Wednesday, June 7, 2023

ĐỌC THỦY TINH TAN VỠ CỦA TÔN NỮ THU DUNG

Thời chinh chiến mặc dù tôi đã là một quân nhân không còn là thư sinh áo trắng nữa nhưng thói quen mơ mộng của thời học trò không thay đổi. Trong ba lô mỗi lần hành quân thế nào tôi cũng lận theo vài ba quyển Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc loại bông tím để mỗi lúc dừng quân ven con suối hay gốc cây nào đó lấy ra đọc. Tôi thích những câu chuyện tình hay những bài thơ nhẹ nhàng đậm chất mộng mơ trong lứa tuổi học trò. 

Một trong những tác giả của những câu truyện là Tôn Nữ Thu Dung. Tôi biết Tôn Nữ Thu Dung từ đó. Biết nhưng không quen vì tôi là lính sống cùng rừng rú trong khi Tôn Nữ Thu Dung đang sống ở thành phố rất xa. Cho mãi sau này khi đã qua tuổi xuân lâu thật lâu chúng tôi mới gặp nhau trên Facebook. Tuy chưa đủ cơ duyên gặp mặt nhưng hai anh em chúng tôi trở thành thân nhau vì đi chung trên chiếc cầu thơ văn và cũng vì cùng là dân của thành phố biển Nha Trang. Văn Tôn Nữ Thu Dung mà tôi mến mộ hơn 50 năm về trước cho mãi đến bây giờ vẫn êm ả như mặt nước hồ cho dù chừng ấy năm giòng đời không hề êm ả sau khi mảnh đất miền Nam rơi vào tay của những người thắng trận miền Bắc.

Số phận tuổi trẻ của chúng tôi là số phận của những thanh niên sanh nhằm cuộc chiến. Nam hay nữ không là ngoại lệ. Tôn Nữ Thu Dung là một trong số đó. Cô sinh viên đang chạm cửa giảng đường đại học đầy phơi phới tương lai đành gác lại để tập tễnh bước vào đời bằng chiếc cuốc cầm tay với những ngày lao động ở những nông trường và những vùng đất khô cằn mà bom đạn của chiến tranh vẫn còn. Cho dù trong muôn vàn khốn khó như thế nhưng câu thơ của Herman Hesse " dù đau đớn quằn quại tôi vẫn yêu thiết tha trần gian điên dại này " vẫn theo nhân vật Diệp của Tôn Nữ Thu Dung trong Thủy Tinh Tan Vỡ. 

Đó cũng là câu thơ mà tôi chép trong quyển nhật ký hành quân cách đây gần 50 của thời còn trẻ. Năm 75 sau khi thua trận phải đun số phần vào trong các trại lao cải, câu thơ của Herrman Hesse vẫn theo tôi trong mỗi khi tuyệt vọng. Nay gặp lại trong Thủy Tinh Tan vỡ của Tôn Nữ Thu Dung khiến cho tôi xúc động vì đồng bệnh tương lân. Tôi liền đọc một lèo bản thảo do Tôn Nữ gửi. Sau đó tôi tắt computer rồi đi đâu đó để cho hồn mình lắng đọng. Mãi hai ngày sau tôi ngồi đọc lại. Lần này thì đọc từ từ chậm rãi từng chương một.

Thủy Tinh Tan Vỡ số phần của cô sinh viên tên Diệp sau năm 75 bị cuốn theo lịch sử bi thương của đất nước. Một gia đình êm ấm trong phút chốc đổ nhào giữa tiếng reo vang của những kẻ thắng trận. Người cha cột trụ trong gia đình bị tập trung lên rừng khổ sai để rồi chết âm thầm bỏ lại gia đình cùng những trách nhiệm chưa tròn. Từ một cô sinh viên ăn chưa no lo chưa tới Diệp bị cuốn hút vào khát vọng tự do và phải đánh đổi muôn vàn khốn khổ trong những lần vượt biên và tổ chức vượt biên. Càng khốn khó cô sinh viên Diệp càng ngẫng cao càng cứng cõi.

Tôi chưa hề là một nhà văn cũng chưa hề là một nhà thơ, tôi chỉ là độc giả của Tôn Nữ Thu Dung của 50 năm trước và bây giờ vẫn thế. Do đó những gì tôi viết xuống đây không phải là những lời phê bình văn học mà là những gì tôi cảm nhận được của một người đọc dành cho một tác phẩm.

Tác phẩm Thuỷ Tinh Tan Vỡ được viết từ ký ức mà ký ức là nhiên liệu trong khi cuộc đời là những chiếc xe. Những chiếc xe chạy cần nhiên liệu. Thủy Tinh Tan Vỡ là nhiên liệu đổ vào bình chiếc xe chuyên chở cuộc đời. Những chiếc xe chạy trong những cơn bão cuồng nộ của lịch sử. Chạy trong vùng kinh khủng và đau buồn. Đó là " anh Quang chết trong một trận lũ khi bơi thuyền qua sông cứu mấy đứa học trò ". Đó là " được gọi đến Bệnh Viện Tỉnh để ký giấy mang ba về nhà chôn cất". Đó là "Cao lăn xuống đồi trước khi tôi nghe tiếng súng hay gần như tôi không hề nghe tiếng súng ".

Để đau buồn dành cho người còn lại. Cám ơn người còn ở lại đã đi qua hết cuộc đời và cảm ơn cuộc đời đã vì Diệp mà đau buồn. Trong một đất nước khi lịch sử đã chọn kẻ ác làm người chiến thắng, biết bao biến cố tang thương dồn dập đổ ập xuống khiến những người bị trị chỉ muốn trở thành vô tri cho nên Diệp rất may mắn khi vẫn còn cảm xúc để được đau buồn. Nhờ những đau buồn đó mà trong văn học Việt Nam mới có Thủy Tinh Tan Vỡ để cùng hồi niệm.

Trong chương ba khi cô sinh viên Diệp vào thăm nuôi cha ở trại lao động khổ sai tác giả tả lại hình ảnh người cha của mình như sau .... 

Ông quay lưng đi, anh Thiện cúi xuống lượm chiếc rựa ông quên nhặt … Bóng hai người dềnh dàng đi trong chiều âm u … những sợi nắng quái rơi rớt trên từng đám cây rừng đe dọa một đêm mưa tầm tả … Ước chi ba tôi quay lại một lần, nhưng ông không hề quay lại… tôi ngồi xuống, khóc nức nở”

Tôi không thể tưởng tượng nỗi là ba tôi đã ra đi, vĩnh viễn ra đi… Không một tin tức nào cho đến khi tôi được gọi đến Bệnh Viện Tỉnh để ký giấy mang ba về nhà chôn cất .... “

Tôn Nữ Thu Dung đã khơi động lại trong tôi những hình ảnh mà tôi đã từng trải qua, cứ những tưởng thời gian lâu quá rồi đã làm cho nhạt nhoà. Hình ảnh ba của Diệp dềnh dàng đi trong chiều âm u của trại lao động khổ sai cũng chính là hình ảnh của tôi trong những năm tháng đó.

Nên tôi hiểu được tâm trạng của người thua trận. Chỉ những muốn chết đi để khỏi di luỵ đến gia đình cùng những người thân yêu nhưng lại không đủ can đảm. Cái chết không đáng sợ bằng sợ cái chết nên đành phải chấp nhận tù tội chia ly và đau cắt. Sau 75 tôi cũng từng đi ở tù sáu năm và trong khoảng thời gian đó đứa con đầu lòng của tôi sanh năm 75 bị mất khi lên bốn tuổi. Con tôi mất không có tôi bên cạnh cũng như ba của Diệp mất không có ai bên cạnh.

Nên tôi hiểu được cái cảm giác mà Diệp tưởng rằng chai cứng. Thật ra đó là những vết sẹo không bao giờ lành da chỉ cần một cơn chuyển gió trở trời là vết sẹo đó lại nưng mũ.

Thuỷ Tinh Tan Vỡ cũng ghi lại mối tình của hai kẻ cứng đầu giữa Diệp và Cao. Nếu như đất nước không có cái ngày 30/04 oan nghiệt thì đây là một mối tình có hậu. Nhưng bởi vì đất nước có cái ngày đó nên hai anh chị thay vì hẹn hò nhau thơ mộng lại mỗi lần gặp nhau là toàn bàn chuyện vượt biển tìm tự do. Tuy thế bản chất nhân bản của những người được lớn lên phía Nam vẫn không tránh khỏi nên hai anh chị cũng có những giờ phút đắm chìm trong lãng mạn.

…. ” Giữa những công việc bận rộn của Cao, anh thường tìm đến tôi như một chốn nghỉ ngơi êm ả nhất… những buổi tối ngồi trên xích đu dưới giàn Huỳnh Anh chờ trăng lên bên kia cư xá nghe thoảng hương Dạ Lý từ khu vườn bên cạnh… Đêm thơm như một dòng sữa… đêm yên tĩnh lạ lùng như những đêm xưa…

Tôi thấy thơ phảng phất trong khung cảnh này. Được biết Thuỷ Tinh Tan Vỡ được in chung một số thơ cùng tác giả do đó không lấy gì làm ngạc nhiên khi bắt gặp ở đâu đó trong những đoạn văn có thơ

Đêm rơi vỡ những vì sao mê hoặc
Hứng trên tay buốt lạnh hạt sương buồn
Người cũng thế... chia cùng tôi ngọt đắng
Bên kia bờ còn đau đáu vết thương
(Ký Ức Tháng Tư /TNTD)

Thủy Tinh Tan Vỡ gồm 19 chương. Mỗi chương là mỗi đoạn khúc tự sinh tồn của lớp tuổi thanh niên miền Nam cuối thập niên 70 sau khi quân lính Bắc phương dùng vũ lưc chiếm đóng thành công. Tác giả đã kết thúc những đoạn khúc đó ở chương thứ 19 đầy bi thương sau khi chuyến đi cuối của Cao lại thêm một lần thất bại và đánh đổi bằng sinh mạng của mình.

Nhưng không còn một nguy hiểm nào đe dọa tôi được nữa… Tôi đã chia chung với anh những giờ hạnh phúc và tôi phải chịu chung cùng anh cả những phút nguy nan… Tôi không để ý đến hai chân không vấp vào những cạnh đá xanh rướm máu, Tôi không còn sức để chạy nên lết đến bên anh, một tên du kích quay lại khóa chặt tay tôi.

Trong cuộc sống của mỗi một chúng ta, ngoài tình yêu nam nữ ra còn có nhiều thứ tình bao dung hơn mà nếu chữ tình đó đem thả xuống dòng nước thì sẽ bị nước cuốn trôi đi. Nếu khắc trên trời xanh thì một ngày nào đó sẽ có những chòm mây bay ngang qua che khuất. Nếu khắc lên hy vọng thì sẽ bị chông gai gập ghềnh trong cuộc sống cản ngăn trắc trở. Chỉ có khắc lên trái tim thì chữ tình kia mới sẽ cùng ta vĩnh cửu. Tôi tin rằng trong trái tim của Diệp hình bóng người con trai tên Cao đã hằn chung cùng với những tháng ngày chia hoạn nạn. Hai người đó vừa là bạn, vừa là anh em, vừa là tri kỷ, vừa là tri âm và cũng vừa là được hiện hữu để dành cho nhau hai trái tim cùng chung nhịp đập.

Và tôi suốt đời chẳng lẽ
Làm con ốc nhỏ chơi rong
Mà ôm trong lòng tiếng sóng
Ôm trong lòng cả đại dương…
(Tự Tình Với Biển /TNTD)

Hy vọng là một viên thần dược mà trên căn bản nó không hề tồn tại, nhưng điều thần kỳ là mọi người đều tin vào nó. Tôi cũng tin vào nó. Bạn biết sao không? Tại vì mọi người đều muốn có một khát khao mảnh liệt tin vào một điều gì cho dù không thay đổi được lịch sử nhưng ít nhất ra không để kẻ ác lợi dụng sự sai lầm của lịch sử thay đổi mình. Tôi tin Tôn Nữ Thu Dung cũng như tôi tin vào viên thần dược diệu kỳ kia cho dù không tồn tại. Bởi có niềm tin nên Thuỷ Tinh Tan Vỡ đã ra đời. Tôi cũng tin rằng lớp thế hệ sau cuộc chiến hiểu được những điều mà tác giả gửi trong tác phẩm vì đó là sự thật trong một giai đoạn lịch sử. Lịch sử có thể sai nhưng sự thật không ai có quyền che đậy. Bởi đó là khát vọng.

Và cuối cùng tôi xin dùng một đoạn văn và một đoạn thơ của chính tác giả để nói về Thuỷ Tinh Tan Vỡ mà Tôn Nữ Thu Dung cô nhà văn nhà thơ chung thành phố biển Nha Trang đã ưu ái dành cho tôi đọc khi còn trong bản thảo.

Tôi vuột khỏi tay Sư bà, chạy vội theo anh, tôi sẽ ngã vào tay anh, tôi sẽ úp mặt vào ngực anh thơm mùi khói thuốc, tôi sẽ nói: Cao ơi, cho Diệp theo anh, cho Diệp đi với mà anh

Khi không thể chia cùng nhau khổ nạn
Thắp cho người ngọn nến cháy rưng rưng
Từng giọt nến rơi vào đêm tan nát
Mái hiên khuya- gió tạt...buốt căn phần
(Vọng Âm Buồn /TNTD)

New Orleans tháng 5/2019

Quan Dương

No comments:

Blog Archive