắm tay người đàn ông và nàng run rẩy nói lại lời yêu cầu của cha mình.
Được rồi, – người đàn ông bình thản nói. – Tôi không phải thầy tu, nhưng không sao, ta đi thôi.
Hai người bước vào nhà. Dưới ánh sáng của ngọn nến Maria nhìn thấy một người gầy gò bé nhỏ. Chàng vứt chiếc áo mưa rơi xuống ghế. Người lạ mặt ăn vận sang trọng và giản dị – ánh nến lấp lánh trên chiếc camidon màu đen, trên những khuy pha lê và chiếc cổ áo thêu ren.
Người lạ mặt còn trẻ lắm. Chàng lắc đầu như đứa con nít, sửa lại bộ tóc giả rắc phấn, nhanh nhẹn đẩy chiếc ghế đẩu lại bên giường rồi ngồi xuống, đầu hơi cúi, chăm chú và vui vẻ nhìn vào mặt người hấp hối.
Xin cụ cứ nói! – Chàng bảo. – Rất có thể, với quyền lực không phải do trời, mà do nghệ thuật mà tôi phụng sự, tôi sẽ làm cho những phút cuối cùng của cụ được thanh thản và cất đi gánh nặng đè lên tâm hồn cụ.
Tôi suốt đời làm việc cho tới mù hai con mắt. – Ông lão lẩm bẩm và nắm tay người lạ mặt kéo lại gần mình hơn. – Và ai làm việc, người đó không có thì giờ để phạm tội. Khi vợ tôi bị lao- vợ tôi tên gọi Mácta- thầy thuốc cho nàng một đơn gồm nhiều thứ thuốc đắt tiền, buộc phải cho nàng ăn kem sữa và quả vả khô, uống rượu vang đỏ hâm nóng, vì vậy tôi đã ăn cắp trong bộ đồ ăn của bá tước Tun một chiếc đĩa vàng nhỏ, đập vụn ra rồi mang bán. Tôi rất khổ tâm phải nghĩ đến việc này bây giờ, và cũng khổ tâm khi phải giấu con gái tôi: tôi đã dạy nó không đụng đến một hạt bụi trên bàn người khác.
Vậy chứ có ai trong những người hầu bá tước phu nhân vạ lây vụ đó không ? – Người lạ mặt hỏi.
Thưa ngài, tôi xin thề rằng không có ai khổ vì chuyện đó. – Ông lão trả lời và khóc. – Nếu tôi biết rằng vàng cũng chẳng cứu được Mácta thì tôi cũng đã chẳng lấy trộm!
Người lạ mặt hỏi: Tên cụ là gì?
Jôhan Mâye, thưa ngài.
Vậy thì thưa cụ Jôhan Mâye! – Người lạ mặt nói, và đặt tay lên đôi mắt mù của ông lão. – Trước mọi người cụ không có tội. Việc cụ đã làm chẳng phải là tội lỗi, cũng chẳng phải là ăn trộm, ngược lại, có thể coi nó như một chiến công của tình yêu.
Amen! – Ông lão nói khẽ.
Amen! – Người lạ mặt nhắc lại. – Còn bây giờ, cụ hãy nói cho tôi biết ước nguyện cuối cùng của cụ.
Tôi muốn có người sẽ chăm sóc Maria.
Tôi sẽ làm việc ấy. Cụ còn muốn gì nữa không?
Người hấp hối bỗng mỉm cười và nói: Tôi muốn được nhìn thấy Mácta một lần nữa, thấy cả buổi đầu gặp gỡ khi tôi còn trẻ. Tôi muốn nhìn thấy mặt trời và khu vườn cũ này khi nó nở hoa vào mùa xuân. Nhưng cái đó không thể nào có được, thưa ngài. Xin ngài hãy đừng bực mình vì những lời lẽ ngu xuẩn đó. Bệnh tật đã làm cho tôi không còn sáng suốt.
Được. – Người lạ mặt nói và đứng dậy. – Được, – chàng nhắc lại, đến gần chiếc dương cầm và ngồi xuống chiếc ghế đẩu kê trước đàn. – Được, – chàng nói lớn lần thứ ba và bất thần một âm thanh lanh lảnh vang dội khắp lều như thể có hàng trăm viên pha lê rơi xuống sàn. – Cụ hãy nghe đây, – người lạ mặt nói. – Cụ hãy nghe và hãy nhìn đi.
Chàng bắt đầu chơi đàn, Maria về sau nhớ lại khuôn mặt của người khách lạ khi phím đàn đầu tiên rung lên dưới tay chàng. Một màu sắc ky` lạ phủ lên trán chàng và trong đôi mắt chợt tối đi của chàng có một ngọn nến lung lay.
Lần đầu tiên sau nhiều năm chiếc dương cầm ca hết giọng. Tiếng đàn tràn ngập không riêng gian lều mà cả khu vườn. Con chó già bò ra khỏi chuồng, đầu ngả về một bên, nó chăm chú nghe, vẫy đuôi khe khẽ. Tuyết bắt đầu rơi, nhưng con chó chỉ ve vẩy đôi tai.
Tôi thấy rồi, thưa ngài. – Ông lão nói và gắng gượng ngồi dậy- Tôi thấy ngày tôi gặp Mácta và nàng, vì xúc động đã đánh vỡ bình sữa. Lúc ấy vào mùa đông, và Mácta cười. Nàng cười, – ông lão nhắc lại, chú ý nghe theo những tiếng róc rách của cung đàn.
Người lạ mặt tiếp tục chơi, mắt nhìn vào khung cửa sổ tối.
Còn bây giờ, – chàng hỏi, – cụ có nhìn thấy gì không?
Ông lão im lặng nghe ngóng.
Chẳng lẽ cụ không nhìn thấy ư? – Người lạ mặt nói nhanh và tiếp tục đàn. – Đêm đen bỗng thành màu lam nhạt, rồi lại thành màu da trời và ánh sáng ấm áp đã từ một nơi nào trên cao kia chiếu xuống. Trên những cành khô của cây cối trong vườn, những bông hoa trắng đang nở. Tôi cho đó là hoa táo mặc dù từ trong nhà này nhìn ra chúng giống hoa tuylip hơn. Cụ thấy không: tia nắng đầu tiên đã rơi xuống bức tường đá, sưởi ấm cho nó và từ đó hơi nước đang bốc lên. Chắc đó là do đám rêu ẩm ướt đang khô dần. Còn trời thì cứ cao lên mãi, xanh thêm mãi, đẹp thêm mãi và từng đàn chim đang bay trên thành Viên cổ kính của chúng ta về phương Bắc.
Tôi trông thấy tất cả những cái đó. – Ông lão kêu lên.
Bàn đạp rít lên khe khẽ và chiếc dương cầm cất cao giọng một cách trịnh trọng như thể không phải chỉ riêng mình nó mà là tiếng hát của hàng trăm giọng vui mừng.
Không, thưa ngài, – Maria nói với người lạ mặt, – hoa đó không hề giống tuylip. Đó là những cây táo cùng nở rộ vào một đêm.
Vâng, – Người lạ mặt trả lời – Đó là hoa táo nhưng chúng có những cánh lớn.
Mở cửa sổ ra, Maria! – Ông lão nói to.
Maria mở cửa sổ. Một luồng không khí lạnh ùa vào phòng. Người lạ mặt chơi rất khẽ và rất chậm. Ông lão ngã xuống gối, thở dốc, đôi tay quờ quạng trên tấm chăn. Maria chạy vội lại. Người lạ mặt ngừng chơi đàn. Chàng ngồi lặng người trước chiếc dương cầm như bị mê đi bởi âm nhạc của chính mình.
Maria kêu lên. Người lạ mặt đứng dậy và bước đến bên giường bệnh. Ông lão vừa thở hổn hển vừa nói: Tôi đã trông thấy tất cả, rất rõ như trong những năm xưa. Nhưng tôi không muốn chết mà không được biết… tên… tên Ngài…
Tôi là Wolfgang Amadeus Mozart l – Người lạ mặt trả lời.
Maria lùi lại và cúi xuống, đầu gối gần sát đất, trước nhạc sĩ vĩ đại. Khi nàng đứng dậy thì ông lão đã qua đời. Bình minh cháy đỏ ngoài cửa sổ và trong ánh sáng ban mai, khu vườn đã phủ đầy hoa tuyết.
Từ tuổi thơ tôi đã cảm nhận được cái đẹp của tình người khi đọc “Người đầu bếp già”, ” Bình minh mưa”, ” Lẵng quả thông”, “Tuyết”, ” Bông hồng vàng”…Tất cả những chuyện ngắn của Pauxtovsky đều mang vẻ đẹp tự nhiên, bình dị, sâu lắng. Vẻ đẹp đó là hành trang theo tôi suốt cuộc đời …
Tác giả: Paustovsky
Kim Ân dịch
No comments:
Post a Comment