Thursday, June 29, 2023

Nhng chuyn bun

Tôi biết một cô rất xinh đẹp, chăm ngoan nổi tiếng mà nguyện “ở giá” tới già. Một lần cô kể ngày xưa đã từng yêu tha thiết một người, đã ăn hỏi rồi, còn vài tháng nữa cưới thì bố chú ấy bị tố cáo hiếp dâm. Bố cô ngay lập tức đòi chấm dứt, “lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống” mà. Chú ấy đi đâu cũng cúi mặt. Chú nói với cô: “Sống ở đây còn đau đớn hơn cả chết!”. Rồi chú ấy bỏ trốn khỏi làng.

Con của hiệu trường S.Đ.Xương đang theo dở ĐH cũng phải bỏ học giữa chừng. Chính ông Xương nghe tin cũng “chết điếng vì cứ nghĩ đơn giản “ai làm người đó chịu”, nào ngờ…

Hai con của phạm nhân trong vụ án nổi tiếng vợ giết chồng cũng phải bỏ học. Hình ảnh giăng đầy các báo, người đời chỉ mặt xầm xì: “Nó kìa, mẹ nó giết chết cha”. Hai bạn phải chuyển tới một trường ở một thành phố khác học nội trú.

L.V.L, em trai Lê Văn Luyện cũng phải bỏ nhà lang thang.

Một teen có ba vừa bị bắt đã tâm sự với tôi: “Ba bị giữ trong trại, hai anh em mình thì bị bỏ lại ngoài đời để trả lời những câu hỏi về ba, cho dù mình cũng chẳng hiểu tại sao ba lại làm thế. Có lúc mình còn mong thà rằng bị tù, ngày 24 tiếng đồng hồ sau song sắt, còn hơn là bị vứt lại giữa đời để chịu những ánh nhìn ghê gớm của người làng”.

Quá quan tâm, giờ trở thành quá tò mò, chốc lát đã trở thành độc ác. Chỉ trỏ, thầm thì, kỳ thị… Rồi chúng ta vô tư đánh giá người khác theo những chuẩn mực riêng của mình. Vì lạc hậu, chúng ta chỉ biết đánh giá một chiều. Vì thiển cận, chúng ta hay quy kết, dán nhãn, chụp mũ. Tất cả càng làm tăng thêm nỗi đau cho những người vốn đã đau lắm rồi. Có người không chịu nổi phải tự vẫn.

Khi làm bài viết này tôi đã gặp hai bác thẩm phán, nhưng các bác ấy đều không biết là phía sau vụ án gia đình người thân ly tán thế nào: “Tôi lo phân tích hồ sơ, xử đúng người đúng tội đã là mệt lắm rồi. Xong vụ này chúng tôi lại bắt tay vào ngay vụ khác, không còn thời gian”.

Trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Sau khi người đó lĩnh án, những người thân vô tội bị bỏ lại giữa thị phi, giữa dư luận độc ác. Dù có chạy trốn khỏi làng, thì với một bí mật đau đớn trong tim, họ cũng chẳng được bình yên.

Đâu phải lời nói nào gió cũng thổi bay? Những cái nhìn hiếu kỳ và phán xét của người đời nhiều khi còn sát thương hơn dao chém. Sự khai thác thái quá của truyền thông quanh vụ án, quanh gia đình thủ phạm, theo kiểu sợi tóc chẻ tư, đôi khi độc ác và tàn nhẫn.

Nhớ vụ án ở nước Áo chấn động cả thế giới, người cha loạn luân Fritzl 73 tuổi nhốt con gái dưới hầm 24 năm để lạm dụng tình dục. Phóng viên tập trung dày đặc quanh nhà, với đầy đủ máy quay phim, chụp hình, truyền hình trực tiếp, nhưng chúng ta không hề nhìn thấy một bức hình nào của nạn nhân và 6 đứa con của cô ấy. Các bé đã được lập tức thay tên đổi họ, bí mật chuyển đi nơi khác để lớn lên không bị kỳ thị.

Tôi được biết, ở nhiều nước phát triển, báo chí chỉ đưa tin về người phạm tội, tuyệt đối không đả động gì tới người nhà, còn nếu có trích lời người thân hay bạn bè thì giấu tên. Người đọc văn minh thường không biết và cũng không có nhu cầu biết tới người nhà của họ.

Khi bất hạnh đột ngột đổ xuống, chính quyền chủ động tạo điều kiện để họ tạm lánh hoặc chuyển đi nơi khác. Thậm chí còn được đổi tên họ và giấy tờ tùy thân nếu yêu cầu. Các quỹ phúc lợi cuả nhà nước sẽ trợ cấp chỗ ở, người bảo trợ, đảm bảo có thể bắt đầu cuộc sống lại từ đầu một cách không quá bi kịch. Thậm chí, họ còn có những “lối thoát an toàn”, ví dụ như home school, chỉ cần đi thi 1 lần để được lên lớp, tới cuối cấp bạn toàn quyền thi đại học!

Ở mình, sự quản lý lạc hậu, quyền riêng tư của mỗi người chưa đươc tôn trọng cũng góp phần làm chúng ta thêm nhẫn tâm. Nhiều vụ án, nhiều vụ tai nạn, hình ảnh người thân bị báo chí đăng quá chi tiết.

Ở mình, bản lý lịch, vốn đã rất chi tiết về bố mẹ, anh chị em, người thân, làm gì ở đâu… lại quá công khai, đi đâu cũng phải nộp, ai cũng có thể xem, nên cuộc sống của của mỗi người đều bị ảnh hưởng vì thân thế của họ. Mỗi năm học, ngồi phụ cô làm sổ chủ nhiệm, hoặc đi ngang liếc qua sổ chủ nhiệm, là bạn nào, con ai, làm gì, mình đều có thể biết hết.

Thậm chí, khi ba mẹ ly hôn, nhiều người còn chỉ trỏ vào bọn trẻ rồi thì thầm ra vẻ rất giàu thương cảm, ái ngại "bố mẹ nó bỏ nhau", "khổ thân chúng nó", "tại sao bố mẹ cháu lại thế? Phải có lý do gì chứ?". Hic hic... Tụi nó chả cần những tình thương đó đâu, món quà lớn nhất có thể cho nó lúc này là để nó được yên!

Và tôi cũng rất dị ứng với những hình chụp cận cảnh người nhà. Thậm chí sau những vụ tai nạn thương tâm, sẽ rất nhiều báo đăng hình các em bé con nạn nhân đội khăn tăng đứng khóc. Mất mát có thể sẽ nguôi ngoai, còn hình đã lưu vào google thì bao giờ xóa được?

Bản năng làm chúng ta tò mò, bản năng làm ta muốn biết tại sao có những cuộc đời chịu nhiều bất hạnh, ta cũng nóng lòng muốn biết cụ thể họ làm gì và như thế nào. Nhưng hãy nhẹ tay, “tránh động vào cây mùa lá rụng”.

Bạn ấy vừa qua một cơn bão lớn, hãy để bạn ấy được Bình Yên! Đừng chỉ trỏ, đừng thầm thì. Cũng đừng mua những tờ báo, đừng click vào những trang mạng khai thác quá mức nỗi đau của họ.

Trong rất nhiều trường hợp, im lặng đã là một món quà rồi.
Bởi vì, với những tâm hồn đang bầm dập, sự tôn trọng còn cần thiết hơn cả oxy để thở nữa, bạn ha!
ÁO HỌC TRÒ VÀ ÁO TRẬN


(Kỷ niệm Ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa)

Thế hệ chúng tôi khi còn mài đũng quần trên ghế nhà trường vào thời điểm của những năm 1972 bắt đầu biết về NGƯỜI LÍNH VIỆT NAM CỘNG HÒA vì có những người bạn đã rời trường lớp lên đường tòng quân. Chúng tôi chợt thấy bạn mình trưởng thành hơn trong buổi bạn bè chia tay. Những người bạn ấy không còn vui chơi với thầy bạn nữa, mà cuộc đời của các bạn đã sang trang: ĐI LÍNH! Cầm bút trở thành cầm súng để bảo vệ quê hương. Tôi xin được viết chữ LÍNH bằng nét chữ hoa để Vinh danh các bạn.

Màu áo học trò và những khuôn mặt nghịch ngợm trong cửa lớp chỉ vài tháng sau khi tốt nghiệp ở Quân trường đã hoàn toàn khác biệt nhau. Rắn chắc! Đen cháy! Chững chạc! Bạn chúng tôi đã là một NGƯỜI LÍNH...! Bạn đã thật sự đi vào cuộc chiến của vó ngựa sa trường, một cuộc chiến mà sẽ có người đi không về. Chúng tôi thầm thán phục bạn từ đấy, bởi vì tuổi thanh xuân của chúng tôi vẫn còn tràn đầy niềm vui trong thế giới học trò, còn bạn thì …Trường học và Quân trường là hai thế giới, hai môi trường khác hẳn nhau. Cổng trường và cánh cổng của Trung tâm Tuyển mộ, Nhập ngũ đã hun đúc thế hệ trai trẻ thành người hữu dụng cho đất nước.

Ký ức của tuổi học trò hòa lẫn với ký ức của những người trai sinh ra trong thời ly thi`loạn đã trở thành hành trình lập thân của bạn mình. Ngày về trong bộ quân phục của những ngày phép mãn khóa học, bạn đã ưỡn mình hiên ngang nhìn bạn bè cười … với nụ cười học trò như xưa. Màu áo lính trận tự nó đã mang hồn thiêng sông núi, nên oai hùng thế đó!

Chúng tôi bất chợt được học thêm được những từ ngữ ngoài khuôn viên cửa lớp từ những lần về phép của những người bạn lính kể chuyện: Tân binh, Thẻ Bài, Đoạn đường chiến binh, Quân ngũ, Màu Áo trận, Giày Saut, Nón sắt, Ba lô, Quân trang, Quân phục, Quân dụng, Quân trường, Quân Binh chủng, Cấp bậc, Lon, Đơn vị, Trận mạc, Áo trận, Giày Saut, Poncho, Súng đạn, Hành quân, Giao thông hào, Bom, Pháo kích, Kèn thúc quân, Cao điểm, Tiền đồn, Chiến sĩ, Hậu phương, Tiền tuyến, KBC, Đồng đội, Chỉ huy trưởng, Tư lệnh, Quân đoàn, Vùng I,II,III,IV, Kèn Tử sĩ…..

Dần dần chúng tôi biết dõi theo những cơn bụi mù trời của miền cao nguyên khi những đoàn công voa (convoy) về ngang phố thị. Trên những đoàn xe GMC ấy là màu áo lính, các Anh trông giống như "người rừng" với lá cây trên nón sắt, ba lô, những tiếng cười vang vang hòa lẫn trong tiếng xe. Cao nguyên điểm xuyến thêm những cành lan tím … rất rừng của bạt ngàn theo những người Lính trên những chiếc xe GMC ấy về con phố nhỏ. Đoàn xe trong ánh mắt bọn học trò chúng tôi là một sự lạ lẫm, chứ chúng tôi không hề có cảm nghĩ gì khác hơn nữa, nhưng sau lưng đoàn xe ấy là đôi mắt của những người Mẹ già, người Vợ đợi người thân yêu của mình về lại với gia đình bình an. Phố xá bắt đầu vương mang hình ảnh của chiến tranh bởi màu áo lính, đoàn xe convoy và những đêm kinh hoàng của tiếng đạn pháo kính. Buổi binh đao!

Phố thị tôi ở rất lặng lẽ - có vẻ như đang tiềm ẩn sự hốt hoảng khi chợt nhận dạng ra chiến tranh đang đến rất gần bởi những đêm nghe pháo kích và những người con ra đi như thế. Rồi thời gian trôi theo năm tháng, quân trường đã gởi về lại gia đình những đứa con yêu của gia đình. Niềm vui vỡ òa trên những khuôn mặt những người lính sữa (chữ "sữa" đối với sự dày dạn của đời Lính, chứ với bọn học trò chúng tôi, thì bạn mình ngày xưa bây giờ rất "OAI").

Và ngày học trò chúng tôi (những người ở hậu phương) ra trường thì những người lính ấy có mặt trên khắp Bốn Vùng Chiến Thuật. Hành trang của Lính đã thay thế cho hành trang sách vở học trò. Đất nước chắt chiu những viên ngọc quý ấy, những người Mẹ cũng đã âm thầm lên đường theo dấu chân giày Saut của con trai mình, những người Vợ giờ thì hằng đêm khấn vái Ơn Trên cho người chồng lính trận được mọi điều an lành trong đường tên, mũi đạn, những lá thư đặc biệt có 3 chữ viết tắt KBC đã từng là niềm vui bất tận cho mọi người trong đại gia đình…

Trong lòng chúng tôi, đã hàng bao năm vẫn không quên được những ngày tháng dầu sôi lửa bỏng sau mốc thời gian năm 1972 đã về thành phố nhỏ bé của chúng tôi kể từ khi bạn học lên đường nhập ngũ. Tôi bắt đầu đọc báo nhiều hơn và dần dần hiểu về tình hình chiến sự của đất nước đang đến hồi căng thẳng. Cho đến ngày vận nước ngả nghiêng và cs miền Bắc tiến chiếm miền Nam thì những người bạn thư sinh đi lính của chúng tôi đã tản mác khắp bốn phương trời, có những người đã không về lại thành phố và biệt tăm!
Rồi một hôm cả nhóm học trò chúng tôi sững sờ khi nghe tin "Tử trận" của một người anh trai đứa bạn trong lớp! Người LÍNH ấy trẻ quá, chỉ vừa tuổi đôi mươi. Chúng tôi đến dự tang lễ mà trong lòng đầy nước mắt...Lần đầu tiên tôi thấy Lễ Phủ Cờ, nghe tiếng kèn tiễn đưa buồn sâu thẳm, nhìn những người lính đồng đội dàn hàng nghiêm chỉnh chào biệt bạn mình... Làm sao diễn tả hết tất cả sự xúc động từ những gì tôi nghe và mục kích tận mắt. Sau bao nhiêu năm và mãi cho đến hôm nay, trong ký ức tôi vẫn còn khắc sâu hình ảnh của người vợ trẻ của Tử sĩ trong tang lễ! Chị bỗng già đi so với hình ảnh và số tuổi trong ngày cưới của vài tháng trước đó! Không còn nước mắt. Không còn tiếng nức nở, thét gào. Thế nhưng ánh mắt của chị là ánh mắt của sự thất thần, vô hồn! Chị luôn muốn nằm bên cạnh chiếc quan tài. Lòng huyệt, chiếc áo sô rũ rượi, bám đầy bụi đỏ và mái tóc dài xổ tung rối bời. Son phấn thanh xuân xưa đâu hả chị? Lúc ấy, chúng tôi chỉ vào độ tuổi đôi mươi, nên hãy còn rất học trò, nhưng bỗng dưng cảm nhận được niềm đau tột cùng của chị. Tiếng khóc của gia đình, tiếng kinh cầu dường như phải nén lại cùng với nỗi đau của chị. Cuộc chia ly vĩnh viễn này có ai thấu được, để giờ đây tên anh đi kèm với hàng chữ "Cố Thiếu Úy" và chị trở thành Quả Phụ một người Lính. Người Lính chết quá trẻ và người vợ lính trở thành Cô phụ trẻ quá với một tấm hình và một lá cờ Tổ Quốc Ghi Ơn. Người LÍNH TRẬN đã đền nợ nước. Ôi! Một sự hy sinh thật cao cả!

Bẵng đi một thời gian …khi người còn sống sót sau cuộc chiến khốc liệt năm 1975 đi tìm người chết, chúng tôi biết được bạn bè xưa có người đang ở trong TÙ! Chữ "Tù" ấy thật kinh hoàng đối với chúng tôi vì nó là "tù cải tạo"! Danh từ mà chúng tôi chưa từng biết và hình dung nó như thế nào cả. Thầy và trò cùng ở chung nhau trong trại "tù", vì thầy xưa là Lính biệt phái sang ngành giáo dục, trò đi Lính và thế là khổ nhục bên nhau. Người học trò thư sinh, người thầy trên bục giảng mà chúng tôi một mực kính trọng đã truyền kiến thức cho chúng tôi đang lâm nạn! Ai biết được họ có toàn mạng trở về được không? Mãi sau này khi mọi người thoát nạn thì chúng tôi mới biết được sự thật về cuộc sống nơi "lán trại tù".

Nói đến chữ "Tù", thì từ ngữ thốt ra đầu tiên phải là chữ "Đói". Con người bị bỏ đói đến chết. Rồi đến chữ "Lao động khổ sai"- làm việc đến kiệt sức mà chết. Dĩ nhiên tiếp theo sẽ là chữ "Bệnh" - bệnh của người trong "tù cải tạo" mà còn sống được thì chỉ có Trời cứu, vì họ không có được một viên thuốc đúng bệnh, chứ đừng nói chi đến bác sĩ, nhà thương. Tù tội, nhục hình, chết không hàng, không cúi đầu chịu nhục: Chân dung của người Lính bây giờ nằm vỏn vẹn trong những ngôn từ trên. Chúng tôi xin cúi đầu thán phục vì chỉ có những ai đứng trước họng súng giặc mà vẫn hiên ngang không cúi đầu thì mới minh định được cái Chí Khí Anh Hùng của người Lính kiên cường như thế nào.

Tuổi trẻ của các bạn tôi thật đáng tự hào vì đó là tuổi trẻ kiêu hãnh. Bài học hiến thân để phục vụ đất nước trong ngưỡng cửa học đường các bạn đã không cần bài thi kiểm tra và đã tốt nghiệp.

Thế hệ chúng tôi là thế hệ ấm êm và hạnh phúc với mộng tương lai xán lạn trong lòng từ những ưu việt của hai nền Đệ I và Đệ II Cộng hòa, nhưng lại là gạch nối gãy ngang của nền Đệ II Cộng hòa và chế độ cộng sản thống trị toàn dân Việt Nam sau 1975. Từ sự gãy ngang ấy mà bức tượng THƯƠNG TIẾC của Nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa - diễn tả một người lính tiếc thương bạn đồng đội đã hy sinh trên chiến trường cũng đã cùng chung số phận đau thương như vận nước! Biểu tượng người Lính của bức tượng không còn nữa, nhưng trong ký ức thì hình ảnh Nhân bản của những người Lính Việt Nam Cộng hòa sẽ không bao giờ mất và trong lòng người dân miền Nam, những người Lính ấy tượng trưng cho sự bình yên, bảo bọc dân lành trong thời gian quê hương chìm trong khói lửa năm 1975.

Những người Lính Việt Nam Cộng hòa còn rất trẻ và bước ra từ ngưỡng cửa học đường. Dấu chân giày Saut của những người con yêu đất nước đã đi vào trang sử oai hùng của dân tộc dẫu họ còn sống hay đã mất trong cuộc chiến kéo dài trên 20 năm khốc liệt. Máu xương của người Lính đã thành sông, thành núi cho sự trường tồn một dân tộc.

Một lực lượng quân đội với chính nghĩa để bảo vệ cho sự sống còn của đất nước khi hiểm họa cộng sản - mà sự tiềm ẩn là giặc Tàu manh tâm đồng hóa và xóa sổ bản đồ, dân tộc Việt Nam từ ngàn năm xưa. Lực lượng ấy chiến đấu can trường cho Tự Do No Ấm của toàn dân và sự toàn vẹn lãnh thổ cho quốc gia với kỷ luật nghiêm minh - đã được khai sinh trong thời ly loạn và mang tên QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA - để đào tạo những người con yêu dấu của gia đình thành những viên ngọc quý cho đất nước, thành những bậc Anh Hùng hoặc lừng lững đi vào sử xanh nghìn thu.

Trên cổ người Lính có sợi Dây Thẻ Bài, trong Hồ sơ Quân Bạ có Chứng chỉ Tại ngũ và trong trái tim người LÍNH VIỆT NAM CỘNG HÒA có màu cờ thiêng Tổ Quốc "Cờ vàng ba sọc đỏ" như ngày nào hàng hàng lớp lớp những người lính trận đã xung phong tiến chiếm đỉnh đồi từ tay giặc Cộng sản Bắc phương manh tâm tiến chiếm miền Nam Tự Do. Màu cờ đã nhuộm biết bao nhiêu xương máu hy sinh, thương tật và nước mắt của cả một dân tộc.

Chỉ cần giữ vững ngọn cờ ấy là các Anh đã bất chấp hiểm nguy đến tính mạng, quên đi hạnh phúc riêng tư và gia đình. Ôi! CỜ THIÊNG TỔ QUỐC và lời thề TỔ QUỐC - DANH DỰ - TRÁCH NHIỆM của một NGƯỜI LÍNH vĩnh viễn là khuôn vàng thước ngọc cho những thế hệ hậu sinh. Màu cờ vàng đã theo chân các Anh từ buổi chào cờ ở trường học, rồi theo chân người vào dặm đường chiến binh - đã là ngọn hải đăng trong suốt cuộc đăng trình của những người trai thời ly loạn trên khắp nẻo đường quê hương để bảo vệ giang san gấm vóc mà Tiền nhân đã dày công khai phá, vun bồi và cẩn tắc gìn giữ.

Quân Lực VNCH – NGƯỜI LÍNH VIỆT NAM CỘNG HÒA

Số Quân của một người LÍNH chỉ tiềm ẩn con số của năm sinh, không có năm tử!

Các Anh vẫn còn đang là Quân nhân Tại Ngũ khi chưa nhận được tờ giấy Xuất Ngũ.

TINH THẦN BẤT KHUẤT CỦA NGƯỜI LÍNH VIỆT NAM CỘNG HÒA MÃI MÃI BẤT DIỆT trong lòng người dân Việt. Các Anh dẫu là người Lính ở đơn vị nào, cấp bậc nào, còn sống hay đã hy sinh đều là những người con yêu của Tổ Quốc, mà nhiều thế hệ mai sau ngưỡng mộ, thán phục và luôn mong muốn được noi theo gương sáng ấy.

Thế hệ chúng tôi là thế hệ sống trong một phần những tháng ngày hiện hữu của QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA và chúng tôi đã là chứng nhân của những trang sử oai hùng của những người LÍNH. Chúng tôi được sinh ra trong một quãng đường trăn trở, gập ghềnh của quê hương và trong bề dài lịch sử của sự thành lập một lực lượng Quân Đội OAI HÙNG và BẤT KHUẤT.

Xin cúi đầu Tri Ân sự hy sinh dũng cảm tuổi thanh xuân của những người Lính Việt Nam Cộng Hòa, trong số ấy có những người bạn trẻ học cùng trường với chúng tôi. Trong ánh mắt chúng tôi, màu áo trắng thư sinh của thế hệ trẻ thay bằng màu áo trận vinh quang đã là hình tượng thật oai hùng! Các bạn đã Thành Nhân trên con đường phụng sự Tổ quốc thân yêu.

Những người lính “sữa” đã không về đầy đủ như ngày ra đi, nên không còn cơ hội để kể lại chuyện chiến trường xưa cho bạn học nghe nữa… Thương tiếc và nhớ những người Lính trẻ ấy ngàn đời. Chúng tôi là những người còn sống sót sau cuộc chiến - xin nợ những người Lính năm xưa và nguyện sẽ toàn tâm toàn sức tiếp nối con đường các Anh đã đi: Con đường dân tộc vinh quang có bóng cờ vàng tung bay muôn phương.

Xin thắp nén hương lòng tiễn biệt những người Lính Việt Nam Cộng Hòa vĩnh viễn ra đi không về lại với vòng tay gia đình và thân hữu, bè bạn được nữa. Xin các Anh yên nghỉ trong lòng Đất Mẹ bình an. Tổ Quốc Ghi Ơn các Anh ngàn đời.

Như Thương
NỖI BUỒN U UẨN

Phạm Duy là con bướm đa tình, khi đã 'tạm' mỏi cánh, con bướm này chọn nơi dừng chân: lập gia đình với một người con gái tài sắc- CS Thái Hằng. Nhưng nàng lại đang mang một nỗi buồn u uất, chưa hề tỏ bày cùng ai…

Quen biết với gia đình Thăng Long từ dạo còn tản cư ở Chợ Đại-Cống Thần (Hà Đông, 1947), rồi cùng nhau về Liên khu VI ở Chợ Neo (Thanh Hóa, đầu năm 1949), lúc nào Phạm Duy cũng thấy vương vất trong đôi mắt của Thái Hằng một nỗi buồn...

Có lẽ chính vì thế mà những “cây si” tầm cỡ như: thi sĩ Huyền Kiêu, thi sĩ Đinh Hùng, họa sĩ Bùi Xuân Phái, nhạc sĩ Ngọc Bích (ở Chợ Đại), thêm Đoàn Phú Tứ, Bửu Tiến, Bửu Kỉnh (ở Thanh Hóa)… cũng không lay động được con tim của nàng.

Thái Hằng rất kín tiếng, ít khi tâm sự với ai. Chỉ đến sau này, khi giữa nàng và Phạm Duy đã trở nên thân thiết thì nàng mới thổ lộ nỗi niềm sâu kín ấy:

Vào năm 1945, Thái Hằng đính hôn với một sinh viên trường Luật tên là Trần Văn Nhung. Nhung là một thanh niên yêu nước nhưng có khuynh hướng thân Nhật. Vào đầu thập niên 40, cũng như rất nhiều thanh niên khác, anh tin rằng Nhật Bản thực sự muốn giúp cho Việt Nam thoát ra khỏi ách thực dân Pháp.

Cảm tình của anh đối với Nhật Bản khiến cho anh được tặng một học bổng để đi du học nhưng anh chưa kịp đi thì xẩy ra vụ Nhật đảo chính ngày 9/3/1945. Trước giờ đảo chính, một sĩ quan Nhật hỏi một nhóm sinh viên Hà Nội do họ triệu tập xem có ai muốn xung phong cùng đi với lính Nhật vào hạ thành Hà Nội? Họ sẽ được dành cho vinh dự là tự tay giật lá cờ tam tài của Pháp xuống.

Mọi người còn đang do dự thì Trần Văn Nhung và một sinh viên đứng lên nhận lời. Hai sinh viên này đi tiên phong trong đám lính Nhật và bị bắn chết ngay trên bờ tường thành Cửa Bắc trong phút đầu tiên của vụ đảo chính. Ngày 11 tháng 3 năm 1945, một buổi lễ truy điệu những người đã hi sinh cho nền "thịnh vượng chung của Đại Đông Á" được tổ chức rất long trọng tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Thái Hằng đầu chít khăn trắng tới dự lễ truy điệu này.

Cái chết của vị hôn phu đã ảnh hưởng rất lớn đến Thái Hằng. Từ ngày đó trở đi, Thái Hằng đắm đuối trong nỗi niềm riêng. Trong suốt một năm lúc chưa đi tản cư, tuần nào nàng cũng mang hoa tới đặt trên mộ Nhung và ngồi khóc…

Đi theo gia đình ra vùng kháng chiến, nàng vẫn mang theo tấm ảnh và tập nhật ký của người đã chết, trong đó Nhung có những câu nói vừa gở vừa thiêng như: “Nếu anh chết thì em phải lấy chồng và cố tìm ra một người nào như anh nhé”.

Khi ra sống ở Chợ Đại và Chợ Neo, trong hai năm liền, Thái Hằng vẫn chưa nguôi được nỗi buồn. Suốt ba năm dài, coi như để tang cho người tình, nàng đóng chặt tâm hồn, sống với một nỗi buồn không che dấu. Một hôm, cha mẹ nàng đã tìm cách đốt tấm ảnh và tập nhật ký của Nhung đi.

Biết được tâm sự của Thái Hằng, Phạm Duy tuy thực tâm nể phục thái độ anh hùng của Trần Văn Nhung cũng như sự chung tình của Thái Hằng nhưng vẫn cố làm cho nàng khuây khỏa và dần dần thay thế được hình ảnh của người hùng đã khuất trong trái tim nàng ca sĩ.

Sau sáu tháng quen biết, Phạm Duy chính thức hỏi Thái Hằng làm vợ. Ông bà Thăng Long có chút lưỡng lự nhưng lúc đó có hai người rất uy tín là tướng Nguyễn Sơn và nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh nói giúp vào, lại nữa con trai lớn của ông bà là Phạm Đình Viêm (Hoài Trung) cũng nhiệt tình ủng hộ nên cuối cùng ông bà Thăng Long cũng ưng thuận.

Sau khi chọn được ngày tốt, bà Thăng Long ra cái chợ ngay trước quán phở của mình mua một nải chuối, một buồng cau, một gói trà để tiến hành “lễ hỏi”. Phạm Duy kể lại rằng: “Bên nhà trai không có ai ngoài tôi ra, đành phải nhờ người em của điêu khắc gia Lê Thị Kim là Bạch Bích tới bưng hộ khay trầu. Hôm đó, từ trong Quán Thăng Long đi ra tôi còn là một kẻ độc thân rồi tức khắc từ ngoài cửa đi vào, sau khi ra đứng lễ ông bà ông vải xong, từ nay trở đi tôi trở thành người chồng chưa cưới của Phạm Thị Thái Hằng. Một cái lễ hỏi nhẹ tênh, so với sự nặng nhọc và kiên trì của sáu tháng khổ công vận động của tôi…”.

Tuy nhiên vì cũng muốn tỏ ra anh hùng trong mắt hiền thê nên Phạm Duy tình nguyện vào chiến trường Bình Trị Thiên trong 6 tháng, vừa biểu diễn phục vụ vừa sáng tác (những ca khúc nổi tiếng Bà mẹ Gio Linh, Bao giờ lấy được đồn Tây - sau sửa lại là Quê nghèo, được Phạm Duy sáng tác trong thời gian này)

6 tháng sau, khi Phạm Duy từ chiền trường trở về, lễ cưới của đôi vợ chồng quê này mới được cử hành dưới sự chủ hôn của Tướng Nguyễn Sơn. Lễ hỏi giản dị như thế nào thì lễ cưới cũng đơn sơ như thế. Áo cưới của cô dâu là chiếc áo dài mầu xanh thẫm mang theo từ ngày xa Hà Nội, bây giờ mới có dịp dùng đến. Chỉ có chiếc quần vải trắng vừa mới may xong.

Hằng ngày Thái Hằng đi dép Nhật hiệu "con hổ" thì hôm nay cô dâu xỏ đôi guốc mới toanh. Chú rể mặc bộ đồ quân phục bằng kaki Mỹ, đội mũ ca lô bằng dạ mầu xanh, chân đi giầy cao cổ…chẳng khác chi hình ảnh cô dâu chú rể trong bài thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan: “Ngày hợp hôn nàng không đòi may áo cưới. Tôi mặc đồ quân nhân. Đôi giầy đinh bết bùn đất hành quân...”

Phạm Duy kể lại: “Tướng Nguyễn Sơn, chính trị ủy viên Nguyễn Kiện, văn sĩ Nguyễn Đức Quỳnh, nhiếp ảnh gia Nguyễn Giao (ông thân sinh của ca sĩ Thúy Nga, vợ của Hoàng Thi Thơ), kỹ sư Nguyễn Dực con của nhà văn hào Nguyễn Văn Vĩnh và là bạn đồng học của tôi trong trường Kỹ Nghệ Thực Hành cùng với dăm ba người nữa... đó là những vị khách quý đã từ nơi xa hay nơi gần, leo lên xe đạp từ sáng sớm để phóng tới Chợ Neo dự lễ cưới của chúng tôi…

Lễ cưới khởi sự lúc nào không biết. Mẹ vợ ra khấn vái trước bàn thờ vừa mới được dựng lên. Rồi tới phiên chú rể lên gối xuống gối, cô dâu ngồi xụp xuống đất, làm lễ gia tiên. Khấn vái ông bà ông vải xong, chúng tôi xin ra lễ sống cha mẹ vợ theo phong tục Việt Nam, nhưng ông bố vợ xua tay: "Thôi. Đời sống mới mà. Không phải lạy Ba Mợ nữa."

Sau khi đã làm xong bổn phận với người chết là tổ tiên và với người sống là cha mẹ rồi, bây giờ tới thủ tục hành chính. Nhân viên ủy ban hành chính của xã được mời tới để làm giấy giá thú. Trước mặt mọi người, cô dâu chú rể cúi xuống mặt bàn còn thơm mùi phở, ký giấy hợp hôn, tay cô dâu run run. Bây giờ mới lòi ra tên cô dâu là Phạm Thị Quang Thái. Không phải chỉ có Phạm Thị Thái….

Hai mâm cơm thịnh soạn hơn ngày thường đã được bầy ra trên hai cái bàn ở trong quán. Gần hai chục người đã ngồi vào bàn ăn. Ông bố vợ đứng lên mời mọi người cầm đũa, sau khi đã cám ơn quý khách. Tướng Nguyễn Sơn đứng lên nói vài câu chúc mừng. Giản dị đến độ không có được một cái nhẫn cưới để tặng cô dâu, nhưng tôi có thể nói ngay ra đây là kể từ hôm nay cho tới 40 năm sau, chưa bao giờ đôi vợ chồng này to tiếng với nhau một lần.

Ăn xong bữa "tiệc" cưới, trước khi quý khách ra về, chúng tôi ra trước cửa Quán Thăng Long đứng xếp hàng cho anh Giao chụp một bức ảnh kỷ niệm. Riêng cô dâu và chú rể còn có thêm một bức ảnh chụp riêng, hai người nắm tay nhau đứng ở trong vườn chuối bên cạnh quán. Bức ảnh chụp mọi người trong đám cưới, khi chúng tôi về thành, ông bố vợ đã cắt bỏ hình tướng Nguyễn Sơn vì sợ lính Tây khám mà thấy ảnh ông tướng Tư Lệnh thì nguy hiểm lắm…

Đám cưới vừa cử hành xong thì đã thấy ông bố vợ vào trong làng mua lại một cái ghế dài để ghép vào giường của cô dâu cho hai người nằm, không quên nói câu nói nằm trong phong tục Việt Nam: "Ba giải chiếu cho các con, để vợ chồng con sinh năm đẻ mười như Ba Mợ nghe". Thế là từ đêm nay trở đi, tôi không phải kê hai cái bàn ăn làm nơi ngủ nữa.

Cưới vợ được 4 tuần thì Phạm Duy được điều về Việt Bắc. Phạm Duy phải đưa vợ mới cưới cùng đi. Khoảng đường từ Thanh Hóa lên Việt Bắc hơn 800 cây số phải…đi bộ, nhưng mới đi được nửa đường thì Phạm Duy phát hiện vợ mình có thai. Lỡ rồi, đi luôn…

Đúng một tháng sau, họ đặt chân lên đất Thái Nguyên. Liên lạc viên dẫn tới Yên Giã, một khu rừng nằm gần ranh giới hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Ở chung quanh đây không có một gia đình thường dân nào cả. Khu thung lũng rộng lớn và có núi bao quanh này là An toàn khu (ATK) của tất cả các cán bộ làm việc trong các cơ quan khác nhau của Trung ương. Mỗi gia đình cán bộ đều được cơ quan của mình phát cho một mảnh đất rồi có người tới phụ giúp để dựng lên một cái nhà bằng nứa.

Yên Giã là nơi dành riêng cho các gia đình văn nghệ sĩ. Lúc này họ đều trở thành hội viên của các Hội Nhà Văn, Hội Hoạ Sĩ, Hội Nhạc Sĩ, Hội Sân Khấu cả rồi…Vợ chồng Phạm Duy là thượng khách của Nguyễn Xuân Khoát, Chủ Tịch Hội Nhạc Sĩ Kháng Chiến. Họ được cất cho một mái nhà tranh vách nứa nằm không xa nhà của vợ chồng Văn Cao là mấy.

Phạm Duy viết trong hồi ký: “Tưởng như là căn nhà bên suối đang nằm ở trong bài một hát bỗng nhảy ra đây. Đây cũng là cái tổ ấm đầu tiên trong đời tôi, của một gia đình có đôi vợ chồng son và đứa hài nhi nằm trong bụng mẹ. Nhà có tới ba phòng, phòng ngủ có cái giường nứa, phòng bếp có cái bếp nứa, phòng tắm có tấm phên cũng bằng nứa.

Thiếu phòng vệ sinh, nhưng chúng tôi có cả một khu rừng ở đằng sau nhà rồi. Căn nhà nứa này, tuy có phòng tắm đó nhưng có bao giờ chúng tôi chịu tắm ở trong nhà đâu? Ai chịu khó vác nước từ suối lên đây? Bà Phạm Duy đi tắm suối là kéo bà Văn Cao đi cùng. Đi mua thực phẩm hơi xa cho nên cứ cách dăm ba ngày là các bà rủ nhau cùng đi chợ.

Gạo ở đây là gạo kháng chiến, khi ăn mà không nhằn miếng cơm cho kỹ là dám sứt răng vì những hòn sạn. Cũng mua được thịt để ăn nhưng kho xong nồi thịt, chỉ cần một đêm là thịt kho trở thành thịt đông ngay. Bởi vì ở trong vùng rừng núi này, mỗi khi đêm xuống thì dù là mùa Hạ, trời cũng trở lạnh như trong mùa Đông…”.

Ở Yên Giã, Phạm Duy gặp lại hầu hết các bạn bè văn nghệ cũ như vợ chồng Văn Cao, vợ chồng Văn Chung, các nhạc sĩ Lê Yên, Nguyễn Đình Phúc, Xuân Tiên, Xuân Lôi, Lê Văn Vũ Bắc Tiến, Thế Lữ, Võ Đức Diên, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu... và cả người bạn thân Hoàng Cầm. Đặc biệt là gặp lại anh bạn cùng học trường Mỹ Thuật khi xưa: Mai Văn Hiến. Hoạ sĩ Mai Văn Hiến rất chiều chuộng Thái Hằng, anh thường tìm hái trong rừng những quả chua như me, sấu, là những thứ mà người đang có thai rất thèm ăn.

Những ngày ở ATK đã ghi đậm dấu ấn trong hồi ức Phạm Duy,ông viết: “Đời sống ở Yên Giã quá đẹp. Bõ công chúng tôi đã rời bỏ một nơi "an ninh thịnh vượng" là Thanh Hoá để lên đây ở…”

St

Wednesday, June 28, 2023

AI MỚI THỰC SỰ LÀ CHỦ NHÂN CỦA ANGKOR WAT?

Rất nhiều người đã từng sửng sốt trước sự vĩ đại và bí ẩn của Angkor Wat khi tham quan ngôi đền này ở Campuchia.

Những nghiên cứu khảo cổ gần đây cho thấy Angkor Wat không thuộc về nền văn minh của nhân loại lần này, mà rất có thể từ một nền văn minh viễn cổ có công nghệ cao hơn.

Điều kỳ lạ là Angkor Wat có các hoa văn điêu khắc mô tả những con thú đã tuyệt chủng hàng triệu năm trước, còn có hình chạm khắc chiếc kính viễn vọng và hệ Mặt Trời - lại là hình ảnh của tương lai.

Làm sao mà những người thợ điêu khắc ngôi đền này có thể biết những sự việc của quá khứ hàng triệu năm trước, và cả chuyện của hàng trăm năm sau?

Ai mới là người thật sự xây dựng ngôi đền huyền bí này?

Giáo sĩ người Bồ Đào Nha António da Madalena – người đến thăm ngôi đền vào năm 1586, đã kinh ngạc trước vẻ đẹp và sự vĩ đại của Angkor Wat và viết rằng:

“Đó là công trình xây dựng đặc biệt đến mức không thể miêu tả nó bằng bút mực, đặc biệt là vì nó không giống bất cứ công trình xây dựng nào trên thế giới. Nó có các tòa tháp, các họa tiết và các đường nét tinh tế mà chỉ những thiên tài mới có thể thực hiện được”.

Angkor Wat được UNESCO đánh giá là công trình tôn giáo lớn nhất thế giới.

Biểu tượng của nó được in trên lá cờ của đất nước Campuchia xinh đẹp.

Đền Angkor Wat – khu tổ hợp với những kiến trúc đá vĩ đại.
Angkor ở phía Tây Bắc Biển Hồ, thuộc tỉnh Xiêm Riệp, Campuchia, với hơn 1.000 ngôi đền có quy mô khác nhau; bao gồm 2 cụm quần thể cách nhau 1,7km là Angkor Wat và Angkor Thom.

Theo nghĩa hiện đại, Angkor Wat, nghĩa là “Thành phố của những ngôi Đền”, có diện tích lên đến 1,6 triệu m2.

Đền Angkor Wat được ngưỡng mộ bởi vẻ hùng vĩ và hài hòa của kiến trúc, sự phong phú của nghệ thuật điêu khắc và số lượng lớn các tượng Thần được trang hoàng trên tường đá.

Tháp trung tâm của Angkor Wat cao đến 65m, cao hơn bất cứ một tháp chuông nhà thờ nào ở châu Âu được xây dựng trước thế kỷ XV.

Sau khi đế chế Khmer lụi tàn, Angkor Wat dần bị quên lãng.

Vào năm 1860, Angkor Wat được nhà tự nhiên học và nhà thám hiểm người Pháp Henri Mouhot phát hiện ra.

Ông cảm thấy chấn động và viết:
“Một trong những ngôi đền này có thể chiếm một vị trí danh dự bên cạnh những tòa nhà đẹp nhất của chúng ta. Nó vĩ đại hơn bất cứ thứ gì mà Hy Lạp hay La Mã để lại cho chúng ta”.

Một trong những giả thiết nổi bật nhất về Angkor Wat là công trình này không phải được xây dựng bởi người Campuchia vào thế kỷ XII, mà được xây dựng bởi một nền văn minh tiền sử - dựa trên các ghi chép và phát hiện của các nhà khảo cổ học.

Phải chăng đây là công trình của người tiền sử?

1. Trình độ kỹ thuật.
Những phát hiện gần đây của ông Praveen Mohan, một Vlogger và là nhà khảo cổ học nghiệp dư người Ấn Độ, đã mang đến những bằng chứng rất thuyết phục rằng: Với công nghệ 900 năm trước, Angkor Wat khó có thể được xây dựng bởi người Campuchia.

Ông Praveen Mohan tính toán rằng để xây dựng Angkor Wat có diện tích 1,6 triệu m2, phải sử dụng ít nhất 10 triệu m3 đá.

Giả thiết vua Suryavarman II là người đã xây dựng Angkor Wat trong 37 năm, và rằng những người công nhân đã liên tục làm việc 12 đồng hồ/ngày, thì tổng thời gian xây dựng trong 37 năm sẽ là 9.723.600 phút.

Vậy khối lượng đá cần khai thác sẽ tương đương với 1 tấn trong 1 phút.

Mỏ đá tại Phnom Kulen cách Angkor Wat 80km được coi là nơi cung cấp đá chính cho công trình này.

Nhưng có thể dễ dàng nhận ra rằng việc khai thác, vận chuyển 1 tấn đá qua quãng đường 80km, rồi sau đó gia công, gọt, đẽo, lắp ghép…
tất cả diễn ra trong vòng 1 phút là điều không thể làm được, thậm chí kể cả với công nghệ hiện nay.

Giả sử vua Suryavarman II huy động được 1.000 nhóm thợ để làm việc, thì khả năng hoàn thành tất cả các công đoạn trên để lắp ghép 1 tấn đá trong vòng 1000 phút, tương đương 17 giờ - cũng không khả thi với trình độ công nghệ thô sơ của Campuchia 900 năm trước.

Cũng cần lưu ý rằng, để xây dựng Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh có diện tích chưa đến một nửa so với Angkor Wat, người Trung Quốc vào thế kỷ XV cần sử dụng đến 1 triệu công nhân, với hơn 100 ngàn thợ thủ công xây dựng liên tục trong 14 năm.

Rất khó có thể hình dung rằng trong thế kỷ XII, người Khmer lại có tiềm lực ngang bằng hoặc hơn so với Trung Quốc ở thế kỷ XV, để có thể xây dựng được đền Angkor Wat vĩ đại.

2. Trình độ chế tác khác nhau.
Một điều rất dễ nhận ra là hình tượng Thần được tạc trên các cột đá từ thời vua Suryavarman II rất đẹp, nhẵn nhụi; khớp nối giữa các khối đá được làm rất khéo và tỉ mỉ.

Trong khi các bức tượng Phật được tạc thời vua Jayavarman VII sau này lại vô cùng gồ ghề và xộc xệch.

Vì sao công nghệ chế tác giữa 2 thế hệ cách nhau chỉ vài chục năm lại khác nhau một trời một vực như vậy.

Ông Praveen Mohan còn phát hiện trong quần thể Angkor Wat có một tòa tháp nhỏ bằng đá được xây dựng rất xấu - tương phản hoàn toàn về kích thước, công nghệ, kỹ thuật chế tác, độ bền và mức độ thẩm mỹ so với các công trình khác ở Angkor Wat.

So với Angkor Wat, Angkor Thom bị đổ nát khá nhiều và trình độ kiến trúc cũng thua kém xa. Ông Mohan cho rằng những công trình xấu xí và kém bền vững này mới chính là sản phẩm mà người Campuchia 900 năm trước tạo ra.

Còn đại công trình Angkor Wat thì có lẽ không phải là di sản của người Campuchia thời đó.

Mặc dù người ta tìm thấy bức phù điêu khắc hình vua Suryavarman II với Angkor Wat trong quần thể di tích này, nhưng, so với sự vĩ đại, tinh xảo, phức tạp của Angkor Wat thì bức phù điêu về đức vua lại quá đơn giản, nhỏ bé và mờ nhạt; khiến chúng ta tự hỏi làm thế nào mà người đã sáng tạo ra một công trình vĩ đại lại có thể được lưu danh theo hình thức này?

3. Nằm trên một đường thẳng chạy vòng quanh trái đất.
Vài chục năm gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện rằng: Nhiều công trình cổ đại nổi tiếng trên thế giới đều nằm trên một đường thẳng
(còn gọi là đường ley) chạy vòng quanh trái đất.

Một trong những đường như vậy có lộ trình chạy qua:
- Đảo Phục Sinh
- Kim tự tháp Ai Cập
- Các hình vẽ trên cao nguyên Nazca ở Peru
- Angkor Wat
- Kinh đô Persepolis của Đế quốc Ba Tư cổ đại
- Thành phố cổ Mohenjo-Daro
- Đền thờ thần Ammon trên ốc đảo Siwa
- Thành phố bị thất lạc Petra
- Thành phố Ur của nền văn minh Sumer cổ đại
- Vùng Biển Chết ở gần Địa Trung Hải - Dãy núi Himalaya
- Sông Tiền Đường ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc
- Khu di tích lục địa Atlantis trong huyền thoại…

Như vậy, Angkor Wat cũng nằm trên đường ley này.

Ngày nay, nhiều người gọi những đường ley này là kinh mạch của trái đất, vì nó chạy qua những công trình cổ đại có kiến trúc phi thường, và vô cùng bí ẩn; thậm chí có trình độ khoa học kỹ thuật vượt xa nền văn minh nhân loại ngày nay.

4. Dùng kính viễn vọng để quan sát vào 900 năm trước?
Tại một công trình ở Angkor Wat, có chạm khắc cuộc chiến giữa Thần Vishnu và Thần Indra, ông Praveen Mohan phát hiện ra một chi tiết mô tả một người phía Thần Indra sử dụng một vật kỳ lạ để quan sát Thần Vishnu.

Vật thể đó được xác định là một ống kính viễn vọng.

Lịch sử khoa học hiện đại ghi nhận rằng kính viễn vọng được Hans Lippershey phát hiện ra vào năm 1608, cách đây 400 năm.

Vậy làm sao người Campuchia có thể sử dụng chiếc kính này vào 900 năm trước?

Một điều kỳ lạ tương tự, ông Praveen Mohan cũng phát hiện tại ngôi đền Hoysaleswara ở Ấn Độ - được cho là xây dựng từ thế kỷ XII - có hình chạm khắc một trận chiến giữa 2 vị Thần, trong đó cũng có một người sử dụng kính viễn vọng để quan sát; còn có hình chạm khắc của những thứ như tên lửa chiến đấu.

Hai ngôi đền trên đều bằng đá, có kiến trúc cực kỳ phức tạp, được cho là xây dựng trong cùng một thế kỷ, ở 2 đất nước khác nhau; và cùng mô tả kính viễn vọng - một vật thể được coi là phi hiện thực tại thời điểm xây dựng.

Điều này mang lại câu hỏi lớn cho giới khoa học hiện nay.
Nhưng đây chưa phải là điều kỳ lạ nhất…

5. Những hình thú đã tuyệt chủng.
Trên bức tường đá tại Angkor Wat, ông Praveen Mohan đã phát hiện ra hình chạm khắc một con voi 4 sừng. Đây là loài thú có thật trong lịch sử và đã bị tuyệt chủng 2 triệu năm trước.

Một bộ xương hóa thạch của loài thú này được tìm thấy ở Sulawesi, Indonesia và đang được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia nước này.

Ở một trụ đá tròn, ông Praveen phát hiện ra hình chạm khắc của một con thú khác với cái đuôi lúc nào cũng nằm ngang và cái đầu kỳ dị, gọi “linh cẩu răng” (Hyaenodon).

Theo các nhà khoa học, thì những con linh cẩu này đã tuyệt chủng 26 triệu năm trước.

Vậy, vào 900 năm trước
- khi ngành khảo cổ học còn chưa phát triển
- làm thế nào mà những người thợ điêu khắc có thể nghĩ ra được những con thú đã tuyệt chủng này?

6. Những bí ẩn về thiên văn học.
Hàng năm, cứ vào 2 ngày điểm phân (Equinox), tức khoảng ngày 20/3 và 20/9, các du khách có thể chiêm ngưỡng hiện tượng kỳ thú duy nhất trong năm: cảnh mặt trời lên (lúc sáng ngày 20/3) hoặc xuống (lúc chiều ngày 20/9)vào đúng vị trí đỉnh tháp cao nhất của Angkor Wat - khi nhìn từ phía cổng vào của ngôi đền.

Chỉ vào 2 ngày này mặt trời mới có thể đi vào đúng vị trí đó.

Làm sao mà những người Campuchia 900 năm trước có thể xác định được hiện tượng điểm phân và xây dựng Angkor Wat chính xác đến mức độ như thế?

Tại một công trình khác có khắc bức tranh, trong đó Thần Mặt Trời của đạo Hindu ngồi ở giữa và 9 người đang ngồi dưới chắp tay nhìn lên ông.

Điều này mô tả hệ Mặt Trời gồm Mặt Trời và 9 hành tinh lớn đang xoay quanh.

Nhưng cần lưu ý rằng sao Hải vương mới được phát hiện gần 400 năm trước bởi nhà thiên văn học Galileo; còn sao Diêm vương thậm chí mới được phát hiện vào năm 1930.

Cả 2 ngôi sao này không thể được nhìn thấy bằng mắt thường nếu không có kính viễn vọng.

Vậy, vì sao mà những người thợ điêu khắc 900 năm trước ở Campuchia lại có thể có được những kiến thức thiên văn chuẩn xác; và có cả kính viễn vọng để quan sát được 2 hành tinh mới trong hệ Mặt Trời này?

7. Trung tâm của một thành phố tiền công nghiệp lớn nhất thế giới.
Vào năm 2007, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã sử dụng ảnh vệ tinh và các kỹ thuật hiện đại khác - kết luận rằng quần thể Angkor là trung tâm của một thành phố tiền công nghiệp lớn nhất trên thế giới.

Thành phố này có một hệ thống cơ sở hạ tầng phức tạp - kết nối một khu đô thị rộng từ 1.000 đến 3.000km2, tới những ngôi đền nổi tiếng ở trung tâm của thành phố.

Đây được coi là một “thành phố thủy lực” vì có một mạng lưới quản lý nước phức tạp, được sử dụng để ổn định, lưu trữ và phân tán nước một cách có hệ thống nhằm phục vụ sản xuất và sinh sống của lượng dân số từ 750.000 đến 1 triệu người.

Nếu thành phố này thực sự tồn tại vào những năm 1100, thì khi đó, chắc chắn Khmer là một nước hùng cường nhất thế giới, và văn minh của họ hẳn sẽ được lưu truyền đến ngày nay.

Nhưng rõ ràng không phải thế.

Như vậy, chỉ có thể nghi vấn rằng thành phố “tiền công nghiệp” có chứa Angkor Wat là một thành phố tiền sử - được xây dựng bởi những người xuất hiện trước nền văn minh 5.000 năm lần này của chúng ta.

Vậy, ai là chủ nhân thực sự của Angkor Wat vẫn còn là câu hỏi bí ẩn?
Lịch sử nhân loại chứa đựng bao điều bí ẩn và hoàn toàn vượt xa khỏi trí tưởng tượng của con người hiện đại. Có lẽ chúng ta cần thoát khỏi lối tư duy cố hữu, những định kiến, có như vậy, ta mới có thể nhận thức và lý giải một cách rõ ràng và minh xác về nguồn gốc thực sự của những công trình bí ẩn như Angkor Wat.

(Theo The NTD News)
Fb Phan Thế Nghĩa
1687726067802blob.jpg1687726081441blob.jpg1687726094466blob.jpg1687726107102blob.jpg


Pháp nhận định đường dây buôn ma tuý Vietnam Airlines do băng đảng Việt Cộng điều hành

Cảnh sát Pháp phá vỡ một đường dây vận chuyển ma túy rộng lớn giữa các nước Liên Xô cũ, Pháp và Việt Nam. Bảy người Việt Nam tại Pháp, kể cả người cầm đầu, đã bị bắt và bị truy tố.

Đối mặt với các nhà điều tra, Nguyên V, được biết đến với cái tên "Ông Lớn" ("Le Gros"), vẫn một mực không khai báo gì trong thời gian bị cảnh sát Pháp giam giữ và thẩm vấn.

May mắn thay cho các nhân viên cảnh sát điều tra của SDPJ94 (Sở cảnh sát tư pháp tỉnh Val-de-Marne của Pháp), trước đó người đàn ông 37 tuổi này đã luyên thuyên tiết lộ ra nhiều điều trong các cuộc nói chuyện điện thoại mà cảnh sát đã nghe lén được.

Người được cho là ông trùm “Đường dây ma túy Việt” ở Pháp, không nghề nghiệp, đã bị bắt cách đây vài ngày (cuối tháng 3/2023) tại nhà riêng ở thành phố Vitry-sur-Seine, nằm ở ngoại ô phía nam Paris thuộc tỉnh Val-de-Marne.

Vợ anh ta, một thợ làm tóc trở về từ Hoà Lan, cũng bị bắt. Nhà của họ, cũng như căn hộ của một bảo mẫu (Babysitter) ở Paris, quận 13, nơi cất giữ ma túy tổng hợp, đã bị khám xét.

Cả hai vợ chồng đều bị lệnh tống giam vào tù sau khi đưa họ ra trước thẩm phán huyện Créteil (thuộc tỉnh Van-de-Marne).

"Vụ việc còn lâu mới kết thúc"

Một cặp vợ chồng khác sống ở thành phố Vitry-sur-Seine cũng bị bắt giữ. Người đàn ông, một nhân viên thương mại, đã bị tạm giam.

Vợ anh, mẹ của một đứa con 3 tuổi, đã được tại ngoại dưới sự giám sát tư pháp.

Đây chỉ là một phần của cuộc điều tra mà được bắt đầu từ tháng 11 năm ngoái 2022. Tổng cộng cho đến nay, 7 người đã bị truy tố và 6 người trong số họ đã bị tạm giam.

Theo nguồn tin tờ báo có được, gần 120 kg thuốc lắc đã bị tịch thu. “Và vụ việc còn lâu mới kết thúc”, một nguồn tin đáng tin cậy tiết lộ.

Thuốc lắc được giấu trong lọ kem mỹ phẩm hoặc tuýp kem đánh răng

Mùa thu năm ngoái (đầu tháng 11 năm 2022), nhiều kiện hàng chứa gần 70 kg thuốc lắc được phát hiện trong khuôn viên một công ty xuất nhập khẩu.

Công ty này, đặt trụ sở tại vùng Kremlin-Bicêtre (thuộc tỉnh Val-de-Marne), chuyên vận chuyển hàng hóa giữa Pháp và Việt Nam.

“Nhiều sản phẩm, hoàn toàn hợp pháp, được gửi về nước, một nguồn tin thân cận với cuộc điều tra cho biết.

Chỉ khác là ở đó, trong những bịch kẹo không chỉ có kẹo mà còn có cả ma túy tổng hợp”.

Sau khi phát hiện, một kế hoạch đã được đệ trình. Công tố viện ở Créteil đã giao cho cảnh sát tư pháp của tỉnh Val-de-Mamme điều tra, phá vỡ đường dây gửi thuốc lắc đến Việt Nam này.

Dần dần, cảnh sát tìm thấy những người trung gian được “Đường dây Việt" trả tiền thuê mướn làm những công việc khác nhau cho công ty xuất nhập khẩu ở Kremlin-Bicêtre.

Có những người lo việc đóng gói sản phẩm; những người lo việc cất giấu thuốc lắc, chẳng hạn trong lọ kem mỹ phẩm hoặc tuýp kem đánh răng; những người lo việc vận chuyển.

“Thuốc lắc được sản xuất ở một số nước Liên Xô cũ trong các phòng bào chế của băng đảng Việt Nam, một chuyên gia mô tả.

Số ma túy này sau đó được vận chuyển đến một quốc gia trung chuyển. Trong một thời gian dài Đức là nơi trung chuyển.

Trong một thời gian là Pháp. Tại các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, "Đường dây Việt" vẫn luôn tồn tại."

Theo thông tin của Cơ quan phòng chống ma túy Pháp (Ofast), đối với ma túy tổng hợp, Pháp vừa là khu vực trung chuyển vừa là khu vực tiêu thụ thuốc lắc, MDMA, katemine hoặc các sản phẩm tổng hợp mới.

Hiếu Bá Linh biên dịch từ Le Grand Parisien (VNTB)
Du ngoạn Lào, hãy tới Luang Prabang, nơi chưa bị con người tàn phá nhiều

Trần Nguyên Thắng/ATNT Tours & Travel

LUANG PRABANG, Lào (NV) – Vào cuối thế kỷ 19, vết chân của đế quốc Pháp bắt đầu len lỏi vào Indochine (liên bang Đông Dương), họ chia Indochine này ra năm xứ riêng biệt để dễ bề cai trị. Lào (Laos) là một trong năm xứ kể trên.

Hình ảnh đoạn sông Mekong và sông Ou phía Bắc Luang Prabang. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Từ đó có lẽ người Việt mới bắt đầu chú ý nhiều đến đất nước được mệnh danh là “xứ Triệu Voi” này. Lúc này thủ đô của Lào đã chuyển về Vientiane (Vạn Tượng), còn Luang Prabang, một thành phố ươm đầy nét văn hóa của dân tộc Lào, trở thành cố đô từ năm 1560. Ngày nay, cố đô Luang Prabang được UNESCO công nhận là một di sản văn hóa thế giới vào năm 1995.

Lào là một đất nước duy nhất trong vùng Đông Nam Á không có biên giới với biển. Phía Bắc giáp với Trung Hoa, phía Đông giáp với Việt Nam, phía Tây giáp với Miến Điện và Thái Lan, phía Nam giáp với Cambodia.

Không có biển nên người Lào xem sông Mekong là con sông Mẹ, hình thành một đời sống và văn hóa núi rừng xen lẫn với đức tin của nhánh Phật Giáo Tiểu Thừa đến từ Miến Điện-Thái Lan. Hoàn cảnh địa lý khiến họ có những nét văn hóa và kiến trúc hơi khác biệt so với các dân tộc láng giềng Miến-Thái-Cambodia.

Vị trí Luang Prabang nằm gần ngay giữa trung tâm của vùng thượng Lào, bên cạnh dòng chảy của con sông Mekong. Đây là con sông phát xuất từ cao nguyên Tây Tạng chảy đổ về hướng Đông của cao nguyên, đến vùng Thanh Hải-Tứ Xuyên thì dòng sông bị bẻ ngoặc xuôi chảy về phía Nam đổi tên thành Lan Thương Giang, sông vượt qua biên giới Miến-Lào thì được người Lào gọi là sông Mẹ (Mekong). Điều này cho thấy dân tộc Lào âu yếm thương yêu dòng sông này biết dường nào. Có những đoạn sông Mekong được chính phủ Thái-Lào dùng làm phân chia làm biên giới hai xứ. Mekong chảy xuống Nam, qua Cambodia và tạo thành một Biển Hồ nước ngọt thiên nhiên Tonlesap rất lớn trước khi quẹo ngoặt qua Việt Nam chia làm hai nhánh Tiền Giang-Hậu Giang.

Hãy nói về đoạn sông Mekong chảy xuyên qua xứ Lào! Nằm về phía thượng lưu và cách cố đô Luang Prabang khoảng hai giờ thuyền máy là hang động Pak Ou một thắng cảnh nổi tiếng của Lào. Tuy đi thưởng ngoạn một thắng cảnh, nhưng ngồi trên thuyền ngắm dòng sông Mẹ mà tâm tư tôi như khựng lại với con sông Mekong! Có những cảm giác nôn nao rất lạ khi nghĩ về con sông dài chảy suốt từ phương Bắc về nơi mình sinh ra lớn lên mà day dứt cả tâm tư. Những cồn cát hai bên bờ sông, những tảng đá ngầm cho người du khách thấy được sự hiểm trở của Mekong. Hai bên bờ là cánh đồng núi đồi xanh rì với những con trâu đứng bình yên nhai cỏ, thêm vào đó là hình ảnh những đứa bé tắm truồng hồn nhiên bên sông khiến du khách nhớ về một thuở học trò!

Hang động Pak Ou bên sông Mekong, nơi cất giữ các tượng Phật của dân tộc Lào. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Hang động Pak Ou có nghĩa là hang động bên “Cửa sông Ou.” Đây là một thắng cảnh hang động bên sông Mekong. Tuy không lớn lắm, nhưng hang động lại có nhiều ý nghĩa với dân tộc Lào. Người dân Lào vốn dĩ có niềm tin vào Phật Giáo Tiểu Thừa, một nhánh Phật Giáo nguyên thủy truyền sang từ Miến-Thái. Đặc biệt, dân tộc Lào tin thờ biểu tượng “Phật đứng” hơn là các biểu tượng khác như “Phật ngồi” hay “Phật nằm.”

Du ngoạn Lào, đi đến đâu du khách cũng dễ gặp tượng “Phật đứng hai tay xuôi thẳng xuống đất” vì vị thế này biểu tượng cho sự cầu xin mưa. Một biểu tượng khác “Phật đứng và hai tay đưa lên 90 độ, lòng bàn tay đưa ra như cản đối tượng lại,” tôi cảm tưởng Đức Phật như muốn khuyên bảo chúng sinh điều gì trong đời sống “không nên gần quá” và cũng “không nên xa quá,” mình biết chỗ giới hạn của đời sống giữa sinh hoạt nhân thế.

Người Lào tôn kính Đức Phật nên cho dù các bức tượng Phật hư hỏng gãy bể, họ cũng không dám vất đi hay hủy bỏ mà họ đã đưa về hang động Pak Ou để thờ kính. Ngoài ra, trong quá khứ lịch sử mỗi khi có chiến tranh xảy ra giữa Trung Hoa-Lào-Miến và Thái thường thì một trong những chiến phẩm mà các nước này tranh giành nhau là các tượng Phật, nhất là các tượng Phật bằng ngọc bích. Vì thế, hang động Pak Ou của nước Lào là nơi tốt nhất cất giữ các tượng Phật để không bị địch quân lấy đi.

Hang động Pak Ou nằm gần với ngã ba sông Ou và Mekong nên vị thế khá đẹp với không gian sông và núi. Hang động chia làm hai tầng cao, tầng thượng Pak Ou và tầng Hạ Pak Ou. Tầng Hạ không cao lắm, chỉ độ 40-50 mét cao, thông thường du khách ghé đến đây cúng Phật và thưởng ngoạn cảnh sông Mekong. Nếu đôi chân bạn còn cứng cáp thì bạn hãy đọc câu kinh “đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại ‘độ cao của’ núi e sông.” Vượt qua được sự khó khăn này, bạn sẽ đến tầng Thượng Pak Ou đảnh lễ Phật và ngắm nhìn diện mạo con sông Mekong dưới chân.

Các vị tu sĩ Lào đi khất thực vào buổi sáng. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Nhưng đến Luang Prabang mà bạn quên tham dự một buổi “cúng dường bố thí” thì thật là một sự thiếu sót. Cúng dường bố thí và khất thực là điểm văn hóa riêng biệt của Phật Giáo Tiểu Thừa tại các xứ Miến-Thái-Lào. Cúng dường bố thí không có nghĩa là “cho” và khất thực không có nghĩa là “xin.” Cả hai điều này đều vô nghĩa nếu “cúng dường” và “khất thực” không có sự hạnh nguyện của chính những người đang thực hiện hành động này. Hai hạnh nguyện “cúng dường” và “khất thực” hợp nhất thì mới đầy đủ ý nghĩa của hạnh nguyện của những ai mang tâm thân tự nguyện.

Nếu du khách muốn có duyên chứng kiến bữa thọ trai của các tu sĩ Phật Giáo thì bạn nên đến Miến Điện. Viếng thăm các tu viện Miến vào buổi trưa, bạn sẽ có dịp chứng kiến hình ảnh các tăng chúng túa ra từ khắp mọi ngõ ngách trong tu viện đi đến phòng thọ trai để dùng bữa trưa. Nhưng nếu bạn muốn tham dự một buổi khất thực của các nhà sư và bạn là người tham dự phát tâm cúng dường bố thí, bạn hãy đến Luang Prabang.

Trên các con đường phố chính của Luang Prabang mỗi buổi sáng từ 6 giờ đến 6 giờ 30 phút là giờ các vị sư và tu sinh bắt đầu đi khất thực, mỗi vị đều đem theo một bình bát có nắp đậy. Ra khỏi cửa chùa, tăng chúng xếp thành hàng một và khởi hành đi dọc theo các lề đường. Mọi người phát hạnh nguyện cúng dường thường thì tụ tập nơi đây trước 6 giờ sáng.

Bạn có thể đã đặt mua các món cúng dường theo ý. Người ta lo đầy đủ cho bạn như trải một chiếc chiếu, đặt các món cúng dường (thường là một giỏ xôi và một mâm bánh trái) lên chiếu và đưa cho bạn một dải khăn dài. Dải khăn này bạn sẽ vắt chéo qua vai bạn theo tập tục của người Lào. Mỗi lần tăng chúng đi qua, bạn có thể quỳ hay đứng (tùy bạn), nhưng bạn sẽ đưa “món cúng dường” lên trán và có một lời hạnh nguyện nào đó trong tâm. Sau giây phút đó, bạn sẽ bỏ phần cúng dường vào bình bát của tăng sinh.

Laos National Museum với kiến trúc chùa của dân tộc Lào. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Bạn cúng dường bất cứ gì, các vị tăng sinh đều nhận cả. Có lần tôi gặp các vị sư Thái Lan đến thăm viếng Luang Prabang, buổi sáng các vị sư Thái Lan cũng đến đây làm hạnh nguyện cúng dường như bao nhiêu người khác, sư Thái “cho” và sư Lào “nhận,” một hình ảnh thật nhẹ nhàng cho người chứng kiến. Người ta có thể phân biệt các nhà sư Miến, Thái hay Lào dễ dàng qua các màu áo tu. Tu sĩ Miến Điện áo màu đỏ thẫm, các vị sư Thái Lan áo màu vàng sắc đất trong khi vị sư Lào có màu áo đỏ cam. Hình ảnh hai tu sĩ, một áo vàng sắc đất phát tâm cúng dường cho một tu sĩ áo màu đỏ cam cho tôi một hình ảnh vô cùng thích thú giữa không gian chùa chiền xen lẫn với đời sống thế nhân.

Luang Prabang còn cho du khách có dịp thưởng ngoạn về “kiến trúc chùa” Lào. Thí dụ như chùa Xieng Thong cổ kính được xây dựng bên cạnh dòng sông Nam Khan-Mekong. Đây là ngôi chùa quan trọng nhất của Luang Prabang, kiến trúc chùa Xieng Thong được xem như là một kiến trúc tiêu biểu cho chùa Lào. Các lớp mái cong nằm chồng lên nhau nhưng tạo ra một không gian trống giữa hai lớp nhằm tránh không khí khô hay ẩm bên trong chùa, đồng thời tạo ra một sự thoáng mát bên trong chánh điện . Đây chính là điểm riêng biệt trong kiến trúc chùa Lào. Chùa Xieng Thong chia ra ba điện thờ lớn nhỏ khác nhau. Có điện thờ “Phật đứng,” có điện thờ “Phật nằm” và “Phật ngồi” được thờ trong ngôi chánh điện.

Còn nói về thắng cảnh thiên nhiên thì phải nói đến thác nước Kuang Si Fall, cách Luang Prabang khoảng 29 km về phía Nam. Đây là một ngọn ngọn thác tuy nhỏ so với nhiều ngọn thác trên thế giới, nhưng tôi cho là một ngọn thác rất đẹp. Thác nằm giữa rừng cây thiên nhiên, được cấu tạo thành nhiều lớp chồng chất lên nhau, tạo ra nhiều ngọn thác cao có, thấp có. Những điểm này tạo cho Kuang Si một không gian rất ấm cúng, dễ thương và thơ mộng.

Chính nhờ thế mà thác Kuang Si cho tôi liên tưởng đến hồ Plitvice nổi tiếng thế giới bên Croatia Âu Châu (Hồ Plitvice Lake có đến 16 hồ có độ cao khác nhau). Nước hồ Kuang Si cũng xanh biếc màu cẩm thạch, nhưng đặc biệt là có khu vực xa chân thác một đoạn có chỗ dành cho du khách có thể xuống tắm, ngâm mình dưới thác thưởng thức dòng nước mát của Kuang Si. Khu vực thác Kuang Si được chính quyền Luang Prabang giữ gìn sạch sẽ, một điểm du ngoạn thiên nhiên rất đáng đến.

Thác nước Kuang Si Waterfall đẹp nổi tiếng của ngoại ô Luang Prabang. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Luang Prabang vẫn còn những điểm mà tôi chưa nói đến như lên đỉnh đồi Phousi Hill ngắm cảnh bình minh hay hoàng hôn. Thăm chợ đêm hay thưởng thức những bữa ăn tối tại các quán ăn Âu Châu trên khu phố chính, hay bạn ăn thử bữa cơm Lam ống tre của Lào. Người ta so sánh Luang Prabang của Lào và phố cổ Hội An của Việt Nam như là hai chị em. Có điều “cô em” vẫn còn nhỏ và tôi cho là “dễ thương” hơn “cô chị Hội An.”

Bạn hãy đến du ngoạn Luang Prabang, thành phố cho bạn cảm nhận thêm được những nét “hồn nhiên” dịu dàng của một xứ chưa bị bàn tay của con người tàn phá nhiều.

Blog Archive