Du ngoạn Lào, hãy tới Luang Prabang, nơi chưa bị con người tàn phá nhiều
Trần Nguyên Thắng/ATNT Tours & Travel
LUANG PRABANG, Lào (NV) – Vào cuối thế kỷ 19, vết chân của đế quốc Pháp bắt đầu len lỏi vào Indochine (liên bang Đông Dương), họ chia Indochine này ra năm xứ riêng biệt để dễ bề cai trị. Lào (Laos) là một trong năm xứ kể trên.
Hình ảnh đoạn sông Mekong và sông Ou phía Bắc Luang Prabang. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Từ đó có lẽ người Việt mới bắt đầu chú ý nhiều đến đất nước được mệnh danh là “xứ Triệu Voi” này. Lúc này thủ đô của Lào đã chuyển về Vientiane (Vạn Tượng), còn Luang Prabang, một thành phố ươm đầy nét văn hóa của dân tộc Lào, trở thành cố đô từ năm 1560. Ngày nay, cố đô Luang Prabang được UNESCO công nhận là một di sản văn hóa thế giới vào năm 1995.
Lào là một đất nước duy nhất trong vùng Đông Nam Á không có biên giới với biển. Phía Bắc giáp với Trung Hoa, phía Đông giáp với Việt Nam, phía Tây giáp với Miến Điện và Thái Lan, phía Nam giáp với Cambodia.
Không có biển nên người Lào xem sông Mekong là con sông Mẹ, hình thành một đời sống và văn hóa núi rừng xen lẫn với đức tin của nhánh Phật Giáo Tiểu Thừa đến từ Miến Điện-Thái Lan. Hoàn cảnh địa lý khiến họ có những nét văn hóa và kiến trúc hơi khác biệt so với các dân tộc láng giềng Miến-Thái-Cambodia.
Vị trí Luang Prabang nằm gần ngay giữa trung tâm của vùng thượng Lào, bên cạnh dòng chảy của con sông Mekong. Đây là con sông phát xuất từ cao nguyên Tây Tạng chảy đổ về hướng Đông của cao nguyên, đến vùng Thanh Hải-Tứ Xuyên thì dòng sông bị bẻ ngoặc xuôi chảy về phía Nam đổi tên thành Lan Thương Giang, sông vượt qua biên giới Miến-Lào thì được người Lào gọi là sông Mẹ (Mekong). Điều này cho thấy dân tộc Lào âu yếm thương yêu dòng sông này biết dường nào. Có những đoạn sông Mekong được chính phủ Thái-Lào dùng làm phân chia làm biên giới hai xứ. Mekong chảy xuống Nam, qua Cambodia và tạo thành một Biển Hồ nước ngọt thiên nhiên Tonlesap rất lớn trước khi quẹo ngoặt qua Việt Nam chia làm hai nhánh Tiền Giang-Hậu Giang.
Hãy nói về đoạn sông Mekong chảy xuyên qua xứ Lào! Nằm về phía thượng lưu và cách cố đô Luang Prabang khoảng hai giờ thuyền máy là hang động Pak Ou một thắng cảnh nổi tiếng của Lào. Tuy đi thưởng ngoạn một thắng cảnh, nhưng ngồi trên thuyền ngắm dòng sông Mẹ mà tâm tư tôi như khựng lại với con sông Mekong! Có những cảm giác nôn nao rất lạ khi nghĩ về con sông dài chảy suốt từ phương Bắc về nơi mình sinh ra lớn lên mà day dứt cả tâm tư. Những cồn cát hai bên bờ sông, những tảng đá ngầm cho người du khách thấy được sự hiểm trở của Mekong. Hai bên bờ là cánh đồng núi đồi xanh rì với những con trâu đứng bình yên nhai cỏ, thêm vào đó là hình ảnh những đứa bé tắm truồng hồn nhiên bên sông khiến du khách nhớ về một thuở học trò!
Hang động Pak Ou bên sông Mekong, nơi cất giữ các tượng Phật của dân tộc Lào. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Hang động Pak Ou có nghĩa là hang động bên “Cửa sông Ou.” Đây là một thắng cảnh hang động bên sông Mekong. Tuy không lớn lắm, nhưng hang động lại có nhiều ý nghĩa với dân tộc Lào. Người dân Lào vốn dĩ có niềm tin vào Phật Giáo Tiểu Thừa, một nhánh Phật Giáo nguyên thủy truyền sang từ Miến-Thái. Đặc biệt, dân tộc Lào tin thờ biểu tượng “Phật đứng” hơn là các biểu tượng khác như “Phật ngồi” hay “Phật nằm.”
Du ngoạn Lào, đi đến đâu du khách cũng dễ gặp tượng “Phật đứng hai tay xuôi thẳng xuống đất” vì vị thế này biểu tượng cho sự cầu xin mưa. Một biểu tượng khác “Phật đứng và hai tay đưa lên 90 độ, lòng bàn tay đưa ra như cản đối tượng lại,” tôi cảm tưởng Đức Phật như muốn khuyên bảo chúng sinh điều gì trong đời sống “không nên gần quá” và cũng “không nên xa quá,” mình biết chỗ giới hạn của đời sống giữa sinh hoạt nhân thế.
Người Lào tôn kính Đức Phật nên cho dù các bức tượng Phật hư hỏng gãy bể, họ cũng không dám vất đi hay hủy bỏ mà họ đã đưa về hang động Pak Ou để thờ kính. Ngoài ra, trong quá khứ lịch sử mỗi khi có chiến tranh xảy ra giữa Trung Hoa-Lào-Miến và Thái thường thì một trong những chiến phẩm mà các nước này tranh giành nhau là các tượng Phật, nhất là các tượng Phật bằng ngọc bích. Vì thế, hang động Pak Ou của nước Lào là nơi tốt nhất cất giữ các tượng Phật để không bị địch quân lấy đi.
Hang động Pak Ou nằm gần với ngã ba sông Ou và Mekong nên vị thế khá đẹp với không gian sông và núi. Hang động chia làm hai tầng cao, tầng thượng Pak Ou và tầng Hạ Pak Ou. Tầng Hạ không cao lắm, chỉ độ 40-50 mét cao, thông thường du khách ghé đến đây cúng Phật và thưởng ngoạn cảnh sông Mekong. Nếu đôi chân bạn còn cứng cáp thì bạn hãy đọc câu kinh “đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại ‘độ cao của’ núi e sông.” Vượt qua được sự khó khăn này, bạn sẽ đến tầng Thượng Pak Ou đảnh lễ Phật và ngắm nhìn diện mạo con sông Mekong dưới chân.
Các vị tu sĩ Lào đi khất thực vào buổi sáng. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Nhưng đến Luang Prabang mà bạn quên tham dự một buổi “cúng dường bố thí” thì thật là một sự thiếu sót. Cúng dường bố thí và khất thực là điểm văn hóa riêng biệt của Phật Giáo Tiểu Thừa tại các xứ Miến-Thái-Lào. Cúng dường bố thí không có nghĩa là “cho” và khất thực không có nghĩa là “xin.” Cả hai điều này đều vô nghĩa nếu “cúng dường” và “khất thực” không có sự hạnh nguyện của chính những người đang thực hiện hành động này. Hai hạnh nguyện “cúng dường” và “khất thực” hợp nhất thì mới đầy đủ ý nghĩa của hạnh nguyện của những ai mang tâm thân tự nguyện.
Nếu du khách muốn có duyên chứng kiến bữa thọ trai của các tu sĩ Phật Giáo thì bạn nên đến Miến Điện. Viếng thăm các tu viện Miến vào buổi trưa, bạn sẽ có dịp chứng kiến hình ảnh các tăng chúng túa ra từ khắp mọi ngõ ngách trong tu viện đi đến phòng thọ trai để dùng bữa trưa. Nhưng nếu bạn muốn tham dự một buổi khất thực của các nhà sư và bạn là người tham dự phát tâm cúng dường bố thí, bạn hãy đến Luang Prabang.
Trên các con đường phố chính của Luang Prabang mỗi buổi sáng từ 6 giờ đến 6 giờ 30 phút là giờ các vị sư và tu sinh bắt đầu đi khất thực, mỗi vị đều đem theo một bình bát có nắp đậy. Ra khỏi cửa chùa, tăng chúng xếp thành hàng một và khởi hành đi dọc theo các lề đường. Mọi người phát hạnh nguyện cúng dường thường thì tụ tập nơi đây trước 6 giờ sáng.
Bạn có thể đã đặt mua các món cúng dường theo ý. Người ta lo đầy đủ cho bạn như trải một chiếc chiếu, đặt các món cúng dường (thường là một giỏ xôi và một mâm bánh trái) lên chiếu và đưa cho bạn một dải khăn dài. Dải khăn này bạn sẽ vắt chéo qua vai bạn theo tập tục của người Lào. Mỗi lần tăng chúng đi qua, bạn có thể quỳ hay đứng (tùy bạn), nhưng bạn sẽ đưa “món cúng dường” lên trán và có một lời hạnh nguyện nào đó trong tâm. Sau giây phút đó, bạn sẽ bỏ phần cúng dường vào bình bát của tăng sinh.
Laos National Museum với kiến trúc chùa của dân tộc Lào. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Bạn cúng dường bất cứ gì, các vị tăng sinh đều nhận cả. Có lần tôi gặp các vị sư Thái Lan đến thăm viếng Luang Prabang, buổi sáng các vị sư Thái Lan cũng đến đây làm hạnh nguyện cúng dường như bao nhiêu người khác, sư Thái “cho” và sư Lào “nhận,” một hình ảnh thật nhẹ nhàng cho người chứng kiến. Người ta có thể phân biệt các nhà sư Miến, Thái hay Lào dễ dàng qua các màu áo tu. Tu sĩ Miến Điện áo màu đỏ thẫm, các vị sư Thái Lan áo màu vàng sắc đất trong khi vị sư Lào có màu áo đỏ cam. Hình ảnh hai tu sĩ, một áo vàng sắc đất phát tâm cúng dường cho một tu sĩ áo màu đỏ cam cho tôi một hình ảnh vô cùng thích thú giữa không gian chùa chiền xen lẫn với đời sống thế nhân.
Luang Prabang còn cho du khách có dịp thưởng ngoạn về “kiến trúc chùa” Lào. Thí dụ như chùa Xieng Thong cổ kính được xây dựng bên cạnh dòng sông Nam Khan-Mekong. Đây là ngôi chùa quan trọng nhất của Luang Prabang, kiến trúc chùa Xieng Thong được xem như là một kiến trúc tiêu biểu cho chùa Lào. Các lớp mái cong nằm chồng lên nhau nhưng tạo ra một không gian trống giữa hai lớp nhằm tránh không khí khô hay ẩm bên trong chùa, đồng thời tạo ra một sự thoáng mát bên trong chánh điện . Đây chính là điểm riêng biệt trong kiến trúc chùa Lào. Chùa Xieng Thong chia ra ba điện thờ lớn nhỏ khác nhau. Có điện thờ “Phật đứng,” có điện thờ “Phật nằm” và “Phật ngồi” được thờ trong ngôi chánh điện.
Còn nói về thắng cảnh thiên nhiên thì phải nói đến thác nước Kuang Si Fall, cách Luang Prabang khoảng 29 km về phía Nam. Đây là một ngọn ngọn thác tuy nhỏ so với nhiều ngọn thác trên thế giới, nhưng tôi cho là một ngọn thác rất đẹp. Thác nằm giữa rừng cây thiên nhiên, được cấu tạo thành nhiều lớp chồng chất lên nhau, tạo ra nhiều ngọn thác cao có, thấp có. Những điểm này tạo cho Kuang Si một không gian rất ấm cúng, dễ thương và thơ mộng.
Chính nhờ thế mà thác Kuang Si cho tôi liên tưởng đến hồ Plitvice nổi tiếng thế giới bên Croatia Âu Châu (Hồ Plitvice Lake có đến 16 hồ có độ cao khác nhau). Nước hồ Kuang Si cũng xanh biếc màu cẩm thạch, nhưng đặc biệt là có khu vực xa chân thác một đoạn có chỗ dành cho du khách có thể xuống tắm, ngâm mình dưới thác thưởng thức dòng nước mát của Kuang Si. Khu vực thác Kuang Si được chính quyền Luang Prabang giữ gìn sạch sẽ, một điểm du ngoạn thiên nhiên rất đáng đến.
Thác nước Kuang Si Waterfall đẹp nổi tiếng của ngoại ô Luang Prabang. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Luang Prabang vẫn còn những điểm mà tôi chưa nói đến như lên đỉnh đồi Phousi Hill ngắm cảnh bình minh hay hoàng hôn. Thăm chợ đêm hay thưởng thức những bữa ăn tối tại các quán ăn Âu Châu trên khu phố chính, hay bạn ăn thử bữa cơm Lam ống tre của Lào. Người ta so sánh Luang Prabang của Lào và phố cổ Hội An của Việt Nam như là hai chị em. Có điều “cô em” vẫn còn nhỏ và tôi cho là “dễ thương” hơn “cô chị Hội An.”
Bạn hãy đến du ngoạn Luang Prabang, thành phố cho bạn cảm nhận thêm được những nét “hồn nhiên” dịu dàng của một xứ chưa bị bàn tay của con người tàn phá nhiều.
No comments:
Post a Comment