New Orleans Yêu Dấu
The old man had gone out to the sea for 84 days without catching a fish...(Ernest Hemingway – Ngư Ông và Biển Cả)
Tôi đến Mỹ năm 1975. 3 năm đầu, tôi cư ngụ ở thành phố Kansas City Missouri, vì người bảo trợ Mỹ của tôi ở đây. Năm 78, sau hai năm trời đèn sách ở Donnelly College ở Kansas City Kansas, thấy ở thành phố này buồn quá, tôi quyết định di cư lần thứ hai. Nhưng đi đâu? Đa số người Việt Nam thời đó thường đi qua Cali. Nghe nói dân bên đó chỉ lo ăn chơi thôi chứ chẳng ai lo làm việc gì cả vì tiền chính phủ rất dễ xin, cho rất nhiều, lại còn cho thêm nhà cửa ở miễn phí. Hơn thế nữa, nhờ đó, tiệm cà phê, tiệm phở đầy dẫy, báo biếu để đầy đường, tha hồ mà đọc. Nghe nói còn có cả những chốn chơi bời, những sòng bạc ăn thua bạc chục ngàn nữa. Mỗi cuối tuần đều có ca nhạc nhảy đầm và thỉnh thoảng cũng có… oánh lộn tùm lum. Đủ thứ, giống y như ở Việt Nam mình ngày xưa vậy. Toàn là những thứ mà tôi rất thèm, rất... sở trường của tôi ngày xưa.
Nghe thấy lôi cuốn hấp dẫn lắm, nhưng tôi bây giờ không còn là một tôi của ngày xưa nữa. Tâm hồn tôi đã chết, trái tim tôi đã bỏ lại bên kia bờ biển Thái Bình Dương. Giống như nhiều người Việt Nam tị nạn lúc ấy, tôi đã bị mặc cảm nặng nề bởi cuộc thua trận nhục nhã của quân đội mình. Linh hồn tôi bây giờ là một linh hồn rướm máu, rực lửa đau đớn, rực lửa căm thù, tràn đầy tủi nhục. Tôi cảm thấy mình có tội với tổ quốc, có tội với anh em bạn bè đã bị bỏ lại ở Việt Nam. Tôi chẳng anh hùng hay ngon lành hay yêu nước gì hơn ai. Tôi chỉ là một con người, dù rất tầm thường với đủ mọi thứ tật xấu của một thằng đàn ông trên cõi đời này, nhưng tôi không phải là một con vật để có thể dễ dàng quên quê hương đất nước, quên anh em bạn bè, quên những ngày sống mái với quân thù, tuy gian khổ nhưng rất oai hùng.
Quan trọng hơn cả, tôi vốn xuất thân là một thằng con nhà nghèo. Từ thuở nhỏ, tôi đã theo thân phụ ra rẩy cuốc đất trồng cây, đã quen dầm mưa dãi nắng, chịu cực khổ, thức khuya dậy sớm và làm lụng như trâu như bò chứ không bao giờ thích nằm phè… chim trên giường, ăn của bố thí của chính phủ hay của bất kỳ ai. Tôi không muốn ở những chỗ đó. Nó sẽ làm cho con người mình hèn đi. Tôi có thể chịu được nhiều thứ trên cõi đời này, nhưng không bao giờ chịu hèn được.
Nhưng đi chỗ nào có nhiều đồng bào Việt Nam mình, có phở để ăn, có quán cà phê để lâu lâu vô làm vài ly lai rai với bạn bè như Cali đây. Nhìn tới nhìn lui, tôi thấy chỉ có New Orleans hoặc Houston là lý tưởng nhất. Tôi thích New Orleans hơn.
Trước hết, đồng bào mình ở đây khá đông, đa số dân đánh cá. Quan trọng hơn cả, nghe nói đi đánh cá ở New Orleans kiếm tiền dễ lắm. Mới sau có 3 năm, đã có nhiều người Việt Nam trở thành triệu phú rồi…
Dĩ nhiên, đây chỉ là những lời đồn đãi, tôi chưa hề nhìn thấy. Nhưng tôi là một con người vốn ngây thơ, nhẹ dạ và dễ tin, nghe thiên hạ đồn như thế nào thì mình tin như thế ấy. Suốt đời tôi khổ bởi cái ngây thơ và dễ tin của mình.
Thế là, một buổi sáng mùa hè, tôi một mình một chiếc xe van hiệu Ford cũ mèm, chất hết đồ đạc phía sau, lái về New Orleans với 2 ngàn đô la dành dụm được từ suốt 2 năm trong túi, tự nhủ với lòng mình và quyết tâm sẽ thành một triệu phú sau vài năm. Hoặc sau chục năm cũng được, miễn là sẽ trở thành triệu phú.
Tại sao không nhỉ? Mộng mơ thì ai cũng có quyền mộng mơ, vả lại, tuổi còn trẻ, với hai bàn chân gang thép, cộng thêm một linh hồn vũ bão, không bao giờ biết sợ khổ hay sợ cực, tôi có quyền mộng mơ. Sợ gì ai mà không mộng mơ nhỉ? Nếu được thì tốt, còn không được thì có sao đâu, có mất mát gì đâu. Không thành công thì thành... cái con khỉ gì cũng được, tôi đếch cần, miễn là mình phải thử.
Con đường từ Kansas City Missouri đến New Orleans, Louisiana dài 900 dặm, tôi lái hai ngày một đêm. Vừa lái vừa... cầu nguyện. Không phải cầu nguyện để thành triệu phú cho sớm, mà cầu nguyện cho xe đừng hư dọc đường.
Thành phố New Orleans lúc ấy, nói về phương diện và sinh hoạt của người Việt Nam tị nạn, là một thành phố sầm uất, sống động, vui tươi như một cành hoa mới nở. Tôi ngạc nhiên thích thú khi nhìn thấy những tiệm phở, quán nhậu, tiệm chạp phô Việt Nam luôn luôn chật cứng khách hàng, dù người Việt Nam mình mới qua Mỹ chỉ có 3 năm. Mỗi cuối tuần, ở một cái nhà hàng tên gọi là “Saigon Kitchen” có mở ball, vé vô cửa 5 đồng một người. Ball có ban nhạc đầy đủ, tuy tên tuổi không ai biết, nhưng hát nghe cũng được và toàn là những bản nhạc hay nhất thời đó.
Thành phố New Orleans bị chia đôi bởi giòng sông Mississipi nổi tiếng thế giới, một bên gọi là Westbank, bên kia gọi là Eastbank. Đa số dân đánh cá Việt Nam dồn hết ở bên Eastbank, sống theo từng làng, mỗi làng một khu, nhà cửa khang trang ngon lành, với những nhà thờ, chợ búa, tiệm tùng vân vân. Hồi đó gái thiếu trai thừa, ai muốn lấy vợ thì chỉ cần chịu khó … đi nhà thờ, trước sau gì rồi cũng ẳm về nhà được một mụ vợ, đẹp xấu không phải là chuyện quan trọng đối với những thằng lính lở thầy lở thợ như anh em chúng tôi. Có điều, lấy em về rồi thì tối ngày em bắt … đọc kinh chết mẹ. Tôi chẳng ham.
Nhờ những móc nối trước khi đi, tôi mướn được một căn phòng nhỏ với một gia đình Việt Nam bên Westbank, giá 35 đồng một tháng. Phòng trống trơn, không có giường, cũng chẳng có gì cả, ngoại trừ ... cái mùi ẩm mốc vì căn phòng quá cũ. Chuyện nhỏ. Chuyện lớn là, tôi phải trở thành… triệu phú.
“Muốn ăn phải lăn vào bếp” là một câu tục ngữ của Việt Nam mà tôi đã áp dụng rất tận tình khi mới xuống đây. Từ sáng sớm cho đến tôi mịt, tôi lái xe qua khu Eastbank, mất khoảng 45 phút, cà kê dê ngổng và học hỏi và làm quen với những người đánh cá ở đây, mục đích để tìm mua một chiếc tàu nhỏ và học thêm cách... đánh cá của dân ở đây.
Cũng cần phải nói thêm, ở đây cũng có nhiều lính Việt Nam mình ngày xưa, đặc biệt lính nhảy dù, và dĩ nhiên, phải có lính Không Quân. Có một tay phi công trẻ tuổi đẹp giai con nhà giàu, hào hoa phong nhã vô cùng tên là Nguyễn Lập Đông, mở quán cà phê gọi là “Cà Phê Đôn”, bày biện đơn sơ nhưng trang nhã và thanh lịch đúng điệu Không Quân. Nhưng trang nhã thanh lịch chỉ được vào buổi sáng, buổi trưa, dân nhậu ùa vào, từ từ biến cái quán thành một chỗ ồn ào náo nhiệt, văng tục chửi bới om xòm, chẳng thua gì cái chợ cá ngày xưa. Lâu lâu cũng có… oánh lộn tùm lum, vui đáo để.
Cùng một tần số gặp nhau cho nên dễ sinh chuyện... nhậu nhẹt. Nhiều hôm tôi nhậu xỉn, không dám lái xe về và cũng không muốn ngủ nhà ai, tôi phải ngủ trong xe. Sáng sớm, tay chân và mặt mày đỏ ừng lên vì bị muỗi cắn.
Sau 3 tuần lễ tìm kiếm, tôi được giới thiệu một người có chiếc ghe đánh tôm muốn bán...
Người chủ ghe, dưới cặp mắt nhìn của tôi lúc ấy còn trẻ, có thể gọi là một ông già. Nghe nói ông sống độc thân, có chiếc ghe đánh tôm muốn bán vì nghe thiên hạ xúi, muốn giải nghệ để đi ăn tiền chính phủ sướng hơn, đỡ cực hơn. Đủ thứ tiếng đồn về ông như ngày xưa ông bỏ làng đi lính cho Tây rồi lưu lạc giang hồ mấy chục năm, rồi lại trở về trước khi mất nước nên mới đi được. Cũng có tiếng đồn ông ngày xưa ở Việt Nam đánh cướp tàu để đi Mỹ. Toàn là những thứ tin đồn, chẳng biết hư thực ra sao, nhưng chuyện này thì tôi biết rõ. Ai gặp ông cũng vái một cái kèm theo một lời hỏi thăm, chứng tỏ ông là một người được thiên hạ kính nể, chứ không phải phường đá cá lăn dưa.
Chúng tôi gặp nhau ở ngoài một tiệm chạp phô.
Ông khá lớn tuổi, nhưng vẫn còn tráng kiện với những bắp thịt, chẳng khác gì những người đánh cá mà tôi gặp hằng ngày. Tôi để ý một điều là ông ít nói, chỉ hút thuốc lá liên tục. Cổ ông có đeo một cái tràng hạt như nhiều người Công giáo thời đó.
Tôi xin ông cho tôi đi với ông ra khơi đánh tôm thử một chuyến trước khi nói chuyện giá cả. Không hiểu tại sao, nghe như thế thì ông chủ tàu nhìn tôi từ đầu tới chân một phát rồi nhăn mặt lại, nhưng cũng gật đầu đồng ý cho tôi đi. Mãi sau này, sau chuyến tàu đi thử, tôi mới hiểu được cái nhìn và cái nhăn mặt của ông ta...
Chúng tôi hẹn ngày giờ gặp nhau ở bến Empire, nơi tàu đậu cách thành phố khoảng gần hai tiếng đồng hồ lái xe.
Xin nói thêm ở đây là tàu đánh tôm nhỏ hơn tàu đánh cá nhiều, nhỏ hơn và rẻ hơn cả chục lần, nhưng nếu chịu khó, cũng kiếm tiền được dễ dàng. “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá” là một câu mà tôi vẫn luôn luôn tâm niệm hàng ngày lúc ấy.
Ngày hẹn, tôi đến, tưởng đã sớm nhưng ông đã có mặt còn sớm hơn cả tôi, ngồi hút thuốc lá, tư lự nhìn ra biển cả. Tôi vốn đã không thích nói nhiều, nhưng ông còn ít nói hơn. Vì thế, sau cái bắt tay đơn giản, chúng tôi phóng lên chiếc ghe của ông...
Lòng tôi tràn đầy hy vọng. Như thế là ngày đầu tiên để trở thành triệu phú của tôi bắt đầu từ hôm nay đây.
Nhưng cuộc đời thường có những cái bất ngờ mà không một ai trong chúng ta có thể đoán trước được…
Chiều hôm đó, tôi trở về căn phòng trọ, quần áo nặng mùi hôi thúi và dơ dáy tả tơi, mặt mày hốc hác, tay chân bầm tím trầy trụa nhiều chỗ, bước không muốn nổi, đi đứng nghiêng ngả như một thằng say rượu, thở không ra hơi…
Bà chủ nhà vừa nhìn thấy tôi bước vào đã vội đưa tay lên ... bịt mũi, quát to lên:
-Chú làm gì mà mình mẩy quần áo hôi hám xú uế như thằng ăn mày vậy?
Biết thân phận mình, tôi mắc cỡ nói nhỏ, dù chẳng muốn trả lời chút nào:
-Tôi đi... đi mua tàu đánh tôm.
-Trời đất, đi mua cái kiểu gì mà ghê vậy chú. Cha sinh mẹ đẻ tới giờ, tôi chưa bao giờ thấy ai đi mua tàu mà... dơ dáy khủng khiếp như vậy. Thôi thôi, ông làm ơn lẹ lẹ đi tắm rửa cho sạch sẽ đi, để tôi đi mở hết mấy cái cửa sổ cho nó bay hết mấy cái mùi xú uế ông mới đem vào nhà này...
Thật ra thì bà chủ nhà khỏi cần nói, tôi cũng chỉ muốn chui vào phòng tắm để lột rửa cái thân thể và bộ quần áo hôi hám của mình. Đúng hơn, không phải tôi chỉ muốn lột rửa cái thân xác, tôi muốn lột rửa luôn cái giấc mộng làm triệu phú ... ngu dốt và lố bệch của mình ...
Ôi, đời tôi sao có nhiều chuyện ngu dốt đáng kể ra co con cháu nghe để mà tránh.
Chuyện xảy ra là ông chủ tàu cứ tưởng tôi là một tay đánh cá lành nghề, muốn mua tàu đi làm riêng, không hề biết ngày xưa tôi là lính, lại sinh ra và lớn lên ở Ban Mê Thuột, miền cao nguyên xa tít, chẳng hề có dây mơ rể má gì tới sóng tới biển, hay với tôm với cá. Nếu biết tôi xuất thân … bố láo như thế thì ông đã chẳng bỏ thì giờ mà tiếp tôi, nói gì đến chuyện cho đi đánh tôm với ông.
Tôi đứng trên tàu chỉ chừng 10 phút là đã thấy say sóng như vừa uống một két bia, đi đứng không vững, nói gì đến chuyện quẳng lưới bắt tôm. Thành thật mà nói, tôi biết ngay, cái giấc mộng triệu phú của tôi đã tan thành mây khói ngay lúc ấy.
Tội nghiệp ông chủ tàu, ông không hề biết chuyện này. Và dĩ nhiên, tôi cũng không dại gì mà khai ra. Có lẽ, ông đã nhìn thấy cái tướng tôi thư sinh mảnh khảnh, chẳng vai u thịt bắp như những anh đánh cá thứ thiệt, cho nên ông mới nhăn mặt lại khi tôi muốn xin đi theo ông. Tuy nhăn mặt nhưng, có lẽ vì muốn bán chiếc ghe, nên mới cho tôi đi theo.
Đến một lúc nào đó, ông quẳng lưới. Hai người chúng tôi kéo lên được một mớ tôm, cộng thêm cua cá và rác rưởi đủ thứ. Rồi cũng đến một lúc nào đó, ông bảo tôi quẳng lưới cho ông.
Một lầm lẫn to lớn vô cùng của cuộc đời ông.
Đáng lẽ ra thì tôi nên thú thật rằng từ nhỏ tới giờ, tôi chưa bao giờ nhìn thấy cái lưới nó như thế nào, nói gì đến chuyện quăng lưới. Nhưng tôi đã nhìn thấy ông quẳng lưới mấy lần, coi có vẻ chẳng khó khăn gì nên tính bắt chước, liều mạng quăng thử một lần xem sao. Nếu quằng lưới được, biết đâu chừng, tôi có thể trở thành một triệu phú thật. Ai bảo đánh tôm là khó, đánh tôm dễ lắm chứ…
Tôi quẳng thế nào tôi chẳng nhớ, chỉ biết là cái lưới lại dính mẹ nó vào cái chong chóng chân vịt. Chiếc che nhỏ tội nghiệp cà giật mấy phát rồi nằm suội lơ, rên rỉ như một con gà bị cắt tiết.
Lúc ấy tôi mới thấy hối hận nhưng đã quá muộn rồi.
Tội nghiệp ông già. Nhìn thấy chiếc ghe của mình như thế, ông muốn phát khóc lên, cặp mắt trợn trừng, giận run lên từng đợt. Nhưng thay vì chửi thề văng tục, hoặc đấm cho tôi một phát, ông ta cứ mở miệng than, hết “Lạy Chúa tôi” rồi đến “Giê Su Ma”, rồi đến “Ối giời ơi” rồi đến “Khổ thân tôi” vân vân ...
Nhưng giữa đại dương mênh mông, trong hoàn cảnh đó, chúng tôi liền trở thành hai người bạn thân thiết. Cả hai hợp tác nhau để gỡ lưới. Gỡ không kịp thì lát nữa mặt trời lặn, sẽ chết chùm một lũ.
Lúc thì ông lặn xuống biển mò mẩm, lúc thì tôi cũng nhảy tòm xuống biển phụ ông ta. Có lúc, cả hai cùng mò mẩm dưới nước để gỡ lưới. Tôi hối hận đến độ chẳng dám nhìn mặt ông già.
Rồi cũng đến một lúc nào đó, sau khi đã gỡ lưới lên, chúng tôi ngồi xuống nghỉ ngơi. Ông già mồi một điếu thuốc, hỏi tôi một câu mà đáng lẽ ông phải hỏi từ khi chúng tôi vừa mới gặp nhau:
-Hỏi thật cậu, cậu có phải là dân... đi biển không?
Dân đánh cá ở New Orleans luôn luôn dùng danh từ “đi biển” để thay thế cho hai chữ “đánh cá” nghèo nàn. Trong hoàn cảnh đó, tôi đành thú thật:
-Thưa không, bác ơi.
-Lạy Chúa tôi. Thế thì ngày xưa cậu làm gì?
-Thưa, cháu đi lính.
-Lính Hải Quân hả?
-Dạ không, lính Không Quân.
Ông già nức nở như sắp khóc:
-Lính Không Quân. Lính Không Quân thì biết cái quái gì về biển mà lại muốn mua tàu đi đánh cá. Thế thì cậu giết tôi rồi. Sao mà đời tôi lại bị xúi quẩy như thế này…
Nghe như thế thì tôi chỉ muốn nhảy tùm xuống biển tự sát cho đỡ hối hận. Ông lại hỏi:
-Sao cậu... cuồng thế? Cậu nghĩ sao mà cậu lại muốn đi mua tàu đánh tôm?
Chẳng lẽ lại nói thật là tôi muốn mua tàu để ... trở thành triệu phú, tôi lắc đầu, lí nhí trong cuống họng:
-Nghe nói nghề này kiếm tiền dễ lắm, cháu muốn thử.
Ông chủ tàu lắc đầu, làm như hết ý kiến với tôi. Ông nhìn ra biển, thở ra một hơi khói thuốc lá thật dài như muốn thổi tất cả những sự bực tức và đau đớn khỏi lòng mình ra khơi:
-Cuồng thật.
Tôi chỉ biết gật đầu. Mình cuồng thật chứ chẳng chơi. Chẳng những cuổng mà còn liều mạng và ngu dốt nữa.
Từ đó trở đi, ông già không nói gì thêm nữa. Ông cứ lẳng lặng làm việc một mình. Tôi cũng muốn phụ ông một tay nhưng hình như ông không còn muốn cho tôi rờ vào bất cứ một thứ gì trong chiếc ghe của ông nữa. Tôi cũng chẳng trách ông được chuyện này. Người ta chỉ dại một lần, ít có ai dại đến lần thứ hai.
Lại đến một lúc nào đó, sau chừng chục cú lưới, tôm cá bắt lên đã thấy nặng, ông ngừng tay, mở cái hộp Iglo, đưa cho tôi một lon nước ngọt. Ông cũng không nói thêm một lời nào. Chúng tôi ngồi uống nước trong im lặng, nhìn ra biển cả…
Giữa đại dương mênh mông, nhìn ông già, tôi chợt nhớ lại truyện “Ngư Ông Và Biển Cả” của Ernest Hemingway mà tôi đã đọc ngày nào…
Câu chuyện Ngư Ông và Biển Cả của Earnest Hemingway là một tuyệt tác của nhân loại, dù chuyện rất đơn sơ. Cái ý chính của câu chuyện muốn nói về cái ý chí khủng khiếp của con người…
Chuyện bắt đầu bằng một câu đơn giản như sau: “Lão già ra khơi đã 84 ngày liên tiếp mà chẳng bắt được một con cá nào cả.” (The old man has gone out to the sea for 84 days without catching a fish.)
Nhưng cuối cùng, lão cũng câu được một con cá thật lớn. Lớn nhất trong cuộc đời của lão. Lớn đến độ nó vùng vẫy và kéo chiếc ghe nhỏ của lão ra biển khơi trở lại. Một mình một một ghe giữa đại dương, lão cứ để mặc con cá kéo lão đi. Chẳng cần biết đi đâu. Lão cũng chẳng sợ. Lão biết trước sau gì thì con cá lớn cũng sẽ chết. Và lão sẽ kéo nó về. Đúng như lão nghĩ, sau mấy ngày, con cá chết. Lão giăng buồm, kéo con cá trở về bến. Nhưng đường dài quá, con cá chết của lão đã bị những đàn cá mập tấn công. Chỉ trong khoảnh khắc, con cá vĩ đại, chiến công lớn nhất của cuộc đời lão chỉ còn một bộ xương...
Nhưng lão ngư ông chẳng hề lấy thế làm buồn. Lão đã cố gắng hết sức mình. Lão đã chiến thắng, đã bắt được một con cá lớn nhất đời lão. Nhưng trời phụ lão. Nó bây giờ chỉ còn là một bộ xương khô vĩ đại...
Lão đã ra khơi với hai bàn tay trắng, sau gần tuần lễ vật lộn với gió biển, với con cá khổng lồ và đã chiến thắng nó, nhưng cuối cùng lại trở về bến với hai bàn tay trắng.
Nhưng lão vẫn tỉnh bơ, chẳng coi chuyện đó là quan trọng. Cái quan trọng là lão đã cố gắng, đã làm hết sức mình. Còn được hay không, là do số mạng.
Tôi không biết ông lão là một Ngư Ông và Biển Cả, hay chính tôi là một Ngư Ông và Biển Cả. Có thể cả hai.
Cái đau đớn của tôi là ngày hôm ấy, tôi biết là mình sẽ không trở thành triệu phú được. Nhưng ít nhất, tôi cũng đã thử. Bây giờ, 45 năm đã qua đi, ngồi nghĩ lại, tôi chẳng thấy có gì phải hối tiếc cả.
Ngày hôm sau, không còn bị giấc mộng triệu phú ám ảnh nữa, tôi ghi tên đi học tiếp và đi làm lao công nhặt rác ở một xưởng đóng tàu địa phương…
Rồi thời gian qua đi, tôi cũng lớn lên và trưởng thành và khôn đi theo năm tháng. Cái giấc mộng triệu phú, tôi tưởng đã tan thành mây khói kể từ ngày đó, té ra vẫn còn nằm ở một chỗ nào đó trong trái tim mình. Nhưng, cuối cùng, tôi cũng đã không bao giờ thực hiện được giấc mộng ấy.
Tuy không thành triệu phú được, và cũng không biết mình có thành Nhân được hay không như người xưa thường nói. Nhưng tôi biết tôi đã trở thành một con người tử tế, sống lương thiện, biết giữ đạo làm người, làm tròn bổn phận của một người chồng, một người cha, theo đúng cái châm ngôn trong một bài đọc ở Tiểu Học mà Cụ Tú Lãm đã truyền lại cho con cháu mình như sau:
“Thầy chết đi, chẳng có của cải gì, chỉ có ba thứ gia bảo quý giá sau đây để truyền lại cho các con: Một là giữ lòng vui, hai là giữ linh hồn trong sạch, và ba là đem hết nghị lực ra làm việc.”
Tôi không phải là con của cụ Tú Lãm, nhưng suốt đời tôi, luôn luôn lấy ba điều dạy dỗ đó làm căn bản để mà sống ở đời. Những lúc tủi cực đắng cay, tôi luôn luôn giữ lòng vui, những lúc đắc thời, tôi luôn luôn giữ linh hồn trong sạch, và từ lúc mở mắt cho đến lúc đi ngủ, tôi luôn luôn làm việc bắng tất cả nghị lực của mình. Dĩ nhiên, ngoại trừ những lúc đi … ăn nhậu.
Tôi đã lập gia đình, đã sinh con đẻ cái, đã làm lụng cực khổ ngày đêm ở cái thành phố yêu dấu này. Ngày mùng 1 tháng 2 năm 2021, sau khi về hưu được đúng một năm, tôi lâm trọng bệnh, tưởng đã đi luôn. Nhưng không đi. Ngày 31 tháng 8 năm 2021, hai ngày sau khi thành phố tôi bị bão Ida tàn phá, vợ chồng chúng tôi rời New Orleans, trực chỉ Cali, một nơi chốn mà tôi rất ghét và khinh bỉ ngày xưa.
Buổi chiều ngày vợ chồng tôi lái xe đi, cả New Orleans và vùng phụ cận vẫn còn chỉm trong bóng tối vì bị cúp điện. Đó đây vẫn còn đầy dẫy dấu tang thương của sự tàn phá. Nhà cửa tróc nóc siêu vẹo tơi tả, cột điện gẫy nằm đầy đường...
Quẹo xe lên xa lộ I-10 West, trực chỉ Cali, hai hàng nước mắt tôi bất ngờ đã chảy ra, chan hòa.
Tôi thấy bỏ thành phố này mà đi như thế là có tội. Có tội như ngày xưa tôi đã bỏ nước ra đi, nhưng không thể nào làm khác hơn được…
Bao nhiêu người dân New Orleans, trong đó có gia đình con cái tôi, có anh em giòng họ nhà tôi, đang chìm đắm trong đau khổ, sao tôi không ở lại để chia sẻ những đau thương mất mát này với họ? Nhưng khổ một cái, nhà không có điện, nghĩa là không có gì cả, tôi còn đang bị ung thư chữa chưa lành, làm sao tôi có thể sống được? Thật ra thì chúng tôi đã chuẩn bị hành trang từ cả năm qua, đã chuẩn bị nhà cửa sẵn sàng bên Cali, và cũng đang dọn nhà, nhưng bị bệnh ung thư nên kẹt lại, bây giờ sẵn cơn bão, thôi đành đi luôn.
Tôi đã khóc thật. Tôi thấy thương và tội nghiệp New Orleans quá. Tại sao tôi phải bỏ một thành phố mà đi trong lúc nó đang bị hoang tàn đổ nát như thế này? Tôi thấy thương từng người Mỹ đen, Mỹ trắng, người Mễ và Việt Nam ở đây. Nơi đây, tôi đã sống và lớn lên cùng với họ. Tôi đã chia sẽ với họ trăm cay nghìn đắng của cuộc đời trong một thành phố tuy nổi tiếng thế giới nhưng rất nghèo, rất dơ bẩn và đầy dẫy tội ác. Tôi đã chia sẽ với họ những khắc nghiệt của thời tiết, những cơn bão tàn độc khủng khiếp của mẹ thiên nhiên, những mùa hè cháy nắng, những mùa đông lạnh cóng. Tôi cũng đã chia sẽ những giây phút hạnh phúc sung sướng với những buổi lễ lạc như Mardi Grass, vân vân. Tôi đã kiếm được những đồng tiền quý hiếm, bằng mồ hôi nước mắt của mình để nuôi vợ nuôi con ở thành phố này. Tôi nhớ lại những ngày khởi đầu phải xin vào làm lao công cực khổ ở xưởng đóng tàu thành phố. Tôi nhớ lại những thảm cỏ xanh rì rì mát rượi với những cây thông già ở trường UNO mà tôi đã nằm ngủ như chết vì quá mệt. Những người bạn lính, những chiến hữu trong đoàn thể mà tôi đã kết thân ở thành phố này. Những cuộc nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng khi mình còn trẻ, những trận cười ngang ngửa, những bài hát Karaokê trong cơn say hay đến ngọt lịm con tim. Những vui buồn, sướng khổ, có đủ mà tôi đã sống và đã chia xẻ với họ…
Tôi sinh ra và lớn lên ở Việt Nam chỉ có 24 năm, nhưng tôi đã ở thành phố này đến 44 năm. Gần gấp đôi thời gian tôi ở quê hương Việt Nam. Đã làm người, thử hỏi, ai có thể quên được một nơi chốn mà mình đã sống gần nửa thế kỹ với không biết bao nhiêu là kỹ niệm như thế? Nơi đây, các con tôi đã lớn lên và trưởng thành. Nơi đây, tôi đã dựng vợ gã chồng cho chúng nó. Nơi đây, tôi đã sống những giây phút cay đắng cũng như tuyệt vời nhất của đời mình. Nơi đây, tôi, từ một thanh niên trẻ tuổi, tôi đã trở thành một ông già. Một ông già… may mà còn sống được…
Nơi đây, thành thật mà nói, tôi đã bỏ lại linh hồn mình. Đúng hơn, chỉ một nửa linh hồn thôi. Còn nửa kia, vẫn còn lãng du ở một nơi chốn nào đó bên kia bờ biển Thái Bình Dương, ở một vùng cao nguyên đất đỏ nằm trên rặng Trường Sơn tên gọi là Ban Mê Thuột…
Ôi, New Orleans yêu dấu, sao tôi nở bỏ ngươi cho đành…
Tâm địa rộng rãi bao la như Trời Đất thì bao bọc được cả muôn loài.
(Hàn Thi Ngoại Truyện)
Garden Grove, CA, 6/1/2023
Trường Sơn Lê Xuân Nhị
No comments:
Post a Comment