CHUYỆN 48 NĂM TRƯỚC
Thưa các anh chị,
Sáng nay, tình cờ một facebooker nhắc lại chuyện đúng 48 năm trước của bố anh, một sĩ quan cấp Thiếu tá, xách túi đi trình diện... ở tù. Câu chuyện gợi hứng cho tôi viết lại chút hồi ức về những ngày 13.14.15/6/1975 của cựu sĩ quan, viên chức VNCH, đăng trên Facebook hôm nay.
Xin chuyển bài viết đến các anh chị đọc ... cho vui, vì phần lớn chúng ta đều đã từng trải qua cảnh ngộ này. Anh chị nào có Facebook, xin bấm vào link ở cuối bài để xem thêm bình luận của nhiều Facebooker khác.
Thân mến
Lê Nguyễn (Lê Văn Cẩn – ĐS 10)
***
CHÚT KỶ NIỆM CỦA NGÀY NÀY, 48 NĂM TRƯỚC
Sáng nay, đột nhiên bạn Nguyên My nhắc đến kỷ niệm về ngày 14.6.1975 của cụ thân sinh của bạn, trước 1975 là một sĩ quan cấp Thiếu tá, từng là bạn “đồng liêu” của tui ở Bộ Xây dựng Nông thôn của tướng Nguyễn Đức Thắng (rồi tướng Nguyễn Bảo Trị). Đã 48 năm chứ ít ỏi gì, khoảng thời gian đó còn nhiều hơn tuổi đời của một số bạn FB của tui, nhưng sao nó như một khúc phim của ông đạo diễn Trần Văn Thủy vừa mới chiếu cách nay mấy ngày.
Nó khơi dậy nhiều kỷ niệm khó quên của một thời tuổi trẻ, ở độ tuổi 30, sung mãn và nuôi dưỡng trong lòng nhiều hoài bão.
Khoảng ngày 10.6.1975, báo chí đăng tải một thông cáo của Ủy ban Quân quản Sài Gòn do ông Cao Đăng Chiếm, Phó ban Quân quản, ký (Trưởng ban là tướng Trần Văn Trà), nội dung yêu cầu hai thành phần sau đây:
- Công chức từ Phó Ty, Phó Quận đến Phó Tổng thống
- Thẩm phán, dân biểu, nghị sĩ ....
- Quân nhân từ cấp Thiếu tá trở lên
đến một số trụ sở cơ quan định sẵn để trình diện học tập cải tạo tập trung, “mang theo tiền bạc và vật dụng đủ xài trong một tháng”.
Tháng 5, tháng 6.1975, tui đang được thu nhận làm việc ở Ban Quân quản Nông nghiệp tại trụ sở Bộ Canh nông cũ, với tư cách chuyên viên của văn phòng ông Nguyễn Văn Hảo, Phó Thủ tướng đặc trách sản xuất kiêm Bộ trưởng Canh nông, theo qui định của UBQQ lúc đó, lương công chức hạng A 23.000đ/tháng, hạng B 18.000đ, hạng C 15.000đ.
Khoảng ngày 12.6.1975, Ban quân quản Nông nghiệp triệu tập các chuyên viên của ông Hảo lại, ân cần nhắc nhở rằng “các anh nên đi trình diện học tập, vì rất có lợi cho các anh”. Lợi thì có lợi thiệt (đâu biết về sau răng cũng chả còn), vì đầu óc “non nớt” lúc ấy suy nghĩ một cách “logique” rằng: hạ sĩ quan, binh sĩ học tập tại chỗ 3 ngày, mình học hơn họ gấp 10 lần thì sâu sắc quá rồi còn gì!
Thế là hồ hỡi, phấn khởi (tiếng mới nghe lần đầu vào lúc đó) xách túi đi trình diện.
Theo thông cáo của UBQQ, các sĩ quan cấp tá trở lên trình diện tại một số trường học, riêng công chức, và những thành phần dân sự khác như dân biểu, nghị sĩ, thẩm phán, sĩ quan cảnh sát từ Thiếu tá trở lên, nhân viên tình báo từ trung cấp trở lên, đảng viên các đảng phái “phản động” từ cấp Phó Bí thư huyện ủy trở lên ... thì trình diện tại hai nơi: ngày 13 và 14.6 tại trường Gia Long, ngày 15.6 tại trường Trưng Vương.
Ác một cái, trong 3 ngày trên, đã có 2 ngày “có vấn đề”, ngày 13 thì thứ sáu, ngày 14 lại là ngày mùng 5 tháng 5! Có lẽ vì vậy mà nhiều người chờ đến ngày chủ nhật 15.6 mới lóp ngóp đi trình diện.
Mình thì không dị đoan gì cả, chỉ là vì lưu luyến gia đình, thương hai cô con gái nhỏ, chỉ mới 3 và 6 tuổi, nên để đến ngày 15.6 mới xách túi ra đi, cái gì mang theo cũng canh xài đến hết một tháng thì thôi.
Sáng hôm ấy, mình đến trường Trưng Vương qua ngả đường Thống Nhất (Lê Duẩn), khi đến trước công Sở thú, không biết rằng dòng người xếp hàng rồng rắn đã chạm đến đường Hồng Thập Tự (Nguyễn Thị Minh Khai). Tình cờ gặp người bạn đang xếp hàng trước cổng Sở Thú, chạy tới tay bắt mặt mừng rồi ghé vào bên cạnh luôn, không biết rằng mình đang vi phạm qui chế... xếp hàng.
Tình hình lúc đó căng thẳng lắm, ngày cuối trình diện mà đông quá, không tới lượt mình thì làm sao có tờ giấy chứng nhận “đã đi HTCT 30 ngày” để tiếp tục làm ăn, sinh sống? Ai cũng hừng hực khí thế với một tâm trạng như vậy.
Lũ chúng tôi đang nghĩ ngợi thì đột nhiên có khoảng một chục người tay cầm giấy, chạy đến gặp cán bộ hữu trách, đòi ưu tiên đi ... ở tù trước. Hỏi ra thì biết đó là các dân biểu, nghị sĩ, xoay đâu được cái giấy thiệu của UBQQ Quốc hội đề nghị cho họ được ưu tiên thu nhận.
Sự bực bội của đám đông trước cái thành phần “ưu tiên” này ngày càng nung nấu, nhiều người phản ứng quyết liệt. Mấy cán bộ giữ trật tự thấy tình hình không ổn, vội giơ súng AK lên, bắn chỉ thiên để thị uy. Một trận mưa lá me rơi xuống đầu các “sĩ tử”, đẹp như kỷ niệm của mối tình đầu.
Lúc đó, mình đang đứng ở hàng đầu, chuẩn bị được cho vào trường Trưng Vương để lập thủ tục “nhập kho”. Chị Q. (về sau vào ở chung mới biết tên chị) từng là Chánh sự vụ (gọi tắt là Chánh Sở) Sở Bảo trợ Mẫu nhi - Bộ Xã hội cứ đi tới đi lui, mặt mày căng thẳng, hết tiếp xúc cán bộ này đến cán bộ khác. Hỏi ra mới biết chị giữ chức vụ Chánh Sở, không thuộc tiêu chuẩn được nhập kho, nhưng chị cứ vẫn nài nỉ xin được nhập. Cuối cùng, chị được nhập kho theo nguyện vọng. Chị hí hửng xách túi bước vào cổng trường Trưng Vương, đâu biết rằng, về sau, chị bị coi là nặng tội hơn nhiều người khác, vì đa số công chức hạng A ở Bộ Xã hội lúc bấy giờ đều được đi tu nghiệp ở Philippines, chính quyền mới nghi ngờ họ làm tình báo cho nước ngoài!
Khi vào lập thủ tục tại trường Trưng Vương, mình đóng khoảng hơn 12 ngàn đồng là tiền ăn trong 1 tháng, tính ra hơn 400 đồng/ngày, nhiều hơn gấp 4-5 lần trị giá một ngày ăn bình thường ở ngoài. Cứ ngày 2 buổi, xe của nhà hàng Đồng Khánh, nhà hàng Á Đông chở thức ăn tới cho mọi người. Việc này vẫn tiếp tục tại nơi ở mới cho đến khi hết tháng, tức 14-5/7/1975.
Kể thêm chút chuyện bên ngoài: tối 15.6.1975, nghĩa là đã hết hạn trình diện đi “tập trung cải tạo”, hàng mấy trăm người đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn còn ở nhà đã bị hốt vào đếm muỗi trong khám Chí Hòa vì tội “trốn cải tạo”. Thế mới biết “tai mắt nhân dân” nhạy bén dường nào!
Sáng hôm sau, những người này được thả ra, vì lúc đó người ta mới biết rằng, những con người đó cũng đi trình diện trong ngày 15.6, song do đông quá, chính quyền làm không xuể nên họ phải trở về. Song, họ cũng không mất phần, được lệnh trình diện trở lại vào cuối tháng 6.1975, chung đợt với các sĩ quan cấp úy, cũng “mang theo tiền bạc và vật dụng đủ xài trong 10 ngày”.
Tại trường Trưng Vương, tối hôm sau, 16.6.1975, khi mọi việc đã bình ổn cả, khoảng hơn 11g khuya, chúng tôi được lệnh tập họp trên sân trường, hành lý, tư trang mang hết theo người. Và sau đó, lần lượt từng người leo lên những chiếc GMC (xe tải quân đội) vải bạt bao bọc bốn bề. Xe chạy, qua khe hở, chúng tôi nhìn thấy phồ phường ngủ yên như chết, không một động tịnh gì.
Xe đang chạy bon bon về hướng Vũng Tàu thì bỗng nhiên rẽ trái, leo lên một ngọn đồi thấp và dừng lại ở một khu vực có nhiều dãy nhà dài nằm song song với nhau. Một số người từng đến đây nhiều lần cho biết nơi đây trước kia là “Làng cô nhi Long Thành”, người điều hành cơ sở từ thiện nức tiếng này là ông Tư Sự, sau ngày 30.4.1975, mới biết cũng là một “cơ sở cách mạng”. Còn nhớ trước đó không lâu, Làng cô nhi Long Thành là nơi vang danh cả nước, hàng tuần, nhiều dòng người tấp nập đổ về, lên thăm các cháu cô nhi, tiền rót vào như nước để hoàn thành những mục tiêu từ thiện. Về sau, biết được vị thế của ông Tư Sự, nhiều người chua chát đặt ra câu hỏi: tiền mình đổ vào đấy, bao nhiêu chảy vào cuộc đời của những trẻ em bất hạnh, bao nhiêu xung vào “quỹ cách mạng” để có ngày hôm nay?
Thế là, tại làng cô nhi này, nhiều người đã tìm cách giết thì giờ để nhanh chóng hết một tháng bằng cách ... trồng trọt. Có anh cẩn thận mang theo nhiều thứ hạt giống khác nhau, nhiều nhất là hạt rau muống. Chúng tôi cào đất, vun liếp, gieo hạt. Những chồi non nhú lên, mơn mởn, nhìn thích lắm. Còn nhớ anh trại viên 31 tuổi lúc đó cũng phơi phới lòng Xuân, viết nên những câu thơ đầy chất ... phản tỉnh:
.... Anh đến đây với niềm vui lao động
Nghe mồ hôi từng giọt chảy bên mình,
Hạt giống nào trong giây phút hồi sinh,
Hơi thở nhẹ len vào từng thớ đất ....
Thế rồi ngày thứ 15, ngày thứ 20 qua đi, nhưng ô kìa... sao người ta lại dựng lên một ngôi nhà không vách và đề hai chữ “căng-tin” thế? Lại còn chuẩn bị sẵn mấy cái ghế hớt tóc nữa! Chúng tôi chỉ còn mươi ngày nữa là về, họ làm chi thế? À, chắc là họ chuẩn bị để tiếp nhận người mới, sau khi chúng tôi đã về. Ý tưởng đó mang lại niềm tin cho những tâm hồn non nớt, những đầu óc non nớt.
Nhưng có phải chúng tôi, những người mới bước qua tuổi 30, mới độc quyền sự non nớt này đâu. Một người trên 50, từng là nhân vật số 5 của chế độ VNCH, cũng non nớt như vậy. Ngày 13-14/7/1975, tức sau gần một tháng, cụ chuẩn bị sẵn va li gọn gàng, hàng đêm đứng trên đồi, đợi xe GMC lên rước mình về, cũng khuya khoắt, cũng âm thầm như lúc đưa mình lên vậy. Cụ cùng một số người đứng trên đồi nhìn về hướng Sài Gòn-Vũng Tàu, những ánh sáng đèn pha chiếu rọi một khoảng trời, nhưng sao chúng cứ đi thẳng ra hướng Vũng Tàu, mà không quẹo vào rước chúng tôi về?
Cuối cùng, thắc mắc đó cũng có lời đáp. Một ngày nọ, quá một tháng rồi, chúng tôi được tập họp lại và một cán bộ trịnh trọng tuyên bố: từ nay, cách mạng sẽ nuôi ăn các anh chị! Các anh ngồi cúi mặt tê tái, bao nhiêu mơ mộng tan biến, còn các chị thì thê thàm hơn; chị Phù T.H., thẩm phán, cái bụng thè lè 6-7 tháng, bỗng ngất xỉu.... May mà khoảng 2 tháng sau, chị được cho về, vì ít ra người ta cũng phải tôn trọng công ước quốc tế đối với các phạm nhân sắp đến ngày sinh nở.
Và cứ thế, sau những tháng 6, tháng 7.1975 ấy, quyển sổ đời của chúng tôi lật sang những trang mới, dày hay mỏng tùy theo số phận hay sự may rủi của mỗi người... Ba năm, 5 năm, 10 năm hay 15-20 năm ... có là gì đâu trước sự vô thường của kiếp nhân sinh....
Bài này cũng đặc biệt tưởng nhớ Ngô Đình Hoa, người bạn tù thân thiết của tôi ở Long Thành và Xuyên Mộc, đã qua đời tại Mỹ năm 2021. Chị Thuy Duong Ngo ơi, nhớ đọc cho Hoa nghe nhé!
Lê Nguyễn
15.6.2023
BỔ SUNG CHUYỆN “BAO BỐ” TRONG PHẦN BÌNH LUẬN:
Sau hơn một năm ở Long Thành, ngày nọ, tụi tui được gọi lên hội trường, và được thông báo ngắn ngọn: “Anh chị nào có tên thì đứng riêng ra, nhận lãnh mỗi người một bao bố, dồn hết đồ đạc riêng tư vào đó để đưa xuống tàu trước” (chưa ai biết là để đưa ra Bắc).
Thế là một tâm trạng hoảng loạn loang ra khắp trại. Những cái mặt ngơ ngác, những con mắt thất thần, nhiều người khóc rưng rức. Một anh từng là viên chức cao cấp một Bộ, làm antenne ngay những ngày đầu, từng được “ân thưởng” bằng cách được chở về Sài Gòn để gọi là “chữa răng” (cùng một vài antenne khác), song xe dừng lại ở Hàng Xanh, cho anh về nhà vui với gia đình, chiều ra Hàng Xanh, xe vớt đưa trở lại Long Thành. Anh ta chắc mẻm về “công trạng” antenne, sẽ sớm trở về, đến chừng có tên trong danh sách bao bố 1 (còn bao bố 2, sau đó vài tháng), bất ngờ té ngữa. Sau mới biết, antenne chỉ lập công với trại, được hứa lèo, còn việc cho ra Bắc thuộc thẩm quyền Cục trại giam, Bộ Nội vụ.
Còn nhớ, trong ngày đó, anh Ba Tơ, cán bộ cấp Đại úy, là trực trại, đi dọc theo hàng người hoảng loạn, vửa đi vừa hét to: “khóc cái gì, đi xuống Đồng Tháp một thời gian rồi về!”. Anh này là cán bộ ít “sắt máu” nhất so với mấy ông cán bộ người Nghệ Tĩnh, nên lời nói dối cũng được nhiều người nghe, bớt phần lo sợ. Về sau, sự thực là họ được đưa về trường 16 NV ở Thủ Đức (NV: Nội vụ, trại do Bộ Nội vụ quản lý, trại Long Thành là “trường 15 NV”) rồi từ đó xuống tàu ra Bắc.
Sau lần bao bố 1, lần bao bố 2 không còn hoảng loạn như trước. Người viết bài này thuộc bao bố 3, vì 100% những ai ở nơi đây đều phải đi Bắc cả. May là sắp đến bao bố 3 thì vụ chiến tranh biên giới tháng 2.1979 nổ ra, các trại ở biên giới Việt-Trung đều phải dời về Thanh Hóa, đâu còn điều kiện đưa tù từ Nam ra Bắc nữa. Tụi tôi được điều động lên Xuyên Mộc mở trại mới rồi ở luôn trên đó.
LN
No comments:
Post a Comment