Tằm Ăn Dâu
Cuối cùng dưới sức ép của nhóm cấp tiến cực đoan, ông Biden đã phải nhượng bộ ký sắc lệnh xoá nợ cho sinh viên. Theo thống kê, hiện nay có 43 triệu sinh viên mang nợ tổng cộng là 1,748 tỷ đô la, vị chi 37.667 đồng cho từng con nợ. Đây là con số nợ khổng lồ nhưng ít người biết lý do tại sao sinh viên lại có thể nợ nhiều đến như thế. Xin mời quý độc giả theo dõi thêm.
Sau khi đọc loạt bài 4 tập “Thành Quả của Obama” và nhiều bài viết về ObamaCare do ông Vũ Linh viết nhiều năm trước, tôi lần mò nghiên cứu thêm về bộ luật vĩ đại này.
Đạo luật ACA dài 11.000 trang, tuy mang tên là luật y tế đại chúng nhưng có rất nhiều điều khoản không ai đọc và hiểu hết kể cả một số nhà lập pháp.
Trước đây, SV phải vay tiền học qua các nhà băng tư, nhưng chính phủ thâu tóm dần việc cho SV vay tiền từ cuối năm 2007, và đến năm 2010 thì chính phủ là cơ quan duy nhất cho vay tiền qua thủ tục FAFSA.
Trong ACA có một điều khoản cho phép đạo luật này được trưng dụng chương trình vay tiền của SV với lời quảng cáo sẽ dùng tiền lời của nợ SV giúp giảm giá tiền chính phủ sẽ phải trả cho bảo hiểm y tế. Tiếng dân gian gọi là mượn đầu heo nấu cháo, bộ Giáo Dục cho hay là tiền lời thu vào của nợ SV đã giảm ngay 80% trong các năm 2012-2015, hai năm sau khi ACA được ký thành luật (1). Nghĩa là nhà nước vừa nhúng tay vào thì thất thu tức khắc.
Khi nhà băng làm chủ nợ, họ mướn nhân viên mẫn cán làm việc với năng suất cao, đòi con nợ phải trả đầy đủ, nếu không họ có các hình phạt như bad credit, không cấp thẻ tín dụng… con nợ không thể mướn nhà, tậu xe hoặc đi làm các công việc quan trọng. Nhân viên chính phủ trây lười, đùn đẩy công việc cho nhau, và nhất là chính phủ không có những biện pháp mạnh và có hiệu quả để bắt con nợ sinh viên phải trả tiền. Bằng chứng rõ ràng là hiện nay có đến 43 triệu người mắc nợ trên 1,766 tỷ mà nhà nước vẫn tiếp tục cho hàng ngàn khách mới vay thêm. Tôi chưa thấy nhà băng tư nào làm việc kiểu này!
Việc xoá nợ cho SV không hẳn là xấu. Có nhiều trường ĐH đã lợi dụng sự cả tin của các SV trẻ tuổi để lừa gạt họ vay tiền học với những lời hứa gian xảo. Năm trường đại học tư bị bộ GD bắt bồi hoàn tiền lại: Corinthian Colleges, ITT Technical Institute, Education Corp of America, Education Management Corporation và University of Phoenix.
Các trường ĐH này cho vay nặng lãi, học phí đắt, hứa hão với SV về bằng cấp được công nhận (accreditation), giáo trình xấu khiến SV không đủ khả năng đậu bằng hành nghề, và bắt buộc SV phải ký giấy nợ trọn gói tiền học mặc dù đã bỏ ngang…
Xin được mở ngoặc nói thêm về sự quan trọng của trường ĐH có những công nhận chính thức của chính phủ (accreditation) để quý độc giả có thể hướng dẫn con em học ĐH nhất là trong trào lưu học online. Bộ GD Mỹ chỉ công nhận tín chỉ ĐH của 6 vùng gồm: Middle States Association, New England Association, North Central Association, Northwest Association, Southern Association và Western Association of Schools and Colleges. Nếu các trường ĐH không được 6 vùng trên công nhận thì các tín chỉ ĐH sẽ không được chuyển lên trường muốn nộp đơn, nghĩa là phải học lại các lớp đó. Tuy nhiên có nhiều ngành nghề chỉ cần bằng ra trường (diploma), hoặc bằng hành nghề (license) thì những bằng cấp đó vẫn được tuyển chọn, các em chỉ gặp khó khăn nếu muốn học thêm lên sau này.
Khi SV vay tiền, những khoản vay mượn này tuy là giấy nợ nhưng đối với các nhà băng các tập giấy nợ ấy có giá trị cao hơn tiền mặt vì nó tiếp tục sinh lời theo lũy tiến của phân lời do ngân hàng ấn định. Các nhà băng nhỏ luôn giao dịch và trao đổi với nhau các giấy nợ SV này liên tục để họ có lời cũng như bớt gánh nặng giữa cán cân tiền mặt và giấy nợ. Nhà băng lớn hơn sẽ mua lại các khoản nợ của ngân hàng nhỏ để họ giúp vốn cho các chi nhánh nhỏ. Vì ngân hàng lớn có khả năng chôn vốn lâu, các ngân hàng nhỏ bán kèm thêm nợ dài hạn như nợ nhà chung với các khoản nợ SV này trở thành những thanh khoản (security) lớn. Các khoản nợ khác nhau được cộng thêm mỗi khi chuyển dịch được ông Nguyễn Xuân Nghĩa đặt tên là kén nợ.
Từ khi chính phủ quyết định làm chủ nợ SV thì họ mua lại hết các security của nhà băng trong đó có rất nhiều các “kén nợ” tốt xấu lẫn lộn. Vì thế số tiền nợ đã vượt quá sức tưởng tượng (2). Một số ĐH có chân trong thị trường chứng khoán cũng trao đổi cổ phiếu với nhiều ngân hàng khác nhau, trong đó rất có thể các hãng đầu tư đại diện cho các quỹ hưu của các công ty lớn cũng đã mua các cổ phiếu và có tiền trong các kén nợ này. Không ai có thể biết được có bao nhiêu tiền do các hãng đầu tư, quỹ 401k của quý độc giả và tiền của Wall Street nằm trong trái bóng nợ này. Làm sao có thể tiên đoán được hậu quả dây chuyền nếu khoản nợ này bỗng chốc biến mất sau nhát ký của ông già lẩm cẩm?
Tuy nhiên, theo tôi, hậu quả xã hội do việc xoá nợ mới là mối quan tâm chính. Việc xoá nợ cho SV sẽ gây ra tiền lệ cho sự lười biếng, vô kỷ luật và mất đi tính tự trọng, tự lập và các giá trị cao quý của con người Hoa Kỳ. Từ nay, chính phủ tạo ra một tật xấu mới để các công dân trẻ mới ra đời phụ thuộc và trông chờ vào nhà nước để nhà nước giải quyết các vấn đề qua những trợ cấp.
Trước đây Franklin D. Roosevelt chế ra quỹ hưu trí để nuôi người già nhưng thực chất là kéo giai cấp có lợi tức thấp phụ thuộc thêm vào nhà nước qua các phúc lợi nhỏ giọt từng tháng. Johnson tạo ra welfare thưởng cho hành động vô trách nhiệm của người cha gây nên nạn single mom, bắt đàn bà và trẻ em sống nhờ các phụ cấp xã hội, trói da đen và giới nghèo thêm vào các khoản tiền ít ỏi. Vì nếu đi làm thì tiền trợ cấp sẽ bị khấu trừ. Ngày nay nếu Obama-Biden thành công trong việc cho thanh niên bú mớm ở ngưỡng cửa đại học và trường đời, e rằng công dân Hoa Kỳ sẽ buông xuôi mọi việc.
We the people, xin hãy nghĩ lại, mỗi khi nhà nước viết thêm một đạo luật ban phát những phúc lợi là các bạn sẽ mất đi một tự do!
Freedom Fighter
Reference:
1. Theroux, M.L. (2018) Surprise: Obamacare Projections on Student Loan Profitability Hit a Snags.
2. Ross, S. (2022). Who Actually Owns Student Debt?
No comments:
Post a Comment